Bài tham khảo: Kể về chuyến đi thăm gia đình thương binh liệt sĩ Ngữ văn 6

Dưới đây là Bài tham khảo: Kể về chuyến đi thăm gia đình thương binh liệt sĩ Ngữ văn 6 trong Tuyển tập 1001 bài làm văn hay lớp 6 cho các em làm mẫu, tham khảo. Nội dung chi tiết bài văn Kể về chuyến đi thăm gia đình thương binh liệt sĩ trong chuyên mục Văn kể chuyện đời thường các em xem dưới đây:


Bài tham khảo 1:

Sáng chủ nhật tuần trước, lớp em tổ chức đi thăm một số gia đình thương binh, liệt sĩ ở địa phương. Tổ em được phân công thăm bà Phan, mẹ liệt sĩ và chú Hiển, thương binh nặng, cụt cả hai chân trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn năm 1975.

Nhà bà Phan nằm sâu trong một con hẻm ở đường Bàn Cờ. Bà là mẹ của liệt sĩ Trương Tấn Quang, hi sinh anh dũng trong chiến dịch biên giới Tây Nam. Bản thân bà trước đây cũng là một cơ sở hoạt động cách mạng nội thành và đã từng bị địch bắt giam, tra tấn dã man.

Tuổi già sức yếu, bà Phan sống dựa vào tiền trợ cấp gia đình liệt sĩ và sự đùm bọc của nhân dân trong phường. Cách đây hơn một tháng, phòng Giáo dục quận 3 đã tặng bà ngôi nhà tình nghĩa, thay thế cho căn nhà dột nát chật chội.

Thấy chúng em tới, bà mừng lắm: Các cháu đến thăm bà đấy ư? Khuôn mặt nhăn nheo vụt tươi lên bởi nụ cười đôn hậu. Bạn Thu Hương thay mặt cho tổ hỏi thăm sức khỏe của bà. Bạn Tiến Thành cắm một bó hoa tươi vào bình rồi kính cẩn đặt lên bàn thờ. Mùi nhang trầm tỏa ấm cả gian nhà. Từ trong ảnh, đôi mắt trong sáng của chú Quang nhìn chúng em trìu mến. Chúng em biếu bà mấy ký đường, vài hộp sữa, chục trứng gà, chục cam và ít thuốc bổ… Bà xúc động cảm ơn chúng em. Em thầm nghĩ là không gì có thể đền đáp xứng đáng công lao của những người mẹ đã cống hiến, hi sinh đứa con ruột thịt của mình cho Tổ quốc.

Rồi chúng em quây quần bên cánh võng, nghe bà kể về những kỉ niệm trong đời hoạt động cách mạng của mình; kể về chú Quang, người con trai yêu quý. Cảnh tượng bà cháu sum vầy thật vui vẻ và ấm cúng.

Từ giã bà Phan, chúng em sang thăm chú Hiển. Chú ngồi trên xe lăn, tươi cười chào đón chúng em. Tuy là một thương binh nặng nhưng chú Hiển vẫn rất lạc quan. Chú là một tấm gương sáng về nghị lực và ý chí khắc phục khó khăn.

Theo lời Bác dạy: Thương binh tàn nhưng không phế, chú Hiển vẫn cần cù làm việc bằng đôi tay tài hoa của mình. Chú hướng dẫn cho vợ con đan lát những mặt hàng thủ công mĩ nghệ bằng mây, tre, lá. Bàn tay cầm súng năm xưa giờ đây đang thoăn thoắt luồn những sợi mây óng chuốt, tạo nên những chiếc khay, chiếc giỏ xinh xắn, làm đẹp cho mọi nhà.

Chúng em nhận giúp đỡ gia đình chú đã hơn nửa năm nay nên đến nhà chú thấy việc là làm. Nhóm nữ giúp cô Hồng dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp. Bạn Thủy, bạn Dung hướng dẫn hai em con chú Hiển giải những bài toán khó. Chúng em quyên góp tiền mua tặng sách vở và một số đồ dùng học tập cho hai em. Chú Hiển nói lên ước nguyện của mình là cố gắng nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Với tình hình sức khỏe và hoàn cảnh gia đình của chú, điều ấy quả thật chẳng dễ chút nào. Nhưng chúng em tin rằng với tinh thần phấn đấu và quyết tâm cao, ước vọng của chú sẽ thành hiện thực.

Buổi đi thăm các gia đình thương binh, liệt sĩ kết thúc tốt đẹp. Trên đường về, chúng em bàn bạc để tìm cách giúp đỡ các gia đình ấy sao cho có hiệu quả hơn. Đạo lí Uống nước nhớ nguồn của dân tộc nhắc nhở chúng em sống sao cho có nghĩa có tình đối với những người có công với đất nước. Em càng hiểu sâu sắc hơn về lòng biết ơn – nền tảng đạo đức, đạo lí truyền thống của dân tộc ta.


Bài tham khảo 2:

Nhân ngày 27/7 vừa qua, trường em đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm tri ân thương binh liệt sĩ. Em và một nhóm các bạn trong lớp được phân công đến thăm gia đình bác Sáu.

Bác Sáu trước kia từng là lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh để giải phóng miền Nam vào năm 1975. Trước đây bác là một thanh niên trí thức đang học đại học tại Hà Nội. Vì nghe theo tiếng gọi của miền Nam thân yêu, bác Sáu đã xung phong nhập ngũ vào trong đó. Cũng trong chiến dịch ấy, bác đã bị thương nặng. Bác bị giặc bắn một viên đạn vào một bên vai, một chân bị tàn tật do trúng lựu đạn. Vì bị tàn tật, bác không còn khả năng lao động như người bình thường khi trở về Hà Nội. Bác Sáu đã mở một quán cắt tóc nho nhỏ trong một ngõ hẻm cạnh nhà. Hiện nay bác và gia đình đang thuê trọ tại một khu nhà trọ cấp bốn.

Nhà trường đã lên kế hoạch thăm thương binh liệt sĩ từ lâu nên đã liên hệ báo trước với gia đình bác về chuyến thăm này. Dẫn đoàn là thầy giáo chủ nhiệm lớp em. Sáng hôm đó, bác đã đóng cửa quán cắt tóc, đứng chờ ở đầu ngõ để đón chúng em vào nhà. Không ngờ con ngõ dẫn đến khu nhà trọ của bác lại nhỏ, hẹp và sâu như vậy. Đến nơi chúng em mới ngỡ ngàng trước sự tồi tàn của khu nhà bác đang thuê. Đó là một dãy trọ mái tôn, tường đã dột nát, xung quanh là đồ đạc ngổn ngang. Bước vào trong nhà, chúng em càng thấu hiểu cho hoàn cảnh của bác.

Cả gia đình Bác có bốn người, tất cả cùng sống trong một căn phòng hơn hai mươi mét vuông chật chội. Khi chúng em đến đã thấy hai anh con trai của bác đang ngồi trên tấm phản trải dưới đất. Chúng em lễ phép chào các anh, cả hai anh ngồi một chỗ và cười đáp lại bằng những nụ cười ngây ngô. Còn vợ bác vẫn đang đi bán rau ngoài chợ chưa về nhà. Chúng em được biết, hai anh con trai của bác đều bị di chứng do nhiễm chất độc màu da cam. Bác đã phải thiệt thòi quá nhiều, không chỉ chịu tổn thương về mặt thể xác mà còn chịu đau đớn về mặt tinh thần.

Chúng em vừa cùng ngồi xuống phản, chơi với hai anh và tặng kẹo bánh, đồ chơi cho các anh. Cả hai anh thích thú lắm, biểu cảm vui mừng như những đứa trẻ. Bác đã trò chuyện và kể nhiều kỉ niệm trong chiến trường cho chúng em nghe. Những vết thương ở vai và ở chân của bác luôn đau nhức, hành hạ bác mỗi khi trái gió trở trời. Chúng em đã hiểu thêm rất nhiều về nỗi khổ mà người lính phải trải qua trong chiến tranh. Bác tâm sự với chúng em:

– Ngày ấy khi từ chiến trường trở về, bác nghĩ rằng cả đời này mình sẽ chỉ sống trong cô đơn đến khi chết. Nhưng không ngờ, người yêu của bác – chính là vợ bác bây giờ đã không từ bỏ bác. Bà ấy đã luôn ở bên động viên, cùng bác vượt qua mọi khó khăn. Bác chỉ muốn có được hạnh phúc giản dị như bao người khác, muốn có những đứa con khỏe mạnh. Nhưng trớ trêu lắm các cháu ạ…

Giọng bác nghẹn ngào, cả căn phòng lặng đi trong tiếng nấc của bác. Cô giáo em đã động viên bác rất nhiều. Sau một hồi trò chuyện, chia sẻ với bác, chúng em xin phép ra về để bác tiếp tục làm việc. Cô giáo chủ nhiệm đã thay mặt trường tặng gia đình bác một số tiền nho nhỏ để bác phần nào trang trải được cuộc sống. Trước khi ra về chúng em không quên chào bác và hai anh. Cả hai anh nhìn chúng em với ánh mắt tiếc nuối như muốn nói điều gì đó.

Chiến tranh là điều không ai muốn, đó là thứ hủy diệt con người, cướp đi hạnh phúc của con người. Chúng em cảm thấy biết ơn những người như bác Sáu đã hi sinh cả tuổi trẻ, hạnh phúc để đem lại sự bình yên cho chúng em ngày hôm nay.


Xem thêm:

Trên đây là Bài tham khảo: Kể về chuyến đi thăm gia đình thương binh liệt sĩ Ngữ văn 6 trong Tuyển tập 1001 bài làm văn hay lớp 6. Chúc các em làm bài Ngữ văn tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com