Chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường Ngữ văn 7

Dưới đây là Bài tham khảo: Chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường Ngữ văn 7 trong Tuyển tập 1001 bài văn hay lớp 7 cho các em làm mẫu, tham khảo. Nội dung chi tiết bài văn Chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường trong chuyên mục Văn nghị luận xã hội các em xem dưới đây:


Đề bài: Em hãy viết một bài văn để chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường.

Bài tham khảo 1:

Môi trường là không gian sống bao bọc xung quanh con người, nó có ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe, sinh hoạt sự tồn tại và phát triển của mỗi chúng ta. Môi trường và con người luôn luôn được đặt trong mối quan hệ khăng khít không thể tách rời chính vì thế có mỗi người cần phải hiểu được rằng “đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường”.

Nhận định trên vô cùng đúng đắn nhằm giáo dục con người ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường. Môi trường là tổng hợp các yếu tố tự nhiên như đất đai, không khí, sông ngòi, cây cối, động vật,…và các yếu tố vật chất nhân tạo như nhà cửa, đường xá, nhà máy, trường học, bệnh viện,…có tác động mạnh mẽ đến cuộc sống con người.

Không một yếu tố nào của môi trường nằm ngoài mối quan hệ với con người. Chúng ta không thể tồn tại nếu không có không khí để thở, nước để uống, thức ăn để ăn. Chúng ta cũng không thể ổn định và phát triển nếu như không có nhà để ở, trường để học và một nơi làm việc để kiếm sống. Môi trường tạo ra sự sống cho con người, vì thế việc trân trọng giữ gìn môi trường cũng chính là để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

Môi trường có vai trò quan trọng đối với đời sống con người. Những cánh rừng đại ngàn bốn mùa tốt tươi là nơi cư ngụ của thảm thực vật và động vật phong phú và quý hiếm có giá trị to lớn về mặt sinh thái và kinh tế. Rừng còn có khả năng ngăn chặn thiên tai, giảm bớt sự thất thường của thời tiết giúp con người tránh được những thiệt hại to lớn do bão lũ gây ra.

Bầu không khí trong lành, sạch mát mà hằng ngày chúng ta đang hít thở là nhờ cây xanh tỏa bóng. Chúng giống như lá phổi khổng lồ của thiên nhiên giữ lại chất độc hại, bụi bặm làm thanh lọc môi trường. Nguồn nước của thiên nhiên cũng phục vụ đắc lực cho con người trong sản xuất và sinh hoạt. Ngoài ra, các yếu tố môi trường nhân tạo cũng ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống con người, môi trường

Môi trường cung cấp sự sống cho con người, nhưng mặt khác sự tồn tại của nó là do sự tác động của con người. Ý thức được tầm quan trọng của môi trường, con người chúng ta đã ra sức trồng cây gây rừng, phù một màu xanh đại ngàn khắp miền rừng núi.

Quy hoạch đô thị, giao thông ở các thành phố đều được chú trọng trồng cây xanh. Ở mỗi địa phương, rác thải đều được quy định về chỗ đổ và cách xử lí an toàn với môi trường. Sông ngòi cũng thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ đảm bảo nguồn nước vệ sinh cho con người sử dụng.

Nhà nước cũng có nhiều chính sách thiết thực để phục vụ đắc lực cho việc giữ gìn và bảo vệ môi trường như tăng cường đội ngũ cán bộ thủy nông môi trường, khuyến khích những hành động xây dựng môi trường của người dân.

Tuy nhiên, có một bộ phận không nhỏ người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của môi trường, vì những lợi ích kinh tế trước mắt mà phá hủy đi môi trường sống của mình. Nạn phá rừng vẫn còn diễn ra ở một số đồng bào dân tộc do sự thiếu hiểu biết.

Bọn lâm tặc ngang nhiên hoành hành, chặt phá cây cối gây tổn hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, Đó chính là căn nguyên cốt lõi vì sao gần đây thời tiết diễn biến thất thường, con người liên tiếp phải chịu những hậu quả do thiên tai gây ra. Hàng trăm người chết, hàng nghìn ngôi nhà bị cuốn trôi chính là nỗi đau mà con người phải gánh chịu khi làm tổn thương môi trường.

Nguy hại hơn nữa, thời gian gần đây hiện tượng nước thải nhà máy xả ra môi trường biển, sông ngòi đã gây ra thiệt hại to lớn. Vụ việc của nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh xả hàng trăm tấn hóa chất độc hại trực tiếp xuống biển làm ô nhiễm nặng nề, dòng nước xanh trở thành dòng biển chết, biết bao tài nguyên biển bị hủy hoại.

Hay hiện tượng cá chết diện rộng ở Hồ Tây, Hà Nội cũng là lời cảnh cao nghiêm khắc cho việc hủy hoại môi trường nước của những kẻ vô ý thức. Trước những sự việc, hành động ấy ta cần phải lên tiếng phê phán lên án nghiêm khắc. Đặc biệt nhà nước cần phải có những biện pháp cứng rắn trừng trị những kẻ phá hoại môi trường.

Mối quan hệ giữa môi trường và con người là mối quan hệ hai chiều có sự tác động qua lại với nhau. Môi trường có trong lành sạch đẹp thì đời sống và sức khỏe con người mới có thể bảo đảm. Mặt khác nếu như không có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, con người sẽ phải gánh những hậu quả nặng nề mà không ai có thể lường trước. Chính vì thế mỗi chúng ta cần phải chung tay vì một môi trường xanh sạch đẹp, vì hạnh phúc và tương lai của ta và cả những thế hệ sau.


Bài tham khảo 2:

Trong những năm gần đây, các hội nghị bàn về môi trường liên tục được tổ chức ở phạm vi khu vực và toàn cầu vì nạn ô nhiễm môi trường đã đến lúc báo động . Bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống đã trở thành vấn đề cấp thiết, được toàn nhân loại hết sức quan tâm.

Đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường. Đó là một điều hiển nhiên không thể phủ nhận. Hằng ngày, qua các phương tiện thông tin như báo chí, truyền hình, phát thanh… chúng ta thấy thiên tai xảy ra liên tục: bão lụt, mưa lớn, hạn hán, nắng nóng kéo dài xuất hiện trên khắp các châu lục Á, Âu, Phi, Mĩ… kéo theo bao thảm họa không thể lường trước được.

Ngay ở nước ta, hằng năm cứ đến mùa mưa là nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn, hung hãn đổ về, phá vỡ đê điều, cuốn trôi nhà cửa, mùa màng và cướp đi bao sinh mạng. Rồi núi lở, lũ bùn, lũ quét bất thần ập đến, gây ra cảnh tượng mất mát, đau thương… Tất cả những thứ đó đều là hậu quả của việc phá rừng vô tội vạ vì rừng bị phá đồng nghĩa với việc vành đai bảo vệ không còn nữa, con người sẽ phải thường xuyên đối mặt với thiên tai.

Do không có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của môi trường sống nên con người đã tự gây hại cho mình. Vì nguồn lợi trước mắt, không ít kẻ phá rừng, phá biển. Chặt cây lấy gỗ, mở mang diện tích trồng trọt, canh tác; đốt nương làm rẫy, săn bắt thú quý… những việc làm đó kéo dài trong nhiều năm sẽ làm cho diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp lại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự cân bằng sinh thái.

Những vụ phá rừng với nguy cơ lớn tiêu biểu như ở Tánh Linh, Bình Thuận, ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ở Tây Nguyên… hay vụ cháy mấy ngàn hecta rừng nguyên sinh ở U Minh là những ví dụ điển hình.

Tục ngữ có câu: Tiền rừng, bạc biển, Rừng vàng, biển bạc… nhưng không có nghĩa rừng, biển là kho tàng vô tận. Cây chặt mãi cũng phải hết; tôm cá nào sinh sản cho kịp với kiểu đánh bắt bằng thuốc nổ, bằng điện, bằng hóa chất của không ít người tham lam, vô ý thức hiện nay?

Nếu khai thác không đi đôi với giữu gìn, bảo vệ và phát triển thì hai nguồn tài nguyên lớn ấy sẽ dần dần cạn kiệt. Hai môi trường sống chính bị suy thoái thì cuộc sống con người sẽ không thể tốt lành.

Nói gần hơn, cụ thể hơn là môi trường xung quanh. Hiện nay, các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… ô nhiễm đã đến mức báo động. Không khí mịt mù khói xăng, khói từ các nhà máy, các xí nghiệp thải ra. Các chất đọc từ khói là một trong những nguyên nhân gây bệnh ngoài ra, bệnh đường hô hấp, thần kinh…

Khí thải, chất thải, nước thải không được xử lí kịp thời cũng là nguồn bùng phát và lây lan bệnh dịch. Có thể nói môi trường ô nhiễm tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho cuộc sống và tính mạng con người nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó.

Không ít người có thói xấu là vứt rác, đổ nước bẩn, khạc nhổ, phóng uế bừa bãi… ra nơi công cộng, làm cho cảnh quan đô thị trở nên nhếch nhác, kém văn minh. Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân là rất quan trọng và cần thiết, phải làm thường xuyên, liên tục.

Nông thôn trước đây thường được coi là không gian trong lành, yên tĩnh nhưng hiện tại, với tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh chóng thì những tính chất ấy không còn nguyên vẹn như xưa. Sự thiếu hiểu biết về khoa học kĩ thuật của nông dân cũng gây ra nhiều tác hại như việc lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu… trong trồng trọt, chăn nuôi dẫn đến ô nhiễm đất đai, ô nhiễm nguồn nước sạch, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sức sản xuất…

Môi trường xanh, sạch, đẹp là môi trường lí tưởng cho cuộc sống con người, bởi thế mỗi cá nhân phải có ý thức bảo vệ nó. Ý thức đó không chỉ dừng lại ở lí thuyết mà phải biến thành hành động cụ thể hằng ngày như trông thêm cây xanh, tiết kiệm nước sạch, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng… Nhiều việc nhỏ góp lại thành việc lớn. Trong tương lại không xa, chúng ta sẽ được sống an lành, hạnh phúc trong một môi trường lí tưởng do chính chúng ta tạo dựng nên.


Bài tham khảo 3:

Trái Đất chúng ta là một tạo vật kì diệu. Địa Cầu như người mẹ nuôi chúng ta, luôn chiều chuộng cung cấp cho hàng tỷ đứa con bé nhỏ những điều tuyệt vời nhất. Nơi chúng ta sống, mọi thứ xung quanh đều được dùng 1 từ để diễn tả: “Môi trường” – không phải là một vật thể sống nhưng với tầm vóc của nó, nó có sức ảnh hưởng hết sức lớn lao đối với chúng ta.

Môi trường, khi hiền hoà, khi dễ chịu, khi lại phẫn nộ, giận dữ – nó dựa vào những hành động chúng ta làm với nó và trả lại đủ – môi trường sẽ cuốn phăng đi mọi thứ đang hiện hữu, để chúng biến mất vào hư vô nếu chúng ta không quan tâm bảo vệ nó.

Môi trường sống là gì? Môi trường sống xung quanh ta là những điều kì diệu, là những điều kiện tự nhiên về vật chất, tinh thần, bao gồm: nhà cửa, đất, nước, không khí, cây cối, bầu trời…Thời gian trôi qua, khi công nghệ hiện đại ngày càng phát triển, những mẩu sắt thép đã dần thay thế cho những khúc gỗ đơn sơ, và những ánh đèn dầu mập mờ đã không còn nữa, nhường chỗ cho những bóng đèn điện quang sáng rực giữa màn đêm.

Mọi người cứ nghĩ thiên nhiên đã không còn vĩ đại như xưa, đều có thể thế bởi những thứ tạo ra từ đôi bàn tay đầy kĩ thuật của con người, rằng gỗ chẳng thể nào sánh được với sắt, hay bóng cây so với quạt máy vẫn còn kém xa. Nhưng, đã có ai từng tự hỏi kim loại từ đâu mà ra, hay chiếc quạt tiện dụng ấy được cấu tạo từ thứ gì? Câu trả lời lại đơn giản lắm: những thứ ta sử dụng hôm nay, đều có nguồn gốc xuất xứ từ môi trường đó thôi!

Đất đai? Đất là một tài nguyên vô cùng quý giá, là mầm móng cho tất cả mọi thứ, là điểm khởi đầu cho những sự vật chúng ta gây dựng nên, là nơi chôn cất bao nhiêu bí mật, là nơi cất giữ thật nhiều khoáng sản. Cao ốc, trường học, nhà cửa,….

Nơi ta đang sống, gắn bó, nơi bảo vệ ta, nơi ta chơi đùa và nghỉ ngơi phải chăng đều được xây dựng bằng gạch, bằng cát, bằng cốt thép xi măng hay tự mọc lên? Đất còn là nguồn tài nguyên khoáng sản.Vòng vàng, trang sức, dầu mỏ, hay các vũ khí chiến tranh đều từ dưới lòng đất mà lên cả thôi đấy chứ! Có đất, cây cối, rau củ,động vật,… mới có thể sống và phục vụ con người chứ nhỉ?

Chúng ta cũng không thể sống nếu thiếu không khí. Không khí là yếu tố sống của nhân loại. Không có không khí, không có khí O2 và khí CO2, liệu con người và các loài động,thực vật có thể sống và làm việc như thế này? Không chỉ những nguyên tố ấy, nước cũng là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống. Nước dùng để uống, để sinh hoạt và phục vụ cho nông nghiệp và công nghiệp…

Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng biết, môi trường sống tạo nên hạnh phúc, niềm vui một bầu trời trong xanh cho chúng ta. Nó cung cấp ô-xi, mang lại không khí trong lành, dễ chịu. Môi trường sống trong sạch bảo vệ sức khỏe con người, ngăn cản các vi sinh vật có hại, nước sạch ngăn cản bọ gậy, ruồi muỗi…

Mang lại cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trù phú, là nguồn giải trí của con người. Có cây cối, thì sẽ có rừng, rừng ngăn chặn lũ lụt, sóng thần,…Tất cả đều thật quý giá biết bao. Thật sung sướng khi được sống trong một môi trường như vậy. Quả thật không sai khi nói thiên nhiên, môi trường sống của ta là “rừng vàng biển bạc” mà!

Cuộc sống ấy quá đỗi yên bình và tràn ngập hạnh phúc. Thế nhưng, trong những năm trở lại đây, môi trường sống đang là chủ đề được nhắc đến như “điểm nóng” của tình hình thế giới. Các hội thảo, các hội nghị quốc tế….đều xoay quanh một bức thông điệp thiết tha: Hãy cứu lấy môi trường!

Vì sao vậy? Vì khi môi trường sống xanh,sạch,đẹp này biến mất đi, loài người cũng sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt, đời sống chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn. Nên mỗi người chúng ta phải có ý thức bảo vệ nó vậy mà không biết bao nhiêu người thiếu ý thức đang nhúng bàn tay của mình vào phá hoại thiên nhiên – phá hoại môi trường sống.

Con người- một động vật thông minh nhất hành tinh.Họ đã làm gì vậy, có ai thấy được không? Xả rác bừa bãi, rác thải công nghiệp, xả rác ra kênh rạch ao hồ,…

Chẳng hạn như việc rác thải bị xả ra sông Thị Vải, sông Tô Lịch năm 2008, hay ở khu công nghiệp Vedan thải ra sông Đồng Nai làm chết biết bao nhiêu sinh vật dưới nước, làm cho biết bao nhiêu người dân ở khu đó phải khổ sở. Hay là phá rừng xây dựng công trình và đem bán như các vụ lâm tặc ở Nghệ An, Đắc Lắc…

Ngoài ra, còn có các vụ cháy rừng ở Ấn Độ, Malaysia,… hoặc vụ cháy rừng U Minh ở Việt Nam năm 2003,…Đào xới đất bừa bãi, phá vỡ đê điều, sử dụng thuốc trừ sau, diệt cỏ hay phân bón hóa học, đổ dầu ra biển cũng không ngoại lệ.Làm Trái Đất nóng lên, tạo ra hiện tượng nhà kính khiến băng tan hay chế tạo vũ khí chiến tranh hạt nhân một cách bừa bãi cũng là một hành động tàn ác trong danh sách phá hoại của con người.

Để rồi ta thấy được rằng không khí bị ô nhiễm do không có cây cối và do khí thải. Con người mất nơi giải trí, vui chơi. Tầng ozon bị thủng, tia cực tím chiếu thẳng xuống mặt đất làm hại làn da của con người. Đất bị xói mòn, đồi trọc, nông nghiệp sa sút.

Triệu triệu cây gỗ, màu xanh của Trái Đất dần mất đi và không khí không còn được điều hòa, mất cân bằng sinh thái. Tạo ra bệnh tật (ung thư,…dị biến lâu dài của chất độc màu da cam…) chưa hết mà bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán còn xảy ra liên tiếp. Khiến các sinh vật trên cạn và dưới nước bị diệt vong, khiến hàng ngàn loài vật bị tuyệt chủng. Không chỉ dừng lại như vậy mà họ còn phá hoại nền kinh tế trầm trọng, gây ra khủng hoảng kinh tế cả thế giới…

Hãy tưởng tượng xem, lỡ như một lúc nào đó ta không còn được nhìn thấy những cánh chim sải cánh bay lượn tự do nữa, không còn được bước đi trên bãi cát trắng mịn và nghe tiếng hát du dương, vỗ về của biển, không còn con thuyền êm đềm sông nước, không còn dòng suối róc rách hay cá bơi lội tung tăng, không còn những ngày hạnh phúc và yên bình…nữa.

Mà thay vào đó là bầu trời tối đen không ánh nắng, mặt biển bập bềnh những rác, cá chết trôi,dòng nước sạch bị đục ngầu, hay các hiện tượng sạt lở đất,sóng thần, băng tan,động đất, hạn hán xảy ra thường xuyên…Liệu con người có thể sống chứ? Liệu rằng lúc đó, con người có thể an nhàn khi sống trong một hành tinh như vậy chứ? Hãy tự hỏi mình và suy nghĩ đến điều đó đi nhé.

Biết rằng con người ai cũng sợ hãi cảnh đó nhưng sao cứ phá hoại thiên nhiên, phá hoại môi trường sống và phá hoại nhà ở của động, thực vật? Chúng ta có thể biết chắc rằng vì họ cần tiền để mưu sinh, nhưng vấn đề đang nói đến là họ chỉ biết nhìn cái lợi trước mắt mà không biết suy nghĩ đến cái xã hội tương lai về sau này, vì họ nghĩ thiên nhiên là của chung nên họ không cần phải bảo vệ…Họ luôn tàn khốc mọi thứ, kể cả nhà ở của những loài động, thực vật hay những sinh vật vô tội,… Con người thật đáng sợ!

Năm 1992, Severn, cô gái Canada 12 tuổi và những người bạn của mình đã đến với Hội thảo vì môi trường (Rio) bằng chính tiền của cô và các bạn dành dụm được. Severn đã chỉ cho những con người được gọi là thông minh, những đất nước được cho là văn minh, phát triển về những gì họ đã và đang gây ra cho thế hệ tương lai những lời hứa hẹn mà chưa một lần hành động của họ.

Giờ đây, Severn đã 31 tuổi nhưng bài diễn văn của cô cách đây gần 20 năm vẫn sống mãi với thời gian bởi những lời lẽ và lập luận sắc bén, đanh thép của mình, cũng như phản ánh rất đúng thực tại cuộc sống xã hội của ngày ấy và bây giờ.

Như chúng ta thấy đó, khi chỉ là một đứa trẻ, cô đã mạnh dạn đứng lên bày tỏ suy nghĩ của mình một cách đúng đắn nhất. Vậy tại sao chúng ta, những người học sinh đang ở độ tuổi này, hay những con người đã thành đạt, không biết suy nghĩ đến cái tương lai của xã hội, đến một lúc nào đó nhân loại ta sẽ bị diệt vong?Hãy nhắm mắt lại và suy nghĩ đến điều đó, bạn nhé!

Môi trường sống rất quan trọng, hơn bất cứ thứ gì.Khi còn là một học sinh, còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta hãy biết nhận thức diều đó và hãy biết hành động.

Ta có thể: thường xuyên dọn vệ sinh khu phố, xóm làng, nhà cửa, nơi mình ở, không xả rác bừa bãi hay ném rác ra kênh rạch, ao hồ, tích cực trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc, không đốn cây, tuyên truyền cho mọi người cùng tham gia bảo vệ môi trường, cứu lấy lá phổi xanh của chúng ta,…

Nếu mỗi nhóm , mỗi đơn vị , mỗi người đều hành động, thương yêu chăm sóc cho thiên nhiên thì có lẽ thế giới của chúng ta sẽ khác. Mỗi hành động của chúng ta đều mang một ý nghĩa tiêu biểu . Khi chúng ta làm việc gì đó với ý định muốn bảo tồn , lực lượng đầy lòng thương yêu quan tâm này sẽ truyền ra từ một góc của chúng ta trên thế giới tới toàn thể tinh cầu.

Địa cầu sẽ được bảo toàn , gìn giữ ; mùa màng sẽ được bảo vệ , kinh tế toàn cầu sẽ được duy trì , và mọi người sẽ có thức ăn . Thế giới sẽ có đủ tài nguyên và đủ thực phẩm cho tất cả mọi người . Chúng ta làm như vậy không phải vì tiền, mà là để chúng ta được sống, tiếp tục làm việc, tiếp tục cảm nhận sự trong xanh của thiên nhiên mà thôi.Đó! Bạn thấy đó, thay vì ngồi một chỗ thì sao ta không bắt đầu hành động ngay trước khi quá muộn, hãy nhớ lấy điều này nhé!

Môi trường sống quanh ta, người bạn thân thiết của ta đang bị đe dọa. Đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu môi trường sống bị phá hoại, do chính bàn ta chúng ta…Thiên nhiên mang đến mọi điều tuyệt vời nhưng có thể lấy đi tất cả nếu chúng ta làm nó nổi giận,dù rằng trước đó nó không hề đòi hỏi gì, hãy nhớ điều này! Vì thế nên hãy dừng bàn tay độc ác đó lại, tôi cầu xin các bạn, và hãy hành động để bảo vệ môi trường sống của chúng ta đi nhé!


Xem thêm:

Trên đây là Bài tham khảo: Chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường Ngữ văn 7 trong Tuyển tập 1001 bài văn hay lớp 7. Chúc các em làm bài Ngữ văn tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com