Giải bài 1 2 3 4 5 trang 30 sgk Sinh Học 12

Hướng dẫn giải Bài 6. Đột biến số lượng nhiễm sắc thể sgk Sinh Học 12. Nội dung bài Giải bài 1 2 3 4 5 trang 30 sgk Sinh Học 12 bao gồm đầy đủ phần lý thuyết, câu hỏi quan sát, thảo luận, chuyên đề sinh học và bài tập có trong SGK để giúp các em học tốt môn sinh học 12, ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia.


LÍ THUYẾT

I – Đột biến lệch bội

Khái niệm: Là sự biến đổi số lượng NST xảy ra ở 1 hay một số cặp NST tương đồng trong tế bào, tạo nên các thể lệch bội.

Ví dụ như người bị bệnh Đao: cặp NST số 21 có 3 chiếc – là thể lệch bội .

Nguyên nhân: Do tác động của các tác nhân lí hoá trong môi trường (tia phóng xạ, tia tử ngoại, các hoá chất gây đột biến) hoặc rối loạn trao đổi chất nội bào.

→ Một hay một số cặp NST nào đó không phân li trong phân bào nguyên phân hoặc giảm phân → Tạo ra các thể lệch bội.

Cơ chế: Sự không phân li của một hay một số cặp NST trong giảm phân tạo ra các loại giao tử thừa hay thiếu một vài NST. Các loại giao tử này kết hợp với giao tử bình thường sẽ tạo ra các thể lệch bội.

Vai trò và ứng dụng của đột biến lệch bội:

– Đột biến lệch bội thường gây hại cho cơ thể → phát triển không bình thường, mất hoặc giảm khả năng sống, khả năng sinh sản hữu tính,

– Đột biến lệch bội cung cấp nguồn nguyên liệu cho quá trình tiến hóa.

– Trong chọn giống có thể sử dụng đột biến lệch bội để đưa các NST mong muốn vào một giống cây trồng nào đó, sử dụng thể lệch bội để xác định vị trí gen trên NST.

II – Đột biến đa bội và thể đa bội

Khái niệm: Đột biến đa bội là sự biến đổi số lượng NST ở tất cả các cặp NST trong tế bào theo hướng tăng thêm số nguyên lần bộ đơn bội và lớn hơn 2n hình thành các thể đa bội.

Tự đa bội: là sự tăng một số nguyên lần bộ NST đơn bội của cùng một loài, gồm các thể đa bội lẻ 3n, 5n, 7n…và các thể đa bội chẵn 4n, 6n, 8n…

Dị đa bội: là hiện tượng cả hai bộ NST lưỡng bội của hai loài khác nhau cùng tồn tại trong một tế bào. Thể song nhị bội là cơ thể mà trong tế bào có 2 bộ NST 2n của 2 loài khác nhau, hình thành từ lai xa và đã qua đa bội hoá hoặc lai tế bào sinh dưỡng khác loài.

Nguyên nhân: Do tác động của các tác nhân lý hoá hay sự rối loạn của trao đổi chất nội bào → cho thoi vô sắc không hình thành trong phân bào dẫn tất cả NST nhân đôi đều không phân li → bộ NST trong tế bào tăng lên gấp đôi.

Cơ chế phát sinh:

Cơ chế phát sinh các thể tự đa bội:

Cơ chế tự đa bội

Cơ chế phát sinh thể dị đa bội:

Cơ chế dị đa bội

Đặc điểm của thể đa bội:

Thể đa bội khá phổ biến ở thực vật, ít gặp ở động vật. Vì cơ thể động vật có hệ thống thần kinh phát triến phức tạp nên khi bị đột biến đa bội thường chết.

– Tế bào của thể đa bội có hàm lượng ADN tăng gấp bội nên quá trình sinh tổng hợp các chất hữu cơ diễn ra mạnh mẽ→ tế bào to, cơ quan sinh dưỡng như thân, lá, củ lớn hơn thể lưỡng bội khả năng phát triển khoẻ, chống chịu tốt..

– Các thể đa bội chẵn có khả năng sinh sản hữu tính, trong khi đó các thể tự đa bội lẻ hầu như không có khả năng sinh giao tử → quả không có hạt.

Vai trò và ứng dụng của đột biến đa bội:

– Trong tiến hóa, các thể tự đa bội chẵn và dị đa bội góp phần tạo ra các loài mới một cách nhanh chóng.

– Tạo ra các giống cây trông có năng suất cao.


?

Sau đây là phần Hướng dẫn trả lời các câu hỏi, vấn đề mà khi đọc học sinh cần suy nghĩ, liên hệ thực tế để hiểu rõ kiến thức.

Trả lời câu hỏi trang 30 sinh 12

? Tại sao đột biến lệch bội thường gây hậu quả nặng nề cho thể đột biến hơn là đột biến đa bội?

Trả lời:

Bởi vì sự tăng giảm số lượng của một hay một vài cặp NST một cách khác thường đã làm mất cân bằng của toàn hệ gen nên các thể lệch bội thường không sống được hay giảm sức sống, giảm khả năng sinh sản.

Thực tế cho thấy trong số các ca thai bị sảy tự nhiên có bất thường về bộ NST thì thể 1 chiểm 15,3%, thể ba chiếm 53,7% ⟶ đa số lệch bội gây chết từ giai đoạn phôi, nếu sống được cũng giảm sức sống và khả năng sinh sản.

VD: Hội chứng Down: 3 NST số 21 (NST số 21 có kích thước nhỏ nhất trong bộ NST).


CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

Dưới đây là phần Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 4 5 trang 30 sgk Sinh Học 12 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Nội dung chi tiết câu trả lời, bài giải các câu hỏi và bài tập các bạn xem sau đây:

1. Giải bài 1 trang 30 sinh 12

Nêu các dạng đột biến lệch bội ở sinh vật lưỡng bội và hậu quả của từng dạng.

Trả lời:

– Ở sinh vật lưỡng bội, đột biến lệch bội thường có dạng chính như thể không (2n – 2); thể một (2n – 1); thể một kép (2n – 1 – 1); thể ba (2n +1 ); thể bốn (2n + 2); thể bốn kép (2n + 2 + 2 ).

– Hậu quả của đột biến lệch bội: Sự tăng hay giảm số lượng của một hay vài cặp NST một cách khác thường đã làm mất cân bằng của toàn hệ gen nên các thể lêch bội thường không sống được hay giảm sức sống, giảm khả năng sinh sản tùy loài.

Ở động vật, thể lệch bội ở NST thường sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn ở thực vật. Nếu là thể lệch bội ở NST lớn chứa nhiều gen thì dẫn đến gây chết. Nếu lệch bội ở NST nhỏ, chứa ít gen thì gây nên các biến dị khác nhau.

Ví dụ: Ở người, hội chứng Đao do có ba NST 21 thể hiện các triệu chứng: cổ ngắn, mắt một mí, khe mắt xếch, lưỡi dài và dày, ngón tay ngắn, chạm phát triển, si đần và không có con. Tỉ lệ xuất hiện hội chứng Đao tăng lên cùng với lứa tuổi người mẹ khi sinh đẻ. Tỉ lệ này ở những người mẹ dưới 30 tuổi là 0,05%, tuổi 40 là 1 % trên 45 tuổi ti lệ này tăng lên 2%. Do vậy, phụ nữ không nên sinh đẻ khi tuổi đã ngoài 35 vì ở những tuổi này sinh lí tế bào dễ bị rối loạn.


2. Giải bài 2 trang 30 sinh 12

Phân biệt tự đa bội và dị đa bội. Thế nào là thể song nhị bội?

Trả lời:

– Có 2 dạng đa bội là dị đa bội và tự đa bội:

+ Tự đa bội (đa bội cùng nguồn) là sự tăng 1 số nguyên lần số NST đơn bội (lớn hơn 2n) của cùng 1 loài, có 2 dạng là đa bội lẻ (3n, 5n,..) và đa bội chẵn (4n, 6n…)

+ Dị đa bội (đa bội khác nguồn) là hiện tượng bộ NST lưỡng bội của 2 loài khác nhau tồn tại trong 1 tế bào (thể song nhị bội)

– Thể song nhị bội: Hiện tượng ở con lai xảy ra đột biến đa bội làm tăng gấp đôi số lượng cả 2 bộ NST của hai loài khác nhau thì sẽ tạo ra thể dị tứ bội (còn được gọi là thể song nhị bội).


3. Giải bài 3 trang 30 sinh 12

Nêu một vài ví dụ về hiện tượng đa bội thế ở thực vật

Trả lời:

Ở thực vật, đa bội thể là hiện tượng khá phổ biến ở hầu hết các nhóm cây, như: lúa mì lục bội (6n = 42), khoai tây tứ bội (4n = 48), chuối nhà tam bội (3n = 27), dâu tây bát bội (8n = 56), dưa hấu tam bội, nho tứ bội…


4. Giải bài 4 trang 30 sinh 12

Nêu các đặc điểm của thể đa bội.

Trả lời:

– Đa bội thể là trạng thái trong tế bào chứa ba hoặc nhiều hơn ba lần số đơn bội NST (3n hoặc 4n, 5n…). Những cơ thể mang các tế bào có 3n, 4n… NST gọi là thể đa bội.

– Thể đa bội: ở thực vật có cơ quan sinh dưỡng to, có kích thước lớn, chứa nhiều chất dinh dưỡng, đa bội lẻ không hạt và có một số đặc tính khác. Thể dị đa bội có thể tạo ra loài mới.

Chuối tam bội (bên trên) và chuối lưỡng bội (có hạt bên dưới).

5. Giải bài 5 trang 30 sinh 12

Sự không phân li của một cặp NST tương đồng ở tế bào sinh dưỡng sẽ làm xuất hiện điều gì? Câu trả lời đúng là:

A. Tất cả các tế bào của cơ thể đểu mang đột biến.

B. Chỉ cơ quan sinh dục mang tế bào đột biến.

C. Tất cả các tế bào sinh dưỡng đểu mang đột biến, còn tế bào sinh dục thì không.

D. Trong cơ thể sẽ có hai dòng tế bào: dòng bình thường và dòng mang đột biến

Trả lời:

Các tế bào có 1 cặp NST không phân ly trong nguyên phân sẽ tạo ra 2 dòng tế bào con có bộ NST 2n+1 và 2n-1 đây là 2 dòng tế bào đột biến

Các tế bào khác nguyên phân bình thường tạo các tế bào con 2n

Như vậy trong cơ thể sẽ có 2 dòng tế bào: dòng bình thường và dòng mang đột biến

⇒ Đáp án: D.


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 4 5 trang 30 sgk Sinh Học 12 đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn sinh học 12 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com