Giải bài 1 2 3 4 5 trang 7 sgk Hóa Học 11

Hướng dẫn giải Bài 1. Sự điện li sgk Hóa Học 11. Nội dung bài Giải bài 1 2 3 4 5 trang 7 sgk Hóa Học 11 bao gồm đầy đủ phần lý thuyết và bài tập, đi kèm công thức, phương trình hóa học, chuyên đề… có trong SGK để giúp các em học sinh học tốt môn hóa học 11, ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia.


LÍ THUYẾT

I. Định nghĩa

– Sự điện li là quá trình phân li các chất trong nước hoặc khi nóng chảy thành ion.

– Dung dịch (dd) dẫn điện được là do trong dung dịch của chúng có các hạt mang điện tích chuyển động tự do được gọi là các ion.

– Chất điện li là những chất khi tan trong nước phân li ra ion.

– Axit, bazơ, muối đều là những chất điện li.

II. Phân loại

– Chất điện li mạnh là chất khi tan trong nước, các phân tử hòa tan phân li hoàn toàn.

Ví dụ:

Na2SO4 → 2Na+ + SO42-

KOH → K+ + OH

HNO3 → H+ + NO3

⇒ Các axit mạnh, bazơ mạnh và hầu hết các muối là chất điện li mạnh.

– Chất điện li yếu là chất khi tan trong nước, số phân tử hòa tan phân li một phần, phần còn lại vẫn tồn tại dưới dạng phân tử trong dung dịch. Các axit yếu, bazơ yếu và một số muối là chất điện li yếu.

Ví dụ: H2S ⇌ H+ + HS

– Chất không điện li là những chất khi tan trong nước không phân li ra ion.

Ví dụ: Dung dịch đường, dung dịch rượu, …

– Cân bằng điện li: Sự phân li của các chất điện li yếu là quá trình thuận nghịch. Khi tốc độ phân li của phân tử chất điện li (phản ứng thuận) bằng tốc độ kết hợp giữa các ion thành phân tử chất điện li (phản ứng nghịch) thì cân bằng của quá trình điện li được thiết lập.

– Độ điện li: (α) : α = \(\frac{n}{{{n_o}}}\) = \(\frac{C}{{{C_o}}}\)

Với : n là số phân tử phân li ra ion, nolà số phân tử hòa tan.

C là nồng độ mol chất tan phân li thành ion, Co là nồng độ mol chất hòa tan.


BÀI TẬP

Dưới đây là phần Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 4 5 trang 7 sgk Hóa Học 11 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Nội dung chi tiết bài giải các bài tập các bạn xem sau đây:


1. Giải bài 1 trang 7 hóa 11

Các dung dịch axit như HCl, bazơ như NaOH và muối như NaCl dẫn điện được, còn các dung dịch như ancol etylic, saccarozơ, glixerol không dẫn điện được là do nguyên nhân gì?

Bài giải:

Trong dung dịch: các axit, các bazơ, các muối phân li ra các ion dương và ion âm chuyển động tự do nên dung dịch của chúng có khả năng dẫn điện.

Ví dụ:

HCl → H+ + Cl

NaOH → Na+ + OH

NaCl → Na+ + Cl

Còn các dung dịch như ancol etylic, đường saccarazơ, glixerol không dẫn điện vì trong dung dịch chúng không phân li ra các ion dương và ion âm.


2. Giải bài 2 trang 7 hóa 11

Sự điện li, chất điện li là gì? Những loại chất nào là chất điện li? Thế nào là chất điện li mạnh, chất điện li yếu? Lấy thí dụ và viết phương trình điện li của chúng?

Bài giải:

– Sự điện li là sự phân li thành các cation (ion dương) và anion (ion âm) của phân tử chất điện li khi tan trong nước.

– Chất điện li là những chất tan trong nước và tạo thành dung dịch dẫn được điện.

– Các chất là chất điện li như axit, các bazơ, các muối tan được trong nước.

– Chất điện li mạnh là những chất khi tan trong nước các phân tử hoà tan đều phân li ra ion.

Ví dụ:

H2SO4 → 2H+ + SO42-

KOH → K+ + OH

Na2SO4 → 2Na+ + SO42-

– Chất điện li yếu là những chất khi tan trong nước chỉ có một phần số phân tử hoà tan phân li ra ion, phần còn lại vẫn tồn tại dưới dạng phân tử trong dung dịch.

Ví dụ: H2S ⇌ H+ + HS


3. Giải bài 3 trang 7 hóa 11

Viết phương trình điện li của những chất sau:

a) Các chất điện li mạnh: Ba(NO3)2 0,10M; HNO3 0,020M ; KOH 0,010M.

Tính nồng độ mol của từng ion trong các dung dịch trên.

b) Các chất điện li yếu: HClO, HNO2.

Bài giải:

a) Các chất điện li mạnh phân li hoàn toàn nên phương trình điện li và nồng độ các ion trong dung dịch như sau:

Ba(NO3)2 → Ba2+ + 2NO3

0,10M →  0,10M 0,20M

HNO3 → H+ + NO3

0,020M → 0,020M 0,020M

KOH → K+ + OH

0,010M →  0,010M 0,010M

b) Các chất điện li yếu phân li không hoàn toàn nên phương trình điện li như sau:

HClO ⇌ H+ + ClO

HNO2 ⇌ H+ + NO2


4. Giải bài 4 trang 7 hóa 11

Chọn câu trả lời đúng trong các câu sau đây:

Dung dịch chất điện li dẫn điện được là do

A. sự chuyển dịch của các electron.

B. sự chuyển dịch của các cation.

C. sự chuyển dịch của các phân tử hòa tan.

D. sự chuyển dịch của cả cation và anion.

Bài giải:

Dung dịch chất điện li dẫn điện được do sự chuyển dịch của cả cation và anion.

⇒ Đáp án D.


5. Giải bài 5 trang 7 hóa 11

Chất nào sau đây không dẫn điện được ?

A. KCl rắn, khan.

B. CaCl2 nóng chảy.

C. NaOH nóng chảy.

D. HBr hòa tan trong nước.

Bài giải:

KCl rắn tồn tại dưới dạng tinh thể ion. Mạng tinh thể KCl tương tự mạng tinh thể NaCl. Tinh thể ion rất bền vững vì lực hút tĩnh điện giữa các ion ngược dấu trong tinh thể ion rất lớn. Các ion K+ và Cl- chỉ dao động tại các đầu nút của mạng tinh thể (không chuyển dịch tự do) vì vậy, KCl rắn, khan không dẫn điện.

⇒ Đáp án A.


Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 4 5 trang 7 sgk Hóa Học 11 đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn hóa học 11 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com