Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 4 trang 137 sgk Địa Lí 10

Hướng dẫn soạn Bài 35. Vai trò, các nhân tố ảnh hưởng và đặc điểm phân bố các ngành dịch vụ sgk Địa Lí 10. Nội dung bài Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 4 trang 137 sgk Địa Lí 10 bao gồm đầy đủ phần lý thuyết, câu hỏi và bài tập có trong SGK để giúp các em học tốt môn địa lí 10, ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia.


LÍ THUYẾT

I – Cơ cấu và vai trò của các ngành dịch vụ

Khái niệm dịch vụ: Là hoạt động kinh tế – xã hội, có tạo ra giá trị mà không nằm trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp; công nghiệp – xây dựng cơ bản, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

1. Cơ cấu

– Dịch vụ kinh doanh (sx): giao thông vận tải, thông tin liên lạc, tài chính, tín dụng, kinh doanh bất động sản, tư vấn, các dịch vụ nghề nghiệp,…

– Dịch vụ tiêu dùng: Thương mại, sửa chữa, khách sạn, du lịch, dịch vụ cá nhân (y tế,giáo dục, thể thao), cộng đồng.

– Dịch vụ công: Khoa học công nghệ, quản lí nhà nước, hoạt động đoàn thể (bảo hiểm bắt buộc).

2. Vai trò

– Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác,giao lưu quốc tế.

– Thúc đẩy các ngành sản xuất vật chất phát triển, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế.

– Sử dụng tốt nguồn lao động, tạo việc làm.

– Khai thác tốt các tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và các thành tựu của khoa học kĩ thuật hiện đại phục vụ con người.

II – Các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố các ngành dịch vụ

Ví dụ:

– Quy mô,cơ cấu dân số: Nhịp độ phát triển và cơ cấu ngành dịch vụ.

Việt Nam dân số đông, cơ cấu trẻ, tuổi đi học cao thì dịch vụ giáo dục ưu tiên phát triển.

– Truyền thống văn hóa, phong tục tập quán: Hình thức tổ chức mạng lưới dịch vụ.

Việt Nam có tập quán thăm hỏi lẫn nhau vào các ngày lễ tết thì dịch vụ giao thông vận tải, mua bán tăng cường.

III – Đặc điểm phân bố các ngành dịch vụ trên thế giới

– Trong cơ cấu lao động: Các nước phát triển: trên 50%,các nước đang phát triển khoảng 30%.

– Trong cơ cấu GDP: Các nước phát triển trên 60%, các nước đang phát triển thường dưới 50%

– Trên thế giới các thành phố cực lớn, đồng thời là trung tâm dịch vụ lớn: NiuIooc (Bắc Mĩ, Luân Đôn (Tây Âu), Tôkyô (Đông Á).


CÂU HỎI GIỮA BÀI

Sau đây là phần Hướng dẫn trả lời các câu hỏi (màu xanh) giữa bài các học sinh cần suy nghĩ, liên hệ thực tế để nắm rõ kiến thức.

1. Trả lời câu hỏi trang 135 địa lí 10

Dựa vào sơ đồ trên, em hãy trình bày những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của ngành dịch vụ?

Trả lời:

Những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của ngành dịch vụ:

– Trình độ phát triển của nền kinh tế đất nước và năng suất lao động xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất vật chất có ảnh hưởng rất căn bản tới sự phát triển các ngành dịch vụ. Năng suất lao động trong nông nghiệp, công nghiệp có cao, thì mới có thể chuyển một phần lao động sang làm dịch vụ.

– Con người là khách hàng của ngành dịch vụ. Số dân, kết cấu tuổi, giới tính và sức mua của dân cư ảnh hưởng tới quy mô phát triển, nhịp độ tăng trưởng, cơ cấu các ngành dịch vụ.

Ví dụ: Cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu về dịch vụ y tế, giáo dục, thời trang,…đa dạng và phức tạp hơn. Đối với quốc gia có tỉ lệ người già lớn, dịch vụ bảo hiểm, y tế lại được chú trọng.

– Phân bố dân cư và mạng lưới quần cư: Sự tập trung dân cư ở các thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn, dân cư thành thị nói chung có mức sống cao, có “lối sống thành thị”. Vì vậy, nhu cầu dịch vụ rất đa dạng, tạo nên mạng lưới dịch vụ đa dạng.

Ví dụ: Các thành phố lớn ở nước ta đồng thời là các trung tâm dịch vụ lớn và phát triển nhất cả nước (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh). Tập trung nhiều trường học, trung tâm đào tạo, bệnh viện, nhà hàng…hàng đầu cả nước.

– Truyền thống văn hóa, phong tục tập quán:  ảnh hưởng tới hình thức tổ chức mạng lưới ngành dịch vụ.

– Mức sống và thu nhập thực tế ảnh hưởng đến sức mua và nhu cầu dịch vụ. Nơi có điều kiện tốt, đời sống nhân dân cao nhu cầu hưởng thụ, sử dụng các sản phẩm dịch vụ lớn hơn (nhà hàng, du lịch, ăn uống,  giáo dục..). Ngược lại, ở vùng núi khó khăn nhân dân không có khả năng và nhu cầu lớn về các hoạt động dịch vụ này.

– Đối với sự hình thành các điểm dịch vụ du lịch, sự phân hố các tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng.


2. Trả lời câu hỏi trang 136 địa lí 10

Dựa vào hình 35, hãy nhận xét về sự phân hóa tỉ trọng của các ngành dịch vụ trong cơ cấu GDP của các nước trên thế giới?

Trả lời:

Nhận xét:

– Ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu GDP các nước có nền kinh tế phát triển ở Bắc Mĩ, Tây Âu, Thụy Điển, Phần Lan (Bắc Âu), Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Niu Di-len, CH Nam Phi, Ac-hen-ti-na, Pê-ru.

+ Các nước có tỉ trọng dịch vụ >70% là: Hoa Kì, Ô-xtrây-li-a, Pháp, Anh, Thụy Điển, Ac-hen-ti-na, Pê-ru..

+ Các nước có tỉ trọng dịch vụ từ 60 – 70% là: Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kì…

– Ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng thấp (<50%) trong cơ cấu GDP phần lớn thuộc các nước đang phát triển ở châu Phi, Tây Nam Á, Nam Á, Đông Nam Á. Trung Quốc, Vê-nê-xuê-la,…Đặc biệt, các quốc gia có tỉ trọng dịch vụ dưới 30% tập trung ở Trung Phi (CHND Công-gô, Ăng-gô-la, Trung Phi, Camơrun).


CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

Dưới đây là phần Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 4 trang 137 sgk Địa Lí 10 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Nội dung chi tiết câu trả lời các câu hỏi và bài tập các bạn xem sau đây:

1. Giải bài 1 trang 137 địa lí 10

Thế nào là ngành dịch vụ? Nêu sự phân loại và ý nghĩa của các ngành dịch vụ đối với sản xuất và đời sống xã hội.

Trả lời:

– Khái niệm: Dịch vụ là một lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế quốc dân, bao hàm tất cả những hoạt động kinh tế nằm ngoài ngành nông nghiệp và công nghiệp, nhằm phục vụ sản xuất và đời sống dân cư.

– Phân loại dịch vụ: gồm ba nhóm

+ Dịch vụ kinh doanh: vận tải và thông tin liên lạc, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, các dịch vụ nghề nghiệp,…

+ Dịch vụ tiêu dùng: các hoạt động bán buôn, bán lẻ, du lịch, các dịch vụ cá nhân (y tế, giáo dục, thể dục thể thao),…

+ Dịch vụ công: dịch vụ hành chính công, các hoạt động đoàn thể,…

– Ý nghĩa của các ngành dịch vụ đối với sản xuất và đời sống:

+ Thúc đẩy các ngành sản xuất vật chất, sử dụng tốt hơn nguồn lao động trong nước, tạo thêm việc làm cho người dân.

+ Cho phép khai thác tốt hơn các tài nguyên thiên nhiên và sự ưu đãi của tự nhiên, các di tích văn hóa, lịch sử, cũng như các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại để phục vụ con người.


2. Giải bài 2 trang 137 địa lí 10

Trình bày tình hình phát triển của các ngành dịch vụ trên thế giới?

Trả lời:

Tình hình phát triển của các ngành dịch vụ trên thế giới:

– Trên thế giới, số người hoạt động trong các ngành dịch vụ đã tăng lên nhanh chóng trong mấy chục năm trở lại đây.

– Ở các nước phát triển, số người làm việc trong các ngành dịch vụ có thể trên 80% (Hoa Kì) hoặc từ 50 – 79% (các nước khác ở Bắc Mĩ và Tây Âu).

– Ở các nước đang phát triển thì tỉ lệ lao động làm việc trong khu vực dịch vụ thường chỉ trên dưới 30%.


3. Giải bài 3 trang 137 địa lí 10

Vẽ sơ đồ các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của các ngành dịch vụ?

Trả lời:

Sơ đồ các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của các ngành dịch vụ:


4. Giải bài 4 trang 137 địa lí 10

Dựa vào bảng số liệu:

CÁC NƯỚC DẪN ĐẦU VỀ: DU LỊCH TRÊN THẾ GIỚI NĂM 2004

Nước Khách du lịch đến (triệu lượt người) Doanh thu (Tỉ USD)
Pháp 75,1 40,8
Tây Ban Nha 53,6 45,2
Hoa Kì 46,1 74,5
Trung Quốc 41,8 25,7
Anh 27,7 27,3
Mê-hi-cô 20,6 10,7

Hãy vẽ lại biểu đồ hình cột thể hiện lượng khách du lịch và doanh thu du lịch của các nước trên và rút ra nhận xét?

Trả lời:

– Vẽ biểu đồ:

BIỂU ĐỒ THỂ HIỆN LƯỢNG KHÁCH DU LỊCH VÀ DOANH THU DU LỊCH CỦA CÁC NƯỚC PHÁP, TÂY BAN NHA, HOA KÌ, TRUNG QUỐC, ANH, MÊ-HI-CÔ NĂM 2004

– Nhận xét:

+ Khách du lịch và doanh thu du lịch có sự khác nhau giữa các quốc gia.

• Pháp có khách du lịch đến nhiều nhất (75,1 triệu lượt người), tiếp theo là Tây Ban Nha, Hoa Kì, Trung Quốc, Anh, Mê-hi-cô.

• Hoa Kì có doanh thu du lịch cao nhất (74,5 tỉ USD), sau đó là Tây Ban Nha, Pháp. Anh, Trung Quốc, Mê-hi-cô

+ Pháp có lượng khách du lịch đến nhiều nhất nhưng doanh thu từ du lịch thấp hơn Hoa Kì và Tây Ban Nha (40,8 tỉ USD). Hoa Kì có lượng khách du lịch đến nhỏ hơn Pháp và Tây Ban Nha (46,1 triệu lượt người) nhưng doanh thu du lịch cao nhất (74,5 tỉ USD).


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 4 trang 137 sgk Địa Lí 10 đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn địa lí 10 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com