Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 4 trang 97 sgk Địa Lí 12

Hướng dẫn soạn Bài 22. Vấn đề phát triển nông nghiệp sgk Địa Lí 12. Nội dung bài Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 4 trang 97 sgk Địa Lí 12 bao gồm đầy đủ phần lý thuyết, câu hỏi và bài tập có trong SGK để giúp các em học tốt môn địa lí 12, ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia.


LÍ THUYẾT

1. Ngành trồng trọt

– Chiếm gần 75% giá trị sản lượng nông nghiệp.

– Xu hướng giảm tỉ trọng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi.

– Trong ngành trồng trọt: giảm tỉ trọng giá trị sản xuất cây lương thực, rau đậu; tăng tỉ trọng giá trị sx cây công nghiệp.

a) Sản xuất lương thực (59.2% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp):

– Vai trò:

+ Đảm bảo lương thực cho nhân dân.

+ Cung cấp thức ăn cho chăn nuôi.

+ Làm nguồn hàng xuất khẩu.

+ Đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp.

– Nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất lương thực:

+ Điều kiện tự nhiên: đất, khí hậu, nước…

+ Điều kiện kinh tế – xã hội.

– Tuy nhiên cũng có những khó khăn (thiên tai, sâu bệnh…)…

– Tình hình sản xuất lương thực:

+ Diện tích lúa tăng mạnh 7,3tr ha (2005).

+ Năng suất lúa tăng mạnh: 49 tạ/ha.

+ Sản lượng lúa tăng mạnh từ 11,6 tr tấn lên 36 tr tấn (1980-2005).

+ Bình quân lt/người 470kg/người

+ VN từ 1 nước phải nhập khẩu lương thực đã trở thành 1 nước XK gạo thứ 2 TG.

– Phân bố: 2 vùng trọng điểm lúa cả nước là ĐB sông Cửu Long (hơn 50%S và 50% sản lượng lúa cả nước) và ĐB sông Hồng.

b) Sản xuất cây thực phẩm

– Rau đậu được trồng hầu hết ở các địa phương, đặc biệt là ngoại thành các thành phố lớn.

– Diện tích trồng rau > 500 nghìn ha.

c) Sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả:

♦ Cây công nghiệp:

– Ý nghĩa:

+ Sử dụng hợp lí tài nguyên đất, nước và khí hậu.

+ Sử dụng tốt hơn nguồn lao động nông nghiệp, đa dạng hóa nông nghiệp.

+ Tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

+ Là mặt hàng xuất khẩu quan trọng.

– Điều kiện phát triển:

+ Thuận lợi: khí hậu, đất, nguồn lao động, mạng lưới cơ sở chế biến nguyên liệu cây công nghiệp…

+ Khó khăn: Thị trường tiêu thụ…

– Tình hình sản xuất:

+ Nước ta chủ yếu trồng cây công nghiệp có nguồn gốc nhiệt đới, ngoài ra còn có một số cây có nguồn gốc cận nhiệt.

+ Cây công nghiệp lâu năm:

• Có xu hướng tăng cả về năng suất, diện tích, sản lượng. Đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất cây công nghiệp.

• Nước ta đã hình thành được các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm với quy mô lớn.

• Các cây công nghiệp lâu năm chủ yếu: cà phê, cao su, hồ tiêu, dừa, chè…

+ Cây công nghiệp hàng năm: mía, lạc, đậu tương, bông, đay, cói, tằm, thuốc lá…

♦ Cây ăn quả

– Phát triển khá mạnh trong những năm gần đây.

– Một số loại cây ăn quả được trồng tập trung nhất: chuối, cam, xoài, nhãn, vải thiều, chôm chôm,…

– Vùng trồng cây ăn quả lớn nhất: Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

2. Ngành chăn nuôi

♦ Điều kiện phát triển:

– Thuận lợi:

+ Cơ sở thức ăn cho chăn nuôi ngày càng được đảm bảo (đồng cỏ, sản phẩm ngành trồng trọt, thủy sản, thức ăn công nghiệp)

+ Giống: cải tạo nhiều giống mới cho năng suất cao.

+ Cơ sở về giống, dịch vụ thú ý, chế biến sản phẩm… ngày càng phát triển.

+ Thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.

+ Lao động có nhiều kinh nghiệm, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

– Khó khăn:

+ Giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao còn ít.

+ Dịch bệnh.

+ Hiệu quả chăn nuôi chưa thật cao và chưa ổn định.

♦ Xu hướng phát triển:

– Tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp từng bước tăng trưởng vững chắc.

– Chăn nuôi đang tiến mạnh lên sản xuất hàng hóa, chăn nuôi trang trại theo hình thức công nghiệp.

– Các sản phẩm không qua giết thịt (trứng, sữa) chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi.

♦ Tình hình phát triển và phân bố ngành chăn nuôi

a) Chăn nuôi lợn và gia cầm

– Tổng đàn lợn tăng nhanh, cung cấp trên ¾ sản lượng thịt các loại.

– Chăn nuôi gia cầm có nhiều biến động.

– Chăn nuôi gà công nghiệp phát triển mạnh ở các thành phố lớn và các địa phương có sơ sở chế biến thịt.

– Chăn nuôi lợn và gia cầm tập chung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

b) Chăn nuôi gia súc lớn (ăn cỏ)

– Đàn trâu có xu hướng ổn định, phân bố chủ yếu ở Trung du miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

– Đàn bò có xu hướng tăng nhanh, phân bố chủ yếu ở Bắc Trung Bộ, Duyên hải nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

– Chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh gần các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.


CÂU HỎI GIỮA BÀI

Sau đây là phần Hướng dẫn trả lời các câu hỏi (màu xanh) giữa bài các học sinh cần suy nghĩ, liên hệ thực tế để nắm rõ kiến thức.

1. Trả lời câu hỏi trang 93 địa lí 12

Dựa vào hình 22, hãy nhận xét về cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt và xu hướng chuyển dịch cơ cấu của ngành này.

Trả lời:

Nhận xét:

– Về cơ cấu giá trị sản xuất ngành trồng trọt (năm 2005): chiếm tỉ trọng cao nhất là ngành trồng cây lương thực (59,2%), sau đó là cây công nghiệp (23,7%). Tiếp theo là cây rau đậu (8,3%), cây ăn quả (7,3%), cây khác (1,5%).

– Sự thay đổi cơ cấu giá trị ngành trồng trọt:

+ Tỉ trọng cây lương thực có xu hướng giảm nhẹ từ 67,1% (năm 1990) xuống 59,2% (2005).

+ Cây ăn quả giảm  từ 10,1% (1990) xuống 7,3% (2005), giảm 2,8%.

+Các loại cây khác có  giảm nhẹ từ 2,3% (1990) xuống 1,5% (2005), giảm 0,8%.

+ Cây công nghiệp tăng nhanh từ 13,5% (1990) lên 23,7% (2005); cây rau đậu tăng nhẹ từ 7% (1990) lên 8,3% (2005)

Hãy xác định trên bản đồ Địa lí tự nhiên Việt Nam (hoặc Atlat Đia lí Việt Nam) hai đồng bằng lớn của nước ta và các đồng bằng nhỏ hẹp ở Duyên hải miền Trung?

Trả lời:

– Hai đồng bằng lớn: đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông cửu Long.

– Các đồng bằng nhỏ hẹp ở Duyên hải miền Trung:

+ Đồng bằng Thanh – Nghệ – Tĩnh.

+ Đồng bằng Bình – Trị – Thiên.

+ Đồng bằng Nam – Ngãi – Định.

+ Đồng bằng Phú Yên – Khánh Hòa.

+ Đồng bằng Ninh Thuận – Bình thuận.

Dựa vào kiến thức đã học, hãy kể tên một số cánh đồng lúa nổi tiếng ở miền núi, trung du Bắc Bộ và Tây Nguyên?

Trả lời:

Một số cánh đồng lúa nổi tiếng ở miền núi, trung du Bắc Bộ và Tây Nguyên:

– Trung du miền núi Bắc Bộ có : cánh đồng lúa Điện Biên, Than Uyên, Nghĩa Lộ, Trùng Khánh (Cao Bằng).

– Tây Nguyên có: An Khê, Krông Pach…


2. Trả lời câu hỏi trang 95 địa lí 12

Tại sao các cây công nghiệp lâu năm ở nước ta lại đóng vai trò quan trọng nhất trong cơ cấu sản xuất cây công nghiệp?

Trả lời:

Các cây công nghiệp lâu năm ở nước ta lại đóng vai trò quan trọng nhất trong cơ cấu sản xuất cây công nghiệp vì:

– Cây công nghiệp lâu năm có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên lệu cho công nghiệp chế biến, đem lại nguồn nông sản có giá trị xuất khẩu lớn thu nhiều ngoại tệ (chè, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều).

– Hiện nay, tỉ trọng cây công nghiệp lâu năm chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu cây công nghiệp nước ta (trên 65%) và ngày càng tăng lên.

– Cây công nghiệp lâu năm là thế mạnh lớn và nổi trội nhất ở các vùng chuyên canh cây công nghiệp của nước ta (với diện tích đồi núi lớn, đất feralit và đất badan phì nhiêu, khí hậu nhiệt đới thuận lợi). Trong tổng 2,5 triệu ha cây công nghiệp thì có hơn 1,6 triệu ha cây công nghiệp lâu năm (>65%).

– Cả nước có ba vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm lớn nhất là Trung du miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

– Các loại cây công nghiệp lâu năm chủ yếu của nước ta gồm: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè, dừa…mang lại giá trị xuất khẩu lớn, có vị thứ hàng đầu trên thế giới (hồ tiêu, điều, cà phê).

– Trồng và chế biến sản phẩm cây công nghiệp lâu năm giúp thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đẩy mạnh công nghiệp chế biến, nâng cao thu nhập cho người dân.


3. Trả lời câu hỏi trang 96 địa lí 12

Hãy phân tích các nguồn thức ăn cho chăn nuôi ở nước ta?

Trả lời:

Ở nước ta, thức ăn cho chăn nuôi từ gồm 3 nguồn:

– Thức ăn tự nhiên (đồng cỏ): nước ta diện tích đồng cỏ khá lớn (350.000 ha), các đồng cỏ sinh trưởng và phát triển xanh tốt quanh năm nhờ điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều. Các đồng cỏ phân bố trên các cao nguyên, vùng đồi trung du ở Trung du miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ.

⟹ Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn thả gia súc lớn (trâu, bò).

– Sản phẩm ngành trồng trọt và phụ phẩm ngành thủy sản: nông nghiệp (trồng trọt, thủy sản) phát triển và phân bố trải dài khắp cả nước. Ngoài phục vụ xuất khẩu và nhu cầu thực phẩm của người dân, nông nghiệp còn đem lại nguồn thức ăn, phụ phẩm đồi dào cho chăn nuôi lợn và gia cầm (gà, vịt,,).

– Thức ăn chế biến công nghiệp: các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ngày càng phổ biến, phù hợp với hình thức chăn nuôi theo hình thức công nghiệp hiện nay.


CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

Dưới đây là phần Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 4 trang 97 sgk Địa Lí 12 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Nội dung chi tiết câu trả lời các câu hỏi và bài tập các bạn xem sau đây:

1. Giải bài 1 trang 97 địa lí 12

Tại sao nói việc đảm bảo an toàn lương thực là cơ sở để đa dạng hóa nông nghiệp?

Trả lời:

Việc đảm bảo an toàn lương thực là cơ sở để đa dạng hóa nông nghiệp vì:

– An ninh lương thực được giải quyết, đảm bảo bữa ăn hằng ngày cho con người, do vậy sẽ dư thừa nhiều nguồn thức ăn, phụ phẩm ngành trồng trọt cho phát triển ngành chăn nuôi…, nuôi trồng thủy sản

– Đảm bảo an ninh lương thực cũng tạo điều kiện cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa nông nghiệp (cây lâu năm, cây ngắn ngày…) bên cạnh lúa là cây lương thực chính trước đây.


2. Giải bài 2 trang 97 địa lí 12

Chứng minh rằng việc đẩy mạnh sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả góp phần phát huy thế mạnh của nông nghiệp nhiệt đới ở nước ta?

Trả lời:

Việc phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả mang lại ý nghĩa quan trọng, góp phần phát huy thế mạnh của nông nghiệp nhiệt đới:

– Giúp khai thác tối đa các điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, nguồn nước…ở các vùng sinh thái nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả là thế mạnh nổi bật của mỗi vùng.

– Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng

– Cung cấp nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm.

– Đẩy mạnh sản xuất nông sản xuất khẩu (cà phê, cao su, hồ tiêu, điều…) mang lại nguồn thu ngoại tệ.

– Góp phần giải quyết việc làm, phân bố lại dân cư và nguồn lao động.

– Thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội ở những vùng khó khăn, đặc biệt vùng miền núi.


3. Giải bài 3 trang 97 địa lí 12

Cho bảng số liệu sau:

Hãy phân tích sự phát triển sản lượng cà phê (nhân) và khối lượng xuất khẩu cà phê từ năm 1980 đến năm 2005?

Trả lời:

Nhận xét:

– Nhìn chung trong cả giai đoạn năm 1980 – 2005, sản lượng cà phê (nhân) và khối lượng cà phê xuất khẩu nước ta tăng lên rất nhanh và liên tục.

+ Sản lượng cà phê (nhân) từ 8,4 nghìn tấn lên tới 752,1 nghìn tấn (tăng gấp gần 90 lần trong 25 năm).

+ Khối lượng cà phê xuất khẩu cũng tăng lên nhanh chóng từ 4 nghìn tấn lên 912,7 nghìn tấn (trong 25 năm tăng gấp 228 lần).

– Có thể thấy trong thời gian qua ngành sản xuất trồng và chế biến cà phê ở nước ta phát triển mạnh mẽ, nguyên nhân là:

+ Nước ta đã phát huy tối đa thế mạnh về địa hình, đất đai khí hậu kết hợp cá điều kiện kinh tế – xã hội đề mở rộng diện tích cây cà phê (hình thành các vùng chuyên canh cà phê ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ) từ đó giúp tăng sản lượng nhanh chóng.

+ Song song đó là đẩy mạnh mở rộng các nhà máy sơ chế, chế biến cà phê tại chỗ, góp phần nâng cao chất lượng cà phê, bảo quản được lâu dài… tạo nên mặt hàng xuất khẩu có giá trị.

+ Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cà phê hàng đầu trên thế giới. Hiện nay cà phê Việt Nam đã xuất hiện khắp các châu lục: Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Âu, Úc, Nam Á, Bắc Á…Chất lượng cà phê ở Việt Nam cũng được thị trường quốc tế thừa nhận và ưa chuộng.


4. Giải bài 4 trang 97 địa lí 12

Cho bảng số liệu sau:

Hãy phân tích sự phát triển của ngành chăn nuôi và sự thay đổi trong cơ cấu sản lượng thịt các loại qua các năm 1996, 2000, 2005.

Trả lời:

Phân tích: Cơ cấu sản lượng thịt các loại, giai đoạn 1996 – 2000 (%)

Tình hình phát triển của ngành chăn nuôi và sự thay đổi trong cơ cấu sản lượng thịt các loại qua các năm 1996, 2000, 2005:

– Ngành chăn nuôi phát triển đa dạng gồm: gia súc lớn (trâu, bò), gia súc nhỏ (lợn,…), gia cầm.

– Sản lượng thịt không ngừng tăng (tăng gấp 2 lần từ 1412,3 lên 2812,2 nghìn tấn), trong đó:

+ Tăng nhanh nhất là thịt lợn (gấp 2, 2 lần).

+ Tiếp đến là thịt bò (tăng gấp 2 lần).

+ Gia cầm tăng gấp 1,5 lần, tăng ít nhất là thịt trâu.

– Sự thay đổi cơ cấu trong sản lượng thịt:

+ Năm 1996 và năm 2000, tỉ trọng của sản lượng thịt lợn trong cơ cấu không đổi (76,5%), nhưng đến năm 2005, tỉ trọng tăng lên 81,4%.

+ Thịt gia cầm tăng từ 1996(15,0%) đến năm 2000(15,8%), sau đó giảm vào năm 2005(11,4%).

+ Thịt trâu giảm dần từ năm 1996(3,4%) đến năm 2000(2,6%) và năm 2005(2,1%).

+ Thịt bò có tỉ trọng trong cơ cấu gần như không thay đổi (năm 1996: 5,0%, năm 2000: 5,1%, năm 2005: 5,1%).


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 4 trang 97 sgk Địa Lí 12 đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn địa lí 12 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com