Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 trang 16 sgk Địa Lí 11

Hướng dẫn soạn Bài 3. Một số vấn đề mang tính chất toàn cầu sgk Địa Lí 11. Nội dung bài Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 trang 16 sgk Địa Lí 11 bao gồm đầy đủ phần lý thuyết, câu hỏi và bài tập có trong SGK để giúp các em học tốt môn địa lí 11, ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia.


LÍ THUYẾT

I – Dân số

1. Bùng nổ dân số

– Dân số thế giới tăng nhanh, nhất là nửa sau thế kỷ XX. Năm 2018 là 7,7 tỉ người.

– Dân số bùng nổ hiện nay chủ yếu ở các nước đang phát triển.

– Dân số tăng nhanh gây sức ép nặng nề đối với tài nguyên môi trường, phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống.

2. Già hóa dân số

– Dân số thế giới đang có xu hướng già đi:

+ Tỉ lệ người < 15 tuổi giảm. + Tỉ lệ > 65 tuổi tăng.

+ Tuổi thọ TB TG ngày càng tăng.

– Hậu quả của cơ cấu dân số già:

+ Thiếu nguồn lao động trong tương lai.

+ Chi phí phúc lợi cho người già tăng.

+ Thiếu diện tích đất ở.

+ Tỉ suất sinh giảm.

II – Môi trường

1. Biến đổi khí hậu toàn cầu và suy giảm tầng ôdôn

– Lượng CO2 tăng → hiệu ứng nhà kính tăng → nhiệt độ Trái Đất tăng.

– Khí thải từ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt → mưa axit → tầng ôdôn mỏng và thủng.

2. Ô nhiệm nguồn nước ngọt, biển và đại dương

– Chất thải công nghiệp và sinh hoạt chưa xử lí đổ trực tiếp vào sông hồ → ô nhiễm → thiếu nước sạch.

– Chất thải công nghiệp chưa xử lí → đổ trực tiếp vào sông biển, đắm tàu, rửa tàu, tràn dầu

→ Do vậy mà môi trường biển chịu nhiều tổn thất lớn.

Hình 3. Ô nhiếm dầu trên biển

3. Suy giảm đa dạng sinh vật

– Khai thác thiên nhiên quá mức làm cho sinh vật bị tuyệt chủng hoặc sắp tuyệt chủng .

– Hậu quả là làm đi mất nhiều loài SV, gen di truyền, thực phẩm, thuốc, nguyên liệu sản xuất …

III – Một số vấn đề khác

– Xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo và nạn khủng bố trở thành mối đe dọa trực tiếp tới ổn định hòa bình của thế giới.

+ Nạn khủng bố: sử dụng thành tựu khoa học công nghệ để thực hiện ( vũ khí sinh hoá học, chất nổ, phá hoại mạng vi tính…)

+ Hoạt động kinh tế ngầm: buôn lậu vũ khí, rửa tiền…

– Để giải quyết các vấn đề trên cần phải có sự hợp tác tích cực giữa các quốc gia và toàn thể cộng đồng quốc tế.


CÂU HỎI GIỮA BÀI

Sau đây là phần Hướng dẫn trả lời các câu hỏi (màu xanh) giữa bài các học sinh cần suy nghĩ, liên hệ thực tế để nắm rõ kiến thức.

1. Trả lời câu hỏi trang 13 địa lí 11

– Dựa vào bảng 3.1, so sánh tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên của nhóm nước đang phát triển với nhóm nước phát triển và toàn thế giới.

– Dân số tăng nhanh dẫn tới những hậu quả gì về mặt kinh tế – xã hội?

Trả lời:

– Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên nhóm nước đang phát triển luôn cao hơn nhóm nước phát triển. Theo thời gian, khoảng cách chỉ số gia tăng tự nhiên giữa hai nhóm nước ngày một lớn.

+ Giai đoạn 1960 – 1965: gia tăng tự nhiên nhóm nước phát triển là 1,2%, nước đang phát triển là 2,3%, gấp gần 2 lần.

+ Giai đoạn 2001 – 2005: gia tăng tự nhiên nhóm nước phát triển là 0,1%, nước đang phát triển là 1,5 %, gấp 15 lần.

– Hậu quả của dân số tăng nhanh:

+ Ô nhiễm môi trường

+ Kìm hãm sự phát triển kinh tế.

+ Sức ép về các vấn đề việc làm, tài nguyên, nhà ở, y tế – giáo dục, các vấn đề trật tự an ninh xã hội.


2. Trả lời câu hỏi trang 14 địa lí 11

– Dựa vào bảng 3.2 so sánh cơ cấu dân số theo nhóm tuổi của nhóm nước phát triển với nhóm nước đang phát triển.

– Dân số già dẫn tới những hậu quả gì về mặt kinh tế – xã hội?

Trả lời:

– So sánh cơ cấu dân số theo nhóm tuổi của nhóm nước phát triển với nhóm nước đang phát triển:

+ Các nước đang phát triển:

• Nhóm tuổi 0 -14 chiếm tỉ trọng lớn với 32%.

• Cao nhất vẫn là nhóm tuổi 15 – 64 với 63%.

• Nhóm tuổi trên 65 chỉ chiếm 5% trong cơ cấu.

+ Các nước phát triển:

• Nhóm tuổi 0 -14: chiếm tỉ trọng ít hơn (17%).

• Nhóm tuổi 15 -64: chiếm tỉ trọng lớn nhất (68%), cao hơn so với nước đang phát triển.

• Nhóm tuổi trên 65 chiếm tỉ trọng lớn với 15% trong cơ cấu dân số và cao hơn so với nước đang phát triển.

⟹ Nhóm nước đang phát triển có cơ cấu dân số trẻ, tỉ lệ trẻ em lớn và người già ít. Nhóm nước phát triển có cơ cấu dân số già, tỉ lệ trẻ em ít, ngược lại tỉ lệ người già lớn.

– Hậu quả của dân số già:

+ Nguồn lao động trẻ, năng động bị thiếu hụt, đặc biệt là trong các ngành đòi hỏi nhiều lao động như dệt may, chế biến thực phẩm…và các ngành đòi hỏi đội ngũ tri thức trẻ năng động (tin học điện tử, dịch vụ…).

+ Chi phí lớn về phúc lợi xã hội, y tế cho người già.

+ Nguy cơ suy giảm dân số.

Hãy trình bày các hậu quả do nhiệt độ Trái Đất tăng lên và tầng ô dôn bị thủng đối với đời sống trên Trái Đất.

Trả lời:

Hậu quả:

– Nhiệt độ Trái Đất tăng lên:

+ Nhiệt độ tăng làm băng ở 2 cực tan, mực nước biển tăng lên, hậu quả là nhấn chìm các khu vực địa hình thấp ven biển trên thế giới.

Dự báo trong tương lai, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất của băng tan, cụ thể là đồng bằng sông Cửu Long.

+ Biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ: thời tiết thay đổi thất thường; nắng nóng, giá rét cực đoan, nhiệt độ tăng giảm bất thường, khó dự đoán hơn; bão, lũ xuất hiện với tần suất dày, kéo dài và nguy hiểm hơn…

– Thủng tầng ô dôn:

+ Các tia cực tím có hại cho sức khỏe con người sẽ xuyên thẳng xuống Trái Đất với mật độ dày hơn: gây các bệnh ung thư da, cháy nắng.

+ Sinh vật phù du cũng chịu ảnh hưởng của tia tử ngoại, hoạt động quang hợp của cây trồng bị hạn chế, chất lượng nông sản suy giảm.

+ Ảnh hưởng đến mùa màng: tia cực tím chiếu xuống mặt đất về lâu dài sẽ phá hủy diệp lục trong lá cây, ảnh hưởng đến vai trò quang hợp của thực vật, khiến cho nông sản bị thất thu.


3. Trả lời câu hỏi trang 15 địa lí 11

Ý kiến cho rằng “Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại” có đúng không? Tại sao?

Trả lời:

“Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại”, điều này đúng. Vì:

– Môi trường là ngôi nhà chung của tất cả các loài sinh vật, trong đó con người tồn tại và phát triển. Cuộc sống của mỗi người có liên hệ mật thiết với môi trường.

– Hiện nay, môi trường trên Trái Đất đang bị đe dọa nghiêm trọng, ô nhiễm nặng nề về nguồn nước, đất, khí quyển:

+ Bầu khí quyển bị ô nhiễm nặng nề bởi khí thải công nghiệp, khói xe; lượng CO2 tăng lên đáng kể gây ra hiệu ứng nhà kính, làm Trái Đất nóng lên; hiện tượng mưa axit xuất hiện ở nhiều nơi; thủng tầng ô dôn…gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe đời sống con người và các hoạt động kinh tế.

+ Chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt chưa được xử lí đưa trực tiếp vào các sông, hồ đã làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ở nhiều nơi trên thế giới: có khoảng 1,3 tỉ người bị thiếu nước sạch (1 tỉ người thuộc các nước đang phát triển).

+ Nước thải chưa xử lí thải ra song, biển cùng sự cố tràn dầu, đắm tàu…đã làm ô nhiễm môi trường biển và đại dương gây tổn thất lớn, phá hủy môi trường sống của nhiều loài sinh vật dưới nước.

Dựa vào hiểu biết của bản thân, hãy nêu một số loài động vật ở nước ta hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng, hoặc còn lại rất ít.

Trả lời:

– Một số loài động vật lớn trên thực tế hầu như đã bị diệt vong: tê giác hai sừng, heo vòi, vượn tay trắng, cầy nước.

– Một số loài động vật ở nước ta có nguy cơ tuyệt chủng hoặc còn lại rất ít: bò tót, tê giác một sừng, hổ, sao la, hươu vàng, voọc mũi hếch, voọc đầu trắng, voi, sếu đầu đỏ,…


CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

Dưới đây là phần Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 trang 16 sgk Địa Lí 11 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Nội dung chi tiết câu trả lời các câu hỏi và bài tập các bạn xem sau đây:

1. Giải bài 1 trang 16 địa lí 11

Chứng minh rằng trên thế giới, sự bùng nổ dân số diễn ra chủ yếu ở nhóm nước đang phát triển, sự già hóa dân số diễn ra chủ yếu ở nhóm nước phát triển.

Trả lời:

– Bùng nổ dân số ở các nước đang phát triển:

+ Các nước đang phát triển chiếm khoảng 80% dân số và 95% số dân gia tăng hằng năm của thế giới.

+ Bùng nổ dân số diễn ra ở nửa sau thế kỉ XX:

• Giai đoạn 1960 – 1965 tỉ lệ gia tăng tự nhiên của các nước đang phát triển lên tới 2,3%, giai đoạn 1975 – 1990 con số này giảm xuống tuy nhiên vẫn ở mức cao (1,9%).

• Trong khi đó, các nước phát triển có tỉ lệ gia tăng tự nhiên ở mức cao nhất là 1,2% và các giai đoạn sau luôn ở mức < 1%.

– Già hóa dân số ở các nước phát triển:

+ Nhóm trẻ em 0 – 14 tuổi chỉ chiếm 17%, trong khi nhóm tuổi trên 65 đã chiếm tới 15%, nhóm tuổi trong độ tuổi lao động cũng rất lớn với 68%.

+ Ngược lại ở các nước đang phát triển số trẻ em rất lớn (32 %), trong khi người già chỉ chiếm 5% trong cơ cấu.


2. Giải bài 2 trang 16 địa lí 11

Giải thích câu nói: Trong bảo vệ môi trường, cần phải “tư duy toàn cầu, hành động địa phương”.

Trả lời:

Thế nào là “tư duy toàn cầu, hành động địa phương”:

– Tư duy toàn cầu: nghĩa là môi trường trên Trái Đất là một thể thống nhất, có tác động và ảnh hưởng đến nhau mạnh mẽ. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường không đơn giản chỉ là bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống, mà còn góp phần lớn trong bảo vệ Trái Đất. Ngược lại khi xả thải vào môi trường, điều đó không chỉ làm hư hại khu vực mình sinh sống, về lâu dài sẽ lan rộng và ảnh hưởng đến cả khu vực lớn xung quanh, nguy hiểm hơn là cả một lãnh thổ, quốc gia.

– Hành động địa phương:

+ Bảo vệ môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu, không phải của riêng ai, của riêng quốc gia nào. Vì vậy cần thiết có sự chung tay của tất cả mọi người trên Trái Đất.

+ Điều đó đồng nghĩa rằng, mỗi người chúng ta là những công dân toàn cầu, chúng ta cần có ý thức hành động từ những việc nhỏ trong cuộc sống của mình: đổ rác đúng nơi quy định, phân loại rác, tắt điện trước khi ra ngoài, sử dụng tiết kiệm nước, đi xe bus….


3. Giải bài 3 trang 16 địa lí 11

Hãy lập bảng trình bày về một số vấn đề môi trường toàn cầu theo gợi ý sau:

Vấn đề môi trường Nguyên nhân Hậu quả Giải pháp
Biến đổi khí hậu
Ô nhiễm nguồn nước ngọt
Suy giảm đa dạng sinh vật.

Trả lời:

Vấn đề môi trường Nguyên nhân Hậu quả Giải pháp
Biến đổi khí hậu – Khí CO2 tăng đáng kể.
– Khí thải công nghiệp và sinh hoạt, – Khí CFCs.
– Hiệu ứng nhà kính, Trái Đất nóng lên.
– Mưa axit.
– Thủng tầng ô dôn
– Sử dụng hệ thống công nghệ để xử lí các khí độc trước khi thải ra bầu khí quyển.
Ô nhiễm nguồn nước ngọt Chất thải công nghiệp và sinh hoạt chưa qua xử lí. Có khoảng 1,3 tỉ người trên toàn cầu bị thiếu nước sạch. – Xử lí nước thải công nghiệp và sinh hoạt trước khi đổ vào sông ngòi, biển.
– Xử phạt nặng những xí nghiệp nhà máy xả thải bừa bãi.
Suy giảm đa dạng sinh vật Khai thác, đánh bắt trái phép và quá mức. Nhiều loài sinh vật bị tuyệt chủng hoặc nguy bị tuyệt chủng. – Nghiêm cấm khai thác trái phép và quá mức tài nguyên rừng, biển.
– Duy trì các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dữ trữ sinh quyển…
– Xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm.
– Đầu tư tàu thuyền, phương tiện, khuyến khích đánh bắt xa bờ.

Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 trang 16 sgk Địa Lí 11 đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn địa lí 11 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com