Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 trang 72 sgk Địa Lí 12

Hướng dẫn soạn Bài 16. Đặc điểm dân số và phân bố dân cư ở nước ta sgk Địa Lí 12. Nội dung bài Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 trang 72 sgk Địa Lí 12 bao gồm đầy đủ phần lý thuyết, câu hỏi và bài tập có trong SGK để giúp các em học tốt môn địa lí 12, ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia.


LÍ THUYẾT

1. Đông dân, có nhiều thành phần dân tộc

– Đông dân:

+ Theo thống kê, dân số nước ta là 90 triệu người (01/11/2013), đứng thứ 3 ĐNA, thứ 13 thế giới.

+ Đánh giá: Nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ rộng lớn.

+ Khó khăn: Phát triển kinh tế, giải quyết việc làm…

– Nhiều thành phần dân tộc:

+ Có 54 dân tộc, dân tộc Kinh chiếm 86,2%, còn lại là các dân tộc ít người. Việt kiều 3.2 triệu người.

+ Thuận lợi: đa dạng về bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc.

+ Khó khăn: sự phát triển không đều về trình độ và mức sống giữa các dân tộc…

2. Dân số còn tăng nhanh, cơ cấu dân số trẻ

– Dân số còn tăng nhanh:

+ Mỗi năm tăng hơn 1 triệu người.

+ Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên giảm. Ví dụ: giai đoạn 1989 – 1999 tỉ lệ gia tăng dân số trung bình là 1,7% đến giai đoạn 2002 – 2005 là 1,32%.

+ Hậu quả của sự gia tăng dân số: tạo nên sức ép lớn về kinh tế – xã hội.

– Cơ cấu dân số trẻ: Dân số nước ta thuộc loại trẻ, đang có sự biến đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số theo nhóm tuổi. Cơ cấu các nhóm tuổi của nước ta năm 2005 như sau:

+ Từ 0 đến 14 tuổi: 27,0%

+ Từ 15 đến 59 tuổi: 64,0%

+ Từ 60 tuổi trở lên: 9,0%

⇒ Đánh giá:

– Thuận lợi: Nguồn lao động dồi dào, năng động, sáng tạo.

– Khó khăn sắp xếp việc làm.

3. Phân bố dân cư chưa hợp lí

Mật độ dân số trung bình ở nước ta là 254 người/km2 (năm 2006), nhưng phân bố chưa hợp lí giữa các vùng.

a) Giữa đồng bằng với trung du, miền núi

Đồng bằng tập trung 75% dân số. (VD: đồng bằng sông Hồng mật độ 1225 người/km2); miền núi chiếm 25% dân số (Vùng Tây Bắc 69 người/km2).

Hình 16.2. Phân bố dân cư

b) Giữa thành thị với nông thôn

Nông thôn chiếm 73,1% dân số, thành thị chiếm 26,9% dân số.

Sự phân bố dân cư chưa hợp lí làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng lao động, khai thác tài nguyên. Vì vậy, việc phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi cả nước là rất cần thiết.

4. Chiến lược phát triển dân số hợp lú và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động của nước ta

– Tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế tốc độ tăng dân số, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương chính sách, pháp luật về dân số và kế hoạch hóa gia đình.

– Xây dựng chính sách chuyển cư phù hợp để thúc đẩy sự phân bố dân cư, lao động giữa các vùng.

– Xây dựng quy hoạch và chính sách thích hợp nhằm đáp ứng xu thế chuyển dịch cơ cấu dân số nông thôn và thành thị.

– Đưa xuất khẩu lao động thành một chương trình lớn, có giải pháp mạnh và chính sách cụ thể để mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Đổi mới mạnh mẽ phương thức đào tạp người lao động xuất khẩu có tay nghề, có tác phong công nghiệp.

– Đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp ở trung du, miền núi. Phát triển công nghiệp ở nông thôn để khai thác tài nguyên và sử dụng tối đa nguồn lao động của đất nước.


CÂU HỎI GIỮA BÀI

Sau đây là phần Hướng dẫn trả lời các câu hỏi (màu xanh) giữa bài các học sinh cần suy nghĩ, liên hệ thực tế để nắm rõ kiến thức.

1. Trả lời câu hỏi trang 68 địa lí 12

Từ hình 16.1. Hãy nhận xét tỉ lệ gia tăng dân số qua các giai đoạn.

Trả lời:

Nhìn chung tỉ lệ gia tăng dân số trong giai đoạn này có nhiều biến động:

– Giai đoạn năm 1921 – 1954 :Tỉ lệ gia tăng dân số nhìn chung thấp (trung bình <2%), do đây là thời kì chiến tranh ở nước ta.

– Giai đoạn 1954 – 1976 (xây dựng XHCN ở miền Bắc): tỉ lệ gia tăng dân số cao nhất (trên 3%) do miền Bắc bước vào xây dựng XHCN, có hiện tượng sinh bù sau chiến tranh , đây là thời kì bùng nổ dân số ở nước ta.

– Giai đoạn 1976 – 2005 (bước vào thời kì hòa bình): tỉ lệ gia tăng dân số giảm dần từ 2,16% xuống còn 1,32%. Giai đoạn này đất nước bước vào thời kì hòa bình, nhà nước đề ra chính sách kế hoạch hóa gia đình và từng bước có hiệu quả.


2. Trả lời câu hỏi trang 69 địa lí 12

Từ bảng 16.2, hãy so sánh và nhận xét về mật độ dân số giữa các vùng.

Trả lời:

– Phân bố dân cư chưa hợp lí giữa miền núi và đồng bằng:

+ Vùng đồng bằng chỉ chiếm ¼ diện tích nhưng tập trung tới 75% dân số, trong khi miền núi với ¾ diện tích nhưng chỉ có 25% dân số.

+ Mật độ dân số đồng bằng sông Hồng gấp 17,7 lần Tây Bắc; 8,3 lần Tây Bắc và 13,8 lần Tây Nguyên.

– Trong các đồng bằng có sự phân hóa: đồng bằng sông Hồng gấp 2 lần đồng bằng sông Cửu Long.

+ Đồng bằng sông Hồng tập trung đông dân nhất (mật độ 1225 người/km2)

+ Đồng bằng sông Cửu Long mật độ dân số là 429 người/km2)

– Giữa các vùng miền núi cũng có sự chênh lệch:

+ Thấp nhất là Tây Bắc với mật độ là 69 người/km2.

+ Tây Nguyên là 89 người/km2.

+ Đông Bắc là 148 người/km2 (gấp 2,1 lần Tây Bắc).


3. Trả lời câu hỏi trang 71 địa lí 12

Từ bảng 16.3, hãy so sánh và cho nhận xét về sự thay đổi tỉ trọng dân số thành thị nông thôn.

Trả lời:

– Số dân nông thôn luôn chiếm tỉ lệ cao hơn số dân thành thị (năm 2005, tỉ lệ dân nông thôn là 73.1%, tỉ lệ dân thành thị là 26,9% ).

– Giai đoạn 1990 – 2005, cơ câu dân số phân theo thành thị và nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng:

+ Giảm tỉ lệ dân số nông thôn (80,5% xuống còn 73,1%).

+ Tăng tỉ lệ dân số thành thị (19,5% lên 26,9%).

⟹ Đây là sự chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Hãy nêu hậu quả của phân bố dân cư chưa hợp lí.

Trả lời:

Phân bố dân cư chưa hợp lí dẫn đến những tác động tiêu cực như:

– Về kinh tế: ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng lao động và khai thác tài nguyên, có nơi thừa, nơi thiếu lao động.

– Về xã hội: gây ra nhiều vấn nạn như ùn tắc giao thông, chênh lệch giàu nghèo, trộm cắp tệ nạn xã hội…

– Môi trường: tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.


CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

Dưới đây là phần Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 trang 72 sgk Địa Lí 12 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Nội dung chi tiết câu trả lời các câu hỏi và bài tập các bạn xem sau đây:

1. Giải bài 1 trang 72 địa lí 12

Phân tích tác động của đặc điểm dân số nước ta đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và môi trường.

Trả lời:

♦ Tích cực:

– Dân số đông:

+ Nguồn lao động dồi dào, tác động tích cực đến nền kinh tế, đặc biệt với những ngành cần nhiều lao động, thu hút đầu tư nước nước ngoài.

+ Thị trường tiêu thụ rộng lớn, giúp thúc đẩy sản xuất và phát triển.

– Dân số trẻ:

+ Năng động, sáng tạo, tiếp thu nhanh tiến bộ khoa học kĩ thuật.

+ Tỉ lệ người phụ thuộc ít hơn, giúp cải thiện nâng cao chất lượng đời sống.

– Thành phần dân tộc đa dạng:

+ Các dân tộc đoàn kết với nhau, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tạo nên sức mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

+ Tuyệt đại bộ phận người Việt ở nước ngoài đều hướng về Tổ quốc và đang đóng góp công sức cho xây dựng, phát triển kinh tế -xã hội ở quê hương.

♦ Tiêu cực: Dân đông và tăng nhanh gây nên sức ép lớn về vấn đề kinh tế – xã hội – môi trường.

– Về kinh tế:

+ Gia tăng dân số nhanh, chưa phù hợp với tăng trưởng kinh tế, kĩm hãm sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và lãnh thổ.

+ Vấn đề thất nghiệp và thiếu việc làm trở nên gay gắt.

+ Dân cư phân bố không hợp lí nên việc sử dụng và khai thác tài nguyên không hợp lí, hiệu quả.

– Về xã hội:

+ Chất lượng cuộc sống chậm cải thiện, GDP bình quân đầu người thấp vẫn còn thấp.

+ Các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở những vùng miền núi.

– Về môi trường: Dân số đông, mật độ dân số cao gây sức ép lên tài nguyên và môi trường

+ Cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

+ Ô nhiễm môi trường.


2. Giải bài 2 trang 72 địa lí 12

Tại sao ở nước ta hiện nay tỉ lệ gia tăng dân số có xu hướng giảm nhưng quy mô dân số vẫn tiếp tục tăng ? Nêu ví dụ minh họa?

Trả lời:

Tỉ lệ gia tăng dân số có xu hướng giảm nhưng quy mô dân số vẫn tiếp tục tăng vì : Việt Nam có quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ nên số người trong độ tuổi sinh đẻ cao ⇒ dẫn đến tỉ lệ sinh cao

Ví dụ: Nếu số dân là 65 triệu người, tỉ lệ gia tăng dân số 1,5%, thì mỗi năm dân số tăng 0,975 triệu người. Nếu quy mô dân số 85 triệu người, tỉ lệ gia tăng dân số 1,3%, thì mỗi năm dân số tăng thêm 1,105 triệu người.

⇒ Như vậy, mặc dù tỉ lệ gia tăng dân số giảm nhưng quy mô dân số lớn nên dân số vẫn tăng thêm nhiều hơn.


3. Giải bài 3 trang 72 địa lí 12

Vì sao nước ta phải thực hiện phân bố lại dân cư cho hợp lí ? Nêu một số phương hướng và biện pháp đã thực hiện trong thời gian vừa qua?

Trả lời:

♦ Nước ta phải thực hiện phân bố lại dân cư cho hợp lí vì: hiện nay dân cư nước ta có sự phân bố còn chưa hợp lí giữa vùng đồng bằng với trung dù và miền núi, giữa thành thị và nông thôn, ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng lao động và khai thác tài nguyên.

Vùng đồng bằng tập trung khoảng 75% dân số cả nước trong khi diện tích bằng ¼ cả nước. Trung du miền núi là nơi tập trung nhiều tài nguyên quan trọng nhưng mật độ dân số lại thấp, thiếu lao động cho khai thác và sử dụng hợp lí tài nguyên.

♦ Một số phương hướng và biện pháp đã thực hiện trong thời gian vừa qua:

– Thực hiện các giải pháp kiềm chế tốc độ tăng dân số, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về dân số và kế hoạch hoá gia đình.

– Xây dựng chính sách di cư phù hợp để thúc đẩy sự phân bố dân cư, lao động giữa các vùng.

– Đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp ở trung du, miền núi, phát triển công nghiệp nông thôn để khai thác tài nguyên và sử dụng tối đa nguồn lao động của đất nước.

– Phân bố lại dân cư và lao động giữa các vùng trong cả nước.

– Đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tăng cường đào tạo tay nghề cho lao động xuất khẩu.


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 trang 72 sgk Địa Lí 12 đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn địa lí 12 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com