Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 trang 92 sgk Địa Lí 12

Hướng dẫn soạn Bài 21. Đặc điểm nền nông nghiệp nước ta sgk Địa Lí 12. Nội dung bài Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 trang 92 sgk Địa Lí 12 bao gồm đầy đủ phần lý thuyết, câu hỏi và bài tập có trong SGK để giúp các em học tốt môn địa lí 12, ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia.


LÍ THUYẾT

1. Nền nông nghiệp nhiệt đới

a) Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên cho phép nước ta phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới.

♦ Thuận lợi:

– Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có sự phân hoá đa dạng, cho phép:

+ Đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp.

+ Áp dụng các biện pháp thâm canh, tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ.

– Địa hình và đất trồng cho phép áp dụng các hệ thống canh tác khác nhau giữa các vùng.

♦ Khó khăn: Thiên tai, sâu bệnh, dịch bệnh…

b) Nước ta đang khai thác ngày càng có hiệu quả đặc điểm của nền nông nghiệp nhiệt đới.

– Các tập đoàn cây trồng và vật nuôi được phân bố phù hợp hơn với các vùng sinh thái.

– Cơ cấu mùa vụ, giống có nhiều thay đổi.

– Tính mùa vụ được khai thác tốt hơn.

– Đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm của nền nông nghiệp nhiệt đới.

2. Phát triển nền nông nghiệp hiện đại sản xuất hàng hóa góp phần nâng cao hiệu quả của nông nghiệp nhiệt đới

Nền nông nghiệp nước ta hiện nay tồn tại song song nền nông nghiệp cổ truyền và nền nông nghiệp hàng hóa.

Nền nông nghiệp cổ truyền Nền nông nghiệp hàng hóa
Mục đích Tự cấp tự túc. Người sản xuất quan tâm nhiều đến sản lượng. Người nông dân quan tâm nhiều đến thị trường, năng suất, lao động, lợi nhuận
Quy mô Nhỏ Lớn
Trang thiết bị Công cụ thủ công. Sử dụng nhiều máy móc hiện đại.
Hướng chuyên môn hóa Sản xuất nhỏ, manh mún, đa canh. Sản xuất hàng hóa, chuyên môn hóa. Liên kết nông- công nghiệp.
Hiệu quả Năng suất lao động thấp. Năng suất lao động cao.
Phân bố Những vùng sản xuất nông nghiệp có điều kiện còn khó khăn. Những vùng có truyền thống sản xuất hàng hóa, thuận lợi về giao thông, gần các thành phố.

3. Kinh tế nông thôn nước ta đang chuyển dịch rõ nét

a) Hoạt động nông nghiệp là bộ phận chủ yếu của kinh tế nông thôn

– Theo nghĩa rộng bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

– Kinh tế nông thôn dựa chủ yếu vào nông-lâm –ngư nghiệp, nhưng xu hướng chung là các hoạt động phi nông nghiệp (công nghiệp-xây dựng, dịch vụ) ngày càng chiếm tỉ trọng lớn hơn.

b) Kinh tế nông thôn bao gồm nhiều thành phần kinh tế

– Các doanh nghiệp nông-lâm nghiệp và thủy sản.

– Các hợp tác xã nông-lâm nghiệp và thủy sản.

– Kinh tế hộ gia đình.

– Kinh tế trang trại.

c) Cơ cấu kinh tế nông thôn đang từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất dàng hóa và đa dạng hóa

– Sản xuất hàng hóa biểu hiện:

+ Sự đẩy mạnh chuyên môn hóa nông nghiệp.

+ Hình thành các vùng nông nghiệp chuyên môn hóa, kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chế biến, hướng mạnh ra xuất khẩu.

– Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn thể hiện ở:

+ Thay đổi tỉ trọng của các thành phần tạo nên cơ cấu.

+ Các sản phẩm chính trong nông – lâm – thuỷ sản và các sản phẩm phi nông nghiệp khác.


CÂU HỎI GIỮA BÀI

Sau đây là phần Hướng dẫn trả lời các câu hỏi (màu xanh) giữa bài các học sinh cần suy nghĩ, liên hệ thực tế để nắm rõ kiến thức.

1. Trả lời câu hỏi trang 88 địa lí 12

Hãy lấy ví dụ để chứng minh sự phân hóa mùa vụ là do sự phân hóa khí hậu của nước ta.

Trả lời:

– Phân hóa giữa miền Bắc và miền Nam:

+ Miền Bắc: khí hậu nhiệt đới ẩm có một mùa đông lạnh, phát triển hai vụ lúa chính là vụ lúa chiêm xuân và vụ lúa mùa (ở ĐBS. Hồng). Ngoài ra, mùa đông lạnh cho phép phát triển vụ đông với các loại rau màu ưa lạnh (su hào, bắp cải, cà chua…).

+ Miền Nam: khí hậu nhiệt đới cận xích đạo, nắng nóng quanh năm, phát triển mạnh các loại hoa quả đặc sản vùng nhiệt đới như xoài, măng cụt, mãng cầu, mít, sầu riêng…Đồng bằng sông Cửu Long có ba vụ lúa chính trong năm là vụ lúa mùa, vụ lúa đông xuân và vụ lúa hè thu.

– Phân hóa theo độ cao:

+ Vùng cao nguyên, đồi trung du có khí hậu mát mẻ, thuận lợi phát triển cây công nghiệp nguồn gốc cận nhiệt như chè.

+ Vùng núi cao ở phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn) có khí hậu ôn đới núi cao, phát triển hoa quả ôn đới (mận, đào, lê), trồng các loài thuốc quý (tam thất, đương quy, đỗ hồi, thảo quả…), SaPa có thể trồng rau quả ôn đới (bắp cải, cà chua, dâu tây…)

Việc sử dụng đất trong điều kiện nông nghiệp nhiệt đới cần chú ý những điều gì?

Trả lời:

Trong điều kiện nhiệt đới ẩm đất đai vụn bở và dễ bị xói mòn sạt lở khi có mưa lớn, vì vậy trong quá trình sử dụng cần chú ý :

– Trồng rừng đầu nguồn để hạn chế mưa lớn rửa trôi, sạt lở đất đai.

– Đối với vùng đồi nên áp dụng mô hình nông – lâm kết hợp.

– Không cày xới quá sâu, tạo độ mùn và chất dinh dưỡng tự nhiên cho đất từ chính lá cây rụng xuống.

– Thay đổi hoặc đa dạng cơ cấu cây trồng trên cùng một thửa đất.

– Áp dụng hệ thống canh tác khác nhau giữa các vùng cho phù hợp.


2. Trả lời câu hỏi trang 91 địa lí 12

Quan sát bảng 21, nêu nhận xét về cơ cấu hoạt động kinh tế nông thôn ở nước ta.

Trả lời:

Nhận xét:

– Tỉ lệ hộ gia đình hoạt động theo ngành nông – lâm – thủy sản chiếm tỉ trọng cao nhất (trên 70%), tuy nhiên đang giảm dần trong giai đoạn gần đây (từ 80,9% xuống 71%).

– Tỉ lệ hộ công nghiệp – xây dựng chiếm tỉ trọng thấp nhất với 5,8%, (năm 2001) 7% và đã tăng nhanh lên 10% (năm 2006).

– Tỉ lệ hộ dịch vụ có tỉ trọng các hộ sản xuất cao thứ 2 (10,6% năm 2001) và tăng lên 14,8% (năm 2006).

⟹ Chứng tỏ hoạt động phi nông nghiệp đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông thôn.

Đọc hình 21, nhận xét về sự phân hóa không gian của cơ cấu kinh tế nông thôn.

Trả lời:

Nhận xét: Tỉ lệ hộ nông thôn có thu nhập chủ yếu từ nông-lâm-thủy sản có sự phân hóa theo không gian:

– Các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và Tây Nguyên có tỉ lệ hộ thu nhập chủ yếu từ nông – lâm – thủy sản là cao nhất (từ trên 85% – 94,3%). Đây là những vùng thuần nông, hoạt động nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo.

– Các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ có tỉ lệ hộ thu nhập chủ yếu từ nông -lâm-thủy sản ở mức thấp nhất (từ 19 – 50%). Đây là những vùng có nền kinh tế phát triển nhất cả nước, hoạt động phi nông nghiệp phát triển mạnh và đóng vai trò quan trọng.

– Các tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ ở mức trung bình (từ 50 -70%). Đây là những vùng đang trong thời kì phát triển, đầu tư cho công nghiệp hóa.


CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

Dưới đây là phần Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 trang 92 sgk Địa Lí 12 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Nội dung chi tiết câu trả lời các câu hỏi và bài tập các bạn xem sau đây:

1. Giải bài 1 trang 92 địa lí 12

Nền nông nghiệp nhiệt đới có những thuận lợi và khó khăn gì? Hãy cho ví dụ chứng minh rằng nước ta đang phát triển ngày càng có hiệu quả nền nông nghiệp nhiệt đới?

Trả lời:

♦ Nền nông nghiệp nhiệt đới có những thuận lợi và khó khăn sau:

* Thuận lợi: Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên cho phép nước ta phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới.

– Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với nền nhiệt độ trung bình > 200C, lượng mưa lớn (1500 -2000 mm/năm), độ ẩm > 80% :

+ Cho phép nước ta trồng trọt quanh năm.

+ Cây trồng vật nuôi có nhiều điều kiện sinh trưởng, phát triển đặc biệt là sinh vật nhiệt đới.

+ Có thể áp dụng các phương thức thâm canh, tăng vụ, xen canh…

– Khí hậu phân hóa rõ rệt theo chiều Bắc – Nam, đông – tây và độ cao địa hình thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, đa dạng hóa các loại nông sản (cận nhiệt, ôn đới, nhiệt đới).

– Sự phân hóa của điều kiện địa hình, đất trồng cho phép và đồng thời đòi hỏi áp dụng các hệ thống canh tác khác nhau giữa các vùng : trung du miền núi Bắc Bộ trồng cây lâu năm và gia súc lớn, ở các vùng đồng bằng châu thổ trồng cây hoa màu, lương thực (lúa nước), phát triển thủy sản; Đông Nam Bộ và Tây Nguyên phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm nguồn gốc nhiệt đới.

⟹ Từ đó hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp lớn với thế mạnh khác nhau.

* Khó khăn:

– Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa mang tính thất thường làm cho nền nông nghiệp nước ta tăng thêm tính bấp bênh. Các thiên tai như bão, lũ, hạn hán, rét đậm rét hại, sương muối.

– Khí hậu nhiệt đới ẩm là môi trường thuận lợi dễ phát sinh các dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi.

♦ Nước ta đang ngày càng khai thác có hiệu quả nền nông nghiệp nhiệt đới:

– Các tập đoàn cây con được phân bố phù hợp với các điều kiện sinh thái.

Ví dụ: Hình thành các vùng sinh thái nông nghiệp với các thế mạnh riêng như: Đông Nam Bộ có thế mạnh cây cao su, Tây Nguyên có cây cà phê, đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long với cây lúa nước…

– Cơ cấu mùa vụ thay đổi quan trọng.

Ví dụ: Tạo ra nhiều giống lúa chịu hạn, chịu rét, sâu bệnh, vì vậy mà diện tích lúa vụ mùa ngày càng thu hẹp thay vào đó là vụ đông và hè thu.

– Tính mùa vụ được khai thác tốt hơn.

Ví dụ: Đã hình thành nhiều xí nghiệp nhà máy chế biến hoặc sơ chế giúp nâng cao giá trị các thành phẩm nông nghiệp như: nhà máy chế biến cà phê Trung Nguyên, nhà máy chè (Mộc Châu, Thái Nguyên).

– Đẩy mạnh sản xuất nông sản xuất khẩu.

Ví dụ: Nhiều nông sản nước ta có giá trị xuất khẩu lớn và xếp thứ hạng cao trên thế giới như cà phê, gạo, chè, cao su, hoa quả…).


2. Giải bài 2 trang 92 địa lí 12

Hãy phân biệt một số nét khác nhau cơ bản giữa nông nghiệp cổ truyền và nông nghiệp hàng hóa.

Trả lời:

Phân biệt giữa nền nông nghiệp cổ truyền và nông nghiệp hàng hóa:

Tiêu chí Nông nghiệp cổ truyền Nông nghiệp hàng hóa
Quy mô sản xuất Nhỏ lẻ, manh mún, phân tán. Quy mô khá lớn, mức độ tập trung cao.
Mục đích sản xuất Tự cung tự cấp, đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ. Sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, thu lợi nhuận.
Phương thức sản xuất – Lạc hậu, sử dụng nhiều sức người, thủ công, kĩ thuật thô sơ.
– Sản xuất hướng đa canh (nhiều mặt hàng).
– Sử dụng nhiều máy móc kĩ thuật tiên tiến, đẩy mạnh thâm canh, chuyên môn hóa sản xuất.
– Sản xuất gắn liền với công nghiệp chế biến và dịch vụ.
Năng suất Năng suất thấp, ít lợi nhuận. Năng suất cao, hiệu quả, thu nhiều lợi nhuận.
Mối quan tâm của người sản xuất Người sản xuất quan tâm nhiều đến sản lượng. Người sản xuất quan tâm nhiều đến lợi nhuận.
Phân bố Vùng có điều kiện sản xuất khó khăn, xa đường  giao thông, vùng nghèo. Chủ yếu ở vùng có điều kiện thuận lợi về tự nhiên, truyền thống sản xuất lâu đời, gần trục giao thông và nơi tiêu thụ.

3. Giải bài 3 trang 92 địa lí 12

Cho bảng số liệu sau:

Số lượng các loại trang trại của cả nước, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, năm 2006

Các loại trang trại Cả nước Đông Nam Bộ Đồng bằng sông Cửu Long
Tổng số 113730 14054 54425
Trang trại trồng cây hàng năm 32611 1509 24425
Trang trại trồng cây công nghiệp lâu năm 18206 8188 175
Trang trại chăn nuôi 16708 3003 1937
Trang trại nuôi trồng thủy sản 34202 747 25147
Trang trại thuộc các loại khác 12003 607 2741

Ghi chú: Trang trại thuộc các loại khác bao gồm trang trại trồng cây ăn quả, trang trại lâm nghiệp và trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp.

Hãy phân tích bảng số liệu để thấy rõ đặc điểm cơ cấu trang trại cả nước và hai vùng kể trên. Nhận xét và giải thích về sự phát triển của một số loại trang trại tiêu biểu ở Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long năm 2006.

Trả lời:

♦ Phân tích bảng số liệu:

– Cả nước có tổng số trang trại lên tới 113730 (trang trại), trong đó:

+ Chiếm số lượng nhiều nhất là trang trại nuôi trồng thủy sản (34202 trang trại)

+ Thứ hai là trang trại trồng cây hàng năm với 32611 trang trại.

+ Trang trại trồng cây công nghiệp lâu năm chiếm số lượng nhiều thứ ba (18206 trang trại). Số lượng ít nhất là các trang trại chăn nuôi (16708 trang trại).

– Vùng Đông Nam Bộ:

+ Số lượng nhiều nhất là trại trồng cây công nghiệp lâu năm (8188 trong tổng số 14054 trang trại).

+ Tiếp đến là số lượng trang trại chăn nuôi (3003 trang trại).

+ Trang trại nuôi trồng thủy sản có số lượng ít nhất.

– Vùng đồng bằng sông Cửu Long:

+ Chiếm số lượng nhiều nhất là trang trại nuôi trồng thủy sản (25147 trang trại).

+ Thứ hai là trang trại trồng cây hàng năm (24425 trang trại).

+ Số lượng ít nhất là các trang trại trồng cây công nghiệp lâu năm (175 trang trại).

♦ Nhận xét và giải thích:

– Đông Nam Bộ:

+ Có thế mạnh về địa hình, đất, khí hậu để hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm lớn của cả nước. Vì vậy vùng phát triển mạnh các trang trại trồng cây công nghiệp lâu năm (các nông sản quan trọng: hồ tiêu, điều, cà phê, cao su).

+ Tiếp đến là trang trại chăn nuôi, vì ở đây có nhiều đồng cỏ, ngoài ra còn có nguồn thức ăn khá dồi dào từ hoa màu lương thực, phụ phẩm của ngành thủy sản và thức ăn chế biến công nghiệp.

– Đồng bằng sông Cửu Long:

+  Vùng có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước (sông ngòi kênh rạch chằng chịt, đường bờ biển dài với nhiều bãi nước lợ, rừng ngập mặn…) vì vậy vùng có số lượng trang trại nuôi trồng thủy sản lớn nhất.

+ Là vùng đồng bằng châu thổ phù sa màu mỡ và rộng lớn, khí hậu, nguồn nước thuận lợi, đây còn là vùng trọng điểm sản xuất lương thực lớn thứ hai của cả nước (trang trại trồng cây hàng năm nhiều thứ hai).


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Giải bài 1 2 3 trang 92 sgk Địa Lí 12 đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn địa lí 12 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com