Soạn bài Buổi học cuối cùng sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Hướng dẫn soạn Bài 1. Tiểu thuyết và truyện ngắn. Nội dung bài Soạn bài Buổi học cuối cùng sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 7, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

Buổi học cuối cùng

Nội dung chính:

Qua câu chuyện buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở vùng An-dát bị quân Phổ chiếm đóng và hình ảnh cảm động của thầy Ha-men, truyện đã thể hiện lòng yêu nước trong một biểu hiện cụ thể là tình yêu tiếng nói của dân tộc và nêu chân lí: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù…”.


1. Chuẩn bị

Câu hỏi trang 21 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Đọc trước truyện Buổi học cuối cùng, tìm hiểu thêm thông tin về nhà văn An-phông-xơ Đô-đê.

Trả lời:

– Tiểu sử:

+ An-phông-xơ Đô-đê (1840-1897), nhà văn Pháp.

+ Ông bắt đầu viết từ năm 14 tuổi, sau này gặt hái được nhiều thành công và được đông đảo bạn đọc yêu mến.

– Sự nghiệp văn học:

+ Ông là tác giả của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng như: Một thời niên thiếu, Những cuộc phiêu lưu kì diệu của Tactaranh ở Taraxcông…

+ Ông đạt đến danh vọng trong làng văn chương Pháp qua giải thưởng Văn chương Pháp với quyển “Fromont Cháu Trẻ và Cụ Riler” (1874).


2. Đọc hiểu

Câu hỏi trang 21 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Chú ý người kể ngôi thứ nhất và tác dụng của ngôi kể này.

Trả lời:

Tác dụng của ngôi kể thức nhất: miêu tả một cách chân thực, thể hiện cảm xúc rõ nét nhất mà tác giả muốn truyền tải đến người đọc.


Câu hỏi trang 22 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Từ sự khác thường của buổi học, dự đoán về sự kiện xảy ra.

Trả lời:

Em dự đoán buổi học này không phải là buổi học bình thường như mọi khi, nó có sự bất thường xảy ra: buổi học cuối cùng.


Câu hỏi trang 22 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Chú ý không khí lớp học, cách ăn mặc và thái độ khác thường của thầy Ha-men.

Trả lời:

– Thầy giáo của chúng tôi mặc chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội mũ tròn bằng lụa đen thêu.

– Lớp học có cái gì đó khác thường và trang trọng.

– Ở phía cuối lớp, trên những hàng ghế thường bỏ trống, dân làng ngồi lặng lẽ giống như chúng tôi.

– Ai nấy đều có vẻ buồn rầu, và cụ Hô-de mang theo quyển tập đánh vần cũ đã sớm mép, để mở rộng trên lòng, cặp kính lớn đặt ngang sách.

– Ha-men nói với giọng nói dịu dàng và trang trọng.


Câu hỏi trang 23 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Chú ý sự đối lập trong cảm nhận của Phrăng về những cuốn sách.

Trả lời:

Những cuốn sách vừa nãy tôi còn thấy chán ngán đến thế, mang nặng đến thế, quyển ngữ pháp, quyển thánh sử của tôi giờ đây dường như những người bạn cố tri mà tôi sẽ rất đau lòng phải giã từ.


Câu hỏi trang 23 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Tại sao thầy Ha-men lại nói: “…con bị trừng phạt thế là đủ rồi…”?

Trả lời:

Thầy Ha-men nói như vậy bởi đây là buổi cuối cùng học tiếng Pháp, sẽ chẳng còn buổi ngày mai hay hôm sau để học nữa, nên sự trách mắng đó cũng sẽ biến mất.


Câu hỏi trang 24 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Em có suy nghĩ gì về những dòng chữ in đậm này?

…khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù…

Trả lời:

Dòng chữ gợi cho em suy nghĩ về việc gìn giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc. Bất kì một dân tộc nào, khi bị đô hộ bởi một nước khác, họ vẫn giữ được tiếng nói, ngôn ngữ, phong tục, tập quán của dân tộc mình – đó là một điều đáng quý và thiêng liêng. Bởi nó chứng tỏ họ vẫn là dân tộc đó, vẫn là người nước đó, chủ có thể đổi nhưng đất nước đó thì không, mãi mãi tồn tại với những giá trị văn hóa riêng. Nó sẽ trở thành động lực, vũ khí để các dân tộc tiến lên, giải phóng cho chính mình.


Câu hỏi trang 24 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Cậu bé Phrăng băn khoăn điều gì về những con chim bồ câu trên mái nhà trường?

Trả lời:

Băn khoăn của cậu bé Phrăng vừa hài hước vừa xót xa. Chim bồ câu chỉ có một tiếng gáy và nó sẽ chẳng thay đổi. Nhưng qua cái nhìn của trẻ thơ, cậu đang nghĩ không biết có khi nào mọi thứ sẽ đều mang theo tiếng Đức không từ ngôn ngữ của con người đến loài vật. Điều đó thể hiện một sự sót xa trước sự mất dần của ngôn ngữ dân tộc.


Câu hỏi trang 25 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Chú ý hình dáng, vẻ mặt của thầy Ha-men khi viết dòng chữ cuối cùng ở phần (5).

Trả lời:

– Thầy Ha-men đứng dậy trên bục người tái nhợt. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thầy lớn lao đến thế.

– Thầy nghẹn ngào, không nói được hết câu.

– Thầy bèn quay về phía bảng, cầm một hòn phấn và dằn mạnh hết sức, thầy cố viết thật to: “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!”


TRẢ LỜI CÂU HỎI CUỐI BÀI

Câu 1 trang 26 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Em hiểu thế nào về nhan đề Buổi học cuối cùng? Người kể lại câu chuyện là ai? Chỉ ra tác dụng của ngôi kể này.

Trả lời:

– Nhan đề Buổi học cuối cùng có thể hiểu để ám chỉ buổi học cuối cùng tiếng Pháp của một lớp học thuộc vùng bị quân Phổ chiếm đóng.

– Người kể chuyện là cậu bé Frăng – một học sinh của lớp học.

– Tác dụng của ngôi kể: miêu tả một cách chân thực, thể hiện cảm xúc rõ nét nhất mà tác giả muốn truyền tải đến người đọc.


Câu 2 trang 26 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Đặc điểm tính cách nhân vật thầy Ha-men được nhà văn khắc hoạ từ những phương diện nào? Hãy nêu ra một số biểu hiện cụ thể trong văn bản.

Trả lời:

Đặc điểm tính cách nhân vật thầy Ha-men được nhà văn khắc hoạ từ những phương diện:

– Ăn mặc: mặc chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ bằng lụa đen thêu mà thầy chỉ dùng vào những hôm có thanh tra hoặc phát phần thưởng.

– Lời nói: thầy nói với giọng dịu dàng và trang trọng; thầy nói với chúng tôi về tiếng Pháp, bảo rằng đó là ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất.

– Cử chỉ:

+ Ha-men đứng lặng im trên bục và đăm đăm nhìn những đồ vật quanh mình như muốn mang theo trong ánh mắt toàn bộ ngôi trường nhỏ bé của thầy.

+ Thầy bèn quay về phía bảng, cầm một hòn phấn và dằn mạnh hét sức, thầy cố viết thật to: “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM”.

+ Rồi thầy đứng đó, đầu dựa vào tường, và chẳng nói, giơ tay ra hiệu cho chúng tôi.


Câu 3 trang 26 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Phân tích một số chi tiết cụ thể (suy nghĩ, cách nhìn nhận về thầy Ha-men và thái độ đối với việc học tiếng Pháp) để làm rõ diễn biến tâm trạng của nhân vật “tôi” trong “buổi học cuối cùng”.

Trả lời:

– Thầy Ha-men nói với chúng tôi về tiếng Pháp, bảo rằng đó là ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất: phải giữ lấy nó trong chúng ta và đừng bao giờ quên lãng nó, bởi vì khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù.

→ Như một bài học, một triết lí cuối cùng mà người thầy muốn gửi gắm đến học sinh của mình với hy vọng họ có thể gìn giữ được tiếng mẹ đẻ, tiếp tục kế thừa và phát huy ngôn ngữ dân tộc. Nắm được nó trong tay chính là nắm được vận mệnh dân tộc trong tay.

– Thầy bèn quay về phía bảng, cầm một hòn phấn và dằn mạnh hét sức, thầy cố viết thật to: “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM”.

→ Chi tiết trên cho ta thấy lí tưởng, khát vọng độc lập tự do cùng tinh thần yêu nước, yêu ngôn ngữ của dân tộc mình. Cảm xúc đó dường như không thể diễn tả thành lời bởi cảm xúc đã lên đến đỉnh điểm của một người trí thức yêu đất nước, văn hóa và yêu nghề dạy học tha thiết.


Câu 4 trang 26 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Đọc phần (5) của văn bản Buổi học cuối cùng, liệt kê các chi tiết miêu tả thầy Ha-men (về hành động, ngôn ngữ, ngoại hình). Các chi tiết này đã giúp tác giả khắc hoạ được tâm trạng gì của thầy Ha-men?

Trả lời:

Các chi tiết này đã giúp tác giả khắc họa thành công về nhân vật thầy Ha-men. Đó là người yêu đất nước Pháp, yêu ngôn ngữ và yêu nghề dạy học bằng cả trái tim mình. Trước giờ phút chia tay, chia tay những học sinh yêu quý, những ngày tháng dạy học bằng cả đam mê, nhiệt huyết, thầy Ha-men dường như không nỡ, không muốn, nhưng lại không thể làm gì. Đặc biệt chi tiết viết dòng chữ trên bảng như một lần nữa khẳng định lòng yêu nước tuyệt đối của một người thầy giáo. Đồng thời, hình ảnh thầy Ha-men cũng là đại diện cho biết bao con người thuộc tầng lớp trí thức trẻ lúc bấy giờ.


Câu 5 trang 26 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Câu chuyện đã gợi lên trong em những suy nghĩ và tình cảm như thế nào? Em rút ra bài học gì cho bản thân sau khi học xong truyện?

Trả lời:

– Truyện ngắn này bồi đắp cho em lòng yêu nước sâu sắc.

– Bài học: muốn giữ vững được chủ quyền độc lập tự do của đất nước, trước hết mỗi người dân phải có ý thức giữ gìn và bảo vệ tài sản tinh thần vô giá mà tổ tiên, ông cha để lại: đó là ngôn ngữ, là tiếng nói thiêng liêng của dân tộc tự bao đời.


Câu 6 trang 26 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Trong truyện Buổi học cuối cùng, em thích nhất nhân vật hoặc chi tiết, hình ảnh nào? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 6-8 dòng) giải thích lí do vì sao em thích.

Trả lời:

Trong truyện em thích nhất là nhân vật thầy giáo Ha-men. Bởi thầy là đại diện cho tầng lớp trí thức Pháp yêu nước, yêu văn hóa và yêu nghề lúc bấy giờ. Dù hoàn cảnh lịch sử rối ren, đất nước bị chiếm đóng và bọn giặc đang muốn đồng hóa dân tộc này bằng cách dạy tiếng Đức thay vì tiếng Pháp. Chính vào khoảnh khắc này, buổi học tiếng Pháp cuối cùng ấy, người thầy giáo yêu nước ấy đã dạy cho học trò của mình bài học cuối cùng, bài học về tình yêu nước, giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc với cảm xúc ngậm ngùi, đầy tiếc nuối.

Hoặc:

Trong truyện Buổi học cuối cùng, em thích nhất nhân vật thầy Ha-men. Thầy chuẩn bị bài học rất chu đáo. Giáo án được viết bằng thứ mực đắt tiền; những dòng chữ nghiêng nghiêng, rõ ràng, nắn nót, kẻ tiêu đề cẩn thận nổi bật trên nền giấy trắng tinh. Thầy giảng bài bằng giọng nói dịu dàng; lời nhắc nhở của thầy cũng hết sức nhã nhặn, trong suốt buổi học người không giận dữ quát mắng học sinh một lời nào. Ngay cả với cậu bé đến muộn Phrăng, thầy cũng chỉ nhẹ nhàng mời vào lớp. Tất cả học sinh trong lớp đều thấy rằng: Chưa bao giờ thầy kiên nhẫn giảng bài như vậy. Những chi tiết này khẳng định một điều chắc chắn: Thầy là người yêu nghề dạy học, yêu tiếng mẹ đẻ, và là người yêu nước sâu sắc.


Bài trước:

👉 Soạn bài Người đàn ông cô độc giữa rừng sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 26 sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Buổi học cuối cùng sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 7 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com