Soạn bài Cảnh ngày xuân sgk Ngữ văn 9 tập 1

Hướng dẫn Soạn Bài 6 sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập một. Nội dung bài Soạn bài Cảnh ngày xuân sgk Ngữ văn 9 tập 1 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, phân tích, cảm nhận, thuyết minh, nghị luận,… đầy đủ các bài văn mẫu lớp 9 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn 9, ôn thi vào lớp 10.


VĂN BẢN

CẢNH NGÀY XUÂN

(Trích Truyện Kiều)

Ngày xuân con én đưa thoi(1),
Thiều quang chín đục(2) đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh(3) trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo một hội là đạp thanh(4).
Gần xa nô nức yến anh(5),
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân(6),
Ngựa xe như nước áo quần như nêm(7).
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay(8).
Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dang tay ra về.
Bước dần theo ngọn tiểu khê(9),
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp(10) cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều, Sđd)

Chú thích:

Vị trí đoạn trích: Sau đoạn tả tài sắc chị em Thúy Kiều, đoạn này tả cảnh ngày xuân trong tiết Thanh minh và cảnh du xuân của chị em Kiều.

(1) Ngày xuân có chim én bay đi bay lại như thoi đưa. Câu thơ vừa tả cảnh, vừa ngụ ý ngày xuân qua nhanh quá. Câu thơ này có bản ghi là “Tiết vừa con én đưa thoi” cũng có ý chỉ ngày xuân.

(2) Thiều quang: ánh sáng đẹp, tức là nói ánh sáng ngày xuân. Ý cả câu: chín chục ngày xuân, mà nay đã ngoài sáu mươi ngày, tức là đã qua tháng giêng, tháng hai và đã bước sang tháng ba.

(3) Thanh minh: tiết vào đầu tháng ba, mùa xuân khí trời mát mẻ, trong trẻo, người ta đi tảo mộ, tức là đi viếng và sửa sang lại phần mộ của người thân.

(4) Đạp thanh: giẫm lên cỏ xanh. (Tiết Thanh minh, đi chơi xuân ở chốn đồng quê, giẫm lên cỏ xanh nên gọi là đạp thanh.)

(5) Yến anh: chim én, chim oanh về mùa xuân thường ríu rít bay từng đàn, đây ví cảnh từng đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân.

(6) Tài tử giai nhân: trai tài gái sắc.

(7) Áo quần như nêm: nói người đi lại đông đúc, chật như nêm.

(8) Vàng vó: thứ đồng hàng mã, giả những thoi vàng hình khối chữ nhật dùng trong việc tang ma hoặc lễ mộ. Tiền giấy: loại hàng mã gồm những tờ giấy có in đầy hình đồng tiền kẽm hay tiền đồng, dùng trong việc cúng tế,… xong lễ đốt đi cho người âm phủ dùng. Đây đều là những tục cổ mê tín.

(9) Tiểu khê: khe nước nhỏ

(10) Dịp: nhịp.

Dưới đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Cảnh ngày xuân sgk Ngữ văn 9 tập 1 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Nội dung chi tiết câu trả lời từng câu hỏi các bạn xem dưới đây:


ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Bố cục: 3 phần

– Phần 1 (4 câu thơ đầu): khung cảnh mùa xuân

– Phần 2 (8 câu thơ tiếp): khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh

– Phần 3 (4 câu cuối): cảnh chị em Kiều du xuân trở về

Nội dung chính: Cảnh ngày xuân là bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng.


1. Câu 1 trang 86 sgk Ngữ văn 9 tập 1

Bốn câu thơ đầu gợi lên khung cảnh mùa xuân.

– Những chi tiết nào gợi lên đặc điểm riêng của mùa xuân? (Chú ý những đường nét, hình ảnh, màu sắc, khí trời, cảnh vật.)

– Em có nhận xét gì về cách dùng từ ngữ và bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Du khi gợi tả mùa xuân?

Trả lời:

Bốn câu thơ đầu gợi lên khung cảnh mùa xuân:

– Những chi tiết gợi lên đặc điểm của mùa xuân: con én đưa thoi, thiều quang chín chục, cỏ non, trời, cành lê trắng.

– Cách dùng từ ngữ và bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Du:

+ Nguyễn Du đã dùng chữ điểm có tác dụng gợi vẻ sinh động, hài hoà.

+ Tác giả sử dụng bút pháp hội hoạ phương Đông: chấm phá, lấy tĩnh tả động.

⇒ Bức tranh mùa xuân mới mẻ, tinh khôi, tràn trề sức sống.


2. Câu 2 trang 86 sgk Ngữ văn 9 tập 1

Tám câu thơ tiếp gợi lên khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh.

– Thống kê những từ ghép là tính từ, danh từ, động từ (gần xa, yến anh, chị em, tài tử, nô nức, dập dìu,…). Những từ ấy gợi lên không khí và hoạt động của lễ hội như thế nào?

– Thông qua buổi du xuân của chị em Thúy Kiều, tác giả khắc hoạ hình ảnh một lễ hội truyền thống xa xưa. Em hãy đọc kĩ các chú thích, kết hợp với đoạn thơ để nêu những cảm nhận về lễ hội truyền thống ấy.

Trả lời:

– Những từ ghép là tính từ, danh từ, động từ gợi lên không khí và hoạt động của lễ hội là: gần xa, yến anh, chị em, tài tử, giai nhân, nô nức, sắm sửa, dập dìu. → gợi không khí lễ hội thật rộn ràng.

– Qua cuộc du xuân của chị em Thúy Kiều, tác giả khắc họa một truyền thống văn hóa lễ hội xa xưa: đó là lễ tảo mộ tưởng nhớ người thân đã khuất và hội đạp thanh đi chơi xuân ở chốn đồng quê tươi đẹp → Những lễ hội đó là nét đẹp văn hóa truyền thống phương Đông.


3. Câu 3 trang 86 sgk Ngữ văn 9 tập 1

Sáu câu cuối gợi lên cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về.

– Cảnh vật, không khí mùa xuân trong sáu câu thơ cuối có gì khác với bốn câu thơ đầu? Vì sao?

– Những từ ngữ tà tà, thanh thanh, nao nao chỉ có tác dụng miêu tả sắc thái cảnh vật hay còn bộc lộ tâm trạng con người? Vì sao?

– Cảm nhận của em về khung cảnh thiên nhiên và tâm trạng con người trong sáu câu thơ cuối.

Trả lời:

– Cảnh vẫn mang cái thanh, cái dịu của mùa xuân: nắng nhạt, khe nước nhỏ, một nhịp cầu nhỏ bắc ngang.

– Những từ láy “tà tà”, “thanh thanh”, “nao nao” không chỉ biểu đạt sắc thái cảnh vật mà còn bộc lộ tâm trạng con người.

– Dòng nước uốn quanh “nao nao” như báo trước ngay sau lúc này thôi Kiều sẽ gặp nấm mồ Đạm Tiên, sẽ gặp chàng thư sinh “phong tư tài mạo tót vời” Kim Trọng.


4. Câu 4* trang 87 sgk Ngữ văn 9 tập 1

Phân tích những thành công về nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Du trong đoạn trích Cảnh ngày xuân.

(Gợi ý: Đoạn thơ có kết cấu hợp lí như thế nào? Cách sử dụng từ ghép, từ láy giàu chất tạo hình. Sự kết hợp giữa bút pháp tả cụ thể, chi tiết và bút pháp gợi có tính chất điểm xuyết, châm phá,…)

Trả lời:

Thành công về nghệ thuật miêu tả :

– Ngôn ngữ chọn lọc, giàu chất tạo hình.

– Hệ thống từ ngữ đa dạng, từ láy giàu sức biểu cảm.

– Bút pháp tả cảnh đặc sắc : tả điểm xuyết, vừa gợi vừa tả, tả cảnh ngụ tình.


LUYỆN TẬP

1. Câu 1 trang 87 sgk Ngữ văn 9 tập 1

Phân tích, so sánh cảnh miêu tả mùa xuân trong câu thơ cổ Trung Quốc: “Phương thảo liên thiên bích – lê chi sổ điểm hoa” (Cỏ thơm liền với trời xanh – Trên cành lê có mấy bông hoa) với cảnh mùa xuân trong câu thơ: “Cỏ non xanh tận chân trời – cành lê trắng điểm một vài bông hoa” để thấy sự tiếp thu và sáng tạo của Nguyễn Du.

Trả lời:

– Với bút pháp gợi tả, câu thơ cổ Trung Quốc đã vẽ lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân, có hương vị, màu sắc, đường nét. Đó là hương thơm cỏ non, là màu xanh biếc của cỏ nối tiếp nhau đến tận chân trời. Đó còn là đường nét của cành lê điểm nhẹ vài bông hoa. Cảnh đẹp mà tĩnh tại.

– Hai câu thơ trong truyện Kiều là bức họa tuyệt đẹp về mùa thu. Gam màu xanh làm nền cho bức tranh xuân. Trên nền xanh ấy điểm một vài bông hoa lê trắng. Câu thơ cổ Trung Quốc chỉ nói điểm một vai bông hoa lê mà không nói đến màu sắc của hoa. Nguyễn Du chỉ cho thêm một chữ trắng mà đã khiến bức tranh mùa xuân đã khác hẳn. Chữ trắng là điểm nhấn làm nổi bật cả bức tranh mùa xuân. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống, khoáng đạt, trong trẻo, nhẹ nhàng, thanh khiết.


2. Câu 2 trang 87 sgk Ngữ văn 9 tập 1

Học thuộc lòng đoạn thơ.


CÁC BÀI VĂN HAY


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Cảnh ngày xuân sgk Ngữ văn 9 tập 1 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các bạn làm bài Ngữ văn tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com