Hướng dẫn Soạn bài Danh từ sgk Ngữ văn 6 tập 1

Hướng dẫn Soạn Bài 8 sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập một. Nội dung bài Soạn bài Danh từ sgk Ngữ văn 6 tập 1 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, tự sự, cảm thụ, phân tích, thuyết minh… đầy đủ các bài văn mẫu lớp 6 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn lớp 6.

Soạn bài Danh từ sgk Ngữ văn 6 tập 1
Soạn bài Danh từ sgk Ngữ văn 6 tập 1

I – Đặc điểm của danh từ

– Danh từ là những từ chỉ người, vật, hiện tượng, khái niệm,…

– Danh từ có thế kết hợp với từ số lượng ở phía trước, các từ này, ấy, đó,… ở phía sau và một số từ ngữ khác để lập thành cụm danh từ.

– Chức vụ điển hình trong câu của danh từ là chủ ngữ. Khi làm vị ngữ, danh từ cần có từ là đứng trước.


1. Trả lời câu hỏi 1 trang 86 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Dựa vào kiến thức đã học ở Tiểu học, hãy xác định danh từ trong cụm danh từ in đậm dưới đây.

Vua sai ban cho làng ấy ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con trâu ấy để thành chín con […].

(Em bé thông minh)

Trả lời:

Trong cụm từ in đậm: ba con trâu có các danh từ: con trâu hoặc trâu.


2. Trả lời câu hỏi 2 trang 86 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Xung quanh danh từ trong cụm danh từ nói trên có những từ nào?

Trả lời:

Xung quanh những danh từ trong cụm danh từ nói trên có:

– Số từ: ba

– Danh từ chính: con trâu

– Đại từ phiếm chỉ: ấy


3. Trả lời câu hỏi 3 trang 86 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Tìm thêm các danh từ khác trong câu đã dẫn.

Trả lời:

Các danh từ khác trong câu đã dẫn: vua (chỉ người) , làng (chỉ khái niệm) , thúng, gạo nếp (chỉ sự vật).


4. Trả lời câu hỏi 4 trang 86 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Danh từ biểu thị những gì?

Trả lời:

Danh từ biểu thị người, vật, hiện tượng, khái niệm…


5. Trả lời câu hỏi 5 trang 86 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Đặt câu với các danh từ em mới tìm được.

Trả lời:

Ví dụ:

– Vua Hùng là vị vua anh minh.

– Làng em nằm bên dòng sông Mã.

– Bà ngoại vừa cho nhà em một thúng gạo.

– Gạo nếp thổi xôi rất dẻo và thơm.

– Làng em có rặng tre xanh.

– Vua sai lính đi bắt thị lại.

– Thúng gạo nếp được mẹ em mua từ tuần trước.

– Con trâu đực đang ăn đống cỏ rất non đằng kia.


II – Danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật

Danh từ chỉ sự vật:

– Danh từ chỉ sự vật nêu tên từng loại hoặc từng cá thể người, vật, hiện tượng, khái niệm,…

Chú ý:

– Danh từ chỉ sự vật gồm hai nhóm: Danh từ chung và danh từ riêng.

– Danh từ chung là tên gọi một loại sự vật.

– Danh từ riêng là tên riêng của từng người, từng vật, từng địa phương;…

Danh từ chỉ đơn vị:

– Danh từ chỉ đơn vị nêu tên đơn vị dùng để tính đếm, đo lường sự vật.

Chú ý: Danh từ chỉ đơn vị gồm hai nhóm là:

– Danh từ đơn vị tự nhiên (còn gọi là loại từ)

– Danh từ chỉ đơn vị quy ước. Cụ thể là:

+ Danh từ chỉ đơn vị chính xác

+ Danh từ chỉ đơn vị ước chừng.


1. Trả lời câu hỏi 1 trang 86 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Nghĩa của các danh từ in đậm dưới đây có gì khác các danh từ đứng sau?

–  ba con trâu.

–  một viên quan.

–  ba thúng gạo.

–  sáu tạ thóc.

Trả lời:

Nghĩa của các từ in đậm là để chỉ loại, chỉ đơn vị. Còn các danh từ đứng sau là chỉ người, vật, sự vật.


2. Trả lời câu hỏi 2 trang 86 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Thử thay thế các danh từ in đậm đó bằng những từ khác rồi rút ra nhận xét: Trường hợp nào đơn vị tính đếm, đo lường thay đổi? Trường hợp nào đơn vị tính đếm đo lường không thay đổi? Vì sao?

Trả lời:

– Thay “con” bằng “chú”, thay “viên” bằng “ông”

⟹ Đơn vị tính đếm, đo lường không thay đổi vì các từ đó không chỉ số đo, số đếm.

– Thay “thúng” bằng “rổ”, thay “tạ” bằng “tấn”

⟹ Đơn vị tính đếm, đo lường sẽ thay đổi vì đó là những từ chỉ số đo, số đếm.


3. Trả lời câu hỏi 3 trang 86 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Vì sao có thể nói “Nhà có ba thúng gạo rất đầy” nhưng không thể nói “Nhà có sáu tạ thóc rất nặng”?

Trả lời:

Có thể nói Nhà có ba thúng gạo rất đầy vì danh từ thúng chỉ số lượng ước phỏng, không chính xác (to, nhỏ, đầy, vơi…) nê có thể thêm các từ bổ sung về lượng.

Nhưng không thể nói Nhà có sáu tạ thóc rất nặng bởi vì các từ sáu, tạ là những từ chỉ số lượng chính xác, cụ thể nên nếu thêm các từ nặng, nhẹ vào sẽ bị thừa.


III – Luyện tập

1. Trả lời câu hỏi 1 trang 87 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Liệt kê một số danh từ chỉ sự vật mà em biết. Đặt câu với một trong các danh từ ấy.

Trả lời:

– Một số danh từ mà em biết: nhà, cây, sách, báo, vở, bút, làng, xã, giầy, dép, quần, áo…..

– Đặt câu:

Xe máy là phương tiện giao thông phổ biến nhất tại Việt Nam.

Sách là người bạn của con người.

Mẹ mua cho em một cây bút mới.

Bàn học của em luôn luôn ngăn nắp.


2. Trả lời câu hỏi 2 trang 87 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Liệt kê các loại từ:

a) Chuyên đứng trước danh từ chỉ người, ví dụ: ông, vị, cô, …

b) Chuyên đứng trước danh từ chỉ đồ vật, ví dụ: cái, bức, tấm, …

Trả lời:

a) Chuyên đứng trước danh từ chỉ người: ngài, viên, người, em, ông, bà, bé,…

Đặt câu:

Bé An đang chơi với bà ngoại ở trong nhà.

Năm nay bé An nhà tôi lên ba tuổi.

b) Chuyên đứng trước danh từ chỉ đồ vật: quyển, quả, tờ, chiếc, cái…

Đặt câu:

Chiếc thuyền chao đảo vì sóng lớn.

Chiếc bút máy của em viết rất tốt.


3. Trả lời câu hỏi 3 trang 87 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Liệt kê các danh từ:

a) Chỉ đơn vị quy ước chính xác, ví dụ: Mét, lít, ki-lô-gam, …

b) Chỉ đơn vị quy ước ước chừng, ví dụ: Nắm, mớ, đàn, …

Trả lời:

a) Chỉ đơn vị quy ước chính xác: mét, ki-lô-mét, lít, ki-lô-gam, tạ, tấn, yến, cân, gam, lạng, héc-ta…

Đặt câu:

Hà Nội cách Nam Định khoảng 90 ki-lô-mét.

Nhà tôi cách trường hai ki-lô-mét.

b) Chỉ những quy ước ước chừng: nắm, mớ, đàn, cây, que, bó, quãng, khoảnh…

Đặt câu:

Từng  lúa đã được xếp cẩn thận để chuyển về nhà.

Bà tôi trồng rau cải ở khoảnh vườn sau nhà.


4. Câu 4 trang 87 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Chính tả (nghe – viết): Cây bút thần (từ đầu đến dày đặc các hình vẽ)


5. Trả lời câu hỏi 5 trang 87 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Lập danh sách các danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật trong đoạn văn trích từ truyện Cây bút thần từ đầu đến dày đặc các hình vẽ.

Trả lời:

Các danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật trong đoạn văn:

– Danh từ chỉ đơn vị: em, que, con, bức, các, đỉnh,…

– Danh từ chỉ sự vật: cha mẹ, bút, núi, củi, đất, cỏ, sông, hình vẽ, tôm cá,…


Áp dụng

1. Xác định chức năng ngữ pháp của danh từ trong các câu sau:

(1) Chiếc thuyền ngả nghiêng rồi bị chôn vùi trong lớp sóng hung dữ.

(2) Biển động dữ dội, sóng biển xô vào thuyền hết đợt này đến đợt khác.

(3) Mẹ em là cô giáo.

Trả lời:

(1) Chiếc thuyền (CN) ngả nghiêng rồi bị chôn vùi trong lớp sóng hung dữ.

(2) Biển (CN) động dữ dội, sóng biển (CN) xô vào thuyền hết đợt này đến đợt khác.

(3) Mẹ em là cô giáo (VN).

Danh từ đóng vai trò là chủ ngữ trong câu: “chiếc thuyền”, “biển”, “sóng biển”.

Danh từ đóng vai trò là vị ngữ trong câu: “cô giáo”


2. Tìm các danh từ và phân loại thành nhóm danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật trong đoạn văn sau:

“Người ta kể lại rằng, ngày xưa có một em bé rất thông minh tên là Mã Lương. Em thích học vẽ từ nhỏ. Cha mẹ em đều mất sớm. Em chặt củi, cắt cỏ, kiếm ăn qua ngày, nhưng vẫn nghèo đến nỗi không có tiền mua bút. […] Em dốc lòng học vẽ, hằng ngày chăm chỉ luyện tập. Khi kiếm củi trên núi, em lấy que củi vạch xuống đất, vẽ những con chim đang bay trên đỉnh đầu. Lúc cắt cỏ ven sông, em nhúng tay xuống nước rồi vẽ tôm cá trên đá. Khi về nhà, em vẽ các đồ đạc trong nhà lên tường, bốn bức tường dày đặc các hình vẽ.”

(Cây bút thần)

Trả lời:

Các danh từ chỉ đơn vị: em, que, con, bức, các, …

Các danh từ chỉ sự vật: cha mẹ, bút, núi, củi, đất, cỏ, sông, hình vẽ, …


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Danh từ sgk Ngữ văn 6 tập 1 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các bạn làm bài Ngữ văn tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com