Soạn bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX sgk Ngữ văn 10 tập 1

Nội dung bài Soạn bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX sgk Ngữ văn 10 tập 1 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, phân tích, cảm nhận, thuyết minh, nghị luận,… đầy đủ các bài văn lớp 10 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn và ôn thi THPT Quốc gia.


I – CÁC THÀNH PHẦN CỦA VĂN HỌC TỪ THẾ KỈ X ĐẾN HẾT THẾ KỈ XIX

Nhìn chung, văn học Việt Nam thời trung đại gồm hai thành phần chủ yếu là văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Giai đoạn cuối, văn học chữ quốc ngữ xuất hiện nhưng chưa có thành tựu đáng kể.

1. Văn học chữ Hán

Văn học chữ Hán bao gồm các sáng tác bằng chữ Hán của người Việt. Thành phần văn học nãy xuất hiện sớm, tồn tại trong suốt quá trình hình thành và phát triển của văn học trung đại, bao gồm cả thơ và văn xuôi. Về thể loại, văn học chữ Hán chủ yếu tiếp thu các thể loại văn học từ Trung Quốc như chiếu, biểu, hịch, cáo, truyện truyền kì, kí sự, tiểu thuyết chương hồi, phú, thơ cổ phong, thơ đường luật… Dù là thơ hay văn xuôi, trữ tình hay tự sự, chính luận, ở loại hình nào văn học chữ Hán cũng có những thành tựu nghệ thuật to lớn.

2. Văn học chữ Nôm

Văn học chữ Nôm bao gồm các sáng tác bằng chữ Nôm, ra đời muộn hơn văn học chữ Hán (khoảng cuối thế kỉ XIII mới xuất hiện), tồn tại, phát triển đến hết thời kì văn học trung đại. Văn học chữ Nôm chủ yếu là thơ, rất ít tác phẩm văn xuôi. Trong văn học chữ Nôm, chỉ một số thể loại tiếp thu từ Trung Quốc như phú, văn tế, thơ Đường luật, còn phần lớn là thể loại văn học dân tộc như ngâm khúc viết theo thể song thât lục bát, truyện thơ viết theo thể lục bát, hát nói viết theo thể thơ khá tự do có kết hợp với âm nhạc, hoặc thể loại văn học Trung Quốc đã được dân tộc hoá phần nào như thơ Đường luật thất ngôn xen lục ngôn. Văn học chữ Nôm có những thành tựu lớn ở tất cả các thể loại kể trên.
Sự tồn tại, phát triển của văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm cho thấy hiện tượng song ngữ ở văn học trung đại Việt Nam. Hai thành phần văn học này không đối lập nhau mà bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển của văn học dân tộc.


II – CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC TỪ THẾ KỈ X ĐẾN HẾT THẾ KỈ XIX

Văn học trung đại Việt Nam phát triển qua bốn giai đoạn lớn

1 . Giai đoạn từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIV

Văn học giai đoạn này phát triển trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt: dân tộc ta giành được quyền độc lập tự chủ vào cuối thế kỉ X, lập nhiều kì tích trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược (chống quân Tống thế kỉ XI, chống quân Mông – Nguyên thế kỉ XII). Sau những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là công cuộc xây dựng đất nước trong hoà bình. Chế độ phong kiến Việt Nam nhìn chung đang ở thời kì phát triển.

Văn học giai đoạn này có những bước ngoặt lớn. Trước hết là văn học viết chính thức ra đời từ thế kỉ X và tiếp đến là sự xuất hiện của văn học chữ Nôm vào cuối thế kỉ XIII. Những bước ngoặt này mở ra sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ của văn học dân tộ: bên cạnh văn học dân gian đã có văn học thành văn, bên cạnh văn học chữ Hán đã có văn học chữ Nôm

Về phương diện nội dung, xét trên những nét lớn, văn học thế kỉ X – thể kỉ XIV mạng nội dung yêu nước với âm hưởng hào hùng.
Các tác phẩm như Vận nước (Quốc lộ) của Pháp Thuận, Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) của Lí Công Uẩn, bài thơ Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn hà) đã mở đầu cho dòng văn học yêu nước. Những tác phârm như Hịch tướng sĩ (Dụ chư tì tướng hịch văn) của Trần Quốc Tuấn, Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư) của Trần Quang Khải, Tỏ lòng (Thuận hoài) của Phạm Ngũ Lão, Phú sông Bạch Đằng (Bạch Đằng giang phú) của Trương Hán Siêu… tiêu biểu cho nội dung yêu nước mang hào khí Đông A (1)

Về phương diện nghệ thuật, văn học chữ Hán với các thể loại tiếp thu từ Trung Quốc có những thành tựu lón như văn chính luận (Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ), văn xuôi viết về lịch sử, văn hoá (Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu, Việt điên u linh tập của Lí Tế Xuyên…), thơ phú (các sáng tác Pháp Thuận, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn,…). Văn học chữ Nôm đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường phát triển của văn học viết bằng ngôn ngữ dân tộc với một số bài thơ, bài phú Nôm.

2. Giai đoạn từ thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII

Về hoàn cảnh lịch sử, nhân dân ta tiếp tục làm nên kì tích trong cụộc kháng chiến chống quân Minh ở nửa đầu thế kỉ XV, đưa chế độ phong kiến Việt Nam đạt tới đỉnh cao cực thịnh ở nửa cuối thế kỉ đó. Bước sang thế kỉ XVI, tuy chế độ phong kiến đã có những biểu hiện khủng hoảng dẫn đến nội chiến và đất nước bị chia cắt, song nhìn chung tình hình xã hội vãn ổn định.

Văn học giai đoạn này có bước phát triển mới, trong đó nổi bật nhất là những thành tựu nghệ thuật của văn học chữ Nôm. Văn học viết chính thức xuất hiện hai thành phần: văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Hiện tượng “văn sử triết bất phân” khá đậm trong văn học thời Lí – Trần đã mờ nhạt dần từ thế kỉ XV, khi xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm giàu chất văn chương hình tượng.

Về phương diện nội dung, văn học thế kỉ XV – thế kỉ XVII đi từ nội dung yêu nước mang âm hưởng ngợi ca đến nội dung phản ánh, phê phán hiện thực xã hội phong kiến. Văn học thời khởi nghĩa Lam Sơn mà tiêu biểu là các sáng tác của Nguyễn Trãi như Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo… là sự kết tinh thành tựu văn học yêu nước của năm thế kỉ trước đó. Thiên Nam ngữ lục (thế kỉ XVII) là tác phẩm diễn ca lịch sử viết bằng chữ Nôm, mang cảm hứng hào hùng, tràn đầy niềm tự hào dân tộc. Các sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Truyền kì mạ lục của Nguyễn Dữ đã đánh dấu sự chuyển hướng từ cảm hứng gợi ca đất nước và vương triều phong kiến sang cảm hứng phê phán những tệ lậu xã hội, những suy thoái về đạo đức.

Về phương diện nghệ thuật, văn học chữ Hán phát triển với nhiều thể loại phong phú, đặc biệt là thành tựu của văn chính luận (Bìn Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi) và bước trưởng thành vượt bậc của văn xuôi tự sự (Thánh Tông di thảo tương truyền của Lê Thánh Tông, Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ). Văn học chữ Nôm có sự Việt hoá thể loại tiếp thu từ Trung Quốc đồng thời sáng tạo những thể loại văn học dân tộc. Lúc đầu là thơ Nôm viết theo thể Đường luật và Đường luật xem lục ngôn (Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập của các tác giả thời Lê Thánh Tông, Bạch Vân quốc ngữ thi của Nguyễn Bỉnh Khiêm…), sau đó là khúc ngâm, khúc vịnh viết theo thể song thất lục bát (Tứ thời khúc vịnh của Hoàng Sĩ Khải), diễn ca lịch sử viết theo thể lục bát (Thiên Nam ngữ lục – khuyết danh) và song thất lục bát (Thiên Nam minh giám – khuyết danh)

3. Giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX

Văn học phát triển trong hoàn cảnh đất nước có nhiều biến động bởi nội chiến phong kiên và bão táp của phong trào nông dân khởi nghĩa mà đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn. Chế độ phong kiến đi từ khủng hoảng đến suy thoái. Cuộc khởi nghĩa của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã cùng một lúc lật đổ các tập đoàn phong kiến Đàng Trong (chúa Nguyễn), Đàng Ngoài (vua Lê, chúa Trịnh), đánh tan các cuộc xâm lược của quân Xiêm ở phía nam, quân Thanh ở phía bắc. Phong trào Tây Sơn suy yếu, triều Nguyễn khôi phục chế độ phong kiến chuyên chế và đất nước nằm trước hiểm hoạ xâm lăng của thực dân Pháp.\

Văn học phát triển vượt bậc, có nhiều đỉnh cao nghệ thuật. Đây là giai đoạn rực rỡ nhất của văn học trung đại Việt Nam, được mệnh danh là giai đoạn văn học cổ điển.

Về phương diện nội dung, văn học thế kỉ XVII – nửa đầu thế kỉ XIX chứng kiến sự xuất hiện của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa. Nổi bật lên trong sáng tác văn học giai đoạn này là tiếng nói đòi quyền sống, đòi hạnh phúc và đấu tranh giải phóng con người, trong đó có phần con người cá nhân, nhất là người phụ nữ. Những tác phẩm tiêu biểu là Chinh phụ ngâm – nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn, bản dịch Nôm của Đoàn Thị Điểm (?), Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Bà Huyện Thanh Quan, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái… Nguyễn Du với các tập thơ chữ Hán và đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều được coi là đỉnh cao nhất của văn học trung đại Việt Nam. Thơ văn Nguyễn

Công Trứ, Cao Bá Quát,… vẫn tiếp tục tinh thần nhân đạo truyền thống nhưng đồng thời hướng nhiều vào thế giới tình cảm riêng tư và ý thức cá nhân của con người.

Về phương diện nghệ thuật, văn học phát triển mạnh cả về văn xuôi và văn vần, cả văn học chữ Hán và chữ Nôm. Địa vị văn học chữ Nôm và những loại văn học dân tộc như thơ Nôm viết theo thể Đường luật, ngâm khúc viết theo thể song thất lục bát, truyện thơ viết theo thể lục bát… được khẳng định và đạt tới đỉnh cao. Văn xuôi tự sự chữ Hán cũng đạt được những thành tựu nghệ thuật lớn về tiểu thuyết chương hồi với Nam triều công nghiệp diễn chí (Nguyễn Khoa Chiêm), Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái); về thể kí với Thượng kinh kí sự (Lê Hữu Trác), Vũ trung tuỳ bút (Phạm Đình Hổ),…

4. Giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX

Thực dân Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam. Nhân dân cả nước kiên cường bất khuất đứng lên chống giặc ngoại xâm. Nhưng rồi đất nước dần rơi vào tay giặc. Xã hội Việt Nam chuyển dần từ xã hội phong kiến sang thực dân nửa phong kiến, Văn hoá phương Tây bắt đầu có những ảnh hưởng tới đời sống xã hội Việt Nam.

Về phương diện nội dung, văn học yêu nước nửa cuối thế kỉ XIX phát triển rất phong phú và nhìn chung mang âm hưởng bi tráng. Nguyễn Đình Chiểu với những tác phẩm có giá trị cao như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Ngư tiều y thuật vấn đạp,… được xem là tác gia văn học yêu nước lớn nhất giai đoạn này. Ngoài ra còn phải kể đến thơ văn yêu nước của Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Xuân Ôn,… Tư tưởng canh tân đất nước được nói lên một cách bức xúc trong các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ. Thơ ca của Nguyễn Khuyến, Tú Xương – hai tác giả lớn cuối cùng của văn học trung đại Việt Nam.

Về phương diện nghệ thuật, văn học chữ quốc ngữ xuất hiện nhưng van học chữ Hán, chữ Nôm vẫn là chính. Thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương là thành tựu nghệ thuật đặc sắc của giai đoạn này. Sáng tác văn học chủ yếu vẫn theo những thể loại và thi pháp truyền thống. Tuy nhiên, sự xuất hiện một số tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ của Nguyễn Trọng Quản (Truyện thầy La-za-rô Phiền), Trương Vĩnh Kí (Chuyến đi Bắc Kì năm Ất Hợi), Huỳnh Tịnh Của (Chuyện giải buồn),… đã bước đầu đem lại cho văn học những đổi mới theo hướng hiện đại hoá.


III – NHỮNG ĐẶC ĐIỂM LỚN VỀ NỘI DUNG CỦA VĂN HỌC TỪ THẾ KỈ X ĐẾN HẾT THẾ KỈ XIX

Văn học trung đại Việt Nam phát triển trong sự tác động mạnh mẽ của truyền thống dân tộc, tinh thần thời đại và những ảnh hưởng từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc

1. Chủ nghĩa yêu nước

Chủ nghĩa yêu nước là nội dung lớn, xuyên suốt quá trình tồn tại và phát triển của văn học trung đại Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước trong văn học trung đại gắn liền với tư tưởng “trung quân ái quốc” (trung với vua là yêu nước, yêu nước là trung với vua). Tuy nhiên, tư tưởng yêu nước có tính đặc thù này không tách rời truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước biểu hiện rất phong phú, đa dạng, là âm điệu hào hùng khi đất nước chống ngoại xâm, là âm hưởng bi tráng lúc nước mất nhà tan, là giọng điệu thiết tha khi đất nước trong cảnh thái bình thịnh trị. Nhìn chung, chủ nghĩa yêu nước được thể hiện tập trung ở một số phương diện: ý thức độc lập tự chủ, tự cường, từ hào dân tộc (Sông núi nước Nam, Đại cáo bình Ngô), lòng căm thù giặc, tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù (Hịch tướng sĩ), tự hào trước chiến công Thiên Nam ngữ lục), biết ơn, ca ngợi những người hi sinh vì đất nước (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc), tình yêu thiên nhiên đất nước (những bài thơ viết về thiên nhiên trong văn học Lí – Trần, trong sáng tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến,…).

2. Chủ nghĩa nhân đạo

Chủ nghĩa nhân đạo cũng là nội dung lớn, xuyên suốt văn học trung đại Việt Nam.

Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại vừa bắt nguồn từ truyền thống nhân đạo của con người Việt Nam, từ cội nguồn văn học dân gian, vừa chịu ảnh hưởng tư tưởng nhân văn tích cực vốn có của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo. Truyền thống nhân đạo của người Việt Nam biểu hiện qua lối sống “thương người như thể thương thân”, qua những nguyên tắc đạo lí, những thái độ ứng xử tốt đẹp giữa người với người,… Tư tưởng nhân văn của Phật giáo là từ bi, bác ái; của Nho giáo là học thuyết nhân nghĩa, tư tưởng thân dân; của Đạo giáo là sống thuận theo tự nhiên, hoà hợp với thiên nhiên.

Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại cũng rất phong phú, đa dạng, biểu hiện ở lòng thương người; lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người; khẳng định, đề cao con người về các mặt phẩm chất, tài năng, những khát vọng chân chính như khát vọng về quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, khát vọng về công lí, chính nghĩa; đề cao những quan hệ đạo đức, đạo lí tốt đẹp giữa người với người.

Có thể thấy những biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo nói trên qua các tác phẩm văn học Phật giáo thời Lí (Cáo bệnh, bảo mọi người của Mãn Giác, Tỏ long của Không Lộ…), sáng tác của Nguyễn Trãi (Đại cáo bình Ngô, Tùng, Cảnh ngày hè,…), Nguyễn Bỉn Khiêm (Ghét chuột, Nhàn,…), Nguyễn Dữ (Chuyện người con gái Nam Xương, Chuyện chức phán sự đền Tản Viên,…). Cảm hứng nhân đạo đặc biệt nổi bật ở các tác phẩm thuộc giai đoạn văn học thế kỉ XVIII – giữa thế kỉ XIX như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ Hồ Xuân Hương (Bánh trôi nước, Mời trầu, chùm thơ Tự tình). Truyện Kiều của Nguyễn Du, Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu…

3. Cảm hứng thế sự

Cảm hứng thế sự biểu hiện khá rõ nét từ văn học cuối thờ Trần (thế kỉ XIV). Khi triều đại nhà Trần có những biểu hiện suy thoái là lúc văn học hướng tới phản ánh hiện thực xã hội, phản ánh cuộc sống đau khổ của nhân dân,

Cảm hứng thế sự trở thành một nội dung lớn trong sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua những bài thơ viết về nhân tình thế thái.

Văn học viết về thế sự có bước phát triển trong hai thế kỉ XVIII và XIX; nhiều tác giả hướng tới hiện thực cuộc sống, hiện thực xã hội đương thời để ghi lại “những điều trông thấy”. Lê Hữu Trác viết Thượng kinh kí sự, Phạm Đình Hổ viết Vũ trung tùy bút. Có thể nói xã hội thành thị trong thơ Tú Xương. Cảm hứng thế sự trong văn học trung đại đã góp phần tạo tiền đề cho sự ra đời của văn học hiện thực trong thời kì sau.

Nhìn chung, văn học trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo giáo và đặc biệt là Nho giao. Cha ông ta đã tiếp thu những yếu tố tích cực, đồng thời hạn chế những yếu tố tiêu cực của cả Nho, Phật và Đạo.


IV – NHỮNG ĐẶC ĐIỂM LỚN VỀ NGHỆ THUẬT CỦA VĂN HỌC TỪ THẾ KỈ X ĐẾN HẾT THẾ KỈ XIX

1. Tính quy phạm và sự phá vỡ tính quy phạm

Tính quy phạm, đặc điểm nổi bật của văn học trung đại, là sự quy định chặt chẽ theo khuôn mẫu. Tính quy phạm thể hiện ở quan điểm văn học: coi trọng mục đích giáo huấn “thi dĩ ngôn chí” (thơ để nói chí), “văn dĩ tải đạo” (văn để chở đạo); ở tư duy nghệ thuật: nghĩ theo kiểu mẫu nghệ thuật có sẵn đã thành công thức; ở thể loại văn học với những quy định chặt chẽ về kết cấu; ở cách sử dụng thi liệu: dẫn nhiều điển tích, điển cố, dùng nhiều văn liệu quen thuộc. Do tính quy phạm, văn học trung đại thiên về ước lệ, tượng trưng.

Tuy nhiên, các tác giả văn học trung đại, đặc biệt là những tác giả tài năng, một mặt tuân thủ tính quy phạm, mặt khác lại phá vỡ tính quy phạm, phát huy cá tính sáng tạo trong cả nội dung và hình thức biểu hiện.

2. Khuynh hướng trang nhã và xu hướng bình dị

Tính trang nhã cũng là đặc điểm của văn học trung đại, thể hiện ở đề tài, chủ đề hướng tới cái cao cả, trang trọng hơn là cái đời thường, bình dị; ở hình tượng nghệ thuật hướng tới vẻ tao nhã, mĩ lệ hơn là vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc; ở ngôn ngữ nghệ thuật là chất liệu ngôn ngữ cao quý, cách diễn đạt trau chuốt, hoa mĩ hơn là thông tục, tự nhiên, gần với đời sống.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của văn học trung đại, xu hướng ngày càng gắn bó với hiện thực đã đưa văn học từ phong cách trang trọng, tao nhã về gần với đời sống hiện thực, tự nhiên và bình dị.

3. Tiếp thu và dân tộc hoá tinh hoa văn học nước ngoài

Văn học trung đại Việt Nam phát triển theo quy luật vừa tiếp thu vừa dân tộc hoá tinh hoa văn học nước ngoài, chủ yếu là văn học Trung Quốc.

Tiếp thu tinh hoa văn học Trung Quốc cho nên về ngôn ngữ thì dùng chữ Hán để sáng tác; về thể loại thì tiếp thu thể cổ phong, thể Đường luật trong văn vần, thể hịch, cáo, chiếu, biểu, truyện kí, tiểu thuyết chương hồi trong văn xuôi…; về thi liệu thì sử dụng những điển cố, thi liệu Hán văn.

Quá trình dân tộc hoá hình thức văn học đã sáng tạo ra chữ Nôm trên cơ sở những thành tố của chữ Hán để ghi âm, biểu đạt nghĩa tiếng Việt và dùng chữ Nôm trong sáng tác; Việt hoá thể thơ Đường luật thành thơ Nôm Đường luật, thất ngôn xen lục ngôn sáng tạo các thể thơ dân tộc như lục bát, song thất lục bát, các thể ngâm khúc, truyện thơ, hát nói; sử dụng lời ăn tiếng nói, cách diễn đạt của nhân dân trong sáng tác.

Suốt mười thế kỉ, văn học trung đại Việt Nam đã phát triển trong sự gắn bó với vận mệnh đất nước, nhân dân. Cùng với văn học dân gian, văn học trung đại góp phần làm nên diện mạo hoàn chỉnh và đa dạng của văn học dân tộc ngay từ buổi đầu, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển của văn học ở những thời kì sau.


HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Câu 1 trang 111 Ngữ văn 10 tập 1

Nêu những điểm chung và riêng của hai thành phần văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm.

Trả lời:

– Điểm chung: đều tồn tại lâu dài trong thời kì VHTĐ và đều đạt được những thành tựu to lớn cho nền văn học dân tộc.

– Điểm riêng:

+ Văn học chữ Hán: xuất hiện sớm, tồn tại suốt quá trình phát triển VHTĐ; thể loại tập trung chủ yếu vào các thể loại văn học từ Trung Quốc; đạt được thành tựu to lớn trên mọi loại hình thơ, văn xuôi, trữ tình, chính luận.

+ Văn học chữ Nôm: ra đời và tồn tại từ cuối thế kỉ XIII đến hết thời kì VHTĐ; chủ yếu tập trung vào thể loại thơ và là các thể thơ dân tộc; đạt nhiều thành tựu to lớn.


2. Câu 2 trang 111 Ngữ văn 10 tập 1

Dựa vào kiến thức được trình bày trong mục II (Các giai đoạn phát triển của văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX), lập bảng tổng kết về tình hình phát triển của văn học Việt Nam thời trung đại theo mẫu sau:

Giai đoạn văn học Nội dung Nghệ thuật Sự kiện văn học, tác giả, tác phẩm

Trả lời:

Giai đoạn văn học Nội dung Nghệ thuật Sự kiện văn học, tác giả, tác phẩm
Từ thế kỉ X – XIV Chủ nghĩa yêu nước với âm hưởng hào hùng Văn học chữ Hán: văn chính luận, văn xuôi về lịch sử văn hóa, thơ phú đạt nhiều thành tựu.
Văn học chữ Nôm bước đầu hình thành.
Chiếu dời đô (Lí Công Uẩn), Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Tụng giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải)…
Từ thế kỉ XV – XVII Phê phán, phản ánh hiện thực xã hội phong kiến Văn học chữ Hán phát triển với sự trưởng thành vượt bậc của văn chính luận và văn xuôi tự sự.
Văn học chữ Nôm Việt hóa thơ Trung Quốc và sáng tạo các  thể thơ dân tộc.
Quốc âm thi tập, Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi), Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ), thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm…
Từ thế kỉ XVIII – nửa đầu XIX Chủ nghĩa nhân đạo Văn xuôi và văn vần, văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm đều phát triển mạnh Truyện Kiều (Nguyễn Du), Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn), thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao  Bá Quát…
Nửa cuối thế kỉ XIX Văn học yêu nước với âm hưởng bi tráng Văn học chữ Hán và chữ Nôm vẫn giữ vai trò chủ đạo với thi pháp, thể loại truyền thống. Văn học chữ quốc ngữ mới xuất hiện. Thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Quang Bích, Phan Văn Trị

3. Câu 3 trang 112 Ngữ văn 10 tập 1

Nêu một số tác phẩm văn học đã học trong chương trình THCS để làm sấng tỏ những đặc điểm lớn về nộ dung của văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX

Trả lời:

– Chủ nghĩa yêu nước:

Ví dụ: Hịch tướng sĩ (Lòng căm thù giặc sâu sắc; Cảnh tỉnh và kêu gọi, khuyên nhủ các tướng sĩ từ bỏ cuộc sống ăn chơi, thái độ bàng quan để đánh giặc cứu  nước…).

– Chủ nghĩa nhân đạo:

Ví dụ: Chuyện người con gái Nam Xương (đề cao những phẩm chất tốt đẹp của Vũ Nương, cảm thông với số phận bất hạnh của nàng và phản ánh sự hà khắc của xã hội cũ đối với người phụ nữ).

– Cảm hứng thế sự:

Ví dụ: Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh (trích Vũ trung tùy bút) phản ánh chân thực, chi tiết hiện thực xã hội mục ruỗng, suy đồi thời kì chúa Trịnh Sâm.


4. Câu 4 trang 112 Ngữ văn 10 tập 1

Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX có những đặc điểm lớn nào về nghệ thuật?

Từ những đặc điểm này, theo anh (chị), cách đọc văn học trung đại có điều gì khác cách đọc văn học hiên đại?

Trả lời:

– Tính quy phạm và sự phá vỡ tính quy phạm:

+ Tính quy phạm: coi trọng mục đích giáo huấn, tư duy theo kiểu mẫu nghệ thuật sẵn có, quy định chặt chẽ trong thể loại, dùng nhiều thi liệu cổ, tính ước lệ, tượng trưng.

+ Sự phá vỡ tính quy phạm: những tác giả tài năng trong VHTĐ vừa tuần thủ tính quy phạm vừa phá vỡ nó, phát huy cá tính sáng tạo trong nội dung và hình thức.

– Khuynh hướng trang nhã và xu hướng bình dị:

+ Khuynh hướng trang nhã: hướng tới cái cao cả, đề cao vẻ đẹp tao nhã, sử dụng chất liệu ngôn ngữ cao quý, diễn đạt trau chuốt.

+ Xu hướng bình dị: gắn bó với hiện thực, hướng tới cái đời thường giản dị, vẻ đẹp đơn sơ mộc mạc, ngôn ngữ tự nhiên.

– Tiếp thu và dân tộc hóa tinh hoa văn học nước ngoài: tiếp thu ngôn ngữ, thể loại, thi liệu của văn học Trung Quốc nhưng có cải biến, đặc biệt sự ra đời chữ Nôm và việc Việt hóa thơ Đường, sáng tạo các thể thơ dân tộc đã cho thấy quá trình dân tộc hóa văn học.


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX sgk Ngữ văn 10 tập 1 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các em làm bài Ngữ văn thật tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com