Hướng dẫn Soạn bài Luyện nói kể chuyện sgk Ngữ văn 6 tập 1 bài 10

Hướng dẫn Soạn Bài 10 sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập một. Nội dung bài Soạn bài Luyện nói kể chuyện sgk Ngữ văn 6 tập 1 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, tự sự, cảm thụ, phân tích, thuyết minh… đầy đủ các bài văn mẫu lớp 6 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn lớp 6.

Soạn bài Luyện nói kể chuyện sgk Ngữ văn 6 tập 1
Soạn bài Luyện nói kể chuyện sgk Ngữ văn 6 tập 1

I – Chuẩn bị

Dàn bài chung:

– Mở bài: Giới thiệu nhân vật, sự việc

– Thân bài: Diễn biến của sự việc

– Kết bài: Kết cục của sự việc

Lập dàn bài kể miệng trên lớp theo một trong các đề bài sau và kể theo dàn bài:


1. Trả lời câu hỏi 1 trang 111 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Kể về một chuyến về quê.

Trả lời:

Thể loại: Tự sự (kể chuyện).

Nội dung: Một chuyến về quê.

Lập dàn ý:

Dàn ý 1:

Mở bài:

– Giới thiệu lí do về thăm quê: Về với ai, thời gian về thăm?

– Suy nghĩ chung về quê hương, đất nước?

Thân bài:

– Tâm trạng khi được về quê? (vui mừng,phấn khởi; nôn nóng muốn đặt chân lên mảnh đất quê hương.)

– Quang cảnh chung của quê hương (những đổi thay…?).

– Được gặp bà con, họ hàng ruột thịt.

– Thăm phần mộ tổ tiên, gặp bạn bè cùng trang lứa.

– Dưới mái nhà người thân.

Kết bài:

– Chia tay với mọi người.

– Cảm nghĩ về sự thay đổi của quê hương.

– Xúc động, hẹn ngày gặp lại.

Dàn ý 2:

Mở bài: Lý do về thăm quê, về quê với ai ?

Thân bài:

– Cảm xúc khi được về quê.

– Quang cảnh chung của quê hương.

– Gặp họ hàng ruột thịt.

– Thăm mộ tổ tiên.

– Gặp bạn bè cùng tuổi.

– Dưới mái nhà người thân.

– Phút chia tay.

Kết bài: Cảm nghĩ về chuyến về quê.

Dàn ý 3:

Mở bài: giới thiệu chuyến đi về quê của em.

Thân bài: kể về chuyến về quê.

– Trên đường về:

+ Tôi cảm thấy rất háo hức vì đã lâu rồi tôi không về.

+ Mọi cảnh vật trên đường đi đều mới lạ, từ cái cây, con đường.

+ Con đường đi về quê nay khang trang và mới hơn.

– Khi về đến quê:

+ Cơ sở vật chất:

Mọi cảnh vật đều khác, từ con đường đến cây cối.

Nhà cửa dược sửa mới.

Đường được xây dựng mới, rộng, thuận tiện cho việc đi lại.

Chợ: đông vui, nhộn nhịp, rất nhiều người mua và bán; lúc nào cũng nghe xe cộ náo nhiệt.

Trường học: trường cũ được sửa chữa, nhiều trường mới được xây thêm…, phòng học có đèn, có quạt, nhìn mới tanh, có tòa nhà cao;…

Xây dựng thêm ngân hàng, bệnh viện, công viên;… rất khang trang và tiện nghi, thích hợp để phục phụ cho con người.

+ Đời sống con người:

Đời sống con người được cải thiện, sống tốt và thoải mái hơn.

Trong nhà sắm sửa nhiều đồ công nghệ tiện nghi như: ti vi; tủ lạnh; máy giặt;….

Trẻ em được đến trường và dạy dỗ tốt hơn.

Người dân được khám chưa bệnh tại bệnh viên; vui chơi tại khu vui chơi;….

– Khung cảnh làng quê.

+ Thanh bình êm ả.

+ Cánh đồng thẳng cánh cò bay hút tầm mắt.

+ Lũy tre làng rủ xuống hai bên đường.

– Tình cảm mọi người ở quê đối với em.

+ Mừng rõ đón chào.

+ Tặng quà, dẫn đi chơi, nấu những món ăn đặc sản ở quê.

Kết bài:

– Cảm xúc của em khi về quê.

– Mong muốn và dự định trở lại.


2. Trả lời câu hỏi 2 trang 111 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Kể về một cuộc thăm hỏi gia đình liệt sĩ neo đơn.

Trả lời:

Thể loại: Tự sự (kể chuyện).

Nội dung: Một cuộc thăm hỏi gia đình liệt sĩ neo đơn.

Lập dàn ý:

Dàn ý 1:

Mở bài: Giới thiệu chung

– Thời gian, thành phần tham dự, đối tượng được thăm.

Thân bài: Kể lại diễn biến cuộc đi thăm.

– Mục đích cuộc đi thăm.

– Các sự việc cụ thể trong buổi thăm viếng (hỏi thăm sức khoẻ, tặng quà, giúp đỡ một số việc cần thiết,…).

– Thái độ, tình cảm của người đến thăm và người được thăm.

Kết bài:

– Cảm nghĩ của em.

– Hiểu rõ thêm về đạo lí của dân tộc ta. Biết ơn và có trách nhiệm đối với những gia đình có công với cách mạng.

Dàn ý 2:

Mở bài: Giới thiệu chung thời gian, gia đình liệt sĩ nào, em đi cùng ai?

Thân bài:

– Mục đích cuộc thăm hỏi.

– Lần đầu vào gia đình người liệt sĩ, lòng em có thấy buồn, thương cảm hay không?

– Sự việc diễn ra: lời chào, thái độ, hỏi thăm sức khỏe, tặng quà, giúp đỡ gia đình một số việc.

Kết bài: Sau cuộc thăm hỏi, em tự thấy cuộc đời có rất nhiều số phận đáng thương. Em cảm phục sự hy sinh vì đất nước của những người liệt sĩ. Từ đó hiểu thêm về đạo lí làm người, đạo lí dân tộc.

Dàn ý 3:

Mở bài: Giới thiệu về cuộc đi thăm hỏi:

– Đi nhân dịp nào? Cùng ai? Gia đình nào?

Thân bài:

– Chuẩn bị những gì cho cuộc đi thăm? (Nước quà tặng, đồ ăn,…)

– Tâm trạng của em trước khi đi thăm (bồn chồn, lo lắng, hồi hộp, hào hứng,…)

– Con đường tới nơi thế nào?Nhà của người liệt sĩ thế nào (Đơn sơ, giản dị,…)

– Cuộc gặp gỡ, cuộc trò chuyện xảy ra thế nào (nghe người liệt sĩ kể những câu chuyện về cuộc đời mình ⇒ khâm phục, kể chuyện học hành của chính mình,…)

– Thái độ lời nói của các thành viên trong gia đình liệt sĩ.

Kết bài: Suy nghĩ của em về cuộc thăm hỏi.


3. Trả lời câu hỏi 3 trang 111 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Kể về một cuộc đi thăm di tích lịch sử.

Trả lời:

Thể loại: Tự sự (kể chuyện).

Nội dung: Một chuyến đi thăm di tích lịch sử (Địa Đạo Củ Chi).

Lập dàn ý:

Dàn ý 1:

Mở bài: 

– Giới thiệu Địa Đạo Củ Chi.

– Lí do đến thăm?

– Ai tổ chức? Dịp nào? Tại sao đến? VD: Để tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử giải phóng miền Nam, chiến tranh Đông Dương.

– Để lại ấn tượng sâu sắc về một thời chiến tranh oanh liệt.

Thân bài:

– Tả bao quát:

+ Kể về những kế hoạch bàn với bạn bè ở lớp (phân công làm gì, giờ giấc hành trình).

+ Kể chuyến đi trên con đường dốc, ngoằn ngoèo.

– Tâm trạng:

+ Tâm trạng khi từ xa nhìn thấy bảng chữ :”Địa đạo Củ Chi”.

+ Giới thiệu sơ về Địa đạo.

+ Tả bao quát địa đạo Củ Chi.

– Kể:

+ Kể trình tự các nơi được đến thăm(kho lương thực, hầm bẫy, nơi bàn quân sự, nơi ăn uống,…)

+ Kể và tả các lối đi.

+ Kể những thứ mà hướng dẫn viên làm.

+ Kể những hoạt động tìm hiểu lịch sử (trò chơi, giải đáp,…).

Kết bài:

– Tâm trạng, cảm nghĩ, hứa hẹn…

Dàn ý 2:

Mở bài: Giới thiệu chuyến đi về thời gian, địa điểm, thành phần tham dự chuyến đi, di tích đó liên quan đến sự kiện lịch sử nào?

Thân bài:

– Chặng đường đi đến đó có xa, có mệt mỏi hay không?

– Di tích đó có cảnh vật gì: đền miếu, tượng, … ? Có gắn liền với sự kiện, chiến công hào hùng nào của dân tộc.

– Những chi tiết thú vị trong chuyến đi: những điều mới lạ, những lời được hướng dẫn khiến em thấy tự hào về truyền thống lịch sử ngàn năm của dân tộc mình.

– Những gì lưu giữ lại sau trong em sau khi cuộc đi thăm.

Kết bài: Em đã học hỏi được rất nhiều điều sau chuyến đi này, em thấy tự hào về dân tộc.

Dàn ý 3:

Mở bài: Giới thiệu về chuyến đi:

– Đi đâu? Cùng ai? Nhân dịp nào?

Thân bài:

    – Kế hoạch chuẩn bị đi.

    – Kể trình tự các nơi được đến thăm (kho lương thực, hầm bẫy, nơi bàn quân sự, nơi ăn uống,…)

    – Kể những thứ mà hướng dẫn viên làm.

    – Kể những hoạt động tìm hiểu lịch sử (trò chơi, giải đáp,…)

    – Tâm trạng.

Kết bài: Cảm nghĩ của em sau chuyến đi.


4. Trả lời câu hỏi 4 trang 111 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Kể về một chuyến ra thành phố.

Trả lời:

Thể loại: Tự sự (kể chuyện).

Nội dung: Một chuyến ra thành phố.

Lập dàn ý:

Dàn ý 1:

Mở bài: 

– Lý do ra thành phố?

– Đi với ai? Ấn tượng chung?

Thân bài:

– Trước khi lên đường:

+ Tâm trạng.

+ Việc chuẩn bị.

– Lên đường:

+ Không khí trên xe.

+ Quang cảnh hai bên đường.

– Đến nơi:

+ Quang cảnh chung.

+ Diễn biến cuộc tham quan ﴾nghe thuyết minh, quan sát thực tế, chụp hình lưu niệm, mua sắm, xem văn nghệ?﴿.

Kết bài:

– Cảm nghĩ sau chuyến đi.

Dàn ý 2:

Mở bài: Hoàn cảnh ra thành phố: đi với ai, dịp nào, khi em mấy tuổi, thời tiết ra sao, cái nhìn bao quát về sự khác biệt giữa thành phố và nơi em ở.

Thân bài:

   – Hành trình chuyến đi: đi bằng xe gì, có đợi xe không, tâm trạng hào hứng, đồ đạc chuẩn bị…

   – Hình ảnh thành phố khi vừa đặt chân đến như thế nào? Có như em tưởng tượng không, khung cảnh, con người ở đây như thế nào.

   – Những điều em trải qua có gì ấn tượng và yêu thích nơi này.

Kết bài: Khi trở về, tâm trạng của em ra sao, có nuối tiếc, hay nỗi nhớ nhà chen lấn. Em có muốn trở lại thành phố hay không?

Dàn ý 3:

Mở bài: giới thiệu một chuyến ra thành phố.

Thân bài: kể một chuyến ra thành phố.

– Kể lí do em ra thành phố:

+ Năm học vừa qua em được học sinh giỏi.

+ Ba mẹ cho em ra thành phố chơi.

+ Thành phố cách nhà em 80km.

– Kể trước khi em ra thành phố:

+ Buổi tối trước khi đi em rất hào hứng và hồi hộp.

+ Mẹ em đã chuẩn bị quần áo và mọi vật dụng cho em.

+ E cứ loay hoay không thể ngủ được.

+ Sáng em ngủ dậy thật sớm.

+ Em cùng ba đi ra bến xe để đi lên thành phố.

– Khung cảnh thành phố:

+ Đường phố, nhà cửa, giao thông như thế nào?

+ Điều gì hấp dẫn em nhất ở khung cảnh thành phố.

Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về một chuyến ra thành phố.


5. Dàn bài tham khảo


II – Luyện nói trên lớp

Yêu cầu về hình thức:

Người nói:

+ Kết hợp cử chỉ, điệu bộ, có lời dẫn, bộc lộ tình cảm khi kể.

+ Tự tin, tự nhiên, đang hoàng, mắt nhìn vào mọi người.

+ Xác định vị trí đứng nói phù hợp.

+ Cách nói phải trôi chảy diễn cảm, phù hợp với sự việc (có thể kết hợp với nét mặt, điệu bộ).

+ Lời kể phải mạch lạc, rõ ràng, trong sáng

+ Phát âm chuẩn chính tả

+ Nói đúng nội dung, yêu cầu đề

Người nghe:

+ Lĩnh hội được nội dung phần trình bày nói của bạn.

+ Có ý kiến nhận xét, đánh giá bài nói của bạn.

+ Bổ sung thêm nội dung mà bài trình bày của bạn chưa đủ (nếu cần)

Yêu cầu về nội dung:

Nội dung phải đầy đủ, mạch lạc.

Các ý phải được sắp xếp hợp lý.

Bám vào dàn bài để trình bày.


1. Chia tổ luyện nói theo dàn bài

2. Chọn một số học sinh nói trước lớp

Học sinh khi nói chú ý:

– Nói to, rõ, tự tin nhìn thẳng vào người nghe;

– Chú ý diễn cảm. Không nói như đọc thuộc lòng.


III – Bài nói tham khảo

1. Kể về một chuyến về thăm quê

Bài tham khảo 1:

Bố mẹ tôi lấy nhau ở thành phố nên nghiễm nhiên sinh tôi ra cũng ở thành phố, dẫu vậy bố mẹ tôi luôn nhắc nhở tôi phải nhớ đến quê hương. Thế nhưng quê tôi ở xa quá, phải đợi đến khi tôi học lớp 6 bố mẹ tôi mới cho phép tôi về quê và ở một với bà nội một thời gian. Khỏi phải nói tôi đã hồi hộp và sung sướng như thế nào khi được bố mẹ cho phép về quê.

Ngày lên đường về quê nội, bố mẹ tôi dặn đủ thứ nào phải ngoan, phải nghe lời bà không được để bà buồn. Tôi vâng dạ rối rít. Sau nửa ngày đi tàu và mấy tiếng đi ôtô, quê nội đã hiện ra trước mắt tôi. Đó là một vùng đất trung du có những quả đồi lúp xúp và những rừng cọ có tán xoè rộng như những chiếc ô che đầu.

Nhà nội tôi nằm nép ở chân đồi, muốn vào nhà phải đi trên một cây cầu tre bắc qua một con suối nhỏ. Nhà nội tôi không nhiều tầng như những ngôi nhà ở thành phố mà chỉ là ngôi nhà ngói năm gian, có rất nhiều cửa sổ và xung quanh là vườn cây xanh tốt, đằng trước là vườn rau đủ loại.

Tất cả đều được phủ lên bằng một màu xanh mát. Bởi vậy cảm giác đầu tiên khi đặt chân lên nhà nội là một cảm giác mát mẻ thanh bình của một miền quê vùng trung du.

Từ nhà nội nhìn ra phía trước, tôi lại thấy những quả đồi thấp, ở đó có một màu xanh của cây cỏ, và xen lẫn là những thân cọ khẳng khiu cao vút. Buổi chiều, khi ông mặt trời sắp lặn, tôi nghe văng vẳng tiếng mõ của đàn bò no nê trở về, đâu đó còn có tiếng reo hò của lũ trẻ chăn trâu.

Trên không trung từng đàn chim ùa bay qua. Buổi chiều ở quê nội thật đẹp và yên bình, tôi ước ao được cùng các bạn nhỏ nơi này dạo chơi ở trên những quả đồi, trên những cánh đồng xanh mát. Sau một ngày đi đường vất vả mệt nhọc, tôi ngủ thiếp đi trong lòng nội.

Đang trong giấc ngủ ngon lành, tôi bỗng nghe thấy tiếng chim hót líu lo như cất lên ngay cạnh nơi tôi ngủ, tôi choàng tỉnh giấc và mải mê nghe, tiếng chim hót nghe trong trẻo, lảng lót như một điệu nhạc cất lên chào buổi sáng. Ngoài sân tiếng mẹ con nhà gà mái cũng lục tục gọi nhau đi kiếm ăn, hai chú cún con đùa giỡn nhau trên sân.

Ôi, buổi sáng ở đây thật tuyệt vời. Tôi chạy ra sân ngắm nhìn cảnh vật, ông mặt trời đã hé mắt nhìn ở phía đằng đông, cây chuối trong vườn đung đưa trong gió, ngoài ao đàn cá tung tăng bơi lội, thỉnh thoảng lại chạy ào xuống đáy ao như chơi trốn tìm. Bữa sáng ở quê được dọn ra thật đơn giản chỉ có khoai lang luộc. Bà biết tôi thích món này nên đã chuẩn bị từ trước, củ khoai của quê nội tôi không to nhưng lại rất bở và ngọt. Tôi thích thú ăn đến no bụng.

Ăn sáng xong bà dẫn tôi lên nương hái chè, quê bà tôi chè được xem là món đặc trưng nhất. Quả đồi thoai thoải nằm ngay sau nhà của nội tôi và được trải lên một màu xanh mướt của những búp chè non. Nội tôi tuy đã già nhưng hai tay vẫn thoăn thoắt hái chè.

Hai bà cháu vừa làm vừa chuyện trò vui vẻ, cười vang khắp quả đồi. Đến gần trưa, khi ông mặt trời bắt đầu toả ánh nắng lên khắp nương chè cũng là lúc bà cháu tôi trở về nhà. Bóng bà như cùng nghiêng nghiêng theo bóng nắng, tôi thấy thương bà quá, bà đã già rồi mà vẫn còn vất vả. Bà mủm mỉm cười:

– Bà vất vả quen rồi, làm lụng cũng giúp con người ta khoẻ mạnh hơn đấy cháu ạ!

Buổi chiều, khi cái nắng hè đã dìu dịu, tôi ra cổng đứng trên cầu thả hồn theo dòng nước trong veo, trong đến nỗi tôi có thể nhìn thấy cả sỏi và cát ở dưới đáy. Thỉnh thoảng có đàn cá lững lờ bơi và chỉ nghe thấy một tiếng động nhỏ là tất cả lại biến mất.

Chỉ sau mấy ngày ở quê nội tôi đã có thêm rất nhiều bạn, những người bạn chân chất thật thà và họ rất quý tôi. Họ thường rủ tôi đi chơi, giới thiệu cho tôi nghe những thứ đặc trưng của vùng thôn quê. Và thú nhất là vào buổi trưa, chúng tôi lại leo lên đồi cọ, ở đó cái nắng nóng đâu chẳng thấy mà chỉ thấy gió mát và bóng râm.

Chúng tôi ngồi dưới tán cọ, nghe gió thổi xào xạc trên những tàu lá cọ, cả rừng cọ đung đưa theo nhịp gió, nghe như bản nhạc của đồng quê. Giữa không gian thanh bình ấy tôi thấy mình như lạc đến một nơi nào xa lắm. Quê nội tôi thật đẹp phải không các bạn!

Thời gian thấm thoắt trôi đi, đã đến lúc tôi phải rời quê nội trở về thành phố. Ngày chia tay, bà nội nhìn tôi rơm rớm nước mắt, bà chúc tôi học giỏi để sang năm lại về thăm bà. Các bạn trong xóm cũng đến tạm biệt tôi. Bước lên xe, lòng tôi đầy tiếc nuối, quê nội cứ khuất dần ở phía sau, tôi thầm hứa sang năm sẽ học thật giỏi để lại được bố mẹ cho về thăm nội. Trong tôi, quê nội thật gần gũi và thân thương đến lạ thường.

Bài tham khảo 2:

Quê nội em ở rất xa thành phố nên chẳng mấy khi em được về thăm. Nam nay dù dã mười hai tuổi nhưng em cũng mới chỉ được về thăm ông bà nội có một lần. Lần ấy lâu lắm rồi, từ khi em còn nhỏ lắm nên hầu như em chẳng nhớ điều gì nữa. Thế nhưng tuần vừa qua, cảm ơn những ngày nghỉ của bố, em đã được về quê nội.

Bố báo tin mừng trước ba ngày. Ba ngày là khoảng thời gian quá lâu để hâm nóng niềm vui và chờ đợi. Thế rồi cuối cùng em cũng chờ được đến lúc lên tàu. Chuyến tàu hôm ấy đông đúc và ồn ã lắm. Dường như em có cảm giác ai cũng về quê thì phải.

Con tàu lăn bánh rời khỏi sân ga trong một niềm vui mừng bâng khuâng khó tả. Tàu chạy gần cả một ngày nhưng em không muốn ngủ. Cảnh vật bên đường mới thích làm sao. Hết làng mạc lại đến cánh đồng, rồi đồi bãi bát ngát mênh mông. Hai bên đường lúc thì rợp một màu xanh, lúc lại nhộn nhịp vô cùng khi tàu đi qua phố chợ. Em đang miên man suy nghĩ thì tàu đến sân ga.

Nhà nội cách sân ga chưa đầy nửa cây số nên bố quyết định cả nhà đi bộ. Bước trên con đường mà dưới chân sỏi và đá cứ kêu lạo xạo, em thấy có một cái gì đó lạ vô cùng. Một cảm giác em chưa từng được trải qua. Loáng cái đã đến cổng nhà bà nội.

Chiếc cổng bằng tre cũ kỹ, che một phần giàn mướp sai trĩu quả bên trong. Thấy cả nhà đã về tới cổng, bà nội vui mừng ra đón. Không hiểu sao lúc ấy tự nhiên em vứt ngay túi đồ xuống đất sà vào lòng bà nội mà nức nở. Buổi tối hôm ấy qua đi trong một giấc ngủ ngon làn cùng bà nội.

Sáng hôm sau bà gọi em dậy sớm và hình như em cũng không muốn ngủ lười như ở trên thành phố. Bây giờ em mới kịp quan sát kỹ ngôi nhà của ông bà nội. Ngôi nhà ba gian lâu ngày bị gió sương làm chuyển sang màu nâu bạc. Nhưng bên trong vẫn toát lên vẻ ấm cúng, thiêng liêng và gần gũi vô cùng.

Trong bữa cơm buổi sáng, em cố khớp những hình ảnh đã hình dung với hình ảnh thực của ông bà nội. Ông bà trẻ hơn so với suy nghĩ của em. Dù đã ngoài bảy mươi nhưng ông vẫn khỏe mạnh và quắc thước. Bà nội tóc có bạc hơn nhưng bà vẫn còn nhanh nhẹn lắm.

Bữa cơm vừa xong là lúc em bắt đầu được thưởng thức những cảm giác thú vị của đồng quê. Trong khi ông bà miệng bỏm bẻm nhai trầu cùng bố mẹ em và các chú bàn công chuyện thì em được các anh chị họ rủ ra đồng chơi. Hôm nay em là nhân vật trung tâm nên anh chị nào cũng giành phần để chăm chút cho cậu em từ thành phố mới về. Ôi! Những ngày ở quê, các anh chị đã cho em biết thêm bao điều thú vị.

Và có lẽ vui mừng hơn cả là những trò chơi của tụi nhỏ ở nông thôn. Lần đầu tiên em biết thế nào là một con diều sáo. Và lại còn được anh hai cho cầm dây mới thích chứ. Rồi còn biết thêm trò chơi chọi dế, đánh cỏ gà, đá bóng bằng trái bưởi phơi khô…lại còn cả những buổi được đi chăn trâu thật là ngộ nghĩnh. Chỉ vài ngày mà em quen thêm bao nhiêu người bạn mới. Điều lạ là ai cũng dễ gần, cũng dễ chơi và nhanh thân thiết lắm chẳng như trên thành phố.

Những ngày ở quê vội vã qua đi trong sự nuối tiếc của em vì hầu hết những cuộc chơi còn đang dang dở. Ngày trở về thành phố ông bà còn cho rất nhiều quà. Bà ôm em vào lòng khóc nhưng không rơi nước mắt. Bà nói: Cháu bà ngoan! Về thành phố nhớ chăm chỉ học hành, lần sau trở lại chắc cháu bà lớn lắm. Em không nức nở như lúc mới về mà chỉ dửng dưng. Ở trong lòng bà em cảm thấy quê nội ấm áp, thiêng liêng, cao quý mà gần gũi xiết bao.


2. Kể về một cuộc thăm hỏi gia đình liệt sĩ neo đơn

Bài tham khảo 1:

Chiều thứ năm tuần trước, sau giờ học buổi sáng, chúng em đến thăm gia đình thương binh hỏng mắt Lê Văn Trí tại nhà riêng. Cuộc viếng thăm làm em nhớ mãi.

Để thiết thực chào mừng ngày 30-4 giải phóng miền Nam, hưởng ứng chủ trương của Ban giám hiệu, lớp em phân công nhau đi thâm một số gia đình thương binh, liệt sĩ. Theo sự phân công của lớp, chúng em sẽ đến thăm gia đình chú Trí, một thương binh bị hỏng cả hai mắt, lại còn liệt nửa người.

Chú có hai người con thì một đứa bị di chứng chất độc màu da cam, trở nên ngớ ngẩn, đứa con thứ hai học lớp 5. Chúng em bàn nhau nhịn quà sáng, góp tiền mua một món quà nhỏ mang đến biếu gia đình. Bọn em có 15 bạn, mọi việc do bạn Hương lo liệu.

Chiều hôm ấy chúng em tập hợp tại nhà Hương rồi cùng đến nhà chú Trí. Như đã hẹn trước, thím Trí đón chúng em vào, giới thiệu với chú Trí, một thương binh cao lớn, da xanh, đeo kính đen, ngồi trên chiếc xe đẩy. Khi chúng em chào, chú Trí khẽ nói: “Chào các cháu”.

Trong khi thím Trí lấy nước uống mời khách, chúng em nhìn quanh, thấy chú thím ở trong ngôi nhà cũ đã xuống cấp. Chính quyền địa phương đang có kế hoạch giúp đỡ chú. Thím cho biết em thứ hai đang đi học, em đầu ngớ ngẩn, ai hỏi chỉ cười. Bạn Hương thay mặt nhóm biếu gia đình món quà nhỏ, gồm chiếc áo cho thím, đường, sữa cho chú và ít giấy cho đứa em đang đi học.

Thím cảm ơn chúng em và cho biết địa phương cũng quan tâm nhiều nhưng bệnh tình chú và đứa em nặng quá, thím không thể làm thêm gì để cải thiện.

Cuộc viếng thăm của chúng em chỉ là một cử chỉ biết ơn rất nhỏ đối với chú. Khi chúng em hỏi về cuộc chiến đấu của chú ở chiến trường, chú không muốn nói nhiều. Chú cho biết chú phục vụ ở một binh trạm trên Trường Sơn, bị máy bay B.52 ném bom và bị thương nặng.

Chú điều trị mãi đến những năm 80 mới được thế này. Chú cho biết phần lớn đồng đội chú đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ. Khi chúng em tỏ ý biết ơn và thương cảm, thì chú nói:

– Nước có giặc thì mình phải đánh, chứ biết sao? Cá nhân mình không may thì ráng chịu. Mong sao từ đây thanh bình.

Những ý nghĩ đó, chắc chú đã nghiền ngẫm trong hơn hai chục năm trời sống trong bóng tối, nó biểu thị một ý thức tự giác và nghị lực kiên cường của anh bộ đội Cụ Hồ.

Chúng em tỏ ỷ muốn làm một việc gì, dù rất nhỏ để đỡ đần cho chú, thím. Thím từ chối không được cuối cùng hướng dẫn chúng em làm vệ sinh sân, vườn và ngõ. Chúng em lấy cuốc, chổi xẻng cùng nhau dọn dẹp. Trong vòng nửa giờ, tròng sân ngõ sạch sẽ, mảnh vườn nhỏ tinh tươm.

Từ biệt gia đình chú Trí ra về, chúng em nghĩ, sau chiến tranh, nước mình có biết bao thương binh và gia đình liệt sĩ. Đây chỉ là một gia đình trong số đó. Sự hi sinh của nhân dân và quân đội thật lớn lao biết bao! Cuộc viếng thăm của chúng em chỉ là một cử chỉ biết ơn rất nhỏ.

Em nghĩ, mọi người trong đó có chúng em, còn phải cố gắng nhiều để góp phần xoa dịu những vết thương chiến tranh của đất nước không thể chữa lành.

Bài tham khảo 2:

Sáng chủ nhật tuần trước, lớp em tổ chức đi thăm một số gia đình thương binh, liệt sĩ ở địa phương. Tổ em được phân công thăm bà Phan, mẹ liệt sĩ và chú Hiển, thương binh nặng, cụt cả hai chân trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn năm 1975.

Nhà bà Phan nằm sâu trong một con hẻm ở đường Bàn Cờ. Bà là mẹ của liệt sĩ Trương Tấn Quang, hi sinh anh dũng trong chiến dịch biên giới Tây Nam. Bản thân bà trước đây cũng là một cơ sở hoạt động cách mạng nội thành và đã từng bị địch bắt giam, tra tấn dã man.

Tuổi già sức yếu, bà Phan sống dựa vào tiền trợ cấp gia đình liệt sĩ và sự đùm bọc của nhân dân trong phường. Cách đây hơn một tháng, phòng Giáo dục quận 3 đã tặng bà ngôi nhà tình nghĩa, thay thế cho căn nhà dột nát chật chội.

Thấy chúng em tới, bà mừng lắm: Các cháu đến thăm bà đấy ư? Khuôn mặt nhăn nheo vụt tươi lên bởi nụ cười đôn hậu. Bạn Thu Hương thay mặt cho tổ hỏi thăm sức khoẻ của bà. Bạn Tiến Thành cắm một bó hoa tươi vào bình rồi kính cẩn đặt lên bàn thờ. Mùi nhang trầm tỏa ấm cả gian nhà. Từ trong ảnh, đôi mắt trong sáng của chú Quang nhìn chúng em trìu mến.

Chúng em biếu bà mấy ký đường, vài hộp sữa, chục trứng gà, chục cam và ít thuốc bổ… Bà xúc động cảm ơn chúng em. Em thầm nghĩ là không gì có thể đền đáp xứng đáng công lao của những người mẹ đã cống hiến, hi sinh đứa con ruột thịt của mình cho Tổ quốc.

Rồi chúng em quây quần bên cánh võng, nghe bà kể về những kỉ niệm trong đời hoạt động cách mạng của mình; kể về chú Quang, người con trai yêu quý. Cảnh tượng bà cháu sum vầy thật vui vẻ và ấm cúng.

Từ giã bà Phan, chúng em sang thăm chú Hiển. Chú ngồi trên xe lăn, tươi cười chào đón chúng em. Tuy là một thương binh nặng nhưng chú Hiển vẫn rất lạc quan. Chú là một tấm gương sáng về nghị lực và ý chí khắc phục khó khăn.

Theo lời Bác dạy: Thương binh tàn nhưng không phế, chú Hiển vẫn cần cù làm việc bằng đôi tay tài hoa của mình. Chú hướng dẫn cho vợ con đan lát những mặt hàng thủ công mĩ nghệ bằng mây, tre, lá. Bàn tay cầm súng năm xưa giờ đây đang thoăn thoắt luồn những sợi mây óng chuốt, tạo nên những chiếc khay, chiếc giỏ xinh xắn, làm đẹp cho mọi nhà.

Chúng em nhận giúp đỡ gia đình chú đã hơn nửa năm nay nên đến nhà chú thấy việc là làm. Nhóm nữ giúp cô Hồng dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp, Bạn Thủy, bạn Dung hướng dẫn hai em con chú Hiển giải những bài toán khó.

Chúng em quyên góp tiền mua tặng sách vở và một số đồ dùng học tập cho hai em. Chú Hiển nói lên ước nguyện của mình là cố gắng nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Với tình hình sức khoẻ và hoàn cảnh gia đình của chú, điều ấy quả thật chẳng dễ chút nào. Nhưng chúng em tin rằng với tinh thần phấn đấu và quyết tâm cao, ước vọng của chú sẽ thành hiện thực.

Buổi đi thăm các gia đình thương binh, liệt sĩ kết thúc tốt đẹp. Trên đường về, chúng em bàn bạc để tìm cách giúp đỡ các gia đình ấy sao cho có hiệu quả hơn. Đạo lí Uống nước nhớ nguồn của dân tộc nhắc nhở chúng em sống sao cho có nghĩa có tình đối với những người có công với đất nước. Em càng hiểu sâu sắc hơn về lòng biết ơn – nền tảng đạo đức, đạo lí truyền thống của dân tộc ta.


3. Kể về một cuộc đi thăm di tích lịch sử

Bài làm:

Chuyến đi thăm cố đô Hoa Lư – Ninh Bình vừa qua đã để lại trong em những ấn tượng sâu sắc. Em nhớ mãi cảm xúc háo hức, phấn khởi và ngạc nhiên, thích thú trong chuyến đi ấy.

Vào một sáng cuối xuân, đầu hạ, khi bầu trời còn mờ ảo trong buổi bình minh thì đoàn xe tham quan của trường em đã bắt đầu chuyển bánh. Những chiếc xe đáy ắp tiếng cười lướt nhẹ qua cây cầu bắc ngang dòng sông Đáy hiền hoà rồi tiếp tục bon bon trên quốc lộ 1. Xa xa, dãy Non Nước hiện lên thấp thoáng qua màn sương. Chúng em đều cảm thấy hồi hộp vì tuy nghe danh đã lâu nhưng chưa ai được đặt chân tới mảnh đất “cờ lau dẹp loạn” này bao giờ.

Hoa Lư đây rồi! Kinh đô đầu tiên của nước Đại Việt chính là đây. Toàn bộ khu di tích nằm trong một thung lũng, xung quanh bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp. Tạo hoá đã khéo sắp đặt cho nơi này một cảnh quan hùng vĩ, trên là núi, dưới là sông, đẹp như một bức tranh sơn thuỷ.

Đến Hoa Lư hôm nay, tuy chúng em không còn được nhìn thấy những cung điện nguy nga, những thành cao hào sâu… nhưng mỗi tấc đất, mỗi ngọn núi nơi đây đều ghi đậm dấu ấn vẻ vang của một thời oai hùng. Nào là núi Cột Cờ cao hơn 200 mét, nơi Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ khởi nghĩa.

Nào là ngòi Sả Khê chảy qua hang Luồn, là nơi thuỷ quân ta luyện tập hằng ngày. Rồi hang Muối, hang Tiền với những nhũ đá lóng lánh. Phải chăng đây là kho dự trữ lương thực của đạo quân thiện chiến ngày xưa?

Giữa khu di tích Hoa Lư có đền thờ Đinh Tiên Hoàng. Ngôi đền sừng sững mái cong vút, lợp ngói hình vảy cá, rêu xanh đã phủ dày dấu thời gian. Cột dé làm bằng những cây gỗ to, một vòng tay ôm không xuể. Sân đền còn lưu lại dấu tích bệ đặt ngai ngự của nhà vua.

Đó là một phiến đá to, bằng phẳng. Các nghệ nhân tài hoa thuở trước đã khéo léo khắc chạm hình rồng bay rất đẹp. Xung quanh là hình con nghê dũng mãnh, hình chim phượng cao quý tượng trưng uy quyền của vua chúa. Chúng em ngắm chiếc sập đá mà thầm khâm phục hoa tay tài hoa của các nghệ nhân thuở trước.

Trong chính cung là tượng Đinh Tiên Hoàng uy nghi ngự trên ngai. Nhà vua mặc áo thêu rồng, đầu đội mũ bình thiên, bàn tay xoè rộng, đặt nhẹ trên gối vẻ cương nghị đọng lại ở đôi môi mím chặt, đôi mắt mở to nhìn thẳng. Thắp một nén hương tưởng niệm, lòng em dâng lên niềm cảm phục đối với người đã có công xây dựng Hoa Lư thành kinh đô của nước Đại Việt xưa.

Tạm biệt đền Đinh Tiên Hoàng, chúng em đến thăm đền thờ vua Lê ở phía bên trái khu di tích. Vua Lê vận long bào, đầu đội mũ miện vàng, kiếm đeo ngang lưng trông rất oai nghiêm. Trong khu vực đền thờ còn có bức tượng một phụ nữ gương mặt phúc hậu, đoan trang.

Đó là thái hậu Dương Vân Nga, bậc liệt nữ đã ghé vai gánh vác sự nghiệp cả hai triều Đinh – Lê. Những vị được tôn thờ ở đây đều có tài năng kiệt xuất, xứng đáng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Không đủ thời gian để leo núi nên chúng em đứng trong thung lũng, ngẩng đầu ngắm nhìn bốn phía để cảm nhận rõ thêm vị thế hiểm trở của cố đô. Có bạn đã giở sổ tay, phác nhanh vài nét kí hoạ. Nhiều người lên tiếng bình luận sôi nổi về phong trào cờ lau dẹp loạn thuở nào.

Trời đã xế chiều. Chúng em lưu luyến ra về và nuối tiếc vì chưa kịp bẻ mấy bông lau làm cờ cắm trước đầu xe cho thêm khí thế. Đến thăm Hoa Lư. chúng em được biết thêm một cảnh đẹp và hiểu thêm về lịch sử oai hùng của dân tộc. Chuyến đi tham quan này đã trở thành đề tài của những cuộc trò chuyện sôi nổi trong lớp em suốt những ngày sau đó.


4. Kể về một chuyến ra thành phố

Bài làm:

Trong kì nghỉ hè vừa qua, ba cho em đi chơi Đà Lạt một tuần. Đó là phần thưởng ba dành cho em vì em đã cố gắng học tập và đạt được danh hiệu Học sinh xuất sắc.

Ba em chuẩn bị rất đầy đủ cho chuyến đi này. Từ mấy hôm trước, ba đã mua vé ở Trung tâm du lịch Lửa Việt. Sáng thứ sáu, mẹ ra tận nơi xe đậu, tiễn hai cha con lên đường. Trên xe đã gần đủ người, anh lái xe nhấn còi báo hiệu cho du khách biết rằng sắp tới giờ xe chạy.

Đúng 5 giờ 30 phút, xe rời bến. Thành phố lúc sớm mai thật quang đãng, mát mẻ. Trên đường, người và xe cộ còn thưa thớt. Ra khỏi thành phố, xe rẽ ra quốc lộ I và bắt đầu tăng tốc. Em ngồi ghế sát cửa sổ nên tha hồ ngắm phong cảnh hai bên đường.

Chẳng mấy chốc, xe đã tới ngã ba đi Đà Lạt. Từ đây, quốc lộ 20 uốn mình chạy giữa một màu xanh bát ngát của những rừng cao su nối tiếp nhau. Phong cảnh mỗi lúc một khác. Chiếc xe lên dốc, xuống đèo liên tục. Có những đèo rất cao và dài hàng chục cây số.

Anh lái xe bình tĩnh và khéo léo lái xe qua những chặng đường cheo leo, nguy hiểm, một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Hành khách tỏ vẻ rất yên tâm, hoàn toàn trông cậy vào tay lái thành thạo của anh. Một số người ngả đầu vào thành ghế ngủ ngon lành.

Ba giờ chiều, xe đã tới địa phận thành phố Đà Lạt, điểm du lịch nổi tiếng trong cả nước. Từ xa, em đã nhìn thấy những đồi thông nối tiếp nhau. Anh lái xe dừng lại cho du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Pren. Nước từ trên cao xối xuống như một tấm rèm màu trắng khổng lồ.

Tiếng thác đổ đều đều, triệu triệu bụi nước li ti óng ánh. Càng tiến vào gần thành phố, khung cảnh càng hấp dẫn hơn. Ồ! Quả là một cảnh tượng lạ lùng bày ra trước mắt như trong một câu chuyện thần tiên. Giữa rừng thông, thấp thoáng những ngôi nhà mái nhọn, lợp ngói đỏ tươi trông như những lâu đài huyền bí.

Nửa giờ sau, xe đỗ trước cửa khách sạn Anh Đào. Khách sạn nhỏ nhưng xinh đẹp và đầy đủ tiện nghi. Bữa ăn đầu tiên, cha con em được thưởng thức những món ăn cao nguyên thật ngon miệng. Đêm hôm ấy, em kéo chiếc chăn bông lên tận cổ và ngủ một giấc say sưa.

Suốt mấy ngày ở đây, em được đi thăm rất nhiều cảnh đẹp của Đà Lạt như hồ Xuân Hương, thác Cam Ly, đồi Cù, Đồi thông hai mộ, thung lũng Tình Yêu, hồ Đa Thiện, thiền viện Trúc Lâm… Ba chụp cho em rất nhiều ảnh. Em thích nhất là kiểu cưỡi ngựa trên đỉnh đồi, dưới gốc thông cổ thụ.

Tới công viên thành phố, em vui sướng vịn vai chú gấu đen khổng lồ nhồi bông ngay gần cổng để ba chụp ảnh. Em say mê ngắm chim, ngắm thú, ngắm hoa quên cả thời gian. Rồi ba đưa em đi chợ Đà Lạt. Em sững sờ trước sự phong phú, tươi đẹp của các loài hoa xứ lạnh: hồng nhung, hồng vàng, lay-ơn, thược dược, cẩm chướng, phong lan, địa lan… và bao nhiêu loại cúc khác nhau.

Trái cây cũng thật hấp dẫn: mận, đào, dâu tây, cam, bơ, nho, táo… thứ gì cũng ngon, cũng rẻ. Ba em mua mấy hộp mứt dâu và một túi xách đầy những trái bơ sắp chín. Chắc là mẹ và bé Hồng rất thích.

Một tuần tham quan trôi qua vùn vụt. Đã tới lúc tạm biệt Đà Lạt, trở về với mái ấm gia đình. Lúc xe rời bến, em thò đầu ra cửa sổ, lưu luyến vẫy chào những rừng thông, ngọn núi, con đường, những thung lũng mờ sương, những mái nhà xinh xắn và những vườn hoa rực rỡ… Tạm biệt nhé, Đà Lạt! Hẹn ngày này sang năm, em sẽ quay trở lại!

Chuyến đi thú vị đã mở mang tầm hiểu biết của em về đất nước, con người. Đất nước mình đâu đâu cũng đẹp như tranh và con người thật nhân hậu, hiếu khách!


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Luyện nói kể chuyện sgk Ngữ văn 6 tập 1 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các bạn làm bài Ngữ văn tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com