Hướng dẫn Soạn bài Luyện tập kể chuyện tưởng tượng sgk Ngữ văn 6 tập 1

Hướng dẫn Soạn Bài 13 sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập một. Nội dung bài Soạn bài Luyện tập kể chuyện tưởng tượng sgk Ngữ văn 6 tập 1 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, tự sự, cảm thụ, phân tích, thuyết minh… đầy đủ các bài văn mẫu lớp 6 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn lớp 6.

Soạn bài Luyện tập kể chuyện tưởng tượng sgk Ngữ văn 6 tập 1
Soạn bài Luyện tập kể chuyện tưởng tượng sgk Ngữ văn 6 tập 1

Truyện tưởng tượng

Truyện tưởng tượng là những truyện do người kể nghĩ ra bằng trí tưởng tượng của mình, không có sẵn trong sách vở hay trong thực tế, nhưng có một ý nghĩa nào đó.


1. Trả lời câu hỏi 1 trang 139 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Đề bài luyện tập: “Kể chuyện mười năm sau em về thăm lại mái trường mà hiện nay em đang học. Hãy tưởng tượng những đổi thay có thể xảy ra.”

Trả lời:

Tìm hiểu đề bài:

– Thể loại: Kể chuyện tưởng tượng.

– Nhân vật kể chuyện: Em (ngôi thứ nhất).

– Chủ đề: Chuyến thăm trường sau 10 năm xa cách.

– Nội dung: Chuyến về thăm trường cũ sau mười năm nữa.

+ Sự thay đổi: con người, cảnh vật…

+ Cảm xúc, tâm trạng của em: Khi chia tay; Trước khi về thăm trường; Trong khi về thăm trường.

Lưu ý: không được tưởng tượng viễn vông, lung tung mà phải dựa vào cơ sở thực tế.

Lập dàn bài:

Mở bài:

– Thời gian về thăm trường.

– Lý do về thăm trường sau 10 năm xa cách (Nhân dịp nào: Lễ khai giảng? Lễ 20/11…)

Thân bài:

– Trước khi về thăm trường (Miêu tả tâm trạng: Bồn chồn, náo nức…)

– Đến thăm trường.

– Thay đổi.

– Quan cảnh chung khuôn viên trường, lớp, thầy cô, bạn bè…

– Những gì còn lưu lại?

– Gặp thầy cô, bạn bè cũ (nếu có).

– Những kỉ niệm hoc trò.

Kết bài:

– Cảm xúc khi chia tay.


2. Trả lời câu hỏi 2 trang 140 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Các đề bài bổ sung: Tìm ý cho các đề bài bổ sung sau đây:

a) Mượn lời một đồ vật, hay con vật gần gũi với em để kể chuyện tình cảm giữa em và đồ vật hay con vật đó.

b) Thay ngôi kể để bộc lộ tâm tình của một nhân vật truyện cổ tích mà em yêu thích.

c) Tưởng tượng một đoạn kết mới cho một truyện cổ tích nào đó (chẳng hạn, truyện Sọ Dừa, Cây bút thần).

Trả lời:

a) Mượn lời một đồ vật, hay con vật gần gũi với em để kể chuyện tình cảm giữa em và đồ vật hay con vật đó

– Con vật/ đồ vật gần gũi với em là gì? Ghi cụ thể tên đồ vật.

– Đồ vật con vật gắn bó với em bao lâu.

– Hình dáng màu sắc của đồ vật/con vật.

– Nảy sinh tình cảm như thế nào

– Tình cảm gắn bó với nhau ra sao? Trong học tập, đi chơi, sinh hoạt hằng ngày.

– Giúp đỡ nhau trong hằng ngày như thế nào?

– Tình cảm/suy nghĩ về sự gắn bó đó trong tương lai.

Ví dụ: cây bút chì

Mở bài:

Giới thiệu đồ vật em coi là người bạn thân (ví dụ: cây bút chì bởi vì em rất thích vẽ).

Thân bài:

– Hoàn cảnh: Tối hôm đó, em giật mình buổi đêm tỉnh giấc.

– Diễn biến:

+ Em nghe được câu chuyện bút chì kể với bút mực về ngày hôm nay em dẫn bút chì ra công viên vẽ.

+ Lại còn khen em ngoan và vâng lời cha mẹ: hay giúp mẹ việc nhà, chăm chỉ học bài…

+ Kể em với bút chì rất thân thiết: hay dẫn đi chơi, hay làm những bộ quần áo đẹp (gọt bút chì, trang trí sắc màu bên ngoài bút).

+ Em nghe xong thấy vui sướng và thầm nghĩ mình sẽ tốt với bút chì hơn nữa.

Kết bài:

Cảm xúc, cảm nghĩ của em với bút chì.

b) Thay đổi ngôi kể để bộc lộ tâm tình của một nhân vật truyện cổ tích mà em yêu thích

Ví dụ: lựa chọn nhân vật Thạch Sanh

Mở bài:

Không gian để nhân vật bộc lộ tâm tình: có thể là trong rừng, trong hang tối,…

Thân bài:

   – Ta là Thạch Sanh bản tính lương thiện mà hay bị người khác hãm hại. Thật đáng buồn biết bao.

   – Niềm tin vào công lí.

   – Nỗi buồn, thất vọng khi người mình vẫn coi là anh em lại hết lần này lần khác lừa dối, hãm hại mình.

   – Với công chúa, ta đã cứu nàng, người con gái hiền lành, xinh đẹp, yếu đuối mà nàng đã chẳng thể nói lên nỗi lòng với vua cha cứu ta.

   – Chỉ có cây đàn là tri kỉ ta nói lên nỗi lòng mình. Ta tức giận Lí Thông đã lừa dối, cướp công ta, sao lại có kẻ ăn ở bất nhân như vậy.

Kết bài:

Hóa thân vào nhân vật mới nhận ra tâm tư, tình cảm của nhân vật ấy.

c) Tưởng tượng một đoạn kết mới cho một truyện cổ tích nào đó (chẳng hạn, truyện Sọ Dừa, Cây bút thần)

Đoạn kết mới cho “Cây bút thần”:

Bài tham khảo 1:

– Mã Lương sau khi vẽ biển, đánh chìm thuyền rồng, tiêu diệt cả triều đình và bè lũ của vua tham thì chàng lại vẽ ra một ngôi làng mới và có vài hộ dân sinh sống.

– Mã Lương cũng vẽ các công cụ lao động và dạy họ trồng một số cây ăn quả.

– Sau đó, Mã Lương bày cách họ đem bán và lấy tiền để mua được những vật dụng trong gia đình.

– Còn Mã Lương vẫn vẽ tranh và dạy trẻ con trong làng học vẽ.

Bài tham khảo 2:

– Mã Lương sau khi trừng trị tên vua tàn bạo đã quay trở về với nhân dân

– Đất nước vắng người đứng đầu → Mã Lương được phong lên làm vua.

– Quân thần trong triều làm phản bèn liên kết với các nươc chư hầu và kể về cây bút thần.

– Mã Lương bị quân thần hãm hại → mất cây bút thần.

– Các nước chư hầu kéo đến đánh, Mã Lương tìm được bút thần → dẹp loạn trongvà giặc ngoài ⇒ đất nước thái bình, dân chúng yên ổn làm ăn.

– Mã Lương lên ngôi vua và trả lại cây bút thần.

Đoạn kết mới cho “Sọ dừa”:

Mở bài:

Nối tiếp câu chuyện Sọ Dừa, từ đoạn Sọ Dừa cứu vợ, từ hoang đảo trở về, mở tiệc nhưng giấu vợ trong buồng. Đoạn kết mới bắt đầu.

Thân bài:

   – Hai cô chị nghĩ cô em đã chết, ra vẻ khóc lóc tiếc thương.

   – Sọ Dừa gọi vợ ra, hai cô chị sửng sốt, xấu hổ, lén ra về.

   – Trong hai năm, vợ chồng Sọ Dừa và dân làng không ai biết tin gì về hai cô chị.

   – Thật ra họ đã xấu hổ cùng ra đi đến một vùng đất mới, xây nhà trồng trọt làm ăn lương thiện. Hai năm sau họ đã trở nên khá giả nhưng trong lòng vẫn ân hận về lòng đố kị của mình trước kia. Và thế là họ đã quyết định chia hết của cải cho dân nghèo, trở về thành tâm xin lỗi hai vợ chồng Sọ Dừa.

   – Vợ chồng Sọ Dừa thấy họ ăn năn cũng không còn giận và tha lỗi cho họ.

   – Hai người chị dù được tha thứ vẫn không nguôi nỗi day dứt, tiếp tục ra đi, đi khắp miền núi, miền biển giúp đỡ những người nghèo.

Kết bài: Kết thúc truyện tốt đẹp.


Áp dụng

1. Kể chuyện mười năm sau em về thăm lại mái trường mà hiện nay em đang học. Hãy tưởng tượng những đổi thay có thể xảy ra

Bài làm:

Thời gian trôi nhanh thật, thấm thoắt mới đó mà đã mười năm. Giờ đây tôi đã lớn khôn, đã trở thành sinh viên năm thứ nhất đại học. Hôm nay, có dịp về thăm ngôi trường cu thân yêu, trong tôi dâng ngập một cảm giác xao xuyến và bỡ ngỡ khôn cùng.

Ngôi trường cũ hiện ra trước mắt tôi với nhiều kỉ niệm vừa quen thuộc vừa xen chút lạ lẫm. Xe tôi chạy chầm chậm trên con đường nhỏ. Chiếc cổng trường năm xưa giờ đã được thay thế bằng chiếc cổng xây cao và phía trên ghi rõ hàng chữ Trường THCS Nguyễn Du… Tôi còn nhớ rõ ngày ấy, mỗi lần đi học muộn, cánh cửa đóng sập lại, tôi phải năn nỉ mãi bác bảo vệ mới cho vào.

Bước vào sân trường sự thay đổi ấy càng hiện lên rõ hơn. Dãy lớp tôi học năm xưa giờ được thay thế bằng một ngôi nhà cao tầng khang trang, sáng sủa. Lớp cũ không còn nhưng tôi vẫn như thấy đâu đây hình ảnh của các bạn cùng lớp: Lan, Hồng, Thắng mỏ vịt,… Ngày ấy, cũng ở góc sân trường này, chúng tôi thường chơi đùa. Cây xà cừ vẫn còn đó nhưng nó đã già hơn trước. Tôi bước lại gần, những nét chữ khắc vào thân cây đã mờ dần theo năm tháng.

Tôi bước tới khu hiệu bộ, căn nhà cũng được sửa lại đôi chút nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng năm xưa, nằm uy nghiêm giữa hai bên hàng cây mát rượi. Đây chính là hàng cây chúng tôi trồng khi trường mới xây xong mà. Trong tiếng gió tôi nghe những lời rì rầm như những tiếng chào. Dưới gốc cây vẫn còn chiếc biển đề quen thuộc “Cây kỉ niệm lớp… khoá…”.

Sân trường đang giờ học, im ắng đến lạ thường. Tôi nghe tiếng thầy cô âm vang, trầm âm trong lớp học. Nỗi nhớ thầy cô cùng các bạn dâng ngập hồn tôi. Từ ngày chia tay mỗi người một ngả không biết cuộc sống của họ ra sao. Và các thầy cô của tôi nữa, tôi nhớ cô Nhung dạy văn cũng đồng thời là giáo viên chủ nhiệm. Ngày ấy cô rất nghiêm khắc, không ít lần cộ đã mắng chúng tôi khi chúng tôi không chịu nghe giảng. Tôi biết lúc đó đã có một sô’ bạn tỏ ý không bằng lòng với cô nhưng chính những người bạn đó sau này đã tâm sự với tôi: Đến khi xa cô rồi mới thấm thìa lời cô dạy.

Thực ra ngày đó chúng tôi còn nhỏ quá chỉ thích chơi thôi. Giờ đây trưởng thành tôi chỉ mong có dịp gặp lại cô để nói hết những tâm sự của mình.

Đang mải mê với dòng suy nghĩ của mình thì tôi gặp cô, tôi vô cùng sung sướng và bất ngờ vì bao năm rồi cô vẫn dạy ở nơi đây. Tôi chạy lại, vui mừng:

–  Em chào cô! Cô có nhận ra em không ạ?

Cô nheo đôi mắt, sửa lại cặp kính:

–  Em là…

–  Em là Lan học sinh lớp 6C2, khoá học cách đây mười năm rồi thưa cô.

Thế là cô trò tíu tít nói chuyện. Đến lúc này tôi mới có dịp ngắm nhìn

lại gương mặt cô. Năm tháng trôi đi, trên khuôn mặt của cô đã có nhiều nếp nhăn, đôi mắt cũng không còn sáng như xưa nữa nhưng cái nhìn của cô vẫn thật dịu dàng. Mái tóc đen giờ đã có khá nhiều sợi bạc. Tôi bỗng thấy thương cô vô cùng bởi tôi biết cuộc đời riêng của cô không mấy hạnh phúc nên bao nhiêu tình cảm cô dành hết cho tất cả các học sinh.

Tôi và cô đi dạo quanh sân trường, cô trò nhắc lại bao chuyện cũ. Đi bên cô, tôi thấy mình như nhỏ lại, như được trở về tuổi học trò thơ ngây. Tôi vẫn thấy cô dịu dàng và ân cần như ngày tôi còn đi học. Tôi đã tâm sự hết với cô về những tình cảm của các bạn của lớp dành cho cô như thế nào. Cô rất xúc động, cô nói:

–  Những gì cô dạy dỗ các em năm xưa, cô biết rằng có thể ngay lúc đó các em chưa hiểu hết nhưng cô tin rằng mai này lớn lên các em sẽ hiểu. Và từ đó các em sẽ trưởng thành hơn trong cuộc sống.

–  Cô ơi, ngày đó chúng em còn nhỏ quá nên không hiểu hết tấm lòng của cô dành cho chúng em.

Cô vuốt tóc tôi mỉm cười, một nụ cười nhân hậu:

–   Cô chỉ mong mỗi lớp học trò qua đi trở thành những người có ích cho xã hội và nếu có dịp về thăm cô là cô rất vui.


2. Mượn lời đồ vật: Nỗi niềm của siêu nhân

Bài làm:

Hôm chủ nhật, cuối tháng, mẹ bảo cả nhà làm cuộc tổng vệ sinh cho nhà cửa ngăn nắp gọn gàng. Tám giờ ăn sáng xong, cả nhà bắt tay vào việc. Mẹ lau chùi cọ rửa ngăn bếp, hai anh em tôi dọn dẹp phòng khách và phòng ngủ của mỗi người.

Công việc khá nhiều, nếu không nhanh tay nếu có khách đến chơi thì thật bất tiện. Phòng khách đã sạch bóng, đến lượt là lô cốt của mỗi người. Tôi nhìn anh Hai nháy mắt – “cùng thi đua nhé”. Anh gật đầu. Tôi làm thoăn thoắt như một con thoi. Những chồng sách vở xiêu vẹo sửa lại ngay ngắn, những vết bẩn trên mặt bàn lau sạch, áo quần từng chồng vuông vức gọn gàng.

Tôi thở phào khoan khoái tự khen mình: “Mình cũng khá đấy chứ nhỉ!”. Bỗng tôi nghe một tiếng rên khe khẽ, yếu ớt. Lắng tai và chăm chú quan sát, tôi nghe thấy tiếng rên được phát ra dưới chân góc giường. Bò xuống tận nơi tôi lôi ra con siêu nhân Đại Bàng bị gãy một chân. Con Đại Bàng thều thào:

Cậu quên tôi rồi ư? Tôi là món đồ chơi trong tủ kính mà cậu đã ao ước cách đây hai năm về trước.

Tôi cầm Đại Bàng lòng bồi hồi xúc động. Đại Bàng thì thầm kể:

Hôm ấy cậu đi với mẹ vào siêu thị, mua bao nhiêu là đồ nặng trĩu cả hai tay. Lúc đi qua tủ kính, thoáng nhìn thấy tôi cậu reo lên:

Đẹp quá mẹ ơi! Con siêu nhân Đại Bàng này trông thật hùng dũng.

Cậu mặc sức tán dương về tôi nhưng mẹ cậu vẫn không đồng ý, cậu đành im lặng ngoan ngoãn vâng lời, khi hai mẹ con đi ra khỏi siêu thị rồi cậu còn tần ngần đứng lại nhìn tôi với ánh mắt thèm thuồng. Chính bởi ánh mắt đó mà mẹ cậu đã thay đổi quyết định, trở lại quầy hàng và lấy tôi ra khỏi tủ kính.

Tôi còn nhớ như in khuôn mặt bừng sáng hạnh phúc của cậu lúc ấy. Cậu hôn lên má mẹ và hôn lên cả má tôi. Tôi cũng hạnh phúc chẳng kém gì cậu đâu. Suốt trên đường từ siêu thị về nhà tôi được cậu ôm vào lòng chứ không phải nằm chung với bao thứ đồ đạc khác trong túi xách to đùng để ở giỏ xe máy. Tôi lấy làm hãnh diện lắm.

Về đến nhà ngay lập tức cậu cho tôi làm thủ lĩnh đồ chơi của cậu, được ngồi vào chỗ oai vệ nhất ngay trên bàn học tập phía góc phải – để mỗi khi học xong một môn cậu lại cầm tôi lên ngắm nghía chuyện trò. Những lúc bình thường tôi đứng ngắm cậu ngồi học trông thật dễ thương khuôn mặt trầm tư nghĩ ngợi có vẻ đăm chiêu lắm, sau đó lại viết liên tục…

Tôi dang rộng đôi cánh của mình, sẵn sàng tấn công những con muỗi nào vo ve dám bén mảng tới gần cậu. Những ngày tiếp theo sau đó, là những ngày tuyệt vời của tôi. Cậu đã cho tôi tham gia các trận đánh lịch sử với các siêu nhân người dơi, siêu nhân khủng long, siêu nhân rô bốt, siêu nhân hình xăm, siêu nhân mình đen… những đối thủ của cậu trong lớp và ở các nhà hàng xóm.

Những trận chiến thường diễn ra trong giờ ra chơi của mỗi buổi học, và cuối buổi chiều ngày chủ nhật. Tôi đã đem đến cả tới gần chục lần. Cậu còn nhớ những trận đánh ấy nữa không? Cho tới một ngày tôi bị thương, không phải là vì đánh nhau trên chiến trường mà lại là… giọng Đại Bàng trầm xuống rưng rưng …

Hôm ấy như thường lộ đến giờ ra chơi giữa buổi, cậu lấy tôi ra đặt lên bàn, để chuẩn bị tham gia cuộc chiến, một cô bạn gái đi ngang với hộp bút trên tay vô ý hất tung tôi xuống đất – cậu ngớ người chưa kịp nhặt tôi lên thì từ ngoài cửa hai gã đuổi nhau lao vào trong cửa, một bàn chân thô bạo giẫm lên người tôi – tôi chỉ kịp nghiêng mình né tránh chỗ hiểm, nhưng cái chân trái thì bị nát bấy ra làm trăm mảnh.

Than ôi! Người dũng tướng không chết ở sa trường mà lại chết ở hậu phương với một sự rất ngớ ngẩn vô lí. Cậu mang tôi về lầm lì suốt cả tuần lễ. Tôi bị gãy một chân không còn đánh trận được nữa, cậu cũng thôi không đi chơi những buổi chiều chủ nhật, những lúc giải lao giữa buổi …

Sau một thời gian, cậu thu dọn tất cả đồ chơi bỏ vào trong hộc tủ, tôi cũng ở yên trong đấy. Cho tới ngày họ hàng gặm nhấm kéo tới lôi tôi từ trong hộc tủ xuống gầm giường và mắc kẹt mãi tới bây giờ. Tôi ôm Đại Bàng vào lòng cảm thấy thật ân hận, tự giận mình bởi cái tính vô tâm. Mình Đại Bàng đầy bụi, tôi tắm rửa cho cậu ta thật sạch sẽ, xong xuôi để cậu ta lên bàn phía góc phải như thưở nào. Tôi nói với Đại Bàng:

– Từ nay chúng mình lại bên nhau mãi mãi nhé!”. Đại Bàng cười thật tươi.

(Lê Hoàng Tâm)


3. Do một lỗi lầm nào đó em bị phạt biến thành một con vịt trong ba ngày. Hãy kể một câu chuyện về những ngày đó

Bài làm:

Thần Thời Gian đêm qua báo mộng cho tôi biết rằng, nếu trong tuần này mà tôi đi học muộn đến lần thứ ba thì thần sẽ hoá phép biến tôi thành con rùa trong ba ngày. Tôi vốn chẳng tin chuyện mộng mị, nên cho qua. Buổi sáng mùa đông thường khiến cho người ta lười dậy sớm.

Nhà tôi lại ở gần trường, tôi cứ cố nằm ườn trên giường thêm một tí. Chuông reo báo bắt đầu giờ học cũng là lúc tôi hớt hải chạy vào. Thì đã sao? Còn ngày mai, tôi cứ việc ngủ thêm cho khoái. Vì tôi và thằng cò Nhật Linh đã bí mật vặn kim đồng hồ ở phòng bác thường trực chậm đến nửa tiếng.

Tôi tỉnh dậy và hơi ngạc nhiên vì không gian yên tĩnh lạ thường. Chắc là trời sáng đã lâu, vì thấy mặt trời lên cao, chói chang ngoài cửa kính. Sao không ai gọi tôi? Tôi định tung chăn ngồi dậy nhưng không thể. Tôi lại cố trở mình để ra khỏi giường mà không được. Tôi làm sao thế này? Tôi cúi nhìn mình thì … ôi thôi, tôi đã hoá thành rùa tự lúc nào!

Tôi vùng vẫy, gào khóc, van vỉ thần tha tội cho tôi. Nhưng thần chẳng thèm đoái hoài. Thôi thế là mình nguy đến nơi rồi. Mình phải tự cứu mình trước khi thần cứu. Cố mãi tôi cũng ra được khỏi giường, chỉ tội bị rơi từ trên giường xuống thềm gạch một cú khá đau. Tiếp đến là phải lách mình qua cửa để đi kiếm cái gì ăn, vì bụng cũng đã đói rồi. Mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ khiến tôi vui lên tí chút.

Nhưng khi vào phòng ăn của gia đình thì tôi mới thật sự thấm thìa tình cảnh khốn khổ của mình. Bụng đói, nhưng thức ăn của loài người không hợp khẩu vị của tôi lúc này, vả lại, mẹ tôi đã để mọi thứ quá cao. Vì mới làm loài rùa được mấy tiếng đồng hồ, nên tôi không biết khi đói thì mình cần đi tìm những thức gì lót dạ.

Tôi cố vắt óc nhớ lại những kiến thức đã được học về môn Sinh vật để tìm lối thoát cho mình. Nhưng vốn là một chú bé nghịch ngợm và không phải là chăm học cho lắm, tôi làm sao nhớ được cơ chứ! Tôi lần ra bãi cỏ bên kia đường, gần đấy là một cái hồ rộng, nước không được sạch lắm, thậm chí, có thể nói là khá bẩn và rất tanh mùi bùn. Nhưng lúc này thì kén chọn làm gì nữa!

Số tôi thật không may, khi chỉ còn cách hồ chừng dăm thước thì tôi bị một lũ trẻ đi học về phát hiện. Một đứa kêu: “A ha! Một chú rùa!”. Thế là cả lũ xúm lại, hoan hỉ chộp lấy tôi.

Tôi trở thành tù binh của chúng ba ngày. Ba ngày, như người ta thường ví, thật là dài đằng đẵng bằng ba năm. Thôi thì đủ mọi trò nghịch tinh để hành hạ. Cực nhất là lũ trẻ luôn tổ chức trò chạy thi (không phải với thỏ mà với một chú cóc vàng, sau này tôi mới biết, đó chính là Nhật Linh, bạn cùng bị thần trừng phạt như tôi).

Lúc đầu, tôi muốn cho lũ trẻ thấy rằng, tôi không dễ để chúng sai khiến, vì chỉ cách đây một ngày thôi, tôi cũng là người như chúng, hơn nữa, còn là một bậc đàn anh của chúng nữa. Nhưng bọn trẻ dường như không thèm biết tới điều đó. Có đứa còn dùng roi quất vào mai tôi, bắt chạy thật nhanh trong lúc những đứa khác hò reo cổ vũ hai “vận động viên” bất đắc dĩ.

Nếm đủ mọi điều cay đắng, tôi và cóc vàng đều mệt nhoài. Cả hai ứa nước mắt. Dù không nói ra nhưng trong thâm tâm mỗi đứa đều tự hứa với lòng mình, sau này sẽ không bao giờ dám lề mề, chậm chạp và đặc biệt không dám nghĩ ra những trò nghịch ngợm tinh quái nữa. Giữa lúc tôi và cóc vàng đang nhìn nhau xót xa, ân hận như thế thì bỗng có tiếng mẹ tôi lay gọi: “Nam! Nam ơi! Con mơ thấy gì mà vật vã dữ vậy?”.

Tôi tỉnh dậy, bàng hoàng, nước mắt vẫn còn ướt đẫm trên gối.

Thì ra, tất cả chỉ là một giấc mơ.

(Theo Ôn tập ngữ văn 6 – Nguyễn Văn Long chủ biên)


4. Hãy tưởng tượng ra một kết cục khác cho truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng rồi kể lại bằng lời ông lão

Bài làm:

Tôi là ông lão đánh cá, ông lão khốn khổ nhất trên đời đây. Mụ vợ tôi sao mà tham lam quá thể. Mụ ta đã có đủ toà ngang dãy dọc, đã có bao nhiêu là vàng bạc châu báu, đã có bao nhiêu kẻ hầu người hạ, mụ ta đã làm nữ hoàng rồi mà vẫn chưa bằng lòng. Mụ ta lại đòi được làm Long Vương để bắt cá vàng hầu hạ ngày đêm mới thoả. Vì thế, tôi lại phải đi ra biển.

Con đường quen thuộc sao trở nên xa lạ thế. Bờ cát vắng vẻ. Biển sôi bọt giận dữ. Sóng bạc đầu đuổi nhau vỗ bờ oàm oạp. Gió réo ù ù. Tôi cất tiếng khẩn thiết gọi cá vàng. Tiếng tôi chìm đi trong sóng biển khơi. Vậy mà cá vàng vẫn nghe thấy, vẫn hiện lên.

Sau khi nghe tôi kể lể đầu đuôi, cá vàng liền bảo: “Hỡi ân nhân của tôi! Đừng tự dằn vặt nữa cho khổ thêm ra. Tôi hiểu tình cảnh của ông lão rồi. Ông sống làm sao nổi với mụ vợ tai quái ấy. Trời sẽ trừng phạt thói tham lam và bội bạc của mụ. Ông hãy xuống thuỷ cung vui vầy cùng tôi. Như thế, ông đỡ bị hành hạ mà tôi cũng thoả mong ước được đền ơn cứu mạng”.

Lời mời gọi của cá vàng thật chân thành, tin cậy. Nhưng bỏ làng xóm quê hương mà đi sao đành. Còn cả mụ vợ tham lam kia nữa. Dù sao mụ cũng đã cùng tôi chịu đựng đói nghèo suốt bao năm. Vả lại, trần gian với thuỷ cung chắc cũng có nhiều điều khác biệt, chắc gì mình đã được thoải mái, yên vui? Tôi còn đang suy tới nghĩ lui thì bỗng nghe tiếng ngựa hí vang rền, tiếng đao kiếm chan chát cùng tiếng hò hét gọi đích danh tên tôi đòi trị tội. Không thể trở về được nữa rồi, tôi đành cưỡi lên lưng cá vàng xuống thuỷ cung.

Biết tôi vẫn chưa hết lưu luyến cõi trần, cá vàng liền cho tôi mượn gương thần để tôi xem lại cảnh trần gian. Trong cung điện nguy nga, mụ vợ tôi đang ngồi chờ phép lạ như những lần trước. Chờ mãi, chờ mãi cũng không thấy quân lính áp giải tôi trở về, mụ sốt ruột nghiến răng nguyền rủa.

Lời mụ chưa dứt thì mây đen bỗng đâu kéo đến. Gió nổi ầm ầm. Đã nghe tiếng tường đổ, ngói rơi. Kẻ hầu người hạ xung quanh đã có người hoảng sợ bỏ chạy. Bực tức và tuyệt vọng, mụ quát tháo ầm ĩ rồi cùng đám cận thần lao ra biển. Không tìm thấy tôi, cũng chẳng thấy cá vàng, mụ giậm chân la hét chửi rủa. Một cơn sóng thần xô tới, cuốn phăng mụ già tham lam, độc ác cùng tất cả quân lính, xe ngựa chìm xuống đáy biển sâu.

Tôi không biết nói gì hơn được nữa. Từ đó, tôi lặng lẽ sống ở chốn thuỷ cung cùng với cá vàng.

(Theo Ôn tập ngữ văn 6 – Nguyễn Văn Long chủ biên)


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Luyện tập kể chuyện tưởng tượng sgk Ngữ văn 6 tập 1 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các bạn làm bài Ngữ văn tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com