Soạn bài Miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự sgk Ngữ văn 10 tập 1

Nội dung bài Soạn bài Miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự sgk Ngữ văn 10 tập 1 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, phân tích, cảm nhận, thuyết minh, nghị luận,… đầy đủ các bài văn lớp 10 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn và ôn thi THPT Quốc gia.


I – MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM TRONG VĂN BẢN TỰ SỰ

Ôn lại những kiến thức đã học trong chương trình Ngữ văn THCS và trả lời câu hỏi:

1. Câu 1 trang 73 Ngữ văn 10 tập 1

Thế nào là miêu tả? Thế nào là biểu cảm?

Trả lời:

– Miêu tả là dùng ngôn ngữ hoặc một phương tiện nghệ thuật khác làm cho người nghe/đọc/xem có thể hình dung ra sự việc/hiện tượng/con người hiện lên sinh động, chân  thực như đang ở trước mắt.

– Biểu cảm là bộc lộ tình cảm chủ quan của bản thân trước sự việc/sự việc/hiện tượng/con người trong đời sống.


2. Câu 2 trang 73 Ngữ văn 10 tập 1

Miêu tả trong văn bản tự sự có hoàn toàn giống với miêu tả trong văn bản miêu tả hay không? Giữa biểu cảm trong văn bản tự sự với biểu cảm trong văn bản biểu cảm có những điểm giống nhau và khác nhau cụ thể nào?

Trả lời:

– Trong văn bản tự sự, miêu tả và biểu cảm chỉ nhằm mục đích giúp việc tự sự được cụ thể, sinh động, lí thú hơn.

– Miêu tả trong văn bản miêu tả nhằm mục đích tái hiện đối tượng cho rõ, cho hay.

– Biểu cảm trong văn bản biểu cảm nhằm mục đích bày tỏ cho xúc động, lôi cuốn những tình cảm, cảm xúc của con người.


3. Câu 3 trang 73 Ngữ văn 10 tập 1

Cần căn cứ vào đâu để đánh giá hiệu quả của miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự?

Trả lời:

Để đánh giá thành công của việc miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự cần căn cứ xem hai yếu tố này đã phục vụ đắc lực cho mục đích tự sự đến mức độ nào.


4. Câu 4 trang 73 Ngữ văn 10 tập 1

Giải thích vì sao đoạn trích dưới đây đã rất thành công trong việc sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm?

/…/ Nếu có lần nằm ngoài trời suốt mấy đêm, hẳn bạn thừa biết giữa lúc chúng ta ngủ thì cả một thế giới huyền bí bừng dậy trong cảnh cô quạnh và u tịch. Lúc ấy suối reo rõ hơn, đầm ao nhen lên những đốm lửa nhỏ, /…/ và văng vẳng trong không gian những tiếng sột soạt, những tiếng rung khe khẽ, tưởng đâu cành cây đang vươn dài và cỏ non đang mọc. Ban ngày là cuộc sống của chúng sinh còn ban đêm là cuộc sống của cây cỏ. Không quen thì dễ sợ… Cho nên tiểu thư của chúng ta cứ mỗi làn nghe thấy một tiếng động nhỏ là đã run lên và nép sát vào người tôi. Một lần, từ phía mặt đầm lấp lánh dưới kia nổi lên một tiếng kêu dài, não ruột, ngân vang rền rền tới chỗ chúng tôi ngồi. Cũng vừa lúc một vì sao rực rỡ đổi ngôi, lướt trên đầu chúng tôi về cùng một hướng đó, dường như tiếng than vãn mà chúng tôi vừa nghe thấy kia đã mang theo một luồng ánh sáng.

– Cái gì thế? – Xtê-pha-nét khe khẽ hỏi.

– Có một linh hồn lên thiên đàng, cô chủ ạ. – Nói rồi tôi làm dấu thánh.

Nàng cũng làm theo và cứ ngồi ngửa cổ như thế một lát, vẻ rất trầm ngâm. /…/

Nàng vẫn ngước mắt lên cao, tay đỡ lấy đầu, vai khoác tấm da cừu, nom nàng như chú mục đồng của nhà trời.

– Nhiều sao quá! Đẹp quá kìa! Chưa bao giờ tôi thấy nhiều sao như thế này. Mục đồng có biết tên các ngôi sao không?

– Dạ có, thưa cô chủ. /…/

Và trong khi tôi cố giảng cho nàng thế nào là đám cưới sao thì tôi cảm thấy như có một cái gì mát rượi và mịn màng tựa nhè nhẹ xuống vai tôi. Thì ra đầu nàng nặng trĩu vì buồn ngủ đã ngả vào tôi với tiếng sột soạt êm ái của những dải đăng-ten và làn tóc mây gợn sóng. Nàng cứ ngồi yên như thế, không nhúc nhích cho đến khi ngàn sao trên trời mời dần, nhoà đi trong buổi ban mai đang rạng. Còn tôi, tôi nhìn nàng ngủ, đáy lòng hơi xao xuyến nhưng vẫn giữ được mình vì đêm sao sáng kia bao giờ cũng đem lại cho tôi những ý nghĩ cao đẹp. Quanh hai chúng tôi, ngàn sao vẫn tiếp tục cuộc hành trình trầm lặng ngoan ngoãn như một đàn cừu lớn; và đôi lúc, tôi tưởng đâu một trong những ngôi sao kia, ngôi sao thanh tú nhất, ngời sáng nhất lạc mất đường đi đã đậu xuống vai tôi mà thiêm thiếp ngủ…

(Theo A. Đô-đê, Những vì sao, bản dịch của NXB Văn học, Hà Nội, 1981)

Gợi ý:

– Đoạn trích trên có phải là một trích đoạn tự sự không? Vì sao?

– Tìm những yếu tố miêu tả và biểu cảm trong đoạn trích.

– Các yếu tố miêu tả và biểu cảm đóng góp gì vào việc nâng cao hiệu quả tự sự của đoạn trích? Thử hình dung xem, nếu thiếu các yếu tố miêu tả và biể cảm đó thì anh (chị) có thể cảm thấy như đang chứng kiến cảnh đêm sao thơ mộng, u huyền trên núi cao ở miền Pro-văng-xơ (1) xa xôi, cùng những rung động nhẹ nhàng, say sưa mà thanh khiết trong tâm hồn chàng chăn cừu bên cô gái ngây thơ, xinh đẹp không?

Trả lời:

– Nhờ yếu tố miêu tả mà người đọc cảm thấy như đang chứng kiến cảnh đêm thơ mộng, u huyền trên núi cao ở miền Prô-văng-xơ xa xôi.

– Nhờ yếu tố biểu cảm mà người đọc cảm nhận được những rung động nhẹ nhàng, say sưa, thanh khiết trong tâm hồn chàng chăn cừu bên cô gái ngây thơ, xinh đẹp.

⇒ Tất cả giúp đạt mục đích tự sự là kể về cuộc trò truyện của chàng chăn cừu và tiểu thư Xte-pha-nét trong một đêm đầy sao.


II – QUAN SÁT, LIÊN TƯỞNG, TƯỞNG TƯỢNG ĐỐI VỚI VIỆC MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM TRONG VĂN BẢN TỰ SỰ

1. Câu 1 trang 75 Ngữ văn 10 tập 1

Chọn và điền từ (quan sát, liên tưởng, tưởng tượng) thích hợp với mỗi chỗ trống:

a) /…/: từ sự việc, hiện tượng nào đó mà nghĩ đến sự việc, hiện tượng có liên quan.

b) /…/: xem xét để nhìn rõ, biết rõ sự vật hay hiện tượng

c) /…/: tạo ra trong tâm trí hình ảnh của cái không hề có ở trước mắt, hoặc còn chưa hề gặp.

Trả lời:

a) Liên tưởng: từ sự việc, hiện tượng nào đó mà nghĩ đến sự việc, hiện tượng có liên quan.

b) Quan sát: xem xét để nhìn rõ, biết rõ sự vật hay hiện tượng.

c) Tưởng tượng: tạo ra trong tâm trí hình ảnh của cái không hề có ở trước mắt, hoặc còn chưa hề gặp.


2. Câu 2 trang 75 Ngữ văn 10 tập 1

Miêu tả có nghĩa là vẽ lại – bằng ngôn ngữ hoặc một phương tiện nghệ thuật nào khác – một sự vật, sự việc, phong cảnh hoặc con người sao cho thật chân thực, cụ thể, sinh động. Nhưng từ đó, có thể cho rằng để làm tốt việc miêu tả trong văn tự sự, người làm văn cần và chỉ cần quan sát đối tượng một cách kĩ càng mà không cần liên tưởng, tưởng tượng không? Vì sao? Tìm trong đoạn trích đã dẫn ở mục I.4 những dẫn chứng để chứng minh cho quan điểm của anh (chị).

Gợi ý: Cần phải thực hiện những hoạt động gì (quan sát, liên tưởng hay tưởng tượng) để cho người đọc cùng thấy được:

– Trong đêm, tiếng suối reo nghe rõ hơn, đầm ao nhen lên những đốm lửa nhỏ, những tiếng sột soạt văng vẳng trong không gian.

– Cô gái trông như một chú mục đồng của nhà trời, nới có những đám cưới sao.

– Cuộc hành trình trầm lặng, ngoan ngoãn của ngàn sao ngợi nghĩ đến đàn cừu lớn.

Trả lời:

Để làm tốt việc miêu tả, ngoài việc quan sát kĩ càng đối tượng, người miêu tả còn cần liên tưởng và tưởng tượng.

Ví dụ: đoạn tự sự trong mục I miêu tả hấp dẫn nhờ:

– Quan sát: Trong đêm, tiếng suối reo…văng vẳng trong không gian.

– Tưởng tượng: Cô gái trông như chú mục đồng của nhà trời, nơi có đám cưới sao.

– Liên tưởng: Cuộc hành trình thầm lặng…đàn cừu lớn.


3. Câu 3 trang 75 Ngữ văn 10 tập 1

Để câu chuyện mình kể không gây cảm giác khô khan, người kể chuyện cần kết hợp bộc lộ cảm xúc, tình cảm của nhân vật (hoặc của bản thân) trong quá trình tự sự. Song, những cảm xúc, những rung động (để biểu cảm) được nảy sinh từ đâu:

a) Từ sự quan sát chăm chú, kĩ càng, tinh tế?

b) Từ sự vận dụng liên tưởng, tưởng tượng, hỗi ức?

c) Từ những sự vật, sự việc khách quan đã hoặc đang lay dộng trái tim người kể?

d) Từ (và chỉ từ) bên trong trái tim người kể?

Theo anh (chị), trong các ý nêu ở trên, ý nào không chính xác? Vì sao? Tìm trong đoạn trích đã dẫn ở mục I.4 những dẫn chứng để chứng minh cho quan điểm của anh (chị)

Trả lời:

Ý d) không chính xác, vì khi sử dụng biểu cảm trong văn tự sự không thể chỉ tìm cảm xúc, rung động trong tâm hồn người kể.


III – LUYỆN TẬP

1. Câu 1 trang 76 Ngữ văn 10 tập 1

Hãy nhận xét về vai trò của các yếu tố miêu tả và biểu cảm trong:

a) Một đoạn trích tự sự đã học ở lớp 10

b) Đoạn trích từ truyện ngắn Lẵng quả thông của nhà văn C. Pau-tốp-xki:

Một hôm, Gri-gơ bắt gặp trong rừng một em bé có đôi bím tóc nhỏ xíu, con ông gác rừng. Em bé đang nhặt những quả thông bỏ vào trong lẵng.

Trời đang thu. Nếu như ta có thể lấy hết đồng và vàng trên trái đất đem đánh thành muôn vàn lá cây rất mực tinh xảo thì những chiếc là đó cũng chỉ có thể làm thành một phần rất nhỏ bộ quần áo mà mùa thu đang trải trên những ngọn núi kia mà thôi. Vả lại, những chiếc lá nhân tạo nọ sẽ rất thô kệch nếu so với lá thật, nhất là những lá liễu hoàn diệp. mọi người đều biết rằng chỉ cần một tiếng chim hót thôi cũng đã đủ làm chúng tôi run rẩy.

(Theo C.Pau-tốp-xki, Lẵng quả thông, trong Bình minh mưa, NXB Văn học, Hà Nội, 1984)

Trả lời:

Nhận xét về vai trò của các yếu tố miêu tả và biểu cảm trong:

a) Một đoạn trích tự sự đã học ở lớp 10

Ví dụ: Đoạn trích “Ai nấy, già cũng như trẻ,…trang tuyệt thế giai nhân đó nạp mình cho lửa” trích “Ra-ma buộc tội” (trang 59 SGK ngữ văn 10 tập 1).

– Yếu tố miêu tả: trang tuyệt thế giai nhân ⇒ thể hiện được vẻ đẹp của nàng Xi-ta, vẻ đẹp sáng ngời trong mọi hoàn cảnh.

– Yếu tố biểu cảm: đau lòng đứt ruột ⇒ thể hiện sự đau lòng đến tột độ cũng như lòng yêu mến của mọi người trước vẻ đẹp, phẩm chất của nàng.

b) Đoạn trích từ truyện ngắn Lẵng quả thông của Pau-tốp-xki:

– Đoạn trích nhằm mục đích kể về việc Gri-gơ gặp em bé con ông gác rừng.

– Yếu tố miêu tả giúp người đọc như đang tận mắt chứng kiến bức tranh tuyệt đẹp về mùa thu vàng trên vùng rừng núi phương Bắc xa xôi. Yếu tố biểu cảm giúp bộc lộ tình yêu thiết tha dành cho cuộc đời thơ mộng đến diệu kì này.

– Hiệu quả của các yếu tố miêu tả và biểu cảm được tạo nên trước hết và chủ yếu từ tình yêu của nhà văn đối với cuộc sống và từ khả năng quan sát, liên tưởng, tưởng tượng tinh tế.


2. Câu 2 trang 76 Ngữ văn 10 tập 1

Viết một bài văn tự sự có sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm kể về một chuyến đi đã đem lại cho anh (chị) nhiều cảm xúc (một lần về quê, một chuyến tham quan du lịch…)

Trả lời:

Gợi ý:

– Sử dụng yếu tố miêu tả:

+ Tả về cảnh vật, sự vật trong chuyến đi.

+ Tả người bạn đồng hành.

+ Tả con đường.

– Sử dụng yếu tố biểu cảm để thể hiện tình cảm:

+ Tình cảm chung về chuyến đi.

+ Tình cảm về con người.

+ Tình cảm thiên nhiên.

Dàn bài:

Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề (giới thiệu chuyến đi, chuyến tham quan du lịch,…)

– Chuyến đi diễn ra vào thời gian nào, đích đến là đâu, những người cùng đồng hành là ai,…?

Thân bài:

– Trong chuyến đi ấy em đã được trải nghiệm những điều gì?

(Ví dụ: Khung cảnh, con người, những lễ hội, trò chơi,…)

(Phần này vận dụng tập trung các yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự là yếu tố bổ sung)

– Chuyến đi đã để lại trong em những xúc cảm gì?

(Ví dụ: Háo hức, hồi hộp, hứng thú, đáng nhớ,…)

(Phần này vận dụng tập trung yếu tố biểu cảm, yếu tố miêu tả là yếu tố bổ sung)

Kết bài:

Kết thúc vấn đề (Ý nghĩa của chuyến đi đối với em và mọi người,…)

Bài tham khảo 1: kể về một lần về quê nội

Sau chín tháng học hành vất vả, cuối cùng chúng em cũng được nghỉ hè. Mùa hè đến, bố mẹ thường hay đưa em đi chơi công viên nước hoặc đi xem vườn thú. Nhưng em thích nhất là được về quê thăm ông bà nội.

Như mọi năm, cứ đầu mùa hè là gia đình em dành khoảng 3, 4 ngày cùng nhau về quê chơi. Quê em đẹp lắm. Đi trên con đường đất gập ghềnh sỏi đá, ngồi trong xe nhìn ra xa, là cánh đồng lúa rộng bao la mang màu xanh của mạ non. Xa xa, một vài chú bò đang khoan thai gặm cỏ. Một vài cậu bé đang chạy đuổi nhau để giành lấy cánh diều đang bay cao trên trời xanh rộng lớn. Chốc chốc, một đàn chim lại đua nhau chuyền cành.

Nhà ông bà nội em nằm trên một con đường nhỏ, ô tô không đi vào được. Nhà ông bà lợp mái ngói đỏ, mang màu rêu phong cổ kính. Trước nhà là một mảnh vườn nhỏ, là nơi ông em trồng rau và nuôi gà. Cành đó là một ao đầy cá. Khi thấy em và bố mẹ đến, ông bà phấn khởi lắm. Ông ôm em một cái thật chặt sau đó dắt em ra vườn chơi rồi cầm cần rẻ em ra câu cá. Hai ông cháu nói chuyện rôm rả. Ông hỏi thăm tình hình học tập của em và kể cho em nghe rất nhiều chuyện. Thấy hai ông cháu đang vui vẻ với nhau, bà em dắt bố mẹ em vào nhà và pha chè.

Tối đến, bà cùng mẹ chuẩn bị bữa cơm “cây nhà lá vườn”: cá kho, thịt luộc cùng canh chua – toàn thịt rau mà ông bà nuôi trồng trong ao vườn. Có lẽ bởi thế nên em thấy bữa ăn rất ngon. Xong, em ra nằm võng ở ngoài vườn và ngủ đi lúc nào không hay.

Thời gian trôi qua mau cũng đã đến lúc bố mẹ phải đi làm, em cũng cần chuẩn bị cho năm học mới. Trước khi chia tay, ông tặng em chiếc cần câu của ông và dặn: “Khi nào rảnh thì lại lên đây chơi với ông nhé”.

Bài tham khảo 2:

Sau những ngày học tập căng thẳng, nhóm bạn thân của chúng tôi quyết định có một buổi dã ngoại, rời xa thành phố để giải tỏa những căng thẳng đầu óc. Chúng tôi đã lựa chọn một địa điểm ngoại thành Hà Nội.

Không còn cảnh ồn ào, náo nhiệt phố phường hay những lúc bon chen tắc đường chật chội. Chúng tôi đi xe đạp, thong dong trên con đường đất đỏ. Hai bên đường có những rặng cây tỏa bóng che khuất ánh mặt trời, những tán lá xanh như đan quyện vào nhau che mát con đường. Phía xa xa là con suối nhỏ chảy từ trên vách núi xuống giống như một dải lụa đào mềm mại ai để quên bên rừng cây xanh thẳm.

Khi mặt trời đứng bóng, chúng tôi đã đến được địa điểm cắm trại. Mỗi người một tay, thoáng chốc căn lều nhỏ của chúng tôi đã được dựng. Những món ăn đơn giản chúng tôi chuẩn bị sẵn từ nhà được bày biện. Ai cũng hào hứng kể những câu chuyện, dự định sắp tới của mình. Thi thoảng là những câu chuyện cười, những tiếng châm chọc khiến chúng tôi cười liên tục.

Ăn uống xong, chúng tôi đi vòng ra con suối. Khi lại gần, tiếng nước chảy róc rách nghe thật vui tai. Thả đôi chân ngâm xuống dòng nước mát rượi, bao mệt mỏi và buồn phiền trong tôi như tan biến. Những chiếc là vàng chảy từ đầu nguồn như những con thuyền nhỏ trở đi bao ưu tư, bao ước mơ gửi gắm. Vang vọng quanh tôi là tiếng chim hót líu lo, như nói chuyện cùng nhau trong trưa hè nóng bức.

Đến buổi chiều chúng tôi ra cánh đồng cỏ cạnh đó, chụp những bức hình kỉ niệm. Cỏ xanh và mềm mại, những chú bò thong dong gặm cỏ bên triền đê. Tiếng trẻ con nô đùa gần đó, thả những cánh diều vút cao trong gió. Tiếng người lớn đi làm trở về, chia sẻ những câu chuyện sau một ngày lao động mệt nhọc. Những âm thanh gần gũi và bình dị về vùng quê đó đã để lại trong tôi những bồi hồi, xao xuyến.

Thời gian một ngày trôi qua thật nhanh, chúng tôi thu gọn đồ đạc và trở về nhà. Những buổi dã ngoại như vậy đã khiến tình bạn của chúng tôi thân thiết, gắn bó  hơn và giúp chúng tôi có thêm năng lượng để tiếp tục cho những ngày học hành sắp tới.


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự sgk Ngữ văn 10 tập 1 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các em làm bài Ngữ văn thật tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com