Soạn bài Ôn dịch, Thuốc lá sgk Ngữ văn 8 tập 1

Hướng dẫn Soạn Bài 12 sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập một. Nội dung bài Soạn bài Ôn dịch, Thuốc lá sgk Ngữ văn 8 tập 1 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, cảm thụ, phân tích, thuyết minh,… đầy đủ các bài văn mẫu lớp 8 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn 8.


VĂN BẢN

ÔN DỊCH(1), THUỐC LÁ

Dịch hạch, thổ tả, hàng vạn hàng triệu người chết, nhờ tiến bộ y học, loài người hầu như đã diệt trừ những dịch khủng khiếp ấy. Nhưng vào cuối thế kỉ này lại xuất hiện những ôn dịch khác.

Cả thế giới đang lo âu về nạn AIDS, chưa tìm ra giải pháp, thì nhiều nhà bác học, sau mấy chục năm và hơn năm vạn công trình nghiên cứu đã lớn tiếng báo động:

Ôn dịch thuốc lá đe dọa sức khỏe và tính mạng loài người còn nặng hơn cả AIDS.

Ngày trước Trần Hưng Đạo căn dặn nhà vua:

“Nếu giặc đánh như vũ bão thì không đáng sợ, đáng sợ là giặc gặm nhấm như tằm ăn dâu”.

Hẳn rằng người hút thuốc lá không lăn đùng ra chết, không say bê bết như người uống rượu.

Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc, thấm vào cơ thể. Nạn nhân đầu tiên là những lông rung của những tế bào niêm mạc(2) ở vòm họng, ở phế quản, ở nang phổi(3) bị chất hắc ín(4) trong khói thuốc lá làm tê liệt. Các lông mao này có chức năng quét dọn bụi bặm và các vi khuẩn(5) theo luồng không khí tràn vào phế quản và phổi; khi các lông mao ngừng hoạt động, bụi và vi khuẩn không được đẩy ra ngoài, tích tụ(6) lại gây ho hen và sau nhiều năm gây viêm phế quản.

Trong khói thuốc lá lại có chất ô-xít các-bon, chất này thấm vào máu, bám chặt các hồng cầu không cho chúng tiếp cận(7) ô xi nữa. Không lạ gì sức khỏe của người nghiện thuốc ngày càng sút kém.

Thấm vào các tế bào, chất hắc ín lại thường gây ra ung thư. Ta đến bệnh viện K sẽ thấy rõ: Bác sĩ viện trưởng cho biết trên 80% ung thư vòm họng và ung thư phổi là đo thuốc lá.

Ta đến Viện Nghiên Cứu các bệnh tim mạch, bác sĩ viện trưởng cho biết: Chất ni-cô-tin(8) của thuốc lá làm các động mạch co thắt lại, gây những bệnh nghiêm trọng như huyết áp cao, tắc động mạch, nhồi máu cơ tim. Có thấy một bệnh nhân bị tắc động mạch chân lên những cơn đau như thế nào, rồi phải cắt dần từng ngón chân đến cả bàn chân; có thấy những người 40 – 50 tuổi đã chết đột xuất vì nhồi máu cơ tim; có thấy những khối ung thư ghê tởm mới nhận ra tác hại ghê gớm của thuốc lá.

Không cần nhắc đến những việc nghiêm trọng như vậy, chỉ riêng bệnh viêm phế quản của hàng triệu người cũng đã làm mất bao nhiêu ngày công lao động và làm tổn hao sức khỏe cộng đồng.

[…] Có người bảo: Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi!

Xin đáp lại: Hút thuốc là quyền của anh, nhưng anh không có quyền đầu độc những người ở gần anh. Anh uống rượu say mèm, anh làm anh chịu. Nhưng hút thuốc thì người gần anh cũng hít phải luồng khói độc. Điều này hàng nghìn công trình nghiên cứu đã chứng minh rất rõ.

Vợ con, những người làm việc cùng phòng với người người nghiện thuốc cũng bị nhiễm độc, cũng đau tim mạch, viêm phế quả, cũng bị ung thu. Anh có quyền hút, nhưng có mặt người khác, xin mời anh ra ngoài sân, ngoài hành lang mà hút.

Tội nghiệp thay những cái thai còn nằm trong bụng mẹ, chỉ vì có người hút thuốc ngồi cạnh mẹ mà thai bị nhiễm độc, rồi mẹ đẻ non, con sinh ra đã suy yếu. Hút thuốc cạnh một người đàn bà có thai quả là một tội ác.

Bố và anh hút, chú bác hút không những đầu độc con em mà còn nêu gương xấu…

[…] Tỉ lệ thanh thiếu niên hút thuốc ở các thành phố lớn nước ta ngang với tỉ lệ các thành phố Âu – Mĩ. Chỉ có khác là với thanh niên Mĩ, 1 đô la mua một bao thuốc lá là một khoản tiền nhỏ, còn đối với một thiếu niên Việt Nam, muốn có 15.000 đồng mua một bao 555 – vì đã hút là phải hút thuốc sang – chỉ có một cách là trộm cắp. Trộm một lần, quen tay. Từ điếu thuốc sang cốc bia rồi đến ma túy, con đường phạm pháp thực ra đã mở đầu với điếu thuốc.

Người lớn hút thuốc trước mặt trẻ em, lấy điếu thuốc làm một cử chỉ cho biểu tượng(9) quý trọng, chính là đã đẩy con em vào con đường phạm pháp.

[…] Ngày nay, đi các nước phát triển, đâu đâu cũng nổ lên chiến dịch chống thuốc lá. Người ta cấm hút thuốc ở tất cả những nơi công cộng, phạt nặng những người vi phạm(10) (ở Bỉ, từ năm 1987, vi phạm lần thứ nhất phạt 40 đô la, tái phạt 500 đô la). Khắp nơi, những tài liệu, khẩu hiệu chống thuốc lá dần dần lấn át những quảng cáo của các hãng thuốc lá. Và nhiều nước đã cấm quảng cáo thuốc lá trên báo chí, vô tuyến truyền hình. Chỉ trong vài năm, chiến dịch chống thuốc lá này đã làm giảm hẳn số người hút, và người ta đã thấy triển vọng có thể nêu lên khẩu hiệu cho những năm cuối thế kỉ XX: “Một châu Âu không còn thuốc lá”. Nước ta khác với các nước châu Âu, đang còn trong tình trạng có nhiều bệnh tật do vi trùng, kí sinh trùng gây ra, nay lại theo đòi các nước phát triển, nhiễm thêm các bệnh do thuốc lá; sốt rét, bệnh phong, lao, ỉa chảy chưa thanh toán được, lại ôm thêm ôn dịch thuốc lá này. Nghĩ đến mà kinh! Đã đến lúc mọi người phải đứng lên chống lại, ngăn ngừa nạn ôn dịch này.

(Theo Nguyễn Khắc Viện, trong Từ thuốc lá đến ma túy – Bệnh nghiện,

NXB Giáo dục, Hà Nội, 1992)

Chú thích:

(1) Ôn dịch: chỉ chung các loại bệnh nguy hiểm, lây lan rộng làm chết người hàng loạt trong một thời gian nhất định. Từ này thường dùng làm tiếng chửi rủa như: Đồ ôn dịch!

(2) Niêm mạc: lớp tế bào ở ngoài cùng có thể tiết chất nhầy trong một số hốc của cơ thể như mũi, miệng, cổ họng,…; lông rung (còn gọi là lông chuyển, lông đập): cấu trúc hình lông trên bề mặt của niêm mạc, có tác dụng loại thải các chất hoặc vật lạ không cần thiết hay có hại đối với cơ thể.

(3) Nang phổi (còn gọi là phế nang): chỉ những túi nhỏ li ti của phổi, bao lấy những nhánh cuối của phế quản. Nang: cái túi bọc, cái bao để đựng; bộ phận có hình dạng giống như cái bao để bọc, để che chở.

(4) Hắc ín: chất lỏng, sánh, màu đen, là sản phẩm phụ khi chưng cất than đá hoặc dầu mỏ, thường dung để làm lớp chống ẩm, chống mối mọt.

(5) Vi khuẩn: sinh vật hết sức nhỏ bé, chỉ có một tế bào, gây bệnh hoặc không gây bệnh, sinh sản chủ yếu bằng lối phân đôi.

(6) Tích tụ: dồn lại và dần tập trung vào một chỗ.

(7) Tiếp cận: đến gần, tiếp xúc với.

(8) Ni-cô-tin: chất độc trong thuốc lá, thuốc lào, có tác dụng gây nghiện.

(9) Biểu tượng: hình ảnh tượng trưng.

(10) Vi phạm: làm trái quy định.

Dưới đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Ôn dịch, Thuốc lá sgk Ngữ văn 8 tập 1 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Nội dung chi tiết câu trả lời từng câu hỏi các bạn xem dưới đây:


ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Bố cục:3 phần

– Phần 1 (từ đầu … còn nặng hơn cả AIDS): thông báo về nạn dịch thuốc lá.

– Phần 2 (tiếp … con đường phạm pháp): tác hại của thuốc lá.

– Phần 3 (còn lại): lời kêu gọi chống thuốc lá.

Nội dung chính: Nạn nghiện thuốc lá dễ lây lan và gây những tổn thất to lớn cho sức khỏe và tính mạng con người; gây tác hại nhiều mặt với cuộc sống gia đình và xã hội. Bởi vậy, muốn chống lại nó, cần có quyết tâm cao hơn và biện pháp triệt để hơn là phòng chống ôn dịch.


1. Câu 1 trang 121 sgk Ngữ văn 8 tập 1

Phân tích ý nghĩa của việc dùng dấu phẩy trong đầu đề của văn bản: Ôn dịch, thuốc lá. Có thể sửa thành Ôn dịch thuốc lá hoặc Thuốc lá là một loại ôn dịch được không? Vì sao?

Trả lời:

 – Ý nghĩa của dấu phẩy trong nhan đề: một biện pháp tu từ khiến trọng âm rơi vào hai từ “ôn dịch” nhấn mạnh biểu thị thái độ căm tức, ghê tởm của người viết.

– Có thể sửa nhan đề thành Ôn dịch thuốc lá hoặc Thuốc lá là một loại ôn dịch. Tuy nhiên như vậy có thể sẽ làm giảm đi tính biểu cảm, hoặc quá dài dòng làm mất tính hàm súc.


2. Câu 2 trang 121 sgk Ngữ văn 8 tập 1

Vì sao tác giả dẫn lời Trần Hưng Đạo bàn về việc đánh giặc trước khi phân tích tác hại của thuốc lá? Điều đó có tác dụng gì trong lập luận?

Trả lời:

So sánh việc chống hút thuốc lá với đánh giặc ngoại xâm, tác giả đã tạo ra một ấn tượng mạnh trước khi tiến hành phân tích y học về tác hại của thuốc lá. Những kết quả nghiên cứu của y học trở thành hệ thống luận cứ rõ ràng, thuyết phục tuyệt đối.


3. Câu 3 trang 121 sgk Ngữ văn 8 tập 1

Vì sao tác giả đặt giả định “có người bảo: Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi!” trước khi nêu lên những tác hại về phương diện xã hội của thuốc lá?

Trả lời:

Tác giả đặt giả định trước khi nêu lên những tác hại về phương diện xã hội của thuốc lá vì muốn cho thấy tác hại của thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến người hút mà còn cả người hít phải khói thuốc; thể hiện thái độ phê phán nghiêm khắc.


4. Câu 4 trang 122 sgk Ngữ văn 8 tập 1

Vì sao tác giả đưa ra những số liệu để so sánh tình hình hút thuốc lá ở nước ta với các nước Âu – Mĩ trước khi đưa ra kiến nghị: Đã đến lúc mọi người phải đứng lên chống lại, ngăn ngừa nạn ôn dịch này?

Trả lời:

Tác giả so sánh tình hình hút thuốc của nước ta với các nước Âu-Mĩ trước khi đưa ra kiến nghị là có nhiều mục đích:

– Ta nghèo hơn nhưng lại “xài” thuốc lá tương đương với các nước đó. Đây là điều không thể chấp nhận.

– Điều thứ hai là cho thấy các nước đã tiến hành những chiến dịch, thực hiện những biện pháp ngăn ngừa, hạn chế thuốc lá quyết liệt hơn ta.

– Thứ ba, so sánh với nước họ, chúng ta còn quá nhiều bệnh dịch cần phải thanh toán.


LUYỆN TẬP

1. Câu 1 trang 22 sgk Ngữ văn 8 tập 1

Tìm hiểu tình trạng hút thuốc lá ở một số người thân hoặc bạn bè quen biết. Dựa vào cách lập bảng thống kê của bài đọc thêm số 1 để phân loại nguyên nhân.

Trả lời:

Lứa tuổi 11- 15 16- 20
Số đối tượng thân thiết, quen biết 25 15
– Vui với bạn, nể bạn khi được mời 60% 40%
– Do tò mò, bắt chước 30% 50%
– Tỏ vẻ người lớn 15% 10%
– Giải buồn, stress 5% 10%

2. Câu 2 trang 22 sgk Ngữ văn 8 tập 1

Dùng năm dòng để ghi lại cảm nghĩ của mình sau khi đọc bản tin của báo Sài Gòn tiếp thị trích in ở bài đọc thêm số 2.

Trả lời:

Bài viết trên báo tiếp thị Sài Gòn ghi lại chân thực cái chết của tỉ phú trẻ Rốt-sin khi chơi bạch phiến quá liều. Đó cũng là lời cảnh tỉnh sâu sắc cho thế hệ trẻ cần ý thức rõ về bản thân và cần kiên quyết nói “không” với tệ nạn xã hội. Đối với các bậc phụ huynh cũng cần có những biện pháp giáo dục, nâng cao hiểu biết và kĩ năng sống cho con trẻ để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Như vậy cuộc sống càng phát triển càng kéo theo nhiều cám dỗ khiến con người dễ lầm lạc. Các bạn trẻ trong thời đại ngày nay cần ý thức được mục đích sống của mình, nâng cao hiểu bằng trải nghiệm, tránh xa tệ nạn xã hội để sống cuộc đời ý nghĩa.


CÁC BÀI VĂN HAY

1. Phân tích bài Ôn dịch, thuốc lá của Nguyễn Khắc Viện

Là một bác sĩ lâu năm giàu kinh nghiệm, tác giả Nguyễn Khắc Viện đã viết bài Từ thuốc lá đến ma túy để phân tích tác hại to lớn của thuốc lá đối với đời sống cá nhân và cộng đồng, thông qua đó nêu lên quyết tâm chống thuốc lá của Nhà nước ta. Đoạn ôn dịch, thuốc lá được trích từ văn bản này.

Trước hết, ta nên hiểu tựa để trên như thế nào cho đúng?

Thuốc lá là cách nói tắt của tệ nghiện thuốc lá. Ôn dịch là từ dân gian dùng để chỉ chủng các loại bệnh nguy hiểm, dễ lây lan và làm chết người hàng loại. Ví dụ dịch tả, dịch HIV, SARS… Tác giả so sánh tác hại đáng sợ của thuốc lá với hậu quả ghê gớm của ôn dịch là rất chính xác. Từ ôn dịch còn được dân gian dùng làm tiếng chửi rủa với hàm ý ghê tởm. Có thể diễn giải một cách cụ thể ý nghĩa của tựa đề bài văn như sau: Thuốc lá là một thứ ôn dịch.

Mở đầu đoạn trích, tác giả nêu nhận xét chung về hậu quả ghê gớm của những nạn dịch từ trước đến nay và lấy đó làm cơ sở để khẳng định tác hại nghiêm trọng của thuốc lá: Dịch hạch, thổ tả, hàng vạn hàng triệu người chết, nhờ tiến bộ y học, loài người hầu như đã diệt trừ được những dịch khủng khiếp ấy. Nhưng vào cuối thế kỉ này lại xuất hiện những ôn dịch khác.

“Ôn dịch thuốc lá đang đe dọa sức khỏe và tính mạng loài người còn nặng hơn cả AIDS.”

Câu cuối này chính là luận đề của văn bản. Phần sau giải thích và chứng minh cho luận đề. Cách đặt vấn đề nhự vậy thật độc đáo. Tác giả dùng phương pháp tăng cấp để thu hút sự chú ý của người đọc và nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề được đặt ra trong bài viết của mình.

Ở phần 2, tác giả khẳng định rằng thuốc lá đã và đang đe dọa sức khỏe và tính mạng loài người.

Tác giả đã mượn câu nói nổi tiếng của nhà quân sự thiên tài Trần Hưng Đạo: “Nếu giặc đánh như vũ bão thì không đáng sợ, đáng sợ là giặc gặm nhấm như tằm ăn dâu để so sánh những khó khăn trong việc chống thuốc lá không kém gì việc chống giặc ngoại xâm”. Khói thuốc lá được ví như thứ giặc vô hình, rất khó đối phó. Các chất độc trong khói thuốc không tàn phá ngay một lúc sức khỏe con người mà nó gặm nhấm từng chút một theo kiểu tằm ăn lá dâu, rốt cuộc là không còn gì cả.

Người hút không thấy ngay tác hại của thuốc lá và càng không hể biết rằng hơn bốn ngàn chất độc trong khói thuốc lá cố khả năng gây ra những bệnh hiểm nghèo. Ngược lại, họ còn thấy sảng khoái, thư giãn khi ngậm điếu thuốc phì phèo nhả khói, thậm chí còn coi đó là một biểu tượng quý trọng (!) Nhiều thiếu niên còn lấy thuốc lá để chứng tỏ là mình “sành điệu” và khẳng định rằng mình đã lớn. Tại sao mọi người lại có thái độ chủ quan, coi nhẹ tác hại của thuốc lá như vậy? Bởi vì, người hút thuốc lá không lăn đùng ra chết, không say bê bết như người uống rượu nên không sợ.

Ở phần 2, tác giả đã phân tích cặn kẽ và nêu ra hàng loạt dẫn chứng cụ thể để chứng minh mức độ nguy hại của khói thuốc: “Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc, thấm vào cơ thể. Nạn nhân đầu tiên là những lông rung của những tế bào niêm mạc ở vòm họng, ở phế quản, ở nang phổi bị chất hắc ín trong khói thuốc lá làm tê liệt Các lông mao này có chức năng quét dọn bụi bặm và các vi khuẩn theo luồng không khi tràn vào phế quản và phổi; khi các lông mao ngừng hoạt động, bụi và vi khuẩn không được đẩy ra ngoài nữa, tích tụ lại gây ho hen và sau nhiều năm gây viêm phế quản. …

Cuối cùng, tác giả kết luận về tác hại ghê gớm của khói thuốc lá không chỉ đối với sức khỏe con người mà cồn đối với các lĩnh vực khác trong xã hội, cao hơn nữa là cả nền kinh tế quốc dân:

“…chỉ riêng bệnh viêm phế quản của hàng triệu người cũng đã làm mất bao nhiêu ngày công lao động và làm tổn hao sức khỏe cộng đồng. Vậy thì những bệnh nặng hơn do thuốc lá gây ra như ung thư, tim mạch… sẽ làm tổn hao bao nhiêu tiền của cho người bệnh và công sức của những người phải bỏ việc để phục vụ bệnh nhân? Rõ ràng, thuốc lá gây thiệt hại rất lớn cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bên cạnh việc nêu lên tác hại của khói thuốc lá đối với bản thân người hút, tác giả còn nêu ra tác hại đối với cả những người không hút thuốc. Để làm nổi bật điều này, tác giả nhắc lại những lời chống chế thường gặp ở những người nghiện hút: Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi! Bằng những lập luận chặt chẽ, dẫn chứng sinh động và cả sự bức xúc, tác giả đã bác bỏ luận điệu sai lầm ấy: “Vợ con, những người làm việc cùng phòng với những người nghiện thuốc cũng bị nhiễm độc, cũng đau tim mạch, viêm phế quản, cũng bị ung thư. Anh có quyền hút, nhưng có mặt người khác, xin mời anh ra ngoài sân, ngoài hành lang mà hút. …

Hay “Tội nghiệp thay những cái thai còn nằm trong bụng mẹ, chỉ vì có người hút thuốc ngồi cạnh mẹ mà thai bị nhiễm độc, rồi mẹ đẻ non, con sinh ra đã suy yếu. Hút thuốc cạnh một người đàn bà có thai quả là một tội ác.”

Tác giả đã cụ thể hoá hai khái niệm được các nhà nghiên cứu y học sử dụng là hút thuốc lá chủ động và hút thuốc lá bị động. Người không hút nhưng thường xuyên phải hít khói thuốc cũng bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bản thân người hút tự làm hại mình đồng thời cũng làm hại bao nhiêu người khác. Đây là điều mà mọi người cán biết và lên án.

Để chứng minh thuốc lá gây thiệt hại như thế nào về mặt kinh tế, tác giả đã lấy dẫn chứng từ xã hội Âu – Mĩ xa xôi để so sánh với nước ta: “Tỉ lệ thanh thiếu niên hút thuốc ở các thành phố lớn nước ta ngang với tỉ lệ các thành phố Âu – Mĩ. Chi có khác là với một thanh niên Mĩ 1 đô la mua một bao thuốc lá là một khoản tiền nhỏ, còn đối với một thiếu niên Việt Nam, muốn có 15.000 đồng mua một bao 555 – (giá hiện nay là sáu mươi ngàn đồng) …”

Đúng như vậy! Ngày nay, không ít học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đã tập tành phì phèo điếu thuốc trên môi. Không chỉ nam mà cả nữ.

Đó là những hình ảnh không đẹp về tuổi học trò trong trắng, hồn nhiên. Nhà trường và gia đình cần lưu tâm khuyên nhủ và ngăn chặn kịp thời.

Trước những tác hại ghê gớm của thuốc lá, tác giả đã bày tỏ sự bức xúc của mình và đưa ra một số giải pháp tích cực để khống chế và dần dần đi đến việc cấm sản xuất và sử dụng thuốc lá trên phạm vi toàn thế giới: “Ngày nay, đi các nước phát triển, đâu đâu cũng nổi lên chiến dịch chống thuốc lá. Người ta cấm hút thuốc ở tất cả những nơi công cộng, phạt nặng những người vi phạm (Ở Bỉ, từ năm 1987, vi phạm lần thứ nhất phạt 40 đô la, tái phạm 500 đồ la). Khắp nơi, những tài liệu, khẩu hiệu chống thuốc lá dần dần lấn át những quảng cáo của các hảng thuốc lá. Và nhiều nước đã cấm quảng cáo thuốc lá trên báo chí, vô tuyến truyền hình. …

Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa chủ đề tác hại của thuốc lá vào chương trình Ngữ văn ở trung học cơ sở để giúp học sinh nhận thức được tác hại ghê gớm của thuốc lá và hạn chế dần tệ hút thuốc lá trong cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, những người mà hai lá phổi của họ là “công cụ” quan trọng nhất của nghề dạy học. Riêng đối với học sinh, khi đã nhận thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá, các em sẽ lánh xa tệ nghiện hút và góp phần đẩy lùi tệ nghiện thuốc lá trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Giống như ôn dịch, nạn nghiện thuốc lá rất dễ lây lan và gây những tổn thất nghiêm trọng cho sức khoẻ và tính mạng con người. Nạn nghiện thuốc lá còn nguy hiểm hơn cả ôn dịch bởi nó gặm nhấm sức khỏe nên người ta khó nhận biết. Bên cạnh đó nó còn gây ra tác hại nhiều mặt đối với cuộc sống gia đình và xã hội. Bởi vậy, muốn tiêu diệt thuốc lá, mọi người cần phải có quyết tâm cao và biện pháp triệt để hơn cả việc phòng chống những nạn ôn dịch khác.


2. Cảm nghĩ về bài Ôn dịch, thuốc lá của Nguyễn Khắc Viện

Nguyễn Khắc Viện là một trí thức Tây học, đỗ bác sĩ tại Pháp trong thập niên bốn mươi của thế kỉ XX. Ông là nhà hoạt động văn hóa, nhà hoạt động xã hội rất nổi tiếng, ở nước ta. Bài “Ôn dịch, thuốc lá” thể hiện cái tâm và cách viết, cách nói sắc sảo, độc đáo của Nguyền Khắc Viện.

Nhan đề rất độc đáo: “Ôn dịch, thuốc lá”. Độc đáo ở hai chữ “ôn dịch”, độc đáo về cách dùng dấu pháy ở đây, dấu phẩy tạo nên ngữ điệu, gợi lên một tình huống nguy cấp, phải báo động, gây ấn tượng mạnh cho người đọc, người nghe. Cách dùng dấu phẩy ở nhan đề đã thể hiện một lối nói, lối viết theo văn phong châu Âu hiện đại. Nếu viết: “ôn dịch thuốc lá” hoặc “Thuốc lá là một loại ôn dịch” đều được, nhưng viết như thế thì “bằng phẳng quá”, ” hiền lành quá” không hấp dẫn, không phù hợp với nội dung văn bản.

Mở đầu, tác giả dùng phép so sánh – đối chiếu để lôi kéo, thu hút người đọc: Dịch hạch, thổ tả, những dịch bệnh khủng khiếp từng gây ra và làm chết hàng vạn. hàng triệu người. Nhờ tiến bộ y học mà những dịch khủng khiếp ấy “đã diệt trừ được”. Cuối thế kỉ XX, loài người lại “lo âu về nạn AIDS” mà “chưa tìm ra giải pháp” thì “ôn dịch thuốc lá đang (đe dọa sức khỏe và tính mạng loài người còn nặng hơn cả AIDS”. Sự thật khủng khiếp được nhiều nhà bác học, sau mấy chục năm và hơn năm vạn công trình nghiên cứu lớn tiếng báo động. Đúng là con số biết nói!

Phần thứ hai bài văn, Nguyễn Khắc Viện phân tích và chứng minh rằng, ôn dịch thuốc lá gây ra bao tệ nạn kinh khủng. Trước hết, ộng nhắc lại một câu nói nổi tiếng của Trần Hưng Đạo căn dặn nhà vua: “Nếu giặc đánh như vũ bão thì không đáng sợ, đúng sợ là giặc gặm nhấm như tằm ăn dâu” để chỉ rõ ôn dịch thuốc lá giết dần giết mòn con nghiện, gây ra bao tai hại ghê gớm trong cộng đồng là nguyêo nhân, nguồn gốc của mọi tệ nạn xã hội khác. Dẫn câu nói của Trần Hưng Đạc không chỉ làm tiền đề cho lập luận, làm cho luận cứ và luận chứng thêm phần sắc bén, chặt chẽ mà còn tạo cho người đọc bao liên tường đầy thuyết phục về “ôn dịch, thuốc lá”. Thuốc lá là ôn dịch, là một thứ giặc rất đáng sợ vì nó “gặm nhấm” con nghiện và xã hội.

Khói thuốc lá rất độc, chất hắc ín sẽ “làm tê liệt” những lông rung, lông mao của những tế bào niêm mạc ở nơi vòm họng, ở phế quản, ở nang phổi; chất hắc ín ấy “tích tụ lại” gây ho hen, đờm dãi, và sau nhiều năm gây viêm phế quản.

Người nghiện thuốc lá sẽ bị chất ô-xít các-bon trong khói thuốc lá thấm vào máu… làm cho sức khỏe “ngày càng sút kém”.

Tác giả nêu lên những số liệu để chứng minh ” ôn dịch, thuốc lá” rất đáng sợ. 80% bệnh nhân ung thư vòm họng và ung thư phổi ở bệnh viện K là do thuốc lá. Các bệnh huyết áp cao, tắc động mạch, nhồi máu cơ tim đều do chất ni-cô-tin của thuốc lá gây ra. Những cái chết đột tử do nhồi máu cơ tim, những khối ung thư ghê tởm của con bệnh 40-50 tuổi đều cho thấy “tác hại ghê gớm của thuốc lá”. Hàng triệu người bị viêm phế quản làm mất bao nhiêu ngày lao động và tổn hao sức khỏe đều do thuốc lá gây ra. Những số liệu ấy đầy sức thuyết phục vì đó là những căn cứ khoa học, là ý kiến của bác sĩ viện trưởng bệnh viện K, của bác sĩ viện trưởng viện nghiên cứu các bệnh tim mạch nêu lên.

Nguy hại hơn nữa là kẻ nghiện thuốc lá “đã đầu độc” những người xung quanh do khói thuốc lá. Vợ con… bị nhiễm độc, nhất là những thai nhi. Hiện tượng đẻ non, đẻ ra đã suy yếu… đều do bị nhiềm độc bởi khói thuốc lá. Câu văn: “Hút thuốc lá cạnh một người đàn bà cỏ thai quả là một tội ác” vang lên như một lời kết tội nghiêm khắc.

Về mặt đạo đức, người lớn (bố, anh, chú, bác…) nghiên thuốc lá “không những đầu độc con em mà còn nêu gương xấu”. Cho nên câu nói: “Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi!” chỉ là lời lẽ gàn bướng của con nghiện!

Phần cuối, tác giả cho biết nghiện thuốc lá là nguyên nhân của các tệ nạn khác như ma túy, trộm cắp. ở Việt Nam ta, một nước thuộc diện “nghèo” mà tỉ lệ thanh thiếu niên hút thuốc ở các thành phố lớn “ngang với tỉ lệ các thành phố Âu – Mỹ”.

Ở châu Âu, chiến dịch chống thuốc lá rất quyết liệt. Cấm hút thuốc lá ở tất cả những nơi công cộng, phạt nặng những người vi phạm (như ở Bỉ); cấm quảng cáo thuốc lá trên báo chí, vô tuyên. Cuối năm 1990, có thể nêu lên những khẩu hiệu: “Một châu Âu không còn thuốc lá”.

Trái lại, ở Việt Nam, một nơi có nhiều bệnh như sốt rét, bệnh phong, lao, ỉa chảy chưa thanh toán được, ‘lại ôm thêm ôn dịch thuốc lá này”. Tệ nạn ấy “nghĩ đến mà kinh!”. Bằng tấm lòng của người thầy thuốc, Nguyền Khắc Viện thiết tha kêu gọi mọi người Việt Nam “phải đứng lên chống lại, ngăn ngừa nạn ôn dịch” – thuốc lá.

“Ôn dịch, thuốc lá” là một văn bản thuyết minh được viết bằng một văn phong hiện đại, độc đáo. Các lí lẽ và dẫn chứng được tác giả nêu lên qua sự phân tích sắc bén, qua sự so sánh liên tưởng đầy sức thuyết phục. Bài văn đã thể hiện sư quan tâm và lo lắng của Nguyễn Khắc Viện trước tệ nạn ” ôn dịch, thuốc lá”.

Bài văn đã nâng cao nhận thức cho mỗi chúng ta nhất là các bạn trẻ biết về những tác hại ghê gớm về thuốc lá. Và hãy coi chừng ôn dịch, thuốc lá.


3. Trình bày ý nghĩa tư tưởng của văn bản ôn dịch, thuốc lá của Nguyễn Khắc Viện

“Hút thuốc lá là có hại cho sức khoẻ”. Thông điệp ấy được ghi trên hầu hết các vỏ bao thuốc lá, những người hút thuốc lá đều biết nhưng không phải ai cũng ý thức được tác hại nhiều mặt của thuốc lá đối với cộng đồng. Ngay từ đầu, nhan đề của văn bản: Ôn dịch, thuốc lá đã cho ta thấy tính chất nghiêm trọng và bức xúc của vấn đề.

Thuốc lá ở đây là nói đến tệ nghiện thuốc lá. Nó được ví một cách rất thoả đáng với Ôn dịch, xem như một thứ bệnh nguy hiểm đến tính mạng của con người và rất dễ lây lan. Hơn nữa, từ Ôn dịch còn mang sắc thái biểu cảm. Nghiện thuốc lá được nói đến trong một cảnh báo gay gắt, đến mức nó đáng trở thành một đối tượng để nguyền rủa.

Trong văn bản này, tác giả bắt đầu phần thứ hai bằng cách dẫn lời Trần Hưng Đạo bàn về cách đánh giặc (từ “Ngày trước”… cho đến “tổn hao sức khoẻ”). So sánh việc chống hút thuốc lá với đánh giặc ngoại xâm, tác giả đã tạo ra một ấn tượng mạnh trước khi tiến hành phân tích y học về tác hại của thuốc lá. Những kết quả nghiên cứu của y học trở thành hệ thống luận cứ rõ ràng, thuyết phục tuyệt đối. Thuốc lá gặm nhấm sức khoẻ của con người tựa như tằm ăn dâu. Nguy hiểm, đáng sợ hơn, sự gặm nhấm của thuốc lá lại vô hình, không nhìn thấy ngay được. Chỉ có hậu quả của nó, những căn bệnh hiểm nghèo là sờ sờ trước mắt chúng ta. Và, không chỉ có thế, tác giả tiến hành phân tích cả những ảnh hường thiệt hại của thuốc lá đến đời sống kinh tế của con người, dù chỉ là bệnh viêm phế quản…

Bằng giả định: “Có người bảo: Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi”, tác giả tiến tới lập luận về tác hại của thuốc lá đối với cả những người không hề hút thuốc lá. Phủ nhận nhận định trong giả định, chứng cứ khoa học cho thấy hút thuốc lá chủ động và hút thuốc lá bị động đều dẫn đến nguy hại cho sức khoẻ. Chống hút thuốc lá không còn là vấn đề chỉ của riêng cá nhân mà, vì nó trực tiếp làm hại cả cộng đồng, cho nên, chống thuốc lá là việc của toàn xã hội.

Tác giả đã so sánh tình hình hút thuốc lá ở Việt Nam với các nước Âu – Mĩ để đưa ra kiến nghị: Đã đến lúc mọi người phải đứng lên chống lại, ngăn ngừa nạn ôn dịch này, bởi: Thứ nhất, ta nghèo hơn các nước Âu – Mĩ rất nhiều nhưng tỉ lệ thanh thiếu niên ở các thành phố lớn của ta hút thuốc lá lại tương đương với họ. Nó không chỉ gây khó khăn về kinh tế, mà còn là con đường dẫn đến sự phạm pháp. Thứ hai, để chống tệ hút thuốc lá, người ta có những biện pháp mạnh hơn ta rất nhiều. Sự so sánh này đã góp phần khẳng định sự đúng đắn của những điều đã nói ở trên, đồng thời tạo tiền đề để đưa ra lời phán xét cuối cùng.


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Ôn dịch, Thuốc lá sgk Ngữ văn 8 tập 1 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các bạn làm bài Ngữ văn tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com