Soạn bài Phong cách ngôn ngữ hành chính sgk Ngữ văn 12 tập 2

Nội dung bài Soạn bài Phong cách ngôn ngữ hành chính sgk Ngữ văn 12 tập 2 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, phân tích, cảm nhận, thuyết minh, nghị luận,… đầy đủ các bài văn lớp 12 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn và ôn thi THPT Quốc gia.


I – VĂN BẢN HÀNH CHÍNH VÀ NGÔN NGỮ HÀNH CHÍNH

1. Văn bản hành chính

Văn bản 1

CHÍNH PHỦ
—————

Số 58/1998/NĐ-CP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————————

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 1998

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Ban hành Điều lệ Bảo hiểm y tế

CHÍNH PHỦ

– Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

– Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Nghị định này Điều lệ Bảo hiểm y tế.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày kí. Nghị định này thay thế Nghị định số 299/HĐBT ngày 15 tháng 8 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Điều lệ Bảo hiểm y tế và Nghị định số 47/CP ngày 6 tháng 6 năm 1994 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Điều lệ Bảo hiểm y tế.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng – Trưởng ban Tổ chức cán bộ Chính phủ chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nơi nhận:

[…]

TM.CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

(Đã kí)

Văn bản 2

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI

TRƯỜNG THPT LÊ LỢI

Số: … /2007

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————

GIẤY CHỨNG NHẬN

TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

(Tạm thời)

– Được phép của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công văn số 1838/THPT ngày 1 – 4 – 1995;

– Được sự ủy quyền của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội,

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT LÊ LỢI

Chứng nhận học sinh: TRẦN VĂN TUẤN

Nam/nữ: Nam

Sinh ngày: 3 – 9 – 1989.

Nơi sinh: Hà Nội

Là học sinh Trường THPT Lê Lợi, đã dự kì thi tốt nghiệp THPT khoá … ngày 31 – 5 – 2007.

Tại Hội đồng coi thi Trường THPT Lê Lợi

Số BD: 060029

Phòng thi số: 30

Đạt tổng điểm thi: 44,5. Trong đó, điểm từng môn thi là:

1. Ngữ văn: 7

2. Vật lí: 8,0

3. Lịch sử: 7,5

4. Hóa học: 7

5. Toán: 7

6. Tiếng Anh (3N): 8

Điểm TBXLTN: 7,41

Điểm XTN: 7,66

Diện ƯT:

Điểm KK: 1,5 (NK)

Đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp THPT (THCB) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xếp loại tốt nghiệp: KHÁ.

Giấy chứng nhận tạm thời có giá trị trong thời gian 1 năm chờ cấp bằng tốt nghiệp THPT (THCB) chính thức.

Họ tên, chữ kí của học sinh

Hà Nội ngày 30 tháng 6 năm 2007

HIỆU TRƯỞNG

(Đã kí)

Văn bản 3

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ĐƠN XIN HỌC NGHỀ

Kính gửi: Ông Hiệu trưởng Trường Công nhân kĩ thuật điện tử M.I.G

Tôi tên là: Nguyễn Thị Hương

Sinh ngày: 20 – 10 – 1986

Chỗ ở hiện nay: Thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội

Họ tên bố: Nguyễn Văn Vi

Tuổi: 50

Nghề nghiệp: Công nhân cơ khí

Đơn vị công tác: Xưởng cơ khí nông nghiệp Từ Liêm

Họ tên mẹ: Lê Thị Mai

Tuổi: 48

Nghề nghiệp: Kĩ thuật viên điện tử

Đơn vị công tác: Trường Công nhân kĩ thuật điện tử M.I.G

Nay làm đơn này xin được học nghề: Kĩ thuật điện tử

Nếu được thu nhận, tôi xin cam đoan:

1. Tuyệt đối chấp hành nội quy học tập và lao động.

2. Tuyệt đối phục tùng sự phân công học tập, bố trí công tác của nhà trường.

Lời cam đoan và ý kiến của bố mẹ

Tôi xin cam đoan và chịu trách nhiệm hoàn toàn về những lời con tôi đã viết trong đơn.

Ngày 30 tháng 6 năm 2004

(Kí tên)

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2004

Người viết đơn

(Kí tên)

Qua các văn bản trên, có thể thấy:

– Văn bản 1 là nghị định của Chính phủ. Gần với nghị định là các văn bản khác của các cơ quan nhà nước (hoặc tổ chức chính trị, xã hội,…) như pháp lệnh, nghị quyết, thông tư, thông cáo, chỉ thị, quyết định,…

– Văn bản 2 là giấy chứng nhận của hiệu trưởng một trường Trung học phổ thông. Gần với giấy chứng nhận là các loại văn bản như văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh,…

– Văn bản 3 là đơn của một học sinh gửi một cơ sở đào tạo nghề. Gần với đơn là các loại văn bản khác như bản khai, báo cáo, biên bản,…


2. Ngôn ngữ hành chính

Các loại văn bản hành chính đều có một số đặc điểm tiêu biểu về ngôn ngữ như sau:

– Về cách trình bày: Các văn bản đều được soạn thảo theo một kết cấu thống nhất, thường có ba phần theo một khuôn mẫu nhất định (xem mục II.1).

– Về từ ngữ: Có một lớp từ ngữ hành chính được dùng với tần số cao. Ví dụ: căn cứ…, được sự ủy nhiệm của…; tại công văn số…; nay quyết định, chịu quyết định, chịu trách nhiệm thi hành; có hiệu lực từ ngày…; xin cam đoan…

– Về kiểu câu: Có những văn bản tuy dài nhưng chỉ là kết cấu của một câu. Ví dụ: Chính phủ căn cứ… quyết định: điều 1, 2, 3,… Mỗi một ý quan trọng thường được tách ra và xuống dòng, viết hoa đầu dòng. Ví dụ:

Tôi tên là: Trần Văn Xuân

Sinh ngày: 20 tháng 6 năm 1980

Nơi sinh: xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.


II – ĐẶC TRƯNG CỦA PHONG CÁCH NGÔN NGỮ HÀNH CHÍNH

Qua các văn bản dẫn làm ví dụ ở mục I.1, có thể thấy phong cách ngôn ngữ hành chính có ba đặc trưng cơ bản: tính khuôn mẫu, tính minh xác và tính công vụ.

1. Tính khuôn mẫu

Tính khuôn mẫu của phong cách ngôn ngữ hành chính thể hiện ở kết cấu văn bản thống nhất, thường gồm ba phần: phần đầu, phần chính và phần cuối. Ví dụ, một văn bản của Chính phủ (văn bản 1 ở mục I.1) thường có bố cục như sau:

a) Phần đầu:

– Quốc hiệu và tiêu ngữ:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

– Tên cơ quan ban hành văn bản (Chính phủ), bên dưới là số hiệu văn bản.

– Địa điểm, thời gian ban hành văn bản.

b) Phần chính: Nội dung chính của văn bản.

c) Phần cuối:

– Chức vụ, chữ kí và họ tên của người kí văn bản, dấu của cơ quan.

– Nơi nhận.

Văn bản hành chính có rất nhiều loại nên cách trình bày cũng có thể có những điểm khác biệt nhất định. Kết cấu nêu trên có thể thay đổi ít nhiều ở các loại văn bản khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung các văn bản hành chính đều mang tính khuôn mẫu thống nhất. Biểu hiện rõ nhất của tính khuôn mẫu là nhiều loại văn bản có mẫu chung, được in sẵn; khi dùng, người ta chỉ cần điền nội dung cụ thể. Ví dụ: giấy khai sinh, hợp đồng,…


2. Tính minh xác

Văn bản hành chính là văn bản được viết ra chủ yếu để thực thi, do vậy cần phải rất minh xác. Mỗi từ chỉ có một nghĩa, mỗi câu chỉ có một ý. Văn bản hành chính không dùng các phép tu từ hoặc lối biểu đạt hàm ý.

Mặt khác, ngôn từ trong văn bản hành chính là chứng tích pháp lí, nên không thể tùy tiện xoá bỏ, thay đổi, sửa chữa. Các văn bản hành chính đòi hỏi sự chính xác đến từng dấu chấm, dấu phẩy; đối với một số văn bản thì cần chính xác cả về chữ kí, cả về thời gian mà văn bản có hiệu lực,… Nội dung của văn bản hành chính được soạn thảo theo các căn cứ pháp lí rõ ràng và thường được trình bày minh bạch thành các điều, khoản, chương, mục để người tiếp nhận lĩnh hội được chính xác và thi hành nghiêm túc.


3. Tính công vụ

Ngôn ngữ hành chính là ngôn ngữ dùng trong giao tiếp công vụ. Tính công vụ là tính chất công việc chung của cả cộng đồng hay tập thể. Tính công vụ không chỉ thể hiện ở nội dung, mà còn thể hiện ở cả các phương tiện ngôn ngữ của văn bản. Trong văn bản hành chính, những biểu đạt tình cảm của cá nhân bị hạn chế ở mức tối đa. Các từ ngữ biểu cảm nếu dùng cũng chỉ có tính ước lệ, khuôn mẫu, ví dụ: kính chuyển, kính mong, trân trọng kính gửi,… Trong đơn từ của cá nhân, khi muốn trình bày sự việc, người ta chú trọng đến những từ ngữ biểu ý hơn là biểu cảm. Ví dụ, trong đơn xin phép nghỉ học của học sinh gửi thầy (cô) giáo thì lời xác nhận của cha mẹ hoặc cơ sở y tế có giá trị hơn là những lời trình bày có cảm xúc để được thông cảm.

Trong các văn bản của cơ quan hay tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế,… người kí văn bản không phải kí với tư cách cá nhân mà với cương vị và trách nhiệm của người đại diện cho cả cơ quan hay tổ chức đó. Cũng để đảm bảo tính công vụ, từ ngữ trong văn bản hành chính là lớp từ ngữ toàn dân, không dùng từ địa phương, từ khẩu ngữ; trong khi đó lớp từ ngữ hành chính được dùng với tần số cao.


LUYỆN TẬP

1. Câu 1 trang 172 Ngữ văn 12 tập 2

Hãy kể tên một số loại văn bản hành chính thường liên quan đến công việc học tập trong nhà trường của anh (chị).

Trả lời:

Một số văn bản hành chính thường có trong công việc học tập tại nhà trường:

– Biên bản họp lớp; Biên bản kỉ luật học sinh; Biên bản bàn giao cơ sở vật chất.

– Báo cáo tuần, báo cáo tháng, báo cáo hoạt động của chi đoàn,…

– Bản tường trình, đơn xin nghỉ học, đơn xin miễn giảm học phí, đơn xin chuyển lớp, đơn xin tham gia câu lạc bộ, đơn xin gia nhập Đoàn TNCS HCM

– Giấy khai sinh, học bạ, sổ liên lạc, giấy chứng nhận,…


2. Câu 2 trang 172 Ngữ văn 12 tập 2

Hãy nêu những đặc điểm tiêu biểu về cách trình bày văn bản, về từ ngữ, kiểu câu của văn bản hành chính (lược trích) sau đây:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

———–

Số: 03/2002/QĐ-BGD&ĐT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————

Hà Nội, ngày 24 tháng 1 năm 2002

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Về việc: Ban hành Chương trình Trung học cơ sở

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

– Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2 – 3 – 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lí nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

– […]

– Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Trung học cơ sở áp dụng thống nhất trong cả nước theo tiến độ quy định trong Chỉ thị số 14/2001/CT-TTg ngày 11 – 6 – 2001 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày kí. Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Thủ trưởng các đơn vị hữu quan thuộc cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:

– Văn phòng Quốc hội

– Văn phòng Chủ tịch nước

– Văn phòng Chính phủ

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THỨ TRƯỞNG

(Đã kí)

Trả lời:

Đặc điểm tiêu biểu về cách trình bày văn bản, về từ ngữ, kiểu câu của văn bản hành chính:

– Cách trình bày văn bản: gồm 3 phần rõ ràng.

+ Phần đầu: quốc hiệu và tiêu ngữ, tên cơ quan ban hành văn bản (Bộ GD&ĐT), số hiệu văn bản (03/2002/QĐ-BGD&ĐT), địa diểm (Hà Nội) và thời gian (24/1/2002) ban hành văn bản.

+ Phần chính: tên văn bản, căn cứ ban hành văn bản, nội dung chính của văn bản (Quyết định ban hành Chương trình Trung học cơ sở; thời gian có hiệu lực; các bên chịu trách nhiệm thực hiện quyết định).

+ Phần cuối: người kí văn bản (thứ trưởng); Nơi nhận quyết định.

– Về từ ngữ: lớp từ ngữ hành chính dùng với tần số cao (căn cứ, quyết định, chỉ thị, chính phủ, quyền hạn và trách nhiệm, quản lí nhà nước, chịu trách nhiệm thi hành, có hiệu lực từ ngày, tên các cơ quan và chức vụ liên quan…).

– Về kiểu câu:mỗi ý quan trọng được tách ra và xuống dòng viết thành đoạn riêng (các điều trong căn cứ và trong quyết định).


3. Câu 3 trang 172 Ngữ văn 12 tập 2

Anh (chị) hãy ghi biên bản một cuộc họp theo phong cách ngôn ngữ hành chính.

Trả lời:

Biên bản một cuộc họp theo phong cách ngôn ngữ hành chính:

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

********

BIÊN BẢN HỌP LỚP ….

Thời gian: …h…ngày … tháng … năm….

Địa điểm: ………………………………..

Thành phần cuộc họp:

Chủ trì:………………………

Thư kí:………………………

……………………………….

Nội dung cuộc họp:

…………………………………………

…………………………………………

…………………………………………

Cuộc họp kết thúc hồi …h…, ngày….tháng….năm…..

Thư kí cuộc họp

(Ký và ghi rõ họ tên)

Chủ tọa

(Ký và ghi rõ họ tên)


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Phong cách ngôn ngữ hành chính sgk Ngữ văn 12 tập 2 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các em làm bài Ngữ văn thật tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com