Soạn bài Số phận con người sgk Ngữ văn 12 tập 2

Nội dung bài Soạn bài Số phận con người sgk Ngữ văn 12 tập 2 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, phân tích, cảm nhận, thuyết minh, nghị luận,… đầy đủ các bài văn lớp 12 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn và ôn thi THPT Quốc gia.


SỐ PHẬN CON NGƯỜI

Sô-Lô-Khốp

TIỂU DẪN

Mi-khai-in A-lếch-xan-đrô-vích Sô-lô-khốp (1905 – 1984) là nhà văn Nga lỗi lạc, đã vinh dự nhận Giải thưởng Nô-ben về văn học năm 1965. Tác phẩm của Sô-lô-khốp được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Là một nhà tiểu thuyết có tài, ông được liệt vào hàng các nhà văn lớn nhất thế kỉ XX.

Sô-lô-khốp sinh tại thị trấn Vi-ô-sen-xcai-a thuộc tỉnh Rô-xtốp trên vùng thảo nguyên sông Đông. Ông tham gia công tác cách mạng từ khá sớm (thư kí ủy ban trấn, nhân viên thu mua lương thực, tiễu phỉ,…). Cuối năm 1922 ông đến Mát-xcơ-va, làm nhiều nghề để kiếm sống như: đập đá, khuân vác, kế toán. Thời gian rảnh rỗi, ông dành cả cho việc tự học và đọc văn học. Năm 1926, ở tuổi 21, ông đã in hai tập truyện ngắn là Truyện sông Đông và Thảo nguyên xanh. Năm 1925, ông trở về quê và bắt đầu viết tác phẩm tâm huyết nhất của đời mình – tiểu thuyết Sông Đông êm đềm.

Bộ tiểu thuyết được in dần từng phần, vượt qua nhiều trắc trở, hoàn thành vào năm 1940 (4 quyển, 8 phần) và lập tức được tặng Giải thưởng Quốc gia. Nhà văn lão thành A. Xê-ra-phi-mô-vích vui mừng chào đón tài năng trẻ Sô-lô-khốp: “… con đại bàng non tung cánh trong bầu trời văn học”. Sô-lô-khốp là Đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1932. Năm 1939 ông được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô. Trong thời gian chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức xâm lược, ông theo sát Hồng quân trên nhiều chiến trường với tư cách phóng viên báo Sự thật.

Truyện ngắn Số phận con người (1957) của Sô-lô-khốp là cột mốc quan trọng mở ra chân trời mới cho văn học Nga. Dung lượng tư tưởng lớn của truyện khiến có người liệt nó vào loại tiểu anh hùng ca. Tác phẩm thể hiện cách nhìn cuộc sống và chiến tranh một cách toàn diện, chân thực; sự đổi mới cách miêu tả nhân vật, khám phá tính cách Nga, khí phách anh hùng và nhân hậu của người lính Xô viết. Sự thật táo bạo bao trùm toàn bộ tác phẩm của Sô-lô-khốp. Sự thật đó được tôn trọng trong từng câu văn, từng chi tiết, từng hình ảnh. Ông dám nói lên sự thật dù đôi khi khắc nghiệt, cay đắng. Ông coi sứ mạng cao cả nhất của nghệ thuật là “ca ngợi nhân dân – người lao động, nhân dân – người xây dựng, nhân dân anh hùng” của mình. Văn bản dưới đây là phần kết thúc truyện.


VĂN BẢN

(Lược phần đầu: Mùa xuân năm 1946, trên đường đi công tác, tác giả gặp anh lái xe An-đrây Xô-cô-lốp 46 tuổi và bé Va-ni-a chừng 5 – 6 tuổi trên bến đò. Nhân dịp này, An-đrây Xô-cô-lốp đã kể cho tác giả nghe về cuộc đời đau khổ của mình. Khi chiến tranh bùng nổ, anh ra trận, để lại vợ và ba con ở hậu phương. Chiến đấu chừng một năm, anh bị thương hai lần, vào tay và chân. Tiếp đó là hai năm bị đoạ đày trong các trại tập trung của phát xít Đức. Năm 1944, bọn phát xít bị thua to trên mặt trận Xô – Đức, buộc phải dùng cả tù binh làm lái xe. Nhân cơ hội đó, An-đrây Xô-cô-lốp đã cướp xe, bắt sống tên thiếu tá phát xít, chạy thoát về phía quân ta. Mãi lúc ấy An-đrây Xô-cô-lốp mới biết vợ và hai con gái anh đã bị bom phát xít giết hại từ giữa năm 1942. A-na-tô-li, con trai anh, một học sinh giỏi toán, giờ là đại uý pháo binh. Hai cha con cùng tiến đánh Béc-lin, sào huyệt của bọn phát xít. Đúng ngày 9 tháng 5 năm 1945, ngày chiến thắng, một tên thiện xạ Đức đã bắn chết A-na-tô-li, đứa con trai yêu quý, niềm hi vọng cuối cùng của An-đrây Xô-cô-lốp…)

Tôi đã chôn trên đất người, đất Đức, niềm vui sướng và niềm hi vọng cuối cùng của tôi; đại đội pháo đã nổ súng vĩnh biệt tiễn người chỉ huy của họ tới nơi an nghỉ cuối cùng; trong người tôi như có cái gì đó vỡ tung ra… Tôi trở về đơn vị mình như người mất hồn. Nhưng chả mấy chốc tôi được giải ngũ. Về đâu bây giờ? Chả nhẽ lại về Vô-rô-ne-giơ? Không được! Tôi chợt nhớ ở U-riu-pin-xcơ có một người bạn, giải ngũ hồi mùa đông vì bị thương, – có lần anh ấy mời tôi về nhà, tôi nhớ ra và tìm đến U-riu-pin-xcơ.

Hai vợ chồng người bạn tôi không có con, sống trong một ngôi nhà riêng nho nhỏ ở rìa thành phố. Mặc dù được hưởng phụ cấp thương binh, nhưng anh bạn tôi vẫn làm lái xe cho một đội vận tải, tôi cũng đến xin làm ở đó. Tôi ở nhà bạn, họ thu xếp cho tôi chỗ nương thân. Chúng tôi chở các thứ hàng hoá về các huyện, và mùa thu thì chuyển sang chở lúa mì. Chính vào hồi ấy tôi gặp chú con trai mới của tôi, đấy chú bé đang nghịch cát đấy.

Thường cứ chạy xe xong trở về thành phố, việc đầu tiên cũng dễ hiểu thôi, là tôi vào hiệu giải khát, nhấm nháp chút gì đó và tất nhiên có uống một li rượu lử người. Phải nói rằng tôi đã quá say mê cái món nguy hại ấy… Thế rồi một hôm, tôi thấy chú bé ấy ở gần cửa hàng giải khát, hôm sau vẫn lại thấy – thằng bé rách bươm xơ mướp. Mặt mũi thì bê bết nước dưa hấu, lem luốc, bụi bặm, bẩn như ma lem, đầu tóc rối bù, nhưng cặp mắt – cứ như những ngôi sao sáng ngời sau trận mưa đêm! Tôi thích nó, và lạ thật, thích đến nỗi bắt đầu thấy nhớ nó, cố chạy xe cho nhanh để được về gặp nó. Nó ăn ngay ở hiệu giải khát, ai cho gì thì ăn nấy.

Sang ngày thứ tư, tôi chở lúa mì từ nông trường, ghé lại hiệu giải khát. Chú bé của tôi ngồi ở bậc thềm, hai bàn chân nhỏ xíu đung đưa, và nom có vẻ như đang đói. Tôi thò đầu ra ngoài cửa buồng lái và hét gọi: “Ê, Va-ni-a! Lên ô tô đi, nhanh lên, chú đưa đến kho thóc rồi trở về đây ăn trưa.”. Nghe tiếng hét gọi của tôi, nó giật mình nhảy khỏi thềm, leo lên bậc xe hỏi nhỏ: “Sao chú lại biết tên cháu là Va-ni-a?”. Và đôi mắt nhỏ của nó mở to ra chờ tôi trả lời. Còn tôi thì bảo nó rằng tôi là người từng trải, cái gì cũng biết.

Nó bước sang bên phải xe, tôi mở cửa đặt nó ngồi bên cạnh mình và cho xe chạy. Thằng bé hoạt bát đến thế mà bỗng nhiên không biết vì sao lại lặng thinh, tư lự, chốc chốc lại liếc nhìn tôi dưới đôi hàng mi dài cong vút, và lại thở dài. Một con chim con non nớt như thế mà đã học thở dài ư? Đấy đâu phải việc của nó? Tôi hỏi: bố cháu đâu, hả Va-ni-a?”. Nó rỉ tai: “Chết ở mặt trận.” – “Thế mẹ cháu?” – “Mẹ bị bom chết trên tàu hỏa khi mẹ con cháu đang đi tàu.” – “Thế cháu từ đâu đến?” – “Cháu không biết, không nhớ…” – “Thế ở đây cháu không có ai là bà con thân thuộc à?”. – “Không có ai cả” – “Thế đêm cháu ngủ ở đâu?”

– “Bạ đâu ngủ đó”.

Những giọt nước mắt nóng hổi sôi lên ở mặt tôi, và lập tức tôi quyết định: “Không thể để cho mình với nó chìm nghỉm riêng rẽ được! Mình sẽ nhận nó làm con.”. Ngay lúc ấy, tâm hồn tôi bỗng nhẹ nhõm và bừng sáng lên. Tôi cúi xuống bên nó khẽ hỏi: “Va-niu-ska, có biết ta là ai không nào?”. Nó hỏi lại nghẹn ngào: “Thế chú là ai?”. Tôi nói lại cũng khẽ như thế: “Ta là bố của con!”.

Trời ơi, thật không thể tưởng tượng được. Nó nhảy chồm lên cổ tôi hôn vào má, vào môi, vào trán và như con chim chích, nó ríu rít líu lo vang rộn cả buồng lái: “Bố yêu của con ơi! Con biết mà! Con biết thế nào bố cũng tìm thấy con mà! Thế nào cũng tìm thấy mà! Con chờ mãi mong được gặp bố!”. Nó áp sát vào người tôi, toàn thân cứ run lên như ngọn cỏ trước gió. Còn mắt tôi thì cứ mờ đi, cả người cũng run lên, hai bàn tay lẩy bẩy… Thế mà tôi vẫn không bị mất tay lái thì cũng kì lạ thật. Nhưng rồi xe cũng lảo đảo đâm xuống rãnh, tôi tắt máy. Giữa lúc mắt còn mờ đi như vậy, tôi không dám chạy tiếp, sợ đâm phải người. Tôi dừng xe chừng năm phút, còn chú bé con trai của tôi cứ ghì chặt lấy tôi lặng im, run rẩy. Tay phải tôi quàng sang ôm lấy nó, khẽ áp nó vào người, còn tay trái tôi mở máy quay trở về nhà mình. Đến kho thóc làm gì nữa, khi mà tôi không còn bụng dạ nào để đi đến đó.

Tôi để xe cạnh cổng, bế con trai mới của tôi vào nhà. Còn nó thì hai tay bé bỏng cứ ôm chặt lấy cổ tôi, vào đến nơi vẫn không chịu buông ra. Nó áp chặt má vào cái má lởm chởm chưa cạo của tôi, cứ như là dán vào đó. Tôi cứ thế bế vào. May quá, cả hai vợ chồng nhà chủ đều đang ở nhà. Tôi bước vào, nháy mắt ra hiệu cho cả hai người rồi nói một cách phấn khởi: “Đây, tôi tìm được cháu Va-niu-ska của tôi rồi! Hai bác là người tốt bụng, cho chúng tôi ở nhờ nhé!”. Cả hai, những người không có con, lập tức hiểu ngay câu chuyện, cứ lăng xăng tíu tít. Còn tôi thì không làm sao dứt khỏi chú con trai. Cuối cùng, rồi cũng dỗ được nó. Tôi lấy xà phòng rửa tay cho nó rồi đặt ngồi vào bàn ăn. Bà chủ múc xúp bắp cải vào đĩa cho nó, rồi đứng nhìn nó ăn ngấu nghiến mà nước mắt ròng ròng. Bà đứng cạnh lò sưởi lấy tạp dề che mặt khóc. Bé Va-niu-ska của tôi thấy bác ấy khóc bèn chạy lại níu lấy vạt áo và nói: “Cô ơi, sao cô lại khóc? Bố cháu tìm thấy cháu ở gần hiệu giải khát, mọi người phải vui mừng chứ, sao cô lại khóc?”. Chao ôi, nghe nói thế bác ta lại càng đầm đìa nước mắt, càng khóc sướt mướt.

Sau bữa ăn trưa, tôi đưa nó tới hiệu cắt tóc, rồi về nhà đặt ngồi vào chậu giặt, tắm rửa xong rồi bọc nó vào tấm khăn trải giường sạch. Nó ôm lấy tôi và cứ thế ngủ thiếp đi. Tôi cẩn thận đặt nó lên giường, rồi cho xe chạy tới kho thóc, dỡ lúa mì xuống, đem xe về trạm để đó, chạy ra cửa hàng tạp hoá. Tôi mua cho nó một cái quần dạ, một sơ mi, đôi dép và một cái mũ lưỡi trai bằng sợi. Tất nhiên là tất cả mọi thứ đều không vừa và chất lượng cũng kém. Về cái quần dạ thì bà chủ đã quở tôi: “Bác điên hay sao, trời nóng thế này mà mặc quần dạ cho con!”. Và lập tức, chiếc máy khâu được đặt lên bàn; rương hòm được lục tung lên. Một giờ sau, Va-niu-ska của tôi đã có một chiếc quần đùi xa tanh và một sơ mi trắng cộc tay. Tôi ngủ chung với nó, và lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm tôi được ngủ một giấc yên lành. Nhưng trong đêm cũng phải dậy đến vài bốn bận. Tôi thức giấc, thấy nó rúc vào nách tôi như con chim sẻ dưới mái rạ, ngáy khe khẽ, tôi thấy lòng vui không lời nào tả xiết! Tôi không dám trở mình để nó khỏi thức giấc, nhưng rồi không nén được, tôi nhẹ nhàng ngồi dậy đánh diêm ngắm nhìn nó ngủ…

Tôi thức giấc trước khi trời sáng, không hiểu vì sao mà lại khó thở thế. Hoá ra chú con trai của tôi đã đạp tung khăn trải giường, bò lên nằm vắt ngang trên người tôi, xoạc chân ra, bàn chân bé nhỏ đè lên cổ họng tôi. Ngủ với nó thật không yên, nhưng quen hơi, không có nó thì buồn. Đêm đêm khi thì nhìn nó ngủ, khi thì thơm mái tóc xù của nó, trái tim tôi đã suy kiệt, đã bị chai sạn vì đau khổ, nay trở nên êm dịu hơn…

Thời gian đầu, nó còn theo tôi trong các chuyến xe, nhưng rồi tôi hiểu ra rằng như thế không có lợi. Chỉ một mình tôi thì cần gì đâu? Một mẩu bánh mì, một củ hành với tí muối, thế là đủ no cho một ngày của đời lính. Nhưng thêm nó thì khác: khi thì phải mua sữa cho nó, khi thì phải luộc quả trứng, không có thức ăn nóng cho nó là không xong. Nhưng công việc thì cần gấp. Tôi kiên quyết để nó ở nhà cho bà chủ chăm nom, nhưng nó cứ khóc suốt từ sáng cho đến tối, chiều tối chuồn ra kho thóc tìm tôi. Nó thường đợi tôi ở đó đến khuya.

Ban đầu thật là vất vả với nó. Có hôm trời còn sáng, hai bố con đã đi nằm ngủ – ban ngày tôi làm việc mệt lử người – còn nó, lúc thì cứ luôn luôn ríu rít như chim sẻ, có lúc không hiểu sao lại cứ tự nhiên im lặng. Tôi hỏi: “Con trai bố đang nghĩ gì đấy?”. Nó hỏi lại, mắt nhìn lên trần: “Bố ơi, cái áo bành tô bằng da của bố đâu rồi?”. Cả đời tôi, có bao giờ tôi có bành tô da nào đâu! Tôi đành phải đánh trống lảng: “Bố để lại ở Vô-rô-ne-giơ rồi!” – Tôi bảo nó. “Thế tại sao bố lại tìm con lâu thế?”. Tôi đáp: bố tìm con ở bên Đức, bên Ba Lan, và đi bộ, đi xe tìm khắp cả Bê-lô-ru-xi-a, mà con thì lại ở U-riu-pin-xcơ.”. – “Thế U-riu-pin-xcơ có gần nước Đức không hả bố? Thế Ba Lan có cách xa nhà ta lắm không?”. Đấy hai bố con cứ nói chuyện huyên thuyên như thế cho đến khi ngủ thiếp đi.

Anh bạn ạ, không phải là vô cớ mà nó hỏi về cái áo bành tô da đâu? Không, hoàn toàn không đơn giản. Tức là, ông bố đẻ của nó đã có thời mặc bành tô da, và nó chợt nhớ lại. Đấy, trí nhớ trẻ con cứ như quầng sáng mùa hạ, soi sáng tất cả trong chốc lát rồi vụt tắt. Trí nhớ của chú bé ấy cũng như vậy, như quầng sáng, cứ chợt loé lên như thế.

Cũng có thể là tôi và cháu bé còn ở U-riu-pin-xcơ, chừng hơn một năm nữa, nếu như hồi tháng mười một không bị chuyện rủi ro. Hôm ấy tôi lái xe đường lầy, đến một thôn nọ thì xe bị trượt, vừa lúc đó có một con bò quay lại, xe tôi chạm phải chân nó. Thế là như ta biết đấy, các bà gào thét ầm lên, người ta xúm lại, anh kiểm soát xe hơi lập tức đến ngay. Anh ta thu hồi bằng lái của tôi mặc dù tôi đã hết sức van nài mong anh rộng lượng tha thứ. Con bò đứng dậy, ve vẩy đuôi rồi chạy vào ngõ hẻm, còn tôi thì bị tước bằng lái. Mùa đông, tôi làm thợ mộc, rồi thư từ với một người bạn trước kia ở cùng đơn vị. Anh ta ở cùng một tỉnh với anh đấy, ở huyện Ka-sa-rư, làm nghề lái xe hơi – anh ấy mời tôi đến nhà anh ấy. Anh ấy viết thư bảo rằng đến đó tôi sẽ làm ở bộ phận thợ mộc chừng nửa năm, rồi ở tỉnh họ cấp lại bằng lái xe mới cho tôi. Thế là tôi và cháu bé cùng đi bộ tới Ka-sa-rư.

Mà nói thực với anh, nếu không xảy ra chuyện lôi thôi với con bò thì rồi tôi cũng vẫn rời U-riu-pin-xcơ. Nỗi đau buồn không cho tôi ở lâu mãi một chỗ được. Có lẽ phải đến khi nào cháu Va-niu-ska lớn lên, buộc lòng phải gửi cháu vào một trường học ổn định, thì may ra lúc ấy, nguôi bớt nỗi buồn, tôi mới có thể ở yên một chỗ. Còn bây giờ thì hai bố con cứ cuốc bộ khắp nước Nga.

– Cháu bé đi vất vả lắm nhỉ, – tôi nói.

– Cháu đi bộ ít thôi, phần lớn thời gian tôi cõng cháu. Tôi để nó ngồi lên vai và cứ thế đi, nếu muốn vận động cho dãn gân cốt thì nó lại tụt xuống chạy, tung tăng bên đường như con dê con. Anh bạn ạ, tất cả những điều ấy cũng chẳng sao, miễn là bố con chúng tôi sống được; nhưng mà quả tim của tôi đã rệu rã lắm rồi, đến phải thay pít-tông thôi… Có khi tự nhiên nó nhói lên, thắt lại và giữa ban ngày mà tối tăm mặt mũi. Tôi chỉ sợ lúc nào đó đang ngủ mà tôi chết luôn làm cho con trai tôi phải khiếp sợ. Lại còn thêm một nỗi khổ tâm này nữa: hầu như đêm nào tôi cũng chiêm bao thấy những người thân quá cố. Và lúc nào cũng thế, tôi ở bên này, sau hàng rào dây thép gai, còn vợ con thì tự do ở bên kia… Tôi nói đủ chuyện với I-ri-na, với các con nhưng chỉ vừa mới toan lấy tay đẩy dây thép gai ra, thì vợ con lại rời bỏ tôi, cứ như là vụt tan biến mất… Và đây là một điều rất kì lạ: ban ngày bao giờ tôi cũng trấn tĩnh được, không hở ra một tiếng thở dài, một lời than vãn, nhưng ban đêm thức giấc thì gối ướt đẫm nước mắt…

Trong rừng đã nghe tiếng đồng chí của tôi gọi, tiếng mái chèo vỗ nước.

Người khách lạ nhưng đã trở thành thân thiết đối với tôi đứng dậy, đưa bàn tay to bè cứng rắn như bằng gỗ:

– Tạm biệt anh bạn, chúc anh may mắn.

– Chúc anh đến Ka-sa-rư may mắn.

– Cảm ơn anh. Này con, sang đò đi.

Chú bé chạy tới, đứng bên phải bố, túm lấy vạt áo bông của bố, chạy lon ton cho kịp bước sải dài của người lớn.

Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ… Cái gì đang chờ đón họ ở phía trước? Thiết nghĩ rằng con người Nga đó, con người có ý chí kiên cường, sẽ đứng vững được và sống bên cạnh bố, chú bé kia một khi lớn lên sẽ có thể đương đầu với mọi thử thách, sẽ vượt qua mọi chướng ngại trên đường nếu như Tổ quốc kêu gọi.

Với một nỗi buồn thấm thía, tôi nhìn theo hai bố con… Có lẽ cuộc chia tay của chúng tôi sẽ thanh thản tốt đẹp hơn; nhưng Va-niu-ska, mới đi được ít bước, đôi chân lũn cũn chuệnh choạng, chợt quay lại nhìn tôi, vẫy bàn tay bé xíu hồng hồng. Bỗng như có một bàn chân con vật nào đó mềm mại nhưng móng sắc nhọn bóp lấy tim tôi, và tôi vội quay mặt đi. Không, không phải những người đứng tuổi đã bạc đầu trong chiến tranh chỉ khóc trong chiêm bao đâu. Họ cũng khóc trong thực tại đấy. Cái chính ở đây là phải biết kịp thời quay mặt đi. Cái chính ở đây là đừng làm tổn thương trái tim em bé, đừng để cho em thấy những giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi nóng bỏng lăn trên má anh.

(Tuyển tập Mi-khai-in Sô-lô-khốp, bản dịch của Nguyễn Duy Bình, NXB Cầu vồng, Mát-xcơ-va, 1987)

Dưới đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Số phận con người sgk Ngữ văn 12 tập 2 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Nội dung chi tiết câu trả lời từng câu hỏi các bạn xem dưới đây:


HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

Tóm tắt:

Mùa xuân 1946, “tôi” gặp cha con Sô-cô-lốp đang trên hành trình đến Ka-sa-rư. Trên chuyến đò, Sô-cô-lốp kể cho “tôi” cuộc đời bất hạnh của anh. Sô-cô-lốp bước vào chiến tranh để lại vợ và ba con nhỏ. Anh bị thương, bị bắt làm tù binh và bỏ trốn khỏi nhà tù Đức nhờ một lần được chúng huy động lái xe. Khi trở về, anh hay tin vợ và hai con gái đã chết. Niềm hi vọng cuối cùng là cậu con trai A-na-tô-li, một đại úy pháo binh, cũng bị phát xít Đức bắn chết. Sô-cô-lốp rơi vào cảnh không nhà cửa, không gia đình. Anh đến nhà một người bạn cũ ở U-riu-pin-xcơ và làm lái xe ở đây. Để chống chọi với nỗi mất mát, Sô-cô-lốp chìm trong men rượu mỗi tối. Cuộc đời anh thay đổi khi gặp và nhận nuôi cậu bé Va-ni-a mồ côi tội nghiệp. Việc này đã khiến cả hai cha con hạnh phúc và sung sướng vô cùng. Để nuôi con, anh bỏ rượu, khắc phục nhiều khó khăn trong công việc và nỗi đau đớn trong trái tim mình. Nhưng Sô-cô-lốp gặp xui xẻo khi đâm phải con bò, anh bị tước bằng lái. Sô-cô-lốp quyết định cùng con trai đến Ka-sa-rư nhờ một người bạn để tìm công việc mới và tiếp tục chăm lo cho con.

Bố cục: (3 phần)

– Phần 1: Từ đầu đến “chú bé đang nghịch cát đấy”: Trước khi Xô-cô-lốp và Va-ni-a gặp nhau.

– Phần 2: Tiếp theo đến “chợt lóe lên như thế”: Cuộc gặp gỡ giữa Xô-cô-lốp và bé Va-ni-a.

– Phần 3: Còn lại: Số phận của Xô – cô – lốp và niềm tin vào sức mạnh của con người Nga.

Nội dung chính: Tính cách nhân hậu và bản lĩnh kiên cường của con người Xô viết.


1. Câu 1 trang 124 Ngữ văn 12 tập 2

Hoàn cảnh và tâm trạng của An-đrây Xô-cô-lốp sau khi chiến tranh kết thúc và trước khi gặp bé Va-ni-a được miêu tả như thế nào?

Trả lời:

Hoàn cảnh và tâm trạng của An-đrây Xô-cô-lốp sau khi chiến tranh kết thúc và trước khi gặp bé Va-ni-a:

– Hoàn cảnh:

+ Chịu trăm ngàn cay đắng: “Tôi đã chôn chân trên đất người… cuối cùng của tôi”.

+ Không vợ con, không nhà cửa, không hi vọng, không trở về quê hương.

+ Trở thành người lang thang, ăn nhờ ở đậu, chìm trong men rượu để trốn tránh quá khứ.

⇒ Chiến tranh tước đoạt tất cả những gì quý giá nhất: quê hương, gia đình, tình yêu thương, niềm hi vọng.

– Tâm trạng:

+ Vỡ tung, mất hồn, rơi vào nỗi đau cùng cực, âm thầm chịu đựng, cô đơn.

+ Anh tìm đến rượu để dịu bớt nỗi đau.

+ Những giọt nước mắt: nỗi đau không thể diễn tả bằng lời.

⇒ Anh đã rơi vào cuộc sống bế tắc vô nghĩa

⇒ Bi kịch của con người trong chiến tranh.


2. Câu 2 trang 124 Ngữ văn 12 tập 2

Việc An-đrây Xô-cô-lốp nhận bé Va-ni-a làm con nuôi tác động lớn lao đến hai cha con như thế nào? Tâm hồn thơ ngây của bé Va-ni-a và lòng nhân hậu của An-đrây Xô cô-lốp được biểu hiện như thế nào? Điểm nhìn của người kể chuyện có giống điểm nhìn của nhân vật không?

Trả lời:

– Việc An-đrây Xô-cô-lốp nhận nuôi bé Va-ni-a tác động lớn lao đến cả hai cha con:

+ An-đrây Xô-cô-lốp tìm lại được ý nghĩa và mục đích sống, Va-ni-a tìm được nơi nương tựa và được yêu thương.

+ Cả hai đều sung sướng, hạnh phúc vô bờ khi được sưởi ấm bởi tình yêu thương.

+ Cả hai đều được xoa dịu những mất mát, đau đớn mà chiến tranh gây ra.

– Tâm hồn thơ ngây của bé Va-ni-a:

+ Vẻ ngoài lấm lem vì không được ai chăm sóc nhưng đôi mắt rất sáng.

+ Niềm hạnh phúc hồn nhiên, sôi nổi của trẻ thơ khi tìm lại được bố: như con chim chích, ríu rít líu lo, ôm hôn và không chịu tách rời An-đrây Xô-cô-lốp.

+ Thỉnh thoảng tư lự, vụt nhớ kí ức về người bố xưa (hỏi về áo bành tô của bố).

+ Hay đặt ra những câu hỏi cho bố, lúc ngủ vẫn hiếu động gác lên cổ bố.

– Tấm lòng nhân hậu của An-đrây Xô-cô-lốp:

+ Khi thấy tình cảnh tội nghiệp của Va-ni-a đã ngay lập tức quyết định nhận nuôi cậu bé

+ Vượt qua mọi khó khăn để chăm chút cho Va-ni-a được chu đáo; che chở, tránh mọi điều không hay có thể khiên Va-ni-a tổn thương hay phải bận lòng.

+ Chăm sóc Va- ni- a như con đẻ.

+ Âm thầm chịu đựng những đau khổ vì sợ Va – ni – a đau khổ.

⇒ Người giàu lòng yêu thương, trách nhiệm

– Điểm nhìn của người kể chuyện cũng trùng khớp, đồng cảm với điểm nhìn của nhân vật.

⇒ Điểm nhìn chan chứa tình yêu thương, hướng tới cuộc sống bình yên, tâm hồn trong sáng của trẻ thơ, đầy giá trị nhân đạo.


3. Câu 3 trang 124 Ngữ văn 12 tập 2

An-đrây Xô-cô-lốp đã vượt lên nỗi đau và sự cô đơn như thế nào (khó khăn trong đời thường, chiêm bao ám ảnh và nỗi đau không nguôi)?

Trả lời:

An-đrây Xô-cô-lốp đã vượt lên nỗi đau và sự cô đơn:

– Khắc phục khó khăn của cuộc sống thường ngày để chăm lo cho Va-ni-a, tập làm quen với việc chăm sóc trẻ nhỏ.

– Từ bỏ rượu, nỗ lực làm việc để nuôi con.

– Mất việc vì đâm phải con bò, anh kiên cường đưa con cuốc bộ đến Ka-sa-rư tìm công việc mới.

– Chống chọi với nỗi đau mất vợ con vẫn âm ỉ tìm về trong giấc mộng hàng đêm.


4. Câu 4 trang 124 Ngữ văn 12 tập 2

Nhận xét về thái độ của người kể chuyện. Ý nghĩa lời trữ tình ngoại đề ở cuối tác phẩm.

Trả lời:

– Thái độ của người kể chuyện: Yêu quý, cảm phục Xô-cô-lốp; xúc động mãnh liệt trước nghị lực và nhân cách của Xô-cô-lốp.

– Ý nghĩa lời trữ tình ngoại đề ở cuối truyện “Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ… nếu như Tổ quốc kêu gọi”:

+ Tác giả bày tỏ khâm phục và tin tưởng ở tính cách Nga kiên cường.

+ Nhắc nhở và kêu gọi sự quan tâm của xã hội đối với nhân cách con người và góp tiếng nói lên án chiến tranh phi nghĩa.

+ Nhắc nhở, kêu gọi sự quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội đối với mỗi số phận cá nhân bất hạnh.


5. Câu 5 trang 124 Ngữ văn 12 tập 2

Theo anh (chị), qua đoạn đích này, Sô-lô-khốp nghĩ gì về số phận con người?

Trả lời:

– Số phận con người luôn thăng trầm, biến động với vô vàn thử thách dù là trong cuộc sống đời thường hay trong chiến tranh mất mát.

– Sô-lô-khốp thể hiện niềm tin yêu cháy bỏng vào sức mạnh kiên cường, lòng dũng cảm và nghị lực của con người sẽ vượt qua tất cả nỗi đau và thử thách.

– Nhà văn ngợi ca sự cống hiến thầm lặng của mỗi cá nhân cho Tổ quốc và cũng kêu gọi trách nhiệm, sự quan tâm trở lại của Tổ quốc đối với họ.


LUYỆN TẬP

1. Câu 1 trang 124 Ngữ văn 12 tập 2

Tìm cái mới của truyện ngắn Số phận con người trong việc miêu tả cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.

Trả lời:

Điểm mới của truyện “Số phận con người” trong việc miêu tả cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân đân Liên Xô:

– Không tô vẽ, nhìn thẳng những mất mát, đau đớn mà chiến tranh mang lại.

– Quan tâm đến số phận những con người bình dị, nỗi đau và cuộc sống thường nhật của họ sau chiến tranh.

– Đặt con người trong vô vàn thử thách nhưng thể hiện niềm tin vào sức mạnh và nghị lực của con người trong hành trình đến tương lai.


2. Câu 2 trang 124 Ngữ văn 12 tập 2

Tưởng tượng và viết một đoạn văn về cuộc sống tương lai của hai bố con An-đrây Xô-cô-lốp.

Trả lời:

Sau những ngày tháng cuốc bộ ròng rã, cha con Xô-cô-lốp cũng đến được Ka-sa-rư. Ở đây, anh làm việc chăm chỉ trong một xưởng mộc. Dù vợ người bạn Xô-cô-lốp ngỏ ý giúp anh trông Va-ni-a nhưng cậu bé chẳng chịu ở nhà mà ngày ngày quanh quẩn ở xưởng mộc để được gần bố. Những giấc mơ về I-ri-na và các con vẫn tìm về với anh hàng đêm cùng những giọt nước mắt và trái tim quặn thắt. Va-ni-a tuy nhỏ nhưng đã dần biết quan tâm đến Xô-cô-lốp làm anh vô cùng cảm động và càng có thêm nghị lực. Nửa năm sau, anh được cấp lại bằng lái xe nhưng vì con, anh không nghĩ đến nghề lái xe nữa. Sau gần một năm, Xô-cô-lốp cùng con lại rời Ka-sa-rư và lang bạt đến nhiều vùng đất mới của nước Nga. Những chuyến đi khiến trái tim anh được khuây khỏa. Những hành trình ấy chỉ khép lại khi Va-ni-a đến tuổi đi học. Xô-cô-lốp cũng quyêt định dừng chân ngay giữa thủ đô Mat-xcơ-va, trái tim của nước Nga, để cùng con học tập và làm việc.


CÁC BÀI VĂN HAY


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Số phận con người sgk Ngữ văn 12 tập 2 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các em làm bài Ngữ văn thật tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com