Hướng dẫn Soạn bài Sự việc và nhân vật trong văn tự sự sgk Ngữ văn 6 tập 1

Hướng dẫn Soạn Bài 3 sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập một. Nội dung bài Soạn bài Sự việc và nhân vật trong văn tự sự sgk Ngữ văn 6 tập 1 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, tự sự, cảm thụ, phân tích, thuyết minh… đầy đủ các bài văn mẫu lớp 6 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn lớp 6.

Soạn bài Sự việc và nhân vật trong văn tự sự sgk Ngữ văn 6 tập 1
Soạn bài Sự việc và nhân vật trong văn tự sự sgk Ngữ văn 6 tập 1

I – Đặc điểm của sự việc và nhân vật trong văn tự sự

1. Sự việc trong văn  tự sự

– Sự việc trong văn tự sự phải được lựa chọn và sắp xếp theo một trình tự hợp lý

– Sự việc trong văn tự sự phải được trình bày một cách cụ thể , chi tiết, thể hiện rõ ở các yếu tố:

+ Yếu tố 1: Ai làm? (Nhân vật là ai)

+ Yếu tố 2: Việc xảy ra ở đâu? (Địa điểm)

+ Yếu tố 3: Việc xảy ra lúc nào? (Thời gian)

+ Yếu tố 4: Việc diễn biến như thế nào? (Qúa trình)

+ Yếu tố 5: Việc xảy ra do đâu? (Nguyên nhân)

+ Yếu tố 6: Việc kết thúc như thế nào? (Kết quả)

– Sự việc trong văn tự sự phải được lựa chọn sao cho phù hợp với tư tưởng chủ đề.

Ví dụ: Sự việc trong truyện “Sơn Tinh, Thuỷ Tinh

+ Do ai làm?: Thần núi, thần nước.

+ Địa điểm: Đất Phong Châu .

+ Thời gian: Vua Hùng Vương thứ 18.

+ Nguyên nhân: Thuỷ Tinh không lấy được vợ.

+ Diễn biến: Trận đánh nhau dai dẳng của hai thần hàng năm.

+ Kết quả: Thuỷ Tinh thua trận nhưng không cam chịu.

⇒ Ca ngợi sự chiến thắng lũ lụt của Sơn Tinh (của nhân dân).

2. Nhân vật trong tự sự

– Nhân vật trong Nhân vật trong tự sự là người được thể hiện trong văn bản và là người thực hiện (làm ra) các sự việc.

– Nhân vật chính: Được kể, nói tới nhiều nhất, đóng vai trò chủ yếu trong việc thể hiện chủ đề văn bản.

– Nhân vật phụ: Giúp nhân vật chính hoạt động trong các sự việc, có mối quan hệ với nhân vật chính

– Cách kể về nhân vật:

+ Gọi tên, đặt tên.

+ Giới thiệu đặc điểm (lai lịch, tài năng).

+ Kể việc làm.

+ Được miêu tả (chân dung, hình dáng).


1. Trả lời câu hỏi 1 trang 37 sgk Ngữ văn 6 tập 1

a) Xem các sự việc trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh:

(1) Vua Hùng kén rể.

(2) Sơn Tinh, Thủy Tinh đến cầu hôn.

(3) Vua Hùng ra điều kiện kén rể.

(4) Sơn Tinh đến trước, được vợ.

(5) Thủy Tinh đến sau, tức giận, dâng nước đánh Sơn Tinh.

(6) Hai bên giao chiến hàng tháng trời, cuối cùng Thủy Tinh thua, rút về.

(7) Hằng năm Thủy Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh, nhưng đều thua.

Em hãy chỉ ra sự việc khởi đầu, sự việc phát triển, sự việc cao trào và sự việc kết thúc trong các sự việc trên và cho bết mối quan hệ của chúng.

b) Sự việc trong văn tự sự phải được kể cụ thể: do ai làm, việc xảy ra ở đâu, lúc nào, nguyên nhân, diễn biến, kết quả. Em hãy chỉ ra sáu yếu tố đó trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh. Theo em có thể xóa bỏ yếu tô” thời gian và địa điểm trong truyện này được không, vì sao? Việc giới thiệu Sơn Tinh có tài có cần thiết không? Nếu bỏ sự việc vua Hùng ra điều kiện kén rể đi có được không? Việc Thủy Tinh nổi giận có lí hay không? Lí ấy ở những việc nào?

c) Em hãy cho biết sự việc nào thể hiện mối thiện cảm của người kể đối với Sơn Tinh và vua Hùng? Việc Sơn Tinh thắng Thủy Tinh nhiều lần có ý nghĩa gì? Có thể để cho Thủy Tinh thắng Sơn Tinh được không? Vì sao? Có thể xóa bỏ sự việc “Hằng nám Thủy Tinh lại dâng nước..” được không? Vì sao?

Trả lời:

a) Ta thấy:

Sự kiện Ý nghĩa
Vua Hùng kén rể Sự việc khởi đầu
Vua Hùng ra điều kiện kén rể Sự việc phát triển
Sơn Tinh, Thủy Tinh đến cầu hôn
Sơn Tinh đến trước lấy được vợ
Thủy Tinh đến sau, tức giận, dâng nước đánh Sơn Tinh. Sự việc cao trào
Hai bên giao chiến hàng tháng trời, cuối cùng Thủy Tinh rút về
Hằng năm Thủy Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng đều thua. Sự việc kết thúc.

– Mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện: Sự việc trước là nguyên nhân của sự việc sau, sự việc sau là kết quả của sự việc trước và là nguyên nhân của sự việc sau nữa, cứ thế tiếp diễn.

– Mối quan hệ có thể khái quát như sau: Chuỗi sự vật sự việc này → chuỗi sự vật sự việc kia → sự việc kết thúc thể hiện một ý nghĩa.

b) – Sáu yếu tố cụ thể cần thiết của sự việc trong truyện là:

+ Ai làm? (nhân vật): Hùng Vương, Sơn Tinh, Thủy Tinh.

+ Xảy ra ở đâu?: Ớ Phong Châu, đất của vua Hùng.

+ Xảy ra lúc nào?: Xảy ra thời Hùng Vương.

+ Nguyên nhân: Sự ghen tuông dai dẳng của Thủy Tinh.

+ Diễn biến: Những trận đánh nhau dai dẳng của hai thần hằng năm.

+ Kết quả: Thủy Tinh thua nhưng không cam chịu. Hằng năm cuộc chiến giữa hai thần vẫn xảy ra.

– Không thể xóa bỏ yếu tố thời gian và địa điểm trong truyện được, vì: cốt truyện sẽ thiếu sức thuyết phục, không còn mang ý nghĩa truyền thuyết.

– Việc giới thiệu Sơn Tinh có tài là rất cần thiết vì như thế thì mới có thể chống chọi nổi với Thủy Tinh.

– Nếu bỏ sự việc vua Hùng ra điều kiện kén rể cũng không được, vì không có lí do để hai thần thi tài.

– Việc Thủy Tinh nối giận có lí, vì:

+ Thần rất kiêu ngạo, cho rằng mình chẳng kém Sơn Tinh. Nay chỉ vì chậm chân mà mất vợ, nên bực tức.

+ Tính ghen tuông ghê gớm của Thủy Tinh.

c) Sự việc thể hiện mối thiện cảm của người kể với Sơn Tinh:

– Sơn Tinh được kể trước, được giới thiệu “có tài lạ”, lấy được vợ và chiến thắng.

– Sơn Tinh thắng Thủy Tinh 2 lần và mãi mãi là chi tiết giàu ý nghĩa:

+ Đây là chiến thắng tất yếu.

+ Chiến thắng của Sơn Tinh cũng chính là chiến thắng của nhân dân trong phòng chống thiên tai.

– Không thể để cho Thủy Tinh chiến thắng Sơn Tinh vì Thủy Tinh là biểu hiện của sự hủy diệt.

– Không thể xóa bỏ chi tiết “hàng năm Thủy Tinh lại dâng nước” vì đó là sự lý cho việc xuất hiện của lũ lụt.


2. Trả lời câu hỏi 2 trang 38 sgk Ngữ văn 6 tập 1

a) Nhân vật trong văn tự sự vừa là kẻ thực hiện các sự việc, vừa là kẻ được nói tới, được biểu dương hay bị lên án. Em hãy kể tên các nhân vật trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh và cho biết:

–  Ai là nhân vật chính, có vai trò quan trọng nhất?

–  Ai là nhân vật được nói đến nhiều nhất?

–   Ai là nhân vật phụ? Nhân vật phụ có cần thiết không? Có thể bỏ được không?

b) Nhân vật trong văn tự sự được kể như thế nào?

–  Được gọi tên, đặt tên:

–  Được giới thiệu lai lịch, tính tình, tài năng:

–  Được miêu tả chân dung, trang phục, trang bị, dáng điệu,…

Hãy cho biết các nhân vật trong truyện Sơn tinh, Thủy tinh được kể như thế nào.

Trả lời:

a) Trong truyện Sơn Tinh Thủy Tinh:

– Sơn Tinh và Thủy Tinh là nhân vật chính và có vai trò quan trọng nhất.

– Sơn Tinh, Thủy Tinh được nhắc tới nhiều nhất.

– Vua, Mị Nương và các lạc thần là các nhân vật phụ nhưng rất cần thiết, không thể bỏ được.

b) Nhân vật trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh được kể:

Nhân vật Tên gọi Lai lịch Tài năng Việc làm
Vua Hùng Vua Hùng Đời vua thứ mười tám Kén rể, bàn bạc với Lạc hầu
Sơn Tinh Sơn Tinh Vùng núi Tản Viên Vẫy tay… dời núi, tìm được lễ vật trước Cầu hôn, ngăn lũ
Thủy Tinh Thủy Tinh Miền biển Hô mưa gọi gió Cầu hôn, dâng nước gây lũ
Mị Nương Mị Nương Con gái Vua Hùng Đẹp người đẹp nết Theo Sơn Tinh về
Lạc hầu Lạc hầu Bàn bạc

II – Luyện tập

1. Trả lời câu hỏi 1 trang 38 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Chỉ ra những việc mà các nhân vật trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đã làm:

–  Vua Hùng: …

–  Mị Nương: …

–  Sơn Tinh: …

–  Thủy Tinh: …

a) Nhận xét vai trò, ý nghĩa của các nhân vật.

b) Tóm tắt truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh theo sự việc gắn với các nhân vật chính.

c) Tại sao lại gọi là Sơn Tinh, Thủy Tinh? Nếu đổi bằng các tên sau có được không?

–  Vua Hùng kén rể

–  Truyện vua Hùng, Mị Nương, Sơn Tinh và Thủy Tinh.

–  Bài ca chiến công của Sơn Tinh.

Trả lời:

Những việc mà các nhân vật trong truyện Sơn Tinh Thủy Tinh đã làm:

– Vua Hùng: kén rể, mời lạc hầu vào bàn bạc, gả Mị Nương cho Sơn Tinh.

– Mị Nương: lấy Sơn Tinh, theo chàng về núi.

– Sơn Tinh: đến cầu hôn, đem sính lễ đến trước, rước được Mị Nương về núi, dùng phép lạ đánh nhau với Thủy Tinh…

– Thủy Tinh: Đến cầu hôn, đem lễ đến sau, không lấy được Mị Nương đùng đùng nổi giận, hô mưa, gọi gió, làm thành giông bão đánh Sơn Tinh. Thủy Tinh vẫn phải chịu thua Sơn Tinh. Hằng năm, vẫn cứ đánh nhau với thần núi.

a) Vai trò, ý nghĩa của các nhân vật:

– Vua Hùng: nhân vật phụ nhưng không thể thiếu vì ông là người quyết định cuộc hôn nhân.

– Mị Nương: nhân vật phụ nhưng cũng không thể thiếu vì nếu không có nàng thì hai thần đã không đánh nhau.

– Sơn Tinh: nhân vật chính, đối lập với Thủy Tinh, là người anh hùng chống lũ lụt của nhân dân Việt cổ.

– Thủy Tinh: nhân vật chính, đối lập với Sơn Tinh, là người tạo ra lũ lụt.

b) Tóm tắt truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh” theo sự việc gắn với các nhân vật chính:

– Sơn Tinh và Thủy Tinh đến cầu hôn.

– Vua Hùng ra điều kiện, có ý thiên vị Sơn Tinh.

– Sơn Tinh đến trước lấy được vợ, Thủy Tinh đến sau không lấy được Mị Nương đuổi theo Sơn Tinh để cướp nàng.

– Trận đánh dữ dội giữa hai thần: Kết quả : Sơn Tinh thắng, Thủy Tinh thua.

– Hằng năm, hai thần vẫn kịch chiến mấy tháng trời nhưng lần nào Thủy Tinh cũng thua.

c) Tác phẩm được đặt là “Sơn Tinh, Thủy Tinh” là vì tên của hai thần – hai nhân vật chính trong truyện.

Không nên đổi tên khác vì có tên truyện chưa nói rõ nội dung chính của truyện, có tên thì lại thừa nên giữ nguyên là cách hay nhất.

Tuy nhiên cũng có thể sử dụng tên truyện: Bài ca chiến công của Sơn Tinh, vì nó phù hợp với nội dung của truyện.


2. Trả lời câu hỏi 2 trang 39 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Cho nhan đề truyện: Một lần không vâng lời. Em hãy tưởng tượng để kể một câu chuyện theo nhan đề ấy. Em dự định sẽ kể sự việc gì, diễn biến ra sao, nhân vật của em là ai?

Trả lời:

Mở bài:

– Cho biết thời gian xảy ra sự việc.

– Sự việc đó là gì và em cảm thấy như thế nào?

Thân bài:

– Diễn biến sự việc:

+ Hoàn cảnh khiến em gây ra lỗi lầm.

+ Hành động của em gây ra hậu quả như thế nào?

+ Em có suy nghĩ gì về những hành động sai trái đó?

Kết bài:

– Viết ra những cảm nghĩ của em về những lỗi lầm mắc phải và quyết tâm sửa chữa để cuộc sống tốt

Ví dụ:

– Kể việc gì? (Không nghe lời mẹ dặn.)

– Diễn biến sự việc? (Chiều thứ 7, mẹ dặn ở nhà nhớ làm bài tập Toán để tối về mẹ cho đi chơi nhưng em không nghe lời chỉ có xem ti vi và rủ các bạn sang chơi. Kết quả: bài tập chưa làm, tối về em bị phạt và không được đi chơi cùng gia đình).

– Nhân vật chính ai? (Là chính bản thân em).

Bài tham khảo 1:

Khi tôi học lớp 5, đã có một chuyện xảy ra khiến tôi không thể nào quên.

Hôm đó, tôi được nghỉ học. Trước khi đi làm, mẹ dặn tôi ở nhà trông nhà không được ra ngoài nắng chơi. Tôi hứa với mẹ sẽ ở nhà dọn dẹp nhà cửa và làm hết bài tập. Mẹ vừa mới đi làm, tôi liền khóa cửa và rủ Vinh ra công viên chơi (Vinh là bạn thân của tôi, chúng tôi chơi thân với nhau từ khi còn học mẫu giáo). Hôm đó, hai đứa tôi lên kế hoạch sẽ đi thám hiểm ở công viên nên chúng tôi còn mang theo đồ ăn trưa vì sợ đói bụng. Chúng tôi hăm hở lên đường. Từ nhà tôi đi bộ ra công viên không xa lắm nên chỉ một lúc chúng tôi đến công viên.

Quãng đường khá xa nên đôi chân đã mỏi. Chúng tôi ngồi bệt xuống cỏ nghỉ một lúc. Suốt cả ngày hôm đó, chúng tôi nô đùa, đuổi theo những chú bướm đang bay lượn giữa những khóm hoa, chơi đuổi bắt quanh đồi. Thậm chí, chúng tôi còn chơi cả đá bóng cùng bọn trẻ ở đấy. chúng tôi mải mê chơi, quên cả thời gian và mặc cho ông mặt trời mùa hè đang chiếu những tia nắng thiêu cháy cả mặt đường.

Mồ hôi chảy dài trên mặt hai đứa, áo ướt đẫm nhưng vẫn không làm giảm nhiệt tình của chúng tôi. Mãi đến lúc xế chiều, khi đã thám hiểm và chơi chán các trò ở công viên chúng tôi mới nhận ra là đã muộn. Hai đứa cuống cuồng chạy về nhà. Đến lúc này, tôi mới thấy lo lắng vì không nghe lời mẹ dặn.

Mẹ về mà biết tôi đi chơi, chắc chắn tôi sẽ bị ăn đòn. Tôi vội vàng lao vào nhà tắm, phải tắm gội trước khi mẹ về. Nếu nhìn quần áo mình như thế này, mẹ sẽ biết mình đi chơi.

Nhưng tôi không thể ngờ, tối đó tôi bị sốt. Chắc do tại cả ngày bêu nắng, chiều về lại tắm nên tôi bị ốm. Tôi sốt, nằm ly bì, người nóng hầm hập, cổ họng thì khô đắng. Mỗi lần tôi mở mắt là mỗi lần tôi nhìn thấy bóng mẹ đang ngồi ở đầu giường. Mẹ nhúng ướt khăn mặt đắp lên vầng trán nóng hổi của tôi.

Nhìn khuôn mặt lo lắng của mẹ, đôi mắt mẹ đầy lo âu tôi cảm thấy mẹ dường như đã già hơn thường ngày. Lúc này, tôi chỉ mong mình khỏi ốm để kể chuyện cười cho mẹ nghe, để được ôm mẹ vào lòng và nũng nịu với mẹ. Tôi định mở miệng nói xin lỗi mẹ nhưng môi tôi khô khốc, cổ họng đắng nghét, tôi không nói ra lời, mẹ tưởng tôi khát nước, mẹ đi lấy nước cam cho tôi uống.

Lúc này, tôi thấy ân hận quá. Sao tôi lại mải chơi khiến mẹ phải buồn lòng. Mẹ hỏi tôi có mệt không, có muốn ăn thứ gì không. Như mọi khi là tôi có thể kể ra đủ thứ nhưng lúc này tôi chẳng muốn ăn gì cả. Tôi chỉ thương mẹ. Mẹ đã phải xin nghỉ làm để chăm sóc tôi. Đến hôm thứ ba, tôi khỏi bệnh.

Nhìn đôi mắt mẹ trũng sâu và thâm quầng, tôi thương mẹ quá. Tôi định nói lời xin lỗi mẹ nhưng mẹ đã chặn lại, mẹ bảo: “Con đã nhận ra sai lầm của mình, mẹ không mắng con nữa, con hãy nhớ đây là một bài học“. Nghe mẹ nói, tôi bật khóc.

Mẹ ôm tôi vào lòng. Trong lòng mẹ, tôi thầm hứa sẽ không bao giờ nói dối mẹ, luôn nghe lời mẹ. Tôi sẽ học thật giỏi để mẹ vui lòng. Tôi chỉ muốn nhìn thấy mẹ vui.

Bài tham khảo2:

MỘT LẦN KHÔNG VÂNG LỜI

Nam là học sinh lớp 6A. Tính Nam rất hiếu động nên hôm qua, trước khi đi chợ xa mẹ dặn Nam: “Ở nhà một mình con chớ nghịch ngợm và đặc biệt không được trèo cây, vì trèo cây là nguy hiếm lắm đó!” Nam trả lời mẹ: “Dạ con nhớ mẹ ạ”. Thế nhưng mẹ vừa ra khỏi nhà Nam đã quên ngay lời mẹ dặn chạy tót ra vườn chơi. Ra đến vườn Nam đi hết gốc cây này sang gốc cây khác, chợt Nam nhìn thấy trên một cành xoài cao có một quả đã ửng vàng. Xoài đầu mùa ngon tuyệt! Nam không nín được cơn thèm! Thế là việc trèo cây bắt đầu.

Nam bám hai tay vào thân xoài và quặp hai bàn chân vào phía dưới rồi  cứ thế   nhích lên từng đoạn một. Khi một tay đã níu được một cành xoài lớn. Nam đu  người lên rồi đứng thẳng lên cành xoài. Nam với tay ra hái trái xoài chín nhưng trái xoài nằm ở cành trên, với không tới. Nam lại phải trèo tiếp lên cao rồi   nhoài người

ra hái trái xoài treo đung đưa ở đầu cành. Khi tay Nam vừa đụng vào trái xoài chín, cảm giác sung sướng chưa kịp đến thì bỗng rắc một cái, cành cây mà Nam đang đứng gãy gục. Nam tuột tay rơi bịch xuống đất, nằm sóng soài bất tỉnh. Lát sau  Nam tỉnh lại thì thấy đùi trái đau nhức. Nam lê lết mãi mới vào được trong nhà bò lên giường nằm. Khi mẹ về thì chân Nam lại càng đau.  Nam rên lên vì đau đớn.  Mẹ hoảng hốt đưa Nam đi bệnh viện, sau khi chụp X quang xong bác sĩ  bảo:  Xương đùi trái bị gãy phải bó bột”.

Hơn hai tháng trời mẹ phải ròng rã chở Nam vào tận cửa lớp, rồi lại vào tận cửa để đón Nam về. Đến lớp Nam phải ngồi bất động một chỗ nhìn bạn bè vui đùa mà  lòng khát khao biết mấy.

Sau lần gãy xương đó Nam ân hận vô cùng vì đã không nghe lời mẹ. Nam tự hứa, sẽ không bao giờ dám trái lời ba mẹ nữa.

(Theo Trần Công Tùng, Lê Thuý Nga – Học tốt Ngữ Văn 6)


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Sự việc và nhân vật trong văn tự sự sgk Ngữ văn 6 tập 1 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các bạn làm bài Ngữ văn tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com