Soạn bài Thực hành phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ sgk Ngữ văn 10 tập 1

Nội dung bài Soạn bài Thực hành phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ sgk Ngữ văn 10 tập 1 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, phân tích, cảm nhận, thuyết minh, nghị luận,… đầy đủ các bài văn lớp 10 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn và ôn thi THPT Quốc gia.


I – ẨN DỤ

1. Câu 1 trang 135 Ngữ văn 10 tập 1

Đọc những câu ca dao sau và trả lời câu hỏi.

(1) Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

(2) Trăm năm đành lỗi hẹn hò,
Cây đa bến cũ, con đò khác đưa.

a) Anh (chị) có nhận thấy trong hai câu ca dao trên, những từ thuyền, bến, cây đa, con đò,… không chỉ là thuyền, bến,… mà con mang một nội dung ý nghĩa haòn toàn khác không? Nội dung ý nghĩa ấy là gì?

b) Thuyền, bến (câu 1) và cây đa bến cũ, con đò (câu 2) có gì khác nhau? Làm thế nào để hiểu đúng nội dung hàm ẩn trong hai câu đó?

Gợi ý: Có hai cách để suy ý đúng:

– Đặt quan hệ song song: thuyền – bến, bến cũ – con đò (quan hệ giữa những vật cần có nhau, nhưng bến thì cố định, còn thuyền, đò thì di chuyển, không cố định).

– So sánh ngầm: liên tưởng đến những người có quan hệ tình cảm gắn bó nhưng phải xa nhau.

Trả lời:

a) Ngoài nghĩa đen, các từ thuyền, bến, cây đa, con đò còn có ý nghĩa khác:

– Bến, cây đa: những vật cố định, không di chuyển → giống người con gái thời xưa thường ổn định, thụ động.

– Thuyền, con đò: những vật không cố định, thường di chuyển → giống người con trai thường di chuyển, đi lại đó đây và chủ động.

b) Thuyền – bến, bến cũ – con đò có mối quan hệ song song, là những vật cần có nhau, luôn gắn bó với nhau.

⇒ Ngầm so sánh với những người có quan hệ tình cảm gắn bó nhưng phải xa nhau.

– Câu 1: bày tỏ nỗi nhớ và sự thủy chung của bến (người con gái) đối với thuyền (người con trai).

– Câu 2: bày tỏ sự tiếc nuối ngậm ngùi, chua xót của bến cũ (người con gái) khi tình yêu dang dở, phải gắn bó với một con đò khác (người con trai khác).


2. Câu 2 trang 135 Ngữ văn 10 tập 1

Tìm và phân tích phép ẩn dụ trong những đoạn trích sau:

(1) Dưới trăng quyên đã gọi hè,
Đầu tường lửa lựu lập lèo đâm bông.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

(2) Vứt đi những thứ văn nghệ ngòn ngọt, bày ra sự phè phỡn thỏa thuê hay cay đắng chất độc của bệnh tật, quanh quẩn vài tình cảm gầy gò của cá nhân co rúm lại. Chúng ta muốn có những cuốn tiểu thuyết, những câu thơ thay đổi được cả cuộc đời người đọc – làm thành người, đẩy chúng ta lên một sự sống trước kia chỉ đứng xa nhìn thấp thoáng.

(Nguyễn Đình Thi, Nhận đường)

(3) Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

(Thanh Hải, Mùa xuân nho nhỏ)

(4) Thác bao nhiêu thác cũng qua,
Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời

(Tố Hữu, Nước non ngàn dặm)

(5) Xưa phù du (1) mà nay đã phù sa,
Xưa bay đi mà nay không trôi mất.

(Chế Lan Viên, Nay đã phù sa)

Trả lời:

(1) lửa lựu lập lòe: những bông lựu đỏ như những đốm lửa lập lòe ẩn hiện trong tán lá à miêu tả cảnh sắc mùa hè một cách sinh động, có hình sắc và linh hồn.

(2) thứ văn nghệ ngòn ngọt, sự phè phỡn thỏa thuê, tình cảm gầy gò: chỉ thứ văn chương dễ dãi, hời hợt, nông cạn.

(3) giọt: ngầm so sánh, liên tưởng tiếng chim chiền chiện như những giọt âm thanh hữu hình, sống động, có thể nhìn thấy được.

(4) thác: chỉ khó khăn, thử thách; thuyền: chỉ cuộc đời con người.

(5) phù du: chỉ cuộc đời ngắn ngủi, mong manh, tầm thường phù sa: chỉ cuộc đời ý nghĩa.


3. Câu 3 trang 136 Ngữ văn 10 tập 1

Quan sát một vật gần gũi quen thụôc, liên tưởng đến một vạt khác có điểm giống với vật đó và viết câu văn có dùng phép ẩn dụ.

Trả lời:

– Nếu không vượt ra ngoài những chiếc lồng tư duy, chúng ta sẽ thật khó để nhìn ra thế giới và bắt kịp các quốc gia khác.

– Tôi ghét cái mũi cà chua của mình. (mũi cà chua: mũi đỏ và to như quả cà chua).

– Đất trời trở mình sang mùa, đã thấy cái lành lạnh của gió.

– Ông T vẫn ngồi đó. Ông đang nhớ về cái đêm tối tăm nhất của đời ông.


II – HOÁN DỤ

1. Câu 1 trang 136 Ngữ văn 10 tập 1

Đọc những câu sau và trả lời câu hỏi.

(1) Đầu xanh đã tội tình gì,
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

(2) Áo nâu liền với áo xanh,
Nông thôn liền với thị thành đứng lên.

(Tố Hữu, Ba mươi năm đời ta có Đảng)

a) Dung những cụm từ đầu xanh, má hồng, nhà thơ Nguyễn Du muốn nói điều gì và ám chỉ nhân vật nào trong Truyện Kiều? Cũng như vậy, dùng những cụm từ áo nâu, áo xanh, Tố Hữu muốn chỉ lớp người nào trong xã hội ta?

b) Làm thế nào để hiểu đúng một đối tượng khi nhà thơ thay đổi tên gọi của đối tượng đó?

Gợi ý: Lấy một đặc điểm tiêu biểu của đối tượng quan sát, chẳng hạn lấy một bộ phận cơ thể, một vận dụng, một tính chất,… để gọi tên nhân vật, đó là phép hoán dụ nói chung. Hoán dụ tu từ là biện pháp thay đổi một tên gọi quen thuộc bằng một tên gọi khác nhờ có sự phát hiện mới về đối tượng đó theo quan hệ gần gũi với một đối tượng khác.

Trả lời:

a) – Đầu xanh: chỉ người trẻ tuổi;

– Má hồng: chỉ người con gái đẹp, trong câu thơ này còn chỉ thân phận gái lầu xanh

⇒ Nguyễn Du dùng những cách nói hình ảnh để chỉ nàng Kiều với số phận bi kịch khi tuổi xuân và nhan sắc của nàng bị vùi dập trong chốn lầu xanh.

Áo nâu: chỉ người nông dân;

– Áo xanh: chỉ người công nhân.

b) Căn cứ vào mối quan hệ gần gũi, quen thuộc, hay đi đôi hoặc chỉnh thể – bộ phận để hiểu đúng đối tượng khi nhà thơ thay đổi tên gọi của đối tượng.


2. Câu 2 trang 137 Ngữ văn 10 tập 1

Thôn Đoại ngồi nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đòai nhớ trầu không thôn nào.

(Nguyễn Bính, Tương tư)

a) Câu thơ trên có cả hoán dụ và ẩn dụ. Anh (chị) hãy phân biệt hai phép tu từ đó.

b) Cùng bày tỏ nỗi nhớ người yêu, nhưng câu Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông khác với câu ca dao Thuyền ơi có nhớ bến chăng… ở điểm nào?

Gợi ý: Ẩn dụ “cau thôn Đoài” và “trầu không thôn nào” tuy được dùng trong một câu hỏi lấp lửng (câu hỏi tu từ) nhưng lại ám chỉ người thôn Đoài và thôn Đông. Đây là cách diễn đạt phù hợp với tâm trạng của người đang yêu, phù hợp với cách nói lấp lửng, bóng gió trong tình yêu đôi lứa.

Trả lời:

a) – Hình ảnh hoán dụ gồm có thôn Đoài (chỉ người thôn Đoài), thôn Đông (chỉ người thôn Đông).

– Hình ảnh ẩn dụ gồm có cau thôn Đoài, giầu không thôn nào chỉ những người đang yêu vì cau và trầu là những vật thường gắn bó khăng khít và thường dùng trong cưới hỏi.

b) Sự khác nhau giữa câu thơ của Nguyễn Bính và câu ca dao:

– Câu Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông: sử dụng các hình ảnh hoán dụ (thôn Đoài, thôn Đông) để chỉ người ở thôn Đoài và người ở thôn Đông.

– Câu ca dao sử dụng hình ảnh ẩn dụ thuyền, bến để chỉ những người đang yêu.


3. Câu 3 trang 137 Ngữ văn 10 tập 1

Quan sát một sự việc, nhân vật quen thuộc và thử đổi tên gọi của chúng theo phép ẩn dụ hoặc hoán dụ để viết một đoạn văn về sự vật, nhân vật đó.

Trả lời:

Dũng đá bóng giỏi nhất lớp tôi còn Bảo là thủ môn giỏi nhất của lớp 10D. Sau khi được cử vào đội bóng của trường, chân sút cừ khôi và bàn tay thiện nghệ ấy đều ghi được nhiều công lao cho thành tích chung, vượt qua cả các đàn anh lớp trên.

⇒ Các hoán dụ: chân sút, bàn tay thiện nghệ. 

Hoặc:

“Áo dài” của lớp tôi vừa học giỏi vừa dịu dàng. Làm toán, làm lý, các nàng không bao giờ chịu thua cánh con trai chúng tôi. Mỗi khi tranh luận về một bài tập nào đó, các nàng luôn bảo vệ ý kiến mình. Lời lẽ nhỏ nhẹ nhưng lại chặt chẽ vô cùng. Vậy nhưng trong quan hệ với bạn bè, các nàng lại rất dễ thương. Các nàng cỗ vũ chúng tôi đá banh, mang cho chúng tôi những ly nước chanh mát lạnh, chăm sóc vết thương cho các “chân sút” trong lớp. Bọn con trai chúng tôi vừa nể vừa quý các nàng. Còn tụi con trai các lớp khác luôn bảo: “Con gái A5 là nhất!”.

Áo dài: Đồng phục của nữ sinh. Lấy tên trang phục của nữ sinh để chỉ nữ sinh (biện pháp hoán dụ).

Chân sút: Chân đá banh, chỉ các cầu thủ của lớp. Lấy bộ phận của người để chỉ người (biện pháp hoán dụ).


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Thực hành phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ sgk Ngữ văn 10 tập 1 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các em làm bài Ngữ văn thật tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com