Soạn bài Tiếng hát con tàu sgk Ngữ văn 12 tập 1

Nội dung bài Soạn bài Tiếng hát con tàu sgk Ngữ văn 12 tập 1 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, phân tích, cảm nhận, thuyết minh, nghị luận,… đầy đủ các bài văn lớp 12 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn và ôn thi THPT Quốc gia.


TIẾNG HÁT CON TÀU

Chế Lan Viên

TIỂU DẪN

Chế Lan Viên (1920 – 1989) tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, quê gốc ở xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Từ năm 1927, gia đình ông chuyển vào An Nhơn, Bình Định. Sau khi tốt nghiệp Trung học, Chế Lan Viên đi dạy học ở trường tư, làm báo ở Sài Gòn và các tỉnh miền Trung. Ông tham gia Cách mạng tháng Tám ở Quy Nhơn. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông hoạt động văn nghệ và báo chí ở Liên khu IV và chiến trường Bình Trị – Thiên. Sau năm 1954, ông về Hà Nội tiếp tục hoạt động văn học, nhiều năm tham gia lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam. Sau năm 1975, ông vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục hoạt động văn học.

Chế Lan Viên là nhà thơ lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Con đường thơ Chế Lan Viên trải qua nhiều chặng đường với những bước ngoặt đánh dấu sự chuyển biến tư tưởng và những tìm tòi đổi mới nghệ thuật của nhà thơ. Từ thế giới kinh dị, thần bí của Điêu tàn, sau Cách mạng, thơ Chế Lan Viên ngày càng bắt rễ sâu vào đời sống rộng lớn của nhân dân và đất nước. Trong những năm cao trào chống Mĩ cứu nước, thơ Chế Lan Viên nóng hổi tính thời sự, giàu chất sử thi, chất anh hùng ca và chất chính luận, có vẻ đẹp trí tuệ độc đáo. Từ sau năm 1975, thơ Chế Lan Viên lại trở về với đời sống thế sự và những trăn trở, chiêm nghiệm về “cái tôi” trong mối quan hệ phong phú, phức tạp của đời sống. Thơ Chế Lan Viên có phong cách độc đáo: có vé đẹp trí tuệ, luôn có ý thức khai thác triệt để những tương quan đối lập, giàu chất suy tưởng triết lí với thế giới hình ảnh đa dạng, phong phú, đầy sáng tạo. Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Tác phẩm chính: các tập thơ Điêu tàn (1937), Ánh sáng và phù sa (1960), Hoa ngày thường, chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973), Hoa trước lăng Người (1976), Hái theo mùa (1977), Hoa trên đá (1984), Di cảo thơ, tập I (1992), tập II (1993), tập III (1996); các tập tiểu luận – phê bình Vào nghề (1962), Phê bình văn học (1962), Suy nghĩ và bình luận (1971), Từ giác Khuê Văn đến quán Trung Tân (1981).

Bài thơ Tiếng hát con tàu rút từ tập ánh sáng và phù sa, một tập thơ xuất sắc, kết tinh tư tưởng và nghệ thuật thơ Chế Lan Viên trên con đường thơ cách mạng. Bài thơ được gợi cảm hứng từ một sự kiện kinh tế – chính tri, xã hội: cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng tinh tế ở miền núi Tây Bắc vào những năm 1958 – 1960.


VĂN BẢN

Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hoá những con tàu
Khi Tố quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu.

Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng?
Bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng.

Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đông khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia.

Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc
Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân.

Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường.
Con đã đi nhưng con cần vượt nữa
Cho con về gập lại Mẹ yêu thương.

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.

Con nhớ anh con, người anh du kích
Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồ
Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con.

Con nhớ em con, thằng em liên lạc
Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ
Sàng bản Na, chiều em qua bản Bắc
Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư.

Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài.
Con với mẹ không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.

Nhớ bản sương giăng, nhở đèo mây phủ
Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.
Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng.
Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương.
Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?
Tình em đang mong tình mẹ đang chờ,
Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội
Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga.
Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng
Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào
Rẽ người mà đi vịn tay mà đến
Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao.
Nhựa nóng mười năm nhân dân máu đổ
Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ,
Mười năm chiến tranh vàng ta đau trong lửa,
Nay trở về, ta lấy lại vàng ta.
Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng?
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng.
Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống
Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân.

(Ánh sáng và phù sa, NXB Văn học, Hà Nội, 1960)

Dưới đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Tiếng hát con tàu sgk Ngữ văn 12 tập 1 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Nội dung chi tiết câu trả lời từng câu hỏi các bạn xem dưới đây:


HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM

Nội dung chính: Bài thơ thể hiện khát vọng, niềm hân hoan trong tâm hồn nhà thơ khi trở về với nhân dân, đất nước, cũng là tìm thấy nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho hồn thơ.


1. Câu 1 trang 146 Ngữ văn 12 tập 1

Hình ảnh con tàu và Tây Bắc ngoài ý nghĩa cụ thể còn có ý nghĩa biểu tượng. Hãy đọc kĩ bài thơ để hiểu được ý nghĩa biểu tượng đó. Căn cứ vào nội dung bài thơ, hãy cắt nghĩa nhan đề và bốn câu thơ đề từ.

Trả lời:

– Con tàu: thời điểm sáng tác bài thơ chưa có tuyến đường sắt lên Tây Bắc, hình ảnh con tàu ở đây ý nghĩa biểu tượng cho khát vọng lên đường, khát vọng về với nhân dân, hòa nhập vào cuộc sống lớn của đất nước.

– Tây Bắc: nghĩa đen chỉ mảnh đất miền tây Bắc Bộ của nước ta, nghĩa biểu tượng chỉ cuộc sống rộng lớn, chỉ những miền đất xa xôi còn nhiều khó khăn của Tổ quốc.

⇒ Ý nghĩa nhan đề Tiếng hát con tàu: tiếng hát say mê, hăm hở, lạc quan, phấn chấn của tâm hồn tràn đầy khát vọng, mong mỏi xây dựng đất nước và tìm về với ngọn nguồn sáng tạo thơ ca của thi sĩ.

⇒ Ý nghĩa bốn câu đề từ: Tổ quốc vẫy gọi và tâm hồn nghệ sĩ hướng về nhân dân, về cuộc sống sôi nổi đang diễn ra trên mọi miền đất nước. Về với Tây Bắc cũng là về với nhân dân, về với chính mình, về với ngọn nguồn cảm hứng sáng tạo.


2. Câu 2 trang 146 Ngữ văn 12 tập 1

Bài thơ có thể chia làm mấy đoạn? Nêu ý chính của từng đoạn. Bố cục đó thể hiện sự vận động tâm trạng của chủ thể trữ tình như thế nào?

Trả lời:

Bố cục bài thơ: 3 đoạn

– Đoạn 1 (hai khổ thơ đầu): Lời giục giã, kêu gọi lên đường.

– Đoạn 2 (chín khổ tiếp theo): Niềm hạnh phúc, gợi lại những kỉ niệm trong những năm tháng kháng chiến cùng với nhân dân

– Đoạn ba (còn lại): Khúc hát lên đường sôi nổi, tin tưởng, say mê.

Bố cục bài thơ biến đổi theo diễn biến tâm trạng nhà thơ từ giục giã đến dồn dập lôi cuốn khi tìm đến ngọn nguồn cách mạng.


3. Câu 3 trang 146 Ngữ văn 12 tập 1

Niềm hạnh phúc lớn lao khi gặp lại nhân dân được nhà thơ thể hiện trong khổ thơ nào? Phân tích đặc sắc về nghệ thuật của khổ thơ đó.

Trả lời:

– Niềm hạnh phúc lớn lao khi gặp lại nhân dân được thể hiện trong khổ thơ thứ 5 qua hàng loạt hình ảnh so sánh đặc sắc, đậm chất Tây Bắc:

+ như nai về suối cũ: quen thuộc, gần gũi như nai tìm về suối cũ sau mùa khô.

+ như cỏ đón giêng hai: háo hức, phấn chấn, hồi sinh như cỏ đón mùa xuân

+ như chim én gặp mùa: ấm áp, hạnh phúc như chim én gặp mùa

+ như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa: vui mừng, thỏa thuê, mãn nguyện

+ như chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa: dễ chịu, thoải mái, hạnh phúc.

⇒  So sánh liên hoàn với những hình ảnh đặc sắc diễn tả trọn vẹn và xúc động niềm hạnh phúc lớn lao của nhà thơ khi về với nhân dân, về với nguồn cội, về với sự sống và ngọn nguồn cảm hứng.


4. Câu 4 trang 146 Ngữ văn 12 tập 1

Hình ảnh nhân dân trong kỉ niệm của nhà thơ được gợi lên qua hình ảnh những con người cụ thể nào? Phân tích những khổ thơ nói về những kỉ niệm đó để làm rõ sự gắn bó và lòng biết ơn sâu nặng của nhà thơ với nhân dân.

Trả lời:

Người anh du kích: kỉ niệm về tấm áo nâu suốt một đời vá rách anh cởi lại cho con trong đêm hi sinh à sự gắn bó sâu nặng gợi lên qua kỉ vật thiêng liêng của người đã khuất.

Thằng em liên lạc: tình yêu thương, quý mến người em tận tụy, kiên nhẫn, thầm lặng hết lòng vì cách mạng.

Người mế kháng chiến: đùm bọc, cưu mang những người con thương binh với tấm lòng nghĩa tình sâu nặng không gì đong đếm được.

⇒ Nhân dân hiện lên đôn hậu, anh hùng, bình dị, nghĩa tình. Nhà thơ bày tỏ sự gắn bó và lòng biết ơn sâu nặng đối với nhân dân, sự gắn bó ấy vừa cụ thể vừa thiêng liêng, vừa bình dị vừa cao quý.


5. Câu 5 trang 146 Ngữ văn 12 tập 1

Hãy tìm những câu thơ thể hiện rõ nhất chất suy tưởng và triết tí của thơ Chế Lan Viên.

Trả lời:

Những câu thơ thể hiện chất suy tưởng và triết lí của thơ Chế Lan Viên:

– Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp/…/Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia.

– Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn.

– Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.


6. Câu 6 trang 146 Ngữ văn 12 tập 1

Nhận xét và đánh giá nghệ thuật sáng tạo hình ảnh của Chế Lan Viên trong bài thơ.

Trả lời:

– Hình ảnh tả thực được chọn lọc tinh tế: bản sương giăng, đèo mây phủ, lửa hồng soi tóc bạc, chim rừng lông trở biếc,…

– Hình ảnh biểu tượng, ẩn dụ đặc sắc: con tàu, vầng trăng, trái đầu xuân, vàng ta đau trong lửa, mặt hồng em, suối lớn mùa xuân.

– Hình ảnh so sánh mới lạ: như đông về nhớ rét, như cánh kiến hoa vàng,…

⇒ Hệ thống hình ảnh độc đáo, sáng tạo khi xâu thành chuỗi kết thành chùm, khi xếp thành tầng thành lớp giúp bài thơ mở ra hàng loạt những liên tưởng bất ngờ, đậm màu sắc trí tuệ, đặc trưng cho phong cách nghệ thuật thơ Chế Lan Viên.


CÁC BÀI VĂN HAY


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Tiếng hát con tàu sgk Ngữ văn 12 tập 1 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các em làm bài Ngữ văn thật tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com