Soạn bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy sgk Ngữ văn 10 tập 1

Nội dung bài Soạn bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy sgk Ngữ văn 10 tập 1 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, phân tích, cảm nhận, thuyết minh, nghị luận,… đầy đủ các bài văn lớp 10 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn và ôn thi THPT Quốc gia.


TRUYỆN AN DƯƠNG VƯƠNG VÀ MỊ CHÂU – TRỌNG THỦY

(Truyền thuyết)

TIỂU DẪN

Không chú trọng tính chính xác như các văn bản lịch sử, truyền thuyết đã phản ánh lịch sử một cách độc đáo: những câu chuyện trong lịch sử dựng nước, giữ nước của ông cha ta được khúc xạ qua lời kể của nhiều thế hệ để rồi kết tinh thành những hình tượng nghệ thuật đặc sắc, nhuốm màu thần kì mà vẫn thấm đẫm cảm xúc đời thường. Chỉ có thể hiểu đúng và sâu sắc nội dung cùng nghệ thuật của truyền thuyết khi xem xét tác phẩm trong mối quan hệ ảnh hưởng qua lại với môi trường lịch sử – văn hóa mà nó sinh thành, lưu truyền và biến đổi.

Làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội còn giữ được một quần thể di tích lịch sử văn hóa lâu đời gồm đền thờ An Dương Vương, am thờ công chúa Mị Châu và giếng Ngọc (tương truyền đó là nơi Trọng Thủy tự vẫn sau cái chết của Mị Châu). Bao quanh cụm đền, am là từng đoạn của vòng thành cổ chạy dài trên cánh đồng – dấu vết còn lại của thành Cổ Loa chín vòng do An Dương Vương xây nên. Toàn bộ cụm di tích là minh chứng lịch sử cho sự sáng tạo và lưu truyền chuỗi truyền thuyết về sự ra đời và suy vọng của nhà nước Âu Lạc. Trong chuỗi truyền thuyết đó, nổi bật hai lớp truyện chính: một là kể về quá trình An Dương Vương xây thành và chế tạo nỏ thần thành công nhờ sự giúp đỡ của thần Rùa Vàng, hai là kể về nguyên nhân khiến cơ đồ nhà nước Âu Lạc “đắm biển sâu” liên quan đến mối tình Mị Châu – Trọng Thủy.

Văn bản dưới đây trích từ Truyện Rùa Vàng trong Lĩnh Nam chích quái – một sưu tập truyện dân gian ra đời vào cuối thế kỉ XV.


VĂN BẢN

Vua An Dương Vương nước Âu Lạc, họ Thục tên Phán […] xây thành ở đất việt thường(1) hễ đắp tới đâu lại lở tới đấy. Vua bèn lập đàn trai giới(2), cầu đảo bách thần(3). Ngày mồng bảy tháng ba bỗng thấy một cụ già từ phương đông tới trước cửa thành mà than rằng: “Xây dựng thành này biết bao giờ cho xong được!”. Vua mừng rỡ đón vào trong điện, thi lễ(4), hỏi rằng: “Ta đắp thành này đã nhiều lần băng lở, tốn nhiều công sức mà không thành, thế là cớ làm sao?”. Cụ già đáp: “Sẽ có sứ Thanh Giang(5) tới cùng nhà vua xây dựng thành mới thành công”. Nói rồi từ biệt ra về.

Hôm sau, vua ra cửa đông chờ đợi, chợt thấy con Rùa Vàng từ phương đông lại, nổi trên mặt nước, nói sõi tiếng người, tự xưng là sứ Thanh Giang, thông tỏ việc trời đất, âm dương, quỷ thần. Vua mừng rỡ nói: “Điều đó chính cụ già đã báo cho ta biết trước”. Bèn dùng xe bằng vàng rước vào trong thành(6) […].

Thành xây nửa tháng thì song. Thành rộng hơn ngàn trượng(7), xoắn như hình trôn ốc, cho nên gọi là Loa Thành, còn gọi là Quỷ Long Thành, người thời Đường gọi là Côn Lôn Thành, lấy lẽ rằng nó cao lắm.

Rùa Vàng ở lại ba năm rồi từ biệt ra về. Vua cảm tạ nói: “Nhờ ơn của thần, thành đã xây được. Nay nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?”. Rùa Vàng đáp: “Vận nước suy thịnh, xã tắc(8) an nguy đều do mệnh trời, con người có thể tu đức mà kéo dài thời vận. Nhàn vua ước muốn ta có tiêc chi”. Bèn tháo vuốt(9) đưa cho nhà vua mà nói: “Đem vật này làm lẫy nỏ, nhắm quân giặc mà bắn thì sẽ không lo gì nữa”. Dứt lời, trở về biển Đông.

Vua sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt rùa làm lẫy. Gọi là nỏ “Linh quang Kim Quy thần cơ”. Về sau Triệu Vương là Đà cử binh xâm lược phương Nam, cùng vua giao chiến. Vua lấy nỏ thần ra bắn, quân Đà thua lớn, chạy về Trâu Sơn(10) đắp lũy không dám đối chiến, bèn xin hòa […].

Không bao lâu, Đà cầu hôn. Vua vô tình gả con gái là Mị Châu cho con trai Đà là Trọng Thủy. Trọng Thủy dỗ Mị Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm làm một cái lẫy nỏ khác thay vuốt Rùa Vàng, nói dối là về phương Bắc thăm cha. Nói rằng: “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng, lấy gì làm dấu?”. Đáp: “Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt li thì đau đớn khôn xiết. Thiếp có áo gấm lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ rứt lông mà rắc ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy sẽ có thể cứu được nhau”.

Trọng Thủy mang lẫy thần về nước. Đà được lẫy cả mừng, bèn cử binh sang đánh. Vua cậy có nỏ thần, vẫn điềm nhiên đánh cờ, cười mà nói rằng: “Đà không sợ nỏ thần sao?”. Quân Đà tiến sát, vua cầm lấy nỏ, thấy lẫy thần đã mất bèn bỏ chạy. Vua đặt Mị Châu ngồi đằng sau ngựa rồi cùng nhau chạy về phương Nam.

Trọng Thủy nhận dấu lông ngỗng mà đuổi. Vua chạy tới bờ biển, đường cùng, không có thuyền qua bèn kêu rằng: “Trời hại ta, sứ Thanh Giang ở đâu mau mau lại cứu”. Rùa Vàng hiện lên mặt nước, thét lớn: “Kẻ nào ngồi sau ngựa chính là giặc đó!”. Vua bèn tuốt kiếm chém Mị Châu, Mị Châu khấn rằng: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Mị Châu chết ở bờ biển, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. Vua cầm sừng tê bảy tấc(11), Rùa Vàng rẽ nước dẫn vua đi xuống biển.

Đời truyền nơi đó là đất Dạ Sơn, xã Cao Xá, phủ Diễn Châu(12). Quân Đà kéo tới đấy không thấy bóng vết gì, chỉ còn lại xác Mị Châu. Trọng Thủy đem xác Mị Châu về táng ở Loa Thành, xác biến thành ngọc thạch(13). Mị Châu đã chết, Trọng Thủy thương tiếc khôn cùng, khi đi tắm tưởng như thấy bóng dáng Mị Châu, bèn lao đầu xuống giếng mà chết. Người đời sau mò được ngọc ở biển Đông, lấy nước giếng này mà rửa thì thấy trong sáng thêm, nhân kiêng tên Mị Châu cho nên gọi ngọc minh châu là đại cữu và tiểu cữu(14).

(Theo VŨ QUỲNH – KIỀU PHÚ, Lĩnh nam chích quái, ĐINH GIA KHÁNH – NGUYỄN NGỌC SAN dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 2001)

Dưới đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy sgk Ngữ văn 10 tập 1 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Nội dung chi tiết câu trả lời từng câu hỏi các bạn xem dưới đây:


HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

Tóm tắt:

– An Dương Vương xây thành xong lại đổ. Rùa Vàng hiện lên giúp đỡ. Thành xây xong, Rùa vàng tặng một cái móng để làm lấy nỏ chống giặc.

– Trọng Thủy sau khi lấy Mị Châu đã tìm cách lấy nỏ thần. Triệu Đà phát binh đánh Âu Lạc. An Dương Vương thua trận cùng con gái chạy khỏi loa thành.

– Thần Kim Quy kết tội Mị Châu là giặc. An Dương Vương chém Mị Châu rồi đi xuống biển.

– Trọng Thủy thương tiếc Mị Châu nhảy xuống giếng tự tử. Máu Mị Châu thành ngọc trai, rửa giếng nước đó thì sáng hơn.

Bố cục: ( 3 đoạn )

– Đoạn 1 (Từ đầu đến “bèn xin hoà”) : An Dương Vương được thần giúp xây thành, chế nỏ để bảo vệ đất nước.

– Đoạn 2 ( Tiếp đó đến “Dẫn vua xuống biển”): Cảnh mất nước nhà tan.

– Đoạn 3 ( Còn lại ): Thái độ, tình cảm của nhân dân đối với An Dương Vương, Mị Châu và Trọng Thủy.

Nội dung chính:

Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một cách giải thích nguyên nhân việc mất nước Âu Lạc. Qua đó, nhân dân ta muốn nêu lên bài học lịch sử về tinh thần cảnh giác với kẻ thù và cách xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa riêng và chung, giữa nhà với nước, giữa cá nhân và cộng đồng.


1. Câu 1 trang 42 Ngữ văn 10 tập 1

Dựa theo cốt truyện, tìm những chi tiết liên quan đến nhân vật An Dương Vương. Trên cơ sở các chi tiết đã được liệt kê, anh (chị) hãy phân tích:

a) Do đâu mà An Dương Vương được thần linh giúp đỡ? Kể về sự giúp đỡ thần kì đó, dân gian muốn thể hiện cách đánh giá như thế nào về nhà vua?

b) Sự mất cảnh giác của nhà vua biểu hiện như thế nào?

c) Sáng tạo những chi tiết về Rùa Vàng, Mị Châu, nhà vua tự tay chém đầu con gái…nhân dân muốn biểu lộ thái độ, tình cảm gì đối với nhân vật lịch sử An Dương Vương và việc mất nước Âu Lạc?

Trả lời:

a) ADV được thần linh giúp đỡ bởi đây là vị vua yêu nước (có ý thức xây thành bảo vệ đất nước, có ý chí khi thành đổ nhiều lần vẫn không bỏ cuộc) và biết coi trọng thần linh, dốc lòng dốc sức xây thành (lập đàn cầu đảo, kính cẩn trọng đãi Rùa Vàng).

– Kể về sự giúp đỡ thần kì đó, nhân dân bày tỏ thái độ trân trọng, tự hào, ngợi ca của nhân dân đối với vị vua yêu nước thương dân, có tầm nhìn xa trông rộng.

b) Sự mất cảnh giác của ADV thể hiện ở việc chấp nhận cho con trai của giặc làm phò mã, lọt vào làm nội gián, khi giặc đến còn có thái độ ỉ lại vào vũ khí mà không đề phòng.

c) Sáng tạo những chi tiết về Rùa Vàng, Mị Châu và nhà vua chém đầu con gái, nhân dân biểu lộ thái độ cảm thông đối với nhà vua và giải thích về việc mất nước Âu Lạc nhằm xoa dịu nỗi đau mất nước.


2. Câu 2 trang 43 Ngữ văn 10 tập 1

Về việc Mị Châu lén đưa cho Trọng Thủy xem nỏ thần, có hai cách đánh giá như sau:

– Mị Châu làm vậy là chỉ thuận theo tình cảm vợ chồng, mà bỏ quên nghĩa vụ đối với đất nước.

– Mị Châu làm theo ý chồng là lẽ tự nhiên, hợp đạo lí.

Ý kiến riêng của anh (chị) như thế nào?

Trả lời:

– Việc Mị Châu lén đưa cho Trọng Thủy xem nỏ thần là chỉ thuận theo tình cảm vợ chồng mà quên nghĩa vụ với đất nước.

– Mị Châu vì nhẹ dạ cả tin mà vô tình mắc bẫy kẻ thù.


3. Câu 3 trang 43 Ngữ văn 10 tập 1

Mị Châu bị thần Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu, nhưng sau đó, máu nàng hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch. Hư cấu như vậy, người xưa muốn bày tỏ thái độ và tình cảm như thế nào đối với Mị Châu và muốn nhắn gửi điều gì đến thế hệ trẻ muôn đời sau?

Trả lời:

– Chi tiết Mị Châu bị Rùa Vàng kết tội là giặc, lại bị vua cha chém đầu: nhân dân phê phán và thẳng thắn kết tội, bắt nàng phải trả giá cho lỗi lầm lịch sử của mình.

– Chi tiết máu nàng lại hóa thành ngọc trai, xác hóa thành ngọc thạch (kiểu hóa thân kéo dài sự sống): nhân dân thể hiện sự bao dung, vị tha, thấu hiểu cho sự ngây thơ, trong trắng của Mị Châu khi vô tình phạm tội.

⇒ Cách đánh giá và phân xử thấu tình đạt lí của nhân dân. Qua đó, nhân dân muốn để lại bài học cho trai gái nước Việt muôn đời về mối quan hệ giữa nhà và nước, riêng và chung.


4. Câu 4 trang 43 Ngữ văn 10 tập 1

Trọng Thủy gây nên sự sụp đổ cơ đồ Âu Lạc và cái chết của hai cha con Mị Châu. Vậy anh (chị) hiểu như thế nào về hình ảnh “ngọc trai – giếng nước”?

Trả lời:

Hình ảnh hư cấu ngọc trai – giếng nước thể hiện cách nhìn của nhân dân:

– Chi tiết ngọc trai ứng với lời khấn của Mị Châu trước khi chết nhằm chiêu tuyết cho danh dự, chứng thực tấm lòng trong sáng của nàng.

– Chi tiết giếng nước có hồn Trọng Thủy hòa cùng nỗi hối hận là sự chứng nhận cho mong muốn hóa giải tội lỗi của hắn.

– Chi tiết ngọc trai đem rửa trong giếng nước lại càng sáng đẹp nói lên rằng Trọng Thủy đã tìm được sự hóa giải trong tình cảm của Mị Châu ở thế giới bên kia.


5. Câu 5 trang 43 Ngữ văn 10 tập 1

Từ những điều đã phân tích, anh (chị) hãy cho biết đâu là “cốt lõi lịch sử” của truyện và cốt lõi lịch sử đó đã được dân gian thần kì hóa như thế nào?

Trả lời:

– Cốt lõi lịch sử của truyện bao gồm: nước Âu Lạc vào thời An Dương Vương đã được dựng lên, có thành cao, hào sâu, vũ khí đủ mạnh để chiến thắng cuộc xâm lược của Triệu Đà nhưng sau đó bị rơi vào tay kẻ thù (ngày nay còn nhiều di tích của những sự thật lịch sử này: dấu vết thành Cổ Loa ở Đông Anh, hiện vật bằng đồng đào được ở Cổ Loa, đền thờ ADV, am thờ Mị Châu,…).

– Chi tiết Rùa Vàng giúp đỡ nhằm thần kì hóa chiến công xây thành, chế nỏ của dân tộc mà đứng đầu là ADV; những chi tiết về mối tình Trọng Thủy – Mị Châu (cho xem nỏ thần, dặn dò, rắc áo lông ngỗng…); chi tiết Rùa Vàng kết tội Mị Châu và đón ADV xuống biển và chi tiết hóa thân của Mị Châu nhằm giải thích lí do mất nước Âu Lạc là sự thần kì hóa nhằm tôn vinh dân tộc, hạ thấp kẻ thù, giải thích rõ nhà vua và đất nước không kém cỏi mà vì kẻ thù dùng thủ đoạn hèn hạ, xảo trá.


LUYỆN TẬP

1. Câu 1 trang 43 Ngữ văn 10 tập 1

Có hai cách đánh giá như sau:

a) Trọng Thủy chỉ là kẻ gián điệp, ngay cả việc yêu Mị Châu cũng chỉ là giả dối.

b) Giữa Mị Châu và Trọng Thủy có tình yêu chung thủy và hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” đã ca ngợi mối tình đó.

Anh (chị) hãy trình bày ý kiến riêng của mình.

Trả lời:

Đánh giá về Trọng Thủy ở cả hai ý kiến a) và b) đều chưa được toàn diện và xác đáng.

– Đối với đất nước Âu Lạc:

+ Trọng Thủy lấy cắp lẫy nỏ thần để giup Triệu Đà xâm lược Âu Lạc thành công.

+ Trọng Thủy là người trực tiếp gây nên cái chết cho hai cha con An Dương Vương.

⇒ Về phương diện này, Trọng thủy là kẻ đáng trách, đáng lên án.

– Đối với tình cảm vợ chồng với Mị Châu:

+ Trọng Thủy tiếc thương tình cảm vợ chồng, biết được chiến tranh sắp diễn ra, cố gắng tìm cách để vợ chồng sau này được đoàn tụ.

+ Trọng Thủy vì quá ân hận, thương tiếc, đau đớn cho Mị Châu mà nhảy xuống giếng tự vẫn.

⇒ Về phương diện này, Trọng thủy là kẻ si tình đáng thương.


2. Câu 2* trang 43 Ngữ văn 10 tập 1

An Dương Vương đã tự tay chém đầu người con gái duy nhất của mình nhưng dân gian lại dựng đền và am thờ hai cha con ngay cạnh nhau. Cách xử lí như vậy nói lên điều gì trong đạo lí truyền thống của dân tộc ta?

Trả lời:

Cách xử lí này phù hợp với đạo lí truyền thống của dân tộc ta. Đó là sự bao dung đối với những đứa con của dân tộc đã trót có thời lầm lỡ gây tai họa cho nhân dân, nhưng về sau đã biết hối hận và chịu hình phạt xứng đáng.


3. Câu 3* trang 43 Ngữ văn 10 tập 1

Tìm một số bài thơ viết về Mị Châu – Trọng Thủy và nêu lên sức sống lâu bền của Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy.

Trả lời:

Mị Châu – Trọng Thủy

Một đôi kẻ Việt người Tần
Nửa phần ân ái, nửa phần oán thương
Vuốt rùa chàng đổi máy
Lông ngỗng thiếp đưa đường
Thề nguyền phu phụ
Lòng nhi nữ
Việc quân vương
Duyên nọ tình kia dở dở dang!
Nệm gấm vó câu
Trăm năm giọt lệ
Ngọc trai nước giếng
Nghìn thu khói nhang
Khi quay lại chém con sau yên ngựa
An Dương Vương, người đã  nghĩ suy gì?
Hay cùng đường, ai cũng là giặc giã Và nghe lời mách bảo của Kim Quy.

(Tản Đà)


CÁC BÀI VĂN HAY


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy sgk Ngữ văn 10 tập 1 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các em làm bài Ngữ văn thật tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com