Hướng dẫn Soạn bài Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất sgk Ngữ văn 7 tập 2

Hướng dẫn Soạn Bài 18 sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập hai. Nội dung bài Soạn bài Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất sgk Ngữ văn 7 tập 2 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, tự sự, cảm thụ, phân tích, thuyết minh… đầy đủ các bài văn mẫu lớp 7 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn lớp 7.


Văn bản

Soạn bài Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất sgk Ngữ văn 7 tập 2
Soạn bài Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất sgk Ngữ văn 7 tập 2

1. Tục ngữ

– Tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt (tự nhiên, lao động, sản xuất, xã hội), được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hằng ngày. Đây là một thể loại văn học dân gian.

– Các câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất là những bài học quý giá của nhân dân ta đúc kết lại để phục cụ cho lao động sản xuất. Những bài học này là những bài học quý giá của nhân dân ta.


2. Nghệ thuật

– Sử dụng cách diễn đạt ngắn gọn, cô đúc.

– Sử dụng kết cấu diễn đạt theo kiểu đối xứng, nhân quả, hiện tượng và ứng xử cần thiết.

– Tạo vần nhịp cho câu văn dễ nhớ, dễ vận dụng.

Dưới đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất sgk Ngữ văn 7 tập 2. Các bạn cùng tham khảo nhé!


Đọc – Hiểu văn bản

Giaibaisgk.com giới thiệu với các bạn đầy đủ phương pháp, lời hướng dẫn, câu trả lời các câu hỏi có trong phần Đọc – Hiểu văn bản của Bài 18 trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập hai cho các bạn tham khảo. Nội dung chi tiết câu trả lời từng câu hỏi các bạn xem dưới đây:


1. Trả lời câu hỏi 1 trang 4 sgk Ngữ văn 7 tập 2

Đọc kĩ các câu tục ngữ và chú thích trong bài để hiểu văn bản và những từ ngữ khó.

Trả lời:

Nói về tục ngữ, chúng ta cần lưu ý các vấn đề sau:

– Hình thức: Ngôn ngữ chọn lọc, ngắn gọn, kết cấu bền vừng, có hình ảnh, nhịp điệu; dễ đọc, dễ nhớ…

– Nội dung: Nói về kinh nghiệm, đúc rút chân lí về thiên nhiên và xã hội.

– Sử dụng: Trong mọi hoạt động đời sống (sản xuất, ứng xử…) khiến lời nói sinh động và sâu sắc.


2. Trả lời câu hỏi 2 trang 4 sgk Ngữ văn 7 tập 2

Có thể chia 8 câu tục ngữ trong bài thành mấy nhóm? Mỗi nhóm gồm những câu nào? Gọi tên từng nhóm đó?

Trả lời:

Có thể chia tám câu tục ngữ trong bài làm hai nhóm:

– Nhóm 1: Câu 1, 2, 3, 4 là những câu tục ngữ về thiên nhiên.

– Nhóm 2: Câu 5, 6, 7, 8 là những câu tục ngữ về lao động sản xuất.


3. Trả lời câu hỏi 3 trang 4 sgk Ngữ văn 7 tập 2

Phân tích từng câu tục ngữ theo những nội dung sau:

a) Nghĩa của câu tục ngữ.

b) Cơ sở thực tiễn của kinh nghiệm nêu trong câu tục ngữ.

c) Một số trường hợp có thể áp dụng kinh nghiệm nêu trong câu tục ngữ. (Ví dụ, có thể ứng dụng câu 1 vào việc sử dụng thời gian cho phù hợp ở mùa hè, mùa đông như thế nào?)

d) Giá trị của kinh nghiệm mà câu tục ngữ thể hiện.

Trả lời:

Câu tục ngữ số a) Nghĩa b) Cơ sở thực tiễn của kinh nghiệm c) Trường hợp áp dụng d) Giá trị kinh nghiệm
1 Tháng năm âm lịch đêm ngắn ngày dài, tháng 10 đêm dài ngày ngắn Dựa vào quan sát cảm nhận thực tiễn của người lao động Tính toán sắp xếp công việc vào mùa hè hoặc đông Giúp con người ý thức chủ động để nhìn nhận sử dụng thời gian công việc sức khỏe vào những thời đểm khác nhau trong năm
2 Ngày nào đêm trước nhiều so sẽ nắng, ít sao sẽ mưa Kinh nghiệm quan sát trời của người lo động Đêm mùa hè (nhưng không phải lúc nào cũng đúng) Ý thức nhìn sao trời để dự đoán tời tiết sắp xếp công viêc – Đoán trước thời tiết để sắp xếp công việc hợp lí.

– Kinh nghiệm để đoán mưa nắng, rất cần cho sản xuất nông nghiệp và mùa màng.

3 Trời xuất hiện ráng mây cỏ sắc vàng màu mỡ gà là sắp có bão Quan sát, đúc kết Thường vào mùa bão lũ Dự đoán bão để chủ động bảo vệ con người nhà cửa
4 Tháng bảy mà kiến bò nhiều là sắp có lũ lụt Quan sát đúc kết Tháng bảy âm lịch (thường là mùa lũ lụt) Ý thức chủ động dự báo lũ lụt để chủ động phòng chống
5 Đất quý như vàng Đất quý vì đất nuôi sống con người là nơi để ở người lao động phải đổ sương máu mới có và bảo vệ được đất Phê phán sự lãng phí đất, đề cao giá trị vùng đất tốt Nhắc nhở con người biết quý trọng đất
6 Trong các nghề ở nông thôn nghề đem lại lợi ích kinh tế nhiều nhất là nuôi cá, tiếp là làm vườn, sau đến làm ruộng Đúc kết từ giá trị kinh tế của các nghề Tùy và từng địa phương không phải lúc nào cũng đúng Khuyên nhủ con người biết khai thác phát huy có hiệu quả những nguồn lợi kinh tế đó
7 Khẳng định thứ tự quan trọng của các yếu tố( nước, phân, công chăm sóc, giống lúa) trong nghề trồng lúa nước Tích lũy trong quá trình trồng lúa, có cơ sở khoa học Trong trồng lúa nước Giúp nhà nông thấy được tầm quan trọng của các yếu tố đó và mối quan hệ giữa chúng
8 Khẳng định tầm quan trọng của thời vụ và khâu làm đất trong nghề trồng trọt Tích lũy trong quá trình lao động Trong sản xuất nông nghiệp Có ích lợi lớn trong nông nghiệp

4. Trả lời câu hỏi 4 trang 5 sgk Ngữ văn 7 tập 2

Nhìn chung tục ngữ có những đặc điểm về hình thức:

– Ngắn gọn.

– Thường có vần, nhất là vần lưng.

– Các vế thường đối xứng nhau cả về hình thức, cả về nội dung;

– Lập luận chặt chẽ, giàu hình ảnh.

Hãy minh họa những đặc điểm nghệ thuật đó và phân tích giá trị của chúng bằng những câu tục ngữ trong bài học.

Trả lời:

– Hình thức ngắn gọn: số lượng tiếng trong một câu rất ít từ khoảng 5 đến 8 tiếng không thể thu gọn được nữa, khiến câu dễ nhớ dễ thuộc.

– Mỗi vế câu tục ngữ đều có vần nhất là vần lưng, dễ thuộc.

Ráng mỡ , có nhà thì giữ.

⇒ Từ “gà” vần với từ “nhà”.

– Các vế đối xứng nhau cả về hình tức và nội dung

Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa.

⇒ Cả hai vế đều lấy sao trời làm cơ sở dự báo thời tiết.

– Lập luận chặt chẽ, giàu hình ảnh. Lời trong tục ngữ cô đọng, mỗi lời như dồn nén, không có từ thừa. Các hình ảnh ví von như chưa nằm, chưa cười, các hình ảnh thiên nhiên như sao, ráng, đất, vàng,…

Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

Ngày tháng mười chưa cười đã tối.

Ráng mỡ , có nhà thì giữ. ⇒ Hình ảnh “ráng mỡ” ở chân trời báo hiệu trời sắp có mưa bão lớn.


Luyện tập

Trả lời câu hỏi luyện tập trang 5 sgk Ngữ văn 7 tập 2

Sưu tầm thêm một số câu tục ngữ có nội dung phản ánh kinh nghiệm của nhân dân ta về các hiện tượng mưa, nắng, bão, lụt.

Trả lời:

Sưu tầm :

– Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão. – Tháng giêng rét dài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân.
– Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa. – Thâm đông, trống bắc, hễ nực thì mưa.
– Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa. – Vàng mây thì gió, đỏ mây thì mưa.
– Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước. – Gió nam đưa xuân sang hè.
– Mặt trời có quầng thì hạn, mặt trăng có tán thì mưa. – Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy, cơn đằng tây vừa cày vừa ăn
– Được mùa cau đau mùa lúa, được mùa lúa úa mùa cau

Các bài văn hay

1. Phân tích một số câu Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

Bài làm:

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, tục ngữ chiếm một ví trí quan trọng và có một số lượng khá lớn. Nó được ví là kho báu kinh nghiệm và trí tuện dân gian. Nếu ca dao là những lời ca thể hiện tình cảm của con người thì tục ngữ lại mang tính lí trí, trí tuệ, triết lí. Tục ngữ Việt Nam nói về hầu hết các vấn đề của cuộc sống nhưng phong phú và đặc sắc nhất vẫn là những câu tục ngữ nói về thiên nhiên và lao động sản xuất. Có thể kể đến những câu tục ngữ tiêu biểu sau:

1. Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

Ngày tháng mười chưa cười đã tối

2. Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa

3. Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ

4. Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt

5. Tấc đất tấc vàng

6. Nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền

7. Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống

8. Nhất thì, nhì thục.

Đọc qua tám câu tục ngữ trên chúng ta có thể nhận diện được hình thức của những câu tục ngữ. Đó là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh để thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt đời sống như tự nhiên, lao động sản xuất, xã hội, được vận dụng vào thực tiễn cuộc sống hằng ngày.

Nếu ca dao là những vẫn thơ lục bát mềm mại thì tục ngữ lại là những câu nói súc tích, gãy gọn. Tuy nhiên, nó không hề khô cứng mà bằng sự giàu có của tiếng Việt, tục ngữ vẫn là những câu nói đặc sắc về ngôn ngữ, vừa mang tính triết lí nhưng vẫn có sự dí dỏm mang đậm dấu ấn của cha ông ta thời xưa.

Tám câu tục ngữ trên có thể được chia thành hai nhóm. Bốn câu đầu nói về thiên nhiên và bốn câu sau bàn về những kinh nghiệm trong lao động sản xuất.

Ông cha ta đã có những quan sát rất tỉ mỉ và phải dùng nhiều thời gian nhưng nó đều là những quy luật của tạo hóa, những phát hiện đó cũng đã đặt nền móng và trở thành đề tài cho sự nghiên cứu khoa học sau này.

Câu tục ngữ thứ nhất là kinh nghiệm về thời tiết của nước ta.

“Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

Ngày tháng mười chưa cười đã tối”

Là một nước ở bán cầu Bắc và gần đường xích đạo, mùa hè nước ta kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 còn mùa đông từ tháng 9 đến tháng 12. Vào mùa hè tháng năm thì ngày dài đêm ngắn còn ngày mùa đông thì ngày ngắn đêm dài. Cách nói cường điệu có tác dụng nhấn mạnh đặc điểm ấy: “chưa nằm đã sáng, chưa cười đã tối”.

Phép đối xứng giữa hai vế câu làm nổi bật sự trái ngược trong tính chất của đêm mùa hạ và ngày mùa đông. Câu tục ngữ ngắn gọn, dễ nhớ giúp chúng ta có thể sắp xếp thời gian một cách hợp lí để làm việc và bảo vệ sức khỏe.

Câu tục ngữ thứ hai nói về kinh nghiệm dự đoán thời tiết.

“Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa”

Ngày xưa khi công nghệ dự báo thời tiết chưa xuất hiện, ông bà ta có thể dự đoán được thời tiết ngày hôm sau bằng cách quan sát bầu trời buổi tối. Mau sao là những hôm trời nhiều sao còn vắng sao tức là ít sao vào ban đêm.

Vào những hôm trời mau sao thì ngày hôm sau thường sẽ nắng to, còn những hôm nào bầu trời không nhìn thấy được vì sao nào thì ngày mai có thể trời sẽ mưa. Điều này có thể giải thích bằng khoa học một cách dễ hiểu là những hôm nào quang mây, nhìn thấy được bầu trời trong vắt thì sẽ nắng còn nếu có nhiều mây thường là trời sắp mưa. Kinh nghiệm này cho đến ngày hôm nay vẫn thường xuyên được các ông bà sử dụng.

Nếu hôm nay bạn chưa xem chương trình dự báo thời tiết thì có thể dùng cách này để biết được thời tiết ngày mai thế nào để chủ động trong công việc. Tuy nhiên vì chỉ dựa trên phán đoán và kinh nghiệm nên điều này đôi khi chưa hẳn đã đúng.

Câu thứ ba là kinh nghiệm về hiện tượng thời tiết trước khi có bão:

“Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ”

Ráng là màu vàng của mây do mặt trời chiếu vào, nó ngả thành màu vàng giống như màu mỡ gà. Ráng mỡ gà thường xuất hiện ở phía chân trời trước khi trời có bão. Nhìn vào đấy người ta có thể biết mà lo chống giữ nhà cửa, sửa soạn để hạn chế thấp nhất hậu quả do bão gây ra. Cấu trúc hai vế nhưng rất ngắn gọn của câu tục ngữ khiến ai nghe qua cũng có thể nhớ ngay được.

Ngày nay, khoa học công nghệ đã phát triển, chúng ta có thể dự đoán được chính xác diễn biến của từng cơn bão. Tuy nhiên những kinh nghiệm dân gian vẫn còn giá trị đến ngày hôm nay.

Câu tục ngữ thứ tư trình bày những phán đoán trước khi có lụt:

“Tháng bày kiến bò, chỉ lo lại lụt”

Những loài vật sống dưới mặt đất như kiến thường rất nhạy cảm với những thay đổi của thời tiết. Khi trời sắp mưa to kiến thường bò ra khỏi tổ để kiếm thức ăn dự trữ. Tuy nhiên với những năm có lũ lớn, đàn kiến thường bò hết ra khỏi tổ và mang theo cả trứng, di chuyển chỗ ở lên cao để tránh bị ngập nước và bảo toàn nòi giống. Ông cha ta đã dựa vào tập tính đó để phán đoán xem năm nay có lũ hay không, nhất là vào những dịp tháng Bảy âm lịch ở nước ta là mùa mưa.

Thông qua câu tục ngữ này ta có thể thấy con người ngày xưa đã có những quan sát rất tỉ mỉ và kì công với bất kì hiện tượng nào ngoài thiên nhiên. Ngày nay dựa vào việc quan sát sinh hoạt của loài kiến và một số loài vật sống dưới mặt đất khác người ta cũng có thể dự đoán khá chính xác về tình hình thời tiết để có những phương án dự phòng phù hợp.

Bốn câu tục ngữ đầu tiên là những triết lí về các hiện tượng thiên nhiên trong đời sống. Để sinh tồn và phát triển, ông cha ta đã phải tự thân quan sát mọi hiện tượng xung quanh từ những điều nhỏ nhất. Dù chỉ bằng những cách thô sơ nhất nhưng kết quả của những quan sát trên lại có giá trị lâu dài cho đến ngày hôm nay.

Bên cạnh tìm hiểu về các hiện tượng thiên nhiên, với đặc điểm là một nước thuần ông, các thế hệ trước cũng đã đúc rút những bài học để có được vụ mùa bội thu để truyền lại cho con cháu đời sau. Nó được thể hiện qua các câu tục ngữ từ câu 5 đến câu 8 trong phần ngữ liệu trên.

Câu 5 là lời răn dạy về giá trị của đất đai:

“Tấc đất, tấc vàng”

Tấc là đơn vị đo lường của người thời xưa, một tấc đất chỉ bằng 1/10 thước, tức chỉ là một khoảng đất nhỏ còn tấc vàng thì lại là một lượng vàng rất lớn và có giá trị. Câu tục ngữ là một phép so sánh được tối giản hóa chỉ còn hai vế so sánh.

Người xưa đã ví tấc đất với tấc vàng, một vật có giá trị rất nhỏ với một vật có giá trị rất lớn nhằm khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của đất đai đối với người nông dân. Họ đã khẳng định rằng dù chỉ là một mảnh đất rất nhỏ thôi nhưng còn quý hơn cả một lượng vàng lớn. Vàng bạc dẫu quý giá nhưng nếu cứ ăn mãi rồi cũng sẽ hết, chỉ có đất mới nuôi sống con người được lâu dài.

Đối với những người nông dân, đất đai không chỉ là phương tiện sản xuất mà còn là một phần trong cuộc sống với sự gắn bó keo sơn. Người nông dân luôn ví đất là mẹ vì từ đất họ có thể làm ra những vật phẩm để nuôi sống bản thân và gia đình.

Câu tục ngữ khuyên dạy ta cần phải sử dụng đất sao cho hợp lí, không sử dụng lãng phí và bảo vệ nguồn đất, phải nhận thức đúng giá trị của đất mẹ để có thể gắn bó và yêu quý đất đai.

Câu tục ngữ thứ 6 là những lời nhận xét và kinh nghiệm về thứ tự hiệu quả mà các mô hình kinh tế đem lại.

“Nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền”

Câu tục ngữ trên sử dụng từ Hán-Việt, giải nghĩa ra có nghĩa là thứ nhất là đào ao nuôi cá, thứ hai là làm vườn, thứ ba là làm ruộng. Nội dung của câu tục ngữ này có nghĩa là trong các hoạt động canh tác của nhà nông, đem lại hiệu quả kinh tế nhanh và nhiều nhất lần lượt là chăn nuôi thủy hải sản sau đó đến làm vườn và cuối cùng là trồng hoa màu ở đồng ruộng.

Có thể sắp xếp như vậy bởi nuôi trồng thủy hải sản ít tốn thời gian và công chăm sóc, thu hoạch nhanh hơn và đạt giá trị kinh tế cao hơn. Làm vườn trồng cây ăn quả và trồng hoa màu đòi hỏi thời gian và công sức dài hơn, rủi ro do mất mùa cũng cao hơn.

Câu tục ngữ trên cũng là một gợi ý cho người nông dân cân nhắc khi bắt tay vào xây dựng kinh tế. Tuy nhiên nếu muốn áp dụng càn phả xem xét được đặc điểm tình hình tự nhiên và các nguồn tài nguyên của địa phương thì mới có thể thành công.

Người nông dân cho đến ngày hôm nay vẫn rất quen thuộc với câu nói:

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

Phép liệt kê vừa có tác dụng nêu rõ thứ tự, vừa nhấn mạnh vai trò của từng yếu tố. Câu tục ngữ này cũng sử dụng các yếu tố Hán-Việt, đó là các số đếm Nhất, nhì, tam tứ có nghĩa là thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư. Nghĩa của câu này là khi trồng lúa, quan trọng nhất là phải có nguồn nước đầy đủ, thứ hai là phải bón phân, thứ ba là sự cần cù chăm chỉ của con người và thứ tư là phải có giống tốt. Bốn yếu tố trên kết hợp lại với nhau sẽ cho một vụ mùa bội thu.

Câu tục ngữ trên đã giúp ta thấy được vai trò của từng yếu tố để có một vụ mùa thắng lợi. Cho đến ngày hôm nay, câu nói trên vẫn được bà con nông dân áp dụng trong quá trình canh tác của mình.

Ngoài việc trồng lúa, khi trồng các loại cây khác ông cha ta cũng đúc rút được những lời khuyên cho thế hệ sau. Một trong số đó là câu:

“Nhất thì, nhì thục”

Nghĩa tiếng Vệt của câu này là thứ nhất là đúng thời gian, thứ hai là đất đai được làm thuần thục, nhuần nhuyễn. Câu tục ngữ đã khẳng định rằng trong trồng trọt quan trọng nhất là trồng đúng thời gian, mùa vụ và thứ hai là đất đai được chuẩn bị kĩ càng. Kinh nghiệm này đã đi sâu vào thực tế, dù trồng bất kì loại cây nào nếu đúng mùa và chuẩn bị tốt sẽ cho ra sản phẩm đạt chất lượng.

Thông qua các câu tục ngữ trên, ta có thể nhận thấy hình thức của chúng là rất ngắn gọn bởi đặc thù truyền miệng của văn học dân gian, tuy nhiên ý nghĩa lại rất cô đọng, hàm súc và đầy đủ. Hình ảnh, từ ngữ được sử dụng mang tính biểu đạt cao, các câu tục ngữ luôn có sự dí dỏm như bản tính vốn có của người nông dân Việt Nam.

Từ những kinh nghiệm được truyền lại thông qua những câu tục ngữ trên ta có thể thấy rằng dù trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng thế hệ cha ông ta ngày trước đã không ngừng quan sát và học hỏi, tạo nên những bài học quý giá cho thế hệ con cháu sau này. Ngày nay dù khoa học phát triển nhưng những kinh nghiệm thực tế đó chưa bao giờ bị lãng quên. Sự kết hợp hài hóa của hai yếu tố trên đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân Việt Nam.


2. Phát biểu cảm nghĩ về bài ca dao: Người ta đi cấy lấy công

Người ta đi cấy lấy công,

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.

Trông cho chân cứng đá mềm,

Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng.

Bài làm:

Trong ca dao – dân ca, bên cạnh những bài phản ánh tinh thần phong phú còn có những bài trực tiếp bộc lộ cảm nghĩ của người nông dân trước công việc quen thuộc hằng ngày. Bài ca dao sau đây là một ví dụ tiêu biểu:

Người ta đi cấy lấy công,

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.

Trông cho chân cứng đá mềm,

Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng.

Nghĩ sao nói vậy,giản dị, mộc mạc, tự nhiên nhưng chính những cái đó lại tạo nên sự rung động sâu sắc trong lòng người đọc. Nỗi băn khoăn lo lắng trong công việc của người nông dân quá lớn, như đúc lại thành khối nặng nề đè lên đôi vai gầy của họ, khiến chúng ta không khỏi xót xa, thương cảm.

Nội dung bài ca dao thật đơn giản: người phụ nữ nông dân đi cấy lúa, chân ngập dưới bùn sâu mà lòng ngổn ngang trăm mối lo toan và thầm mong mưa thuận gió hòa để có được một mùa lúa tốt.

Tục ngữ có câu: Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn. Kể từ khi cắm cây mạ xuống ruộng cho đến khi gánh lúa về nhà, người nông dân phải làm bao công việc vất vả, cực nhọc; phải tính toán, trăn trở mọi bề. Nhiều khi lúa chín vàng đồng, chỉ một trận lũ lụt tràn qua là tay trắng lại hoàn tay trắng.

Trong nghề nông, thường thì công việc cày bừa nặng nhọc dành cho đàn ông, còn việc nhổ mạ, cấy hái dành cho phụ nữ. Cho nên căn cứ vào giọng điệu, ta có thể đoán rằng nhân vật trữ tình đang bày tỏ nỗi niềm trong bài ca dao trên là một người phụ nữ hay làm và rất có ý thức về công việc của mình. Trước hết là sự phân biệt rõ ràng giữa việc bản thân đi cấy trên ruộng nhà với những người thợ cấy thuê khác:

Người ta đi cấy lấy công,

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.

Đi cấy lấy công tức là đi cấy thuê cho chủ ruộng; cấy ít tiền ít, cấy nhiều tiền nhiều. Xong việc là phủi tay, chẳng phải chịu trách nhiệm gì. Có vất vả cũng chỉ là vất vả tấm thân: Bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, Đổi bát mồ hôi lấy bát cơm… (Tục ngữ).

Còn tôi thì đi cấy trên ruộng nhà. Đó là cơ sở để phân biệt giữa người làm thuê và người làm chủ. Vì thế mà sự trông mong, lo lắng nhiều bề cũng xuất phát từ đây. Tôi khác với người ta ở sự lo toan trăn trở, năm liệu bảy lo về công việc với một ý thức trách nhiệm cao và vốn hiểu biết khá phong phú, toàn diện.

Hai từ trông và bề ở câu thơ thứ hai thật hàm xúc, đa nghĩa và được sử dụng rất chính xác. Từ trông vừa có nghĩa là quan sát, nhìn ngó, nhận xét, phân tích, vừa có nghĩa là lo lắng, mong đợi, hi vọng. Từ bề cũng vậy, vừa chỉ cái hữu hình tồn tại trong không gian (trời, đất, mây), vừa chỉ cái vô hình như nỗi mong đợi, ao ước hoặc chiêm nghiệm bằng tâm tưởng (nỗi lo thiện tai, niềm vui được mùa… ).

Có lẽ không có bài ca dao nào mà từ trông lại được lặp lại nhiều lần và độc đáo như ở bài này. Toàn bài chỉ có 6 câu mà từ trông được dùng đến 9 lần, mỗi lần một nghĩa khác nhau.

Ở câu thứ hai: Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề, nghĩa của từ trông gắn với nghĩa của từ nhiều bề, gợi lên hình ảnh một phụ nữ nông dân có tầm suy nghĩ, nhìn nhận công việc rất thấu đáo. Hình ảnh ấy sẽ được tiếp tục khắc họa rõ nét ở những câu sau. Đặc biệt là hai câu giữa bài với 7 từ trông gắn liền với 7 đối tượng cụ thể khác nhau (trời, đất, mây, mưa, gió, ngày, đêm) trong bối cảnh rộng lớn của không gian và thời gian:

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.

Các từ trông trên đây đều có thể hiểu theo hai hoặc ba lớp nghĩa và mỗi từ mang một sắc thái biểu cảm khác nhau.

Nếu như ở câu: Trông trời, trông đất, trông mây, từ trông có nghĩa là quan sát và theo dõi liên tục sự thay đổi của thời tiết với thái độ băn khoăn, lo lắng, thì ở câu : Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm, từ trông lại có nghĩa là cầu mong. Mong sao mưa thuận gió hòa cho cây lúa tươi tốt, để người vơi bớt nỗi nhọc nhằn và chưa chan hi vọng. Đến hai câu cuối bài thì từ trông rõ ràng mang ý nghĩa là niềm hi vọng, là ước mong tha thiết:

Trông cho chân cứng đá mềm,

Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng.

Chân cứng đá mềm là thành ngữ chỉ sức mạnh và ý chí của con người, nhất là những người phải xông pha những công việc gian nan vất vả, thậm chí hiểm nguy. Trông cho chân cứng đá mềm là mong sao cho bản thân có đủ sức khỏe và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, có được niềm vui, niềm tin trong cuộc sống.

Trời yên, biển lặng cũng là thành ngữ biểu hiện sự thuận hòa của thiên nhiên (thời tiết, khí hậu); cao hơn nữa là sự yên bình trong cuộc sống (xã hội trật tự, an ninh, không có chiến tranh, trộm cướp)… Chỉ khi nhiều bề được yên ổn, trôi chảy thì người nông dân mới yên tấm lòng.

Càng hiểu rõ nội dung ý nghĩa của từ trông trong bài ca dao này, ta càng đồng cảm với nỗi lo toan vất vả của người nông dân. Từ đó, càng thêm thương thêm quý những giọt mồ hôi ngày ngày họ đổ xuống đồng để làm ra hạt lúa nuôi đời: Ai ơi bưng bát cơm đầy, Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Trong những bài ca dao trực tiếp bộc lộ cảm nghĩ của người nông dân trước công việc, khó tìm thấy bài nào vừa giản dị, tự nhiên, vừa hàm xúc ý nghĩa như bài này.


Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất sgk Ngữ văn 7 tập 2 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các bạn làm bài Ngữ văn tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com