Soạn bài Vội vàng sgk Ngữ văn 11 tập 2

Nội dung bài Soạn bài Vội vàng sgk Ngữ văn 11 tập 2 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, phân tích, cảm nhận, thuyết minh, nghị luận,… đầy đủ các bài văn lớp 11 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn và ôn thi THPT Quốc gia.


VỘI VÀNG

Xuân Diệu

TIỂU DẪN

Xuân Diệu (1916 – 1985) còn có bút danh là Trảo Nha, tên khai sinh là Xuân Diệu. Ông thân sinh Xuân Diệu là một nhà nho, quê ở làng Trảo Nha (nay là xã Đại Lộc), Huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ; mẹ thi sĩ quê ở Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Xuân Diệu lớn lên ở Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mĩ Tho (nay là Tiền Giang), sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, là thành viên của Tự lực văn đoàn. Xuân Diệu tham gia Mặt trận Việt Minh từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ông hăng say hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Cả cuộc đời ông gắn bó với nền văn học dân tộc. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III, Năm 1984, Xuân Diệu được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật Cộng hòa dân chủ Đức.

Xuân Diệu là nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh). Ông đã đem đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện một quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Ông là nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ với một giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết. Từ sau Cách mạng, thơ Xuân Diệu hướng mạnh vào thực tế đời sống và rất giàu tính thời sự. Ông cổ vũ và hăng hái thể nghiệm khuynh hướng tăng cường chất hiện thực trong thơ.

Xuân Diệu là một cây bút có sức sáng tạo mãnh liệt, dồi dào, bền bỉ, có đóng góp ta lớn trên nhiều lĩnh vực đối với nề văn học Việt Nam hiện đại. Xuân Diệu xứng đáng với danh hiệu một nhà thơ lớn, một nhà văn hóa lớn. Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).

Xuân Diệu để lại một sự nghiệp văn học lớn, tiêu biểu là các tập thơ: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), Riêng chung (1960), Mũi Cà Mau – Cầm tay (1962), Hai đợt sóng (1967), Tôi giàu đôi mắt (1970), Thanh ca (1982) ; các tập văn xuôi : Phấn thông vàng (1939), Trường ca (1945); các tập tiểu luận phê bình, nghiên cứu văn học : Những bước đường tư tưởng của tôi (1958), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, hai tập (1981),(1982), Công việc làm thơ (1984)…

Vội vàng được in trong tập Thơ thơ, là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám.


VĂN BẢN

Tôi muốn tắt nắng đi,
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại,
Cho hương đừng bay đi.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si,
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng . Nhưng vội vàng một nửa;
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất;
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật.
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chi phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…

Mau đi thôi! mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều;
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

(Theo Thơ thơ, NXB Đời nay, Hà Nội, 1938)

Dưới đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Vội vàng sgk Ngữ văn 11 tập 2 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Nội dung chi tiết câu trả lời từng câu hỏi các bạn xem dưới đây:


HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

Nội dung chính:

Vội vàng là lời giục giã hãy sống mãnh liệt, sống hết mình, hãy quý trọng từng giây, từng phút của cuộc đời mình, nhất là những năm tháng tuổi trẻ của một hồn thơ yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt.


1. Câu 1 trang 23 Ngữ văn 11 tập 2

Bài thơ có thể chia làm mấy đoạn? Nêu ý chính của từng đoạn.

Trả lời:

Bố cục: 3 phần

– Đoạn 1 ( 13 câu thơ đầu): Bộc lộ tình yêu cuộc sống trần thế tha thiết.

– Đoạn 2 ( câu 14 tới câu 29): Thể hiện sự nuối tiếc về kiếp người và thời gian.

– Đoạn 3 (còn lại): Giục giã cuống quýt, vội vàng để tận hưởng tuổi trẻ và cuộc đời.


2. Câu 2 trang 23 Ngữ văn 11 tập 2

Xuân Diệu cảm nhận về thời gian như thế nào? Vì sao nhà thơ có tâm trạng vội vàng, cuống quýt trước sự trôi qua nhanh chóng của thời gian?

Trả lời:

– Cảm nhận của Xuân Diệu về thời gian:

+ Thời gian tươi đẹp, ngọt ngào (tuần tháng mật, tháng Giêng ngon như một cặp môi gần).

+ Thời gian đẹp nhất là mùa xuân và tuổi trẻ (các câu 14 → 18).

+ Thời gian tuyến tính, một đi không trở lại.

+ Thời gian khách quan tuần hoàn nhưng thời gian đời người hữu hạn (câu 18→ 22).

– Nhà thơ vội vàng, cuống quýt trước sự trôi qua nhanh chóng của thời gian bởi cuộc đời quá tươi đẹp trong khi quỹ đời của con người lại ngắn ngủi.

– So sánh với quan niệm thời trung đại:

+ Người xưa coi thời gian tuần hoàn như một vòng tròn khép kín nên ung dung, điềm tĩnh trước sự chảy trôi của kiếp người.

+ Xuân Diệu coi thời gian là tuyến tính nên vô cùng nuối tiếc, lo âu.


3. Câu 3 trang 23 Ngữ văn 11 tập 2

Hình ảnh thiên nhiên, sự sống quen thuộc được tác giả cảm nhận và diễn tả như thế nào? Hãy chỉ ra những nét mới trong quan niệm của Xuân Diệu về cuộc sống, tuổi trẻ và hạnh phúc.

Trả lời:

– Trong cảm nhận và diễn tả của Xuân Diệu, thiên nhiên cùng sự sống quen thuộc hiện lên mới mẻ, sống động, tươi đẹp, tràn đầy màu sắc, thanh âm và niềm vui:

+ Sự sống ngồn ngộn, tươi tắn, đa dạng, tràn đầy sức sống qua những hình ảnh sống động.

+ Thanh âm tình tứ, du dương, say đắm.

 + Màu sắc phong phú: màu rực rỡ của hoa, màu xanh của đồng nội, màu trắng của ánh sáng, màu non bóng của cành tơ…

+ Cảnh vật hiện lên mới mẻ, độc đáo qua cách diễn tả mới lạ:

Ánh sáng chớp hàng mi (lấy con người làm chuẩn mực cho cái đẹp).

• Thần Vui hằng gõ cửatháng Giêng ngon như một cặp môi gần (hình ảnh gợi cảm, biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác),…

– Nét mới trong quan niệm của Xuân Diệu về cuộc sống, tuổi trẻ và hạnh phúc:

+ Cuộc sống vô cùng tươi đẹp và đáng quý, đó là thiên đường giữa trần gian.

+ Tuổi trẻ là thời gian đáng quý nhất, ý nghĩa nhất, đẹp đẽ nhất trong đời người.

+ Hạnh phúc lớn nhất, tuyệt diệu nhất của con người chính là tình yêu.

⇒ Cuộc sống, tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc gắn bó chặt chẽ với nhau. Tóm lại, giữa cuộc đời hương sắc, tuổi trẻ và tình yêu là những điều quý giá nhất của con người.


4. Câu 4 trang 23 Ngữ văn 11 tập 2

Hãy nhận xét về đặc điểm của hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu trong đoạn thơ cuối của bài thơ. Nhà thơ sáng tạo được hình ảnh nào mà anh (chị) cho là mới mẻ, độc đáo nhất?

Trả lời:

Đặc điểm của khổ thơ cuối:

– Hình ảnh: vừa gần gũi vừa mới mẻ, vừa khái quát vừa cụ thể, tình tứ và giàu sức sống.

– Ngôn từ: sử dụng hệ thống động từ mạnh theo hướng tăng tiến (ôm, riết, say, thâu, cắn); điệp ngữ “ta muốn” (5 lần), từ ngữ táo bạo và gợi cảm.

– Nhịp điệu: vội vàng, hối hả, cuồng nhiệt.

– Hình ảnh sáng tạo nhất trong khổ cuối: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”.


LUYỆN TẬP

Câu hỏi trang 23 Ngữ văn 11 tập 2

Trong Nhà văn hiện đại, nhà phê bình, nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan đã viết : “Với những nguồn cảm hứng mới: yêu đương và tuổi xuân, dù lúc vui hay lúc buồn, Xuân Diệu cũng ru thanh niên bằng giọng yêu đời thấm thía.”

Qua phân tích bài thơ Vội vàng, anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Trả lời:

– Câu nói của Vũ Ngọc Phan là một nhận định chung, mang tính khái quát về Xuân Diệu và thơ Xuân Diệu. Nhận định đó có hai ý:

+ Thơ Xuân Diệu có hai nguồn cảm hứng mới: yêu đương và tuổi xuân.

+ Dù lúc vui hay lúc buồn, Xuân Diệu cũng ru thanh niên bằng giọng yêu đời thấm thía.

– Cần vận dụng câu nói đó vào trường hợp bài thơ Vội vàng của ông, có nghĩa là phân tích bài thơ để làm sáng tỏ nhận định của Vũ Ngọc Phan. Cách vận dụng như sau:

+ Trong bài Vội vàng, ý “yêu đương” chưa rõ, cần khai thác cảm hứng “tuổi xuân” (tức tuổi trẻ) để làm bài.

+ Chứng minh rằng, với cảm hứng “tuổi xuân” lúc nào Xuân Diệu cũng là thanh niên với giọng yêu đời thắm thiết. Cụ thể là:

Lúc vui: đoạn 1 và đoạn 3 đều ru thanh niên bằng giọng yêu đời thắm thiết (chứng minh qua bức tranh thiên nhiên và bức tranh cuộc sống con người; qua sự cuồng nhiệt, hối hả, vội vàng của nhà thơ đến với cuộc sống để “ôm” cuộc sống ấy vào lòng mà tận hưởng).

Lúc buồn: đoạn 2: Ngay cả khi lo sợ thời gian trôi nhanh cướp mất tuổi xuân của mình, nhà thơ băn khoăn lo lắng, nhưng trong cái băn khoăn đó vẫn bộc lộ niềm yêu đời, yêu cuộc sống của mình bằng những câu thơ tha thiết với tuổi trẻ và mùa xuân như muốn níu kéo tuổi xuân ở mãi với mình.


CÁC BÀI VĂN HAY


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Vội vàng sgk Ngữ văn 11 tập 2 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các em làm bài Ngữ văn thật tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com