Trả lời câu hỏi 1 2 3 bài 25 trang 131 sgk Lịch sử 7

Hướng dẫn trả lời câu hỏi Bài 25 – Phong trào Tây Sơn, Chương V. Đại Việt ở các thế kỉ XVI – XVIII, sách giáo khoa Lịch sử lớp 7. Nội dung trả lời câu hỏi 1 2 3 bài 25 trang 131 sgk Lịch sử 7 bao gồm đầy đủ kiến thức lý thuyết và bài tập có trong SGK để giúp các em học tốt môn lịch sử lớp 7.


Lý thuyết

IV. Tây Sơn đánh tan quân Thanh

1. Quân Thanh xâm lược nước ta

Lê Chiêu Thống thế cùng lực kiệt, sai người sang cầu cứu nhà Thanh. Vua Thanh là Càn Long muốn nhân cơ hội này thực hiện âm mưu xâm lược nước ta để mở rộng lãnh thổ xuống phía nam.

Cuối năm 1788, nhà Thanh cử Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân chia làm bốn đạo tiến vào nước ta.

Trước thế giặc ào ạt, quân ta rút khỏi Thăng Long. Ngô Văn sở và Ngô Thì Nhậm sai người về Phú Xuân báo cho Nguyễn Huệ biết và gấp rút lập phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn. Phòng tuyến có quân bộ đóng ở Tam Điệp (Ninh Bình), quân thuỷ đóng ở Biện Sơn (cửa Bạng, Thanh Hoá). Thuỷ – bộ liên kết vững chắc.

Tại Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị cho quân lính cướp bóc, đốt nhà, giết người rất tàn bạo. Lê Chiêu Thống được nhà Thanh phong là “An Nam quốc vương”, thực ra chỉ là vua bù nhìn. Hằng ngày, y tìm cách trả thù, báo oán rất tàn ngược. Người dân Thăng Long nói với nhau : “Nước Nam từ khi có đế có vương đến nay, chưa bao giờ thấy ông vua nào luồn cúi đê hèn như vậy” (Hoàng Lẽ nhất thống chí).

Tôn Sĩ Nghị suốt ngày ăn chơi, bắt nhân dân Thăng Long và các vùng lân cận phải nộp bò, lợn, lúa gạo ; có nơi còn phải nộp rơm cỏ nuôi lừa ngựa, dựng nhà cửa, đồn luỹ cho giặc. Lòng căm thù quân cướp nước và lũ bán nước đã lên đến cao độ.

2. Quang Trung đại phá quân Thanh (1789)

Nhận được tin cấp báo, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (12 – 1788), lấy niên hiệu là Quang Trung, lập tức tiến quân ra Bắc.

Đến Nghệ An, Quang Trung tuyển thêm quân, mở cuộc duyệt binh lớn ở Vĩnh Doanh (Vinh, Nghệ An).
Tới Thanh Hoá, Quang Trung tiếp tục tuyển thêm quân và làm lễ tuyên thệ. Trong lời dụ tướng sĩ, Quang Trung đã thể hiện rõ quyết tâm đánh tan quân ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Ra đến Tam Điệp, Quang Trung khen ngợi kế hoạch tạm rút quân để bảo toàn lực lượng của Ngô Thì Nhậm và các tướng.

Quang Trung mở tiệc khao quân và tuyên bố : “Nay hãy ăn Tết Nguyên Đán trước, đến sang xuân, ngày mồng 7 vào Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy nhớ lời ta xem có đúng thế không ?”

Từ Tam Điệp, Quang Trung chia quân làm năm đạo :

– Đạo chủ lực, do Quang Trung trực tiếp chỉ huy, thẳng hướng Thăng Long.

– Đạo thứ hai và đạo thứ ba đánh vào Tây Nam Thăng Long và yểm hộ cho đạo chủ lực.

– Đạo thứ tư tiến ra phía Hải Dương.

– Đạo thứ năm tiến lên Lạng Giang (Bắc Giang), chặn đường rút lui của địch.

Đêm 30 tết (âm lịch), quân ta vượt sông Gián Khẩu (sông Đáy), tiêu diệt gọn toàn bộ quân địch ở đồn tiền tiêu. Đêm mồng 3 tết, quân ta bí mật vây đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội). Quân giặc bị đánh bất ngờ, hoảng sợ, hạ khí giới đầu hàng.

Mờ sáng mồng 5 tết, quân ta đánh đồn Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội). Đây là đồn quan trọng nhất của địch với khoảng 3 vạn quân tinh nhuệ đóng giữ. Đồn luv được xây đắp kiên cố, xung quanh đều cắm chông sắt và chôn địa lôi dầy đặc.

Khi đến sát đồn giặc, Quang Trung truyền lệnh cho tượng binh và bộ binh đồng loạt xông tới. “Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết…, thây ngổn ngang đầy đồng, máu chảy thành suối. Quân Thanh đại bại” (Hoàng Lê nhất thống chí).

Khi đạo quân của Quang Trung đang đánh đồn Ngọc Hồi thì đạo quân của đỏ đốc Long tấn công đồn Đống Đa. Được nhân dân địa phương giúp sức, quân ta giáp chiến, đốt lửa thiêu cháy doanh trại giặc. Tướng giặc là sầm Nghi Đống khiếp sợ, thắt cổ tự tử.

Nghe tin đại bại, Tôn Sr Nghị bàng hoàng mất vía, vội vã cùng vài võ quan vượt sông Nhị sang Gia Lâm.

Trưa mồng 5 Tết KỈ Dậu, vua Quang Trung trong bộ chiến bào xạm đen khói thuốc súng, cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào Thăng Long giữa muôn tiếng reo hò :

Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến,
Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh…

3. Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của phong trào Tây Sơn

Trong 17 năm liên tục chiến đấu, phong trào Tây Sơn đã lật đổ các chính quyền phong kiến thối nát Nguyễn, Trịnh, Lê, xoá bỏ ranh giới chia cắt đất nước, đặt nền tảng thống nhất quốc gia. Đồng thời, phong trào Tây Sơn đánh tan các cuộc xâm lược của Xiêm, Thanh, bảo vệ nền độc lập và lãnh thổ của Tổ quốc.

Có được thắng lợi trên, trước hết là nhờ ý chí đấu tranh chống áp bức bóc lột và tinh thần yêu nước cao cả của nhân dân ta. Tiếp đó, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Quang Trung và bộ chỉ huy nghĩa quân đã góp phần quan trọng vào thắng lợi. Quang Trung là anh hùng dân tộc vĩ đại của nhân dân ta ở thế kỉ XVIII.

Trước khi đi vào Hướng dẫn trả lời câu hỏi 1 2 3 bài 25 trang 131 sgk Lịch sử 7 chúng ta hãy trả lời câu hỏi in nghiêng giữa bài (Câu hỏi thảo luận trên lớp) sau đây:


Thảo luận

1. Trả lời câu hỏi trang 127 sgk Lịch sử 7

Vì sao quân ta rút khỏi Thăng Long?

Trả lời:

Quân ta rút khỏi Thăng Long vì:

– Cuối năm 1788, nhà Thanh cử Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân chia làm 4 đạo tiến vào nước ta.

– Trước tình thế giặc ồ ạt và mạnh hơn ta rất nhiều, Nguyễn Huệ đã cho quân ta rút khỏi Thăng Long nhằm bảo toàn lực lượng.


2. Trả lời câu hỏi trang 128 sgk Lịch sử 7

Việc Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Ý nghĩa việc lên ngôi Hoàng đế của Nguyễn Huệ là:

– Việc lên ngôi Hoàng đế trong hoàn cảnh đất nước đang gặp hiểm nguy trước kẻ thù đang lăm le xâm lược trên danh nghĩa là giúp vua Lê lấy lại chính quyền. Việc lên ngôi vua khẳng định Đại Việt là một quốc gia đã có chủ, khẳng định quyền tự chủ, độc lập của dân tộc đối với quân xâm lược.

– Bên cạnh đó, còn để tập hợp lòng dân, tạo được sức mạnh đoàn kết dân tộc cùng kháng chiến chống thế lực xâm lược.


3. Trả lời câu hỏi trang 129 sgk Lịch sử 7

Vì sao vua Quang Trung quyết định tiêu diệt quân Thanh vào dịp Tết Kỉ Dậu?

Trả lời:

Vua Quang Trung quyết định tiêu diệt quân Thanh vào dịp Tết Kỉ Dậu vì:

Để tạo bất ngờ cho địch không kịp trở tay. Trong khi địch đang ăn tết mà lơ là cảnh giác quân Tây Sơn ồ ạt tấn công như vậy sẽ làm địch hoảng loạn, rối ren tạo thời cơ cho quân ta.

Vua Quang Trung chuẩn bị cho cuộc đại phá quân Thanh như thế nào?

Trả lời:

Công đoạn chuẩn bị của vua Quang Trung cho cuộc đại phá quân Thanh là:

– Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung

– Tuyển quân ở Nghệ An, Thanh Hoá

– Duyệt binh, làm lễ tuyên thệ.

– Mở cuộc hành quân thần tốc, vừa đi vừa tuyển quân.

– Quyết định tấn công giặc vào Tết Kỉ Dậu.


4. Trả lời câu hỏi trang 130 sgk Lịch sử 7

Chiến thắng Ngọc Hồi có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Ý nghĩa của chiến thắng Ngọc Hồi: Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Thanh thắng lợi, hoàn thành bảo vệ bờ cõi, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chủ quyền đất nước, đưa phong trào Tây Sơn toàn thắng.

Dưới đây là Hướng dẫn trả lời câu hỏi 1 2 3 bài 25 trang 131 sgk Lịch sử 7. Các bạn hãy đọc kỹ đầu bài trước khi giải nhé!


Câu hỏi

Giaibaisgk.com giới thiệu với các bạn đầy đủ phương pháp trả lời câu hỏi lịch sử 7 kèm câu trả lời chi tiết câu hỏi 1 2 3 bài 25 trang 131 sgk Lịch sử 7 của Bài 25 – Phong trào Tây Sơn của Chương V. Đại Việt ở các thế kỉ XVI – XVIII trong Phần hai. Lịch sử Việt Nam từ thế kỉ X đến giữa thế kỉ XIX cho các bạn tham khảo. Nội dung chi tiết câu trả lời từng câu hỏi các bạn xem dưới đây:

Trả lời câu hỏi 1 2 3 bài 25 trang 131 sgk Lịch sử 7
Trả lời câu hỏi 1 2 3 bài 25 trang 131 sgk Lịch sử 7

1. Trả lời câu hỏi 1 bài 25 trang 131 sgk Lịch sử 7

Em hãy trình bày cuộc tiến công của vua Quang Trung đại phá quân Thanh vào dịp Tết Kỉ Dậu 1789.

Trả lời:

Cuộc tiến công của vua Quang Trung đại phá quân Thanh vào Tết Kỉ Dậu 1789:

– Nhận được tin cấp báo, năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung và lập tức tiến quân ra Bắc

– Đến Nghệ An – Thanh Hóa Quang Trung tuyển thêm quân và mở lễ tuyên thệ tại Thanh Hóa.

– Từ Tam Hiệp, Quang Trung chia quân làm 5 đạo:

+ Đạo chủ lực do Quang Trung chỉ huy, tiến đến Thăng Long

+ Đạo thứ 2, 3: Đánh vào Tây Nam Thăng Long

+ Đạo thứ 4: Tiến ra Hải Dương

+ Đạo thứ 5: tiến ra Lạng Giang chặn đường rút lui của giặc.

– Đêm 30 tết Đêm 30 Tết quân ta vượt sông Gián Khẩu tiêu diệt toàn bộ địch ở đồn tiền tiêu. Mồng 3 Tết quân ta vây đồn Hà Hồi, quân giặc hạ khí giới đầu hàng.

– Mờ sáng mồng 5 Tết, quân ta đánh đồn Ngọc Hồi và đồn Đống Đa.

– Tướng giặc Sầm Nghi Đống khiếp sợ thắt cổ tự tử.Tôn Sĩ Nghị và vài võ quan vượt sông Nhị sang Gia Lâm.

– Trưa mồng 5 Tết, Quang Trung và đoàn quân Tây Sơn chiến thắng tiến vào Thăng Long.

⇒ Quang Trung đại phá quân Thanh thành công.


2. Trả lời câu hỏi 2 bài 25 trang 131 sgk Lịch sử 7

Hãy nêu những cống hiến to lớn của phong trào Tây Sơn đối với lịch sử dân tộc trong những năm 1771 – 1789.

Trả lời:

Những cống hiến của phong trào Tây Sơn:

– Lật đổ hai chính quyền phong kiến họ Nguyễn ở Đàng Trong và Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài, xóa bỏ ranh giới chia cắt đất nước trong một thời gian dài, thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ. Thiết lập vương triều Tây Sơn, một vương triều hùng mạnh dưới thời vua Quang Trung.

– Phong trào Tây Sơn làm nhiệm vụ dân tộc, đánh tan quân xâm lược Xiêm và Thanh bảo vệ độc lập, tự chủ cho đất nước.


3. Trả lời câu hỏi 3 bài 25 trang 131 sgk Lịch sử 7

Lập niên biểu hoạt động của phong trào Tây Sơn từ năm 1771 đến năm 1789.

Trả lời:

Thời gian Sự kiện
Năm 1771 Anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa.
Năm 1777 Lật đổ chính quyền phong kiến họ Nguyễn ở Đàng Trong.
Năm 1785 Đánh tan 5 vạn quân Xiêm.
Năm 1786 Lật đổ chính quyền họ Trịnh ở Đàng Ngoài
12 / 1788 Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế để tiến quân ra Bắc.
Năm 1789 Đánh tan quân xâm lược Thanh

Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Chúc các bạn làm bài tốt cùng giải bài tập sgk lịch sử lớp 7 với trả lời câu hỏi 1 2 3 bài 25 trang 131 sgk Lịch sử 7!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com