Giải bài tập bài 2 trang 12 sgk Lịch sử 9

Hướng dẫn Trả lời câu hỏi Bài 2 – Liên Xô và các nước Đông Âu từ giữa những năm 70 đến đầu những năm 90 của thế kỉ XX, sách giáo khoa Lịch sử lớp 9. Nội dung trả lời câu hỏi và bài tập bài 2 trang 12 sgk Lịch sử 9 bao gồm đầy đủ kiến thức lý thuyết và bài tập có trong SGK để giúp các em học tốt môn lịch sử lớp 9.


Lý thuyết

I. Sự khủng hoảng và tan rã của liên bang Xô Viết

Năm 1973, cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã mở đầu cho cuộc khủng hoảng về nhiều mặt của thế giới, đòi hỏi các nước phải có những cải cách về kinh tế và chính trị – xã hội.

Trong bối cảnh đó, Ban lãnh đạo Liên Xô đã không tiến hành các cải cách cần thiết về kinh tế và xã hội, không khắc phục những khuyết điểm truớc đây làm trở ngại sự phát triển của đất nước. Tới đầu những năm 80 của thế kỉ XX, nền kinh tế đất nuớc ngày càng khó khăn : sản xuất công nghiệp và nông nghiệp trì trệ, lương thực, thực phẩm và nhiều hàng hoá tiêu dùng thiết yếu ngày càng khan hiếm, mức sống của người dân Xô viết giảm sút. Mặt khác, những vi phạm về pháp chế, thiếu dân chủ và các tệ nạn quan liêu, tham nhũng ngày càng trầm trọng. Đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện.

Trong bối cảnh đó, tháng 3 – 1985, Goóc-ba-chốp lên nắm quyền lãnh đạo Đảng, đề ra đường lối cải tổ. Cải tổ được tuyên bố như một cuộc cách mạng nhằm khắc phục những sai lầm thiếu sót trước đây, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và xây dựng một chủ nghĩa xã hội theo đúng bản chất và ý nghĩa nhân văn đích thực của nó. Nhưng do không có sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết và thiếu một đường lối chiến lược toàn diện, nhất quán, nên công cuộc cải tổ nhanh chóng lâm vào tình trạng bị động, lúng túng, đầy khó khăn.

Mặc dù Ban lãnh đạo Liên Xô đã đưa ra nhiều phương án phát triển kinh tế nhưng lại chưa thực hiện được gì, nền kinh tế vẫn trượt dài trong khủng hoảng. Trước những khó khăn về kinh tế, những cái tổ về chính trị – xã hội lại được đẩy mạnh như thực hiện chế độ tổng thống tập trung mọi quyền lực, thực hiện chế độ đa nguyên về chính trị (tức nhiều đảng cùng tham gia công việc chính trị của đất nước), xoá bỏ chế độ một đảng (tức xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô), tuyên bố dân chủ và “công khai” mọi mặt.

Đất nước càng lún sâu vào khủng hoảng và rối loạn. Nhiều cuộc bãi công diễn ra, mâu thuẫn sắc tộc bùng nổ, nhiều nước cộng hoà đòi li khai, các tệ nạn xã hội gia tăng, các thế lực chống đối ráo riết kích động quần chúng…

Trong bối cảnh đó, ngày 19 – 8 – 1991 một số người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Xô viết đã tiến hành đảo chính, lật đổ Tổng thống Goóc-ba-chốp. Nhưng cuộc đảo chính nhanh chóng thất bại và đã dần tới những hậu quả cực kì nghiêm trọng : Đảng Cộng sản Liên Xô bị đình chỉ hoạt động, Nhà nước Liên bang hầu như tê liệt, các nước cộng hoà đua nhau đòi độc lập và tách khỏi Liên bang. Sự tan rã của Liên bang Xô viết chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ngày 21 – 12 – 1991, những người lãnh đạo 11 nước cộng hoà trong Liên bang Xô viết đã họp và kí kết hiệp định về giải tán Liên bang xô viết, thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (thường gọi tắt là SNG). Trong buổi tối giá lạnh ngày 25- 12- 1991, Goóc-ba-chốp tuyên bố từ chức tổng thống. Lá cờ Liên bang Xô viết trên nóc điện Crem-li bị hạ xuống, đánh dấu sự chấm dứt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên bang Xô viết sau 74 năm tồn tại.

II. Cuộc khủng hoảng và tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu

Cũng như tình hình ở Liên Xô, từ cuối những năm 70 và đầu những năm 80 của thế kỉ XX, các nước Đông Âu lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế và chính trị ngày càng gay gắt.

Sản xuất công nghiệp và nông nghiệp suy giảm ; buôn bán với nước ngoài giảm sút; số tiền nợ nước ngoài tăng lên (chỉ riêng Ru-ma-ni: năm 1980 nợ nước ngoài 11 tỉ đô la Mĩ (USD), năm 1989 lên tới 21 tỉ USD). Các cuộc đình công của công nhân kéo dài, quần chúng xuống đường biểu tình… Chính phủ nhiều nước Đông Âu đã đàn áp các phong trào quần chúng, không đề ra các cải cách cần thiết và đúng đắn.

Tới cuối năm 1988, khủng hoảng lên tới đỉnh cao. Khởi đầu từ Ba Lan, sau đó lan nhanh sang các nước Hung-ga-ri, Tiệp Khắc, Cộng hoà Dân chủ Đức. Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Nam Tư và An-ba-ni. Ở các nước này, mít tinh, biểu tình diễn ra dồn dập đòi cải cách kinh tế, thực hiện đa nguyên về chính trị, tiến hành tổng tuyển cử tự do mà mũi nhọn đấu tranh nhằm vào đảng cộng sản cầm quyền.

Lợi dụng thời cơ đó, lại được sự tiếp sức của chủ nghĩa đế quốc bên ngoài, các thế lực chống chủ nghĩa xã hội ra sức kích động quần chúng, đẩy mạnh các hoạt động chống phá.
Ban lãnh đạo các nước Đông Âu đã phải chấp nhận từ bỏ quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, thực hiện đa nguyên chính trị và tiến hành tổng tuyển cử tự do.

Kết quả là, qua tổng tuyển cử ở hầu hết các nước Đông Âu, các thế lực chống chủ nghĩa xã hội đã thắng cử, giành được chính quyền nhà nước ; các đảng cộng sản bị thất bại, không còn nắm chính quyền. Như thế, tới cuối năm 1989 chế độ xã hội chủ nghĩa đã bị sụp đổ ở hầu hết các nước Đông Âu.

Chính quyền mới ở các nước Đông Âu đều tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác – Lê-nin, thực hiện đa nguyên về chính trị và chuyển nền kinh tế theo cơ chế thị trường với nhiều thành phần sở hữu. Tên nước và ngày quốc khánh đều thay đổi theo hướng chung chỉ gọi là nước cộng hòa.

Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô đã kết thúc sự tồn tại của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Ngày 28 -6 – 1991, Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) quyết định chấm dứt hoạt động và ngày 1 – 7-1991, Tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va tuyên bố giải thể. Đây là một tổn thất hết sức nặng nề đối với phong trào cách mạng thế giới cũng như đối với các lực lượng tiến bộ và các dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền dân tộc, hòa bình ổn định và tiến bộ xã hội.

Trước khi đi vào Hướng dẫn Giải bài tập bài 2 trang 12 sgk Lịch sử 9 chúng ta hãy trả lời câu hỏi in nghiêng giữa bài (Câu hỏi thảo luận trên lớp) sau đây:


Thảo luận

Trả lời câu hỏi bài 2 trang 10 sgk Lịch sử 9

Công cuộc cải tổ ở Liên Xô đã diễn ra như thế nào và kết quả cuối cùng ra sao?

Trả lời:

Tháng 3-1985, Goóc – ba – chốp lên nắm quyền đề ra đường lối cải tổ.

♦ Nội dung:

– Về chính trị:

+ Thực hiện chế độ tổng thống.

+ Thực hiện chế độ đa nguyên về chính trị, xóa bỏ chế độ một đảng.

+ Tuyên bố dân chủ và “công khai” mọi mặt.

– Về kinh tế:

+ Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng.

+ Ra các đạo luật thành lập các hợp tác xã.

+ Trao quyền xuất khẩu cho các xí nghiệp.

♦ Kết quả: cải tổ nhanh chóng lâm vào tình trạng bị động, lung túng. Đất nước lún sâu vào khủng hoảng.

– Kinh tế: đề ra nhiều phương án nhưng chưa thực hiện được gì. Kinh tế đất nước tiếp tục suy giảm.

– Về xã hội: nhiều cuộc bãi công diễn ra, tệ nạn xã hội gia tăng, nhiều nước cộng hòa đòi li khai, các thế lực chống đối ráo riết hoạt động,…

– Ngày 19-8-1991, diễn ra cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tống thống Gooc-ba-chop nhưng thất gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng:

+ Đảng Cộng sản Liên Xô bị đình chỉ hoạt động.

+ Chính phủ Xô viết bị giải tán, 11 nước cộng hòa tách khỏi Liên bang Xô viết, thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập.

+ Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô bị sụp đổ.

Dưới đây là Hướng dẫn Giải bài tập bài 2 trang 12 sgk Lịch sử 9. Các bạn hãy đọc kỹ đầu bài trước khi giải nhé!


Câu hỏi và bài tập

Giaibaisgk.com giới thiệu với các bạn đầy đủ phương pháp trả lời câu hỏi và bài tập lịch sử 9 kèm câu trả lời chi tiết câu hỏi và bài tập bài 2 trang 12 sgk Lịch sử 9 của Bài 2 – Liên Xô và các nước Đông Âu từ giữa những năm 70 đến đầu những năm 90 của thế kỉ XX của Chương I. Liên Xô và các nước Đông Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai trong Phần một. Lịch sử thế giới hiện đại từ năm 1945 đến nay cho các bạn tham khảo. Nội dung chi tiết câu trả lời từng câu hỏi các bạn xem dưới đây:

Giải bài tập bài 2 trang 12 sgk Lịch sử 9
Giải bài tập bài 2 trang 12 sgk Lịch sử 9

Giải bài tập bài 2 trang 12 sgk Lịch sử 9

Quá trình khủng hoảng và sụp đổ của chế độ chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu đã diễn ra như thế nào?

Trả lời:

– Cuối những năm 70 và đầu những năm 80 của thế kỉ XX, các nước Đông Âu lâm vào khủng hoảng kinh tế, chính trị trầm trọng.

– Tới năm 1988, khủng hoảng lên tới đỉnh cao.

+ Cuộc khủng hoảng sớm nhất ở Ba Lan (1978) sau đó lan sang các nước Đông Âu khác.

+ Lợi dụng tình hình đó cùng với sự tiếp sức của chủ nghĩa đế quốc bên ngoài, các thế lực chống Chủ nghĩa xã hội ra sức kích chống phá.

– Đảng Cộng sản ớ các nước Đông Âu phải tuyên bó từ bỏ quyền lãnh đạo.

– Kết quả:

+ Ở hầu hết các nước Đông Âu, các thế lực chống chủ nghĩa xã hội giành được chính quyền nhà nước.

+ Cuối năm 1989, chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở hầu hết các nước Đông Âu.


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Chúc các bạn làm bài tốt cùng giải bài tập sgk lịch sử lớp 9 với trả lời câu hỏi và bài tập bài 2 trang 12 sgk Lịch sử 9!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com