Hướng dẫn Trả lời câu hỏi Bài 62 trang 195 sgk Sinh học 8

Hướng dẫn Trả lời câu hỏi Bài 62. Thụ tinh, thụ thai và phát triển của thai, sách giáo khoa sinh học lớp 8. Nội dung bài Hướng dẫn Trả lời câu hỏi Bài 62 trang 195 sgk Sinh học 8 bao gồm đầy đủ lý thuyết, các khái niệm, phương pháp giải, công thức, chuyên đề sinh học, … có trong SGK để giúp các em học tốt môn sinh học lớp 8.


Lý thuyết

I – Thụ tinh và thụ thai

Trứng rụng được phễu dẫn trứng tiếp nhận, đưa vào ống dẫn trứng và di chuyển hướng về phía tử cung nhờ lớp biểu bì có lông rung động lót trong lòng ống. Nếu trứng gặp được tinh trùng sẽ xảy ra sự thụ tinh để tạo thành hợp tử. Sự thụ tinh thường xảy ra trong ống dẫn trứng (ở 1/3 phía ngoài) (hình 62-1).

Hình 62-1.Sự thụ tinh

Mặc dù số lượng tinh trùng mỗi lần phóng tinh rất lớn, nhưng trứng chỉ tiếp nhận 1 tinh trùng để tạo thành hợp tử.

Hợp tử di chuyển xuống tử cung làm tổ mất khoảng 7 ngày, vừa di chuyển vừa phân chia. Khi tới tử cung, khối tế bào đã phân chia sẽ bám vào lớp niêm mạc tử cung đã được chuẩn bị sẵn (dày, xốp và xung huyết) để làm tổ và sẽ phát triển thành thai. Đó là sự thụ thai (hình 62-2).

Trong quá trình mang thai, lớp niêm mạc tử cung được duy trì là nhờ hoocmôn prôgestêrôn tiết ra từ thể vàng (trong vòng 3 tháng đầu, sau đó là từ nhau thai). Thể vàng được hình thành tại bao noãn ngay sau khi trứng rụng. Hoocmôn này còn kìm hãm hoạt động tiết các hoocmôn kích thích buồng trứng của tuyến yên nên trứng không chín và rụng trong thời kì này.

II – Sự phát triển của thai

Phôi khi mới làm tổ trong thành tử cung chỉ là một khối tế bào chưa phân hóa, dần dần được phân hóa và phát triển thành thai. Tại nơi trứng làm tổ sẽ hình thành nhau thai bám chắc vào thành tử cung. Thai liên hệ với nhau nhờ cuống nhau và thực hiện trao đổi chất với cơ thể mẹ qua nhau thai để lớn lên.

Hình 62-2. Trứng thụ tinh và làm tổ

III – Hiện tượng kinh nguyệt

Cùng với sự phát triển của trứng, hoocmôn từ buồng trứng tiết ra có tác dụng làm cho lớp niêm mạc tử cung dày, xốp, chứa nhiều mạch máu để đón trứng đã được thụ tinh xuống làm tổ. Nhưng nếu trứng không được thụ tinh thì sau 14 ngày kể từ khi trứng rụng, thể vàng bị tiêu giảm nên lớp niêm mạc sẽ bị bong ra từng mảng, thoát ra ngoài cùng với máu và dịch nhày, đó là hiện tượng kinh nguyệt (còn gọi là hành kinh) xảy ra theo chu kì (hàng tháng, từ 28 – 32 ngày) (hình 62-3). Đây cũng là dấu hiệu chứng tỏ trứng không được thụ tinh và cũng là một hiện tượng sinh lí bình thường, đánh dấu tuổi dậy thì chính thức ở người con gái, tuổi đã có khả năng sinh con.

Nếu trứng được thụ tinh thì những hiện tượng trên không xảy ra cho nên trong quan hệ tình dục, thấy chậm kinh hoặc tắt kinh thì phải nghĩ ngay là có thể đã có thai và nên đi xét nghiệm hoặc thử bằng các phương tiện chuyên dùng để sớm có quyết định phù hợp.

Hình 62-3. Chu kì kinh nguyệt

Mối quan hệ giữa chu kì rụng trứng (1) và chu kì kinh nguyệt (2) dưới tác dụng của hoocmôn buồng trứng (3) do hoocmôn tuyến yên chi phối (4)

Trước khi đi vào phần Hướng dẫn Trả lời câu hỏi Bài 62 trang 195 sgk Sinh học 8 chúng ta cùng hoạt động học tập, quan sát, thảo luận, trả lời các câu hỏi sau đây:


Quan sát, thảo luận

1. Trả lời câu hỏi trang 193 sgk Sinh học 8

∇ Hãy nêu rõ những điều kiện cần cho thụ tinh và thụ thai.

Trả lời:

– Sự thụ tinh chỉ xảy ra khi trứng gặp được tinh trùng và tinh trùng lọt được vào trứng để tạo thành hợp tử.

– Sự thụ thai chỉ xảy ra khi trứng đã thụ tinh bám được và làm tổ trong lớp niêm mạc tử cung.


2. Trả lời câu hỏi trang 194 sgk Sinh học 8

∇ Sức khỏe của mẹ ảnh hưởng như thế nào đối với sự phát triển của thai?

Từ sự phân tích đó có thể đi đến kết luận gì về những việc cần làm và những điều nên tránh để thai phát triển tốt và sinh con khỏe mạnh, phát triển bình thường?

Trả lời:

Sức khỏe của thai nhi, sự phát triển của thai nhi phụ thuộc vào sức khỏe của mẹ. Vì vậy trong thời kì mang thai (và cho con bú sau này) người mẹ cần:

– Bồi dưỡng đủ chất và đủ lượng để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho thai phát triển tốt.

– Tránh kiêng khem quá mức, không dùng các chất gây nghiện như bia, rượu, thuốc lá … có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai.

– Bổ sung đầy đủ sắt đặc biệt là uống thêm viên sắt trong thời gian mang thai.

– Giữ tinh thần thoải mái, vận động nhẹ nhàng, tránh làm việc nặng nhọc.
∇ Hiện tượng kinh nguyệt là gì? Xảy ra khi nào? Do đâu?

Trả lời:

– Cùng với sự phát triển của trứng, hormone từ buồng trứng tiết ra làm lớp niêm mạc tử cung dày xốp, chứa nhiều mạch máu để đón trứng đã thụ tinh làm tổ.

– Nếu trứng không được thụ tinh thì sau 14 ngày kể từ khi trứng rụng, thể vàng bị tiêu giảm nên lớp niêm mạc bị bong ra thoát ra ngoài cùng với máu và dịch nhầy. Đó là hiện tượng kinh nguyệt.

Sau đây là phần Hướng dẫn Trả lời câu hỏi Bài 62 trang 195 sgk Sinh học 8. Nội dung chi tiết câu trả lời từng câu hỏi và bài tập các bạn xem dưới đây:


Câu hỏi và bài tập

Trả lời câu hỏi Bài 62 trang 195 sgk Sinh học 8

Chọn những từ hoặc cụm từ được liệt kê dưới đây:

có thai, sinh con, nhau, thụ tinh, sự rụng trứng, trứng, mang thai, tử cung, làm tổ điền vào chỗ trống trong các thông tin sau:

1. Kinh nguyệt lần đầu là dấu hiệu cho thấy nữ giới đã đến tuổi có khả năng …….và ………..

2. Hàng tháng, một……………chín và rụng từ một trong hai buồng trứng

3. Hiện tượng trứng chín rời khỏi buồng trứng được gọi là…………….

4. Trứng gặp tinh trùng trong ống dẫn trứng, sẽ xảy ra hiện tượng ……………. và phụ nữ sẽ …………………..

5. Trứng đã thụ tinh bắt đầu phân chia, đồng thời di chuyển đến…………………..

6. Để có thể phát triển thành thai, trứng đã thụ tinh cần phải bám và………….. trong lớp niêm mạc tử cung. Nơi bám đó sẽ phát triển thành……………… để nuôi dưỡng thai

7. Sự…………….. kéo dài trong khoảng 280 ngày và đứa trẻ sẽ được sinh ra.

Trả lời:

1 – có thai; sinh con
2 – trứng
3 – sự rụng trứng
4 – thụ tinh; mang thai
5 – tử cung
6 – làm tổ; nhau
7 – mang thai

Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Trả lời câu hỏi Bài 62 trang 195 sgk Sinh học 8 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các bạn làm bài môn Sinh học lớp 8 thật tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com