Giải bài tập 1 2 bài 16 trang 64 sgk Lịch sử 9

Hướng dẫn Trả lời câu hỏi Bài 16 – Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 1919 – 1925, sách giáo khoa Lịch sử lớp 9. Nội dung trả lời câu hỏi và bài tập 1 2 bài 16 trang 64 sgk Lịch sử 9 bao gồm đầy đủ kiến thức lý thuyết và bài tập có trong SGK để giúp các em học tốt môn lịch sử lớp 9.


Lý thuyết

I. Nguyễn Ái Quốc ở Pháp (1917 – 1923)

Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước đế quốc thắng trận họp ở Véc-xai (gần Thủ đô Pa-ri) ngày 18 – 6 – 1919 để chia lại thị trường thế giới. Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước sống ở Pháp đã đưa tới hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam. Những yêu sách nói trên không được chấp nhận, nhưng việc làm đó đã có tiếng vang lớn đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và nhân dân các thuộc địa Pháp.

Tháng 7 – 1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin, từ đó Người hoàn toàn tin theo Lê-nin, dứt khoát đứng về Quốc tế thứ ba.

Tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua (12 -1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu, tán thành việc gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động cách mạng của Người từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lê-nin và đi theo con đường cách mạng vô sản.

Năm 1921, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa ở Pa-ri để đoàn kết các lực lượng cách mạng chống chủ nghĩa thực dân, thông qua tổ chức đó truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin đến các dân tộc thuộc địa. Tờ báo Người cùng khổ do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm (kiêm chủ bút) đã vạch trần chính sách đàn áp, bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc nói chung và đế quốc Pháp nói riêng, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức nổi dậy đấu tranh tự giải phóng. Nguyễn Ái Quốc còn viết nhiều bài cho các báo Nhân đạo (của Đảng Cộng sản Pháp). Đời sống công nhân (của Tổng Liên đoàn lao động Pháp).. và cuốn sách Bản án chế độ thực dân Pháp. Mặc dù bị nhà cầm quyền Pháp tìm mọi cách ngăn chặn, cấm đóan, các sách báo nói trên vẫn được bí mật chuyển về Việt Nam.

II. Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô (1923 – 1924)

Tháng 6 – 1923, Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp sang Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế nông dân và được bầu vào Ban Chấp hành. Sau đó, Người ở lại Liên Xô một thời gian, vừa làm việc, vừa nghiên cứu học tập. Tại Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản (1924),Nguyễn Ái Quốc trình bày lập trường, quan điểm của mình về vị trí, chiến lược của cách mạng ở các nước thuộc địa; về mối quan hệ giữa phong trào công nhân ở các nước đế quốc với phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa ; về vai trò và sức mạnh to lớn của giai cấp nông dân ở các nước thuộc địa.

Những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về cách mạng giải phóng thuộc địa trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản mà Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận, truyền bá vào nước ta từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, là một bước chuẩn bị quan trọng về chính trị và tư tưởng cho sự thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam trong giai đoạn tiếp sau.

III. Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc (1924 – 1925)

Sau một thời gian ở lại Liên Xô học tập và nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng đảng kiểu mới, cuối năm 1924 Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Người đã tiếp xúc với các nhà cách mạng Việt Nam có mặt tại đây, cùng một số thanh niên mới từ trong nước sang để thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, trong đó tổ chức Cộng sản đoàn làm nòng cốt (6 – 1925).

Nguyễn Ái Quốc trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện chính trị để đào tạo một số thanh niên Việt Nam trở thành những cán bộ cách mạng. Báo Thanh niên được xuất bản (1925) làm cơ quan tuyên truyền của Hội. Các bài giảng của Người trong các lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu sau đó được tập hợp lại và in thành sách Đường Kách mệnh (đầu năm 1927), vạch ra những phương hướng cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Một số người được chọn đi học trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô, một số được cử đi học quân sự ở Liên Xô hay Trung Quốc, còn phần lớn lên đường về nước hoạt động.

Tác phẩm Đường Kách mệnh, báo Thanh niên đã được bí mật chuyển về trong nước, đúng vào lúc phong trào yêu nước và dân chủ đang sôi nổi từ Nam ra Bắc trên cơ sở giai cấp công nhân đang lớn mạnh nên càng có điều kiện đi sâu vào quần chúng. Đến trước Đại hội đại biểu lần thứ nhất (5 – 1929), Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã có tổ chức cơ sở ở hầu khắp cả nước. Ngoài ra, một số đoàn thể quần chúng như Công hội, Nông hội, Hội học sinh. Hội phụ nữ… cũng được tổ chức.

Năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có chủ trương “vô sản hoá” – đưa hội viên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền cùng sống và lao động với công nhân để tự rèn luyện, đồng thời truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tổ chức và lãnh đạo công nhân đấu tranh.

Trước khi đi vào Hướng dẫn Giải bài tập 1 2 bài 16 trang 64 sgk Lịch sử 9 chúng ta hãy trả lời câu hỏi in nghiêng giữa bài (Câu hỏi thảo luận trên lớp) sau đây:


Thảo luận

1. Trả lời câu hỏi bài 16 trang 62 sgk Lịch sử 9

Con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc có gì khác so với lớp người đi trước?

Trả lời:

– Các bậc tiền bối đều cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản, tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài để giành độc lập dân tộc.

+ Phan Bội Châu đi sang phương Đông (Nhật Bản, Trung Quốc), gặp gỡ là những chính khách Nhật Bản để xin họ giúp Việt Nam đánh Pháp, chủ trương đấu tranh bạo động.

+ Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước bằng biện pháp cải cách… dựa vào Pháp để đánh đổ ngôi vua và bọn phong kiến hủ bại, giành độc lập dân tộc.

– Con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc:

+ Chọn con đường đi sang phương Tây, nơi có tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, có khoa học-kĩ thuật và nền văn minh phát triển, xem họ làm thế nào để về giúp đồng bào mình.

+ Trong quá trình đó, Người bắt gặp chân lí cứu nước của chủ nghĩa Mác-Lênin và xác định con đường cứu nước theo con đường của Cách mạng tháng Mười Nga.

+ Người khẳng định cách mạng Việt Nam muốn giành thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản.


2. Trả lời câu hỏi bài 16 trang 64 sgk Lịch sử 9

Nguyễn Ái Quốc đã làm những gì để Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời?

Trả lời:

– Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc), tiếp xúc với các nhà cách mạng Việt Nam trong tổ chức yêu nước Tâm tâm xã.

– Nguyễn Ái Quốc lựa chọn một số thanh niên tích cực trong tổ chức Tâm tâm xã, tuyên truyền, giác ngộ họ, lập ra nhóm Cộng sản đoàn (2-1925).

– Dựa trên nhóm này, tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Dưới đây là Hướng dẫn Giải bài tập 1 2 bài 16 trang 64 sgk Lịch sử 9. Các bạn hãy đọc kỹ đầu bài trước khi giải nhé!


Câu hỏi và bài tập

Giaibaisgk.com giới thiệu với các bạn đầy đủ phương pháp trả lời câu hỏi và bài tập lịch sử 9 kèm câu trả lời chi tiết câu hỏi và bài tập 1 2 bài 16 trang 64 sgk Lịch sử 9 của Bài 16 – Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 1919 – 1925 của Chương I. Việt Nam trong những năm 1919 – 1930 trong Phần hai. Lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay cho các bạn tham khảo. Nội dung chi tiết câu trả lời từng câu hỏi các bạn xem dưới đây:

Giải bài tập 1 2 bài 16 trang 64 sgk Lịch sử 9
Giải bài tập 1 2 bài 16 trang 64 sgk Lịch sử 9

1. Giải bài tập 1 bài 16 trang 64 sgk Lịch sử 9

Việc thành lập Cộng sản đoàn làm nòng cốt cho Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Việc thành lập Cộng sản đoàn làm nòng cốt cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có ý nghĩa:

Đây là một tổ chức chính trị theo khuynh hướng vô sản và là bước quá độ, là hạt nhân chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng cộng sản về sau.


2. Giải bài tập 2 bài 16 trang 64 sgk Lịch sử 9

Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của chính đảng vô sản ở Việt Nam như thế nào?

Trả lời:

– Nguyễn Ái Quốc tích cực học tập và tìm cách truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê-nin vào trong nước, chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam.

– Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Hội liên hiệp thuộc địa, thông qua tổ chức đó truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê-nin đến các dân tộc thuộc địa.

– Viết bài cho các báo “Người cùng khổ”, “Đời sống công nhân”, “Nhân đạo” và cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Những sách báo này được bí mật truyền về Việt Nam.

– Tháng 6/1923, rời Pháp sang Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế nông dân.

– Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc), tiếp xúc với các nhà cách mạng Việt Nam trong tổ chức yêu nước Tâm tâm xã.

– Nguyễn Ái Quốc lựa chọn một số thanh niên tích cực trong tổ chức Tâm tâm xã, tuyên truyền, giác ngộ họ, lập ra nhóm Cộng sản đoàn (2-1925).

– Dựa trên nhóm này, tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

– Nguyễn Ái Quốc mở các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng.

– Xuất bản báo “Thanh niên”; Năm 1927 xuất bản sách “Đường cách mệnh”. Tất cả các sách báo trên được bí mật truyền về trong nước.

– Năm 1928, Hội VNCMTN chủ trương “Vô sản hóa”, đưa hội viên vào hoạt động trong các nhà máy, hầm mỏ truyền bá chủ nghĩa Mác Lê-nin vào phong trào công nhân.

⇒ Nguyễn Ái Quốc không chỉ trực tiếp chuẩn bị về tư tưởng chính trị mà cả về tổ chức cho việc thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam.


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Chúc các bạn làm bài tốt cùng giải bài tập sgk lịch sử lớp 9 với trả lời câu hỏi và bài tập 1 2 bài 16 trang 64 sgk Lịch sử 9!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com