Giải bài tập 1 2 3 bài 28 trang 141 sgk Lịch sử 9

Hướng dẫn Trả lời câu hỏi Bài 28 – Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Năm (1954 – 1965), sách giáo khoa Lịch sử lớp 9. Nội dung trả lời câu hỏi và bài tập 1 2 3 bài 28 trang 141 sgk Lịch sử 9 bao gồm đầy đủ kiến thức lý thuyết và bài tập có trong SGK để giúp các em học tốt môn lịch sử lớp 9.


Lý thuyết

I. Tình hình nước ta sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương

Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương được kí kết đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đối với ba nước Việt Nam – Lào – Cam-pu-chia.

Theo Hiệp định, quân đội hai bên phải ngừng bắn, tập kết, chuyển quân và chuyển giao khu vực. Những điều khoản này sẽ được hai bên thực hiện trong thời gian 300 ngày : Pháp rút khỏi Hà Nội ngày 10 – 10 – 1954, rút khỏi miền Bắc giữa tháng 5 – 1955.

Nhưng hội nghị hiệp thương giữa hai miền Nam và Bắc để tổ chức Tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước chưa được tiến hành.

Pháp rút khỏi miền Nam, Mĩ liền nhảy vào và đưa bọn tay sai (đứng đầu là Ngô Đinh Diệm) lên nắm chính quyền ở miền Nam, thực hiện âm mưu chia cắt Việt Nam làm hai miền. biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ ở Đông Dương và Đông Nam Á.

II. Miền Bắc hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, cải tạo quan hệ sản xuất (1954 – 1960)

1. Hoàn thành cải cách ruộng đất

Qua 5 đợt cải cách ruộng đất (tiến hành từ cuối năm 1953 đến năm 1956), có khoảng 81 vạn hécta ruộng đất, 10 vạn trâu bò, 1,8 triệu nông cụ lấy từ tay giai cấp địa chủ chia cho hơn 2 triệu hộ nông dân. Khẩu hiệu “Người cày có ruộng” đã trở thành hiện thực. Giai cấp địa chủ phong kiến bị đánh đổ. Giai cấp nông dân được giải phóng, trở thành người chủ ở nông thôn.

Trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất, chúng ta đã phạm một số sai lầm như đầu tư cả những địa chủ kháng chiến, những người thuộc tầng lớp trên có công với cách mạng ; quy nhầm một số nông dân, cán bộ, bộ đội, đảng viên thành địa chủ.

Sai lầm trong cải cách ruộng đất được Đảng và Chính phủ phát hiện và có chủ trương, biện pháp sửa sai ngay khi kết thúc cái cách. Nhờ đó mà hậu quả được hạn chế và ý nghĩa của cải cách vẫn hết sức to lớn.

Sau cải cách ruộng đất, bộ mặt nông thôn miền Bắc đã thay đổi cơ bản, giai cấp địa chủ phong kiến bị đánh đổ, khối công nông liên minh được củng cố. Thắng lợi của cải cách ruộng đất góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh.

2. Khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh

Về nông nghiệp, nông dân hăng hái khai khẩn ruộng đất bỏ hoang, cày cấy hết ruộng đất vắng chủ, tăng thêm đàn trâu bò, sắm thêm nông cụ. Nhiều đập nước (như Bái Thượng ở Thanh Hóa , Đô Lương ở Nghệ An. Thác Huống ở Thái Nguyên…), nhiều đê điều bị địch phá được sửa chữa. Đến cuối năm 1957, sản lượng nông nghiệp tăng vượt mức trước Chiến tranh thế giới thứ hai, nạn đói có tính chất kinh niên được giải quyết về cơ bản.

Về công nghiệp, giai cấp công nhân với tinh thần dựa vào sức mình là chính đã nhanh chóng khôi phục và mở rộng hầu hết các cơ sở công nghiệp quan trọng như mỏ than Hòn Gai, nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy dệt Nam Định, nhà máy điện Hà Nội… ; xây dựng thêm nhiều nhà máy như nhà máy cơ khí Hà Nội, diêm Thống Nhất, gỗ Cầu Đuống, thuốc lá Thăng Long, cá hộp Hải Phòng, chè Phú Thọ… Đến cuối năm 1957, miền Bắc có tất cả 97 nhà máy, xí nghiệp do Nhà nước quản lí.

Về thủ công nghiệp, có nhiều mặt hàng tiêu dùng được sản xuất thêm, bảo đảm nhu cầu tối thiểu của đời sống, giải quyết phần nào việc làm cho người lao động. Đến cuối năm 1957, số thợ thủ công miền Bắc tăng gấp hai lần so với trước Chiến tranh thế giới thứ hai.

Về thương nghiệp, hệ thống mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán được mở rộng, đã cung cấp ngày càng nhiều mặt hàng cho nhân dân ; giao lưu hàng hóa giữa các địa phương ngày càng phát triển : hoạt động ngoại thương dần dần tập trung vào tay Nhà nước. Đến cuối năm 1957, miền Bắc đặt quan hệ buôn bán với 27 nước.

Về giao thông vận tải, gần 700 km đường sắt bị phá được khôi phục ; sửa chữa và làm mới hàng nghìn km đường ô tô; xây dựng lại và mở rộng thêm nhiều bến cảng như Hải Phòng. Hòn Gai, Cẩm Phả, Bến Thủy, Đường hàng không dân dụng quốc tế được khai thông.

3. Cải tạo quan hệ sản xuất, bước đầu phát triển kinh tế – văn hóa (1958 – 1960)

Trong ba năm tiếp theo (1958 – 1960), miền Bắc tiến hành cải tạo quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, công thương nghiệp tư bản tư doanh nhằm vận động những nông dân cá thể, những thợ thủ công, những thương nhân và nhà tư sản tham gia lao động tập thể trong các hợp tác xã, quốc doanh hoặc công tư hợp doanh. Khâu chính là hợp tác hóa nông nghiệp.

Kết quả cải tạo là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, có tác dụng thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là trong điều kiện chiến tranh. Hợp tác xã đã bảo đảm đời sống cho nhân dân lao động, tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho những người ra đi chiến đấu và phục vụ vụ chiến đấu.

Trong cải tạo, chúng ta đã phạm một số sai lầm như đã đồng nhất có tạo với xóa bỏ tư hữu và các thành phần kinh tế cá thể ; thực hiện sai các nguyên tắc xây dựng hợp tác xã là tự nguyện, công bằng, dân chủ, cùng có lợi. Do đó, không làm cho hợp tác xã phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của xã viên trong sản xuất.

Đồng thời với cải tạo, miền Bắc thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng, phát triển kinh tế – văn hóa. Trong phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển thành phần kinh tế quốc doanh, miền Bắc đạt được thành tựu đáng kể như đã xây dựng thêm nhiều nhà máy, xí nghiệp, nông trường. Nhà máy gang thép Thái Nguyên là cơ sở luyện kim đầu tiên ở miền Bắc được xây dựng trong thời kì này. Đến cuối năm 1960, miền Bắc có 172 cơ sở công nghiệp lớn do Trung ương quản lí và 500 cơ sở do địa phương quản lí.

Những tiến bộ về mặt kinh tế đã tạo điều kiện cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế phát triển. Đến cuối năm 1960, miền Bắc đã căn bản xóa xong nạn mù chữ ở miền xuôi cho những người dưới 50 tuổi. Hệ thống giáo dục phổ thông được hoàn chỉnh và mở rộng với số học sinh tăng 80% so với năm 1957. Miền Bắc có tất cả 9 trường đại học với hơn 11 000 sinh viên (gấp hai lần so với năm 1957). Cơ sở y tế tăng hơn 11 lần so với năm 1955.

III. Miền Nam đấu tranh chống chế độ Mĩ – Diệm. Giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng, tiến tới “Đồng khởi” (1954 – 1960)

1. Đấu tranh chống chế độ Mĩ – Diệm, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng (1954 – 1959)

Ngay từ năm 1954, nhận rõ đế quốc Mĩ là trở lực chính ngăn cản việc lập lại hòa bình ở Đông Dương và đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương, Trung ương Đảng đã đề ra cho cách mạng miền Nam nhiệm vụ chuyển cuộc đấu tranh vũ trang chống Pháp trước đó sang đấu tranh chính trị chống Mĩ – Diệm, đòi chúng thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, bảo vệ hòa bình, gìn giữ và phát triển lực lượng cách mạng.

Mở đầu là “Phong trào hòa bình” ở Sài Gòn – Chợ Lớn vào tháng 8-1954 của tri thức và các tầng lớp nhân dân. Phong trào ra đời với Bản hiệu triệu hoan nghênh Hiệp định Giơ-ne-vơ, ủng hộ hiệp thương tổng tuyển cử, được sự hưởng ứng rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Tại Sài Gòn – Chợ Lớn và trên khắp miền Nam, những “ủy ban bảo vệ hòa bình” được thành lập và hoạt động công khai.

Tháng 11 – 1954. Mi – Diệm tiến hành khủng bố, đàn áp, cho tay sai lùng bắt các nhà lãnh đạo phong trào. Nhưng phong trào đấu tranh vì mục tiêu hòa bình của các tầng lớp nhân dân tiếp tục dâng cao, lan rộng tới các thành phố lớn như Huế, Đà Nẵng… và cả các vùng nông thôn. Phong trào đã lôi cuốn hàng triệu người tham gia, gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái giáo phái, các dân tộc ít người… hình thành nên mặt trận chống Mĩ – Diệm.

Mục tiêu phong trào được mở rộng, hình thức đấu tranh có những thay đổi từ năm 1958 – 1959, khi chính quyền Diệm lộ rõ bộ mặt phản động. Phong trào đấu tranh còn nhằm chống khủng bố, đàn áp, chống chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” của chúng, đòi các quyền tự do, dân sinh, dân chủ, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng. Từ hình thức đấu tranh chính trị, hòa bình chuyển sang dùng bạo lực, tiến hành đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang

2. Phong trào “Đồng khởi” (1959 – 1960)

Trong những năm 1957 – 1959, Mĩ – Diệm mở rộng chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” ; tăng cường khủng bố, đàn áp ; ra sắc lệnh “đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật”, thực hiện “đạo luật 10/59” (5 – 1959) lê máy chém khắp miền Nam, giết hại những người vô tội…

Trên cơ sở nhận định tình hình miền Nam dưới chế độ Mĩ – Diệm, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng (đầu năm 1959) xác định con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân bằng các lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân.

Có nghị quyết của Đảng soi sáng, phong trào nổi dậy của quần chúng, từ chỗ lẻ tẻ ở từng địa phương như cuộc nổi dậy Vinh Thạnh – Bình Định, Bác Ái – Ninh Thuận (2 – 1959), Trà Bồng – Quảng Ngãi (8 – 1959), đã lan rộng ra khắp miền Nam thành cao trào cách mạng với cuộc “Đồng khởi”, tiêu biểu ở Bến Tre.


Ngày 17 – 1 – 1960, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bến Tre, nhân dân các xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày với các loại vũ khí có trong tay, đồng loạt nổi dậy đánh đồn bốt, diệt ác ôn, giải tán chính quyền địch. Từ ba xã điểm, cuộc nổi dậy lan nhanh ra toàn huyện Mỏ Cày và tỉnh Bến Tre. Quân khởi nghĩa đã phá vỡ từng mảng lớn bộ máy cai trị và hệ thống kìm kẹp của địch ở thôn xã. Ở những nơi đó, ủy ban Nhân dân tự quản được thành lập, lực lượng vũ trang nhân dân ra đời và phát triển, ruộng đất của địa chủ cường hào bị tịch thu đem chia cho dân cày nghèo.

Từ Bến Tre, phong trào “Đồng khởi” như nước vỡ bờ, lan khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở miền Trung Trung Bộ.

“Đồng khởi” đã giáng đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mĩ ở miền Nam, gây tác động mạnh, làm lung lay tận gốc chính quyền Ngô Đinh Diệm.

“Đồng khởi” thắng lợi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Từ trong khí thể đó, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20 – 12 – 1960).

IV. Miền Bắc xây dựng bước đầu cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội (1961 – 1965)

1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9 – 1960)

Giữa lúc miền Bắc đang giành thắng lợi to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ cải tạo và phát triển kinh tế, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam có bước phát triển nhảy vọt với phong trào “Đồng khởi”, thì vào tháng 9 – 1960, Đảng Lao động Việt Nam họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III tại Thủ đô Hà Nội.
Sau khi phân tích đặc điểm tình hình đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền dưới hai chế độ chính trị, xã hội

khác nhau. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình bày trước Đại hội đã xác định nhiệm vụ của cách mạng từng miền Bắc – Nam : miền Bắc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Nam đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Trong việc thực hiện mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, cách mạng mỗi miền có vị trí, vai trò riêng.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc có nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam và sự nghiệp thống nhất nước nhà. Còn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mĩ và tay sai. Đại hội đề ra đường lối chung của cả thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cụ thể hóa đường lối đó trong kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961 – 1965), nhằm “thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội ; đồng thời hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị của Đảng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất.

2. Miền Bắc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961-1965)

Miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm, nhằm tạo dựng bước đầu cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội, Nhà nước tăng đầu tư vốn cho xây dựng kinh tế gấp ba lần so với thời kì khôi phục kinh tế.

Công nghiệp được Nhà nước ưu tiên đầu tư vốn để phát triển. Trong công nghiệp nặng, có khu gang thép Thái Nguyên, các nhà máy nhiệt điện Uông Bí, thủy điện Thác Bà, phân đạm Bắc Giang, supe phốt phát Lâm Thao… Trong công nghiệp nhẹ, có các khu công nghiệp Việt Trì, Thượng Đỉnh (Hà Nội), các nhà máy đường Vạn Điếm, sứ Hải Dương, pin Văn Điển, dệt 8-3, dệt kim đồng – Xuân… Công nghiệp quốc doanh chiếm tỉ trọng 93,1 % trong tổng giá trị sản lượng công nghiệp toàn miền Bắc, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân ở địa phương, có hàng trăm xí nghiệp công nghiệp được xây dựng để hỗ trợ cho công nghiệp trung ương và giải quyết nhu cầu tại chỗ.

Nông nghiệp được coi là cơ sở của công nghiệp. Nhà nước ưu tiên xây dựng và phát triển các nông trường, lâm trường quốc doanh, trại thí nghiệm cây trồng và vật nuôi… Người nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học – kĩ thuật.

Tỉ lệ sử dụng cơ khí trong nông nghiệp tăng lên. Diện tích nước tưới được mở rộng nhờ phát triển hệ thống thủy nông vừa và nhỏ. Nhiều hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn thóc trên 1 hécta. Trên 90% hộ nông dân vào hợp tác xã, trong đó 50% hộ vào hợp tác xã bậc cao.

Thương nghiệp quốc doanh được Nhà nước ưu tiên phát triển nên đã chiếm lĩnh được thị trường, góp phần vào phát triển kinh tế, củng cố quan hệ sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Trong giao thông vận tải, các mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển được xây dựng, củng cố, hoàn thiện, đã phục vụ đắc lực cho yêu cầu giao lưu kinh tế và củng cố quốc phòng.

Các ngành văn hoá, giáo dục, y tế có bước phát triển và tiến bộ đáng kể. Vấn đề văn hoá – tư tưởng, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa được đặc biệt coi trọng. Về giáo dục, so với năm học 1960 – 1961, số học sinh phổ thông năm học 1964 – 1965 tăng từ 1.9 triệu lên 2,7 triệu, số sinh viên đại học tăng từ 17 000 lên 27 000. Ngành y tế mở rộng mạng lưới đến tận huyện, xã.

Miền Bắc còn làm nghĩa vụ hậu phương, chi viện cho miền Nam. Trong 5 năm ( 1961 – ] 965), một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, thuốc men… được chuyển vào chiến trường. Ngày càng có nhiều đơn vị vũ trang, nhiều cán bộ quân sự, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế được huấn luyện đưa vào chiến trường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xây dựng vùng giải phóng.

Những thành tựu đạt được trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm đã làm thay đổi bộ mặt xã hội miền Bắc. Tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (3 – 1964). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định : ‘‘Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới”.

Kế hoạch 5 năm (1961 – 1965) đang được thực hiện có kết quả thì ngày 7 – 2 – 1965, Mĩ chính thức gây ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên toàn bộ lãnh thổ miền Bắc nước ta. Miền Bắc phải chuyển hướng xây dựng và phát triển kinh tế cho phù hợp với điều kiện thời chiến.

V. Miền Nam chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ (1961 – 1965)

1. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ ở miền Nam

Sau thất bại trong phong trào “Đồng khởi’’ (1959 – 1960) ở miền Nam. Mĩ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, một chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mĩ được tiến hành bằng quân đội tay sai do “cố vấn” Mĩ chỉ huy, đưa vào vũ khí, trang bị kĩ thuật, phương tiện chiến tranh của Mĩ.

Lực lượng quân đội Sài Gòn cũng tăng nhanh từ 170 000 người (giữa năm 1961) đến 560 000 người (cuối năm 1964), được trang bị hiện đại, sử dụng phổ biến chiến thuật mới như “trực thăng vận”, “thiết xa vận”.

Được sự hỗ trợ chiến đấu và chỉ huy bằng hệ thống cố vấn của Mĩ, quân đội Sài Gòn mở những cuộc hành quân càn quét tiêu diệt lực lượng cách mạng, tiến hành hoạt động gom dân, lập “ấp chiến lược”, đẩy lực lượng cách mạng ra khỏi các ấp, tách dân khỏi cách mạng, tiến tới nắm dân. “bình định” miền Nam. Chúng dự định dồn 10 triệu dân vào 16 000 ấp chiến lược (trong tổng số 17 000 ấp toàn miền Nam) bằng những thủ đoạn cưỡng bức trắng trợn. Mĩ và chính quyền Sài Gòn còn tiến hành hoạt động phá hoại miền Bắc, phong trào biên giới, vùng biển nhằm ngăn chặn sự thâm nhập từ ngoài vào miền Nam.

2. Chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ

Dưới ngọn cờ cứu nước của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam do Đảng lãnh đạo, quân giải phóng miền Nam cùng nhân dân đẩy mạnh đấu tranh chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nổi dậy với tiến công trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị) bằng cả ba mũi chính trị, quân sự và binh vận.

Năm 1962, quân giải phóng cùng với nhân dân đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét của quân đội Sài Gòn đánh vào chiến khu, căn cứ U Minh, Tây Ninh…

Trên mặt trận chống phá “bình định”, ta và địch đấu tranh giằng co giữa lập và phá “ấp chiến lược”.

Đến giữa năm 1963, mặc dù Mĩ và chính quyền Sài Gòn đã huy động gần như toàn bộ lực lượng tiến hành càn quét, nhưng cũng chỉ lập đuợc non nửa số ấp dự kiến (khoảng 7500 ấp). Số ấp lập được đó bị ta phá đi, phá lại nhiều lần, hoặc bị ta biến thành làng chiến đấu ; đến cuối năm 1964 – đầu năm 1965, chỉ còn lại 1/3.

Bước vào năm thứ ba của cuộc chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, quân dân ta ở miền Nam giành thắng lợi vang dội trong trận Ấp Bắc Mĩ Tho) ngày 2 – 1 – 1963.

Tại đây, lần đầu tiên với số quân ít hơn địch 10 lần, quân giải phóng cùng với nhân dân đánh bại cuộc hành quân càn quét của trên 2000 quân Sài Gòn có cố vấn Mĩ chỉ huy. Chiến thắng Ấp Bắc không định khả năng quân dân miền Nam có thể đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ. Sau trận Ấp Bắc trên khắp miền Nam dấy lên phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”.

Ở đô thị, ngày 8 – 5 – 1963, hai vạn tăng ni Phật tử Huế biểu tình phản đối việc chính quyền Sài Gòn cấm treo cờ Phật. Ngô Đình Diệm ra lệnh đàn áp, làm hàng chục Phật tử chết và bị thương. Một làn sóng ủng hộ phong trào Phật tử Huế lan nhanh ra cả nước, mạnh nhất ở Sài Gòn. Ngày 11 – 6 – 1963, ngay trên đường phố Sài Gòn, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính quyền Diệm, gây xúc động mạnh trong nhân dân. Ngay 16 – 6 – 1963, một cuộc biểu tình lớn của 70 vạn quần chúng Sài Gòn làm rung chuyển chế độ Sài Gòn. Tình thế đã buộc Mĩ phải thay Diệm. Ngày 1 – 11 – 1963, Mĩ chỉ đạo các tướng lĩnh trong quân đội Sài Gòn do Dương Văn Minh cầm đầu làm đảo chính lật đổ chính quyền của anh em Diệm – Nhu với hi vọng ổn định tình hình.

Phối hợp với đấu tranh chính trị của quần chúng, lực lượng quân giải phóng liên tiếp mở những chiến dịch tiến công quy mô lớn, tiêu biểu là chiến dịch Đông – Xuân 1964 – 1965 trên các chiến trường miền Nam và miền Trung.

Với những chiến thắng dồn dập, quân dân ta ở miền Nam đã làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ.

Trước khi đi vào Hướng dẫn Giải bài tập 1 2 3 bài 28 trang 141 sgk Lịch sử 9 chúng ta hãy trả lời câu hỏi in nghiêng giữa bài (Câu hỏi thảo luận trên lớp) sau đây:


Thảo luận

1. Trả lời câu hỏi bài 28 trang 129 sgk Lịch sử 9

Sau Hiệp đinh Giơ-ne-vơ về Đông Dương, tình hình nước ta như thế nào?

Trả lời:

♦ Miền Bắc:

– Ngày 10/10/1954, Pháp rút khỏi Hà Nội.

– Ngày 1/1/1955, Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch trở về Thủ đô.

– 5/1955, lính Pháp cuối cùng rời khỏi Hải Phòng, miền Bắc hoàn toàn giải phóng.

♦ Miền Nam:

– Giữa tháng 5/1956, Pháp rút khỏi miền Nam khi chưa thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam theo điều khoản của Hiệp định Giơnevơ…

– Mỹ thay Pháp, lập chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, âm mưu chia cắt Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự ở Đông Dương và Đông Nam Á.


2. Trả lời câu hỏi bài 28 trang 130 sgk Lịch sử 9

Trình bày quá trình thực hiện, kết quả và ý nghĩa của việc hoàn thành cải cách ruộng đất ở miền Bắc nước ta (1953 – 1957).

Trả lời:

– Quá trình thực hiện: Cải cách ruộng đất được tiến hành từ cuối năm 1953 đến năm 1956, qua 5 đợt:

– Kết quả:

+ Tịch thu khoảng 81 vạn hécta ruộng đất, 10 vạn trâu bò, 1,8 triệu nông cụ của địa chủ chia cho nông dân.

+ Thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”.

– Ý nghĩa:

+ Bộ mặt miền Bắc thay đổi, giai cấp địa chủ phong kiến không còn, khối công nông liên minh được củng cố.

+ Góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh.


3. Trả lời câu hỏi bài 28 trang 131 sgk Lịch sử 9

Miền Bắc đã đạt được những thành tựu gì trong việc thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế và hàn gắn vết thương chiến tranh (1954 – 1957)?

Trả lời:

– Về nông nghiệp:

+ Đến cuối năm 1957, sản lượng nông nghiệp tăng vượt mức trước Chiến tranh thế giới thứ hai.

+ Nạn đói có tính chất kinh niên được giải quyết về cơ bản.

– Về công nghiệp:

+ Khôi phục và mở rộng hầu hết các cơ sở công nghiệp quan trọng,

+ Xây dựng thêm nhiều nhà máy.

+ Đến cuối năm 1957, miền Bắc có tất cả 97 nhà máy, xí nghiệp do Nhà nước quản lí.

– Về thủ công nghiệp:

+ Nhiều mặt hàng tiêu dùng được sản xuất thêm, bảo đảm nhu cầu tối thiểu của đời sống, giải quyết phần nào việc làm cho người lao động.

+ Đến cuối năm 1957, số thợ thủ công miền Bắc tăng gấp hai lần so với trước Chiến tranh thế giới thứ hai.

– Về thương nghiệp:

+ Hệ thống mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán được mở rộng, đã cung cấp ngày càng nhiều mặt hàng cho nhân dân.

+ Giao lưu hàng hóa giữa các địa phương ngày càng phát triển.

+ Hoạt động ngoại thương dần dần tập trung vào tay Nhà nước.

+ Đến cuối năm 1957, miền Bắc đặt quan hệ buôn bán với 27 nước.

– Về giao thông vận tải:

+ Gần 700 km đường sắt bị phá được khôi phục.

+ Sửa chữa và làm mới hàng nghìn km đường ô tô.

+ Xây dựng lại và mở rộng thêm nhiều bến cảng, đường hàng không dân dụng quốc tế được khai thông.

Hãy trình bày ý nghĩa của những thành tựu đó.

Trả lời:

– Khôi phục nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

– Cải thiện đời sống nhân dân.

– Nạn đói bước đầu được giải quyết.

– An ninh trật tự được giữ vững, quốc phòng được củng cố.

– Cổ vũ, làm nhiệm vụ hậu phương chi viện cho tiền tuyến Miền Nam.


4. Trả lời câu hỏi bài 28 trang 132 sgk Lịch sử 9

Trong việc thực hiện nhiệm vụ cải tạo quan hệ sản xuất, bước đầu phát triển kinh tế, văn hóa, miền Bắc đã đạt được những thành tựu gì?

Trả lời:

– Về cải tạo quan hệ sản xuất: từ 1958 – 1960, miền Bắc tiến hành cải tạo quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

+ Xóa bỏ chế độ người bóc lột người, thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là trong điều kiện chiến tranh.

+ Hợp tác xã đã bảo đảm đời sống cho nhân dân lao động, tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho những người ra đi chiến đấu và phục vụ vụ chiến đấu.

– Bước đầu phát triển kinh tế:

+ Phát triển kinh tế: xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp,..

+ Đến cuối năm 1960, miền Bắc có 172 cơ sở công nghiệp lớn, 500 cơ sở do địa phương quản lý.

– Về văn hóa:

+ Đến cuối năm 1960, miền Bắc căn bản xóa xong nạn mù chữ ở miền xuôi cho những người dưới 50 tuổi.

+ Hệ thống giáo dục phổ thông được hoàn chỉnh, số học sinh tăng nhanh.

+ Số lượng trường đại học tăng nhanh.

Hãy nêu những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đó trong việc thực hiện nhiệm vụ trên.

Trả lời:

– Hạn chế: trong cải tạo ta mắc phải một số sai lầm như:

+ Đã đồng nhất cải tạo với xóa bỏ tư hữu và các thành phần kinh tế cá thể.

+ Thực hiện sai nguyên tắc xây dựng hợp tác xã là tự nguyện, công bằng, dân chủ, cùng có lợi, àm cho hợp tác xã không phát huy được tác dụng tích cực, chủ động, sáng tạo của xã viên trong sản xuất.

– Nguyên nhân:

+ Không nắm vững các quy luật kinh tế của thời kì quá độ.

+ Tư tưởng chủ quan, nóng vội, đốt cháy giai đoạn, muốn nhanh chóng hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa để bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội.


5. Trả lời câu hỏi bài 28 trang 133 sgk Lịch sử 9

Phong trào đấu tranh chống chế độ Mĩ – Diệm của nhân dân miền Nam trong những năm đầu sau Hiệp định Giơ-ne-vơ đã diễn ra như thế nào?

Trả lời:

– Nhân dân miền Nam đấu tranh chính trị, chống Mĩ – Diệm, đòi chúng thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, bảo vệ hòa bình, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng.

– Mở đầu là “phong trào hòa bình” ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Tại Sài Gòn – Chợ Lớn và khắp miền Nam, những “Ủy ban bảo vệ hòa bình” được thành lập.

– Phong trào đấu tranh vì hòa bình dâng cao, lôi kéo đông đảo nhân dân tham gia.

– Những năm 1958 – 1959, phong trào chống khủng bố, chống chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, đòi quyền tự do, dân chủ dâng cao, có kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang.


6. Trả lời câu hỏi bài 28 trang 135 sgk Lịch sử 9

Phong trào “Đồng khởi” (1959 -1960) nổ ra trong hoàn cảnh lịch sử nào? Diễn biến, kết quả và ý nghĩa của nó?

Trả lời:

♦ Hoàn cảnh:

– Những năm 1957-1959, Mĩ — Diệm tăng cường khủng bố, đàn áp cách mạng miền Nam, ra sắc lệnh “đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật”, thực hiện “đạo luật 10/59” công khai chém giết những người vô tội…

– Đầu năm 1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng đã xác định con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, kết hợp lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang.

♦ Diễn biến:

– Phong trào nổi dậy của quân ta bắt đầu ở Vĩnh Thạnh (Bình Định), Trà Bồng (Quảng Ngãi)… sau đã lan rộng ra khắp miền Nam, trở thành cao trào cách mạng với cuộc “Đồng khởi”, tiêu biểu nhất là ở Bến Tre.

– Ngày 17-1-1960, phong trào nổ ra ở huyện Mỏ Cày, sau đó nhanh chóng lan ra toàn tỉnh Bến Tre.

+ Phá vỡ từng mảng lớn chính quyền của địch ở thôn, xã, ở những nơi đó.

+ Ủy ban nhân dân tự quản được thành lập, lực lượng vũ trang nhân dân ra đời và phát triển.

– Từ Bến Tre, phong trào “Đồng khởi” lan ra khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở Trung Trung Bộ.

♦ Ý nghĩa:

– Giáng một đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới.

– Làm lung lay chính quyền Ngô Đình Diệm.

– Tạo ra bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam: chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

– Tạo điều kiện đưa đến sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960).


7. Trả lời câu hỏi bài 28 trang 136 sgk Lịch sử 9

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp trong hoàn cảnh lịch sử nào?

Trả lời:

– Miền Bắc giành thắng lợi to lớn trong cải tạo và phát triển kinh tế.

– Miền Nam: cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân có bước phát triển nhảy vọt với phong trào “Đồng khởi”.

⇒ Tháng 9 – 1960, Đảng Lao động Việt Nam họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III tại Thủ đô Hà Nội.

Hãy trình bày nội dung và ý nghĩa lịch sử của Đại hội.

Trả lời:

♦ Nội dung:

– Xác định nhiệm vụ cách mạng từng miền:

+ Miền Bắc tiến hành mạng xã hội chủ nghĩa,

+ Miền Nam đấy mạnh cách mạng dân tộc nhân dân, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

– Nhiệm vụ chung là:

+ Hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

+ Thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

– Xác định vị trí, vai trò của cách mạng từng miền.

– Đề ra đường lối chung của cả thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, được cụ thể hóa trong kế hoạch 5 năm (1961 – 1965).

– Bầu ban chấp hành Trung ương và Bộ chính trị của Đảng.

♦ Ý nghĩa:

– Đánh dấu bước phát triển trong quá trình xác định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đương lối đấu tranh thống nhất đất nước.

– Là cơ sở cho toàn dân đoàn kết chặt chẽ thành một khối thống nhất.

– Là “nguồn ánh sáng mới, lực lượng mới cho toàn Đảng, toàn dân ta xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.”


8. Trả lời câu hỏi bài 28 trang 138 sgk Lịch sử 9

Hãy nêu những thành tựu của miền Bắc trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961 – 1965)

Trả lời:

– Công nghiệp: đẩy mạnh tốc độ xây dựng các cơ sở công nghiệp.

+ Công nghiệp nặng có khu gang thép Thái Nguyên, nhà máy nhiệt điện Uông Bí, thủy điện Thác Bà, phân đạm Bắc Giang, …

+ Công nghiệp nhẹ có các khu công nghiệp Việt Trì, Thượng Đình, các nhà máy đường Vạn Điểm, sứ Hải Dương…

– Nông nghiệp:

+ Xây dựng và phát triển nông trường, lâm trường quốc dân, trại thí nghiệm cây trồng và chăn nuôi…

+ Áp dụng tiến bộ khoa học – kĩ thuật, sử dụng cơ khí trong nông nghiệp ngày càng tăng, diện tích nước tưới được mở rộng.

+ Nhiều hợp tác xã đạt 5 tấn trên 1 héc ta. Trên 90% hộ nông dân vào hợp tác xã, trong đố 50% lên hợp tác xã bậc cao.

– Thương nghiệp quốc doanh chiếm lĩnh thị trường, góp phần phát triển kinh tế, củng cố quan hệ sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

– Giao thông vận tải: các mạng lưới đường bộ, đường sắt, sông, biển được xây dựng và củng cố, hoàn thiện.

– Văn hóa, giáo dục, y tế tiến bộ đáng kể.


9. Trả lời câu hỏi bài 28 trang 140 sgk Lịch sử 9

Trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam (1961 – 1965), Mĩ đã thực hiện âm mưu và thủ đoạn gì?

Trả lời:

– Âm mưu:

+ Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, một chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mĩ, được tiến hành bằng quân đội tay sai, do “cố vấn” Mĩ chỉ huy cùng với vũ khí, trang bị kĩ thuật, phương tiện chiến tranh của Mì.

+ Âm mưu cơ bản là “dùng người Việt trị người Việt”.

– Thủ đoạn :

+ Mở các cuộc hành quân càn quét, tiêu diệt lực lượng cách mạng, dồn dân lập “ấp chiến lược”, nhằm tách dân khỏi cách mạng, tiến tới bình định miền Nam.

+ Phá hoại miền Bắc, phong tỏa biên giới nhằm ngăn chặn mọi sự chi viện cho miền Nam.


10. Trả lời câu hỏi bài 28 trang 141 sgk Lịch sử 9

Nêu những thắng lợi của quân dân ta ở miền Nam trong chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ (1961- 1965).

Trả lời:

– Quân dân miền Nam đấu tranh chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn bằng kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nổi dậy với tiến công trên cả ba vùng chiến lược, bằng cả ba mũi chính trị, quân sự và binh vận.

– Năm 1962, quân giải phóng cùng với nhân dân đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét của quân đội Sài Gòn đánh vào chiến khu D, căn cứ U Minh, Tây Nnh,…

– Trên mặt trận chống phá “bình định”, ta và địch tranh giằng co giữa lập và phá “ấp chiến lược”. Nhiều ấp chiến lược bị ta phá, đến cuối năm 1964-đầu năm 1965, chỉ còn lại 1/3 số áp chiến lược.

– Ngày 2-1-1963, quân dân ta ở miền Nam giành thắng lợi vang dội trong trận Ấp Bắc (Mĩ Tho). Sau trận Ấp Bắc, trên khắp miền Nam dấy lên phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”.

– Phong trào đấu tranh chính trị nổ ra mạnh mẽ ở các đô thị.

+ Ngày 8/5/1963, hai vạn tăng ni, phật tử Huế biểu tình phản đối việc chính quyền Sài Gòn cấm treo cờ Phật.

+ Một làn sóng ủng hộ phong trào Phật tử Huế lan nhanh ra cả nước.

+ Ngày 11/6/1963, trên đường phố Sài Gòn, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính quyền Diệm.

– Lực lượng quân giải phóng liên tiếp mở những chiến dịch tiến công quy mô lớn, tiêu biểu là chiến dịch Đông – Xuân 1964 – 1965 trên các chiến trường miền Nam và miền Trung.

⇒ Quân dân ta từng bước làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ.

Dưới đây là Hướng dẫn Giải bài tập 1 2 3 bài 28 trang 141 sgk Lịch sử 9. Các bạn hãy đọc kỹ đầu bài trước khi giải nhé!


Câu hỏi và bài tập

Giaibaisgk.com giới thiệu với các bạn đầy đủ phương pháp trả lời câu hỏi và bài tập lịch sử 9 kèm câu trả lời chi tiết câu hỏi và bài tập 1 2 3 bài 28 trang 141 sgk Lịch sử 9 của Bài 28 – Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Năm (1954 – 1965) của Chương . Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 trong Phần hai. Lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay cho các bạn tham khảo. Nội dung chi tiết câu trả lời từng câu hỏi các bạn xem dưới đây:

Giải bài tập 1 2 3 bài 28 trang 141 sgk Lịch sử 9
Giải bài tập 1 2 3 bài 28 trang 141 sgk Lịch sử 9

1. Giải bài tập 1 bài 28 trang 141 sgk Lịch sử 9

Sau khi thực hiện các kế hoạch 1954 – 1957 và 1958 – 1960, miền Bắc đã có những thay đổi gì?

Trả lời:

– Từ cuối năm 1953 đến năm 1956, tiến hành 5 đợt cải cách ruộng đất.

+ Có khoảng 81 vạn hécta ruộng đất, 10 vạn trâu bò, 1,8 triệu nông cụ lấy từ tay giai cấp địa chủ chia cho hơn 2 triệu hộ nông dân.

+ Khẩu hiệu “Người cày có ruộng” đã trở thành hiện thực.

+ Sau cải cách ruộng đất, bộ mặt nông thôn miền Bắc đã thay đổi cơ bản, giai cấp địa chủ phong kiến bị đánh đổ, khối công nông liên minh được củng cố.

+ Thắng lợi của cải cách ruộng đất góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh.

– Từ 1958 – 1960, miền Bắc tiến hành cải tạo quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kết quả:

+ Xóa bỏ chế độ người bóc lột người.

+ Thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là trong điều kiện chiến tranh.

+ Hợp tác xã đã bảo đảm đời sống cho nhân dân lao động, tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho những người ra đi chiến đấu và phục vụ vụ chiến đấu.

– Bước đầu phát triển kinh tế:

+ Xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp,..

+ Đến cuối năm 1960, miền Bắc có 172 cơ sở công nghiệp lớn, 500 cơ sở do địa phương quản lý.

– Về văn hóa:

+ Đến cuối năm 1960, miền Bắc căn bản xóa xong nạn mù chữ ở miền xuôi cho những người dưới 50 tuổi.

+ Hệ thống giáo dục phổ thông được hoàn chỉnh, số học sinh tăng nhanh.

+ Số lượng trường đại học tăng nhanh.


2. Giải bài tập 2 bài 28 trang 141 sgk Lịch sử 9

Hậu phương miền Bắc đã chi viện như thế nào cho tiền tuyến miền Nam từ năm 1961 đến năm 1965?

Trả lời:

– Về vật chất:

+ Tiếp nhận hàng triệu tấn vật chất, vũ khí, phương tiện kỹ thuật do nước ngoài viện trợ.

+ Tổ chức nghiên cứu, thiết kế, cải biên, cải tiến nhiều loại vũ khí, khí tài.

+ Vận chuyển vũ khí , quân trang, lương thực,…vượt hàng nghìn km dưới bom đạn đánh phá của địch ra chiến trường.

+ Miền Bắc đưa vào miền Nam khối lượng vật chất gấp 10 lần so với những năm từ 1961 đến 1964.

– Về tinh thần: Miền Bắc thực sự là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho những người ra trận, cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu ở miền Nam.


3. Giải bài tập 3 bài 28 trang 141 sgk Lịch sử 9

Lập bảng các niên đại và sự kiện về thắng lợi của quân dân ta ở miền Nam trong chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ (1961 – 1965).

Trả lời:

Thời gian Sự kiện
1962 Quân giải phóng cùng nhân dân đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét của quân đội Sài Gòn đánh vào chiến khu D, căn cứ U Minh,..
1963-1965 Phá “ấp chiến lược”, cuối năm 1965 số “ấp chiến lược” chỉ còn lại 1/3
2-1-1963 Chiến thắng Ấp Bắc (Mĩ Tho)
8-5-1963 Tăng ni, phật tử Huế biểu tình phản đối chính quyền Sài Gòn cấm treo cờ Phật
16-6-1963 70 vạn quần chúng Sài Gòn biểu tình
1964-1965 Mở chiến dịch Đông-xuân trên các chiến trường miền Nam và miền Trung

Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Chúc các bạn làm bài tốt cùng giải bài tập sgk lịch sử lớp 9 với trả lời câu hỏi và bài tập 1 2 3 bài 28 trang 141 sgk Lịch sử 9!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com