Nội Dung
Hướng dẫn soạn Bài 1. Truyện ngắn. Nội dung bài Soạn bài Gió lạnh đầu mùa sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 8, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.
ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
Gió lạnh đầu mùa
Nội dung chính:
Câu chuyện thấm đậm tình yêu thương giữa người với người, ấm áp như những chiếc áo mùa đông nảy nở trong lòng những đứa trẻ thông qua hai nhân vật Sơn và Lan. Qua đó, ta thấy được nỗi khổ đau, bất hạnh, cùng hoàn cảnh éo le của những con người nghèo khổ, vừa cảm nhận sâu sắc tình người ấm nồng, cao quý, để từ đó càng thấy biết ơn, trân trọng cuộc sống hơn.
1. Chuẩn bị
Câu hỏi trang 19 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Đọc trước truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa, tìm hiểu thêm thông tin về nhà văn Thạch Lam.
Trả lời:
– Thạch Lam (1910 – 1942) sinh ra và học tập tại Hà Nội nhưng thuở nhỏ sống ở phố huyện Cẩm Giàng – Hải Dương. Là người thông minh, trầm tĩnh, điềm đạm, đôn hậu và rất tinh tế
– Sáng tác thường hướng vào cuộc sống cơ cực của những người dân thành thị nghèo và vẻ đẹp nên thơ của cuộc sống thường nhật. Cốt truyện đơn giản thuộc hoặc không có cốt truyện, đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật. Có sự hòa quyện tuyệt vời giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn, tự sự và trữ tình.
– Ông để lại các tác phẩm tiêu biểu như: “Gió đầu mùa” (1937), “Nắng trong vườn” (1938), “Sợi tóc” (1942), “Ngày mới” (1939), “Theo dòng” (1941), “Hà Nội ba sáu phố phường” (1943), …
Câu hỏi trang 19 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Tìm đọc, ghi lại một vài ý kiến phân tích, đánh giá về chất thơ trong truyện ngắn này của nhà văn Thạch Lam.
Trả lời:
Chất thơ trong truyện ngắn được tạo nên khi nhà văn chú ý khai thác và biểu hiện một cách tinh tế cái mạch cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của nhân vật hoặc của chính mình trước thế giới bằng những chi tiết, hình ảnh đầy gợi cảm và một lối văn trong sáng, truyền cảm, phù hợp với nhịp điệu riêng của cảm xúc, tâm hồn. Một truyện ngắn (hoặc tác phẩm văn xuôi) được coi là giàu chất thơ khi mối bận tâm của người viết không đặt vào việc kể lại một biến cố, sự việc, hành động mà là việc làm bật lên một trạng thái của đời sống hoặc của tâm hồn con người.
Hoặc:
– Nhà văn Nguyễn Tuân: “Truyện ngắn Hai đứa trẻ có một hương vị thật là man mác. Nó gợi một nỗi niềm về quá vãng đồng thời cũng gióng lên một cái gì còn là còn ở trong tương lai. Đọc “Hai đứa trẻ’’ thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng quê hương êm mát và sâu kín”
– Nhà văn Vũ Ngọc Phan: “Ngay trong tác phẩm đầu tay (Gió đầu mùa), người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phái riêng…Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và rất đẹp… Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết được như vậy…”
Câu hỏi trang 19 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Đã có lần nào em cho hoặc tặng bạn một món quà mà chưa xin phép bố mẹ? Câu chuyện sau đó như thế nào? Hãy nhớ lại và chuẩn bị chia sẻ trước lớp (nếu có).
Trả lời:
Em đã từng cho bạn chiếc bút mực mà bố tặng em nhân dịp sinh nhật. Sau khi biết em cho bạn vì nhà bạn nghèo, không có tiền mua bút mới để học, bố không những không mắng mà còn khen em biết yêu thương, chia sẻ với bạn bè.
Hoặc:
Đã có lần em tặng cho người bạn thân một món quà vào dịp chia tay bạn ấy khi bạn chuẩn bị chuyển đến thành phố khác sinh sống mà em chưa xin phép mẹ. Món quà là những bông hoa hồng em ngắt trong vườn của mẹ em. Sau đó, em bó thành một bó hoa rồi đem tặng cho bạn. Khi mẹ đi chợ về nhìn thấy vườn hoa trống trơn, mẹ em đã rất buồn lòng, bởi những bông hoa đó mẹ định mang đi bán để dành dụm ít tiền sắm quần áo mới cho em khi bước vào năm học mới. Sau sự việc đó, mẹ đã không trách mắng mà lại khen em vì biết trân trọng tình bạn nhưng cũng nhẹ nhàng dặn dò rằng lần sau em nên xin phép, hỏi ý kiến của người lớn trước khi thực hiện bởi có thế khiến người lớn không hài lòng và gây ra nhiều hậu quả khác. Nghe lời mẹ, từ đó em đã rút ra bài học cho bản thân mình.
2. Đọc hiểu
Câu hỏi trang 19 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Chú ý nhan đề và bối cảnh của truyện.
Trả lời:
Nhan đề của truyện đã gợi ra một bối cảnh mùa đông lạnh giá, ẩn trong đó là một câu chuyện ấm áp về tình đời, tình người.
Câu hỏi trang 19 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Những chi tiết nào cho thấy trời rất lạnh?
Trả lời:
Những chi tiết cho thấy trời rất lạnh:
– Qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi gió bấc, cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt.
– Trời không u ám, toàn một màu trắng đục.
– Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét.
– Sơn kéo chăn lên đắp cho em, rồi co ro đứng dậy sang phản bên này…
– Sơn cầm lấy chén chè nóng ấp và mặt, vào má cho ấm, rồi để miệng chén cho hơi bốc lên.
– Người vú già xù xù cái áo bông cánh rách, xách siêu nước từ dưới nhà lên, vừa xuýt xoa vừa nói: – Rét quá! Múc nước cóng cả tay.
Câu hỏi trang 20 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Chú ý chi tiết cái áo bông của Duyên.
Trả lời:
Chi tiết cái áo bông của Duyên: cánh đã cũ nhưng vẫn còn lành lặn.
Câu hỏi trang 20 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Thử hình dung dáng điệu, tâm trạng của Sơn khi chuẩn bị đi chơi.
Trả lời:
Sơn xúng xính rủ chị ra chợ chơi.
Câu hỏi trang 21 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Tại sao lũ trẻ thấy chị em Sơn thì tỏ ra vui mừng nhưng không dám vồ vập?
Trả lời:
Lũ trẻ nhìn thấy chị em Sơn thì tỏ ra vui mừng nhưng không dám vồ dập vì chúng biết cái phận nghèo của chúng.
Câu hỏi trang 21 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Các câu đối thoại ở đây cho thấy thái độ gì của bọn trẻ?
Trả lời:
Các câu thoại thể hiện thái độ của bọn trẻ: hồn nhiên, ngây thơ, hằng ao ước mình có được chiếc áo ấm.
Câu hỏi trang 22 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Chú ý hoàn cảnh của Hiên.
Trả lời:
Hoàn cảnh của Hiên: nhà nghèo, mẹ Hiên chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc, Hiên mặc manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay, đứng co ro trong tiết trời mùa đông buốt giá.
Câu hỏi trang 22 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Tại sao Sơn thấy “ấm áp vui vui”?
Trả lời:
Sơn thấy “ấm áp vui vui” vì Sơn đã giúp đỡ được Hiên.
Câu hỏi trang 22 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Tâm trạng lo sợ của hai chị em Sơn được thể hiện qua những chi tiết nào?
Trả lời:
Tâm trạng lo sợ của hai chị em Sơn được thể hiện qua những chi tiết:
– Lo quá, sắp ăn, bỏ đũa đứng dậy, van.
– Vội vàng ra chợ tìm cái Hiên…
– Hai chị em lo sợ, đi ra cánh đồng tìm cũng không gặp.
Câu hỏi trang 23 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Vì sao chị em Sơn cho cái áo ấy lại có thể bị mẹ mắng?
Trả lời:
Chị em Sơn cho cái áo ấy lại bị mắng vì: chiếc áo kỉ vật đầy thiêng liêng của em Duyên đã mất mà khi nhắc đến mẹ luôn cảm thấy đau lòng và xúc động nên chiếc áo đó không thể cho đi.
Câu hỏi trang 23 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Câu nói của mẹ Hiên thể hiện điều gì?
Trả lời:
Câu nói của mẹ Hiên thể hiện bà là một người rất hiểu chuyện và có lòng tự trọng.
Câu hỏi trang 23 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Kết thúc truyện có gì bất ngờ?
Trả lời:
Kết thúc chuyện là hình ảnh mẹ Sơn âu yếm hai chị em. Trái lại với tưởng tượng của người đọc, lo sợ mẹ Sơn sẽ đánh đòn hai chị em.
TRẢ LỜI CÂU HỎI CUỐI BÀI
Câu 1 trang 24 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Hãy tóm tắt nội dung chính của truyện Gió lạnh đầu mùa. Xét về cốt truyện, văn bản Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) và Tôi đi học (Thanh Tịnh) có gì giống nhau?
Trả lời:
– Tóm tắt truyện: Hai chị em Lan và Sơn ra chợ chơi với lũ bạn. Thấy cái Hiên chỉ mặc một manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay, đứng co ro bên cột quản. Rồi chị em Sơn thấy thương quá liền hăm hở chạy về nhà lấy cái áo bông em Duyên đem cho cái Hiên…Vú già biết chuyện. Hai chị em Sơn và Lan lo mẹ đánh đòn, mãi đến chập tối mới dắt tay nhau khép nép về nhà. Mẹ cái Hiên đem áo đến trả. Mẹ Sơn cho mẹ cái Hiên vay năm hào về may áo cho con. Bà nhẹ nhàng, âu yếm ôm hai con vào lòng mà bảo: ‘Hai con tôi quỷ quá, dám tự do lẩy áo đem cho người ta, không sợ mẹ mắng ư?’.
– Điểm giống về cốt truyện của hai văn bản Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) và Tôi đi học (Thanh Tịnh): truyện như không có cốt truyện, đều viết về những điều nhỏ bé bình dị trong cuộc sống, dễ chạm đến trái tim người đọc.
Hoặc:
– Tóm tắt: Một ngày đầu đông, hai chị em Lan và Sơn ra chợ chơi. Thấy cô bé Hiên ăn mặc rách rưới, mỏng manh, da thịt thâm tím, hai chị em đã mang chiếc áo của người em quá cố cho Hiên mặc. Vì sợ mẹ mắng nên hai chị em không dám về nhà. Cho đến tối, mẹ Hiên đem áo đến nhà hai chị em để trả, mẹ Sơn đã cho mẹ Hiên vay năm hào để may áo ấm cho con. Truyện đã thể hiện tình yêu thương sâu sắc giữa con người với con người.
– Nhận xét: Đều kể lại sự việc giản dị, gần gũi, đời thường và có những dòng cảm xúc, diễn biến tâm trạng khác nhau của nhân vật.
Câu 2 trang 24 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Những chi tiết nào trong truyện giúp em hình dung ra bối cảnh chị em Sơn cho chiếc áo bông? Bối cảnh ấy cho em biết gì về cuộc sống được miêu tả trong truyện?
Trả lời:
– Những chi tiết trong truyện giúp em hình dung ra bối cảnh chị em Sơn cho chiếc áo bông:
+ Môi chúng tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau.
+ Cuộc trò chuyện giữa Lan và Hiên: trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay,..sao áo mày rách thế Hiên? Áo lành đâu không mặc?
– Bối cảnh truyện được miêu tả đã cho ta thấy được góc khuất của cuộc sống, sự nghèo khổ, bất hạnh, cơ cực của những người dân nghèo.
Câu 3 trang 24 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Phân tích diễn biến tâm trạng của Sơn trước và sau khi cho chiếc áo. Chi tiết nào làm em chú ý và xúc động nhất? Vì sao?
Trả lời:
– Tâm trạng của Sơn trước khi cho chiếc áo:
+ Động lòng thương Hiên, nhớ đến em gái.
+ Thấy vui vui ấm áp khi giúp được Hiên.
– Tâm trạng của Sơn sau khi cho chiếc áo:
+ Lo lắng sẽ bị mẹ trách phạt.
+ Tìm Hiên để đòi lại áo.
– Chi tiết làm em xúc động nhất: chi tiết Sơn thấy động lòng thương trước hoàn cảnh của Hiên và muốn đem chiếc áo bông cũ cho Hiên. Bởi vì chi tiết này thể hiện Sơn là một cậu bé tốt bụng, biết giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình.
Câu 4 trang 24 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Nhận xét về thái độ và cách ứng xử của hai bà mẹ (mẹ Sơn và mẹ Hiên) trong phần cuối của truyện. Theo em, vì sao mẹ Sơn lại không hài lòng khi chị em Sơn cho Hiên chiếc áo bông ấy?
Trả lời:
– Thái độ và cách ứng xử của hai bà mẹ (mẹ Sơn và mẹ Hiên) trong phần cuối của truyện:
+ Mẹ Hiên: không cho con lấy đồ của người khác, đem trả lại món đồ cho chủ nhân dù biết món đồ ấy vô cùng cần. → hiền lành, giàu lòng tự trọng.
+ Mẹ Sơn: Hiểu và cảm thông cho hành động của hai con nên không hề trách mắng mà hơn thế còn hiểu và muốn giúp đỡ gia đình Hiên. → nhân hậu, ấm áp tình người.
– Theo em, mẹ Sơn lại không hài lòng khi chị em Sơn cho Hiên chiếc áo bông ấy là vì đó là kỉ vật thiêng liêng của người con đã mất nên không thể cho.
Câu 5 trang 24 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Có người cho rằng, truyện Gió lạnh đầu mùa chỉ có ý nghĩa đơn giản là việc cho chiếc áo bông cũ. Em có đồng ý không? Vì sao? Theo em, truyện ngắn này có ý nghĩa như thế nào?
Trả lời:
– Không đồng ý với ý kiến đó. Bởi ẩn sâu trong câu chuyện cho chiếc áo bông cũ thì đó là tình người với nhau trong cuộc sống. Câu chuyện đã để lại dư âm trong lòng độc giả, khiến độc giả vừa thấm thía nỗi khổ đau, bất hạnh, hoàn cảnh éo le của những con người nghèo khổ, vừa cảm nhận sâu sắc tình người ấm nồng, cao quý, thiêng liêng; từ đó thêm trân trọng cuộc sống này hơn.
– Ý nghĩa truyện Gió lạnh đầu mùa: Truyện cho thấy sự khác biệt giữa những đứa trẻ sống trong gia đình khá giả và nghèo khổ. Đồng thời, truyện còn ca ngợi tình yêu thương, tấm lòng nhân ái của con người. Truyện mãi mãi để lại trong lòng người sự ấm áp của tình người và tình đời.
Câu 6 trang 24 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Vẻ đẹp của truyện Gió lạnh đầu mùa không chỉ hiện lên qua hình hức (câu chữ, hình ảnh,…) mà còn ở tình cảm trong sáng của những tấm lòng nhân hậu bao dung. Hãy viết đoạn văn (khoảng 10 – 12 dòng) làm rõ nhận xét đó.
Trả lời:
Vẻ đẹp của truyện Gió lạnh đầu mùa không chỉ hiện lên qua hình hức (câu chữ, hình ảnh,…) mà còn ở tình cảm trong sáng của những tấm lòng nhân hậu bao dung. Sơn là một em bé sống với bạn bè rất có tình người, điều đó được thể hiện rất rõ qua chi tiết Sơn lấy áo cho cái Hiên. Tấm lòng của Sơn đối với bạn nhỏ rất chân thành. Tình cảm nhường cơm sẻ áo cho bạn rất mãnh liệt! Mặc dù đó là chiếc áo bông của em Duyên, kỉ vật thiêng liêng của mẹ, mặc dù sau đó mẹ cái Hiên đã đem áo đến trả cho mẹ Sơn. Điều đó đã cho thấy mẹ Hiên là một người phụ nữ ấm áp, tự trọng. Nhờ đó, mẹ Sơn đã biết cảnh ngộ mẹ cái Hiên, cho mẹ cái Hiên vay năm hào đem về mua áo cho con. Hai chị em Lan và Sơn đã được dạy bảo, được sống trong lòng mẹ, được mẹ yêu thương nên Sơn và chị mới biết thương bạn, mới biết “thương người như thể thương thân” vậy.
Hoặc:
Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” của tác giả Thạch Lam là tác phẩm không chỉ mang vẻ đẹp hình thức mà còn mang vẻ đẹp về tình cảm trong sáng của những tấm lòng nhân hậu bao dung. Mở đầu câu chuyện ta thấy hình ảnh của gia đình Sơn hiện lên đủ đầy và ấm cúng. Thế nhưng trái ngược hoàn toàn với sự đủ đầy ấy lại là sự thiếu thốn của những đứa trẻ hàng xóm. Trong cái ngày lạnh bất ngờ ấy, lũ trẻ run rẩy trong những manh áo rét, đặc biệt là cái Hiên với chiếc áo rách tả tơi. Từng câu chữ được sử dụng trong tác phẩm đã góp phần tạo nên những hình ảnh rõ nét về nông thôn Việt Nam thế kỉ trước. Bên cạnh đó ta còn thấy được thông điệp nhân đạo mà tác giả gửi gắm qua hành động ấm áp của hai chị em Sơn. Tuy còn nhỏ nhưng hai chị Sơn đã biết động lòng trước những hoàn cảnh khó khăn, sẵn sàng cho đi mà không màng tới hậu quả. Đó cũng chính là chi tiết sáng giá làm nên sự ấm áp giữa người với người. Ngoài ra chi tiết người mẹ bao dung cho lỗi làm của hai chị em cũng là một tình tiết đắt giá. Cách cư xử của người mẹ khi các con mắc lỗi cho thấy tấm lòng bao dung mà người mẹ dành cho những đứa con của mình. Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” là một bức tranh ấm áp tình người được vẽ lên bới ngôn từ, hình ảnh và tấm lòng của nhà văn với con người.
Bài trước:
👉 Soạn bài Tôi đi học sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Bài tiếp theo:
👉 Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 24 sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Gió lạnh đầu mùa sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 8 tốt nhất!
“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com“