Nội Dung
Hướng dẫn soạn Bài 5. Nghị luận xã hội. Nội dung bài Soạn bài Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 8, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.
NÓI VÀ NGHE
Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học
1. Định hướng
1.1. Bài này tập trung vào yêu cầu: nghe và tóm tắt được nội dung chính mà nhóm đã trao đổi, thảo luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học.
Nội dung chính của cuộc thảo luận, trao đổi thường được thể hiện qua đề tài, chủ đề của buổi thảo luận. Ví dụ:
– Từ một số tác phẩm tiêu biểu, suy nghĩ về các biểu hiện của lòng yêu nước.
– Qua truyện Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam), bàn về vẻ đẹp của lòng nhân ái.
– Từ các bài thơ Nắng mới (Lưu Trọng Lư), Nếu mai em về Chiêm Hóa (Mai Liễu), Đường về quê mẹ (Đoàn Văn Cừ), Quê người (Vũ Quần Phương),…em hãy nêu suy nghĩ của mình về vai trò của quê hương đối với mỗi con người.
– Suy nghĩ về những thói hư tật xấu cần phê phán qua một số hài kịch và truyện cười đã đọc.
Trong giờ thảo luận, trao đổi, người nghe cần chú ý theo dõi các ý kiến, từ đó tóm tắt nội dung chính của cuộc trao đổi.
1.2. Muốn tóm tắt được ý chính của cuộc trao đổi, thảo luận, các em cần lưu ý:
– Chú ý nghe kĩ nội dung thuyết trình về một vấn đề mà người nói đã trình bày.
– Ghi lại các ý chính theo hệ thống: ý lớn (Đó là vấn đề gì? Nội dung lớn gồm các ý nào?), ý nhỏ (triển khai ý lớn), các bằng chứng, ví dụ minh họa,…
– Tùy theo yêu cầu của việc tóm tắt để lựa chọn và ghi lại các nội dung chính.
– Trình bày bản tóm tắt nội dung chính theo từng mức độ.
2. Thực hành
Bài tập trang 127 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Nghe và ghi lại nội dung chính của cuộc thảo luận, trao đổi về vấn đề: Từ các tác phẩm đã học, hãy phát biểu suy nghĩ của em về những biểu hiện của tình yêu Tổ quốc.
a) Chuẩn bị
– Xem lại dàn ý viết nghị luận về một vấn đề của đời sống đã làm trong phần Viết, thêm, bớt các nội dung cho phù hợp với yêu cầu của hoạt động nói và nghe (đối tượng, thời gian,…)
– Chú ý các hướng dẫn trong mục 1. Định hướng để nắm được cách tóm tắt nội dung chính khi nghe.
b) Nói và nghe
– Thực hành nghe và ghi lại các ý chính của bài thuyết trình.
– Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Nói và nghe, mục c (trang 35). Ở bài này, chú ý rèn luyện kĩ năng nghe nhiều hơn.
Bài nói tham khảo:
Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là: …… , học sinh lớp ……, trường ……….
Các bạn thân mến! Đất nước Việt Nam ta có rất nhiều truyền thống tốt đẹp và quý báu, đặc biệt là truyền thống yêu nước. Biểu hiện của tình yêu Tổ quốc cũng thật phong phú và đa dạng. Hôm nay tôi và các bạn sẽ cùng thảo luận, trao đổi về những biểu hiện của tình yêu Tổ quốc.
Tình yêu Tổ quốc, lòng yêu nước là tình cảm, tình thương sâu sắc của mình đối với quê hương, đất nước, muốn cống hiến hết mình vì muốn đất nước giàu mạnh và vững chắc. Lòng yêu nước được tồn tại trong mỗi con dân Việt Nam chúng ta, từ đời ông cha truyền xuống đời cháu chắt.
Trước hết nói đến tình yêu Tổ quốc là nói đến tình yêu đất nước, con người, yêu gia đình thân thương, yêu xóm làng, yêu quê hương. Biểu hiện thứ hai là sự quý trọng văn hóa dân tộc, bảo tồn tiếng nói của cha ông, gìn giữ những nét phong tục, tập quán, những truyền thống đạo đức. Tự hào về lịch sử dân tộc là biểu hiện thứ ba của tình yêu Tổ quốc. Đó là niềm kiêu hãnh về những giá trị văn hóa nghệ thuật, về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Và đặc biệt, vì yêu Tổ quốc mà mỗi người dân đất Việt sẽ chung tay góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những biểu hiện cụ thể hơn như học tập, lao động và bảo vệ đất nước. Còn vô vàn những biểu hiện khác nhau nữa của tình yêu Tổ quốc.
Khi đọc những văn bản nghị luận trung đại và hiện đại ta sẽ thấy rõ nét hơn cả những biểu hiện của tình yêu Tổ quốc của nhân dân ta được gửi gắm trong đó. “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn đã nêu lên vấn đề thái độ và hành động của tướng sĩ trước nguy cơ xâm lược của ngoại bang. Bài Hịch phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thể hiện lòng căm thù giặc và ý chí quyết thắng. “Nước Đại Việt ta” (trích Bình Ngô đại cáo) của Nguyễn Trãi lại khẳng định Việt Nam là nước độc lập, có nền văn hiến và lịch sử rất đáng tự hào. “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn trình bày lí do và ý nghĩa của việc dời thủ đô về đất Thăng Long. Bài Chiếu phản ánh khát vọng của nhân dân về một dân tộc độc lập thống nhất đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt trên đà lớn mạnh. Đến văn bản nghị luận hiện đại “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?” (Dương Trung Quốc) nêu lên vấn đề: Làm thế nào để đất nước Việt Nam mãi trường tồn và phát triển ngày càng lớn mạnh? Như vậy có thể thấy tình yêu Tổ quốc thật đa dạng và phong phú biết bao!
Biểu hiện của lòng yêu nước cũng nằm ngay trong ý thức, hành động hàng ngày của mỗi chúng ta. Trong thời chiến, nó sục sôi và cuộn trào cùng các cuộc khởi nghĩa, cùng lớp lớp thanh niên sẵn sàng hi sinh tính mạng khi lên đường nhập ngũ. Trong thời bình, mỗi người thể hiện tình yêu nước bằng cách chăm chỉ trau dồi tri thức, cần cù lao động và rèn luyện đạo đức với ước mong đem đến cuộc sống tươi đẹp hơn cho bản thân, gia đình và dân tộc mình. Cứ như vậy, lòng yêu nước đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành nguồn sức mạnh vô giá, thành sợi dây nối kết trái tim của những “con Lạc cháu Hồng”, giúp ta có thể lập nên những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chính tình yêu nước của thế hệ đi trước đã tạo dựng niềm tin cho thế hệ mai sau. Dù thế hệ trẻ có lập nghiệp nơi đâu trên địa cầu rộng lớn, những con người Việt Nam ta vẫn luôn giữ trong trái tim mình tình yêu nước nồng nàn, để nhớ, để ngưỡng vọng và cũng để khao khát được làm điều gì đó cho mảnh đất hình chữ S thân thương Việt Nam.
Trên đây là phần trình bày của tôi về những biểu hiện của tình yêu Tổ quốc. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe và hi vọng được sự góp ý, trao đổi từ tất cả các bạn để bài thảo luận đạt hiệu quả cao hơn.
c) Kiểm tra và chính sửa
Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Nói và nghe, mục d (trang 36) và đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.
BÀI NÓI THAM KHẢO
Nghe và ghi lại nội dung chính của cuộc thảo luận, trao đổi về vấn đề: Từ các tác phẩm đã học, hãy phát biểu suy nghĩ của em về những biểu hiện của tình yêu Tổ quốc
– Lòng yêu nước: là tình cảm giản dị, gần gũi nhưng vô cùng thiêng liêng bắt nguồn từ sự trân trọng, nâng niu mà ta dành cho những sự vật quanh mình, cho những con người ta yêu thương, gắn bó.
– Biểu hiện của lòng yêu nước.
– Dẫn chứng về lòng yêu nước.
– Vai trò của lòng yêu nước.
Bài trước:
Bài tiếp theo:
👉 Soạn bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 8 tốt nhất!
“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com“