Soạn bài Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì I Ngữ Văn 8 Cánh Diều

Nội Dung

Hướng dẫn soạn Bài Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì I. Nội dung bài Soạn bài Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì I Ngữ Văn 8 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 8, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


ÔN TẬP VÀ TỰ ĐÁNH GIÁ CUỐI HỌC KÌ I

NỘI DUNG ÔN TẬP

ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

Câu 1 trang 132 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Các thể loại và kiểu văn bản đã học trong sách Ngữ văn 8, tập một là những thể loại và kiểu văn bản nào? Nêu một số tên văn bản cụ thể của mỗi thể loại và kiểu văn bản đó.

Trả lời:

Thể loại Kiểu văn bản Tác phẩm
Văn bản văn học Truyện ngắn Tôi đi học, Gió lạnh đầu mùa, Người mẹ vườn cau
Thơ Nắng mới, Nếu mai em về Chiêm Hóa, Đường về quê mẹ
Hài kịch và truyện cười Đổi tên cho xã, Cái kính, Ông Giuốc – đanh mặc lễ phục, Thi nói khoác
Văn bản nghị luận Hịch Hịch tướng sĩ
Cáo Nước Đại Việt ta
Báo chí Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?
Văn bản thông tin Văn bản giải thích một hiện tượng tự nhiên Sao Băng, Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI, Lũ lụt là gì? Nguyên nhân và tác hại

Hoặc:

TT Thể loại/ kiểu văn bản Tiểu loại Tác phẩm
1 Truyện Truyện ngắn (trữ tình) Tôi đi học, Gió lạnh đầu mùa, Người mẹ vườn cau,…
2 Thơ Thơ 6 chữ, 7 chữ Nắng mới, Nếu mai em về Chiêm Hóa,…
3 Văn bản thông tin Giải thích một hiện tượng tự nhiên Sao băng, Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI,…
4 Kịch và truyện Hài kịch và truyện cười Đổi tên cho xã, Cái kính, Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục,…
5 Văn bản nghị luận Nghị luận xã hội Hịch tướng sĩ, Nước Đại Việt ta, Chiếu dời đô,…
6 Truyện Truyện ngắn, tiểu thuyết (truyện dài) Lão Hạc, Trong mắt trẻ, Người thầy đầu tiên,..
7 Thơ Thơ Đường luật Mời trầu, Vịnh khoa thi Hương, Xa ngắm thác núi Lư,…
8 Truyện Truyện lịch sử và tiểu thuyết Quang Trung đại phá quân Thanh, Đánh nhau với cối xay gió,…
9 Văn bản nghị luận Nghị luận văn học Vẻ đẹp của bài thơ “Cảnh khuya”, Chiều sâu của truyện “Lão Hạc”,…
10 Văn bản thông tin Thuyết minh giới thiệu “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” – tác phẩm không bao giờ cũ dành cho thiếu nhi, Bộ phim “Người cha và con gái”,…

Câu 2 trang 132 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Nội dung khái quát bao trùm toàn bộ các văn bản truyện ở Bài 1 trong sách Ngữ văn 8, tập một là gì? Nêu nhận xét về đặc điểm hình thức thể loại nổi bật của các văn bản đó và những điểm cần lưu ý về cách đọc hiểu.

Trả lời:

– Nội dung khái quát: Tập trung miêu tả, thể hiện những cảm xúc nhẹ nhàng, trong sáng; những tình cảm nhân ái, trong sáng, vị tha,… giữa con người với con người.

– Nhận xét về đặc điểm hình thức thể loại nổi bật: Các văn bản trong bài 1 có điểm chung là truyện ngắn đậm chất trữ tình (cốt truyện giản dị, đời thường, không có sự việc và biến cố gay cấn, lớn lao, ngôn ngữ giàu chất thơ.

– Lưu ý về cách đọc truyện ngắn:

+ Kể lại được cốt truyện, nhận biết được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, nhân vật,… nêu được nội dung chính của văn bản.

+ Nhận biết và phân tích được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản.


Câu 3 trang 132 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Nhận xét về nội dung (đề tài, chủ đề, cảm xúc,…) của các văn bản thơ (sáu chữ, bảy chữ) trong Bài 2 và nêu một số điểm cần lưu ý về cách đọc thể thơ này.

Trả lời:

– Nhận xét về nội dung (đề tài, chủ đề, cảm xúc,…) của các văn bản thơ (sáu chữ, bảy chữ) trong Bài 2: Đều viết về đề tài quê hương, đất nước và con người với một tình cảm, cảm xúc nhớ nhung, yêu thương da diết, thể hiện một tình yêu sâu lắng trong tâm hồn tác giả đối với con người và sự vật của quê hương xứ sở mà suốt đời mình gắn bó.

– Nêu một số điểm cần lưu ý về cách đọc thể thơ:

+ Nhận biết và phân tích được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết được thể hiện qua văn bản.

+ Nhận biết và phân tích được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, bố cục mạch cảm xúc.

+ Nhận biết được một số yếu tố luật thơ thể thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt Đường luật như: bố cục, niêm, luật, vần, nhịp, đối.

+ Nhận biết và phân tích được tác dụng của một số thủ pháp nghệ thuật chính trong thơ trào phúng.


Câu 4 trang 132 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Đề tài và chủ đề chung của các văn bản thông tin ở Bài 3 có gì đặc sắc? Nêu ý nghĩa của các nội dung học ở bài này. Xác định các lưu ý về cách đọc các văn bản thông tin trong Bài 3.

Trả lời:

– Đề tài và chủ đề chung của các văn bản thông tin ở Bài 3 là giải thích một hiện tượng tự nhiên.

– Nét đặc sắc của đề tài và chủ đề chung của các văn bản ở bài này là các hiện tượng tự nhiên rất gần gũi, thiết thực nhưng cũng là các hiện tượng liên quan đến cả cộng đồng, nhân loại (nước biển dâng, lũ lụt). Bên cạnh đó là các hiện tượng, tưởng quen thuộc nhưng chứa đầy bí ẩn cần giải thích và nhiều điều lí thú (sao băng, vì sao chim bồ câu không bị lạc đường)

– Ý nghĩa của các văn bản:

+ Cung cấp thông tin về hiện tượng sao băng và ý nghĩa của hiện tượng ấy.

+ Giải thích hiện tượng nước biển dâng, hiện tượng ấy là vấn đề (bài toán) khó mà nhân loại cần tập trung giải quyết.

+ Cung cấp thông tin về hiện tượng lũ lụt: Khái niệm, nguyên nhân, tác hại,…

– Lưu ý về cách đọc:

+ Nhận biết và phân tích được đặc điểm của kiểu văn bản giải thích một hiện tượng tự nhiên, chỉ ra được mối quan hệ giữa đặc điểm văn bản với mục đích của nó.

+ Nhận biết và phân tích được cách trình bày thông tin trong văn bản như: trật tự thời gian, quan hệ nguyên nhân – kết quả, mức độ quan trọng của đối tượng, so sánh và đối chiếu.

+ Phân tích được thông tin cơ bản của văn bản, vai trò của các chi tiết trong việc thể hiện thông tin trong văn bản.

+ Đánh giá được hiệu quả biểu đạt của một kiểu phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản cụ thể.

+ Liên hệ được thông tin trong văn bản với những vấn đề của xã hội đương đại.


Câu 5 trang 132 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Nêu nội dung chính của các văn bản hài kịch và truyện cười trong Bài 4, từ đó nhận xét và phân tích ý nghĩa tiếng cười được thể hiện trong các văn bản này.

Trả lời:

Tên văn bản Nội dung chính Ý nghĩa tiếng cười
Đổi tên cho xã Phản ánh hiện tượng thích phô trương, hình thức, giả tạo,… không chú ý đến chất lượng. Phê phán “bệnh” thành tích, háo danh và ca ngợi sự trung thực, thẳng thắn,…
Cái kính Kể lại câu chuyện một người bị “bệnh” tưởng, mắt bình thường nhưng vì ám ảnh mắt mình bị bệnh nên đi khám bác sĩ. Mỗi bác sĩ phán một kiểu khác nhau, ngược nhau. Dùng tiếng cười nhẹ nhàng phê phán hiện tượng bệnh tưởng trong cuộc sống và sự thiếu trách nhiệm trong khám chữa bệnh của 1 số y, bác sĩ.
Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục Kể về việc ông Giuốc-đanh dốt nát, muốn học đòi làm sang hay ưa nịnh, kệch cỡm, bị những kẻ nịnh thần lợi dụng để moi tiền. Ông trở thành nạn nhân của thói nịnh bợ bị rút tiền thưởng, làm trò cười cho mọi người. Châm biếm, đả kích thói dởm đời, thích hư danh của bọn trưởng giả lỗi thời, đã dốt nát lại còn thích học đòi.
Thi nói khoác Truyện xoay quang cuộc nói chuyện của bốn vị quan, các quan đua nhau nói khoác về thứ mình từng nhìn. Cuộc nói chuyện chỉ kết thúc khi anh lính lên tiếng dọa bắt kẻ nói khoác và anh cho rằng mình chỉ hò theo các quan nói khoác. Nhằm mục đích châm biếm, đả kích, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội (lối nói khoác, khoe khoang)
Treo biển Mượn câu chuyện nhà hàng bán cá nghe ai “góp ý” về cái tên biển cũng làm theo, truyện tạo nên tiếng cười vui vẻ, có ý nghĩa phê phán nhẹ nhàng những người thiếu chủ kiến khi làm việc, không suy xét kĩ khi nghe những ý kiến khác. Phê phán những người không có chính kiến trong cuộc sống, trong công việc.

Hoặc:

– Nội dung chính: xoay quanh những xung đột giữa cái xấu (cái thấp hèn) với cái tốt (cái đẹp, cái cao cả).

– Nhận xét: tiếng cười để châm biếm, đả kích, phê phán những thói hư tật xấu, cái lố bịch, lỗi thời, trong đời sống.


Câu 6 trang 133 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Các văn bản trong Bài 5 có chung nội dung gì? Cần lưu ý những gì về cách đọc các văn bản này?

Trả lời:

– Các văn bản trong Bài 5 có chung nội dung chung là lòng yêu nước, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của cha ông và nhiệm vụ của thế hệ tiếp sau.

– Lưu ý về cách đọc:

+ Nhận biết được luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng, vai trò của luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong việc thể hiện luận đề.

+ Phân biệt được lí lẽ, bằng chứng khách quan với ý kiến đánh giá chủ quan của người viết.

+ Liên hệ được nội dung nêu trong văn bản với những vấn đề của xã hội đương lại.


Câu 7 trang 133 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Nhìn chung, tất cả các văn bản trong sách Ngữ văn 8, tập một đều có nội dung gần gũi, sâu sắc và thiết thực đối với đời sống hiện nay. Em hãy phân tích và làm sáng tỏ nhận xét đó thông qua một số ví dụ cụ thể.

Trả lời:

Sách Ngữ Văn 8 tập một giúp cho chúng ta hiểu và cảm nhận được tình cảm gia đình, quê hương ấm áp qua những câu chuyện đời thường gần gũi thân quen. Ở bài một là vườn cau của mẹ kể lại những kỉ niệm của nhân vật tôi về người bà. Bài hai là các bài thơ như Đường về quê mẹ với kí ức của người còn về người mẹ và những lần cùng mẹ về quê nhận họ. Bên cạnh đó cuốn sách còn cũng cấp cho chúng ta kho tàng kiến thức về các hiện tượng tự nhiên, các vấn đề xã hội thông qua các bài thuyết minh và nghị luận. Ví dụ như văn bản Sao băng cung cấp cho học sinh những thông tin về hiện tượng Sao băng, văn bản Hịch tướng sĩ nghị luận về vấn đề đề xã hội thời trung đại. Nhìn chung, tất cả các văn bản trong sách Ngữ văn 8, tập một đều có nội dung gần gũi, sâu sắc và thiết thực đối với đời sống hiện nay.


VIẾT

Câu 8 trang 133 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Các dạng văn bản cụ thể được luyện viết trong sách Ngữ văn 8, tập một thuộc những kiểu văn bản nào? Chỉ ra mối quan hệ giữa phần viết và phần đọc hiểu của mỗi bài học.

Trả lời:

– Các dạng văn bản cụ thể được luyện viết trong sách Ngữ văn 8, tập một thuộc những kiểu văn bản

+ Bài 1: Kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội

+ Bài 2: Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ sáu chữ, bảy chữ

+ Bài 3: Viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên

+ Bài 4: Nghị luận về một vấn đề của đời sống

+ Bài 5: Nghị luận về một vấn đề của đời sống

– Giữa phần viết và phần đọc hiểu của mỗi bài học có quan hệ mật thiết với nhau. Mỗi bài viết đều có cùng chủ đề hoặc cùng kiểu văn bản với các văn bản đọc hiểu.


Câu 9 trang 133 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Nêu yêu cầu và tác dụng của việc tập làm thơ sáu chữ, bảy chữ.

Trả lời:

– Yêu cầu: xác định rõ đề tài (viết về ai, về điều gì) và cảm xúc, suy nghĩ,… của bản thân về điều mình định viết; chú ý đảm bảo số chữ trong mỗi dòng thơ và cách gieo vần của bài thơ đã nêu trong phần Kiến thức ngữ văn.

– Tác dụng: giúp học sinh hiểu hơn và nắm bắt được các bước cơ bản làm thơ.


Câu 10 trang 133 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập một hướng dẫn em rèn luyện những kĩ năng viết nào? Phân tích ý nghĩa và tác dụng của các kĩ năng ấy.

Trả lời:

TT Kĩ năng viết Tác dụng
1 Viết mở bài và kết bài Giúp học sinh biết cách mở bài và kết bài đúng yêu cầu.
2 Viết đoạn văn biểu cảm Biết cách viết đoạn văn biểu cảm, bộc lộ trực tiếp và gián tiếp cảm xúc, kết hợp tưởng tượng, liên tưởng và bộc lộ cảm nghĩ.
3 Viết đoạn văn diễn dịch, quy nạp, phối hợp Nhận biết và giải thích được đặc điểm, chức năng cũng như cách viết từng loại đoạn văn.
4 Nêu bằng chứng, trình bày và phân tích bằng chứng Biết cách nêu và phân tích bằng chứng để làm sáng tỏ cho lí lẽ, ý kiến.
5 Viết câu khẳng định, câu phủ định và câu cảm trong văn nghị luận Giúp cho lí lẽ, lập luận chặt chẽ, vừa biểu hiện cảm xúc, tình cảm của người viết, nêu rõ được ý kiến đồng tình hay phản đối.

Hoặc:

Kĩ năng viết: Viết văn ghi lại kỉ niệm; cảm nhận về một bài thơ; thuyết minh về một hiện tượng tự nhiên; nghị luận về một vấn đề trong xã hội.

→ Tác dụng: giúp học sinh biết cách làm, biết cách nhìn nhận và phân tích vấn đề theo các hướng khác nhau.


Câu 11 trang 133 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Các nội dung và yêu cầu của phần Viết trong sách Ngữ văn 8, tập một có gì mới so với sách Ngữ văn 7?

Trả lời:

Kiểu văn bản Ngữ văn 7 Ngữ văn 8
Tự sự Kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử, có sử dụng các yếu tố miêu tả  Kể lại một chuyến đi hay một hoạt động xã hội, có dùng yếu tố miêu tả, biểu cảm.
Biểu cảm Bước đầu biết làm thơ bốn chữ, năm chữ; viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ. Biểu cảm về con người hoặc sự việc Bước đầu biết làm một bài thơ sáu chữ, bảy chữ. Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ sáu chữ, bảy chữ.
Nghị luận Nghị luận về một vấn đề trong đời sống (nghị luận xã hội) và phân tích đặc điểm nhân vật (nghị luận văn học)  Viết bài nghị luận về một vấn đề của đời sống (nghị luận xã hội) và bài phân tích một tác phẩm văn học (nghị luận văn học).
Thuyết minh Thuyết minh về quy tắc, luật lệ trong một hoạt động hay trò chơi Giải thích một hiện tượng tự nhiên hoặc giới thiệu một cuốn sách.
Nhật dụng Viết bản tường trình Kiến nghị về một vấn đề đời sống.

NÓI VÀ NGHE

Câu 12 trang 133 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Nêu những nội dung chính được rèn luyện về kĩ năng nói và nghe trong sách Ngữ văn 8, tập một. Xác định trọng tâm phần nói và nghe của mỗi bài học.

Trả lời:

– Những nội dung chính được rèn luyện về kĩ năng nói và nghe trong sách Ngữ văn 8, tập một:

+ Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội.

+ Thảo luận ý kiến về một vấn đề trong đời sống

+ Tóm tắt nội dung thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên

+ Thảo luận ý kiến về một hiện tượng trong đời sống

+ Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học.

– Trọng tâm phần nói và nghe: Thực hành, chú ý 3 yếu tố: nội dung, kĩ năng và thái độ, tình cảm khi nói – nghe.


Câu 13 trang 133 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Nội dung rèn luyện kĩ năng nói và nghe liên quan với nội dung đọc hiểu và viết trong mỗi bài học như thế nào? Phân tích một số ví dụ ở các bài học trong sách Ngữ văn 8, tập một để làm sáng tỏ điều ấy.

Trả lời:

– Nội dung rèn luyện kĩ năng nói và nghe có liên quan mật thiết với nội dung đọc hiểu và viết trong mỗi bài học. Nội dung rèn luyện kĩ năng nói và nghe có cùng chủ đề hoặc cùng kiểu văn bản với các văn bản đọc hiểu và viết trong mỗi bài học.

Ví dụ ở bài 5 nội dung phần rèn luyện kỹ năng nghe và nói là “Nghe và tóm tắt lại nội dung chính của một bài thuyết trình về một vấn đề của đời sống” thì các văn bản đọc hiểu là nghị luận về một vấn đề xã hội, bài viết cũng là nghị luận về một vấn đề của đời sống.


TIẾNG VIỆT

Câu 14 trang 133 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Nếu những nội dung chính của phần tiếng Việt trong sách Ngữ văn 8, tập một. Các nội dung này có mối quan hệ như thế nào với phần Đọc hiểu, Viết, Nói và nghe?

Trả lời:

Bốn nội dung lớn về tiếng Việt trong sách Ngữ văn 8 là: Từ ngữ, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp, sự phát triển của ngôn ngữ. Trong đó có các nội dung chính như:

– Bài 1: luyện tập trợ từ và thán từ

– Bài 2: từ đồng nghĩa, trái nghĩa, sắc thái nghĩa của từ.

– Bài 3: cách trình bày đoạn văn, phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ.

– Bài 4: nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn

– Bài 5: từ ghép Hán Việt, thành ngữ, tục ngữ.

Các nội dung này là những vấn đề được sử dụng nhiều trong các văn bản của phần đọc hiểu và được áp dụng trong quá trình viết bài, quá trình rèn luyện kỹ năng nói và nghe.


Câu 15 trang 133 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Nêu một số biện pháp tu từ có trong các văn bản thơ đã học ở Bài 2 và phân tích tác dụng của một biện pháp mà em thích.

Trả lời:

♦ Văn bản “Nếu mai em về Chiêm Hoá

Khổ 2:

Đá – ngồi, trông nhau.

Non Thần – trẻ lại.

⇒ Tác dụng: Làm cho sự vật có hồn, bức tranh thiên nhiên mùa xuân trở nên sống động.

Khổ 4:

Mùa xuân – lạc đường.

⇒ Tác dụng: Gợi vẻ đẹp của các cô gái bản Tày, vẻ đẹp khiến cho mùa xuân mải mê say đắm đến mức lạc đường.

♦ Văn bản “Nắng mới”:

– Biện pháp nghệ thuật: nhân hoá (nắng mới reo ngoài nội).

⇒ Tác dụng: khiến bài thơ chợt chùng hẳn xuống, nặng trĩu một nỗi buồn, một nỗi buồn dịu nhẹ, một tâm trạng quạnh hiu xa vắng, gợi nỗi nhớ về người mẹ đã đi xa


TỰ ĐÁNH GIÁ CUỐI HỌC KÌ I

I. Đọc hiểu

Đọc văn bản “Con rắn vuông” và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Chọn phương án trả lời đúng cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 6)

Câu 1 trang 135 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Nội dung chính của văn bản Con rắn vuông là gi?

A. Giới thiệu hình dáng, kích thước của con rắn vuông

B. Kể chuyện anh chàng nói khoác về con rắn vuông

C. Kể lại câu chuyện về một con rắn hình vuông

D. Ghi lại suy nghĩ của người viết về con rắn vuông

Trả lời:

⇒ Đáp án: B. Kể chuyện anh chàng nói khoác về con rắn vuông


Câu 2 trang 135 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Văn bản trên thuộc thể loại nào?

A. Truyện ngụ ngôn

B. Truyện cười

C. Truyện cổ tích

D. Truyện thần thoại

Trả lời:

⇒ Đáp án: B. Truyện cười


Câu 3 trang 135 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Phương án nào sau đây nêu đặc điểm thể loại của văn bản trên?

A. Nội dung thường viết về các câu chuyện hoang đường…..

B. Cốt truyện thường mượn các con vật để nói chuyện con người

C. Bối cảnh truyện thường là các tình huống mâu thuẫn giữa thật và giả…

D. Truyện thường do dân gian kể và lưu truyền lại cho đời sau

Trả lời:

⇒ Đáp án: C. Bối cảnh truyện thường là các tình huống mâu thuẫn giữa thật và giả…


Câu 4 trang 136 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Câu nào sau đây là lời nhân vật người vợ trong văn bản trên?

A. Anh chàng nọ tính khoác lác đã quen.

B. Vợ không tin, nhưng cũng định trêu chồng một mẻ…

C. Chồng rút lui một lần nữa….

D. Vẫn không dài đến nước ấy đâu!

Trả lời:

⇒ Đáp án: D. Vẫn không dài đến nước ấy đâu!


Câu 5 trang 136 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Mục đích chính của truyện trên là gì?

A. Giải trí

B. Châm biếm

C. Đả kích

D. Lên án

Trả lời:

⇒ Đáp án: B. Châm biếm


Câu 6 trang 136 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Câu: “Lần này tôi nói thật nhé.” có nghĩa hàm ẩn là gì?

A. Các lần trước đều nói thật

B. Các lần trước đều không nói thật

C. Các lần trước đều không nói dối

D. Các lần trước không phải tôi nói

Trả lời:

⇒ Đáp án: B. Các lần trước đều không nói thật


Câu 7 trang 136 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Trong văn bản có câu: “Vợ không tin, nhưng cũng định trêu chồng một mẻ…

a) Theo em, mục đích chính của người vợ là gì?

b) Từ ngữ nào trong câu trên cho người đọc thấy mục đích chính ấy?

Trả lời:

a) Theo em, mục đích chính của người vợ là trêu đùa người chồng cho vui.

b) Cụm từ “định trêu”.


Câu 8 trang 136 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Trong phần kết thúc truyện, vì sao người vợ “bỏ lăn ra cười”?

Trả lời:

Chị vợ lăn ra cười vì thấy chồng bị mắc mưu mình, cười vì người chồng không biết cách nói dối để tự mình mâu thuẫn với chính mình: làm gì có con rắn vuông dài và rộng bằng nhau.


II. Viết

Chọn một trong hai đề sau để viết thành bài văn ngắn:

Đề 1. Giới thiệu về một hiện tượng tự nhiên mà em yêu thích

Bài tham khảo:

Núi lửa phun trào vừa là một hiện tượng thiên nhiên kì thú vừa là một thảm họa vì gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho cuộc sống của con người. Vậy núi lửa là gì? Nguyên nhân gây ra núi lửa như thế nào?

Núi lửa là ngọn núi có miệng ở đỉnh, qua đó, từng thời kì, các chất khoáng được nóng chảy với nhiệt độ và áp suất cao bị phun ra ngoài. Núi lửa phun trào là một hiện tượng tự nhiên trên Trái Đất hay các hành tinh khác vẫn còn hoạt động địa chấn, với các vỏ thạch quyển dịch chuyển trên lõi khoáng chất nóng chảy. Khi núi lửa phun trào, một phần năng lượng đã ẩn sâu trong lòng hành tinh sẽ được giải phóng. Một ngọn núi lửa hoàn chỉnh sẽ có cấu tạo gồm các bộ phận như sau: nguồn dung nham, đường dẫn nhanh, ngưỡng, lỗ thoát, ống dẫn, cổ họng núi lửa, miệng núi lửa. Các sản phẩm núi lửa phun trào ra bên ngoài bao gồm lớp tro bụi, dòng dung nham và khói.

Núi lửa được chia thành nhiều cách phân loại khác nhau, nhưng chủ yếu được chia thành hai cách đó là dựa theo hình dáng bao gồm núi lửa hình chóp và núi lửa hình khiên và dựa vào dạng thức hoạt động chứa ba loại: núi lửa thức, núi lửa ngủ và núi lửa chết.

Khi đá được đun nóng và tan chảy, chúng giãn nở ra, do đó cần nhiều không gian hơn. ở một số khu vực trên Trái Đất, các dãy núi liên tục được nâng cao hơn. Áp suất ở phía dưới nó không lớn nên dòng mắc ma được hình thành. Khi áp lực của các dòng chảy mắc ma cao hơn áp lực tạo bởi lớp đá bên trên, dòng mắc ma phun trào lên trên qua miệng núi và tạo thành núi lửa.

Việc hiểu rõ núi lửa là gì, cách thức hoạt động của núi lửa cho ta thấy được những tác hại nghiêm trọng của núi lửa cũng như hậu quả nguy hại khi núi lửa phun trào lớn đến mức nào. Đầu tiên, nó gây ảnh hưởng đến các hoạt động địa chất, rõ nhất là động đất: Trong quá trình phun trào, trước khi các vật liệu núi lửa phun lên trên mặt, chúng di chuyển theo họng núi lửa từ dưới sâu lên, cọ sát tạo nên các chấn động có khi kèm theo tiếng nổ tạo thành động đất yếu, cục bộ. Từ động đất, liên tiếp gây ra các hiện tượng trượt lở đất, nứt đất, sụt lún. Ngoài ra, núi lửa phun trào làm biến đổi bề mặt địa hình: dung nham núi lửa quánh lại thường tạo thành các dạng địa hình thoải như vòm thoải cao nguyên hoặc lớp phủ dung nham. Không những vậy, nó còn làm ảnh hưởng tới môi trường sống của con người, gây cháy rừng, làm biến đổi môi trường sinh thái và gây nên thảm họa sóng thần:

Bên cạnh đó, núi lửa cũng mang lại những lợi ích đáng kể. Bởi các ngọn núi lửa cũng là nơi đem đến cho con người nhiều tài nguyên khoáng sản, năng lượng địa nhiệt, đất đai canh tác màu mỡ và cả tiềm năng du lịch. Dung nham mắc-ma phun trào từ trong lòng quả đất có chứa rất nhiều thành phần khoáng sản. Các khoáng sản này bao gồm thiếc, bạc, vàng, đồng và thậm chí kim cương cũng hiện diện trong đá núi lửa. Đây được coi là nơi lí tưởng cho sự phát triển của ngành công nghiệp khai mỏ quy mô lớn và các hoạt động khai mỏ nhỏ lẻ mang tính cá nhân hoặc do một nhóm nhỏ dân địa phương chung tay khai thác.

Hàng năm vào các mùa khác nhau, các ngọn núi lửa cũng là nơi thu hút hàng triệu du khách tham quan. Đa phần du khách chờ đến thời khắc được tận mắt ngắm nhìn những khối tro bụi nóng màu đỏ lửa bắn tung lên bầu trời. Những ngọn núi lửa ít hoạt động thì lại cuốn hút du khách bởi việc chiêm ngưỡng những màn hơi và khói thoát ra từ các lỗ thông khí thiên nhiên trên mặt đất.

Tóm lại, ta thấy được sức ảnh hưởng lớn lao của núi lửa đến đời sống con người, đặc biệt là những người đang sống trong vùng gần núi lửa phun trào. Các tác động tự nhiên này vừa mang tới những hiểm nguy những vẫn tồn tại các mặt lợi ích đáng kể để mang lại nền kinh tế cho con người.


Đề 2. Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc

Bài tham khảo:

Xã hội hiện đại ta ngày nay đang đứng trước căn bệnh vô cảm trầm trọng. Nó không chỉ có mặt trong từng gia đình, tập thể mà còn tràn lan ra khắp xã hội. Chúng ta không khỏi chạnh lòng và đau đớn, xấu hổ vì hành động vô cảm, vô nhân đạo của những kẻ hồ hởi, vui vẻ tràn ra đường “hôi của” khi tài sản của những người gặp nạn đổ xuống đường.

Hôi của là hành vi tận dụng hoàn cảnh éo le, thương tâm, bất lợi của người khác để biến tài sản của người thành của mình. Bởi vậy, nó thực sự chẳng khác nào hành vi ăn cướp. Tài sản rơi xuống đường không phải là vô chủ. Người ta ngang nhiên xâu xé, vơ vét đó là không chỉ là “cướp giữa ban ngày”, mà còn là cướp một cách hèn hạ, cướp của những người gặp tai nạn, những người đang rất cần sự giúp đỡ. Mặt khác, việc lợi dụng việc người bị tai nạn bị ngã, choáng, ngất, đơn độc, thậm chí chết, không còn khả năng quản lý được tài sản để nhặt, lấy đồ đạc, tiền bạc… còn là vi phạm pháp luật.

Hôi của là một hành vi xấu, sai lệch chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực giá trị của xã hội. Hiện tượng hôi của là một hiện tượng cho thấy sự vô cảm, vô nhân đạo, vô lương tâm một cách đáng báo động. Hình ảnh này cho thấy sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức, nhân cách của một bộ phận con người trong xã hội ta. Hành động ấy đi ngược lại với truyền thống nhân đạo cao đẹp của con người Việt Nam. Họ vô cảm trước nỗi đau của người khác. Ai trong chúng ta lại không bất bình trước sự việc một chiếc xe tải chở hàng ngàn két bia do tài xế Hồ Kim Hậu điều khiển bất ngờ gặp nạn, khiến hàng nghìn thùng bia đổ ập xuống đường. Mặc dù thấy chiếc xe gặp nạn nhưng những người dân xung quanh vẫn rất bình thản và không ra tay giúp đỡ. Ngược lại, họ nhanh chóng băng qua đường rồi nhăm nhăm lao tới các thùng bia để tranh thủ “cuỗm” được chút ít đồ “miễn phí”. Trước tình huống này, tài xế khóc lóc, van xin, nhưng hàng trăm người vẫn đổ xô vào cướp đi số bia nằm la liệt trên đường. Chỉ sau khoảng mười lăm phút, đường phố trở nên vắng hoe bởi số bia cùng dòng người hôi của bỗng chốc “không cánh mà bay”. Hiện nay trên khắp cả nước không ít vụ hôi của xảy ra. Có thể kể đến những vụ như: vụ giành giật tiền của người bị cướp giật làm rơi tiền ra đường ở thành phố Hồ Chí Minh, vụ lấy dứa ở Hà Nam, vụ “hôi bia” ở ngã tư An Sương – thành phố Hồ Chí Minh, vụ “hôi dầu” ở Ninh Bình và Đồng Nai,… Đó là những hành vi không phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Mỗi người dân Việt cũng có lẽ đã rất quen thuộc với những câu tục ngữ ca dao về đạo lý làm người đầy ý nghĩa như “lá lành đùm lá rách”, “nhặt được của rơi trả người đánh mất” hay “thương người như thể thương thân”… Thế nhưng, trong một số trường hợp nào đó của cuộc sống, rất nhiều người đã vô tình “quên” đi những đạo lý làm người đó.Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức cũng như hành vi của người dân trước tai họa và sự bất hạnh của người khác. Chúng ta cần lên án, phê phán mạnh mẽ hành động trên của những kẻ hám lợi cho bản thân mà quên đi nỗi đau của người khác. Cần có sự can thiệp của pháp luật để răn đe, giáo dục những kẻ tham gia trong hành động trên. Bên cạnh việc hôi của đáng tiếc ở trên, chúng ta cũng thấy nhiều hình ảnh đẹp đối ngược: vụ lật xe bia ở Đà Nẵng, ở Hội An nhưng người dân lại ra bảo vệ cho tài xế, giúp tài xế thu dọn hàng hoá trong trật tự và bảo đảm tài sản không mất cắp. Đó là hình ảnh đáng trân trọng và biểu dương.

Nói tóm lại, hôi của là một vấn nạn xấu đáng bị lên án và bài trừ. Chúng ta cần ra sức học tập và rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách cho bản thân, sống biết yêu thương, sẻ chia với những khó khăn của người khác “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.


Bài trước:

👉 Soạn bài Hướng dẫn tự học trang 131 sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 3 sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì I Ngữ Văn 8 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 8 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com