Nội Dung
Hướng dẫn soạn Bài 6. Chuyện kể về những người anh hùng. Nội dung bài Soạn bài Thánh Gióng sgk Ngữ Văn 6 tập 2 Kết Nối Tri Thức giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 6, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận và nhật dụng.
VĂN BẢN 1
Trước khi đọc
Câu 1 trang 6 Ngữ Văn 6 tập 2 KNTT
Đối với em, ai là người anh hùng? Người đó có những phẩm chất và thành tích gì khiến em ngưỡng mộ?
Trả lời:
– Anh hùng là những con người sống và thực hiện những hành động dựa trên lý tưởng của bản thân và kỳ vọng của mọi người.
– Nhân vật anh hùng thường là những nhân vật có tài năng xuất chúng, có đạo đức, sức khỏe phi thường, làm việc tốt khiến em ngưỡng mộ.
Câu 2 trang 6 Ngữ Văn 6 tập 2 KNTT
Thiết kế bản giới thiệu ngắn về một người anh hùng với các nội dung: tên, phẩm chất, chiến công. Trang trí bản giới thiệu bằng các hình ảnh phù hợp và sử dụng bản giới thiệu để nói về người anh hùng.
Trả lời:
♦ Người anh hùng Trần Quốc Tuấn:
– Tên: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
– Phẩm chất:
+ Một vị tướng tài giỏi, mưu lược, dụng binh như thần của nước ta.
+ Vị quan lớn yêu nước, một lòng phụng sự vua diệt giặc ngoại xâm.
+ Một nhân cách đạo đức lớn, biết trọng dụng người tài.
– Chiến công: chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông năm 1285 và năm 1288.
♦ Người anh hùng Võ Thị Sáu:
– Võ Thị Sáu bản chất thật thà, hiền lành và chất phát, yêu quê hương, đất nước và có ý chí căm thù mãnh liệt, sâu sắc bọn thực dân xâm lược.
– Năm 1947, lúc 14 tuổi Sáu vừa làm nhiệm vụ mua hàng, vừa làm nhiệm vụ giao liên.
– Chị tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương ở Đất Đỏ.
– Vào tháng 12/1949, trong một chuyến công tác tại Đất Đỏ, chị Sáu đã sa vào tay giặc, địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man nhưng chúng vẫn không lấy được một lời khai nào của chị.
♦ Người anh hùng Nguyễn Trãi:
Ông là một nhà chính trị, nhà văn, người đã tham gia tích cực khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự xâm lược của nhà Minh, ….
♦ Người anh hùng Nguyễn Ngọc Mạnh:
Anh dũng cảm đỡ bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư vào ngày 28/2/2021.
Đọc văn bản
Thánh Gióng
HÌNH DUNG trang 6 Ngữ Văn 6 tập 2 KNTT
Hình dáng, sức mạnh của chủ nhân vết chân to tướng.
Trả lời:
Chủ nhân vết chân to lớn là người cao lớn, sức mạnh phi thường hơn người bình thường.
THEO DÕI trang 7 Ngữ Văn 6 tập 2 KNTT
Lời của chú bé ba tuổi có gì đặc biệt?
Trả lời:
Lời của chú bé ba tuổi đặc biệt ở chỗ:
– Chú nói với giọng điệu khảng khái, mạnh mẽ, quyết đoán.
– Chú xưng hô là “ta” và gọi sứ giả là “ông” thể hiện cậu bé là một người đặc biệt.
– Cách nói của chú thể hiện quyết tâm cao độ của một anh hùng yêu nước.
HÌNH DUNG trang 7 Ngữ Văn 6 tập 2 KNTT
Cảnh bà con hàng xóm góp gạo thóc nuôi chú bé.
Trả lời:
Bà con ai này đều vui mừng, sẵn sàng góp gạo thóc để nuôi chú bé.
TƯỞNG TƯỢNG trang 8 Ngữ Văn 6 tập 2 KNTT
Miếu thờ ban đầu trông như thế nào?
Trả lời:
Theo tưởng tượng của em, đó là miếu thờ đặt ở đầu ngôi làng của Gióng, có những khóm tre xung quanh tỏa bóng mát và trong đền lúc nào cũng tỏa hương thơm ngát của nhang khói mà nhân dân đến viếng cho Thánh Gióng.
Sau khi đọc
Nội dung chính:
Truyện Thánh Gióng ca ngợi tình yêu nước, tinh thần bất khuất chiến đấu chống giặc ngoại xâm vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam thời cổ đại.
TRẢ LỜI CÂU HỎI
Câu 1 trang 9 Ngữ Văn 6 tập 2 KNTT
Nêu thời gian, địa điểm, hoàn cảnh diễn ra các sự việc trong câu chuyện.
Trả lời:
– Thời gian: đời vua Hùng thứ sáu.
– Địa điểm: làng Phù Đổng.
– Hoàn cảnh: quân đội vua Hùng gặp giặc Ân xâm lược nên sai sứ giả đi khắp nơi tìm bậc tướng tài cứu nước.
Câu 2 trang 9 Ngữ Văn 6 tập 2 KNTT
Thánh Gióng đã ra đời một cách kỳ lạ như thế nào?
Trả lời:
Gióng được ra đời một cách kỳ lạ:
– Cha mẹ Gióng đã nhiều tuổi nhưng vẫn chưa có con.
– Bà mẹ đưa bàn chân ướm thử vào dấu chân lạ, từ đó bà có mang.
– Sau 12 tháng thai nghén, bà mới hạ sinh em bé.
– Nhưng thằng bé lên ba tuổi rồi mà vẫn nằm ngửa đòi ăn, không biết ngồi biết lẫy, cũng không biết nói biết cười.
Câu 3 trang 9 Ngữ Văn 6 tập 2 KNTT
Chỉ ra ý nghĩa của các chi tiết sau:
a. Câu nói của Gióng: “Về bảo với vua rèn cho ta một con ngựa sắt, một thanh gươm sắt, một áo giáp sắt và một nón sắt, ta sẽ đánh đuổi giặc dữ cho!”.
b. Bà con hàng xóm vui lòng góp gạo, thổi cơm cho Gióng ăn, may quần áo cho Gióng mặc
c. Gióng vươn vai trở thành một tráng sĩ khổng lồ.
d. Ngựa sắt phun ra lửa, gươm sắt loang loáng như chớp giật và bụi tre hai bên đường đã hỗ trợ Gióng trong quá trình đánh giặc.
e. Gióng đánh giặc xong, cởi giáp bỏ nón lại và bay thẳng lên trời.
Trả lời:
Ý nghĩa các chi tiết:
a. Câu nói của Gióng: “Về bảo với vua rèn cho ta một con ngựa sắt, một thanh gươm sắt, một giáp sắt và một nón sắt, ta sẽ đánh đuổi giặc cho!”: sức mạnh tiềm ẩn của lòng yêu nước. Điều đó thể hiện ý thức, trách nhiệm đối với đất nước và ý chí, lòng quyết tâm đánh thắng giặc Ân.
b. “Bà con hàng xóm vui lòng góp gạo, thổi cơm cho Gióng ăn, may quần áo cho Gióng mặc”: Sự lớn mạnh của lòng yêu nước, của quyết tâm đánh thắng giặc nhờ vào sự đoàn kết đồng lòng của cả dân tộc.
c. “Gióng vươn vai trở thành một tráng sĩ khổng lồ”: thể hiện sức mạnh phi thường của dân tộc ta.
d. Ngựa sắt phun ra lửa, gươm sắt loang loáng như chớp giật và bụi tre hai bên đường đã hỗ trợ Gióng trong quá trình đánh giặc: Chống giặc là một cuộc chiến khốc liệt và lâu dài, không thể dùng tay không mà đánh đuổi, chúng ta cần đến vũ khí chiến đấu và sự đoàn kết đồng lòng.
e. Gióng đánh giặc xong, cởi giáp bỏ nón lại và bay thẳng lên trời: Nhân dân ta nguyện cống hiến, xả thân vì đất nước, vì nghĩa lớn mà không mong được trả ơn, đền nghĩa.
Câu 4 trang 9 Ngữ Văn 6 tập 2 KNTT
Chiến công phi thường mà Gióng đã làm nên là gì? Em hãy nêu ý nghĩa của hình tượng Gióng?
Trả lời:
– Gióng đã làm nên chiến công phi thường, đánh tan hết lớp giặc này đến lớp giặc khác. Sau khi đánh tan giặc xâm lược, Gióng đến chân núi Sóc rồi bỏ lại áo giáp một mình một ngựa bay về trời.
– Hình tượng Thánh Gióng thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quật cường, mạnh mẽ của dân tộc thông qua việc xây dựng hình tượng người anh hùng gắn với những chi tiết thần kì đặc sắc.
Câu 5 trang 9 Ngữ Văn 6 tập 2 KNTT
Theo em, chủ đề của truyện Thánh Gióng là gì?
Trả lời:
Truyện Thánh Gióng viết về người anh hùng chống giặc ngoại xâm cứu nước.
Câu 6 trang 9 Ngữ Văn 6 tập 2 KNTT
Lời kể nào trong truyện Thánh Gióng hàm ý rằng câu chuyện đã thực sự xảy ra trong quá khứ? Nhận xét về ý nghĩa của lời kể đó.
Trả lời:
♦ Lời kể trong truyện Thánh Gióng hàm ý rằng câu chuyện đã thực sự xảy ra trong quá khứ:
– “Sau khi thắng trận, để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đến thờ Gióng ở làng quê, phong làm Phù Đổng Thiên Vương. Ngày nay chúng ta còn thấy dấu vết những dãy ao tròn nối nhau kéo dài suốt từ Kim Anh, Đa Phúc cho đến Sóc Sơn, người ta bảo đó là những vết chân ngựa của Thánh Gióng”
– “Khu rừng bị ngựa sắt phun lửa thiêu cháy nay còn mang cái tên là làng Cháy. Những cây tre mà Gióng nhổ quật vào giặc bị lửa đốt màu xanh ngả thành màu vàng và có những vết cháy lốm đốm, ngày nay giống ấy vẫn còn, người ta gọi là tre là ngà (hay đằng ngà)”.
♦ Nhận xét về ý nghĩa lời kể:
– Gióng là bậc Thánh nên đánh giặc xong, cứu được sinh linh phải bay về trời, mới xứng.
– Vua phong là “Phù Đổng Thiên Vương” ý muốn nói Gióng là người nhà Trời.
– Đến nay, ở huyện Sóc Sơn vẫn còn đền thờ Thánh Gióng. Điều này thể hiện sự biết ơn của dân tộc ta.
VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC
Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) về một hình ảnh hay hành động của Gióng đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất.
Trả lời:
Hình ảnh Thánh Gióng để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong em là khi Gióng vươn vai thành tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Gióng là người anh hùng của toàn dân, đại diện cho sức mạnh và tinh thần đoàn kết của nhân dân ta. Gióng vươn vai như một sự khẳng định vẻ đẹp và sức mạnh trong mỗi người dân đất Việt. Đồng thời, chi tiết còn cho ta thấy được sự lớn lao trong người anh hùng với trách nhiệm, sứ mệnh bảo vệ quê hương. Người anh hùng không chỉ có ý chí lớn lao mà còn mạnh mẽ về tầm vóc. Vẻ đẹp của Gióng trong phút giây ra trận lớn lao khi mang theo sức mạnh, ý chí của toàn dân tộc ta!
Đoạn văn tham khảo 2:
Thánh Gióng là người anh hùng rất thông minh khi roi sắt gãy, Gióng đã nhổ tre bên đường để đánh giặc cho thấy sức mạnh kết hợp giữa con người với thiên nhiên. Gióng đánh giặc với mong muốn là đất nước được bình yên chứ không cần bất kì thứ gì cả, điều đó cho thấy Gióng là vị anh hùng thực sự, vì nước vì dân, sẵn sàng đứng lên chiến đấu mà không màng nguy hiểm.
Đoạn văn tham khảo 3:
Trong truyền thuyết “Thánh Gióng” có chi tiết “Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt” đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu đậm. Đây là một chi tiết kì ảo. “Tráng sĩ” là người có sức lực cường tráng, chí khí mạnh mẽ, hay làm việc lớn. Hành động vùng dậy, vươn vai biến thành một tráng sĩ của Gióng chính là sự trỗi dậy kì diệu của sức sống dân tộc mỗi khi gặp thử thách ngặt nghèo. Trong tình thế bức bách, tất cả đều lớn vượt lên, không theo nhịp độ thời gian bình thường mà theo nhịp độ đặc biệt. Đồng thời, chi tiết này cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện.
Bài tiếp theo:
👉 Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 9 sgk Ngữ Văn 6 tập 2 Kết Nối Tri Thức
Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Thánh Gióng sgk Ngữ Văn 6 tập 2 Kết Nối Tri Thức đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 6 tốt nhất!
“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com“