Nội Dung
Hướng dẫn soạn Bài 5. Văn bản thông tin. Nội dung bài Soạn bài Trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 6, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận và nhật dụng.
NÓI VÀ NGHE
Trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử
1. Định hướng
a) Trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử là hoạt động giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự kiện đó và ảnh hưởng của nó với cuộc sống ngày nay.
b) Khi trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử, các em cần chú ý:
– Lựa chọn và xác định sự kiện lịch sử cần trao đổi, thảo luận. Chẳng hạn, có thể trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của một trong số sự kiện được nhắc đến ở các văn bản đọc hiểu.
– Lập dàn ý cho bài nói trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử đã chọn.
– Tương tác tốt trong khi trao đổi, thảo luận:
+ Nêu khái quát về sự kiện
+ Thuật lại ngắn gọn sự kiện
+ Trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của sự kiện
2. Thực hành
Bài tập trang 102 Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều
Trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử nổi bật của Việt Nam hoặc thế giới mà em và mọi người cùng quan tâm.
a) Chuẩn bị
– Lựa chọn sự kiện lịch sử cần trao đổi, thảo luận: Cách mạng tháng Tám năm 1945.
– Thu thập và lựa chọn các thông tin về sự kiện, những ý kiến đánh giá về ý nghĩa của sự kiện đó từ các nguồn khác nhau như sách báo, internet,…
– Lựa chọn phương tiện hỗ trợ trao đổi, thảo luận.
b) Tìm ý và lập dàn ý
– Mở bài: Cách mạng tháng Tám năm 1945 – sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
– Thân bài:
+ Diễn biến:
• 4/1945, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân.
• 5/1945, Bác Hồ về Tuyên Quang.
• 8/1945, phát động toàn dân khởi nghĩa dành chính quyền.
• Từ 14 đến 18/8/1945 có 4 tỉnh giành được chính quyền: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh và Quảng Nam.
• 19/8 giành chính quyền ở Hà Nội.
• 23/8 khởi nghĩa thắng lợi ở Huế,…
• 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn – Gia Định,…
• Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
+ Ý nghĩa:
• Lật nhào chế độ quân chủ, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
• Mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc.
– Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa của sự kiện.
c) Nói và nghe
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự kiện vĩ đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây là một trong những mốc son chói lọi, một bước ngoặt vĩ đại; đồng thời, là biểu tượng tuyệt vời của sức mạnh, tinh thần, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Tháng 4 năm 1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ và quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Đặc biệt là thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16/4, tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Tháng 5 năm 1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Tháng 8 năm 1945 là thời điểm cao trào của cuộc cách mạng. Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào khẳng định đây cơ hội của ta để giành lại độc lập. Sau khi phát động toàn dân khởi nghĩa dành chính quyền, 23 giờ ngày 13/8 ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Từ 14 đến 18/8/1945 tổng khởi nghĩa nổ ra giành thắng lợi, có 4 tỉnh giành được chính quyền: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh và Quảng Nam. Ngày 19/8 khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Tiếp đến 23/8 khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và nhiều tỉnh thành khác. Cuối cùng là 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn – Gia Định, Kon Tum,… Kết quả là ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Như vậy chỉ trong vòng 15 ngày (từ 14/8 đến 28/8/1945) tổng khởi nghĩa tháng Tám đã thành công trong cả nước. Lần đầu tiên trong cả nước chính quyền về tay nhân dân.
Cách mạng thắng lợi mang lại ý nghĩa to lớn với toàn dân tộc. Chiến thắng đã mở ra một bước ngoặc lớn trong lịch sử dân tộc bởi thứ nhất nó phá tan hai tầng xiềng xích nô lệ của Pháp – Nhật, lật nhào chế độ quân chủ, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thứ hai là mở ra kỷ nguyên độc lập tự do, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh dân tộc. Với thắng lợi của cách mạng tháng tám thì Đảng Cộng sản trở thành một Đảng cầm quyền, chuẩn bị những điều kiện tiên quyết cho những thắng lợi tiếp theo. Không những vậy, chiến thắng của đất nước ta còn ảnh hưởng đến thế giới góp phần đánh bại chủ nghĩa phát xít. Đặc biệt, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa trên thế giới nhất là Châu Á và châu Phi.
Như các bạn vừa nghe thì tôi xin khẳng định đây là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Bước khởi đầu cho những chiến thắng tiếp theo của chúng ta.
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
Nhớ lại, rút kinh nghiệm vẻ nội dung câu chuyện và cách kể chuyện:
– Người nói xem xét lại nội dung và cách nói của bản thân.
– Người nghe nắm được nội dung mà người kể trình bày, tránh mắc lỗi khi nghe.
BÀI NÓI THAM KHẢO
Xin chào cả lớp, hôm nay tôi đại diện cho nhóm 1 trình bày ý nghĩa của chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” vào năm 1972.
Đầu tiên chúng ta hãy cùng ôn lại diễn biến của cuộc chiến đấu đó nhé. Khoảng 20 giờ ngày 18/12/1972, Mĩ huy động hàng chục tốp máy bay B52 và các loại máy bay khác ồ ạt ném bom Hà Nội, mở đầu 12 ngày đêm ném bom hủy diệt. Trong những ngày đó Mĩ đã ném bom Hà Nội và các tỉnh phụ cận, chúng ném cả vào trường học, khu phố, bến xe. Làm cho hàng nghìn người dân chết và bị thương. Đêm 20 rạng sáng 21/12 quân dân Hà Nội đã bắn rơi 7 chiếc B52, có 5 chiếc rơi tại chỗ và bắt sống 12 phi công Mĩ
Ngày 26/12, địch tập trung số lượng máy bay B52 lớn nhất hơn 100 chiếc hòng hủy diệt Hà Nội. Quân dân ta đã kiên cường đánh trả, bắn rơi 18 máy bay Mĩ, trong đó có 8 máy bay B52, 5 chiếc bị bắn rơi tại chỗ. Những ngày đêm tiếp theo máy bay Mĩ vẫn không thoát khỏi sự trừng trị của quân dân ta. Đêm ngày 29/12, Hà Nội đánh thắng trận cuối cùng. Ngày 30/12/1972, biết không thể khuất phục được nhân dân ta bằng bom đạn Ních-xơn tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc. Miền Bắc Việt Nam sạch bóng quân thù.
Các bạn biết không Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại rất nhiều ý nghĩa quan trọng với lịch sử dân tộc Việt Nam. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không 1972” đóng vai trò quyết định trực tiếp buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh, quân đồng minh về nước, mở ra bước ngoặt mới cho toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc; đồng thời làm nức lòng bè bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, đẩy lùi “tâm lí sợ hãi” về cái gọi là “sức mạnh khủng khiếp của không quân chiến lược Mỹ”. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam
Trên đây là một vài những ý kiến của nhóm tôi về ý nghĩa của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Mong rằng sẽ nhận được những góp ý, nhận xét của cả lớp để bài làm của nhóm hoàn thiện hơn. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.
Bài tham khảo 2:
Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không: Bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc
Cập nhật lúc 09:53, Thứ sáu, 20/12/2019 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không như một bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX; một trong những chiến công oanh liệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là biểu tượng của bản lĩnh và trí tuệ con Những ngày này cách đây bốn mươi bảy năm, quân và dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận đã anh dũng chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, làm nên Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; tạo bước ngoặt quan trọng, quyết định để quân và dân thực hiện trọn vẹn lời di huấn của Người: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” như một bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX; một trong những chiến công oanh liệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là biểu tượng của bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam.
Bốn mươi bảy năm đã trôi qua, chúng ta càng có thêm điều kiện để nhận định, đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn về tầm vóc to lớn của chiến thắng. Nhiều nhà nghiên cứu, các độc giả trong nước và quốc tế đặt ra câu hỏi vì sao trong cuộc đối đầu với kẻ thù có tiềm lực vật chất, vũ khí mạnh hơn ta, hiện đại hơn ta gấp nhiều lần trong 12 ngày, đêm tháng chạp năm 1972, nhưng chúng ta đã đánh thắng? Có rất nhiều nguyên nhân trong đó có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan và bài học kinh nghiệm được rút ra, nhưng điều đầu tiên để minh chứng cho Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là: Sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, của Quân uỷ Trung ương; sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam trong từng trận đánh, trong từng chiến dịch chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận; do phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của quân dân, của chiến tranh nhân dân, của thế trận phòng không nhân dân cả nước, đặc biệt là Quân chủng Phòng không – Không quân; biết vận dụng linh hoạt sáng tạo trong xây dựng thế trận nhân dân và xây dựng lực lượng phòng không nhân dân. Mặt khác, chúng ta có sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của anh em, bạn bè, các nước xã hội chủ nghĩa và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, nhất là Liên Xô. Song có một nguyên nhân hết sức quan trọng góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là chúng ta đã tiến hành có hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ của quân và dân ta.
Để xây dựng nhân tố chính trị tinh thần cho bộ đội, trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, các đơn vị quân đội đã chú trọng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, trong đó lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để phát huy cao độ nhân tố con người, nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cuộc đọ sức thần kỳ với giặc Mỹ trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972.
Công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972 thể hiện ở việc thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, tình hình nhiệm vụ, bản chất truyền thống, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng; làm cho bộ đội luôn có ý thức đoàn kết, kỷ luật, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao; kiên quyết, chủ động, sáng tạo phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, là nguồn cội tạo nên ý chí quyết đánh, quyết thắng của quân và dân ta; là tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, nhân tố quyết định thắng lợi Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Những lời tiên tri thiên tài của Bác là nguồn cổ vũ, động viên, củng cố quyết tâm cho toàn Đảng, toàn quân trong suốt cuộc kháng chiến đầy cam go, thử thách đối đầu với không quân hiện đại của đế quốc Mỹ.
Ngay từ những năm 1962, Bác Hồ đã đặt vấn đề về việc nghiên cứu B.52 và chuẩn bị cho đánh B.52. Ngày 19 tháng 7 năm 1965, khi Bác đến thăm Trung đoàn 234 của Quân chủng Phòng không – Không quân Bác đã khẳng định: Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B.57, B.52 hay B gì đi nữa ta cũng đánh mà đã đánh là nhất định thắng.
Năm 1966, khi máy bay đánh Quảng Bình, Bác chỉ thị cho Quân chủng Phòng không – Không quân phải tìm cách đánh cho được B.52, trách nhiệm này Bác giao cho Quân chủng Phòng không – Không quân. Năm 1967, Bác căn dặn Quân chủng Phòng không – Không quân muốn bắt cọp thì phải vào hang. Thực hiện lời căn dặn của Bác, Quân chủng Phòng không – Không quân đã đưa Trung đoàn Tên lửa 238 vào Vĩnh Linh để tìm cách đánh B.52. Sau một thời gian dày công nghiên cứu nhận dạng máy bay B.52, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn Tên lửa 238, ngày 17 tháng 9 năm 1967 đã bắn rơi một chiếc B.52. Đây là kíp chiến đấu đầu tiên của bộ đội tên lửa bắn rơi B.52 của không quân Mỹ trên chiến trường miền Bắc.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ đã tạo cơ sở niềm tin và ý chí quyết chiến, quyết thắng cho quân và dân ta, là cơ sở để hoạt động công tác đảng, công tác chính trị tiến hành có hiệu quả, góp phần xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, tạo nên sức mạnh để quân và dân ta đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng không quân của đế quốc Mỹ. Để có được chiến thắng lịch sử vẻ vang trong 12 ngày đêm quân và dân ta, đặc biệt là Quân chủng Phòng không – Không quân đã phải tốn biết bao mồ hôi, xương máu qua nhiều năm chuẩn bị từng bước, từng phương án chiến đấu. Các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và các kíp chiến đấu của các binh chủng đều phát huy trí tuệ tập thể, hiến kế đánh B.52.
Trước cũng như trong quá trình chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, Quân uỷ Trung ương đã tập trung chỉ đạo sát sao các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị nhằm làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội cũng như toàn thể nhân dân miền Bắc, nhân dân Thủ đô Hà Nội nhận thức đúng đắn âm mưu thủ đoạn của địch; tính chất gay go ác liệt của cuộc đối đầu lịch sử; nêu cao tinh thần yêu nước, từ đó củng cố quyết tâm chiến đấu. Chính làm tốt công tác đảng, công tác chính trị nên dù bom đạn Mỹ có thể tàn phá trận địa, công trình cơ sở vật chất, kỹ thuật nhưng không thể khuất phục được ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.
Trong điều kiện hạn chế về vũ khí, trang bị kỹ thuật, quân và dân cả nước, nhất là quân và dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và Quân chủng Phòng không – Không quân đã vượt qua gian khổ, tìm tòi, sáng tạo vượt qua mọi thử thách quyết liệt, đoàn kết, chi viện lẫn nhau quyết tâm đánh thắng siêu pháo đài bay B.52 của đế quốc Mỹ. Đó chính là sức mạnh, là ý chí chiến đấu, tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng của quân và dân ta trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972.
Chấp hành chỉ thị của trên, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh và các cơ quan Quân chủng đã dốc sức xây dựng quyết tâm, tìm tòi sáng tạo cách đánh, chuẩn bị thế trận và vũ khí trang bị, các mặt đảm bảo cho đón đánh máy bay chiến lược B.52 và các loại máy bay của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận.
Sau khi được Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh thông qua kế hoạch và phương án tác chiến chiến dịch đất đối không vào cuối tháng 9 năm 1972 thì đầu tháng 10, Đảng uỷ Quân chủng Phòng không – Không quân đã ra nghị quyết tăng cường giáo dục cán bộ, chiến sĩ quyết tâm bắn rơi nhiều máy bay Mỹ kể cả B.52. Để thực hiện các quyết tâm đó, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã tổ chức tốt các Hội nghị: Sơ kết rút kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy xây dựng và chiến đấu 6 tháng chống chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc; Chuyên đề bàn về cách đánh B.52; Trao đổi kinh nghiệm về chống nhiễu, cách phân biệt nhiễu thật và nhiễu giả B.52 trong tầm đánh… Trong và sau các hội nghị nói trên đã xây dựng được lòng tin và quyết tâm chiến đấu cao “giải nhiễu được tư tưởng”, đó là thành công bước đầu của Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972.
Thành công lớn nhất trong công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch phòng không cuối năm 1972 là các đơn vị đã chú trọng và tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng được ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh, quyết thắng không quân chiến lược của đế quốc Mỹ, phát huy dân chủ cao độ, tổng hợp được trí tuệ sáng tạo của mọi quân nhân.
Ngay trước khi bước vào cuộc chiến 12 ngày đêm, Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Phòng không – Không quân cho rằng vấn đề quan trọng hàng đầu vẫn là vấn đề tư tưởng, vấn đề quyết tâm. Thời điểm đó, sau các trận B.52 đánh vào Vĩnh Linh (ngày 10 tháng 4 năm 1972), Thanh Hóa (ngày 13 tháng 4 năm 1972), Hải Phòng (ngày 16 tháng 4 năm 1972), tên lửa chiến đấu hiệu suất kém đã xuất hiện tư tưởng không tin là tên lửa Sam.2 có thể đánh được B.52 rơi tại chỗ. Do đó, đi đôi với nội dung sinh hoạt chính trị đẩy lùi ảo tưởng “hòa bình trong tầm tay” cơ quan chính trị, cán bộ chính trị tập trung đi sâu nắm tình hình tư tưởng bộ đội, suy nghĩ mọi biện pháp để củng cố niềm tin là có thể đánh thắng B.52 như đã từng đánh các loại máy bay khác để giành chiến thắng. Công tác động viên chính trị tư tưởng, xây dựng quyết tâm, công tác thi đua giết giặc lập công được chú trọng và tiến hành liên tục. Điều khẳng định Mỹ sẽ sử dụng máy bay B.52 vào đánh miền Bắc và chúng sẽ đánh Hà Nội, Hải Phòng được phổ biến sâu rộng tới cán bộ, chiến sĩ, tới các tổ chức đảng và các tổ chức quần chúng. Quán triệt cho bộ đội nắm vững phương án tác chiến, động viên cán bộ, chiến sĩ các kíp chiến đấu phát huy trí tuệ sáng tạo, tìm cách đánh, quyết tâm đánh, quyết đánh rơi máy bay B.52 tại chỗ. Quân chủng đã phát động phong trào thi đua lập công được các cấp uỷ đảng, cơ quan chính trị, chính uỷ, chính trị viên các cấp đi sâu, đi sát để quán triệt nhiệm vụ, động viên cán bộ, chiến sỹ quyết tâm đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B.52 của đế quốc Mỹ.
Trong quá trình chống lại cuộc tập kích đường không trong chiến dịch 12 ngày đêm, các cấp uỷ đảng đã phát huy được vai trò, vị trí của mình đó là sự lãnh đạo tập thể đi đôi với phân công cá nhân phụ trách. Các cấp uỷ đảng đã kịp thời nhận định chính xác phương hướng, thời điểm và mục tiêu có khả năng địch sẽ đánh từ đó đưa ra cách sử dụng lực lượng và có thế trận phù hợp, bên cạnh đó phát huy quyền và trách nhiệm của người chỉ huy được linh hoạt xử lý về cách đánh. Vị trí của chính uỷ, chính trị viên cũng được phát huy, nhất là tiến hành có hiệu quả công tác chính trị, công tác tư tưởng trong chiến đấu, luôn luôn cùng người chỉ huy trao đổi kịp thời mọi tình huống diễn ra.
Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá, những kinh nghiệm công tác đảng, công tác chính trị trước và trong chiến dịch 12 ngày đêm đối đầu với Không quân đế quốc Mỹ góp phần làm nên chiến thắng là những kinh nghiệm được đúc kết trong thực tiễn chiến đấu của quân và dân Hà Nội nói chung, Quân chủng Phòng không – Không quân nói riêng ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục được vận dụng sáng tạo trong điều kiện hoàn cảnh mới, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Nhà nước và bảo vệ nhân dân./.
Thanh Giảng – Đức Thương
Bài trước:
👉 Soạn bài Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều
Bài tiếp theo:
👉 Soạn bài Tự đánh giá trang 104 sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều
Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của một sự kiện lịch sử sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 6 tốt nhất!
“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com“