Soạn bài Trao đổi về một vấn đề sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Hướng dẫn soạn Bài 7. Thơ. Nội dung bài Soạn bài Trao đổi về một vấn đề sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 7, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


NÓI VÀ NGHE

Trao đổi về một vấn đề

1. Định hướng

a) Các em đã học mục đích, nội dung và cách thức trao đổi về một vấn đề ở Bài 2 trong sách Ngữ văn 7, tập một. Bài này tập trung vào thực hành trao đổi gắn với các vấn đề đặt ra trong phần Đọc hiểu văn bản.

b) Để trao đổi, thảo luận về một vấn đề, cần chú ý:

– Lựa chọn vấn đề cần trao đổi (đặc điểm nội dung hoặc nghệ thuật của một bài thơ).

– Xác định các ý kiến khác nhau về vấn đề cần trao đổi.

– Chuẩn bị lí lẽ và dẫn chứng để làm rõ ý kiến của mình.

– Khi trao đổi, cần tôn trọng các ý kiến khác biệt.


2. Thực hành

Bài tập trang 31 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Chọn một trong hai đề sau:

Đề 1. Sau khi học bài thơ “Những cảnh buồm” (Hoàng Trung Thông), có bạn cho rằng: Hình ảnh cánh buồm trong bài thơ tượng trưng cho khát vọng vươn xa của người con. Lại có bạn cho rằng: Hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho những ước mơ chưa đạt được của người cha. Ý kiến của em như thế nào?

Đề 2. Có bạn cho rằng: Chủ đề của bài thơ “Mây và sóng” (Ta-go) là ca ngợi tình mẫu tử. Bạn khác lại cho rằng: Chủ đề bài thơ ấy ca ngợi trí tưởng tượng của em nhỏ. Ý kiến của em như thế nào?

a) Chuẩn bị (với đề 1)

– Đọc kĩ bài thơ Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông).

– Xem lại nội dung đọc hiểu văn bản này.

b) Tìm ý và lập dàn ý

– Tìm ý cho bài nói bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

+ Hai ý kiến nêu trong đề 1 có gì giống nhau và khác nhau?

→ Hai ý kiến nếu ra đều chung hình ảnh “cánh buồm”, đều thể hiện khát vọng của con người vươn cao, vươn xa.

→ Khác nhau: ý kiến đầu tượng trưng cho khát vọng vươn xa của người con. Ý kiến thứ hai tượng trưng cho những ước mơ chưa đạt được của người cha.

+ Mỗi ý kiến có điểm gì hợp lí và chưa hợp lí?

→ Mỗi ý kiến đều có phần đúng, nhưng vẫn thiếu ý, chưa hoàn chỉnh ý.

+ Ý kiến của em như thế nào?

→ Theo em, khi nhận xét về hình ảnh cánh buồm, đây là hình ảnh ẩn dụ, vừa thể hiện khát vọng vươn xa của người con, vừa thể hiện được những ước mơ chưa đạt được của người cha.

+ Vì sao em hiểu như thế?

→ Em hiểu như vậy là bởi thông qua ngữ cảnh của bài thơ và xem xét các ý kiến trong chỉnh thể bài thơ.

– Lập dàn ý cho bài nói bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

Mở đầu: Nêu vấn đề cần trao đổi (có hại ý kiến khác nhau về hình ảnh cánh buồm trong bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông).

Nội dung chính

Nêu và phân tích các ý kiến khác nhau, từ đó, phát biểu ý kiến của mình. Có thể phát biểu theo gợi ý sau:

+ Nêu điểm giống nhau và khác nhau của hai ý kiến.

+ Nêu và giải thích những điểm hợp lí và chưa hợp lí của mỗi ý kiến.

+ Ý kiến của em: có thể tán thành một trong hai ý kiến hoặc không tán thành cả hai và đưa ra một ý kiến khác.

Kết thúc: Khẳng định lại ý kiến của bản thân và những điểm hợp lí trong hai ý kiến đã nêu.

c) Nói và nghe

– Người nghe chủ trì nêu nội dung và cách thức trao đổi.

– Người nói dựa vào dàn ý để trình bày ý kiến của mình.

– Lắng nghe ý kiến của người khác

– Đưa ra ý kiến để trao đổi, thảo luận.

– Người chủ trì tổng kết lại vấn đề đã trao đổi.

– Lưu ý: Trình bày bằng lời, tránh viết thành văn để đọc, sử dụng điệu bộ và các phương tiện hỗ trợ phù hợp.

Bài nói tham khảo:

Kính thưa thầy/ cô và các bạn, em tên là….lớp….trường…

Trong những tiết học trước chúng ta đã cúng nhau tìm hiểu văn bản Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông. Đây là một bài thơ hay đặc sắc về tình cha con. Trong văn bản xuất hiện hình ảnh cánh buồm, và có ý kiến trái chiều về hình ảnh này: ý kiến thứ nhất hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho khát vọng vươn xa của người con. Ý kiến thứ hai hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho những ước mơ chưa đạt được của người cha. Vậy theo các bạn ý kiến nào đúng? Các bạn hãy lắng nghe ý kiến của mình và cùng trao đổi nhé!

Trước hết chúng ta nhận thấy cả hai ý kiến nêu ra đều nói về hình ảnh “cánh buồm”. Cánh buồm dựa vào sức gió để vươn ra ngoài khơi xa, giúp con người khám phá và chinh phục thiên nhiên. Cánh buồm xuất hiện trong văn bản gắn với cả người con và người cha, đều thể hiện khát vọng của con người vươn cao, vươn xa. Tuy nhiên ở hai ý kiến có sự khác nhau: ý kiến đầu cánh buồm tượng trưng cho khát vọng vươn xa của người con. Ý kiến thứ hai hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho những ước mơ chưa đạt được của người cha. Nếu chúng ta đọc hai khổ thơ cuối riêng rẽ nhau thì ý kiến nào cũng đúng. Nhưng chúng ta đặt trong chỉnh thể bài thơ thì hai ý kiến này có ý đúng nhưng chưa thật đầy đủ và chuẩn xác.

Theo em, khi nhận xét về hình ảnh cánh buồm, chúng ta cần xem xét tới ngữ cảnh cũng như xem xét trong chỉnh thể bài thơ. Chúng ta cần khẳng định với nhau rằng cánh buồm ở đây là hình ảnh ẩn dụ. Bản chất cánh buồm là dựa vào sức gió để vươn xa, qua đó thể hiện khát vọng vươn xa của con người. Ở khổ thơ thứ tư, cánh buồm xuất hiện trong ước muốn của người con “cha mượn cho con buồm trắng/ để đi…” thể hiện mong muốn, khao khát chinh phục khám phá thiên nhiên của người con. Còn ở khổ thơ cuối, qua lời giãi bày của người cha “cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con”, chúng ta cũng thấy được ước muốn, khao khát chinh phục thiên nhiên của người cha chưa thực hiện được.

Như vậy, khi đặt hình ảnh cánh buồm trong chỉnh thể bài thơ cùng với ngữ cảnh em xin đưa ra ý kiến của mình: hình ảnh cánh buồm vừa thể hiện khát vọng vươn xa của người con vừa thể hiện được những ước mơ chưa đạt được của người cha.

Trên đây là bài trình bày của em về hai ý kiến nói về hình ảnh cánh buồm trong thơ Hoàng Trung Thông, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ thầy cô và các bạn.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

– Người nói và người nghe cũng rút kinh nghiệm về nội dung và cách thức trao đổi về một vấn đề còn có ý kiến chưa thống nhất,

– Chú ý các lỗi trong khi trao đổi như nói không rõ ràng, lộn xộn, không tập trung nghe, chưa tôn trọng ý kiến khác với quan điểm của minh,…

– Xác định được cách chỉnh sửa các lỗi.


BÀI NÓI THAM KHẢO

Đề 1. Sau khi học bài thơ “Những cảnh buồm” (Hoàng Trung Thông), có bạn cho rằng: Hình ảnh cánh buồm trong bài thơ tượng trưng cho khát vọng vươn xa của người con. Lại có bạn cho rằng: Hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho những ước mơ chưa đạt được của người cha. Ý kiến của em như thế nào?

Hình ảnh cánh buồm trong bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông là hình ảnh mang tính biểu tượng để lại nhiều suy tư trong tâm tưởng người đọc. Có hai ý kiến khác nhau khi đi lý giải về hình ảnh này. Có bạn cho rằng: Hình ảnh cánh buồm trong bài thơ tượng trưng cho khát vọng vươn xa của người con. Lại có ý kiến khác: Hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho những ước mơ chưa đạt được của người cha.

Điểm giống nhau của hai ý kiến đó là đều nói rằng hình ảnh cánh buồm dùng để chỉ ước mơ. Có điều, nếu ý kiến thứ nhất cho rằng hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho khát vọng vươn xa của người con thì luồng ý kiến thứ hai lại suy tư khác. Cụ thể, ý kiến này khẳng định hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho những ước mơ chưa đạt được của người cha.

Đối với ý kiến thứ nhất, người nói rất có lý khi cho rằng hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho khát vọng người con. Điều đó được thể hiện rất rõ qua những lời nói, hành động của cậu bé trong bài:

“Con lại trỏ cánh buồm xa nói khẽ:
Cha mượn cho con buồm trắng nhé,
Để con đi…”

Cậu dùng hành động kết hợp với lời nói nhỏ nhẹ như sợ cảnh vật giật mình, làm phá tan không gian thanh bình. Lời đề nghị rất ngây ngô, cậu muốn mượn “buồm trắng” để thỏa mong ước khám phá thế giới bao la rộng lớn ngoài kia. Như vậy, cánh buồm ở đây chính là phương tiện, là cánh cửa mở ra những hoài bão lớn lao của đứa con nhỏ.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là luồng ý kiến thứ hai hoàn toàn không có căn cứ. Cánh buồm cũng thể hiện những ước mơ xưa cũ của người cha. Điều đó được thể hiện rõ ràng qua hai câu thơ:

“Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng lòng cha từ một thời xa thẳm”

Lời nói gián tiếp và câu hỏi tu từ thể hiện sự không chắc chắn nơi người cha, rằng câu nói vừa rồi là của con, của sóng hay của chính lòng mình. Cánh buồm kiêu hãnh ngoài biển khơi thể hiện khao khát được đi xa để khám phá, hay cũng chính là nơi chất chứa hình cha thuở trước. Như vậy, người cha đã thấy mình trong chính ước mơ của con nhỏ.

Như vậy, hai ý kiến trên đều đúng và có thể bổ sung cho nhau để hợp thành một ý hoàn chỉnh, nói lên ý nghĩa của hình ảnh cánh buồm trong bài thơ Những cánh buồm của Nguyễn Trung Thông.

Xuyên suốt toàn bài thơ, cánh buồm chứa đựng nhiều ý nghĩa khác nhau. Cánh buồm tượng trưng cho những ước mơ, khát vọng, hoài bão, … của bao thế hệ, bao gồm cả thế hệ cha và thế hệ con. Đó là cánh buồm của con thuyền chở ước mơ của tuổi thơ đi đến những chân trời mới, cuộc sống mới, khát vọng mới. Ngoài ra, cánh buồm cũng tượng trưng cho tinh thần, ý chí sẵn sàng đương đầu với thử thách, đối mặt với sóng gió để vươn tới thành công.


Đề 2. Có bạn cho rằng: Chủ đề của bài thơ “Mây và sóng” (Ta-go) là ca ngợi tình mẫu tử. Bạn khác lại cho rằng: Chủ đề bài thơ ấy ca ngợi trí tưởng tượng của em nhỏ. Ý kiến của em như thế nào?

Theo em, cả hai ý kiến trên đều đúng. Bài thơ “Mây và sóng” của Ta-go vừa ca ngời tình mẫu tử thiêng liêng, vừa ca ngợi trí tưởng tượng ngây thơ, trong sáng của các em nhỏ.

– Ý thứ nhất được thể hiện qua câu nói: “Mẹ mình đang đợi mình ở nhà.”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Nó thể hiện ý chí kiên định của người con. Dù bên ngoài kia có biết bao cám dỗ, bao cuộc vui thật hay, thú vị, người con vẫn không quên rằng mẹ vẫn ở nhà đợi mình, vẫn yêu thương và hết mực chăm lo cho mình. Đó là tình cảm mẫu tử thiêng liêng đã đánh bại những cuộc vui tầm thường ngoài kia.

– Ý thứ hai được thể hiện rõ nét qua cuộc đối thoại giữa con và người trên đám mây, người trong sóng và giữa hai mẹ con. Trí tưởng tượng là vô hạn, người con nhìn lên bầu trời, thấy những đám mây đang trôi, tưởng tượng nó đang nô đùa và muốn được chơi cùng, hay nhìn thấy sóng biển, em cũng muốn được đi ra ngoài khơi xa, ngắm nhìn thế giới ngoài kia. Nhưng vì không muốn rời xa mẹ mình, em đã nghĩ đến một trò chơi khác, cái mà không phải rời xa mẹ và vẫn có thể thỏa mãn bản thân. Ngay cả những trò chơi hay những cuộc hội thoại, đó đều là sự tưởng tượng chứa đầy sự ngây thơ, vô tư của đứa trẻ.


Bài trước:

👉 Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Rồi ngày mai con đi sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Trao đổi về một vấn đề sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 7 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com