Nội Dung
Hướng dẫn soạn Bài 1. Truyện ngắn. Nội dung bài Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 8, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.
NÓI VÀ NGHE
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội
1. Định hướng
1.1. Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội là nêu rõ ý kiến (quan điểm) của người nói, sử dụng các luận điểm (lí lẽ) và bằng chứng tin cậy, cụ thể nhằm thuyết phục người nghe về một vấn đề xã hội. Vấn đề xã hội có thể là một câu hỏi cần trả lời, một điều cần giải quyết, một hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực hay vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực trong cuộc sống.
1.2.Để trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội, các em cần dự kiến một số nội dung theo bảng sau:
Những điểm cần lưu ý | Yêu cầu cụ thể |
Bối cảnh trình bày | Không gian, thời gian |
Xác định vấn đề trình bày | Đề tài |
Đối tượng người nghe | Thầy cô, bạn bè, người thân trong gia đình… |
Mục đích | Nêu ý kiến, thuyết phục người nghe |
Phương tiện hỗ trợ | Máy chiếu, màn hình, tranh, ảnh, video clip, sơ đồ, bảng biểu,… |
Nội dung | Mở đầu:
Nêu vấn đề và lí do chọn vấn đề |
Nội dung chính:
– Trình tự các luận điểm – Lí lẽ tương ứng với từng luận điểm – Bằng chứng tương ứng với từng luận điểm |
|
Kết thúc:
– Khái quát ý nghĩa vấn đề đã trình bày – Một số đề xuất, kiến nghị (nếu có) |
|
Cách thức và thái độ khi nói | Hướng về người nghe; kết hợp lời nói và cử chỉ, động tác,…; giọng điệu và âm lượng phù hợp |
2. Thực hành
Bài tập trang 34 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Chọn một trong hai đề bài sau:
(1) Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: “Hay đổ lỗi cho người khác – một thói hư tật xấu cần tránh”.
(2) Suy nghĩ của em về lòng nhân ái trong cuộc sống sau khi học truyện “Gió lạnh đầu mùa” (Thạch Lam).
Đề 1
a) Chuẩn bị
– Xác định đối tượng, bối cảnh trình bày để chuẩn bị nội dung phù hợp.
– Chuẩn bị các phương tiện như tranh, ảnh, video,…và máy chiếu, màn hình (nếu có).
b) Tìm ý và lập dàn ý
– Tìm ý cho bài trình bày bằng cách đặt câu hỏi:
+ Hiện tượng đổ lỗi cho người khác: “Đổ lỗi” là hành vi con người cố tình chối bỏ lỗi lầm của mình, hoặc viện cớ do lí do khách quan, hoặc đổ tội cho người khác. Đây là một hiện tượng đáng buồn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày.
+ Biểu hiện:
Các nhà thầu xây dựng yếu kém, ăn bớt vật liệu khiến công trình sụp đổ, gây tai nạn, không chịu nhận trách nhiệm mà đổ lỗi do địa hình, khí hậu. VD: Vụ sập cầu Chu Va ở tỉnh Lai Châu năm 2014.
Thất bại trong cuộc sống, nhiều người đổ lỗi do hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó mà quên mất rằng cũng nhiều người nhờ nỗ lực không ngừng mà làm giàu từ hai bàn tay trắng.
Học sinh lười biếng, không chăm chỉ học tập đạt kết quả kém lại đổ lỗi cho chương trình sách giáo khoa nặng nề…
+ Nguyên nhân: Do sự lười nhác, không cống hiến mà chỉ mong thụ hưởng của nhiều người. Khi nhìn thấy sai lầm của người khác hoặc bản thân gây ra sai lầm, họ vẫn vô tâm, không tích cực ngăn chặn hoặc khác phục để hạn chế tổn hại.
+ Hậu quả: Hiện tượng đổ lỗi gây mất đoàn kết trong tập thể, khi không ai nhận trách nhiệm về mình cứ cứ đùn đẩy cho người khác, khiến chúng ta trở thành kẻ vô trách nhiệm, tự huyễn hoặc bản thân rằng mình không bao giờ sai, từ đó không thể tiến bộ, hoàn thiện mình,…
+ Giải pháp: Mỗi cá nhân cần biết tự ý thức, có tinh thần trách nhiệm, dũng cảm nhận lỗi, sửa lỗi…
– Lập dàn ý, tổ chức hệ thống các ý theo ba phần:
+ Mở đầu: Nêu vấn đề cần trình bày.
+ Nội dung chính: Lần lượt trình bày các nội dung chính đã chuẩn bị trong phần tìm ý.
+ Kết thúc: Khái quát, khẳng định lại vấn đề.
Đề 2
a) Chuẩn bị
– Xem lại văn bản Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam.
– Xác định đối tượng, bối cảnh trình bày để chuẩn bị nội dung phù hợp.
– Chuẩn bị các phương tiện như tranh, ảnh, video,…và máy chiếu, màn hình (nếu có).
b) Tìm ý và lập dàn ý
– Tìm ý cho bài trình bày bằng cách đặt câu hỏi:
+ Văn bản Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam kể lại chuyện gì?
→ Văn bản Gió lạnh đầu mùa kể về kể về hai chị em sinh ra trong một gia đình khá giả tên là Sơn và Lan, luôn hòa đồng và gần gũi với những đứa trẻ trong phố huyện. Trong ngày trời chuyển lạnh, hai chị em ra chợ chơi thì thấy Hiên – cô bé hàng xóm đang co ro bên cột quán với manh áo mong manh, rách tả tơi. Sơn bàn với chị Lan đem chiếc áo bông cũ. Về đến nhà, người vú già nói với chị em Sơn mẹ đã biết chuyện. Sợ bị mắng, Sơn và Lan đến nhà Hiên đòi áo nhưng không thấy ai. Đến khi về nhà đã thấy mẹ con Hiên đem áo sang trả. Mẹ Sơn đã cho mẹ Hiên vay tiền để may áo cho con.
+ Nội dung của truyện đặt ra vấn đề về lòng nhân ái như thế nào?
→ Hai chị em đã tặng cho Hiên chiếc áo bông cũ để sưởi ấm qua mùa đông giá rét. Chi tiết này đã thắp sáng tình yêu thương, che chở và giúp đỡ lẫn nhau giữa người với người. Đồng thời, truyện đã để nhiều cảm xúc trong lòng độc giả, thấm thía từng nỗi khổ đau, bất hạnh với hoàn cảnh éo le của người nghèo khổ. Qua đó thể hiện tình yêu thương bao la, sâu sắc, nồng ấm và thiêng liêng, giúp con người thêm trân quý cuộc sống này hơn.
+ Em hiểu như thế nào là lòng nhân ái?
→ Lòng nhân ái là sự yêu thương, là phẩm chất yêu thương giữa người với người, là sự chia sẻ, cảm thông cho nhau những lúc hoạn nạn, khó khăn.
+ Tại sao trong cuộc sống cần có lòng nhân ái?
→ Để gắn kết bản thân với xã hội, con người sống rất cần phải có tấm lòng nhân ái. Nhân ái giúp ta nâng cao giá trị của bản thân mình, làm cho mối quan hệ giữa con người với con người càng trở nên tốt đẹp. Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn.
+ Em sẽ làm gì để thể hiện lòng nhân ái?
→ Luôn sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn; Luôn yêu thương mọi người, sẵn sàng cho đi mà không mong nhận lại, không ích kỉ nhỏ nhen, tính toán thiệt hơn với người khác; Sống chan hòa với mọi người xung quanh, luôn mang những điều tích cực đến cho mọi người và lan tỏa được những thông điệp, hành động tốt đẹp ra xã hội.
Ngoài các câu hỏi nêu trên, các em có thể nêu thêm các câu hỏi khác.
– Lập dàn ý, tổ chức hệ thống các ý theo ba phần:
+ Mở đầu: Nêu vấn đề cần trình bày. Ví dụ, truyện Gió lạnh đầu mùa tưởng đơn giản nhưng đặt ra một vấn đề xã hội rất lớn: lòng nhân ái trong cuộc sống.
+ Nội dung chính: Lần lượt trình bày các nội dung chính đã chuẩn bị trong phần tìm ý.
+ Kết thúc: Khái quát, khẳng định tầm quan trọng của lòng nhân ái trong cuộc sống.
c) Nói và nghe
Hoạt động nói và nghe cần đảm bảo được các yêu cầu sau:
Người nói | Người nghe |
– Nội dung trình bày:
+ Vấn đề trình bày được nêu rõ ràng, cụ thể. + Nội dung phong phú, có trọng tâm, được trình bày lô gích; lí lẽ và bằng chứng làm nổi bật được vấn đề. + Nội dung giải đáp thắc mắc cụ thể, ngắn gọn, thỏa đáng. – Hình thức trình bày: + Bài trình bày có bố cục rõ ràng. + Các nội dung minh họa có chất lượng. + Sử dụng công cụ, thiết bị hỗ trợ phù hợp. + Có sự sáng tạo, tạo được điểm nhấn cho nội dung trình bày. – Tác phong, thái độ trình bày: + Phong thái tự tin, tôn trọng người nghe, sử dụng ngôn ngữ cơ thể sinh động, phù hợp. + Nói trôi chảy, mạch lạc, không bị ngắt quãng, hoặc không có những từ ngữ chêm xen (à, ờ, thì, mà, là,…). + Tốc độ nói vừa phải, có nhấn giọng ở những nội dung quan trọng. + Bảo đảm yêu cầu về thời gian trình bày. |
– Lắng nghe, xác định và ghi lại các thông tin chính của bài trình bày; những nội dung cần hỏi lại.
– Thể hiện thái độ chú ý lắng nghe; sử dụng các yếu tố cử chỉ, nét mặt, ánh mắt để khích lệ người nói. – Hỏi lại những điểm chưa rõ (nếu cần); có thể trao đổi thêm quan điểm cá nhân về nội dung của bài trình bày. |
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
Người nói | Người nghe |
– Lắng nghe nhận xét của các bạn và thầy, cô về bài trình bày.
– Rút kinh nghiệm về việc lựa chọn vấn đề trình bày, quá trình chuẩn bị, nội dung, cách thức và thái độ trình bày,… – Tự đánh giá: + Điều em hài lòng về bài trình bày của mình là gì? + Điều gì em muốn thay đổi trong bài trình bày đó? |
– Kiểm tra việc nghe và ghi chép các nội dung thông tin đã chính xác chưa, thu hoạch được những gì,…
– Nêu nhận xét về nội dung, hình thức bài trình bày. – Đánh giá: + Em thấy bài trình bày của bạn có thuyết phục không? Vì sao? + Điều em học được từ bài trình bày của bạn là gì? |
BÀI NÓI THAM KHẢO
Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: “Hay đổ lỗi cho người khác – một thói hư tật xấu cần tránh”
Bài tham khảo 1:
Trong cuộc đời chúng ta ai cũng sẽ mắc phải những lỗi lầm, nhưng sau khi mắc lỗi chúng ta cần phải biết nhận lỗi và sửa lỗi không thể chỉ biết đổ lỗi cho người khác. Nếu việc đổ lỗi diễn ra thường xuyên nó sẽ trở thành một thói xấu khiến ta trở nên xấu xí trong mắt người khác.
Hay đổ lỗi cho người khác là một thói hư tật xấu cần tránh. Khi chúng ta mắc lỗi, dù là lớn hay nhỏ thì điều đầu tiên cần làm đó là nhìn nhận, xem xét lại chính bản thân mình. Những lỗi lầm trong cuộc đời ta luôn xuất phát từ chính bản thân ta, chính vì vậy ta cần phải biết nhận lỗi và sửa lỗi có như thế ta mới có thể vững vàng, trưởng thành hơn trong cuộc sống. Thói hư tật xấu là tổng hợp của nhiều thói xấu khác nhau trong đó có đổ lỗi. Chúng ta luôn luôn phải nhìn nhận sự việc dưới nhiều góc độ để nhận thức rõ những sai lầm của mình. Nếu ta chỉ biết đổ lỗi thì mãi mãi ta sẽ không thể khá lên được. Thử tưởng tượng nếu một người cả đời chỉ biết đổ lỗi thì liệu rằng anh ta có thể trở nên cứng cáp, vững chãi trước cuộc sống đầy những bất trắc này? Nếu chỉ biết đổ lỗi ta mãi mãi không thể trưởng thành và sẽ chẳng có ai muốn ở cạnh người hay đổ lỗi cả. Khi ta biết nhận lỗi cuộc sống của ta trở nên yên bình hơn rất nhiều, không cần phải lo lắng hay làm người khác khó chịu khi tiếp xúc. Người hay đổ lỗi là người không bao giờ nhận ra khuyết điểm của mình, luôn tự cho mình là đúng và đổ lỗi cho người khác sau mọi thất bại của mình. Một lời xin lỗi không khiến chúng ta trở nên kém cỏi, một hành động thể hiện sự biết lỗi không khiến chúng ta trở nên hèn mọn. Có sai có sửa, ta luôn cần cố gắng phát huy những điều này để hoàn thiện bản thân ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Khi chúng ta biết nhận lỗi, sửa lỗi chúng ta sẽ trưởng thành hơn rất nhiều. Vì vậy mong rằng sẽ không có ai mắc phải căn bệnh “đổ lỗi” này nữa.
Bài tham khảo 2:
Không ai có thể đi đến thành công mà không qua những sai lầm. Sai lầm, lỗi lầm là điều tất yếu trong cuộc sống. Thế nhưng, khi xảy ra lỗi lầm, nhiều người không dám nhận lấy lỗi để sữa chữa, khắc phục mà thường đổ lỗi lỗi cho người khác.
“Đổ lỗi” là hành vi con người cố tình chối bỏ lỗi lầm của mình, hoặc viện cớ do lí do khách quan, hoặc đổ tội cho người khác. Đây là một hiện tượng đáng buồn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày.
Hiện tượng này xảy ra ở mọi môi trường, mọi lứa tuổi và là biểu hiện của thói vô trách nhiệm, ích kỉ. Có nhiều người thất bại trong cuộc sống, nhiều người đổ lỗi do hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó mà quên mất rằng cũng nhiều người nhờ nỗ lực không ngừng mà làm giàu từ hai bàn tay trắng. Hay những học sinh lười biếng, không chăm chỉ học tập đạt kết quả kém lại đổ lỗi cho chương trình sách giáo khoa nặng nề…
Tất cả là do sự lười nhác, không cống hiến mà chỉ mong thụ hưởng của nhiều người. Khi nhìn thấy sai lầm của người khác hoặc bản thân gây ra sai lầm, họ vẫn vô tâm, không tích cực ngăn chặn hoặc khác phục để hạn chế tổn hại. Do con người hèn nhát, không dám đối mặt với lỗi lầm của mình. Nhiều người chỉ vì quá hèn nhát, sợ hãi khi xảy ra sai lầm, họ đã trốn tránh, thoái thác trách nhiệm, đổ lối cho người khác khiến cho hậu quả của hành động ấy còn lớn hơn hậu quả do sai làm ấy gây ra. Do con người ích kỉ, thiếu trách nhiệm, chỉ muốn đùn đẩy phần khó khăn cho người khác. Nhiều người chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình, không quan tâm đến người khác. Khi sai lầm xảy ra, họ chỉ cố sức bảo vệ mình, bỏ mặc người khác dù hậu quả có thế nào đi chăng nữa. Những kẻ vô tâm ấy thường gây nên những tổn thất rất lớn cho xã hội.
Hiện tượng đổ lỗi gây mất đoàn kết trong tập thể, khi không ai nhận trách nhiệm về mình cứ cứ đùn đẩy cho người khác. Hiện tượng đổ lỗi không giúp khắc phục hậu quả gây ra, mà trái lại càng làm việc khắc phục hậu quả thêm trì trệ, khiến hậu quả càng nghiêm trọng. Hiện tượng đổ lỗi khiến chúng ta trở thành kẻ vô trách nhiệm, tự huyễn hoặc bản thân rằng mình không bao giờ sai, từ đó không thể tiến bộ, hoàn thiện mình. Nếu xã hội ai cũng chỉ biết đổ lỗi mà không có tinh thần trách nhiệm, khắc phục sai lầm, thì xã hội đó sẽ trở nên trì trệ, chậm phát triển.
Vì thế, mỗi cá nhân cần biết tự ý thức, có tinh thần trách nhiệm, dũng cảm nhận lỗi, sửa lỗi. Gia đình, nhà trường giáo dục con em hình thành ý thức nhận lỗi; người lớn phải làm gương cho trẻ em, không ngần ngại nói “Xin lỗi” khi mình mắc sai lầm và có cách thức cụ thể, thiết thực để sửa chữa lỗi lầm. Ngoài ra, mọi người cũng nên khoan dung tạo điều kiện cho người mắc sai lầm sửa sai. Dám nhận lỗi là một hành động dũng cảm, là sống có trách nhiệm đối với công việc, bản thân và người khác.
Không có lỗi lầm sẽ không có thành công. Mỗi lỗi lầm sẽ giúp bạn trưởng thành hơn. Hãy dũng cảm nhận lỗi, tích cực khắc phục sai lầm càng nhanh càng tốt để làm giảm bớt những tổn hại do hành động nhút nhát của chúng ta gây ra.
Suy nghĩ của em về lòng nhân ái trong cuộc sống sau khi học truyện “Gió lạnh đầu mùa” (Thạch Lam)
Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa là một truyện ngắn xuất sắc của Thạch Lam viết về đề tài trẻ em. Truyện đã giúp người đọc hiểu rõ hơn về phong cách nghệ thuật của Thạch Lam.
Tác giả đã khắc họa trước mắt người đọc hình ảnh thiên nhiên lúc giao mùa thật tinh tế. Chỉ sau một đêm mưa rào, trời bắt đầu nổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến khiến con người tưởng rằng mình đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn tung chăn tỉnh dậy, cậu thấy mọi người trong nhà, mẹ và chị đã trở dậy, ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Mọi người đều “đã mặc áo rét cả rồi”. Ở ngoài sân “Gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Bầu trời không u ám, toàn một màu trắng đục”. Những cây lan trong chậu “lá rung động và hình như sắt lại vì rét”. Chỉ vài chi tiết nhưng người đọc đã thấy được sự chuyển biến về thời tiết, thiên.
Câu chuyện tiếp tục diễn biến, đem đến cho người đọc niềm đồng cảm sâu sắc. Mẹ Sơn đã bảo Lan – chị gái của Sơn vào buồng lấy thúng áo ra. Mẹ Sơn lật cái vỉ buồm, lục đống quần áo rét. Bà giơ lên một chiếc áo bông cánh xanh đã cũ nhưng còn lành. Đó chính là chiếc áo của Duyên – đứa em gái đáng thương của Sơn đã mất năm lên bốn tuổi. Người vú già đã “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ”. Khi nghe mẹ nhắc về em gái, Sơn cũng cảm thấy “nhớ em, cảm động và thương em quá”. Cậu xúc động khi thấy mẹ “hơi rơm rớm nước mắt”. Chiếc áo bông chính là kỉ vật gợi nhớ về người em gái đã mất với biết bao tình yêu thương sâu sắc. Điều đó cho thấy tình cảm gia đình thắm thiết, sâu sắc.
Trái ngược với cuộc sống sung túc của gia đình Sơn. Những nhân vật trẻ em trong xóm trọ lại có hoàn cảnh thật bất hạnh. Nào tằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc – những đứa trẻ em nghèo khổ vẫn phải mặc những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Môi chúng nó “tím lại”, chỗ áo quần rách “da thịt thâm đi”. Gió lạnh thổi đến, chúng nó lại “run lên, hai hàm răng đập vào nhau”. Khi nhìn thấy Sơn và Lan trong những bộ quần áo ấm áp, chúng cảm thấy xuýt xoa, ngưỡng mộ. Hai chị em Sơn tỏ ra thân thiết với chúng chứ không khinh khỉnh như các em họ của Sơn.
Câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn khi Lan nhìn thấy Hiên đang đứng “co ro” bên cột quán, trong gió lạnh chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Cả hai chị em đều cảm thấy thương xót cho con bé. Sơn chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt thoáng qua trong tâm trí Sơn – đó là đem chiếc áo bông cũ của em Duyên cho Hiên. Nghĩ vậy, cậu đã nói với chị gái của mình, nhận được sự đồng tình của chị. Chị Lan đã “hăm hở” chạy về nhà lấy áo. Còn Sơn thì đứng yên lặng đợi chờ, trong lòng tự nhiên thấy “ấm áp vui vui”.
Kết thúc đem đến cho người đọc nhiều điều ấn tượng. Hai chị em Sơn lo lắng khi người vú già biết mẹ đã biết chuyện hai chị em lén mang áo cho Hiên. Sơn cảm thấy lo lắng, sợ hãi và sang nhà tìm Hiên để đòi lại áo. Nhưng đó là một phản ứng bình thường của một đứa trẻ khi mắc lỗi và bị phát hiện. Đến khi trở về nhà, chị em Sơn vô cùng ngạc nhiên khi thấy mẹ con cái Hiên đang ở nhà mình. Mẹ Hiên đem chiếc áo bông đến trả mẹ của Sơn. Có thể thấy dù sống khó khăn, khổ cực nhưng bà vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Còn người mẹ của Sơn, sau khi nghe rõ việc, bà đã cho mẹ của Hiên mượn năm hào về may áo ấm cho con. Điều đó thể hiện mẹ Sơn là một người trái tim nhân hậu. Sau khi mẹ con Hiên về, mẹ Sơn không tức giận, đánh mắng con mà còn “vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm”.
Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” giàu giá trị nhân văn sâu sắc. Tác phẩm đã để lại những dấu ấn nhất định trong lòng độc giả.
Bài trước:
👉 Soạn bài Kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Bài tiếp theo:
👉 Soạn bài Chuỗi hạt cườm màu xám sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 8 tốt nhất!
“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com“