Nội Dung
Soạn bài Viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 8, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.
VIẾT
Viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học
1. Định hướng
1.1. Các văn bản trong bài 5 đều là những bài nghị luận về một vấn đề xã hội.
– Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn) nêu lên vấn đề: thái độ và hành động của tướng sĩ trước nguy cơ xâm lược của ngoại bang.
– Đoạn Nước Đại Việt ta trích từ Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) khẳng định Việt Nam là nước độc lập, có nền văn hiến và lịch sử rất đáng tự hào.
– Chiếu dời đô (Lý Công Uẩn) trình bày lí do và ý nghĩa của việc dời thủ đô về đất Thăng Long.
– Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ? (Dương Trung Quốc) nêu lên vấn đề: Làm thế nào để đất nước Việt Nam mãi trường tồn và phát triển ngày càng lớn mạnh?
→ Để làm rõ vấn đề, các tác giả đều nêu lên ý kiến, dẫn ra các lí lẽ và bằng chứng cụ thể.
1.2. Để viết được văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học, các em cần chú ý:
– Vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học mà bài viết nêu lên cần thiết thực và giàu ý nghĩa.
– Người viết cần thể hiện rõ ý kiến của mình về vấn đề đã nêu lên.
– Vấn đề và ý kiến của người viết phải được làm sáng tỏ bằng các lí lẽ và bằng chứng phong phú, chính xác, có sức thuyết phục,…
– Ý kiến, lí lẽ và bằng chứng cần có quan hệ chặt chẽ, tập trung làm rõ vấn đề; giữa các đoạn văn trong thân bài cần có câu chuyển đoạn.
2. Thực hành
2.1. Thực hành viết theo các bước
Bài tập trang 124 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Từ các tác phẩm đã học, hãy phát biểu suy nghĩ của em về những biểu hiện của tình yêu Tổ quốc.
a) Chuẩn bị
– Đọc kĩ và tìm hiểu đề để biết các thông tin chính trước khi viết:
+ Trọng tâm cần làm rõ: các biểu hiện khác nhau của tình yêu Tổ quốc.
+ Kiểu văn bản chính: nghị luận xã hội.
+ Phạm vi bằng chứng: từ thực tế cuộc sống, từ kiến thức lịch sử và các tác phẩm thơ văn liên quan,…
– Nhớ lại những trang lịch sử oai hùng và đầy tự hào của dân tộc (sự kiện, con người,…).
– Xem lại các văn bản Hịch tướng sĩ, Nước Đại Việt ta, Chiếu dời đô, Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?,… trong Bài 5.
– Ghi chép những nội dung liên quan và chuẩn bị tranh, ảnh, sơ đồ, bảng biểu về các sự kiện, con người tiêu biểu (nếu có).
b) Tìm ý và lập dàn ý
– Tìm ý: Với đề văn nêu trên, có thể tiến hành tìm ý dựa vào cách suy luận từ khái quát đến cụ thể. Ví dụ:
+ Xác định vấn đề (ý khái quát): các biểu hiện khác nhau của tình yêu Tổ quốc.
+ Phát triển ý khái quát thành các ý lớn: yêu đất nước, con người; quý trọng văn hoá dân tộc; tự hào về lịch sử dân tộc; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;…
+ Phát triển ý lớn thành các ý nhỏ. Ví dụ: Yêu đất nước, con người có thể là yêu làng xóm quê hương, yêu thiên nhiên, yêu gia đình và con người,…
Từ các ý đã tìm được, các em có thể trình bày bằng một sơ đồ: ý khái quát (tình yêu Tổ quốc); ý phát triển là các nhánh ý lớn và các nhánh ý nhỏ:
– Lập dàn ý cho bài viết bằng cách tổ chức hệ thống các ý đã tìm được theo cấu trúc ba phần: mở bài, thân bài, kết bài.
Mở bài | Nêu ý khái quát: các biểu hiện của tình yêu Tổ quốc |
Thân bài | + Yêu đất nước, con người: ….
+ Quý trọng văn hóa dân tộc: …. + Tự hào về lích ử dân tộc: …. + Góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:…. |
Kết bài | Nêu ý tổng hợp: tình yêu Tổ quốc thật đa dạng, phong phú. |
c) Viết
Dựa vào dàn ý để viết bài văn nghị luận suy nghĩ về những biểu hiện của tình yêu Tổ quốc. Trong khi viết, chú ý vận dụng cách viết câu khẳng định, phủ định và câu cảm.
Bài viết tham khảo:
Đất nước Việt Nam ta có rất nhiều truyền thống tốt đẹp và quý báu, đặc biệt là truyền thống yêu nước. Biểu hiện của tình yêu Tổ quốc cũng thật phong phú và đa dạng.
Tình yêu Tổ quốc, lòng yêu nước là tình cảm, tình thương sâu sắc của mình đối với quê hương, đất nước, muốn cống hiến hết mình vì muốn đất nước giàu mạnh và vững chắc. Lòng yêu nước được tồn tại trong mỗi con dân Việt Nam chúng ta, từ đời ông cha truyền xuống đời cháu chắt.
Trước hết nói đến tình yêu Tổ quốc là nói đến tình yêu đất nước, con người, yêu gia đình thân thương, yêu xóm làng, yêu quê hương. Biểu hiện thứ hai là sự quý trọng văn hóa dân tộc, bảo tồn tiếng nói của cha ông, gìn giữ những nét phong tục, tập quán, những truyền thống đạo đức. Tự hào về lịch sử dân tộc là biểu hiện thứ ba của tình yêu Tổ quốc. Đó là niềm kiêu hãnh về những giá trị văn hóa nghệ thuật, về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Và đặc biệt, vì yêu Tổ quốc mà mỗi người dân đất Việt sẽ chung tay góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những biểu hiện cụ thể hơn như học tập, lao động và bảo vệ đất nước. Còn vô vàn những biểu hiện khác nhau nữa của tình yêu Tổ quốc.
Khi đọc những văn bản nghị luận trung đại và hiện đại ta sẽ thấy rõ nét hơn cả những biểu hiện của tình yêu Tổ quốc của nhân dân ta được gửi gắm trong đó. “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn đã nêu lên vấn đề thái độ và hành động của tướng sĩ trước nguy cơ xâm lược của ngoại bang. Bài Hịch phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thể hiện lòng căm thù giặc và ý chí quyết thắng. “Nước Đại Việt ta” (trích Bình Ngô đại cáo) của Nguyễn Trãi lại khẳng định Việt Nam là nước độc lập, có nền văn hiến và lịch sử rất đáng tự hào. “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn trình bày lí do và ý nghĩa của việc dời thủ đô về đất Thăng Long. Bài Chiếu phản ánh khát vọng của nhân dân về một dân tộc độc lập thống nhất đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt trên đà lớn mạnh. Đến văn bản nghị luận hiện đại “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?” (Dương Trung Quốc) nêu lên vấn đề: Làm thế nào để đất nước Việt Nam mãi trường tồn và phát triển ngày càng lớn mạnh? Như vậy có thể thấy tình yêu Tổ quốc thật đa dạng và phong phú biết bao!
Biểu hiện của lòng yêu nước cũng nằm ngay trong ý thức, hành động hàng ngày của mỗi chúng ta. Trong thời chiến, nó sục sôi và cuộn trào cùng các cuộc khởi nghĩa, cùng lớp lớp thanh niên sẵn sàng hi sinh tính mạng khi lên đường nhập ngũ. Trong thời bình, mỗi người thể hiện tình yêu nước bằng cách chăm chỉ trau dồi tri thức, cần cù lao động và rèn luyện đạo đức với ước mong đem đến cuộc sống tươi đẹp hơn cho bản thân, gia đình và dân tộc mình. Cứ như vậy, lòng yêu nước đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành nguồn sức mạnh vô giá, thành sợi dây nối kết trái tim của những “con Lạc cháu Hồng”, giúp ta có thể lập nên những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chính tình yêu nước của thế hệ đi trước đã tạo dựng niềm tin cho thế hệ mai sau. Dù thế hệ trẻ có lập nghiệp nơi đâu trên địa cầu rộng lớn, những con người Việt Nam ta vẫn luôn giữ trong trái tim mình tình yêu nước nồng nàn, để nhớ, để ngưỡng vọng và cũng để khao khát được làm điều gì đó cho mảnh đất hình chữ S thân thương Việt Nam.
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Viết, mục d (trang 32) và đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.
2.2. Rèn luyện kĩ năng viết câu khẳng định, câu phủ định và câu cảm trong văn nghị luận:
a) Cách thức
Văn nghị luận vừa có lí lẽ, lập luận chặt chẽ, vừa thể hiện cảm xúc, tình cảm của người viết; nêu rõ được ý kiến đồng tình hay phản đối. Vì thế khi viết cần chú ý kết hợp các loại từ ngữ và câu khẳng định, phủ định (nhất định, không, không thể,…), câu cảm (ôi, than ôi, hỡi ôi,…). Cần vận dụng từ ngữ thể hiện sự lập luận (tuy… nhưng, vì thế, cho nên, không những…. mà còn, càng…..càng, phải chăng, chẳng lẽ, như vậy, suy ra,…), các từ ngữ như đang tranh luận, đối thoại trực tiếp với người đọc (vâng, chẳng lẽ, đúng thế, điều ấy đã rõ,…)
b) Bài tập
– Nhận biết các yếu tố khẳng định (phủ định) và biểu cảm trong hai đoạn văn sau:
+ Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức; nghe nhạc thái thường để đãi yến nguy sứ mà không biết căm. (Hịch tướng sĩ – Trần Quốc Tuấn)
+ Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó… (Chiếu dời đô – Lý Công Uẩn)
– Viết đoạn văn cho đề bài nêu ở mục 2.1. Thực hành viết theo các bước, trong đó có sử dụng câu khẳng định, câu phủ định và câu cảm.
Trả lời:
– Đoạn 1: Các yếu tố khẳng định (phủ định): nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn, không biết tức, không biết căm.
– Đoạn 2:
+ Các yếu tố khẳng định (phủ định): Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi.
+ Các yếu tố biểu cảm: Trẫm rất đau xót về việc đó…
– Viết đoạn văn:
Khi đọc những văn bản nghị luận trung đại và hiện đại ta sẽ thấy rõ nét hơn cả những biểu hiện của tình yêu Tổ quốc của nhân dân ta được gửi gắm trong đó. “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn đã nêu lên vấn đề thái độ và hành động của tướng sĩ trước nguy cơ xâm lược của ngoại bang. Bài Hịch phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thể hiện lòng căm thù giặc và ý chí quyết thắng. “Nước Đại Việt ta” (trích Bình Ngô đại cáo) của Nguyễn Trãi lại khẳng định Việt Nam là nước độc lập, có nền văn hiến và lịch sử rất đáng tự hào. “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn trình bày lí do và ý nghĩa của việc dời thủ đô về đất Thăng Long. Bài Chiếu phản ánh khát vọng của nhân dân về một dân tộc độc lập thống nhất đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt trên đà lớn mạnh. Đến văn bản nghị luận hiện đại “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?” (Dương Trung Quốc) nêu lên vấn đề: Làm thế nào để đất nước Việt Nam mãi trường tồn và phát triển ngày càng lớn mạnh? Như vậy có thể thấy tình yêu Tổ quốc thật đa dạng và phong phú biết bao!
BÀI VIẾT THAM KHẢO
Từ các tác phẩm đã học, hãy phát biểu suy nghĩ của em về những biểu hiện của tình yêu Tổ quốc
Nhắc đến các vẻ đẹp truyền thống của những người con đất Việt, ta không thể không kể đến lòng yêu nước nồng nàn. Yêu nước không phải một khái niệm xa xôi, trừu tượng. Đó là tình cảm giản dị, gần gũi nhưng vô cùng thiêng liêng bắt nguồn từ sự trân trọng, nâng niu mà ta dành cho những sự vật quanh mình, cho những con người ta yêu thương, gắn bó.
Biểu hiện của lòng yêu nước cũng nằm ngay trong ý thức, hành động hàng ngày của mỗi chúng ta. Trong thời chiến, nó sục sôi và cuộn trào cùng các cuộc khởi nghĩa, cùng lớp lớp thanh niên sẵn sàng hi sinh tính mạng khi lên đường nhập ngũ. Trong thời bình, mỗi người thể hiện tình yêu nước bằng cách chăm chỉ trau dồi tri thức, cần cù lao động và rèn luyện đạo đức với ước mong đem đến cuộc sống tươi đẹp hơn cho bản thân, gia đình và dân tộc mình. Cứ như vậy, lòng yêu nước đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành nguồn sức mạnh vô giá, thành sợi dây nối kết trái tim của những “con Lạc cháu Hồng”, giúp ta có thể lập nên những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chính tình yêu nước của thế hệ đi trước đã tạo dựng niềm tin cho thế hệ mai sau. Dù thế hệ trẻ có lập nghiệp nơi đâu trên địa cầu rộng lớn, những con người Việt Nam ta vẫn luôn giữ trong trái tim mình tình yêu nước nồng nàn, để nhớ, để ngưỡng vọng và cũng để khao khát được làm điều gì đó cho mảnh đất hình chữ S thân thương Việt Nam.
Bài trước:
👉 Soạn bài Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ? sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều
Bài tiếp theo:
Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 8 tốt nhất!
“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com“