Nội Dung
Hướng dẫn soạn Bài 1. Tiểu thuyết và truyện ngắn. Nội dung bài Soạn bài Viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 7, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.
VIẾT
Viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử
1. Định hướng
a) Sự việc có thật là sự việc đã xảy ra trong đời thực, không hư cấu, tưởng tượng, được nhiều người biết hoặc chứng kiến, có sử sách ghi lại, …
Nhân vật hoặc sự kiện không chỉ có trong lịch sử đấu tranh giữ nước mà còn là những con người hoặc sự kiện trong các lĩnh vực lao động, văn hoá, khoa học như các nhà bác học, các nhà phát minh sáng chế, những nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ, các vận động viên nổi tiếng, …
Các câu chuyện liên quan đến sự kiện hoặc nhân vật lịch sử thường được kể lại bởi người chứng kiến hoặc được sưu tầm, nghiên cứu và thể hiện lại qua sách, báo, phim ảnh, …
Vì thế, muốn viết bài văn theo yêu cầu trên, các em cần đọc sách, báo,…, sưu tầm một số câu chuyện lịch sử về:
– Những anh hùng dân tộc từ xưa đến nay.
– Những tấm gương về lòng yêu nước, lòng dũng cảm trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
– Chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng và sinh hoạt đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chiến sĩ cách mạng hoặc các nhà hoạt động xã hội nổi tiếng.
– Những hoạt động khoa học, sáng tạo trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.
b) Để viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử, các em cần chú ý:
– Xác định sự việc sẽ kể là sự việc gì. Sự việc ấy có liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử nào? Sự việc do em nghe kể lại hay đọc được từ sách, báo, …?
– Xác định ngồi kề, nhân vật và sự việc chính, …
– Lập dàn ý cho bài viết.
– Sử dụng kết hợp các yếu tố miêu tả trong khi kể.
Câu hỏi trang 34 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều
– Văn bản kể lại sự việc gì? Ai là người kể chuyện?
– Sự việc ấy liên quan đến nhân vật hay sự kiện lịch sử nào?
– Những câu văn nào thể hiện sự kết hợp các yếu tố miêu tả với yếu tố tự sự?
Trả lời:
– Văn bản kể về hoàn cảnh sáng tác bài Tiến quân ca. Tác giả là người kể chuyện.
– Sự kiện ấy liên quan đến nhân vật Văn Cao.
– Những câu văn thể hiện sự kết hợp yếu tố miêu tả với yếu tố tự sự là:
+ Văn Cao tưởng mình không còn những ước mơ và khát vọng của tuổi thanh niên. Cuộc sống của ông chìm trong buồn chán và thất vọng.
+ Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập đội cũ trang nào, tôi chỉ biết đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi.
+ Lần đầu tiên, vào ngày 17-8-1945, khi diễn ra cuộc mít tinh của công chức Hà Nội, bài hát Tiến quân ca được hàng ngàn người hòa nhịp cất cao tiếng hát trước Quảng trường Nhà hát Lớn.
2. Thực hành
Bài tập trang 34 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều
Chọn một trong hai đề sau:
Đề 1: Các em đã học và đọc nhiều câu chuyện lịch sử, hãy viết bài văn kể lại sự việc liên quan đến một nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em yêu thích.
Đề 2: Dựa vào văn bản ở mục “Định hướng”, em hãy đóng vai nhạc sĩ Văn Cao, viết bài văn kể lại sự ra đời của bài hát “Tiến quân ca”.
a) Chuẩn bị (Với đề 2)
– Xem lại cách viết bài văn kể chuyện với các yếu tố thời gian, địa điểm, nhân vật, sự việc, tình tiết, cốt truyện và ngôi kể, …
– Đọc lại văn bản Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác “Tiến quân ca”.
– Xác định ngôi kể, trình tự kể, ghi chép lại các chi tiết, sự việc, lời nói của các nhân vật cần chú ý từ văn bản đã đọc.
b) Tìm ý và lập dàn ý
– Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:
+ Ai là người kể chuyện?
→ Nhạc sĩ Văn Cao, ngôi thứ nhất, xưng tôi.
+ Câu chuyện xảy ra ở đâu, khi nào?
→ Câu chuyện xảy ra tại căn gác nhỏ ở phố Nguyễn Thượng Hiền- Hà Nội khi đất nước sắp bước sang thời kì mới: khóa quân chính kháng chiến chống Nhật.
+ Trong câu chuyện, có những nhân vật nào?
→ Câu chuyện, có những nhân vật: Anh Ph.D, Vũ Quý, Nam Cao
+ Những sự kiện nào liên quan đến sự và đời của bài hát Tiến quân ca?
→ Trước khi sáng tác bài hát Tiến quân ca tôi (Nam Cao) không còn khát vọng, ước mơ của tuổi thanh niên, cuộc sống buồn chán và thất vọng. Đúng lúc đó gặp được Vũ Quý thông qua người bạn Ph.D, Vũ Quý giao cho Nam Cao sang tác nghệ thuật.
→ Khi viết bài hát Tiến quân ca: tôi chưa cầm súng, chưa ra chiến khu, chưa gặp chiến sĩ nhưng tại căn gác nhỏ tại phố Nguyễn Thượng hiền, tôi đã viết lên những lời ca Tiến quân ca.
→ Sau khi bài hát Tiến quân ca ra đời, được công bố, chào đón: lần đầu trong ngày 17-8-1945, khi diễn ra cuộc mít tinh của công chức Hà Nội; Lần thứ hai, trong cuộc mít tinh vào ngày 19-8, hàng ngàn người và các em thiếu nhi cùng hát Tiến quân ca.
+ Người kể có suy nghĩ gì về sự kiện bài hát Tiến quân ca ra đời?
→ Bài hát được chọn làm Quốc ca Việt Nam cho đến ngày nay.
→ Bài hát là niềm tự hào không phải của riêng tôi mà là của cả dân tộc.
– Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:
Mở bài | Nêu lí do kể chuyện. Ví dụ: Ngày nay, bài hát Tiến quân ca đã quá quen thuộc và gần gũi với tất cả mọi người dân Việt Nam vì đó là Quốc ca. Những bài hát đó đã ra đời như thế nào thì không phải ai cũng rõ. Tôi xin kể lại câu chuyện về sự kiện lịch sử ấy. |
Thân bài | Dựa vào câu chuyện Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác Tiến quân ca, lần lượt kể lại quá trình sáng tác bài hát đó theo một trình tự nhất định. Ví dụ: + Tôi trước khi sáng tác bài hát Tiến quân ca … + Tôi khi viết bài hát Tiến quân ca … + Tôi sau khi bài hát Tiến quân ca ra đời, được công bố, chào đón,… • Bài hát được hát lần đầu trong ngày 17-8-1945, khi diễn ra cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Bài hát Tiến quân ca được hàng ngàn người hoà nhịp cất cao tiếng hát trước Quảng trường Nhà hát Lớn. Những kỉ niệm của buổi hôm đó … • Lần thứ hai, trong cuộc mít tinh vào ngày 19-8, hàng ngàn người và các em thiếu nhi cùng hát Tiến quân ca. Những kỉ niệm của lần thứ hai … |
Kết bài | Phát biểu suy nghĩ của người kể lại câu chuyện. Ví dụ: + Bài hát Tiến quân ca đã ra đời như thế. Sau đó, bài hát được chọn làm Quốc ca Việt Nam cho đến ngày nay. + Bài hát là niềm tự hào không phải của riêng tôi mà là của cả dân tộc. |
c) Viết (với Đề 2)
Bài viết tham khảo:
Ngày nay, bài hát Tiến quân ca đã quá quen thuộc và gần gũi với tất cả mọi người dân Việt Nam vì đó là Quốc ca. Những bài hát đó đã ra đời như thế nào thì không phải ai cũng rõ. Tôi xin kể lại câu chuyện về sự kiện lịch sử.
Tuổi thanh niên là tuổi của ước mơ, của hoài bão khát vọng. Ấy vậy mà tôi lúc ấy không còn khát vọng, ước mơ của tuổi thanh niên, buồn chán và thất vọng bủa vây cuộc đời tôi. Đúng lúc tuyệt vọng nhất tôi gặp được Vũ Quý thông qua người bạn thân Ph.D. Khi gặp Vũ Quý tôi mong muốn được tham gia chiến khu cùng các anh em cầm súng giết giặc. Nhưng có lẽ Vũ Quý theo dõi sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của tôi nên giao cho tôi sáng tác nghệ thuật để cổ vũ tinh thần cho quân đội cách mạng.
Khi bắt tay viết bài hát Tiến quân ca, tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập đội vũ trang nào; tôi chưa được ra chiến khu, và cũng chưa từng gặp chiến sĩ cách mạng trong khóa quân chính ấy. Nhưng tại căn gác nhỏ ở phố Nguyễn Thượng Hiền, tôi lại hình dung đó là chiến khu, là khu rừng nào đó trên Việt Bắc, và cứ thế lời ca ra đời, con chữ tự nhiên hiện ra dưới ngòi bút. Tại căn gác nhỏ đó Ph.D đã chứng kiến sự ra đời của Tiến quân ca, và Vũ Quý là người đầu tiên biết đến bài hát này.
Bài hát Tiến quân ca ra đời được chào đón rất nồng nhiệt. Bài hát được công bố lần đầu trong ngày 17-8-1945, khi diễn ra cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Tại đây bài hát Tiến quân ca được hàng ngàn người hoà nhịp cất cao tiếng hát trước Quảng trường Nhà hát Lớn. Tại buổi hôm đó bài hát đã nổ ra như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Xung quanh tôi hang ngàn giọng hát cất vang theo những đoạn sôi nổi. Trong một lúc những tờ truyền đơn in Tiến quân ca được phát cho từng người trong hàng ngũ các công chức dự mít tinh. Lúc này anh bạn Ph.D của tôi đã buông lá cờ đỏ sao vàng trên kia xuống và cướp loa phóng thanh hát vang Tiến quân ca. Con người trầm lặng ấy đã có sức hát hấp dẫn hang vạn quần chúng ngày hôm đó, cũng là người hát trước quần chúng lần đầu tiên và cũng là một lần duy nhất. Lần thứ hai bài hát Tiến quân ca của tôi xuất hiện là trong cuộc mít tinh vào ngày 19-8, hàng ngàn người và các em thiếu nhi cùng cất lời ca, thét lên tiếng căm thù vào mặt bọn đế quốc với sự hào hùng chiến thắng của cách mạng.
Bài hát Tiến quân ca của tôi đã ra đời như thế đấy. Sau đó, bài hát được chọn làm Quốc ca Việt Nam cho đến ngày nay. Bài hát là niềm tự hào không phải của riêng tôi mà là của cả dân tộc Việt Nam.
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
– Đọc lại bài viết, kiểm tra các ý đã đầy đủ và đúng trình tự được nêu ở dàn ý chưa.
– Tự phát hiện và biết cách sửa các lỗi về viết như:
+ Lỗi về ý: thiếu ý, ý lộn xộn, lạc ý, ý tản mạn, …
+ Lỗi về diễn đạt (dùng tử, viết câu), chính tả,…
BÀI VIẾT THAM KHẢO
Đề 1: Các em đã học và đọc nhiều câu chuyện lịch sử, hãy viết bài văn kể về sự việc liên quan đến một nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử mà em yêu thích
Bài viết tham khảo 1:
Lịch sử dân tộc ta luôn gắn với truyền thống dựng nước và giữ nước ngàn đời. Trong quá trình đó, không thể thiếu đó là công lao của các vị anh hùng của lịch sử dân tộc. Nổi bật trong đó phải kể đến là nhân vật vua Quang Trung – Nguyễn Huệ. Nhắc đến ông, chúng ta phải kể đến cuộc hành quân thần tốc đánh bại quân Thanh của vua Quang Trung.
Được tin báo quân Thanh đã vào Thăng Long, Bắc Bình Vương (Nguyễn Huệ) liền họp các tướng sĩ tế cáo trời đất và lên ngôi hoàng đế. Sau đó, ông hạ lệnh xuất quân ra Bắc. Quang Trung vừa hành quân, vừa chiêu mộ binh lính suốt dọc đường. Ngày 30 tháng chạp đến Tam Điệp, vua đã mở tiệc khao quân và tổ chức để quân ăn Tết trước, hứa rằng đến mùng 7 năm mới sẽ vào thành Thăng Long. Bằng sự chỉ huy tài tình, lãnh đạo sáng suốt của Quang Trung, đạo quân Tây Sơn tiến lên như vũ bão đánh tan quân Thanh. Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, chạy về biên giới phía Bắc. Vua bù nhìn Lê Chiêu Thống cũng phải chạy thoát thân.
Sự kiện Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh đã trở thành một biểu tượng cho tinh thần quả cảm, bất khuất, quật cường của dân tộc, đánh tan quân xâm lược. Bằng ý chí kiên cường, lòng căm thù giặc sau sắc, quân Tây Sơn đã thực hiện một cuộc hành quân thần tốc từ Nam ra Bắc đánh tan quân xâm lược. Đó là lòng yêu nước, khí thế hào hùng của một giai đoạn lịch sử khốc liệt gắn với tên tuổi của vua Quang Trung.
Như vậy, qua câu chuyện về cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung, ta cảm nhận được lòng yêu nước, thương dân, quyết đánh tan kẻ thù xâm lược, bảo vệ chủ quyền dân tộc của một vị vua anh minh mang tên Quang Trung. Từ đó, ta càng thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc và càng thêm quý trọng nền độc lập tự do của dân tộc.
Bài viết tham khảo 2:
Khi Trần Quốc Tuấn còn nhỏ, thân phụ ông với vua Trần Thái Tông, vốn là hai anh em trở nên bất hòa. Năm 1251, trước khi qua đời, Trần Liễu trăng trối với con trai rằng: “Con hãy vì cha mà lấy thiên hạ. Nếu không, nơi chín suối, cha không thể nhắm mắt!”. Trần Quốc Tuấn tuy gật đầu, nhưng ông không cho đó là điều phải mà luôn tìm mọi cách xóa bỏ mọi hiềm khích trong hoàng tộc.
Cuối năm 1284, giặc Nguyên – Mông sắp kéo đại binh sang xâm lược nước ta, Trần Quốc Tuấn được vua Trần Nhân Tông cử làm Tiết chế thống lĩnh. Từ Vạn Kiếp, Vương kéo quân mã về Thăng Long để cùng Triều đình bàn kế chống giặc.
Một hôm, Trần Quốc Tuấn mời Thái sư Thượng tướng quân Trần Quang Khải xuống chiếc thuyền đóng tại Đông Bộ Đầu để đàm đạo. Trần Quốc Tuấn đã dùng nước thơm tắm cho Trần Quang Khải. Vừa dội nước thơm lên người Thái sư, vị Tiết chế Quốc công nói:
– Thật hạnh ngộ, tôi được tắm hầu Thái sư.
– Diễm phúc biết bao, tôi được Quốc công tắm cho.
Từ đó, mối tị hiềm giữa hai người được xóa bỏ hẳn.
Lúc bấy giờ thế giặc mạnh lắm, ta nên “đánh” hay nên “hòa”? Trần Quốc Tuấn đã xin Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông mời các bô lão cao tuổi nhất, danh vọng nhất về Thăng Long để bàn kế giữ nước. Tại điện Diên Hồng tiếng hô “Quyết chiến! Quyết chiến!” của các bô lão rung chuyển Kinh thành.
Trần Quốc Tuấn viết “Hịch tướng sĩ” và “Binh thư yếu lược”. Tướng sĩ hăm hở luyện tập cung tên, giáo mác, chiến mã. Hàng vạn hùng binh thích vào cánh tay hai chữ “Sát Thát”.. Mùa hè năm 1285, 50 vạn quân xâm lược Nguyên – Mông bị đánh tơi tả. Toa Đô bị quân ta chém đầu. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng tránh mũi tên tẩm thuốc độc mới thoát chết!
Bài trước:
👉 Soạn bài Dọc đường xứ Nghệ sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều
Bài tiếp theo:
👉 Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều
Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 7 tốt nhất!
“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com“