Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (con người trong mối quan hệ với cộng đồng, đất nước) sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Hướng dẫn soạn Bài 3. LỜI SÔNG NÚI. Nội dung bài Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (con người trong mối quan hệ với cộng đồng, đất nước) sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 8, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


Viết

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (con người trong mối quan hệ với cộng đồng, đất nước)

Mỗi cá nhân bao giờ cũng có mối quan hệ với xã hội, cộng đồng, đất nước. Qua những vấn đề cụ thể của đời sống xã hội, mối quan hệ này ngày càng được thể hiện rõ ràng. Thế nhưng, trước một vấn đề, nhận thức của mọi người thường có những điểm khác nhau. Vì thế, bàn luận một cách thấu đáo về một vấn đề nào đó, giúp người đọc thấy được trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, cộng đồng, đất nước là điều rất cần thiết.

Yêu cầu:

• Nêu được vấn đề nghị luận và giải thích để người đọc hiểu vì sao vấn đề này đáng được bàn đến.

• Trình bày rõ ý kiến về vấn đề được bàn; đưa ra được những lí lẽ thuyết phục, bằng chứng đa dạng để chứng minh ý kiến của người viết.

• Đối thoại với những ý kiến khác (giả định) nhằm khẳng định quan điểm của người viết.

• Nêu được ý nghĩa của vấn đề nghị luận và phương hướng hành động.


Phân tích bài viết tham khảo

Hiểu biết về lịch sử

1. Giới thiệu vấn đề cần bàn luận

Hiểu biết về lịch sử

2. Dùng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ ý nghĩa của việc hiểu biết về lịch sử

– Lí lẽ:

+ Tìm hiểu lịch sử nước nhà để quá khứ cất liên tiếng nói, đưa ta về với cội nguồn xa xôi.

+ Nhờ có kiến thức lịch sử, ta mới biết dân tộc mình từng có thời điểm trải qua những giai đoạn tăm tối, đau thương.

– Bằng chứng: Với những bài học lịch sử … thu non sông về một mối.

3. Tiếp tục dùng lí lẽ để mở rộng ý nghĩa của việc hiểu biết về lịch sử

– Con người thời đại nào, quốc gia nào … quê hương, xứ sở.

– Lòng yêu nước … biết cách hành động.

– Học lịch sử không chỉ … bài học cho cuộc sống hôm nay.

– Bài học lịch sử … những sai lầm không đáng có.

4. Dùng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ thực tế: có những bạn trẻ không quan tâm đến lịch sử dân tộc, hậu quả của tình trạng đó

– Lí lẽ:

+ Thực tế: Nhiều người trẻ cho rằng, lịch sử là những về thuộc về xa xưa, không liên quan gì đến cuộc sống sôi động hằng ngày.

+ Việc thiếu hiểu biết về lịch sử ảnh hưởng rõ rệt đến nhân cách của người đó.

+ Một khi con người không có ý niệm gì … khó tránh khỏi.

– Dẫn chứng:

+ Họ không có nhu cầu tìm hiểu về quá khứ của đất nước.

+ Họ nhầm lẫn các thời kì, các sự kiện, các nhân vật lịch sử.

+ Không ít bạn học sinh lúng túng khi được hỏi về các nhân vật và sự kiện lịch sử nổi bật được dùng đặt tên đường, tên phố…

5. Nêu ý nghĩa của vấn đề nghị luận và phương hướng hành động

– Ý nghĩa: Có thể viết về sự kiện hay nhân vật lịch sử bằng tất cả niềm hứng thú say mê.

– Phương hướng hành động: Tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu trong thư viện, trên in-ter-net, đến viện bảo tàng và nếu có điều kiện thì gặp gỡ các nhân chứng để được nghe kể lại một cách sống động những chuyện đã xảy ra.


Thực hành viết theo các bước

1. TRƯỚC KHI VIẾT

a. Lựa chọn đề tài

Với yêu cầu nghị luận về vấn đề con người trong quan hệ với xã hội, cộng đồng, đất nước, em cần huy động vốn hiểu biết qua môn học Ngữ văn và các môn học khác , qua sách báo và các phương tiện truyền thông, nêu ra một số vấn đề để suy nghĩ, lựa chọn. Có thể tham khảo các đề tài sau:

– Học sinh với vấn đề xây dựng trường học thân thiện.

– Học sinh với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

– Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc thông qua việc tổ chức một lễ hội ở quê em.

– Trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống.

b. Tìm ý

Đề bài: Trách nhiệm của học sinh đối với quê hương, đất nước.

Ghi nhanh ra giấy những ý nghĩ bất chợt nảy sinh trong quá trình tìm hiểu các khía cạnh của đề tài , kết hợp với việc tự trả lời các câu hỏi xoay quanh đề tài. Chẳng hạn:

– Vấn đề có tầm quan trọng như thế nào?

Phải nêu được vấn đề và xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề đó đối với đời sống xã hội, cộng đồng, đất nước. Vai trò của việc nhận thức được trách nhiệm của mình với quê hương đất nước, ý thức trách nhiệm của học sinh với cộng đồng.

– Vấn đề có những khía cạnh cơ bản nào? Cần dùng lí lẽ và bằng chứng nào để làm rõ từng khía cạnh?

Mỗi khía cạnh của vấn đề được nêu ra tương ứng với một luận điểm (ý) cần triển khai. Tìm hiểu bài viết tham khảo để nắm được cách xác định:

+ Ý 1: Giải thích thế nào là trách nhiệm?

+ Ý 2: Nêu lên trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước dân tộc.

+ Ý 3: Nêu ý nghĩa của trách nhiệm

+ Ý 4: Liên hệ bản thân

– Cần có hành động như thế nào sau khi nhận thức về vấn đề?

Văn bản nghị luận hướng người đọc đi từ nhận thức đến hành động.

Trả lời các câu hỏi trên, em sẽ tìm được các ý. Phải suy nghĩ, tìm tòi để không bỏ sót những ý quan trọng của bài. Em cần ghi lại ngay, mặc dù có thể còn lộn xộn. Việc sắp xếp các ý sao cho mạch lạc sẽ được thực hiện ở bước tiếp theo.

c. Lập dàn ý

Kết quả của việc tìm ý là cơ sở để lập dàn ý. Lập dàn ý là tổ chức, sắp xếp các ý đã tìm được ở trên thành một hệ thống chặt chẽ, hợp lí, gồm các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài.

– Mở bài: Nêu vấn đề đời sống và ý kiến riêng của người viết về vấn đề đó.

– Thân bài: Lập luận làm sáng rõ ý kiến và thuyết phục người đọc.

+ Vì sao lại có ý kiến như vậy? (Lí lẽ, bằng chứng)

+ Ý kiến đó đúng đắn như thế nào? (Lí lẽ, bằng chứng)

+ Liên hệ, mở rộng vấn đề? (Lí lẽ, bằng chứng)


2. VIẾT BÀI

Khi viết, luôn luôn chú ý nhiệm vụ của từng phần trong bài viết:

Mở bài: Viết thành một đoạn văn, giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp vấn đề nghị luận. Tìm hiểu cách mở bài của các văn bản đọc và của bài viết tham khảo để vận dụng.

Thân bài: Triển khai các ý đã nêu ở dàn ý. Mỗi ý lớn viết thành một đoạn văn. Cần luôn luôn quan tâm vị trí của câu chủ đề (đầu đoạn, cuối đoạn…), sự phù hợp của câu chủ đề với nội dung cần trình bày và mục đích nghị luận. Tham khảo các kiểu đoạn văn đã phân tích ở văn bản đọc và ở phần Thực hành tiếng Việt để học tập cách viết. Chú ý dùng phương tiện liên kết giữa các câu trong đoạn và các đoạn trong bài.

Kết bài: Nêu ý nghĩa của vấn đề và phương hướng hành động (viết trong một đoạn văn).

Bài tham khảo:

Trách nhiệm của học sinh đối với quê hương, đất nước

Suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước, cha anh ta đã không ngừng gây dựng, dốc sức bảo vệ, thậm chí đánh đổi cả tuổi xanh, tính mạng để giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Nối tiếp truyền thống của cha anh, thế hệ trẻ chúng ta không chỉ cần phát huy tinh thần yêu nước đáng quý mà còn cần ý thức được trách nhiệm và vai trò của bản thân trong việc xây dựng, phát triển đất nước.

Tuổi trẻ là khái niệm dùng để chỉ thế hệ thanh, thiếu niên, những người trẻ tuổi, trẻ lòng. Thế hệ tuổi trẻ ngày nay được trang bị đầy đủ kiến thức, đạo đức, ở họ hội tụ đầy đủ lòng nhiệt huyết, khả năng sáng tạo để xây dựng, phát triển đất nước. Đánh giá về vai trò quan trọng, chủ đạo của tuổi trẻ, có ý kiến đã cho rằng “Tuổi trẻ là tương lai của đất nước”, là nguồn lực to lớn đưa đất nước Việt Nam vươn ra hội nhập với năm châu.

Ngày nay chúng ta được thừa hưởng nền độc lập, hòa bình do cha anh mang lại, chúng ta được sống trong tự do, hạnh phúc, được học tập và có cơ hội để phát triển, khẳng định bản thân. Vì vậy mỗi chúng ta cần có ý thức phát triển bản thân, biết cống hiến đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của bản thân để hát triển đất nước, chống lại kẻ thù và thế lực phản động.

Tuổi trẻ mang trong mình sức trẻ, sức sáng tạo dồi dào, vì vậy đây chính là nguồn lực chính trong quá trình phát triển đất nước. Tuổi trẻ mang bên mình những khát vọng, lí tưởng cao đẹp, dám xông pha, đối đầu với những khó khăn để hoàn thành những mục tiêu đặt ra. Bằng nguồn năng lượng tích cực, lòng nhiệt huyết sục sôi, những người trẻ tuổi sẵn sàng làm việc, cống hiến để phát triển, làm rạng danh đất nước. Chắc hẳn chúng ta đều biết đến nhà Toán học Ngô Bảo Châu, người Việt Nam đầu tiên giành giải Fields cao quý, người đưa tên tuổi của Việt Nam đến với nền toán học của thế giới. Trở về với lịch sử chúng ta có người thanh niên Nguyễn Tất Thành, người ra đi cứu nước với hai bàn tay trắng và tình yêu nước sục sôi, người thanh niên ấy không chỉ tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc mình mà còn thắp lên phong trào đấu tranh ở rất nhiều nước thuộc địa bị áp bức khác.

Tuổi trẻ còn là nguồn động lực phát triển to lớn của xã hội, họ là thế hệ tương lai, những người kế thừa thành tựu từ thế hệ đi trước để xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai. Có thể nói rằng chính sức trẻ, nguồn năng lượng tích cực mà thế hệ trẻ là nguồn tài nguyên sống vô giá cho sự phát triển, hưng thịnh của một đất nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của thế hệ trẻ, Đảng và nhà nước ta đã rất sáng suốt khi coi “Giáo dục là quốc sách”, quan tâm và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được học tập, phát triển. Không chỉ đầu tư, tạo điều kiện để thanh, thiếu niên Việt Nam được học tập trong nước, Đảng và nhà nước còn hỗ trợ cho hàng chục nghìn sinh viên mỗi năm được sang nước ngoài để học tập sự tiến bộ của các nước phát triển như: Mỹ, Nga, Anh,… Do đó thế hệ trẻ ngày nay không chỉ có trí tuệ, sáng tạo mà còn có sự nhanh nhạy, thích nghi nhanh với sự phát triển của khoa học, kĩ thuật thế giới.

Để phát huy được hết khả năng, vai trò của tuổi trẻ, trước hết mỗi học sinh chúng ta cần ý thức được trách nhiệm của bản thân với đất nước. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần phải chăm chỉ học hành, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức. Chúng ta cũng có thể bộc lộ tình yêu nước bằng những hành động cụ thể, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tích cực học tập, nghiên cứu khoa học và tham gia vào các phong trào, hoạt động của nhà trường. Bên cạnh đó, Đảng và nhà nước cũng cần có những chính sách ưu tiên cho giáo dục để tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình học tập và phát triển của thế hệ trẻ. Nhà trường cần phối hợp với gia đình để đẩy mạnh công tác giáo dục, giúp học sinh phát triển hoàn thiện cả về tài và đức.

Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, vì vậy mỗi chúng ta cần có ý thức xây dựng, phát triển đất nước. Hãy cố gắng hết sức mình để đóng góp một phần sức lực nhỏ bé để làm cho đất nước giàu đẹp, văn minh hơn, như chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta từng kì vọng “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước đến đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em”.


3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT

Đọc kĩ bài viết, căn cứ vào yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập, rà soát các phần, các ý đã triển khai để có cách chỉnh sửa:

– Nếu thấy vấn đề đời sống liên quan đến con người trong mối quan hệ với cộng đồng, đất nước nêu chưa rõ ràng, cụ thể thì cần bổ sung.

– Nếu thấy luận điểm ở từng đoạn văn chưa rõ ràng, lí lẽ chưa xác đáng, bằng chứng chưa đầy đủ thì cần bổ sung, chỉnh sửa.


BÀI VIẾT THAM KHẢO

Sự giao thoa xã hội

Cùng với quá trình hội nhập thế giới, sự giao thoa văn hóa xã hội đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới. Từ khi nước ta bắt đầu hội nhập thì ngôn ngữ cũng dần dần xuất hiện những hiện tượng mới mẻ. Những từ ngữ mới, cách diễn đạt mới được hình thành để thêm vào những khái niệm, ngữ nghĩa mà trong vốn tiếng Việt trước đó còn thiếu vắng. Cùng với mặt tích cực ấy, mặt tiêu cực cũng biểu hiện với không ít các cách nói, cách viết “khác lạ” trong giới trẻ làm mất đi hoàn toàn bản sắc vốn có của tiếng Việt.

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người và xã hội loài người, đảm bảo một mặt truyền đạt và hiểu biết lẫn nhau của các thành viên xã hội. Ngôn ngữ không chỉ truyền đạt thông tin mà còn tác động đến nhân cách, hình thành nhân cách và biến đổi theo chiều hướng tốt hoặc xấu. Ngôn ngữ không chỉ là tấm gương phản chiếu thụ động đời sống xung quanh mà còn can thiệp vào bức tranh thế giới nhân cách, vào văn hóa ngôn ngữ của nó, đặt vào nó nhãn quan thế giới, chỉnh sửa, làm biến đổi nhân cách một cách hợp lý.

Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay đã trở thành vấn đề cấp bách, cần sự chung tay của các lực lượng xã hội. Chủ thể của nhận thức và hành động, giới trẻ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt trên cơ sở “kế thừa và phát huy truyền thống đi đôi với việc sáng tạo những giá trị mới phù hợp với tinh thần thời đại…”.


Vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ

Trong cuộc sống hằng ngày, ai cũng biết rằng tuổi trẻ là một thành phần, yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai đất nước, vì thế mà Bác đã căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước đến đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em”. Chúng ta cùng tìm hiểu vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ ngay nay với tương lai đất nước dân tộc.

Tuổi trẻ là những công dân ở lứa thành niên, thanh niên… là thế hệ măng đã sắp thành tre, là người đã đủ điều kiện, đủ ý thức để nhận biết vai trò của mình đối với bản thân, xã hội. Tuổi trẻ của mỗi thời đại là niềm tự hào dân tộc, là lớp người tiên phong trong công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước.

Tương lai đất nước là vận mệnh, là số phận của đất nước mà mỗi công dân sẽ góp phần xây dựng, phát triển, trong đó quan trọng nhất là thế hệ trẻ.

Thế kỉ 21, thế kỉ của sự phát triển, không ngừng nâng cao trình độ văn hoá kinh tế, đất nước. Để có thể bắt kịp đà phát triển của những nước lớn mạnh thì đòi hỏi sự chung sức đồng lòng của tất cả mọi người mà lực lượng chủ yếu là tuổi trẻ. Bởi đó là lực lượng nòng cốt, là chủ nhân tương lai, là nhân vật chính góp phần tạo nên cái thế, cái dáng đứng cho non sông Tổ quốc.

Tuổi trẻ hôm nay là tôi, là bạn, là những anh chị đang có mặt trên giảng đường đại học, đang hoạt động bằng cả tâm huyết để cống hiến sức trẻ với những đam mê cùng lòng nhiệt tình bốc lửa. Tuổi trẻ tốt thì xã hội tốt, còn xã hội tốt sẽ tạo điều kiện cho tầng lớp trẻ phát triển toàn diện, sinh ra những người con có ích cho đất nước, đó là điều tất yếu, hiển nhiên mà ai cũng biết.

Mỗi người chúng ta cũng đi qua thời tuổi trẻ – tuổi của sức mạnh phi thường, của cái tuổi không chịu khuất phục trước khó khăn và sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn. Sức mạnh vô song của tuổi trẻ “sông kia phải chuyển, núi kia phải dời”. Chúng ta chỉ có một lần trong đời là tuổi trẻ vì vậy cần phải nắm bắt, cần đóng góp sức lực cho đất nước.

Việc xây dựng đất nước là trách nhiệm của mọi người, mọi công dân chứ không phải của riêng ai. Nhưng với số lượng đông đảo hàng chục triệu người thì lẽ nào tuổi trẻ lại không thể xây dựng đất nước. Chẳng lẽ chúng ta để cho những cụ già đi khuân vác, lao động nặng, những phụ nữ phải ngày đêm làm việc trong các nhà xưởng đầy khói bụi, những trẻ em phải phụ giúp gia đình ngay còn nhỏ mà “quên” đi việc học hành, lúc đó chúng ta sẽ “làm” gì? Chẳng lẽ ngồi không như một “người bị liệt”. Vì vậy chúng ta phải cố gắng xây dựng đất nước như lời dặn của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, thì Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Sinh ra ở đời ai cũng khao khát được sống hạnh phúc, sung sướng. Mỗi người luôn tìm cho mình một lẽ sống hay nói đúng hơn là lý tưởng sống. Là chủ nhân tương lai thì chúng ta phải xác định cho mình lý tưởng sống phù hợp, đúng đắn. Trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá như hiện nay thì tuổi trẻ chúng ta lại đứng trước một câu hỏi lớn: “Sống như thế nào là đúng đắn là có ích cho xã hội?”. Vì lý tưởng sống của chúng ta là động lực thúc đẩy đất nước phát triển.

Và thời nào cũng vậy, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xông pha vào những nơi gian khổ mà không ngại khó. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong thời kì kháng chiến. Những người con đất nước như: Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám… đã hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc. Đây là những thanh niên của hơn 40 năm trước còn lớp thanh niên ngày nay thì sao?

Vâng. Cách bạn ạ! Chúng ta nên biết một điều: những thế hệ trước đã dâng hiến xương máu để ngày sau độc lập thì chúng ta phải biết “cùng nhau giữ nước” và nối tiếp, kế thừa truyền thống cao đẹp đó. Và một điều quan trọng là các bạn đừng nghĩ đó là nghĩa vụ để rồi miễn cưỡng thực hiện. Chúng ta phải hiểu rằng: được sinh ra là một hạnh phúc và sống tự do, no đủ là một món quà quý báu, vô giá mà quê hương xã hội đã ban tặng. Hạnh phúc không tự nhiên mà có mà đó xương máu, tâm huyết của biết bao người con của đất nước. Mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh lịch sử mà thanh niên nuôi dưỡng những ước vọng, suy nghĩ riêng. Chúng ta không được bác bỏ, phủ nhận quá khứ hay công sức của những anh hùng dân tộc. Đơn giản là vì mỗi thế hệ đều có sứ mệnh riêng, nhận thức riêng mà chúng ta không nên so bì, tính toán. Vì vậy: “Không có chuyện lớp trẻ ngày nay quay lưng với quá khứ” (như tổng bí thư Đỗ Mười nói).

Nhưng tuổi trẻ chúng ta có điều kiện gì để xây dựng đất nước? Vâng, đó chính là học tập. Nói đến tuổi trẻ hôm nay là nói đến việc học hành… Trong cuộc sống ta gặp không ít trường hợp xem việc học là việc khổ sai chỉ do cha mẹ, thầy cô thúc ép, chứ không ham học. Họ xem đi học như một hình thức giải khuây cho vui nên không cần học tập, coi học tập là một nỗi nhọc nhằn. Có người lại coi việc học là để ứng phó với đời, để không xấu hổ với mọi người, để có “bằng cấp” mà hãnh diện với đời, dù đó chỉ là “hàng giả” mà thực lực không làm được. Chúng chẳng những không đưa nước ta “sánh kịp với cường quốc năm châu” mà còn đưa nước ta về lạc hậu, lụi bại.

Cách duy nhất là phải học chân chính, học bằng khả năng của mình. Bước vào thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì ai nắm được tri thức thì mới có thể xây dựng đất nước, lèo lái chiếc thuyền số phận của non sông Tổ quốc. Và nhiệm vụ của chúng ta phải học, học nữa, học mãi. Nhà nước phải tạo mọi điều kiện để chúng ta dễ dàng tiếp cận tri thức thì tương lai dân tộc mới xán lạn, lấp lánh hào quang.

Tóm lại, tuổi trẻ là người sẽ quyết định tương lai đất nước sau này. Tuổi trẻ nước ta đầy rẫy nhân tài sẽ góp phần cho dáng hình xứ sở. Ngay từ hôm nay, tôi, bạn và tất cả mọi người phải cố gắng học tập để sau này có thể giúp nước ta tiến nhanh trên con đường xây dựng và phát triển nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.


Bài trước:

👉 Soạn bài Nam quốc sơn hà sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (ý thức trách nhiệm với cộng đồng của học sinh) sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (con người trong mối quan hệ với cộng đồng, đất nước) sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 8 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com