Soạn bài Giải thích quy tắc hoặc luật lệ trong một trò chơi hay hoạt động sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

Hướng dẫn soạn BÀI 5: TỪNG BƯỚC HOÀN THIỆN BẢN THÂN. Nội dung bài Soạn bài Giải thích quy tắc hoặc luật lệ trong một trò chơi hay hoạt động sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 7, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


NÓI VÀ NGHE

GIẢI THÍCH QUY TẮC HOẶC LUẬT LỆ TRONG MỘT TRÒ CHƠI HAY HOẠT ĐỘNG

Em được yêu cầu dựa vào bài viết đã thực hiện về quy tắc an toàn của hoạt động dã ngoại có cắm trại ở địa bàn rừng núi để xây dựng thành bài nói giải thích với các bạn trọng lớp. Từ những gì đã viết, để có được bài nói phù hợp, em cần thực hiện như thế nào? Bài học này sẽ hướng dẫn em thực hiện điều đó.

Bước 1: Xác định đề tài, người nghe, mục đích, không gian và thời gian nói

– Sử dụng lại đề tài đã thực hiện trong phần viết.

– Xác định rõ đối tượng người nghe, mục đích, không gian và thời gian nói.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Sử dụng các ý chính đã tìm trong bài viết thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ của một hoạt động.

Tìm ý

– Xác định một số định hướng chung như: quy tắc, luật lệ gồm có những điểm chính nào? Nên triển khai phần chính bằng mấy ý/ mấy đoạn? Bài thuyết minh nên sử dụng các phương tiện nào (ngôn ngữ hoặc phương tiện phi ngôn ngữ)?

– Ghi lại bất cứ ý tưởng nào nảy sinh trong quá trình thu thập tài liệu

Lập dàn ý

– Mở đầu:

+ Nêu tên quy tắc, luật lệ của hoạt động.

+ Nêu lí do của việc thuyết minh về quy tắc, luật lệ.

– Phần chính:

+ Giới thiệu vắn tắt mục đích, bối cảnh, thời gian không gian diễn ra hoạt động và sự cần thiết thực hiện hoạt động theo quy tắc.

+ Trình bày các điều khoản/ nội dung của quy tắc hay luật lệ.

+ Nêu một vài lưu ý đặc biệt (nếu có).

– Kết thúc:

+ Khẳng định ý nghĩa của việc tuân thủ quy tắc, luật lệ.

+ Đưa ra khuyến nghị đối với người đọc (nếu có).

Bước 3: Luyện tập và trình bày

Lưu ý khi luyện tập:

– Lựa chọn từ ngữ sao cho phù hợp với văn nói; sử dụng các từ chỉ thứ tự trình bày các bước, dùng ngữ điệu nhấn mạnh.

– Dùng câu phù hợp với văn nói để khích lệ người nghe thực hiện trò chơi hay hoạt động được giới thiệu

– Chuẩn bị phần mở bài và kết thúc sao cho hấp dẫn.

Lưu ý khi trình bày:

– Chào người nghe và giới thiệu tên em

– Dùng ngôi thứ nhất để giải thích hoạt động và các quy trình thực hiện, sử dụng cách xưng hô phù hợp.

– Trình bày rõ ràng, mạch lạc và có điểm nhấn về nội dung.

– Sử dụng ngữ điệu linh hoạt đặc biệt là phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ.

– Trong quá trình nói tương tác với người nghe bằng ánh nhìn.

– Sử dụng kết hợp các phương tiện trực quan.

– Kết thúc cần nói lời cảm ơn.

Bước 4: Trao đổi và đánh giá

– Lắng nghe ý kiến và câu hỏi của người nghe.

– Trả lời và giải thích rỗ ràng những câu hỏi.

– Trao đổi với người nghe về những điều thắc mắc qua phương tiện liên lạc cá nhân.


BÀI NÓI THAM KHẢO

Trò chơi kéo co

Kéo co một trong những trò chơi dân gian vẫn luôn được gìn giữ và phát huy cho đến tận bây giờ. Không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa riêng, trò chơi kéo co còn thể hiện sức mạnh của tập thể, sự đoàn kết đồng lòng của người chơi. Vậy nên, hôm nay mình sẽ giới thiệu với mọi người về quy tắc của trò chơi kéo co.

Để có thể tham gia trò chơi kéo co người chơi cần có một thể lực tốt, sự dẻo dai và kiên trì. Trò chơi kéo co thường chơi theo đội, mỗi đội từ 5 – 7 người tham gia. Kéo co và trò chơi vận động nên thường được tổ chức ở nơi rộng rãi, bằng phẳng và sạch sẽ.

Trước khi vào cuộc chơi cần chuẩn bị một số dụng cụ như: một đoạn dây đay, dây thừng dài và mềm, tùy theo điều kiện và tập tục từng nơi sẽ chuẩn bị dụng cụ khác nhau, có nơi sử dụng cây tre nhỏ, dài và thẳng có nơi không cần dụng cụ mà hai đội chơi kéo trực tiếp bằng tay không.

Kẻ một vạch để làm ranh giới giữa hai đội chơi và ở giữa đoạn dây cũng buộc 1 mảnh vải màu để đánh dấu làm mốc phân thắng thua giữa hai đội.

Chia số người chơi thành 2 đội bằng số lượng và cân sức nhau, đứng đối mặt nhau ở hai bên vạch theo hàng dọc, người chơi trong đội nên đứng so le nhau chân trước và chân sau luôn trụ vững, tay cầm vào dây, thông thường người có sức khỏe tốt nhất sẽ đứng đầu hàng.

Trọng tài sẽ là người đứng giữa vạch để ra hiệu lệnh và quan sát hai đội chơi. Trong các cuộc thi chuyên nghiệp ở mỗi đội sẽ có huấn luyện viên theo sát để hướng dẫn và bắt nhịp cho đội của mình.

Về cách chơi trò chơi kéo co:

Trọng tài đứng ở giữa vạch xuất phát, cầm cờ và hô to 1…2…3 bắt đầu thì hai đội chơi bắt đầu kéo. Hai đội dùng hết sức kéo dây về phía đội mình. Đội nào kéo được điểm mốc đánh dấu trên dây về phía mình thì đó là đội chiến thắng. Trò chơi kéo co thường diễn ra từ 5 – 10 phút và hai đội phải thi đấu 3 lượt để phân thắng bại. Đội nào có hai lượt thắng sẽ là đội dành chiến thắng. Trong trường hợp tỉ số hòa nhau bại thì kết thúc 3 hiệp đấu hai đội sẽ nghỉ giải lao sau đó thi đấu 1 hiệp cuối cùng tìm ra đội chiến thắng.

Về luật trò chơi kéo co: Đội chơi nào kéo dây trước khi có hiệu lệnh của trọng tài là phạm luật và phải kéo lại từ đầu, nếu vi phạm hai lần sẽ tính là thua luôn trận đó. Đội nào có người chơi ngã hoặc tuột tay ra khỏi dây cũng bị tính là thua cuộc.

Dù quy tắc hơi phức tạp nhưng nó giúp đảm bảo tính công bằng giữa những người chơi. Vậy nên chúng ta nên tuân thủ quy tắc khi tham gia vào bộ môn này. Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn mọi người đã lắng nghe và rất mong nhận được sự góp ý của mọi người.


Bài trước:

👉 Soạn bài Viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài ÔN TẬP Bài 5 trang 120 sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Giải thích quy tắc hoặc luật lệ trong một trò chơi hay hoạt động sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 7 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com