Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 12 sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Hướng dẫn soạn Bài 1. Truyện ngắn. Nội dung bài Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 12 sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 8, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


KIẾN THỨC NGỮ VĂN

1. Truyện ngắn

– Truyện ngắn là thể loại cỡ nhỏ của tác phẩm văn xuôi hư cấu, thường phản ánh một “khoảnh khắc”, một tình huống độc đáo, một sự kiện gây ấn tượng mạnh, có ý nghĩa nhất trong cuộc đời nhân vật.

– Kết cấu truyện ngắn không chia thành nhiều tuyến.

– Bút pháp trần thuật thường là chấm phá.

– Yếu tố quan trọng nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, lối hành văn mang nhiều hàm ý.

– Có truyện ngắn khai thác cốt truyện kì lạ, lại có truyện ngắn viết về câu chuyện giản dị, đời thường; có truyện ngắn giàu tính triết lí, trào phúng, châm biếm, hài hước, lại có truyện ngắn rất giàu chất thơ.

2. Tưởng tượng trong tiếp nhận tác phẩm văn học

– Tưởng tượng là tạo ra trong tâm trí hình ảnh những cái không có trước mắt hoặc chưa hề có. Tưởng tượng gắn với nhiều công việc và lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống con người. Hơn bất cứ lĩnh vực nào khác, các nhà văn sáng tác phải vận dụng trí tưởng tượng để tạo ra cuộc sống như thật trong tác phẩm của mình.

– Không chỉ các nhà văn mà độc giả khi đọc văn bản văn học cũng phải tưởng tượng. Nhờ có tưởng tượng mà tất cả những hình ảnh, màu sắc, âm thanh, hình khối,…của một sự vật, sự việc, con người, cảnh sắc,…được tác giả miêu tả trong tác phẩm đều có thể hiện lên trước mắt chúng ta như thật.

3. Nhan đề và cách đặt nhan đề văn bản văn học

Nhan đề là tên của văn bản, thường do tác giả đặt. Có những nhan đề có ý nghĩa gần với chủ đề của văn bản, gợi mở cho người đọc nhiều suy nghĩ,… Tuy nhiên, cần lưu ý, không phải nhan đề nào cũng hàm chứa ý nghĩa, thông điệp của tác phẩm.

Có nhiều cách đặt nhan đề văn bản văn học, sau đây chỉ nêu một số cách phổ biến:

– Lấy tên một nhân vật chính trong tác phẩm.

– Lấy tên một sự vật, sự kiện, hiện tượng, hình ảnh cụ thể,… có trong tác phẩm.

– Lấy tên một địa danh cụ thể được nói tới trong tác phẩm.

– Dựa vào ý khái quát của toàn bộ nội dung tác phẩm.

– Các tác phẩm trung đại thường lấy nhan đề gắn với thể loại.

– Có khi dùng Không đề, Vô đề hoặc nhan đề bằng chữ số,… để cho người đọc tự suy ngẫm.

4. Trợ từ và thán từ

– Trợ từ là những từ được thêm vào câu để nhấn mạnh hoặc biểu thị thái độ, tình cảm, sự đánh giá hay mục đích phát ngôn của người nói (người viết). Trợ từ gồm hai nhóm:

+ Trợ từ đi kèm các từ ngữ trong câu (chính, đích, ngay cả, chỉ, những,…)

+ Trợ từ ở cuối câu (à, ạ, ư, nhỉ, nhé, nào, cơ, cơ mà, thôi,…).

– Thán từ là những từ dùng để biểu lộ tình cảm, cảm xúc của người nói (người viết) hoặc dùng để gọi đáp. Thán từ thường được dùng ở đầu câu nhưng cũng có thể được tách ra thành một câu đặc biệt. Thán từ gồm hai nhóm:

+ Thán từ biểu lộ tình cảm, cảm xúc (a, ái, a ha, ối, ô hay, than ôi,…).

+ Thán từ gọi đáp (này, ơi, dạ, vâng, ừ,…).


Bài trước:

👉 Soạn bài Cấu trúc của sách Ngữ văn 8 tập 1 Cánh Diều

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Tôi đi học sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 12 sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 8 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com