Soạn bài Những cánh buồm sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Hướng dẫn soạn Bài 7. Thơ. Nội dung bài Soạn bài Những cánh buồm sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 7, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

Những cánh buồm

Nội dung chính:

Bài thơ nêu lên cảm xúc, ước mơ của hai cha con muốn đi khám phá những vùng đất xa xôi được thể hiện qua cuộc nói chuyện khi cùng nhau đi dạo trên bờ biển.


1. Chuẩn bị

Câu hỏi trang 21 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

– Xem lại phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.

Những cánh buồm là một bài thơ tự do, không quy định bắt buộc về số dòng, số tiếng, câu thơ dài ngắn khác nhau, có thể có vần hoặc không vần,… Các văn bản thơ trong Bài 7 đều là thơ tự do.

– Khi đọc một văn bản thơ, trong đó có bài thơ tự do, cần chú ý đến vần, nhịp, biện pháp tu từ, từ ngữ và hình ảnh…


Câu hỏi trang 21 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Đọc trước văn bản Những cánh buồm và tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Hoàng Trung Thông.

Trả lời:

– Nhà thơ Hoàng Trung Thông (05/05/1925 – 1993).

– Quê gốc: xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

– Tác phẩm: Quê hương chiến đấu (thơ – 1055), Đường chúng ta đi (thơ – 1960), Những cánh buồm (thơ – 1964), Đầu sóng (thơ – 1968),…


Câu hỏi trang 21 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Nhớ lại những mơ ước của em khi còn nhỏ. Chia sẻ với các bạn về một trong những ước mơ ấy.

Trả lời:

Hồi nhỏ, em mơ ước trở thành cô giáo. Em muốn học thật tốt, trở thành một người cô hiền dịu và mẫu mực được các em học sinh yêu quý, kính trọng.


2. Đọc hiểu

Câu hỏi trang 22 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Lưu ý các từ ngữ chỉ không gian, thời gian ở hai khổ thơ đầu.

Trả lời:

– Không gian: cát, biển xanh.

– Thời gian: buổi bình minh sau trận mưa đêm.


Câu hỏi trang 22 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Xác định các từ láy có trong bài thơ và tìm nghĩa của chúng.

Trả lời:

rực rỡ: dùng để chỉ vẻ đẹp của ánh mặt trời. Mặt trời sớm mai chiếu ánh sáng lấp lánh, vàng rực lên biển xanh. Vẻ đẹp ấy tượng trưng cho tương lai tươi sáng, rộng mở của con.

lênh khênh: từ láy tượng hình dùng để diễn tả cái bóng cao lớn của cha, qua đó nói lên vai trò che chở, bảo vệ và nâng đỡ để con trưởng thành.

rả rích: từ láy tượng thanh dùng để tả trận mưa đêm nhưng nó cũng ẩn dụ cho những gì lạnh lẽo, tối tăm đã qua, đối lập với buổi bình minh lộng lẫy hiện tại, cho thấy niềm tin của cha vào tương lai tốt đẹp của con.

phơi phới: có tác dụng nhấn mạnh niềm vui trào dâng trong lòng người cha khi thấy con tiếp bước mình thực hiện ước mơ.

trầm ngâm: người cha vừa nhìn phía chân trời vừa suy nghĩ, nghiền ngẫm điều gì.

thầm thì: tiếng sóng vỗ rì rào nhỏ nhẹ như tiếng người nói nhỏ nhẹ bên tai.


Câu hỏi trang 22 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Người cha có những cử chỉ, tâm sự như thế nào?

Trả lời:

Thái độ của cha đối với con vô cùng nhẹ nhàng, trìu mến.

– Cử chỉ: ân cần giải thích cho con về những thắc mắc.

– Tâm sự: tình yêu thương và sự dịu dàng.


Câu hỏi trang 22 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Dấu chấm lửng trong khổ thơ này có tác dụng gì?

Trả lời:

Tác dụng: biểu thị lời nói ngân dài, chưa kết thúc.


Câu hỏi trang 23 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Em hiểu ý của dòng thơ cuối bài là gì?

Trả lời:

Ý nghĩa: người cha nhớ lại những ước mơ của mình qua những câu nói thể hiện ước mơ hồn nhiên của người con.

Hoặc:

Dòng thơ cuối bài có thể hiểu là lời thú nhận của người cha rằng trước đay ông cũng như vậy, cũng ngây thơ, trong sáng với những ước muốn như con mình bây giờ.


TRẢ LỜI CÂU HỎI CUỐI BÀI

Câu 1 trang 23 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Chỉ ra đặc điểm hình thức của bài thơ Những cánh buồm thể hiện qua các yếu tố: số tiếng ở các dòng thơ, số dòng ở mỗi khổ thơ, cách hiệp vần,…

Trả lời:

– Số tiếng: 5 đến 7 tiếng.

– Số dòng: mỗi khổ thơ không cố định.

– Cách hiệp vần: tự do, không theo niêm luật quy tắc thông thường.


Câu 2 trang 23 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Người cha và người con trò chuyện về điều gì? Dựa vào những hình ảnh có trong bài thơ, hãy tưởng tượng và miêu tả lại bằng lời của em về cảnh hai cha con đi dạo và trò chuyện trên bãi biển.

Trả lời:

– Hai cha con trò chuyện về phía chân trời có những gì.

– Miêu tả:

Sau trận mưa đêm rả rích, bầu trời và bãi biển sạch bóng. Có hai cha con dạo chơi dưới ánh mặt trời hồng rực rỡ ban mai. Bóng họ trải dài trên cát. Người cha cao gầy bóng lênh khênh, còn người con trai bụ bẫm, lon ton bước bên cha làm nên một cái bóng tròn chắc nịch.


Câu 3 trang 23 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Trong bài thơ, hình ảnh “cánh buồm” được nhắc đến mấy lần? Hình ảnh đó tượng trưng cho điều gì?

Trả lời:

Hình ảnh cánh buồm được nhắc lại 2 lần chứa đựng nhiều ý nghĩa:

– Tượng trưng cho những ước mơ, khát vọng, hoài bão, … của bao thế hệ.

– Tượng trưng cho tinh thần, ý chí sẵn sàng đương đầu với thử thách, đối mặt với sóng gió.

Hoặc:

Hình ảnh đó tượng trưng cho sự tự do đi đây đi đó, khám phá những vùng đất mới, mở mang kiến thức.


Câu 4 trang 23 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Qua những câu hỏi, lời nói của mình, người con đã bộc lộ ước mơ gì? Em có nhận xét gì về ước mơ đó?

Trả lời:

Người con đã bộc lộ ước mơ được đi xa, khám phá nhiều điều mới lạ trong cuộc sống.

Nhận xét: tâm hồn ngây thơ, yêu đời, yêu cuộc sống của một đứa trẻ, đó cũng là những ước mơ khiến cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.


Câu 5 trang 23 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Ước mơ của người con gợi cho người cha nhớ đến điều gì? Em hãy đóng vai người cha, diễn tả lại những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật này trước lời đề nghị của người con.

Trả lời:

– Gợi cho người cha nhớ đến những ước mơ thuở nhỏ.

– Đóng vai người cha:

Tôi vô cùng hạnh phúc và như trẻ lại khi tìm lại mình, tìm lại được những khát vọng thuở trước trong tiếng ước mơ của con. Những khát vọng của con cũng là những khát vọng của tôi ngày thơ ấu. Gặp lại những khát vọng ấy nơi con, lòng tôi nhen nhóm lên bao hi vọng. Hi vọng con sẽ mang khát vọng của con và cả của tôi đi xa hơn nữa trong cuộc đời. Những điều tôi chưa làm được từ nay sẽ được gửi gắm nơi con.

Hoặc:

– Ước mơ của người con khiến người cha bất giác nhớ về mình trước kia, cũng có một thời nhìn cánh buồm xa xăm trên biển mà cũng mong ước được khám phá, chinh phục chân trời xa tít kia.

– Phải, đã từng có một thời như vậy, mình ngắm nhìn biển xanh thẳm bao la kia mà tự hỏi bản thân sẽ thế nào nếu ta đi đến đó, khám phá nó? Đã bao lần ta đứng trước biển mà không hề có cảm giác này, mọi thứ dường như đang lặp lại câu chuyện của trước kia. Nó khiến ta cảm thấy thật tiếc nuối, thật hoài niệm…


Câu 6 trang 23 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Em thích nhất khổ thơ hay hình ảnh nào trong bài thơ? Vì sao?

Trả lời:

Em thích nhất hình ảnh “cha dắt con đi dưới ánh mai hồng” trong bài thơ này.

Lí do: Hình ảnh “cha dắt con đi dưới ánh mai hồng” thể hiện tình yêu con rất riêng của người cha. Hình ảnh đó cũng thể hiện niềm tin tưởng của người cha vào tương lai ngời sáng của con.

Hoặc:

Em thích nhất khổ thơ cuối của bài thơ. Không phải là câu hỏi ngây thơ của người con nữa mà là trực tiếp cảm xúc của người cha. Dường như những kí ức trước kia đang ùa về, cũng chính tại bờ biển, người cha cũng mang theo mong ước được khám phá, được đi về nơi chân trời kia như con của mình hiện tại. Nó gợi nên cảm giác về sự hoài niệm về một thời xa xưa mang theo cả sự tiếc nuối khôn nguôi bởi chưa thể hoàn thành được ước mơ đó.


Bài trước:

👉 Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 20 sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Mây và sóng sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Những cánh buồm sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 7 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com