Nội Dung
Hướng dẫn soạn Bài 10. SÁCH – NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH. Nội dung bài Soạn bài ÔN TẬP HỌC KÌ II sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Kết Nối Tri Thức giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 8, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.
ÔN TẬP HỌC KÌ II
• Nêu được kiến thức về các loại, thể loại văn bản đọc, kiến thức tiếng Việt và kiến thức về các kiểu bài viết, bài nói đã được học, thực hành ở Ngữ văn 8, tập hai.
• Vận dụng được kiến thức và kĩ năng đã học, rèn luyện trong cả năm học để giải quyết các bài tập tổng hợp.
A. ÔN TẬP KIẾN THỨC
Câu 1 trang 128 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Trong học kì II, em đã được học những loại, thể loại văn bản nào? Hãy tóm tắt đặc điểm của các loại, thể loại văn bản đó bằng một bảng tổng hợp hoặc sơ đồ phù hợp.
Trả lời:
Trong học kì II, em đã được học những loại, thể loại văn bản:
– Văn bản nghị luận.
– Văn bản văn học (Thể thơ tự do)
– Văn bản thông tin (Văn thuyết minh)
Tóm tắt đặc điểm các thể loại:
Thể loại | Đặc điểm |
Văn bản nghị luận | Văn nghị luận là thể loại văn được viết ra nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng nào đó đối với các sự việc, hiện tượng trong đời sống hay trong văn học bằng các luận điểm, luận cứ và lý luận.
– Cấu trúc của văn nghị luận: + Mở bài: Giới thiệu vấn đề, tầm quan trọng của vấn đề, nêu lên luận điểm cơ bản cần giải quyết trong bài. + Thân bài: Tiến hành triển khai các luận điểm chính. Sử dụng lý lẽ, dẫn chứng lập luận để thuyết phục người nghe theo quan điểm đã trình bày. + Kết bài: Khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa của vấn đề đã nêu. |
Văn bản văn học (Thể thơ tự do) | – Thơ tự do là hình thức cơ bản của thơ, phân biệt với thơ cách luật ở chỗ không bị ràng buộc vào các quy tắc nhất định về số câu, số chữ, niêm đối,…
– Nhưng thơ tự do lại khác thơ văn xuôi ở chỗ văn bản có phân dòng và xếp song song thành hàng, thành khổ như những đơn vị nhịp điệu, có thể có vần. – Thơ tự do là thơ phân dòng nhưng không có thể thức nhất định và không quy định số lượng từ trong một câu, cũng như không cần có vần liên tục. |
Văn bản thông tin (Văn thuyết minh) | – Văn bản thuyết minh đã được các chủ thể lựa chọn và sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày. Văn bản cung cấp cho bạn đọc những kiến thức khách quan về những vấn đề, sự việc, hiện tượng trong đời sống xã hội
– Phạm vi sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày; – Dẫn chứng trong văn bản thuyết minh cần chính xác, chặt chẽ và sinh động để truyền tải được hết ý của người viết đến với người đọc. |
Câu 2 trang 128 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Liệt kê các văn bản có cốt truyện đơn tuyến và văn bản có cốt truyện đa tuyến đã học trong Ngữ văn 8, tập hai, nêu những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai kiểu cốt truyện này.
Đặc điểm \ Văn bản | Cốt truyện đơn tuyến | Cốt truyện đa tuyến |
Giống nhau | ||
Khác nhau |
Trả lời:
Đặc điểm \ Văn bản | Cốt truyện đơn tuyến | Cốt truyện đa tuyến |
Xe đêm, Lặng lẽ sa Pa, Những ngôi sao xa xôi | Chiếc lá cuối cùng, Mắt sói | |
Giống nhau | Đều có một nhân vật chính kể về một câu chuyện liên quan đến nhiều nhân vật khác | |
Khác nhau | Một câu chuyện tuyến tính | Chuyện lồng trong chuyện |
Câu 3 trang 128 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Thơ tự do có những đặc điểm gì khác so với các thể thơ mà em đã được học: thơ lục bát, thơ bốn chữ, năm chữ, thơ thất ngôn bát cú và thất ngôn tứ tuyệt Đường luật? Hãy lập một bảng tổng hợp hoặc sơ đồ phù hợp để liệt kê các dấu hiệu đặc trưng giúp em nhận diện các thể thơ này.
Trả lời:
Thể thơ | Đặc điểm – Cách nhận biết |
Thơ tự do | – Là thể thơ hiện đại, thể hiện được sự cái tôi và sự phá cách, sáng tạo của người thi sĩ.
– Trong một bài thơ tự do, số chữ trong câu, số câu trong một khổ và số lượng khổ thơ của toàn bài đều không bị giới hạn. – Các quy luật về hiệp vần, bằng trắc cũng vô cùng linh hoạt, tùy theo cảm xúc và chủ ý của người viết. |
Thơ lục bát | – Là một trong những thể thơ lâu đời nhất của dân tộc. Thơ được đặc trưng bởi các cặp thơ gồm một câu thơ 6 chữ và một câu thơ 8 chữ, được sắp xếp nối tiếp và xen kẽ với nhau. Thông thường câu lục sẽ mở đầu bài thơ và câu bát dùng để kết bài. Một bài thơ lục bát không giới hạn số lượng câu. Thể lục bát xuất hiện nhiều nhất là ở các bài đồng dao, ca dao hay trong lời mẹ ru.
– Luật bằng trắc trong thể lục bát được thể hiện như sau: + Câu 1, 3 và 5: Tự do về thanh + Câu 2, 4 và 6: Câu lục tuân theo luật B – T – B, câu bát tuân theo luật B – T – B – B – Cách gieo vần của thể thơ lục bát vô cùng linh hoạt. Có thể gieo vần bằng ở tiếng cuối câu lục, và tiếng cuối này lại hiệp vần với tiếng thứ sáu của câu bát nối tiếp. Sau đó tiếng cuối của câu bát này lại hiệp với tiếng cuối của câu lục tiếp theo… Cứ như vậy cho tới khi hết bài thơ. |
Thơ bốn chữ | – Là thể thơ mà mỗi câu thơ gồm 4 chữ, trong bài không giới hạn số lượng câu.
– Luật bằng – trắc trong thể thơ này là: chữ thứ 2 và chữ thứ 4 có sự luân phiên T – B hoặc B – T – Cách gieo vần: Thể thơ bốn chữ có cách gieo vần khá linh hoạt, có thể hiệp vần chéo, vần bằng, vần liền, vần chân, vần lưng… |
Thơ năm chữ | Là thể thơ mà mỗi câu thơ gồm 5 chữ, trong bài số câu không bị giới hạn. Quy luật bằng trắc và cách gieo vần giống với thể thơ 4 chữ ở phía trên. |
Thơ thất ngôn bát cú | Thể thất ngôn bát cú đường luật (gồm 8 câu, mỗi câu có 7 chữ): Cấu trúc là 2 câu đầu (mở đề và vào đề), câu 3 và 4 (câu thực), câu 5 và 6 (câu luận), câu 7 và 8 (câu kết). |
Thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật | – Thơ đường luật là một thể thơ cổ bắt nguồn từ Trung Quốc. Khi được du nhập vào Việt Nam, ông cha ta đã có sự kế thừa những tinh hoa của thể thơ này và kết hợp với những yếu tố thuần Việt.
– Tính quy luật của thể thơ này vô cùng nghiêm ngặt và không thể bị phá vỡ. Số chữ trong một câu và số câu trong cả bài thơ sẽ quyết định quy luật của bài thơ. – Thể thất ngôn tứ tuyệt (gồm 4 câu, mỗi câu có 7 chữ). |
Câu 4 trang 128 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Kẻ bảng sau vào vở và điền thông tin phù hợp về những kiến thức tiếng Việt được củng cố và kiến thức tiếng Việt mới trong các bài ở học kì II. Nêu ví dụ minh họa cho từng nội dung kiến thức đã tóm tắt.
STT | Bài học | Kiến thức được củng cố | Kiến thức mới |
Trả lời:
STT | Bài học | Kiến thức được củng cố | Kiến thức mới |
1 | Trợ từ | – Cách nhận biết trợ từ | – Tác dụng của trợ từ |
2 | Thán từ + Biện pháp tu từ | – Cách nhận biết thán từ.
– Cách nhận biết các biện pháp tu từ và tác dụng. |
Hai loại thán từ chính. |
3 | Biện pháp tu từ + Nghĩa của từ | – Cách nhận biết các biện pháp tu từ và tác dụng.
– Từ đồng nghĩa, từ láy. |
|
4 | Biện pháp tu từ + Nghĩa của từ + Lựa chọn cấu trúc câu | – Cách nhận biết các biện pháp tu từ và tác dụng.
– Từ đồng nghĩa, từ láy. – Sự khác nhau về ý nghĩa khi thay đổi cấu trúc câu. |
|
5 | Thành phần biệt lập | – Cách nhận biết thành phần biệt lập. | – Các thành phần biệt lập và tác dụng, cách nhận biết. |
6 | Các kiểu câu phân loại theo mục đích nói | – Các kiểu câu tiếng Việt. | – Cách nhận biết các kiểu câu: câu hỏi, câu khiến, câu cảm, câu kể. |
7 | Câu phủ định và câu khẳng định | – Các kiểu câu tiếng Việt. | – Cách nhận biết câu phủ định và câu khẳng định. |
Câu 5 trang 128 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Nêu các kiểu bài viết, yêu cầu của từng kiểu bài và những đề tài mà em đã thực hành viết ở Ngữ văn 8, tập hai. Hãy lập một sơ đồ phù hợp để tóm tắt những nội dung đó.
Trả lời:
Các kiểu bài viết và yêu cầu:
Kiểu bài viết | Yêu cầu |
Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) | – Giới thiệu tác phẩm truyện (nhan đề, tác giả) và nêu ý kiến khái quát về tác phẩm.
– Nêu ngắn gọn nội dung chính của tác phẩm. – Nêu được chủ đề của tác phẩm. – Chỉ ra và phân tích được tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm (như cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôi kể, ngôn ngữ,…) – Sử dụng các bằng chứng từ tác phẩm để làm sáng tỏ ý kiến nêu trong bài viết. – Nêu được ý nghĩa, giá trị của tác phẩm truyện. |
Tập làm một bài thơ tự do | – Gieo vần linh hoạt hoặc không có vần.
– Nhịp thơ linh hoạt. – Hình ảnh sinh động. – Biện pháp tu từ đa dạng. – Từ ngữ đặc sắc. – Cảm xúc chân thực. – Nội dung, ý nghĩa sâu sắc. |
Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do | – Giới thiệu được bài thơ, tác giả; nêu cảm nghĩ chung về bài thơ.
– Nêu được cảm nghĩ về nội dung và nghệ thuật; nêu được tác dụng của thể thơ tự do trong việc thể hiện mạch cảm xúc, tạo nên nét độc đáo của bài thơ. – Khái quát được cảm nghĩ về bài thơ. |
Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) | – Giới thiệu tác phẩm truyện (nhan đề, tác giả) và nêu ý kiến khái quát về tác phẩm.
– Nêu ngắn gọn nội dung chính của tác phẩm. – Nêu được chủ đề của tác phẩm. – Chỉ ra và phân tích được tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm. (như cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôi kể, ngôn ngữ,…), tập trung vào một số yếu. tố nghệ thuật nổi bật nhất của tác phẩm. – Sử dụng các bằng chứng từ tác phẩm để làm sáng tỏ ý kiến nêu trong bài viết. – Nêu được ý nghĩa, giá trị của tác phẩm truyện. |
Viết văn bản thuyết minh giải thích 1 hiện tượng tự nhiên | – Nêu được hiện tượng tự nhiên cần giải thích.
– Nêu được các biểu hiện cơ bản của hiện tượng tự nhiên cần giải thích. – Trình bày được căn cứ xác đáng để giải thích hiện tượng tự nhiên đã chọn. – Nói rõ ảnh hưởng, tác động của hiện tượng tự nhiên đó đối với cuộc sống con người. |
Viết văn bản kiến nghị về một vấn đề của đời sống | – Nêu thông tin cô đọng, xác thực về người viết văn bản kiến nghị (cá nhân hay tập thể).
– Nêu khái quát về bối cảnh viết kiến nghị (thời điểm viết, nhu cầu viết,…) – Trình bày rõ ràng về vấn đề được kiến nghị (sự việc, hiện tượng cần quan tâm, khắc phục; tác động tiêu cực của sự việc, hiện tượng; ý nghĩa của việc xử lí, giải quyết sự việc, hiện tượng;…) – Gợi ý, đề xuất các giải pháp cần thực hiện để khắc phục tác động không tích cực của sự việc, hiện tượng. – Bày tỏ mong muốn vấn đề kiến nghị được cấp có thẩm quyền quan tâm, xử lí. |
Viết bài thuyết minh giới thiệu cuốn sách yêu thích | – Giới thiệu được thông tin cơ bản để nhận diện cuốn sách.
– Trình bày được cách nhìn của tác giả về đời sống. – Nêu được những giá trị, đóng góp nổi bật hoặc những điểm mới, thú vị của cuốn sách. – Nhấn mạnh được những đặc điểm gợi hứng thú đối với việc đọc, tìm hiểu cuốn sách. |
Viết một nhan đề và sáng tạo một tác phẩm mới | Viết một nhan đề và bắt đầu sáng tác một bài thơ hay tác phẩm truyện, tùy bút, tản văn,.. |
Câu 6 trang 128 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Nêu những đề tài nói và nghe mà em đã thực hiện trong học kì II. Đề tài nào em có hứng thú và đã thực hiện thành công nhất? Vì sao?
Trả lời:
Các đề tài nói và nghe đã thực hiện:
– Giới thiệu về một cuốn sách (truyện).
– Thảo luận ý kiến về một vấn đề đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học đã học).
– Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (văn học trong đời sống hiện nay).
– Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (tổ chức hợp lý nề nếp sinh hoạt của bản thân).
– Giới thiệu về cuốn sách yêu thích hoặc trình bày tác phẩm của bản thân.
⇒ Đề tài mà em có hứng thú và đã thực hiện thành công nhất là giới thiệu về một cuốn sách vì em rất thích đọc sách và yêu những giá trị được truyền tải thông qua những trang sách.
B. LUYỆN TẬP TỔNG HỢP
PHIẾU HỌC TẬP SỐ 1
1. ĐỌC
Chọn phương án đúng
Câu 1 trang 130 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Câu chuyện được kể trong đoạn trích bao gồm những tuyến truyện nào?
A. Tuyến truyện về “tôi” và Tường trong cuộc sống gia đình (làm việc nhà, học hành, đọc sách).
B. Tuyến truyện về “tôi” và Tường kết hợp với tuyến truyện về chàng thư sinh, cóc tía, người bạn xấu.
C. Tuyến truyện về “tôi” và Tường kết hợp và lồng ghép với tuyến truyện về chàng thư sinh, cóc tía, người bạn xấu, nàng công chúa.
D. Tuyến truyện về “tôi” và Tường kết hợp và lồng ghép với tuyến truyện về chàng thư sinh, cóc tía, người bạn xấu.
Trả lời:
⇒ Đáp án: C. Tuyến truyện về “tôi” và Tường kết hợp và lồng ghép với tuyến truyện về chàng thư sinh, cóc tía, người bạn xấu, nàng công chúa.
Câu 2 trang 130 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Những yếu tố nào giúp em xác định được tuyến truyện trong đoạn trích?
A. Nhân vật và thời gian
B. Nhân vật và không gian
C. Nhân vật và sự việc chính
D. Nhân vật và đối thoại
Trả lời:
⇒ Đáp án: C. Nhân vật và sự việc chính.
Câu 3 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Chuyện Cóc tía mà Tường đọc cho “tôi” nghe có tính chất của loại truyện nào?
A. Truyện truyền thuyết
B. Truyện cười
C. Truyện cổ tích
D. Truyện ngụ ngôn
Trả lời:
⇒ Đáp án: C. Truyện cổ tích.
Câu 4 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Câu “Để cho anh Hai học bài!” thuộc kiểu câu nào?
A. Câu hỏi
B. Câu kể
C. Câu cảm
D. Câu khiến
Trả lời:
⇒ Đáp án: D. Câu khiến.
Câu 5 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Xác định loại thành phần biệt lập (in đậm) trong câu sau: “Tâu bệ hạ, trước hết xin bệ hạ hãy cho bắt giam tên này lại”.
A. Thành phần cảm thán
B. Thành phần tình thái
C. Thành phần gọi – đáp
D. Thành phần chêm xen
Trả lời:
⇒ Đáp án: C. Thành phần gọi – đáp.
Câu 6 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Dòng nào sau đây chỉ bao gồm những từ Hán Việt được sử dụng trong văn bản?
A. thư sinh, giáo khoa, tài sản, nhường nhịn
B. thư sinh, giáo khoa, tài sản, ngự y
C. thư sinh, giáo khoa, tài sản, ngân nga
D. thư sinh, giáo khoa, tài sản, giáo sư
Trả lời:
⇒ Đáp án: B. thư sinh, giáo khoa, tài sản, ngự y.
Trả lời câu hỏi
Câu 1 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Câu chuyện được kể trong đoạn trích có cốt truyện đơn tuyến hay đa tuyến? Vì sao?
Trả lời:
Cốt truyện đa tuyến. Vì có sự kết hợp, lồng ghép các tuyến truyện khác nhau, có liên quan đến nhau nhưng có sự khác nhau về sự việc chính và nhân vật trong mỗi tuyến.
Hoặc:
Cốt truyện đa tuyến vì câu chuyện có tuyến truyện về “tôi” và Tường kết hợp và lồng ghép với tuyến truyện về chàng thư sinh, cóc tía, người bạn xấu, nàng công chúa.
Câu 2 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Qua lời kể của nhân vật “tôi”, em nhận thấy Tường có những đức tính gì đáng quý? Hãy nêu các chi tiết cho thấy rõ những đức tính đó của nhân vật Tường.
Trả lời:
– Những đức tính đáng quý của nhân vật Tường: luôn nhường nhịn, chăm chỉ lao động, yêu thích đọc sách.
– Nêu các chi tiết cụ thể:
+ Chi tiết cho thấy đức tính nhường nhịn của Tường: là em nhưng luôn nhường anh và thay anh làm mọi công việc trong nhà mà không bao giờ oán thán, tị nạnh để anh có thời gian học bài, sẵn sàng kể chuyện (sau khi đọc sách) cho anh nghe trước khi đi ngủ
+ Chi tiết cho thấy đức tính chăm chỉ của Tường: giúp mẹ mọi việc từ “chạy qua bà mượn cái thúng, cái nia, qua nhà hàng xóm xin rơm về lót ổ cho gà đế’ đến “xách nước đổ vô lu”, làm hết “việc nặng việc nhẹ trong nhà” một cách tự nguyện, vui vẻ.
+ Chi tiết cho thấy đức tính “mê sách”, yêu thích đọc sách của Tường: đọc rất nhiễu sách và nhớ kĩ, thuộc lòng những câu chuyện trong sách, kể được rất chi tiết sau khi đọc.
Câu 3 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Theo em, điều gì ở câu chuyện Cóc tía khiến Tường đặc biệt yêu thích? Việc Tường yêu thích câu chuyện này gợi cho em những suy nghĩ gì về nhân vật?
Trả lời:
Theo em, Tường đặc biệt yêu thích câu chuyện Cóc tía ở chỗ chàng thư sinh làm bạn với cóc tía, hàng ngày cóc quanh quẩn bên chàng, đớp gọn những con muỗi bay vo ve khi chàng học bài.
Việc Tường yêu thích câu chuyện này gợi cho em suy nghĩ rằng Tường là một cậu bé nhân hậu, sống tình cảm. Cậu sẵn sàng dành thời gian và không gian cho anh hai học bài, giống như cóc tía quẩn quanh bắt muỗi và giúp đỡ chàng thư sinh.
Câu 4 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Nêu những chi tiết cho thấy cách hiểu và đánh giá của nhân vật “tôi” về câu chuyện Cóc tía. Cách hiểu và đánh giá đó của nhân vật “tôi” gợi cho em suy nghĩ gì?
Trả lời:
Những chi tiết cho thấy cách hiểu và đánh giá của nhân vật “tôi” về câu chuyện Cóc tía:
– Chắc chắn chàng thư sinh này đọc sách giáo khoa để đi thi chứ chẳng phải đọc truyện như thằng Tường.
– Tôi không hiểu sao thằng Tường lại thích câu chuyện dở ẹc đó.
⇒ Cách hiểu và đánh giá đó của nhân vật “tôi” gợi cho em suy nghĩ rằng đây là một cậu bé có cái nhìn hơi phiến diện và chủ quan khi nghe câu chuyện Cóc tía. Cậu chỉ thấy được những sự việc nối tiếp mà không cảm nhận được tính nhân văn, bài học về tình bạn, lòng yêu thương, san sẻ lẫn nhau giữa các nhân vật ở trong truyện.
Câu 5 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Em yêu thích nhân vật nào trong câu chuyện của đoạn trích này? Vì sao?
Trả lời:
Em yêu thích nhân vật Tường vì đây là một cậu bé nhân hậu, có tấm lòng sẻ chia và rất giàu lòng trắc ẩn. Cậu luôn nhường nhịn anh trai để anh có thể học tập tốt hơn, giỏi hơn mình. Tường cũng sẵn sàng làm hết việc nặng nhọc mà không hề oán than vì muốn tốt cho anh.
2. VIẾT
Từ câu chuyện về nhân vật “tôi” và Tường, về chàng thư sinh và người bạn xấu trong đoạn trích, hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về một phẩm chất tốt đẹp cần trau dồi hoặc một thói xấu đáng phê phán của con người.
Trả lời:
Nghị luận về đức tính chăm chỉ
Dàn ý:
I. Mở bài
Thomas Edison đã từng nói: “Thiên tài một phần trăm là cảm hứng và chín mươi chín phần trăm là mồ hôi”.
Quả vậy, để gặt hái được thành công, con người phải luôn cố gắng không ngừng nghỉ.
Đức tính chăm chỉ vô cùng cần thiết trong cuộc sống.
II. Thân bài
1. Giải thích
– Chăm chỉ là sự cố gắng, nỗ lực làm một việc đó để đạt được kết quả tốt.
– Người chăm chỉ, cần cù thì không ngại khó khăn, gian khổ và luôn kiên trì đến khi đạt được thành quả mới dừng lại.
– Biểu hiện:
+ Luôn cố gắng hoàn thành tốt mục tiêu nhiệm vụ cho dù phải mất nhiều thời gian.
+ Không ngừng học hỏi, tìm tòi và rèn luyện đến khi đạt được kết quả tốt nhất.
+ Kiên trì với những mục tiêu mà bản thân đã đề ra và hoàn thành nó.
2. Bình luận
– Chăm chỉ là một đức tính quý giá của con người.
– Ý nghĩa, vai trò của đức tính chăm chỉ:
+ Giúp cho con người đạt được những điều mình mong muốn trong cuộc sống.
+ Rèn luyện đức tính kiên nhẫn cho mỗi người.
+ Ông cha ta có câu “cần cù bù thông minh”, sự kiên trì bền bỉ cũng đóng vai trò quan trọng không kém so với tài năng.
– Tuy nhiên, có những người lười biếng, ỷ lại và không chịu cố gắng thì sẽ không thu được kết quả tốt.
3. Liên hệ bản thân
– Là một học sinh, bản thân tôi cũng cố gắng học tập thật chăm chỉ.
– Tích cực rèn luyện nâng cao kiến thức, kĩ năng sống và cả thể chất.
III. Kết bài
Quả thật, đức tính cần cù chăm chỉ vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành công hay thất bại của con người.
Bài tham khảo:
Chúng ta thường sẽ tiếc nuối những việc nên làm mà không làm, những lời nên nói mà không nói ra, những ước mơ chính đáng nhưng không dám theo đuổi. Và sự chăm chỉ, cần cù là “công cụ” giúp bạn tháo gỡ sự tiếc nuối ấy.
Chăm chỉ, cần cù là sự nỗ lực học tập, lao động không ngừng nghỉ. Người chăm chỉ thường luôn sẵn sàng tìm tòi, mày mò những điều mới mẻ, luôn cố gắng trong cuộc sống. Cuộc sống có rất nhiều những khó khăn, thách thức, con người vì thế không thể tránh khỏi những lúc nản lòng, bị sa vào cám dỗ cuộc đời. Nếu chúng ta không bỏ cuộc mà lựa chọn đối mặt, tìm ra cách giải quyết để vượt qua thì khi chúng ta chiến thắng, đó là chiến thắng của sự chăm chỉ, cần cù đến cùng.
Nếu bạn luôn chăm chỉ và trau dồi bản thân ở bất cứ đâu, bạn sẽ có thể thấu hiểu bản thân, biết bản thân trân trọng và mong muốn điều gì. Khi đó, bạn tự khắc sẽ thấy con đường theo đuổi chúng dù có khi vất vả, nhưng luôn khiến mình vui vẻ và tràn đầy nhiệt huyết. Chắc hẳn chúng ta đều biết đến Nguyễn Hiền là – vị trạng nguyên đầu tiên và nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nước ta. Cuộc sống thuở nhỏ của Nguyễn Hiền cũng rất khó khăn nhưng ông luôn yêu thích tìm tòi học hỏi và thường lân la ở các lớp học trong làng để có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với chữ nghĩa.
Sự chăm chỉ, cần cù của ông đã khiến người đời kinh ngạc phải gọi ông là ‘’thần đồng’’. Bên cạnh những hình mẫu lý tưởng như vậy, xã hội vẫn còn có nhiều người lười biếng, quen thói dựa dẫm, ỷ lại vào người khác, không chủ động trong cuộc sống của chính mình. Mong rằng tất cả chúng ta đều sẽ vẽ lên một chặng đường nỗ lực đầy nhiệt huyết cho đời mình.
Nghị luận về tình yêu thương
Một trong những phẩm chất cao quý của con người đó là lòng yêu thương. Tình yêu thương dường như là sợi dây vô hình, nối kết những trái tim yêu thương lẫn nhau giữa con người và con người với nhau. Vậy tình yêu thương còn có những giá trị tinh thần nào khác?
Tình yêu thương có nghĩa là gì? Đó là thứ tình cảm thiêng liêng, quý báu là sự quan tâm giữa con người và con người với nhau. Vậy tại sao chúng ta cần phải có tình yêu thương? Bởi vì nó thể hiện phẩm chất cao quý của một con người. Có tình yêu thương, con người bỗng trở nên tốt đẹp hơn trong tâm hồn. Nó nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn về mặt nhân cách, nhân phẩm, đạo đức. Nhờ có tình yêu thương mà những nỗi đau, vết thương trong tâm hồn dường như được hàn gắn, khiến cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn, phát triển tốt hơn.
Dẫn chứng mà chúng ta dễ dàng thấy được đó chính là những phong trào kêu gọi sự giúp đỡ đồng bào miền Trung bị lũ lụt hàng năm hoành hành, vùng đồng bằng Sông Cửu Long bị thiên tai tàn phá nặng nề,… Khi đất nước Nhật Bản bị sóng thần ập vào tàn phá đã để lại biết bao hậu quả đau thương về người, về của cho đất nước này. Tình yêu thương đã được nhân rộng khắp thế giới khi mà phong trào ủng hộ giúp đỡ nhân dân Nhật Bản khắc phục phần nào nỗi đau thương, mất mát này được nở rộ và mạnh mẽ. Những sự việc nêu trên thể hiện tình yêu thương con người luôn luôn sẵn có trong trái tim của mỗi con người nhưng khi có dịp thì tấm lòng yêu thương ấy bỗng trỗi dậy mạnh mẽ như đợt sóng trào dâng.
Ngoài những hoạt động, phong trào lớn đó thì ở ngay tại trường lớp tôi cũng có những bạn có gia đình rất nghèo khó cần được giúp đỡ, vì gia đình quá khốn khó mà nhiều bạn phải nghỉ học để phụ giúp gia đình mưu sinh. Chúng tôi là học sinh, tuy không có nhiều tiền nhưng mỗi người một chút, mỗi ngày góp chút ít thì sau một khoảng thời gian chúng tôi vẫn có thể giúp đỡ những bạn nghèo khó này đi học dưới sự giúp đỡ của quý thầy cô trong nhà trường. Những biểu hiện đó phần nào nói lên tình yêu thương luôn có mặt ở khắp mọi nơi.
Tuy vậy, trong đời sống của chúng ta vẫn còn đâu đó rất nhiều những kẻ thờ ơ, ghẻ lạnh, vô tâm trước sự đau khổ, vất vả của những người xung quanh mình. Họ bỏ mặc, họ không hề quan tâm và thờ ơ với tất cả. Những con người này cần phải bị xã hội lên án kịch liệt. Ta dễ dàng bắt gặp những con người này khi ở ngoài đường một người bị tai nạn, té xe xuống đường thì biết bao nhiêu cặp mắt đổ dồn vào cảnh tượng đau thương đó mà không một cánh tay dang ra cứu giúp.
Tóm lại, có lòng yêu thương chính là một phẩm chất tốt đẹp, quý báu mà chúng ta cần gìn giữ và phát huy. Chúng ta là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, ta cần rèn luyện, trau dồi, bồi dưỡng phẩm chất này để cuộc sống tâm hồn của mình ngày càng tốt đẹp hơn.
3. NÓI VÀ NGHE
Chọn một trong hai nội dung sau đây để chuẩn bị và trình bày bài nói:
a. Ai cũng có thể có những thói xấu và sai lầm. Điều quan trọng là cần nhận thức được điều đó để sửa chữa.
b. Phê phán người khác thì dễ, tự biết mình để thay đổi những thói xấu của bản thân mới khó.
Trả lời:
a. Ai cũng có thể có những thói xấu và sai lầm. Điều quan trọng là cần nhận thức được điều đó để sửa chữa
Trong dòng chảy không ngừng nghỉ của cuộc sống bộn bề, tấp nập, con người luôn phải trải qua vô vàn những trải nghiệm khác nhau về sự thành công – thất bại, được – mất, hạnh phúc – khổ đau, đúng – sai… Nằm trong chuỗi hành trình đó, sai lầm là một trong những yếu tố mà chúng ta cần thẳng thắn đối diện và mạnh mẽ vượt qua. Bàn về vấn đề này, Elbert Hubhard từng nói: “Sai lầm lớn nhất mà bạn mắc phải trong cuộc sống là luôn sợ sai lầm”.
Như chúng ta đã biết, sai lầm là khái niệm để chỉ những quan điểm, việc làm, hành động không đúng đắn, trái với quy luật khách quan và lẽ phải thông thường. Sai lầm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chủ thể của hành động và thậm chí có thể gây ra hậu quả đối với những người xung quanh. “Sợ sai lầm” là thái độ lo lắng, run sợ bản thân sẽ phạm phải những sai lầm và buông xuôi, đầu hàng, bất lực. Như vậy, câu nói của Elbert Hubhard đã thể hiện một quan điểm về việc con người cần mạnh mẽ đối diện và sửa chữa sai lầm.
Sai lầm luôn là yếu tố diễn ra và xuất hiện trong cuộc sống của con người như quy luật khách quan mang tính tất yếu bởi không ai có thể tránh khỏi sai lầm, vấp ngã. Điều quan trọng là con người cần mạnh mẽ đứng lên, nhìn nhận sai lầm của bản thân và tìm ra nguyên nhân để khắc phục, sửa chữa sai lầm và vượt qua. Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Bất cứ một người lao động nào, dù thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không sai lầm mà thôi. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không”. Quan điểm cùng hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Người là minh chứng thể hiện rõ lối sống không run sợ trước sai lầm và luôn mạnh mẽ, dũng cảm trong hành động. Mặt khác, sau mỗi sai lầm, vấp ngã, chúng ta sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá cho bản thân và trưởng thành, bản lĩnh, từng trải hơn.
Ngược lại, nếu run sợ trước những sai lầm, con người sẽ đánh mất những cơ hội để trải nghiệm, để học hỏi, không thể vượt lên chính mình và không thể mạnh mẽ bước đi trên con đường đầy rẫy những gian nan, thử thách. Sophia Loren – nữ diễn viên người Italia cũng từng tâm sự về hành trình đến với giải Oscar của mình: “Sau tất cả những năm tháng đó, tôi vẫn ở trong quá trình tự khám phá bản thân. Khám phá cuộc sống và phạm lỗi lầm vẫn tốt hơn chọn phương án an toàn. Sai lầm là một phần phí mà con người trả cho một cuộc đời trọn vẹn”. Như vậy, thái độ ứng xử của con người trước mỗi lần vấp ngã cũng chính là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của con người, bởi “sợ sai lầm” chính là sai lầm lớn nhất và là nguyên nhân chính khiến con người tiếp tục thất bại và sống thu mình trong chiếc vỏ bọc của sự nhút nhát, yếu mềm.
Như vậy, để hoàn thiện và phát triển bản thân, chúng ta cần rèn luyện thái độ mạnh mẽ đối diện với những sai lầm, từ đó thay đổi và rút ra những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, cần hoàn thiện và làm đầy kiến thức, kĩ năng của bản thân sau mỗi lần vấp ngã để đạt tới thành công.
Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định câu nói của Elbert Hubhard đã để lại bài học ý nghĩa giáo dục sâu sắc về thái độ của con người trước những sai lầm: Con người cần mạnh mẽ đối diện với những vấp ngã để rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân và không buông xuôi, sợ hãi trước sai lầm.
Bài tham khảo 2:
Ai cũng có thể có những thói xấu và sai lầm. Điều quan trọng là cần nhận thức được điều đó để sửa chữa.
Vậy thế nào là thói quen xấu và thế nào là thói quen tốt? Thói quen xấu là những hành động, việc làm không tốt gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất, tinh thần của con người. Thói quen xấu lâu dần ảnh hưởng đến tính cách, khiến người có nhiều thói quen xấu ngày càng phát triển theo hướng tiêu cực.
Còn thói quen tốt là những hành động, việc làm mang tính tích cực đến sức khỏe, lối sống, tri thức của con người. Mỗi người cần rèn luyện cho bản thân những thói quen tốt dù là nhỏ nhất để giúp bản thân mình phát triển theo hướng tích cực hơn. Mỗi con người cần rèn luyện cho bản thân mình những thói quen tốt và bài trừ những thói quen xấu ra khỏi cuộc sống, xã hội.
Biểu hiện của thói quen tốt ở việc chúng ta biết ăn uống đúng giờ, ngủ đủ giấc, sống ngăn nắp, gọn gàng, sống và làm việc theo thời gian biểu, sắp xếp công việc của mình một cách hợp lý. Người sống với những thói quen tốt sẽ hình thành tính kỷ luật, sự ngăn nắp, cuộc sống luôn sạch đẹp, hạn chế được những mệt mỏi, lo toan.
Ngược lại, người có thói quen xấu thường xuyên ăn uống linh tinh, ngủ không đủ giấc, đồ đạc bừa bãi, vứt đồ tùy tiện, sống và làm việc theo cảm hứng, không có sự sắp xếp cuộc sống, uống rượu, hút thuốc,…Thói quen xấu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, bên cạnh đó, nó làm hình ảnh của ta xấu dần đi trong mắt người khác, lâu dần dẫn đến sa sút bản thân,…
Để rèn luyện được thói quen tốt và bài trừ những thói quen xấu, trước hết mỗi người cần lên cho bản thân mình một thời gian biểu hợp lý, rèn luyện cho bản thân mình những lối sống lành mạnh, tích cực, cố gắng, trau dồi, phát triển bản thân mình theo chiều hướng tích cực.
Mỗi chúng ta chỉ được sống có một lần, hãy trở thành một công dân tốt, rèn luyện cho bản thân những đức tính, thói quen tốt đẹp, tránh xa những điều xấu để trở nên hoàn thiện hơn mỗi ngày.
b. Phê phán người khác thì dễ, tự biết mình để thay đổi những thói xấu của bản thân mới khó
Bạn tôi đã từng nói với tôi: “Con người thường dễ dàng phán xét người khác hơn phán xét chính mình.”
Tôi đã từng gặp rất nhiều trường hợp như vậy. Khi chính bản thân mình mắc lỗi thì thường viện cớ này cớ khác để bao biện cho chính mình, nhưng ngược lại người khác mắc lỗi tương tự lại khó có thể tha thứ hay dễ dàng chỉ trích. Thực ra, con người thường không dễ dàng chấp nhận sai lầm của chính mình, họ thường tìm cách giải thích cho hành động sai lầm của mình để an ủi bản thân, xoa dịu chính mình, để bao che cho những cái xấu của mình hay bởi những hành động không đúng của họ không gây ảnh hưởng cho họ. Nhưng, khi người khác làm vậy, họ lại không dễ dàng chấp nhận, bởi hành động không đúng của đối phương có thể nó gây tác động xấu đến họ, hay bởi vì vị trí của họ là ngoài cuộc, dù sự việc như nào cũng sẽ không tác động tới họ nên họ dễ dàng phán xét và phê bình hơn, dễ dàng bàng quan và thờ ơ hơn.
Chúng ta thường hay nói câu “trước khi nói người khác phải biết nhìn lại chính mình”, đúng là như vậy. Khi bạn khó chịu với ai đó hay nặng lời với một ai, hãy nhìn lại chính bản thân, hãy tự hỏi bản thân mình đã từng như vậy chưa?Thực ra thì bạn có thể lấy sai lầm của chính bản thân để giúp đỡ và khuyên bảo cho người khác tránh đi vào vết xe đổ của bản thân, nhưng nếu bạn nói với thái độ chỉ trích và phán xét hay kiểu mỉa mai chê trách thì nó lại là chuyện khác.
Hẳn bạn quá hiểu cảm giác khi bản thân trải qua những sai lầm, tâm trạng khi lắng nghe chỉ trích và những lời chê trách của ai khác cũng chẳng dễ chịu gì, uất ức và bất lực ra sao khi bị người khác chĩa mũi nhọn vào bản thân, vậy nên giờ khi đối diện với hình ảnh của mình trong người khác, bạn có nên dùng những lời nói, hành động của mình tấn công đối phương không? Đừng, tôi khuyên bạn hãy nhẹ nhàng khuyên bảo, có thể phê bình nhưng hãy dùng thái độ cầu thị nhất có thể.
Hãy giúp đỡ chứ đừng dồn ép, hãy khuyên bảo chứ đừng chỉ trích, hãy nhẹ nhàng chứ đừng mỉa mai. Hành động của bạn sẽ làm cho đối phương cảm thấy được an ủi, sẻ chia. Còn nếu như bạn nhất thiết phải dùng những lời nói sắc nhọn đẩy đối phương vào đường cùng, hẳn sẽ có ngày những lời nói sắc nhọn ấy sẽ quay lại phía bạn, gậy ông đập lưng ông.
Ai cũng sẽ mắc sai lầm. Cảm giác trải qua sai lầm ắt hẳn chẳng vui vẻ gì. Vậy nên, khi nhìn người khác sai lầm giống như mình, hãy biết sẻ chia, thông cảm và chỉ bảo cho họ. Và, khi bạn mắc sai lầm, hãy tự mình chịu trách nhiệm, biết đối diện với sai lầm của bản thân, đừng tự ngụy biện cho chính mình để rồi sai càng thêm sai.
PHIẾU HỌC TẬP SỐ 2
1. ĐỌC
Chọn phương án đúng
Câu 1 trang 130 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Đoạn trích thuộc thể thơ nào?
A. Thơ năm chữ
B. Thơ thất ngôn bát cú
C. Thơ tự do
D. Thơ lục bát
Trả lời:
⇒ Đáp án: C. Thơ tự do.
Câu 2 trang 130 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Những yếu tố nào giúp em nhận diện thể thơ của đoạn trích?
A. Vần thơ, nhịp và số tiếng trong dòng thơ
B. Số tiếng trong dòng thơ và số dòng trong mỗi khổ thơ
C. Số tiếng trong dòng thơ, số dòng trong khổ thơ, vần, nhịp
D. Dòng thơ, khổ thơ, vần và nhịp của bài thơ
Trả lời:
⇒ Đáp án: B. Số tiếng trong dòng thơ và số dòng trong mỗi khổ thơ.
Câu 3 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Hình ảnh so sánh ở dòng thơ Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy làm nổi bật đặc điểm của đối tượng nào?
A. Những hòn đảo giữa biển
B. Những người lính trên đảo
C. Những hòn đá trên đảo
D. Những cái cây trên đảo
Trả lời:
⇒ Đáp án: B. Những người lính trên đảo.
Câu 4 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Câu nào sau đây khái quát đúng nội dung chính của đoạn trích?
A. Sự khắc nghiệt, dữ dằn của thiên nhiên nơi biển đảo xa xôi
B. Sức mạnh tinh thần của người lính khi đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt
C. Tâm tình của những người lính ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương
D. Sự sinh tồn kì diệu của con người giữa điều kiện sống gian nan
Trả lời:
⇒ Đáp án: C. Tâm tình của những người lính ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương.
Câu 5 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Dòng nào sau đây chỉ bao gồm các từ láy tượng hình đã được sử dụng trong đoạn trích?
A. đăm đăm, thăm thẳm, tốt tươi
B. đăm đăm, thăm thẳm, héo quắt
C. đăm đăm, thăm thẳm, linh đình
D. đăm đăm, thăm thẳm, thấp thoáng
Trả lời:
⇒ Đáp án: D. đăm đăm, thăm thẳm, thấp thoáng
Câu 6 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ Những màu mây sẽ thôi không héo quắt.
A. Nhân hóa
B. Nói giảm nói tránh
C. Ẩn dụ
D. So sánh
Trả lời:
⇒ Đáp án: C. Ẩn dụ.
Trả lời câu hỏi
Câu 1 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Theo em, “chúng tôi” trong đoạn thơ là ai?
Trả lời:
“Chúng tôi” chính là những người lính đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên đảo Sinh Tồn, cụ thể, trong bài thơ là nhũng người lính trẻ “đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”.
Câu 2 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
“Chúng tôi”, cơn mưa và đảo Sinh Tồn là những hình ảnh xuyên suốt mạch cảm xúc của đoạn thơ. Mạch cảm xúc đó được thể hiện như thế nào trong các khổ thơ?
Trả lời:
Mạch cảm xúc:
– Từ “Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn”…”phía chân trời”: Niềm mong đợi, trông chờ trong cái nhìn “đăm đăm” của những người lính “bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy” hướng về cơn mưa “thăm thăm xa khơi”.
– Từ “Ôi ước gì được thấy…toàn nước ngọt”: Nỗi khát khao và sự tưởng tượng về cơn mưa mong đợi đem lại sự sống, sự hồi sinh cho hòn đảo và cho những người lính trên đảo Sinh Tồn.
– Từ “Ôi đảo Sinh Tồn…đá tốt tươi”: Tình yêu tha thiết của những người lính với đảo Sinh Tổn – biển đảo của đất nước, quê hương và ý chí, nghị lực sống kiên định của nhũng người lính cùng hòn đảo “sinh tồn trên đại dương đầy gió bão”.
⇒ Mạch cảm xúc đó được thể hiện đan xen giữa thực tại và mong ước của con người.
Câu 3 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Trong đoạn thơ, “đợi mưa” và “đảo Sinh Tồn” đều là những hình ảnh thực nhưng gợi liên tưởng đến những ý nghĩa rộng hơn. Theo em, đó có thể là những ý nghĩa gì?
Trả lời:
– “Đợi mưa” là trạng thái thật của những người lính đảo giữa nắng hạn kéo dài nơi đảo đá san hô trên đại dương toàn nước mặn mênh mông. Do đó “đợi mưa” cũng là đợi cái nắng hạn khô khốc chấm dứt, đợi dòng nước ngọt mát từ cơn mưa đem lại sự sống cho hòn đảo và nhũng người lính trẻ. Nhưng từ đó có thể hiểu “mưa” cũng là niềm hi vọng của những người lính, là sự sống, là những gì gần gũi, gắn với “đất liền”, quê hương, đất nước, những gì thân thương nhất.
– “Đảo Sinh Tồn” là một hòn đảo nhỏ trong quẩn đảo Trường Sa – nơi những người lính trẻ đang đóng quân để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Do đó, “đảo Sinh Tồn” cũng là tiền đồn của Tổ quốc trên Biển Đông, tượng trưng cho chủ quyền thiêng liêng, sức sống bển bỉ và mãnh liệt của quê hương, đất nước, con người Việt Nam “như đá vững bền, như đá tốt tươi” trong gian khổ, khốc liệt “trên đại dương đầy gió bão”,…
Hoặc:
Ý nghĩa: “đợi mưa” tượng trưng cho niềm tin và hy vọng trong mỗi con người còn “đảo Sinh Tồn” đại diện cho những khó khăn, trắc trở mà chúng ta có thể sẽ gặp phải trên đường đời.
Câu 4 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Em cảm nhận thế nào về hình ảnh người lính trong những dòng thơ: Chúng tôi như hòn đá ngàn năm, đập trong trái tim người/ Như đá vững bền, như đá tốt tươi…?
Trả lời:
– Biện pháp tu từ so sánh: Những người lính trẻ có phẩm chất kiên định, bền bỉ “như hòn đá ngàn năm”, “như đá vững bền”
– Trái tim người lính và đá trên đảo Sinh Tồn có một sự gắn bó mật thiết: đá mang sức sống của trái tim người lính trẻ, trái tim người lính trẻ có sự vững vàng, kiên định như đá san hô trên biển đảo quê hương, chính vì thế mà cả hai đểu “vững bển” và “tốt tươi” – tràn đầy sức sống, sức hồi sinh mãnh liệt trong gian khổ.
Hoặc:
Hình ảnh người lính khiến em liên tưởng đến những con người có ý chí mạnh mẽ và sức sống mãnh liệt. Trước thực tại khó khăn khắc nghiệt, những người lính không hề nản lòng thối chí mà vẫn luôn vững vàng như “hòn đá ngàn năm”, luôn “vững bền” và “tốt tươi”.
Câu 5 trang 131 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Giải thích nghĩa của các yếu tố Hán Việt trong từ sinh tồn. Tìm thêm 3 từ có các yếu tố Hán Việt cùng nghĩa với sinh hoặc tồn.
Trả lời:
Giải thích nghĩa của các yếu tố Hán Việt trong từ sinh tồn:
– sinh: sống, sống còn, sự sống, đời sống
Ví dụ: sinh vật, sinh sống, sinh sôi, mưu sinh, sát sinh,…
– tồn: còn, còn sống, tồn tại
Ví dụ: tồn tại, tồn vong,…
2. VIẾT
Viết đoạn văn (khoảng 10 – 15 câu) trình bày cảm nghĩ của em về đoạn thơ ở phần Đọc.
Trả lời:
(1) Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn là một sáng tác của nhà thơ Trần Đăng Khoa, kể về cuộc sống của những người lính đang bám trụ ở đảo Sinh Tồn. (2) Chỉ cần nghe tên thôi là đã đủ để chúng ta mường tượng ra hoàn cảnh cuộc sống ở đảo Sinh Tồn khó khăn và khốc liệt đến như thế nào. (3) Ở nơi đó, toàn những cái bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy. (4) Hình ảnh đó gợi len sự nóng bức, khô cằn và thiếu thốn vô cùng về nguồn nước ngọt. (5) Chính vì vậy, mà những người lính phải thốt lên rằng “ước gì được thấy mưa rơi”. (6) Mưa, nước ngọt – điều tưởng như hết sức hiển nhiên lại trở thành thứ xa xỉ với những người lính. (7) Các chàng trai ấy, tuy hoàn cảnh có khó khăn vất vả, vẫn giữ cho mình một tinh thần lạc quan và ngập tràn hi vọng. (8) Về những ngày mà cơn mưa sẽ xuất hiện từ phía chân trời, để cho cỏ xanh nảy lên từ đá san hô, để cho hòn đảo xa khơi hóa đất liền. (9) Và để cho những người lính ấy không phải cạo đầu nữa, mà được để tóc mọc lên như cổ và khao nhau bữa tiệc linh đình toàn nước ngọt. (10) Những ước mơ ấy mang chút ngây ngô trẻ con của những chàng lính, vừa khắc họa chân thực hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn đủ đường của họ. (11) Nhưng dẫu vậy, những người lính vẫn gọi đảo Sinh Tồn là “hòn đảo thân yêu”. (12) Họ vẫn sóng ở đó một cách hiên ngang và kiên cường, như hòn đá vững bền, như hòn đá tốt tươi. (13) Sức sống tràn trề và niềm tin mãnh liệt được thể hiện trong khổ thơ cuối đã đem đến cho người đọc một niềm vui lạc quan phơi phới. (14) Tuy đảo Sinh Tồn thiếu thốn nhiều điều, nhưng ở đó vẫn có những mầm cây tươi xanh, đó chính là mầm sống mà những người lính đã gieo xuống. (15) Đọc bài thơ Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, em càng thêm kính trọng, yêu mến và biết ơn những người lính đã hi sinh cuộc sống của mình vì Tổ quốc thân yêu.
Hoặc:
Bài thơ “Đợi mưa trên đảo sinh tồn” của Trần Đăng Khoa là một tác phẩm nghệ thuật đầy sức sống và ý nghĩa. Tác giả đã phác họa lên một bức tranh về sự sinh tồn trên một đảo hoang vắng, thể hiện rõ sự can đảm, kiên trì và nhân ái của con người trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Về nội dung, bài thơ lấy cảm hứng từ cuộc sống khắc nghiệt của những người dân đang sống trên một đảo xa xôi, cách bờ biển hàng trăm cây số. Họ phải đối mặt với những cơn bão, dòng nước lũ dữ, sự thiếu chất dinh dưỡng, những cơn đói khát gay gắt. Những ngày tháng ấy, con người chỉ còn biết cố gắng chờ đợi mưa để có thể sống sót. Từ đó, tác giả đã tái hiện lên hình ảnh của những người dân đang đứng chờ mưa cùng những bức tranh về sự gian khổ, tàn nhẫn và độc ác của cơn bão. Về nghệ thuật, bài thơ được viết kết hợp giữa thể loại tự sự và thơ ca. Tác giả đã sử dụng rất nhiều hình ảnh, từ ngữ tượng trưng và hàm ý để tạo dựng lên một cảnh quan sắc nét về cuộc sống trên đảo hoang. Từng cung bậc cảm xúc của những người dân được tái hiện một cách sống động và chân thực. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng nhiều phương tiện âm điệu như điệp ngữ, ngữ điệu và điệu nhạc để thổi vào bài thơ một hơi thở mới, tạo nên một không gian riêng biệt chỉ có trong trí tưởng tượng của người đọc. Tóm lại, bài thơ “Đợi mưa trên đảo sinh tồn” của Trần Đăng Khoa là một tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng và ý nghĩa. Qua những hình ảnh sống động, từng dòng thơ tràn đầy xúc cảm, tác giả đã giúp ta nhìn nhận lại những điều tuyệt vời nhất của cuộc sống và sự quan tâm với đời sống của những người dân đang sinh sống trên đảo hoang vắng.
3. NÓI VÀ NGHE
Từ hình ảnh người lính trong đoạn thơ Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, trình bày suy nghĩ của em về tình cảm, trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương, đất nước.
Trả lời:
Từ hình ảnh người lính trong đoạn thơ Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, trách nghiệm với quê hương và đất nước ở mỗi người người với quê hương đất nước luôn được nâng cao.
Học sinh, sinh viên (HSSV) là lực lượng trẻ, có tri thức trong xã hội, là tương lai của đất nước, là tầng lớp đi tiên phong trong các hoạt động thúc đẩy cộng đồng quan tâm và có trách nhiệm đối với những vấn đề liên quan đến môi trường, bảo vệ môi trường, phát huy tiềm năng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
HSSV đi đầu trong việc tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam. Đồng thời tranh thủ các nguồn lực và sự ủng hộ từ hợp tác quốc tế với các nước bè bạn và các tổ chức quốc tế trên mọi lĩnh vực.
Tăng cường học tập, nghiên cứu, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, hải đảo.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển. Xây dựng và quảng bá thương hiệu biển Việt Nam. Góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị thế quốc gia biển và hội nhập quốc tế trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo. Khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia vào học các ngành nghề liên quan tới biển, đảo.
Hoặc:
“Ôi đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu
Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo
Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương đầy gió bão
Chúng tôi như hòn đá ngàn năm, đập trong trái tim người
Như đá vững bền, như đá tốt tươi…”
Những câu thơ trên của Trần Đăng Khoa đã cho thấy sức sống mãnh liệt và tình yêu quê hương đất nước của những người lính sống trên đảo Sinh TỒn. Qua đó tác giả nhắc nhở thế hệ trẻ chúng ta hôm nay: Bất cứ thời đại nào, mỗi con người chúng ta nhất là thế hệ thanh niên cũng luôn phải ý thức vai trò trách nhiệm của mình đối với đất nước. Trước tiên thế hệ trẻ phải xác định tư tưởng, tình cảm, lí tưởng sống của mình: yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc; lao động, học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ Quốc cần.
Thời đại ngày nay, xu thế toàn cầu là xu thế hội nhập, khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ cao, vậy thế hệ trẻ cần phải học tập tích lũy tri thức để góp phần phát triển đất nước theo kịp thời đại, hội nhập với xu thế phát triển chung của quốc tế. Bên cạnh đó, phải rèn luyện sức khỏe để có khả năng cống hiến và bảo vệ đất nước. Đồng thời thanh niên cũng cần quan tâm theo dõi đến tình hình chung của đất nước, tỉnh táo trước hành động của mình không bị kẻ xấu lợi dụng. Về vấn đề chủ quyền biển đảo, thanh niên cần hưởng ứng và tích cực các diễn đàn hợp pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Internet, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên các diễn đàn, đồng thời kịch liệt lên án và đấu tranh tham gia ngăn chặn các hành vi vi phạm xâm phạm chủ quyền biển, hải đảo thiêng liêng của Tổ Quốc, phải luôn có “trái tim nóng, cái đầu lạnh”.
Như vậy, xây dựng và bảo vệ tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng của thanh niên nói riêng và của mỗi con người Việt Nam nói chung. Chúng ta cần ra sức học tập và rèn luyện để trở thành những công dân ưu tú nhất, đem sức trẻ và tài năng của mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Tổ Quốc. Không bao giờ cho phép bản thân đầu hàng trước nghịch cảnh tai ương.
Bài trước:
👉 Soạn bài Về đích: Ngày hội với sách sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Kết Nối Tri Thức
Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài ÔN TẬP HỌC KÌ II sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Kết Nối Tri Thức đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 8 tốt nhất!
“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com“