Soạn bài Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì II Ngữ Văn 8 Cánh Diều

Nội Dung

Hướng dẫn soạn Bài 10. Văn bản thông tin. Nội dung bài Soạn bài Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì II Ngữ Văn 8 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 8, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


ÔN TẬP VÀ TỰ ĐÁNH GIÁ CUỐI HỌC KÌ II

NỘI DUNG ÔN TẬP

ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

Câu 1 trang 123 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Thống kê tên các thể loại hoặc kiểu văn bản và tên văn bản cụ thể đã học trong sách Ngữ văn 8, tập hai, dẫn ra một số ví dụ.

Trả lời:

– Truyện: Lão Hạc, Trong mắt trẻ, Người thầy đầu tiên.

– Thơ Đường luật: Mời trầu, Vịnh khoa thi Hương, Xa ngắm thác núi Lư, Cảnh khuya.

– Truyện lịch sử và tiểu thuyết: Quang Trung đạo phá quân Thanh, Đánh nhau với cối xay gió, Bên bờ Thiên Mạc.

– Nghị luận văn học: Vẻ đẹp của bài thơ Cảnh khuya, Chiều sâu của truyện Lão Hạc, Nắng mới, áo đỏ và nét cười đen nhánh.

– Văn bản thông tin: Lá cờ thêu sáu chữ vàng – tác phẩm không bao giờ cũ dành cho thiếu nhi, bộ phim Người cha và con gái, Cuốn sách Chìa khóa vũ trụ của Gioóc-giơ.


Câu 2 trang 123 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Nêu nội dung chính của các văn bản truyện đã học trong Bài 6; từ đó, nhận xét và phân tích ý nghĩa nhân văn được thể hiện trong các văn bản này.

Trả lời:

Tên văn bản Nội dung chính Ý nghĩa nhân văn
Lão Hạc Tác phẩm là bức tranh về số phận của người nông dân trước CM tháng Tám qua tình cảnh của Lão Hạc và qua đó thấy được tấm lòng nhân đạo của nhà văn. Phẩm chất tốt đẹp của người nông dân trong hoàn cảnh khốn cùng.
Trong mắt trẻ Câu chuyện mang thông điệp về sự khác biệt giữa cách nhìn của trẻ em và người lớn. Từ đó, tác giả cũng đề cập đến tầm quan trọng của các mối quan hệ và đưa ra cái nhìn sâu sắc của tác giả về tuổi tác và cách suy nghĩ. Tác giả gửi gắm thông điệp sâu sắc: khi con người đối mặt với nỗi buồn mất đi người mình yêu thương.
Người thầy đầu tiên Câu chuyện về người thầy giáo hết lòng vì học trò và cô bé An-tư-nai thông minh, lanh lợi. Đây là câu chuyện là tình cảm thầy trò cao quý, thiêng liêng. Câu chuyện gieo niềm tin về nhân cách và nghị lực.

Câu 3 trang 123 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Những đặc điểm cần chú ý của thể loại thơ Đường luật là gì? Chỉ ra và nhận xét một số thủ pháp nghệ thuật trào phúng được sử dụng trong các bài thơ Đường luật ở Bài 7.

Trả lời:

♦ Những đặc điểm cần chú ý của thể thơ Đường luật:

Khái niệm Thơ Đường luật thường được viết bằng hai thể thất ngôn (mỗi câu bảy chữ) và ngũ ngôn (mỗi câu năm chữ).
Hình thức Có hai dạng thơ phổ biến: bát cú (mỗi bài tám câu) và tứ tuyệt (mỗi bài bốn câu).
Bố cục – Bố cục của một bài bát cú gồm bốn phần: đề, thực, luận, kết, mỗi phần có hai câu (gọi là liên). Hai câu đề có nhiệm vụ mở bài, giới thiệu vấn đề mà bài thơ đề cập. Hai câu thực nêu hiện tượng, sự vật, làm rõ hơn ý của đề bài được đưa ra ở hai câu đề. Hai câu luận phát triển rộng thêm ý của bài, có chức năng luận bàn về vấn đề được nói đến ở các câu trên. Hai câu kết có vai trò kết thúc ý toàn bài, thể hiện cảm xúc của nhà thơ; có khi hai câu kết còn gợi ra ý mới để suy nghĩ tiếp.

– Tứ tuyệt được xem như ngắt ra từ một bài bát cú, có bố cục bốn phần (mỗi phần một câu): khởi, thừa, chuyển, hợp. Câu khởi có chức năng mở bài, gợi mở ý thơ. Câu thừa nối tiếp câu khởi để làm trọn vẹn ý thơ. Câu chuyển có nhiệm vụ chuyển ý thơ từ việc phản ánh các sự vật, hiện tượng ở hai câu đầu sang phần gợi mở về bản chất, nguyên nhân của sự vật, hiện tượng được phản ánh. Câu hợp kết hợp với câu chuyển làm cô đúc ý thơ, thể hiện nỗi niềm của tác giả.

Niêm Niêm có nghĩa đen là dính, vì làm cho hai câu thơ thuộc hai liên kết dính với nhau theo nguyên tắc: Ở bài bát cú thì âm tiết (chữ) thứ hai của các câu 1 và 8, 2 và 3, 4 và 5, 6 và 7 phải cùng thanh (niêm) với nhau; ở bài tứ tuyệt là các câu 1 và 4, 2 và 3.
Luật Luật: Thơ Đường luật buộc phải tuân thủ luật bằng trắc. Nếu chữ thứ hai của câu thứ nhất mang thanh bằng thì bài thơ thuộc luật bằng, nếu mang thanh trắc thì là luật trắc.
Vần Thơ Đường luật ít dùng vần trắc. Bài thất ngôn bát cú thường chỉ gieo vần bằng ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8; còn bài thất ngôn tứ tuyệt ở cuối các câu 1, 2, 4.
Nhịp Thơ Đường luật thường ngắt nhịp chẵn trước, lẻ sau, nhịp 4/3 (với thơ thất ngôn) hoặc 2/3 (với thơ ngũ ngôn).
Đối Trong thơ Đường luật, ở phần thực và luận, các chữ ở các câu thơ phải đối nhau về âm, về từ loại và về nghĩa; ví dụ: chữ vần bằng đối với chữ vần trắc, danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ,…

♦ Một số thủ pháp nghệ thuật trào phúng được sử dụng trong các bài thơ Đường luật ở Bài 7:

Mời trầu Cái tôi của Xuân Hương là cái tôi khao khát sống mãnh liệt đó cũng là lí do bà thể hiện sự trào phúng của mình trong bài thơ Mời trầu. Với bà, thơ trào phúng, trước hết là sự giải tỏa nỗi lòng, sau đó còn là một thứ vũ khí để đấu tranh với các thói hư tật xấu, là tấm khiên để bảo vệ những người phụ nữ khác trong xã hội. Bà chạnh lòng với những cảnh ngộ trớ trêu, không như ý, thậm chí đắng cay, chua chát, bà khát khao hạnh phúc.
Vịnh khoa thi hương Bài thơ có 8 câu thì 6 câu đầu đều thể hiện sự trào phúng của tác giả. Việc thi cử ngày xưa vốn là việc hệ trọng của triều đình nhằm kén chọn kẻ sĩ tài giỏi, chọn nhân tài ra làm quan phò vua, giúp nước. Nhưng trong bài thơ, việc này đã thuộc về “nhà nước”, tức thực dân Pháp xâm lược. Việc thi cử vẫn còn thi chữ Hán và theo lệ cũ “ba năm mở một khoa song đã cuối mùa. Và, kẻ chủ xướng là “nhà nước” – là chính phủ bảo hộ. Hai từ “nhà nước” đứng ở ngay đầu bài thơ như một lời mỉa mai về sự thoái vị của triều đình phong kiến trong việc tổ chức thi cử. Đồng thời cũng là lời thông báo về tính chất trào phúng của bài thơ. Câu thơ thứ hai nêu lên tính chất hỗn tạp, nhốn nháo của kỳ thi “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Không có gì hứa hẹn sự trang nghiêm cần có của những kì thi như thế này. Hai câu đề thể hiện thái độ mỉa mai, châm biếm kín đáo và cũng bộc lộ một nỗi buồn sâu lắng trong tâm hồn tác giả.

Câu 4 trang 123 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Nhận xét về nội dung và hình thức nghệ thuật của các văn bản đọc hiểu ở Bài 8:

a) Nội dung chính của các văn bản đọc hiểu là gì? Đề tài và chủ đề của các văn bản truyện lịch sử có gì giống nhau?

b) Nhận xét đặc điểm nổi bật về hình thức thể loại của các văn bản truyện lịch sử và nêu các lưu ý về cách đọc hiểu các truyện này.

Trả lời:

a) Nội dung chính của các văn bản đọc hiểu:

Quang Trung đại phá quân Thanh Kể về Quang Trung, một người thông minh, trí tuệ sáng suốt, khả năng phán đoán tốt, nhạy bén trước thời cuộc. Đồng thời qua đoạn trích, người đọc cảm nhận về vẻ đẹp hào hùng của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ trong chiến công đại phá quân Thanh, sự thảm bại của bọn xâm lược và số phận bi thảm của lũ vua quan phản nước hại dân.
Đánh nhau với cối xay gió Kể câu chuyện về sự thất bại của Đôn Ki-hô-tê đánh nhau với cối xay gió, nhà văn chế giễu lí tưởng hiệp sĩ phiêu lưu, hão huyền, phê phán thói thực dụng thiển cận của con người trong đời sống xã hội.
Bên bờ Thiên Mạc Đoạn trích Bên bờ thiên mạc kể về tình tiết khi Trần Quốc Tuấn giao nhiệm vụ quan trọng và hết sức bí mật cho Hoàng Đỗ, con ông già Màn Trò, một nô tì ở vùng đất Thiên Mạc.

⇒ Đề tài và chủ đề của các văn bản truyện lịch sử đều có nội dung liên quan đến các nhân vật hoặc sự kiện lịch sử. Truyện cũng được nhà văn văn viết hư cấu, tưởng tượng, bổ sung, sáng tạo nhằm tăng tính sinh động cho câu chuyện.

b) Nhận xét:

– Đặc điểm nổi bật về hình thức thể loại của các văn bản truyện lịch sử:

+ Truyện lịch sử có bối cảnh là hoàn cảnh xã hội của một thời kì lịch sử nói chung được thể hiện qua các sự kiện, nhân vật lịch sử, phong tục, tập quán.

+ Nhân vật chính của truyện lịch sử thường là người thật, việc thật, những anh hùng dân tộc; ngoài ra, tác giả còn có thể hư cấu thêm nhiều nhân vật khác.

+ Ngôn ngữ của truyện lịch sử phải phù hợp với bối cảnh của giai đoạn lịch sử mà truyện tái hiện.

+ Truyện lịch sử có hai dạng cốt truyện là cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến.

– Lưu ý khi đọc truyện lịch sử:

+ Truyện viết về sự kiện gì? Cốt truyện, bối cảnh, nhân vật chính trong truyện liên quan như thế nào với lịch sử của dân tộc?

+ Chủ đề, tư tưởng, thông điệp nội dung mà văn bản truyện muốn thể hiện.

+ Một số đặc điểm hình thức nổi bật của truyện (sự kiện, nhân vật, ngôn ngữ mang không khí và dấu ấn lịch sử,…).

+ Những tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết thể hiện qua văn bản truyện.


Câu 5 trang 124 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Các văn bản trong Bài 9 có điểm gì chung? Cần chú ý những gì về cách đọc các văn bản này?

Trả lời:

– Các văn bản trong Bài 9 đều là văn bản nghị luận văn học, có luận đề, luận điểm, lí lẽ chặt chẽ, xác đáng. Bằng chứng cụ thể, rõ ràng, thuyết phục.

– Khi đọc các văn bản này cần chú ý:

+ Vấn đề chính mà văn bản đưa ra để bàn bạc, trao đổi là gì (xác định luận đề)?

+ Có những luận điểm nào được sử dụng trong văn bản?

+ Các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng góp phần làm sáng rõ luận đề như thế nào?

+ Quan điểm, thái độ của tác giả được thể hiện trong văn bản như thế nào?


Câu 6 trang 124 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Đề tài và kiểu bài của các văn bản thông tin ở Bài 10 có gì đặc sắc? Nêu các lưu ý về cách đọc các văn bản thông tin trong Bài 10.

Trả lời:

– Đề tài và kiểu bài của các văn bản thông tin: Giới thiệu về một bộ tác phẩm văn học hoặc một bộ phim. Đây là một loại văn bản thông tin có mục đích trình bày cho người đọc biết các thông tin cơ bản, nổi bật về nội dung, hình thức, giá trị,.. của cuốn sách hoặc bộ phim đó.

– Lưu ý khi đọc các văn bản thông tin:

+ Đọc lướt tên bài, các đề mục lớn nhỏ,… để xác định:

• Văn bản giới thiệu cuốn sách hoặc bộ phim nào?

• Em đã biết gì về cuốn sách hoặc bộ phim đó?

• Người viết có sử dụng thêm các phương tiện phi ngôn ngữ như hình ảnh, sơ đồ,… để chuyển tải thông tin không?

+ Đọc kĩ văn bản để xác định:

• Bố cục của văn bản gồm mấy phần? Thông tin chính trong mỗi phần là gì?  Thông tin trong văn bản được giới thiệu theo trình tự nào?

• Cách trình bày của văn bản (nhan đề, sa pô, các tiểu mục, sự kết hợp kênh chữ và kênh hình,…) có tác dụng gì?

• Văn bản giúp em biết thêm điều gì? Thông tin từ văn bản có ý nghĩa như thế nào với em?


Câu 7 trang 124 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Nêu những điểm giống nhau và khác nhau về phần Đọc hiểu trong sách Ngữ văn 8, tập hai so với Ngữ văn 8, tập một.

Trả lời:

Giống nhau: – Các văn bản đều giúp cho chúng ta hiểu và cảm nhận được tình cảm gia đình, quê hương ấm áp qua những câu chuyện đời thường gần gũi thân quen.

+ Bài 1 là vườn cau của mẹ kể lại những kỉ niệm của nhân vật tôi về người bà.

+ Bài 2 là các bài thơ như Đường về quê mẹ với kí ức của người còn về người mẹ và những lần cùng mẹ về quê nhận họ.

– Các văn bản cung cấp cho chúng ta kho tàng kiến thức về các hiện tượng tự nhiên, các vấn đề xã hội thông qua các bài thuyết minh và nghị luận.

+ Văn bản Sao băng cung cấp cho học sinh những thông tin về hiện tượng Sao băng.

+ Văn bản Hịch tướng sĩ nghị luận về vấn đề đề xã hội thời trung đại.

– Trong hai quyển sách đều rèn luyện cho chúng ta khả đọc hiểu, phân tích và cảm nhận về một tác phẩm văn học.

Khác nhau: Ngữ Văn 8, tập một: Các văn bản đều có nội dung gần gũi, sâu sắc và thiết thực đối với đời sống hiện nay.

Ngữ Văn 8, tập 2: Các văn bản trong sách giúp chúng ta học tập, tìm hiểu các tác phẩm văn học nổi tiếng như Lão Hạc, Hoàng tử bé…; các tác phẩm thơ Đường luật như Mời trầu, Vịnh khoa thi Hương…


VIẾT

Câu 8 trang 124 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Các dạng văn bản cụ thể được luyện viết trong sách Ngữ văn 8, tập hai thuộc những kiểu văn bản nào? Chỉ ra mối quan hệ giữa phần Viết và phần Đọc hiểu của mỗi bài học.

Trả lời:

– Các dạng văn bản cụ thể được luyện viết trong sách Ngữ văn 8, tập hai thuộc những kiểu văn bản: Tự sự, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh.

– Mối quan hệ: Giữa phần Viết và phần Đọc hiểu của mỗi bài học có quan hệ mật thiết với nhau. Mỗi bài viết đều có cùng chủ đề hoặc cùng kiểu văn bản với các văn bản đọc hiểu.


Câu 9 trang 124 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Thống kê các kĩ năng viết được rèn luyện trong sách Ngữ văn 8, tập hai (ví dụ, Bài 10: Tóm tắt nội dung cuốn sách và cách xưng hô trong bài viết). Phân tích ý nghĩa và tác dụng của các kĩ năng nói trên.

Trả lời:

– Các kĩ năng viết được rèn luyện: Phân tích tác dụng của yếu tố hình thức truyện; Phân tích tác dụng của hình thức thơ; Quan hệ giữa vấn đề, ý kiến, lí lẽ và bằng chứng; Câu chuyển đoạn trong bài nghị luận; Nêu lí lẽ và bằng chứng trong phân tích tác phẩm văn học; Tóm tắt nội dung cuốn sách và cách xưng hô trong bài viết.

– Ý nghĩa và tác dụng của các kĩ năng:

+ Phân tích tác dụng của hình thức thơ: Việc rèn luyện các kí năng này giúp chúng ta học được cách phân tích, cảm nhận và đưa ra nhận định về các tác phẩm thơ.

+ Quan hệ giữa vấn đề, ý kiến, lí lẽ và bằng chứng: Giúp chúng ta biết cách viết văn một cách logic, có sức thuyết phục hơn.

+ Câu chuyển đoạn trong bài nghị luận: Giúp chúng ta rèn kĩ năng viết văn có sự liên kết giữa các câu, các đoạn sao cho bài văn có sự mạch lạc,

+ Nêu lí lẽ và bằng chứng trong phân tích tác phẩm văn học: Giúp chúng ta biết cách xác định các luận đề, luận điểm, dẫn chứng, lí lẽ trong một bài văn nghị luận. Từ đó giúp bài văn của mình tăng sức thuyết phục với người đọc, người nghe.

+ Tóm tắt nội dung cuốn sách và cách xưng hô trong bài viết: Việc rèn luyện các kĩ năng này giúp chúng ta biết cách nắm bắt nội dung trọng tâm của một tác phẩm.


Câu 10 trang 124 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Nêu một số điểm khác biệt (mục đích, nội dung, hình thức, lời văn,…) giữa kiểu bài phân tích một tác phẩm thơ và kiểu bài thuyết minh giới thiệu một tác phẩm thơ.

Trả lời:

Phân tích một tác phẩm thơ Thuyết minh giới thiệu một tác phẩm thơ
Mục đích: Khám phá cái hay, cái đẹp trong giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Cung cấp thông tin cơ bản về bài thơ như: nhan đề, thể loại, tác giả, hoàn cảnh ra đời, nội dung, hình thức, giá trị, ý nghĩa…
Nội dung: Người viết đi cảm nhận, phân tích và chỉ ra được những giá trị của các yếu tố hình thức trong việc thể hiện nội dung, chủ đề tác phẩm và nét sáng tạo độc đáo. Giới thiệu về những vấn đề của tác phẩm như: tác giả, hoàn cảnh ra đời,… giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ.
Hình thức: Kết hợp hệ thống luận điểm, luận cứ và các phép lập luận. Trình tự triển khai bài viết: từ khái quát thông tin về tác giả, tác phẩm đến thông tin cụ thể về nội dung, hình thức của bài thơ; từ thông tin khác quan đến ý kiến chủ quan của người đọc, người xem hoặc người giới thiệu.
Lời văn: Rõ ràng, mạch lạc trong hệ thống lý lẽ, dẫn chứng logic, thể hiện quan điểm, cảm xúc của người viết. Thể hiện cái nhìn khách quan, đưa ra thông tin rõ ràng, chuẩn xác.

Câu 11 trang 124 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Các kiểu văn bản được học ở phần Viết trong sách Ngữ văn 8, tập hai có gì khác so với Ngữ văn 8, tập một?

Trả lời:

Kiểu văn bản Nội dung cụ thể phần Viết trong sách Ngữ văn 8, tập một Nội dung cụ thể phần Viết trong sách Ngữ văn 8, tập hai
Tự sự Kể lại một chuyến đi hay một hoạt động xã hội, có dùng yếu tố miêu tả, biểu cảm.
Biểu cảm Bước đầu biết làm một bài thơ sáu chữ, bảy chữ. Viết đoạn van ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ sáu chữ, bảy chữ.
Nghị luận Viết bài nghị luận về một vấn đề của đời sống (nghị luận xã hội) và bài phân tích một tác phẩm văn học (nghị luận văn học). Phân tích một tác phẩm truyện; phân tích một tác phẩm thơ; nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, nghị luận phân tích một tác phẩm kịch
Thuyết minh Giải thích một hiện tượng tự nhiên hoặc giới thiệu một cuốn sách. Viết bài giới thiệu về một cuốn sách.
Nhật dụng Kiến nghị về một vấn đề đời sống.

⇒ Các kiểu văn bản được học ở phần Viết trong sách Ngữ văn 8, tập hai tập chung chủ yếu vào kiểu văn nghị luận và văn thuyết minh.


NÓI VÀ NGHE

Câu 12 trang 124 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Nêu những nội dung chính được rèn luyện về các kĩ năng nói và nghe ở sách Ngữ văn 8, tập hai. Xác định trọng tâm phần Nói và nghe của mỗi bài học.

Trả lời:

Bài Trọng tâm phần Nói và nghe
Bài 6: Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội Rèn luyện cách trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội:

– Một số vấn đề xã hội trong cuộc sống

+ Ngưỡng mộ và mê muội thần tượng.

+ Học sinh cấp Trung học cơ sở sử dụng xe gắn máy phân khối lớn đến trường.

+ Cần biết lựa chọn sách để đọc.

– Một số vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học:

+ Giá trị của tình cha con được gợi ra sau khi học truyện Lão Hạc (Nam Cao).

+ Thái độ cần có của người lớn đối với ước mơ của trẻ em được rút ra sau khi đọc văn bản Trong mắt trẻ (Ê-xu-pe-ri).

+ Suy nghĩ về quê hương, mái trường và người thầy sau khi đọc đoạn trích Người thầy đầu tiên (Ai-ma-tốp).

Bài 7: Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một tác phẩm thơ Yêu cầu cụ thể ở bài này là nghe và tóm tắt nội dung của bài thuyết trình về một bài thơ.
Bài 8 Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một nhân vật lịch sử Rèn luyện kĩ năng nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một nhân vật lịch sử hoặc tác phẩm văn học.
Bài 9: Thuyết trình bài giới thiệu về một vấn đề của tác phẩm văn học Rèn luyện kĩ năng thuyết trình bài giới thiệu về một vấn đề nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm văn học.
Bài 10: Giới thiệu một cuốn sách Học về cách thức giới thiệu một cuốn sách ở phần Viết.

Câu 13 trang 124 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Nêu những yêu cầu cần bảo đảm khi thực hành hoạt động nói và nghe ở sách Ngữ văn 8, tập hai.

Trả lời:

Những yêu cầu cần đảm bảo khi thực hành hoạt động nói và nghe
Khi thực hiện: Người nói:

– Nội dung trình bày:

+ Vấn đề trình bày được nêu rõ ràng, cụ thể.

+ Nội dung phong phú, có trọng tâm, được trình bày lô gích; lí lẽ và bằng chứng làm nổi bật được vấn đề.

– Hình thức trình bày:

+ Bài trình bày có bố cục rõ ràng.

+ Các nội dung minh hoạ có chất lượng.

+ Sử dụng phương tiện hỗ trợ phù hợp.

+ Có sự sáng tạo, tạo được điểm nhấn cho nội dung trình bày.

– Tác phong, thái độ trình bày:

+ Phong thái tự tin, tôn trọng người nghe, sử dụng ngôn ngữ cơ thể sinh động, phù hợp.

+ Nói trôi chảy, mạch lạc, không bị ngắt quãng hoặc không có những từ ngữ chêm xen quá nhiều.

+ Tốc độ nói vừa phải, có nhấn giọng ở những nội dung quan trọng.

+ Nội dung giải đáp thắc mắc cụ thể, ngắn gọn, thoả đáng.

+ Bảo đảm yêu cầu về thời gian trình bày.

Người nghe:

– Lắng nghe, xác định và ghi lại các thông tin chính của bài trình bày, những nội dung cần hỏi lại.

– Thể hiện thái độ chú ý lắng nghe; sử dụng cử chỉ, nét mặt, ánh mắt để khích lệ người nói. – Hỏi lại những điểm chưa rõ (nếu cần); có thể trao đổi thêm quan điểm cá nhân về nội dung của bài trình bày.

Khi nhận xét: Người nói:

– Lắng nghe nhận xét của các bạn và thầy, cô về bài trình bày.

– Rút kinh nghiệm về nội dung, cách thức và thái độ trình bày…

– Tự đánh giá:

+ Điều em hài lòng về bài trình bày của mình là gì?

+ Điều gì em muốn thay đổi trong bài trình bày đó?

Người nghe:

– Kiểm tra việc nghe và ghi chép các nội dung thông tin đã chính xác chưa.

– Nêu nhận xét về nội dung, hình thức bài trình bày.

– Đánh giá:

+ Em thấy bài trình bày của bạn có thuyết phục không? Vì sao?

+ Điều em rút ra được từ bài trình bày của bạn là gì?


TIẾNG VIỆT

Câu 14 trang 124 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Nêu nội dung chính của phần tiếng Việt được học trong sách Ngữ văn 8, tập hai. Các nội dung này có mối quan hệ như thế nào với phần Đọc hiểu, Viết, Nói và nghe?

Trả lời:

– Nội dung chính của phần tiếng Việt được học trong sách Ngữ Văn 8: Từ ngữ, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp, sự phát triển của ngôn ngữ.

– Nội dung chính của phần tiếng Việt được học trong sách Ngữ văn 8, tập hai:

+ Bài 6: Từ ngữ toàn dân, từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội.

+ Bài 7: Đảo ngữ, câu hỏi tu từ, từ tượng hình và từ tượng thanh.

+ Bài 8: Câu khẳng định và câu phủ định.

+ Bài 9: Thành phần biệt lập trong câu.

+ Bài 10: Câu hỏi, câu khiến, câu cảm, câu kể.

– Mối quan hệ với phần Đọc hiểu, Viết, Nói và nghe: Các nội dung này là những vấn đề được sử dụng nhiều trong các văn bản của phần đọc hiểu và được áp dụng trong quá trình viết bài, quá trình rèn luyện kỹ năng nói và nghe.


Câu 15 trang 124 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Nêu một số biện pháp tu từ có trong các bài thơ đã học ở Bài 7 và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ mà em thấy nổi bật.

Trả lời:

Một số biện pháp tu từ có trong các bài thơ đã học ở Bài 7 là: ẩn dụ, đảo ngữ, câu hỏi tu từ.

Ví dụ: Ẩn dụ trong bài thơ Mời trầu

– “Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi“: khác với miếng trầu têm cánh phượng khéo léo trang trọng, câu thơ cho thấy sự giản dị, bình thường nhất. Vẫn là quả cau, miếng trầu nhưng lại không được toàn vẹn, ý nói sự nghèo khó, thiếu thốn, không hoàn hảo. Người phụ nữ chỉ có sự khéo léo, tấm lòng nhưng lại nghèo khó,…

– “Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá bạc như vôi“: ý nói nếu giữa cô gái và chàng trai có tình cảm với nhau thì hãy như sự xúc tác giữa miếng trầu và vôi, khi nhai sẽ tạo ra màu đỏ. Đừng như vẻ bề ngoài: trầu lá xanh, vôi bạc trắng. Như thế ẩn dụ ấy cho thấy niềm mong muốn của Hồ Xuân Hương trong tình yêu: con người đừng như những thực thể xa cách mà hãy yêu nhau hết lòng, dành tình cảm cho nhau. Điều này cũng được thể hiện trong nhiều vần thơ khác của Hồ Xuân Hương: Làm lẽ, Tự tình,…

⇒ Không muốn chia sẻ tình cảm, không muốn người mình yêu năm thê bảy thiếp….


TỰ ĐÁNH GIÁ CUỐI HỌC KÌ I

I. Đọc hiểu

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

(1) Truyện Lá cờ thêu sâu chữ vàng có rất nhiều nhân vật, tất cả đều được xây dựng để đặt vào mối quan hệ với nhân vật chính là người anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản. Mới chỉ 15 tuổi nhưng Trần Quốc Toản đã không chịu được sự hống hách, ép bức cùng cực của vua tôi nhà Nguyên, đã một mực xin mẹ được chiêu mộ binh lính đánh giặc.

(2) Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng tính cách quyết đoán, gan dạ và khí phách anh hùng dòng dõi nhà Trần của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đã được bộc lộ rõ qua từng suy nghĩ, hành động, cử chỉ. Lá cờ với dòng chữ “Phả cường địch bảo hoàng ân” chính là minh chứng rõ nhất về cốt cách, tài năng hơn người của Trần Quốc Toản.

(3) Nguyễn Huy Tưởng là tác giả của những truyện và tiểu thuyết lịch sử hào hùng, oanh liệt. Ông được coi là cây bút hàng đầu về đề tài lịch sử với nhiều thể loại tiêu biểu. Và nổi bật nhất trong đó là vở kịch Vũ Như Tô và tác phẩm Lá cờ thêu sâu chữ vàng. Không phải ngẫu nhiên mà ông được đánh giá vào hàng những cây bút xuất sắc trong mảng lịch sử. Yêu cầu quan trọng nhất khi viết về đề tài này là người viết phải cung cấp thông tin liên quan đến sự vật, sự việc một cách chính xác, có độ tin cậy cao, không chỉ là xoay quanh những cảm xúc, suy nghĩ, hành động của nhân vật chính mà là cả những chi tiết, diễn biến nhỏ như nhân vật phụ, thời gian, địa điểm,…. Và Nguyễn Huy Tưởng đã làm được việc ấy một cách rất xuất sắc. Ông khéo léo dựa trên nền tảng vững chắc là lịch sử hào hùng của nước nhà, chắp thêm cánh cho nó để biến thành một truyện lịch sử vừa hấp dẫn vừa cung cấp cho người đọc hiểu biết về những sự kiện đã xảy ra.

(4) Như trong chính tác phẩm này, cái tài tình của Nguyễn Huy Tường nằm ở chỗ ông hình dung và xác lập ra những mốc thời gian, địa điểm của từng tình tiết nhỏ một cách chi tiết, khoa học và lô gích. Hay việc ông đặt mình vào nội tâm từng nhân vật để từ đó nêu bật được những suy nghĩ, cảm xúc của họ, kể cả tuyến nhân vật phụ như: mẹ của Trần Quốc Toản, Thế Lộc, Toa Đô,… rất hợp lí, hợp tình. Để từ đó, người đọc thâu tóm, bao quát được bức tranh sự kiện và có cái nhìn rõ hơn về từng nhân vật lịch sử.

(Theo HOÀNG THẢO, hoahoctro.tienphong.vn, 2-5-2020)

Chọn phương án trả lời đúng cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 5)

Câu 1 trang 126 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Đoạn trích trên giới thiệu về vấn đề gì?

A. Về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng

B. Về tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng và Nguyễn Huy Tưởng

C. Về tài năng nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

D. Về một số nhân vật trong tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng

Trả lời:

⇒ Đáp án: B. Về tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng và Nguyễn Huy Tưởng.


Câu 2 trang 126 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Có thể xem đoạn trích trên thuộc kiểu bài viết nào?

A. Giới thiệu về một nhà văn

B. Phân tích tác phẩm văn học

C. Giới thiệu về một cuốn sách

D. Kể lại một truyện lịch sử

Trả lời:

⇒ Đáp án: C. Giới thiệu về một cuốn sách.


Câu 3 trang 127 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Đoạn văn nào tóm tắt nội dung chính của tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng?

A. (1) và (2)

B. (1) và (3)

C. (2) và (4)

D. (2) và (3)

Trả lời:

⇒ Đáp án: A. Đoạn văn (1) và (2).


Câu 4 trang 127 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Đoạn văn nào đánh giá tài năng viết tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng?

A. (2) và (3)

B. (1) và (2)

C. (3) và (4)

D. (1) và (3)

Trả lời:

⇒ Đáp án: C. Đoạn văn (3) và (4).


Câu 5 trang 127 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Ghép tiếng “hào” trong các từ ở cột A với nghĩa phù hợp ở cột B:

A B
a) Hào hùng 1) rãnh rộng và sâu để làm công sự hoặc đi lại, vận chuyển an toàn
b) Hô hào 2) phi thường; người có tài trí xuất chúng
c) Chiến hào 3) kêu gọi
d) Hào kiệt 4) có khí thế mạnh mẽ và sôi nổi

Trả lời:

a – 4) b – 3) c – 1) d – 2)

Câu 6 trang 127 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Trong văn bản có nêu: “Yêu cầu quan trọng nhất khi viết về đề tài này là người viết phải cung cấp thông tin liên quan đến sự vật, sự việc một cách chính xác, có độ tin cậy cao…”. Em hiểu “đề tài này” là đề tài nào? Vì sao đề tài ấy phải đáp ứng được yêu cầu đã nêu?

Trả lời:

– Đề tài: truyện lịch sử.

– Đề tài ấy phải đáp ứng được yêu cầu đã nêu vì truyện lịch sử khi được viết ra bắt buộc phải dựa vào sự thật, không được sai lệch.


Câu 7 trang 127 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

“Ông khéo léo dựa trên nền tảng vững chắc lịch sử hào hùng của nước nhà, chắp thêm cánh cho nó để biến thành một tiểu thuyết lịch sử vừa hấp dẫn vừa cung cấp cho người đọc hiểu về những sự kiện đã xảy ra”. Em hiểu cụm từ “chắp thêm cánh” ở đây là chỉ việc gì?

Trả lời:

Chỉ việc nhà văn đã thổi hồn vào nhân vật và câu chuyện, tạo ra các hình tượng nghệ thuật giúp người đọc dễ dàng hình dung, tưởng tượng.


II. Viết

Chọn một trong hai đề sau để viết thành bài văn ngắn:

Đề 1: Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8.

Đề 2: Phân tích bài thơ sau:

BÁNH TRÔI NƯỚC

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

(Hồ Xuân Hương, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập III, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1963)

Đề 1. Phân tích một tác phẩm truyện mà em thấy sâu sắc nhất trong sách Ngữ văn 8: Người Thầy Đầu Tiên

Bài tham khảo:

Người Thầy Đầu Tiên là truyện ngắn xuất sắc của Ai-tơ-ma-tốp về thầy Duy-sen qua hồi ức của bà viện sĩ An-tư-nai Xu-lai-ma-nô-va là học trò trước đây của thầy Duy-sen.

Hình ảnh một người thầy tuyệt đẹp và đáng kính nhất là cảm xúc sâu sắc nhất của mỗi chúng ta khi đọc truyện ngắn này. Khi tới quê hương miền núi của bé An-tu-nai. Thầy Duy-sen còn trẻ lắm. Trình độ học vấn của thầy lúc đó không cao nhưng trong lòng thầy đầy lòng nhân hậu và sôi sục nhiệt huyết cách mạng. Thầy giáo một mình lao động hàng tháng trời, phạt cỏ, trát lại vách, sửa cánh cửa, quét dọn cái sân…, biến chuồng ngựa bỏ hoang lâu năm của một phú nông thành một ngôi trường khiêm tốn cạnh hẻm núi, cạnh con đường vào cái làng nhỏ ở Kir-ghi-di, một vùng nghèo và lạc hậu ở Trung Á.

Khi An-tư-nai cùng lũ trẻ tò mò đến thăm trường “xem thử thầy giáo đang làm gì, ở đấy cũng hay” thì thấy thầy “từ trong cửa bước ra, người bê bết đất”. Thầy Duy-sen “mỉm cười, niềm nở” lau mồ hôi trên mặt rồi nhẹ nhàng hỏi: “Đi đâu về thế, các em gái” Trước các “khách mời” nhỏ tuổi, thầy ân cần nói: “Các em ghé vào đây xem là hay lắm, các em chả sẽ học tập ở đây là gì? Còn trường của các em thì có thể nói là đã xong đến nơi rồi…?”

Duy-sen thực sự là một giáo viên tuyệt vời, cử chỉ của thầy rất hồn nhiên. Thầy dịu dàng nói những lời ấm áp làm rung động trái tim các em. Đó là lần đầu tiên thầy gặp những đứa trẻ xa lạ, đã nhìn thấy rõ ràng và hiểu được mong muốn, khao khát học tập của các em: “các em chả sẽ học tập ở đây là gì?” Thầy “khoe” với các em cách đắp lò sưởi vào mùa đông…, thầy báo tin vui là trường học đã làm xong và “có thể bắt đầu học được rồi”. Thầy mời chào hay khích lệ? Thầy nói bằng tất cả tình yêu thương bao la của mình với những đứa trẻ dân tộc miền núi chưa từng biết đến trường học là gì: “Thế nào, các em có thích học không? Các em sẽ đi học chứ?”

Thầy Duy-sen thực sự rất tài năng và có kinh nghiệm giảng dạy sư phạm. Chỉ sau vài phút gặp gỡ và vài lời nhẹ nhàng, thầy đã chiếm lĩnh được tâm hồn tuổi thơ. Thầy đã khơi dậy trong lòng những đứa trẻ miền núi khát khao được đến trường.

Trường hợp của An-tu-nai, thầy đã nhìn thấu tâm hồn em, thông cảm với hoàn cảnh mồ côi của em, an ủi và khen ngợi em một cách chân thành: “An-tư-nai, cái tên hay quá, mà em thì chắc là ngoan lắm phải không?” Những lời nói này cùng với nụ cười dịu dàng của Duy-sen đã khiến cô bé dân tộc thiểu số  bất hạnh “thấy ấm lòng hẳn lại”.

Duy-sen là người thầy đầu tiên, người thầy đã khai sáng cho An-tu-nai. Thầy hiền hậu, yêu thương tuổi thơ. Thầy đã khơi dậy nhiệt huyết, niềm khao khát được đến trường trong lòng học sinh. Duy-sen là hình ảnh tuyệt đẹp của một người thầy tuổi thơ. Con đường của tuổi trẻ là con đường giáo dục. Rất nhiều thầy cô đã hướng dẫn các bạn và tất cả chúng ta trên con đường đầy nắng đẹp này. Giống như An-tu-nai, mỗi chúng ta luôn có những người thầy tuyệt vời Duy-sen đẹp đẽ trong tâm hồn.

Ai-ma-top viết truyện ngắn dưới dạng một hồi ức chân thật, cảm động. Tác giả đề cập đến với tất cả sự ca ngợi và yêu mến hình ảnh Duy-sen – người thầy đầu tiên – và hình ảnh An-tu-nai, một cô bé mồ côi khao khát được đến trường. Người thầy trong  truyện ngắn là người thầy của tình yêu thơ trẻ, mang ánh sáng cách mạng làm thay đổi cuộc đời mỗi người. Ngọn lửa tình yêu tỏa sáng qua những trang viết của Ai-ma-top, mãi mãi sưởi ấm trái tim con người. Thầy Duy-sen càng trở nên gần gũi hơn tròn tình yêu tuổi thơ của chúng ta.


Đề 2. Phân tích bài thơ Bánh trôi nước

Bài tham khảo:

Bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương đã thể hiện sự trân trọng trước vẻ đẹp, phẩm chất trong trắng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Đồng thời, tác giả cũng bày tỏ niềm thương cảm cho cuộc đời lận đận của họ:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Bài thơ mang hai nét nghĩa. Trước hết là nét nghĩa tả thực – miêu tả hình ảnh bánh trôi nước. Tác giả đã miêu tả hình dáng bên ngoài: màu sắc (vừa trắng), hình dáng (vừa tròn). Cùng với đó là cách thức làm bánh luộc bánh trong nước, khi nào bánh nổi lên mặt nước có nghĩa là đã chín. Bên trong nhân bánh thường được làm bằng đường phên. Viên bánh rắn hay nát phụ thuộc vào tay người nắn có khéo léo. Hình ảnh tả thực chiếc bánh trôi từ hình thức đến cách thức.

Nhưng không chỉ mang nét nghĩa như vậy, Hồ Xuân Hương còn muốn nói đến vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa qua hình ảnh “bánh trôi nước”. Mở đầu bằng cụm từ “thân em” – đây là một mô-típ đã rất quen thuộc trong ca dao:

“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”

Hay như:

“Thân em như ớt chín cây
Càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng”

Ở bài thơ “Bánh trôi nước” hay các bài ca dao, dân ca đều xuất phát từ niềm thương cảm, xót xa cho số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. Họ là những con người nhỏ bé trong xã hội. Cuộc đời trôi nổi, bấp bênh và không được tự quyết định cuộc sống của bản thân, chịu sự chi phối của người khác.

Vẻ đẹp của người phụ nữ hiện lên “vừa trắng lại vừa tròn” gợi ra một thân hình khá đầy đặn, nước da trắng hồng. Đó là chuẩn mực của người phụ nữ đẹp trong xã hội xưa. Xinh đẹp là vậy, nhưng cuộc đời lại nhiều bất hạnh. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” gợi ra một cuộc đời vất vả, gặp nhiều gian truân. Câu thơ “rắn nát mặc dầu tay kẻ nạn” đã nói lên số phận phải phụ thuộc vào người khác, không được tự mình quyết định. Nhưng dù có chịu nhiều bất hạnh, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương vẫn gìn giữ được tâm hồn cao quý: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. : Dù cuộc đời có khó khăn, khổ cực thì họ vẫn giữ được tấm lòng thủy chung, son sắc và không thay đổi. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên với đầy đủ nét đẹp từ ngoại hình đến tâm hồn. Bài thơ sử dụng ngôn ngữ bình dị, hình ảnh ẩn dụ, thể thơ thất ngôn tứ tuyệt cô đọng, hàm súc… nhằm làm nổi bật nên ý nghĩa mà nhà thơ muốn gửi gắm.

Như vậy, “Bánh trôi nước” là một tác phẩm giàu giá trị nhân văn sâu sắc. Từ đó, chúng ta cần phải trân trọng, yêu thương những người phụ nữ hơn.


Bài trước:

👉 Soạn bài Hướng dẫn tự học trang 122 sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì II Ngữ Văn 8 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 8 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com