Nội Dung
Hướng dẫn soạn Bài 10. SÁCH – NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH. Nội dung bài Soạn bài Thách thức đầu tiên: Đọc như một hành trình sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Kết Nối Tri Thức giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 8, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.
THÁCH THỨC ĐẦU TIÊN
Đọc như một hành trình
Trước khi đọc
Câu 1 trang 117 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Xây dựng mục tiêu đọc sách của cá nhân em hoặc nhóm học tập trước khi thực hiện dự án đọc sách.
Trả lời:
– Tăng thêm kiến thức, hiểu biết.
– Rèn luyện tính nhẫn nại, kiên trì.
– Củng cố tâm hồn, nhân cách để giúp bản thân phát triển ngày càng hoàn thiện hơn.
– Mỗi một cuốn sách đều mang một nội dung kiến thức bổ ích.
– Đọc càng nhiều sách sẽ càng tiếp thu được nhiều tri thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
– Giúp cho tâm hồn trở nên trong sáng, yên bình, qua những khó khăn, thử thách.
Câu 2 trang 117 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Lập danh mục sách theo chủ đề và thể loại phù hợp với mục tiêu đọc sách đã xây dựng và lên kế hoạch cụ thể để thực hiện hoạt động đọc sách hiệu quả.
Trả lời:
Có rất nhiều những cuốn sách hay và bổ ích để em có thể bổ xung vào tủ sách của bản thân. Mỗi cuốn sách theo lĩnh vực, thể loại,… đều bổ ích, đáng để đọc. Hãy tìm hiểu và chọn lọc những cuốn phù hợp với mục tiêu mà em đã đề ra trước đó.
Cùng đọc và trải nghiệm
Đọc như sự đón đợi
Để tìm và chọn cuốn sách phù hợp với sở thích và mục tiêu của mình, em có thể đọc từ phần mở đầu (nhan đề, để từ hoặc lời tựa và khám phá từng phần của cuốn sách). Tuy nhiên, trước khi chọn đọc một cuốn sách, có thể tìm hiểu qua các văn bản giới thiệu sách.
Để thu hút sự chú ý, tạo tâm lí đón đợi của độc giả, trước khi công bố tác phẩm, nhà xuất bản hoặc đơn vị phát hành thường sử dụng các văn bản giới thiệu sách. Ô đầu cuốn sách thường có lời giới thiệu cung cấp những thông tin đáng chú ý về hoàn cảnh ra đời, tác giả, đề tài, chủ đề, ý nghĩa, mục đích của người viết, đồng thời nêu bật những điểm riêng, thủ vị nhầm gợi sự hứng thú, khiến độc giả muốn tìm hiểu tác phẩm.
Em hãy đọc văn bản dưới đây để hiểu rõ về văn bản thông tin giới thiệu một cuốn sách.
Đọc văn bản
Lời giới thiệu cuốn sách Nhóc Ni-cô-la: những chuyện chưa kể
Theo dõi trang 118 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Nhan đề, thể loại, hoàn cảnh ra đời của cuốn sách.
Trả lời:
Nhan đề “Nhóc Ni-cô-la: những chuyện chưa kể” cho biết thông tin về tên nhân vật Nhóc Ni-cô-la và những điều độc giả chưa biết về nhân vật quen thuộc này.
Thể loại: truyện.
Hoàn cảnh ra đời: Đã được viết từ rất lâu nhưng nhiều tác phẩm chưa chính thức công bố rộng rãi.
Theo dõi trang 118 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Đề tài và đặc điểm nổi bật về nội dung, nghệ thuật của cuốn sách.
Trả lời:
Đề tài: Những câu pha trò mới tinh của cậu học trò nổi tiếng nhất trong số những cậu nhóc tiểu học. Đề tài quen thuộc nhưng câu chuyện lại có tính mới mẻ, không hề nhàm chán.
Nội dung: Bao gồm cả phần truyện và tranh được giới thiệu là một thế giới “đầy chất hiện thực”, đồng thời cũng là một “thế giới kì diệu nơi con trẻ nhìn các bậc phụ huynh bằng con mắt tỉnh táo, châm biếm nhưng vẫn trìu mến và nơi ấy người lớn, về phần mình giải quyết một cách non nớt những vấn để cứ như là thực”.
Nghệ thuật: “kết hợp tuyệt vời giữa thứ ngôn ngữ trẻ thơ của Gô-xi-nhi với nét vẽ thi vị, vui nhộn và đầy khác biệt của Xăng-pê”.
Theo dõi trang 118 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Những điểm đáng chú ý về tác giả và giá trị độc đáo của cuốn sách.
Trả lời:
Tác giả cuốn sách là hai người bạn tri âm, tri kỉ. Đó là tình bạn đặc biệt giữa nhà văn và hoạ sĩ minh hoạ cho cuốn sách.
Giá trị độc đáo của cuốn sách: Không chỉ có phần truyện độc đáo và hấp dẫn mà còn có phần minh hoạ chắc hẳn cũng rất thú vị. “Mọi thế hệ đều bị tác phẩm không thể xếp hạng và vô cùng lí thú này quyến rũ”.
Theo dõi trang 119 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Cách thu hút sự chú ý và khích lệ người đọc tìm hiểu cuốn sách.
Trả lời:
Cách thu hút sự chú ý và khích lệ người đọc tìm hiểu cuốn sách: Lời giới thiệu khiến độc giả cảm nhận rằng những chuyện chưa kể về Nhóc Ni-cô-la dường như không bao giờ hết. Sức hấp dẫn của cuốn sách như một cuộc phiêu lưu không giới hạn hoặc mỗi lần xuất hiện của nhân vật như một lần bước ra sân khấu – luôn chứa đựng bất ngờ.
Sau khi đọc
Nội dung chính:
Văn bản là lời giới thiệu cuốn sách “Nhóc Ni-cô-la: những chuyện chưa kể” do chính con gái của nhà văn Rơ-nê Gô-xi-nhi viết về tác phẩm của cha mình.
TRẢ LỜI CÂU HỎI
Câu 1 trang 119 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Có điều gì đáng lưu ý về mối quan hệ giữa nhan đề, hoàn cảnh ra đời và sức hấp dẫn của cuốn sách trong lời giới thiệu của người viết?
Trả lời:
→ Cách đặt vấn đề của lời giới thiệu cuốn sách như vậy rất thành công: vừa làm nổi bật được điểm độc đáo, mới lạ của cuốn sách, vừa kết nối với những hiểu biết của độc giả về nhân vật chính trong cuốn sách.
Hoặc:
Nhan đề Nhóc Ni-cô-la: Những chuyện chưa kể được xuất bản vào tháng 10 năm 2004 cùng với 45 mẩu chuyện chưa được kể khiến độc giả tò mò về cuốn sách, tạo nên mối quan hệ gắn kết giữa nhan đề, hoàn cảnh ra đời và sức hấp dẫn của cuốn sách
Câu 2 trang 119 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Theo lời giới thiệu, đề tài và đặc điểm nội dung, nghệ thuật của cuốn sách có gì đặc biệt?
Trả lời:
– Đề tài của cuốn sách quen thuộc nhưng câu chuyện lại có tính mới mẻ, không hề nhàm chán: “Một lần nữa, các tác giả lại khiến ta ngạc nhiên khi dẫn dắt nhân vật của họ đến những tình huống chẳng ai ngờ tới”.
– Nội dung của cuốn sách bao gồm cả phần truyện và tranh được giới thiệu là một thế giới “đầy chất hiện thực”, đồng thời cũng là một “thế giới kì diệu nơi con trẻ nhìn các bậc phụ huynh bằng con mắt tỉnh táo, châm biếm nhưng vẫn trìu mến và nơi ấy người lớn, về phần mình giải quyết một cách non nớt những vấn để cứ như là thực”. Cách giới thiệu này rất giản dị nhưng lại tạo được sức hút, gợi trí tò mò.
– Theo lời người giới thiệu, cuốn sách là sự “kết hợp tuyệt vời giữa thứ ngôn ngữ trẻ thơ của Gô-xi-nhi với nét vẽ thi vị, vui nhộn và đầy khác biệt của Xăng-pê”. Người viết lời giới thiệu trình bày thật giản dị, ngắn gọn nhưng làm nổi bật sự độc đáo về nghệ thuật của cuốn sách.
Câu 3 trang 119 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Người giới thiệu nhấn mạnh điều gì về mối quan hệ đặc biệt giữa các tác giả và sự độc đáo của cuốn sách?
Trả lời:
– Mối quan hệ, tình bạn đặc biệt giữa nhà văn và hoạ sĩ minh hoạ cho cuốn sách: “Khi mà những kỉ niệm thơ ấu của hai nhà kịch nghệ nổi tiếng ấy chính là khởi nguồn cho sự sáng tạo này?”: Nhà văn và hoạ sĩ minh hoạ là những người bạn tri âm tri kỉ, thấu hiểu nhau.
– Cuốn sách được giới thiệu không chỉ có phần truyện độc đáo và hấp dẫn mà còn có phần minh hoạ chắc hẳn cũng rất thú vị. Đó chính là một cách gợi mở với độc giả thêm một điểm khác biệt quan trọng của cuốn sách.
Câu 4 trang 119 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Cách thu hút và khích lệ người đọc tìm hiểu cuốn sách trong lời giới thiệu có điểm gì đáng chú ý?
Trả lời:
Cách trình bày của người viết lời giới thiệu khiến độc giả cảm nhận rằng những chuyện chưa kể về Nhóc Ni-cô-la dường như không bao giờ hết. Sức hấp dẫn của cuốn sách như một cuộc phiêu lưu không giới hạn hoặc mỗi lần xuất hiện của nhân vật như một lần bước ra sân khấu – luôn chứa đựng bất ngờ.
VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC
Tìm đọc một cuốn sách có liên quan đến một chủ đề hoặc thuộc một thể loại trong bài học của Ngữ văn 8 và viết lời giới thiệu cuốn sách đó (khoảng 8 – 10 câu).
Bài tham khảo 1:
(1) Ở chương trình Ngữ văn 8, em được học về nhiều thể loại văn học, trong đó truyện ngắn là thể loại em yêu thích nhất và “Gió lạnh đầu mùa” của nhà văn Thạch Lam chính là một cuốn sách gồm các tác phẩm thuộc thể loại đó. (2) Tác giả Thạch Lam đã khéo léo miêu tả những đặc điểm thiên nhiên đặc trưng của vùng Bắc Bộ vào ngày gió mùa đầu tiên trong năm, khiến người đọc như cảm giác được những cơn gió lạnh lẽo rít qua tâm trí mình. (3) Trong bối cảnh đó, những đứa trẻ nhỏ dại với trái tim ấm áp đã xuất hiện, đó chính là chị em Sơn. (4) Tuy là hai đứa trẻ của gia đình giàu có, nhưng chúng vẫn chơi thân với cái Hiên – một đứa trẻ nhà nghèo mà không có sự phân biệt nào cả. (5) Khi thấy Hiên co ro trong tấm áo cũ rách bươm trước gió mùa, Sơn và chị đã rủ nhau lấy áo bông cho Hiên mặc. (6) Hành động ấy đã khắc họa rõ nét hai trái tim trong sáng và ấm áp của hai đứa trẻ ngây thơ. (7) Cuối câu chuyện, mẹ của Hiên đã mang áo đến trả cho mẹ của Sơn và được mẹ Sơn cho vay tiền về may áo ấm cho con. (8) Hành động của mẹ Sơn vừa ấm áp, lại tế nhị, giúp mẹ con Hiên vừa được giúp đỡ lại không bị khó xử. (9) Cả tác phẩm Gió lạnh đầu mùa là một áng văn ấm áp tình người, giúp sưởi ấm trái tim người đọc và thật sự xứng đáng là một truyện ngắn tâm đắc cho mọi tủ sách.
Bài tham khảo 2:
Cuốn sách “Tuổi thơ dữ dội” kể về cuộc đời chiến đấu hoàn toàn có thật của những chiến sĩ thuộc tổ trinh sát Trung Đoàn Trần Cao Vân, những chú bé chỉ mới trạc 13, 14 tuổi đời. Sách được chia làm 8 phần, mỗi phần lại là một câu chuyện, kể về những người lính nhỏ tuổi khác nhau. Với tôi “Tuổi thơ dữ dội” là ước mơ, là bản thiên anh hùng ca và là khúc bi tráng của lớp trẻ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Những cái tên như Lượm, Mừng, Quỳnh … những nhân vật thật đã đi vào lịch sử trở nên quen thuộc và gần gũi hơn bao giờ hết. Chiến tranh khi nào cũng vậy, bi thương, đầy máu và nước mắt nhưng đôi lúc, dựa theo những dòng văn cảm xúc dạt dào, đầy hồn nhiên và giản dị như chính các bạn thiếu niên trong truyện, người đọc lại khẽ bật cười, khúc khích với những câu nói đùa vô tư, những cách suy nghĩ trẻ con vui đến lạ mà tác giả đã khéo léo đưa vào câu chuyện. Cười thì cười thật đấy nhưng chính chúng ta vẫn cảm thấy nhói đau, cay cay khóe mắt vì ẩn sâu bên trong những mẩu chuyện ngộ nghĩnh ấy, lại là sự thật bi thương đến đau lòng.
Đọc như một cuộc thám hiểm
Mỗi tác phẩm văn học là một thế giới đời sống phong phú, sinh động. Tác giả đã tưởng tượng và tái hiện bằng ngôn từ hoàn cảnh, không gian, thời gian, con người với những đặc điểm riêng về tính cách biểu hiện cụ thể qua ngoại hình, hành động, lời nói, suy nghĩ…. Qua trang sách, những vùng đất, những miền quê với phong tục, tập quán khác nhau hiện lên rõ nét. Cũng qua trang sách, những thời đại, giai đoạn hoặc khoảnh khắc của lịch sử, của cuộc đời con người được khắc hoạ. Đọc, vì thế, cũng có thể coi như một hành trình, một cuộc thám hiểm và sách là bạn dẫn đường, là người đồng hành nhưng cũng là một thế giới mới trong chuyến phiêu lưu thú vị này.
Sau khi chọn cuốn sách yêu thích, em hãy lập nhật kí đọc sách như là nhật kí hành trình. Thử về một sơ đồ về hành trình đọc (giống như sơ đồ của một cuộc thám hiểm) với những biển chỉ đường là các câu hỏi sau đây:
Câu 1 trang 120 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Nhan đề của cuốn sách có gì đáng chú ý? Chỉ ra mối quan hệ giữa nhan đề với một số yếu tố trong tác phẩm (thể loại, đề tài, nhân vật,…)
Trả lời:
Nhan đề: Người thầy đầu tiên → giới thiệu về câu chuyện kể về người thầy đầu tiên và có ý nghĩa thiêng liêng trong đời
Mối quan hệ giữa nhan đề với các yếu tố khác: Nhan đề tiết lộ thể loại tự sự, đề tài về người thầy và nhân vật xuất hiện chắc chắn sẽ có hình ảnh người thầy.
Hoặc:
– Nhan đề: câu chuyện kể về người thầy đầu tiên và có ý nghĩa thiêng liêng trong đời
– Mối quan hệ: Nhan đề tiết lộ thể loại tự sự, đề tài về người thầy và nhân vật xuất hiện chắc chắn sẽ có hình ảnh người thầy.
Câu 2 trang 120 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Đề tài gì được tác giả khai thác ở cuốn sách? Cách chọn đề tài cho thấy tác giả quan tâm đến những vấn đề nào của đời sống?
Trả lời:
Đề tài người thầy được tác giả khai thác ở cuốn sách. Cách chọn đề tài cho thấy tác giả quan tâm đến tình cảm thầy trò và tấm lòng biết ơn trong đời sống.
Câu 3 trang 120 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Những sự việc, chi tiết nào thể hiện dấu ấn của trí tưởng tượng trong tác phẩm?
Trả lời:
Tác phẩm tựa như một câu chuyện có thật, không có dấu ấn của trí tưởng tượng.
Câu 4 trang 120 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Vì sao tác phẩm trở nên hấp dẫn đối với người đọc?
Trả lời:
Tác phẩm trở nên hấp dẫn nhờ ngôn từ giản dị, cốt truyện nhẹ nhàng khơi gợi nhiều suy tư trong tâm tưởng người đọc. Qua đó, nêu lên một thông điệp đắt giá về tình thầy trò khiến người đọc phải nghĩ ngợi về chính thái độ và tình cảm của bản thân.
Câu 5 trang 120 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Những chi tiết, sự việc hoặc nhân vật nào để lại cho em ấn tượng sâu đậm nhất?
Trả lời:
Nhân vật khiến em ấn tượng nhất là thầy Đuy-sen. Thầy là một người chu đáo, tận tâm và rất yêu thương học trò.
Câu 6 trang 120 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Nếu được nhà văn cho phép thay đổi một số chi tiết, sự việc trong tác phẩm, em sẽ chọn thay đổi điều gì? Vì sao?
Trả lời:
Nếu được nhà văn cho phép thay đổi một số chi tiết, sự việc trong tác phẩm, em sẽ tạo ra tình huống hội ngộ của An-tư-nai và thầy Đuy-sen để An-tư-nai có cơ hội bộc lộ tình cảm biết ơn, trân quý của mình đối với thầy giáo.
Câu 7 trang 120 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Chủ đề của tác phẩm là gì? Chủ đề này có liên quan như thế nào với những vấn đề của đời sống hiện tại?
Trả lời:
Chủ đề của tác phẩm là tình cảm thầy trò. Nó liên quan mật thiết đến vấn đề nhức nhối trong cách cư xử của học sinh đối với thầy cô giáo trong trường học. Các bạn học sinh cần nghiêm túc suy nghĩ về công lao và tâm tư của người thầy, để thấu hiểu và biết ơn những gì mà thầy cô đã dành cho mình.
Đọc để đồng hành và chia sẻ
Để có thể viết nên được những tác phẩm có giá trị, tác giả phải thực sự đắm mình vào đời sống. Không chỉ bắt nguồn từ xúc cầm mãnh liệt, một tác phẩm còn là kết tinh bao trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời, con người và cả về chính mình. Chính vì thế, đọc tác phẩm cũng là đồng hành với tác giả để có thể hiểu tác phẩm, chia sẻ và đồng cảm với thế giới tinh thần của nhà văn, nhà thơ.
Đôi khi, chúng ta may mắn được nghe chính tác giả nói về tác phẩm của mình trong một cuộc trò chuyện tâm tình, một cuộc gặp gỡ, phỏng vấn. Đó cũng là dịp tác giả chia sẻ về mối quan hệ giữa trang sách và cuộc sống, giữa tác phẩm và hoàn cảnh ra đời của nó, hoặc những điều đã gợi lên cảm hứng, ý tưởng để tác giả viết nên tác phẩm.
Câu 1 trang 120 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Đọc những lời tâm tình của nhà thơ Y Phương về bài thơ Nói với con và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới:
a. Lời tâm tình của nhà thơ Y Phương cho biết điều gì về hoàn cảnh ra đời của bài thơ Nói với con? Hoàn cảnh ấy có tác động như thế nào đến sự biểu đạt cảm xúc và hình tượng trong bài thơ?
b. Không chỉ nói về tình phụ tử, tình cảm gia đình, câu thơ “Người đồng mình thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con” còn thể hiện ý nghĩa gì? Vì sao nhà thơ thực sự trăn trở, tâm huyết với điều đó?
c. Qua lời giải thích của nhà thơ Y Phương, những hình ảnh trong các dòng thơ: “Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ” và “Vách nhà ken câu hát” là hình ảnh thực hay tưởng tượng? Vì sao?
d. Theo em, điều gì làm nhà thơ xúc động, trăn trở nhất khi viết bài thơ Nói với con?
Trả lời:
a. Hoàn cảnh ra đời: năm 1980, đất nước gặp vô vàn khó khăn khi mới thoát khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ gian khổ => tác động đến nội dung lời dặn dò trong bài thơ và cách nói chân thành, giản dị mong người con hiểu được lời dạy của cha mẹ.
b.– Ý nghĩa: thể hiện niềm tự hào về truyền thống văn hóa quê hương mình, khẳng định ý chí quyết tâm mạnh mẽ của người dân quê hương
– Nhà thơ thực sự trăn trở, tâm huyết với điều đó vì ông rất yêu quê hương, trân quý cội nguồn và truyền thống văn hóa dân tộc mình.
c. Là hình ảnh thực vì đứa con sinh ra có khởi điểm là cha, mẹ còn “Vách nhà ken câu hát” thì nói đến việc người con gái trong vách, người con trai ngoài vách hát cho nhau nghe, hát tràn đêm đến sáng bạch.
d. Điều khiến nhà thơ xúc động, trăn trở là niềm tin vào những giá trị tích cực vĩnh cửu của văn hóa.
Hoặc:
a. Lời tâm tình của nhà thơ Y Phương cho biết hoàn cảnh ra đời bài thơ là năm 1980, đất nước gặp vô vàn khó khăn khi mới thoát khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ gian khổ. Hoàn cảnh ấy đã tác động đến nội dung lời dặn dò trong bài thơ và cách nói chân thành, giản dị mong người con hiểu được lời dạy của cha mẹ, sống làm người tử tế, luôn ghi nhớ cội nguồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
b. – Thể hiện niềm tự hào về truyền thống văn hóa quê hương mình, khẳng định ý chí quyết tâm mạnh mẽ của người dân quê hương, tuy “thô sơ da thịt” nhưng chưa bao giờ chịu khuất phục bởi hoàn cảnh.
– Nhà thơ thực sự trăn trở, tâm huyết với điều đó vì ông rất yêu quê hương, trân quý cội nguồn và truyền thống văn hóa dân tộc mình.
c. Là hình ảnh thực.
d. Niềm tin vào những giá trị tích cực vĩnh cửu của văn hóa.
Câu 2 trang 122 Ngữ Văn 8 tập 2 KNTT
Chọn một tác phẩm của tác giả mà em đã biết và mong muốn tiếp tục tìm hiểu, khám phá. Đọc, cảm nhận về tác phẩm và trả lời những câu hỏi sau:
a. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm có điều gì đáng chú ý? Hoàn cảnh ấy có tác động như thế nào đến việc lựa chọn đề tài, thể hiện nội dung của tác phẩm?
b. Việc chọn đề tài, thể hiện nội dung, chủ đề của tác phẩm cho thấy tác giả quan tâm, xúc động, trăn trở nhất về điều gì?
c. Tưởng tượng nếu em là tác giả, điều gì sẽ làm em hứng thú nhất và đâu là điều em cảm thấy khó khăn nhất khi viết tác phẩm này?
d. Sau khi đã tìm hiểu kĩ tác phẩm, em nhận thấy nhan đề có mối liên quan như thế nào với đặc điểm nội dung, nghệ thuật của tác phẩm?
Trả lời:
Tác phẩm: Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường
a. Hoàn cảnh ra đời tác phẩm: Bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? Được viết tại Huế tháng 1 – 1981, in trong tập bút ký cùng tên. Tập sách gồm tám bài kí, viết ngay sau chiến thắng mùa xuân 1975 nên vẫn còn bừng bừng cảm hứng ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Hoàn cảnh sáng tác tại Huế khiến tác giả có dịp quan sát và chiêm nghiệm về dòng sông Hương, từ đó viết nên tác phẩm.
b. Việc chọn đề tài, thể hiện nội dung, chủ đề của tác phẩm cho thấy tác giả quan tâm, xúc động, trăn trở nhất về quê hương và những cảnh vật thuộc về nơi mình sinh ra, lớn lên và gắn bó suốt bao năm.
c. Điều làm em hứng thú nhất là vẻ đẹp của sông Hương nói riêng, vẻ đẹp của Huế nói chung khi viết về tác phẩm. Còn điều em cảm thấy khó khăn nhất khi viết là sử dụng ngôn từ và cách diễn đạt ra sao để người đọc có thể cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của dòng sông Hương, quan sát được dòng sông từ nhiều góc nhìn khác nhau để thêm yêu mến và tự hào về quê hương xứ sở.
d. Mối liên quan của nhan đề với đặc điểm nội dung, nghệ thuật của tác phẩm:
– Nhan đề “Ai đã đặt tên cho dòng sông đã dẫn dắt người đọc đến với cội nguồn tên gọi của dòng Hương thơ mộng.
– Bài bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đã lý giải tên dòng sông bằng một huyền thoại mỹ lệ của người dân làng Thành Chung.
– Lấy tên nhan đề cho bài bút ký dưới hình thức của một câu hỏi nhằm mục đích dẫn dắt, gợi mở người đọc về nguồn gốc tên gọi của dòng sông, nói lên những khát vọng, niềm tự hào của con người khi muốn mang cái đẹp, tiếng thơm để gây dựng, vun đắp cho văn hóa, lịch sử của xứ Huế.
– Nhan đề “Ai đã đặt tên cho dòng sông” cũng thể hiện được niềm biết ơn đối với những con người đã khai phá vùng đất này, bộc lộ niềm tự hào về vẻ đẹp của đất nước.
Bài trước:
👉 Soạn bài Đọc mở rộng trang 114 sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Kết Nối Tri Thức
Bài tiếp theo:
Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Thách thức đầu tiên: Đọc như một hành trình sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Kết Nối Tri Thức đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 8 tốt nhất!
“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com“