Soạn bài Thực hành các phép tu từ: phép điệp và phép đối sgk Ngữ văn 10 tập 2

Nội dung bài Soạn bài Thực hành các phép tu từ: phép điệp và phép đối sgk Ngữ văn 10 tập 2 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, phân tích, cảm nhận, thuyết minh, nghị luận,… đầy đủ các bài văn lớp 10 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn và ôn thi THPT Quốc gia.


I – LUYỆN TẬP VỀ PHÉP ĐIỆP (ĐIỆP NGỮ)

1. Câu 1 trang 124 Ngữ văn 10 tập 2

Đọc những ngữ liệu sau để trả lời các câu hỏi.

(1) Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra cánh biếc,
Em có chồng rồi anh tiếc em thay.
Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá mắc câu.
Cá mắc câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra.

(Ca dao)

(2) – Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

(Tục ngữ)

– Có công mài sắt có ngày nên kim.

(Tục ngữ)

– Bà con vì tổ vì tiên không phải vì tiền vì gạo.

(Tục ngữ)

a) – Ở ngữ liệu (1), nụ tầm xuân được lặp lại nguyên vẹn. Nếu anh (chị) thử thay thế bằng hoa tầm xuân hay hoa cây này,… thì câu thơ sẽ như thế nào? (Có gì khác về ý, hình ảnh và nhạc điệu? Có gợi được hình ảnh người con gái không?)

– Cũng ở ngữ liệu (1):

Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá mắc câu.
Cá mắc câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra.

Vì sao có sự lặp lại ở hai câu sau? Nếu không lặp lại như thế thì sự so sánh đã rõ ý chưa? Cách lặp này có giống với nụ tầm xuân ở câu trên không?

b) Trong các câu ở ngữ liệu (2), việc lặp từ có phải là phép điệp tu từ không? Việc lặp từ ở những câu đó có tác dụng gì?

c) Phát biểu định nghĩa về phép điệp.

Trả lời:

a) Ngữ liệu (1):

– Cụm từ nụ tầm xuân được lặp lại nguyên vẹn giúp:

+ Nhịp thơ như chững lại diễn tả sự thảng thốt và nuối tiếc của người con trai khi nghe tin cô gái mình yêu thương đi lấy chồng.

+ Nếu thay thế bằng cụm từ hoa tầm xuân sẽ làm mất đi ý nghĩa cô gái đang ở độ tuổi thiếu nữ (khi chưa lấy chồng) và không logic với vế sau nở ra cánh biếc. Nếu thay thế bằng cụm từ hoa cây này, cách biểu đạt mất vẻ đẹp thẩm mĩ và cũng đánh mất ý nghĩa như cụm từ hoa tầm xuân.

– Các cụm từ cá mắc câu, chim vào lồng lặp lại ở hai câu sau nhằm nhấn mạnh tình cảnh bị ràng buộc của cô gái. Không lặp lại như thế thì sự so sánh đã rõ ý nhưng không tô đậm được tâm trạng vô vọng và bi kịch bế tắc giữa hai người. Cách lặp này khác với nụ tầm xuân ở trên (nụ tầm xuân ở cuối câu 2 được lặp lại ở đầu câu 3 trong khi các cụm từ chim vào lồng, cá mắc câu cùng ở câu 2 nay tách ra để lặp lại ở đầu câu 3 và câu 4).

b) Việc lặp từ trong các ngữ liệu này không mang màu sắc tu từ mà chỉ nhằm tạo nhịp điệu, tạo tính cân đối, hài hòa để dễ thuộc, dễ nhớ.

c) Phép điệp: là biện pháp tu từ lặp lại một yếu tố ngôn ngữ nào đó (vần, nhịp, từ, cụm, từ) nhằm nhấn mạnh, biểu đạt cảm xúc hoặc tạo tính hình tượng cho ngôn ngữ nghệ thuật.


2. Câu 2 trang 125 Ngữ văn 10 tập 2

Bài tập ở nhà

a) Tìm ba ví dụ có điệp từ, điệp câu nhưng không có giá trị tu từ.

b) Tìm ba ví dụ trong những bài văn đã học có phép điệp.

c) Viết một đoạn văn có phép điệp theo nội dung tự chọn.

Trả lời:

a) Ba ví dụ có điệp từ, điệp câu nhưng không có giá trị tu từ: Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm; Lá lành đùm lá rách; Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.

b) Ba ví dụ trong những bài văn đã học có phép điệp:

Hương gượng đốt hồn đà mê mải
Gương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp.

c) Viết đoạn văn có phép điệp theo nội dung tự chọn.

Không gian dần chìm lắng trong đêm khuya tĩnh mịch. Mặt trăng tròn vành vạch dần nhô lên khỏi lũy tre làng, soi bóng xuống mặt sông, làm nó trở thành một đường trăng dát vàng. Hàng vạn ngôi sao như hàng vạn viên kim cương quý giá tô điểm thêm vẻ đẹp cho bầu trời đêm khuya. Đẹp biết bao đêm trăng quê hương!

Hoặc:

Quê hương là nơi mà ai đi xa cũng đều muốn trở về. Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, là nơi ta đã trải qua tuổi thơ đẹp đẽ dưới cánh diều sáo vi vu bên con sông quê êm đềm. Quê hương là nơi em bé lớn lên khỏe mạnh bằng dòng sữa ấm áp của mẹ và lời ru ầu ơ của bà. Quê hương là những ngày rong chơi trên những cánh đồng, ống quần găm đầy cỏ ấu. Quê hương là những chiều ngả người trên lưng trâu đọc sách hay bày trò trận giả với lũ bạn thân. Quê hương còn là những đêm trăng thành gió mát, bà trải chiếc chiếu con ra giữa sân, đàn cháu quây quần túm tụm ngồi nghe bà kể chuyện cổ tích. Quê hương cũng là nguồn nước mát nuôi dưỡng những phần tâm hồn trong trẻo của con người. Quê hương – hai tiếng gọi thiêng liêng và ấm áp mà mỗi khi nghe thấy đều khiến con người ta bồi hồi, thổn thức.


II – LUYỆN TẬP VỀ PHÉP ĐỐI

1. Câu 1 trang 125 Ngữ văn 10 tập 2

Đọc những ngữ liệu sau để trả lời các câu hỏi.

(1) – Chim có tổ, người có tông.

(Tục ngữ)

– Đói cho sạch, rách cho thơm.

(Tục ngữ)

– Người có chí ắt phải nên, nhà có nền ắt phải vững.

(Tục ngữ)

(2) Tiên học lễ: diệt trò tham nhũng,
Hậu hành văn: trừ thói cửa quyền.

(Câu đối, báo Giáo dục và Thời đại, số Xuân 2000)

(3) Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

(4) Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt
Trót đem thân thế hẹn tang bồng.

(Nguyễn Công Trứ)

a) Ở ngữ liệu (1) và (2), anh (chị) thấy cách sắp xếp từ ngữ có gì đặc biệt? Sự phân chia thành hai vế câu cân đối được gắn kết lại nhờ những biện pháp gì? Vị trí của các danh từ (chim, người; tổ, tông,…), các tính từ (đói, rách, sạch, thơm,…), các động từ (có, diệt, trừ,…) tạo thế cân đối như thế nào?

b) Trong ngữ liệu (3) và (4) có những cách đối khác nhau như thế nào?

c) Tìm một số ví dụ về phép đối trong Hịch tướng sĩ (Trần Hưng Đạo), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi), Truyện Kiều (Nguyễn Du) và thơ Đường luật. Đọc một vài câu đối mà anh (chị) nhớ được.

d) Phát biểu định nghĩa về phép đối.

Trả lời:

a) Ở ngữ liệu (1), (2), cách sắp xếp từ ngữ đặc biệt ở chỗ mỗi câu được tách thành hai vế có số tiếng bằng nhau khiến cả câu có tính nhịp nhàng, cân đối. Sự phân chia ấy được gắn kết bởi biện pháp đối. Vị trí của các danh từ (chim, người; tổ, tông), các tính từ (đói, rách; sạch, thơm), các động từ (có, diệt, trừ) đối nhau bởi chúng đứng ở những vị trí ngữ pháp giống nhau trong các vế.

b) Ngữ liệu (3) dùng tiểu đối (Khuôn trăng đầy đặn đối với nét ngài nở nangMây thua nước tóc đối với tuyết nhường màu da). Trong ngữ liệu (4), câu trên đối với câu dưới.

c) Một số ví dụ về câu đối:

– Trong “Bình Ngô đại cáo”: Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xứng đế một phương.

– Trong “Truyện Kiều”:

Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa

– Trong thơ Đường luật: Xiên ngang mặt đất rêu từng đám/Đâm toạc chân mây đá mấy hòn (Trích bài “Tự tình” II của Hồ Xuân Hương).

d) Định nghĩa: Phép đối là biện pháp sử dụng từ ngữ tạo nên sự cân đối về cấu trúc, hài hòa về âm thanh, nhịp điệu tạo nên nét nghĩa tương đồng hoặc tương phản để nhấn mạnh một nội dung nào đó.


2. Câu 2 trang 126 Ngữ văn 10 tập 2

Phân tích các ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi.

– Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng.

(Tục ngữ)

– Bán anh em xa, mua láng giềng gần.

(Tục ngữ)

a) Phép đối trong tục ngữ có tác dụng gì? Vì sao người ta không thể thay được những từ trong đó (ví dụ: nhiều người muốn thay bán và mua)? Phép đối phải dựa vào những biện pháp ngôn ngữ nào đi kèm (vần, từ, câu)?

b) Vì sao tục ngữ ngắn mà khái quát được hiện tượng rộng, người không học mà cũng nhớ, không cố ý ghi lại mà vẫn được lưu truyền?

Trả lời:

a) Phép đối trong tục ngữ có tác dụng tao nên nhạc điệu, tính hài hòa cân đối, dễ thuộc, dễ nhớ. Không thể thay thế những từ trong đó chúng đã được lựa chọn để đối nhau cả về từ loại và ý nghĩa, phù hợp với liên tưởng ngôn ngữ, thói quen ngôn ngữ của nhân dân. Phép đối thường dựa vào các biện pháp ngôn ngữ đi kèm về vần, từ, câu để phát huy hiệu quả.

b) Tục ngữ tuy ngắn nhưng cô đọng, có sức khái quát cao, giàu tính hình tượng. Bên cạnh đó, nhờ phép đối mà các câu tục ngữ càng dễ thuộc, dễ nhớ, dễ lưu truyền, dễ sử dụng. Tục ngữ đúc kết kinh nghiệm sống nghìn đời của nhân dân ta.


3. Câu 3 trang 126 Ngữ văn 10 tập 2

Bài tập ở nhà

a) Tìm mỗi kiểu đối một ví dụ.

b) Ra một vế đối cho các bạn cùng đối, kiểu như:

Tết đến, cả nhà vui như Tết.

Trả lời:

a) Tìm ví dụ về các kiểu đối:

– Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt/ Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng (Tú Xương)

– Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử/ Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

–  Mai cốt cách tuyết tinh thần/ Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười (Nguyễn Du)

– Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc  nửa soi dặm trường (Nguyễn Du)

b)  Ra một vế đối cho các bạn cùng đối.

Ví dụ: Tết đến, cả nhà vui như Tết.

Đối lại là: Xuân về, khắp nước trẻ cùng xuân.


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Thực hành các phép tu từ: phép điệp và phép đối sgk Ngữ văn 10 tập 2 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các em làm bài Ngữ văn thật tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com