Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 95 sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Hướng dẫn soạn Bài 4. Hài kịch và truyện cười. Nội dung bài Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 95 sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 8, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT

Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn

Câu 1 trang 95 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Xác định nghĩa hàm ẩn của những câu dưới đây:

a) Nói thật với ông: Chú em rể tôi vừa trúng chủ tịch huyện, chú ấy nể tôi lắm. (Lưu Quang Vũ)

b) Thằng cha lang băm nào cho anh đơn mua cái kính này thế? (Nê-xin)

c) Cậu phải đi khám bệnh viện nhà nước xem sao! (Nê-xin)

Trả lời:

a) Lời của nhân vật ông Nha, ý hàm ẩn: Tôi có một chỗ dựa đáng tin cậy. Đó là một người thân có chức quyền cao ở huyện (chủ tịch huyện).

b) Lời của ông bác sĩ khám mắt cho nhân vật “tôi”, ý hàm ẩn: Vị bác sĩ đã khám và kê đơn trước đó cho nhân vật “tôi” là một thầy lang dốt, phán bừa bãi để kiếm tiền.

c) Lời khuyên của một người bạn thân với nhân vật “tôi”, ý hàm ẩn: Bệnh viện nhà nước có nhiều bác sĩ giỏi, có chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn các cơ sở tư nhân.

Hoặc:

a) Khoe khoang mối quan hệ của mình với lãnh đạo cấp trên.

b) Chê bai bác sĩ đã cắt thuốc cho nhân vật “tôi”.

c) Chê bai bệnh viện tư nhân khám không uy tín bằng bệnh viện nhà nước.


Câu 2 trang 95 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Đọc đoạn văn dưới đây (trích tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố) và thực hiện các yêu cầu nêu sau đó:

Chị Dậu vừa nói vừa mếu:

– Thôi u không ăn, để phần cho con. Con chỉ được ăn ở nhà bữa này nữa thôi. U không muốn ăn tranh của con. Con cứ ăn thật no, không phải nhường nhịn cho u.

Cái Tí chưa hiểu hết ý câu nói của mẹ, nó xám mặt lại và hỏi bằng giọng luống cuống:

– Vậy thì bữa sau con ăn ở đâu?

Điểm thêm một giây nức nở, chị Dậu ngó con bằng cách xót xa:

– Con sẽ ăn ở nhà cụ Nghị thôn Đoài.

a) Nêu nghĩa hàm ẩn của những câu in đậm. Vì sao chị Dậu không dám nói thẳng với con mà phải dùng câu có nghĩa hàm ẩn?

b) Nghĩa hàm ẩn trong câu nói nào của chị Dậu rõ hơn? Vì sao chị Dậu phải nói rõ hơn như vậy?

Trả lời:

a) Nghĩa hàm ẩn trong câu:

– Con chỉ được ăn ở nhà bữa này nữa thôi: đây là bữa cuối cùng của cái Tí khi ở nhà.

– Con sẽ ăn ở nhà cụ Nghị thôn Đoài: chị Dậu sẽ đem bán cái Tí cho nhà cụ Nghị.

Chị Dậu không dám nói thẳng với con mà phải dùng câu có nghĩa hàm ẩn vì chị quá thương con, không nỡ nói ra điều quá đau lòng với mình và với cái Tí.

b) Nghĩa hàm ẩn trong câu “Con sẽ ăn ở nhà cụ Nghị thôn Đoài” rõ hơn. Chị Dậu phải nói rõ như vậy vì thấy cái Tí chưa hiểu câu nói trước của mình.

Hoặc:

a) Nghĩa hàm ẩn của các câu:

– “Con chỉ được ăn ở nhà bữa này nữa thôi”: Đây là bữa ăn cuối cùng của cái Tí ở nhà, Tí sắp phải xa nhà.

– “Con sẽ ăn ở nhà cụ Nghị thôn Đoài”: Chị Dậu sẽ đem cái Tí bán cho nhà cụ Nghị thôn Đoài.

⇒Chị Dậu không dám nói thẳng với con vì chị sợ sẽ tổn thương đứa nhỏ sâu sắc

b) Nghĩa hàm ẩn trong câu “Con sẽ ăn ở nhà cụ Nghị thôn Đoài” rõ hơn vì chị Dậu muốn cho Tí biết rõ nơi mà Tí sắp đến ở.


Câu 3 trang 96 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Ghép câu tục ngữ ở cột bên trái với nghĩa hàm ẩn tương ứng ở cột bên phải:

Tục ngữ Nghĩa hàm ẩn
a) Cái nết đánh chết cái đẹp 1) việc làm ra thóc gạo vô cùng vất vả, khó nhọc
b) Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi 2) có danh tiếng tốt quan trọng hơn có nhiều của cải, tiền bạc
c) Một điều nhịn chín điều lành 3) cái đẹp về đạo đức có giá trị cao hơn hẳn cái đẹp bề ngoài
d) Một nghề cho chín còn hơn chín nghề 4) nhẫn nhịn sẽ giúp tránh được những điều không hay
e) Tốt danh hơn lành áo 5) thành thạo, tinh thông một nghề còn hơn biết nhiều nghề không đến nói đến chốn

Trả lời:

a – 3 b – 1 c – 4 d – 5 e – 2

Câu 4 trang 96 Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Viết một đoạn văn (khoảng 5 – 7 dòng) nêu cách hiểu về một câu tục ngữ mà em thích và bài học em rút ra được từ câu tục ngữ đó.

Trả lời:

Tục ngữ Việt Nam có nhiều câu mang ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc. Một trong số đó là câu tục ngữ là em thích “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Nghĩa tường minh (nếu chịu khó mài thì có thể biến một thanh sắt thành chiếc kim), có thể suy ra nghĩa hàm ẩn của câu này là: Kiên trì tất sẽ thành công. Từ câu tục ngữ này em rút ra cho mình bài học: Trong học tập cũng như mọi việc, để đạt được kết quả tốt, cần phải kiên trì, nhẫn nại; không ngại khó, ngại khổ; không nản chí, sơn lòng.

Hoặc:

Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” nói lên tầm quan trọng của môi trường trong cuộc sống của con người. Xét theo nghĩa đen, “mực” là một loại chất lỏng, dùng để in hoặc viết. Còn “đèn” là một đồ vật, có thể phát ra ánh sáng. Xét theo nghĩa bóng, “mực” gợi đến những điều tăm tối, xấu xa. Còn “đèn” ý chỉ những điều sáng rõ, tốt đẹp. Như vậy, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” muốn nói đến ảnh hưởng của môi trường đối với con người. Chúng ta sống trong môi trường xấu, thường xuyên tiếp xúc với người xấu thì sẽ dễ bị nhiễm thói hư tật xấu. Ngược lại, chúng ta sống trong môi trường tốt, tiếp xúc với những người tốt thì ta sẽ học hỏi được điều hay, trở thành người có ích. Bên cạnh đó, vẫn có những người không chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Họ vẫn giữ được lối sống đẹp đẽ, nhân cách tốt đẹp dù sống trong hoàn cảnh xấu xa. Những tấm gương như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đều là các bậc ẩn sĩ, từ bỏ chốn quan trường xô bồ để tìm về với thiên nhiên, quê hương. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” đã giúp người đọc có được một lời khuyên quý giá.


Bài trước:

👉 Soạn bài Cái kính sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 95 sgk Ngữ Văn 8 tập 1 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 8 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com