Soạn bài Trao đổi về một vấn đề sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Hướng dẫn soạn Bài 2. Thơ bốn chữ, năm chữ. Nội dung bài Soạn bài Trao đổi về một vấn đề sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 7, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


NÓI VÀ NGHE

Trao đổi về một vấn đề

1. Định hướng

a) Để có thể hiểu đúng hơn một vấn đề, các em thường phải trao đổi về vấn đề đó. Vấn đề trao đổi có thể là một hiện tượng đời sống hoặc một vấn đề văn học. Ví dụ:

– Trao đổi về hiện tượng thiếu tôn trọng trong giao tiếp.

– Trao đổi về nội dung hoặc nghệ thuật của một bài thơ bốn chữ, năm chữ.

b) Để trao đổi về một vấn đề, các em cần chú ý:

– Lựa chọn vấn đề cần trao đổi (một hiện tượng đời sống hoặc đặc điểm nội dung, nghệ thuật của một khổ thơ, đoạn thơ hay cả bài thơ bốn chữ năm chữ).

– Xác định các nội dung ý kiến cần trao đổi.

– Trao đổi, thảo luận trong nhóm về vấn đề đó.

– Khi trao đổi, cần nêu rõ cách hiệu hoặc quan điểm của bản thân, đồng thời, tôn trong các ý kiến khác.


2. Thực hành

Bài tập trang 55 Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Trong các bài thơ “Mẹ” (Đỗ TrungLai), “Ông đồ” (Vũ Đình Liên), “Tiếng gà trưa”(Xuân Quỳnh), em thích nhất bài thơ nào? Vì sao?

a) Chuẩn bị (Về bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh)

– Xem lại nội dung đọc hiểu bài thơ Tiếng gà trưa.

– Xác định những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

Trả lời:

Những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Tiếng gà trưa:

– Nội dung: Tiếng gà trưa đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm gia đình đã làm sâu sắc thêm tình quê hương đất nước.

– Nghệ thuật: Thể thơ 5 chữ với cách diễn đạt tự nhiên; điệp câu, điệp từ; hình ảnh thơ bình dị, chân thực.

b) Tìm ý và lập dàn ý

– Tìm ý cho bài nói bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

+ Trong bài thơ, em thích hoặc ấn tượng với điều gì nhất? →Trong bài thơ em ấn tượng nhất với cách triển khai ở khổ thơ cuối cùng.

+ Điều đó đã được thể hiện ở những yếu tố nào? → Điều đó được thể hiện ở nội dung: tình yêu của người cháu được thể hiện thu hẹp dần, bao quát là tình yêu Tổ Quốc, tiếp đến là yêu xóm làng thân thuộc rồi đến yêu bà, yêu những gì gắn bó với bà (con gà, ổ trứng); được thể hiện ở hình thức điệp cấu trúc: vì+…

+ Vì sao em thích hoặc ấn tượng với điều đó? → Em thích điều đó là bởi lặp lại cấu trúc gây ấn tượng, nội dung được nhấn mạnh và đặc biệt là thể hiện được tình cảm cảm xúc của tác giả rõ nét.

– Lập dàn ý cho bài nói bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

Mở đầu Nêu điều em thích hoặc ấn tượng nhất ở bài thơ. Ví dụ: Trong bài thơ Tiếng gà trưa, tác giả đã rất thành công khi sử dụng một số biện pháp tu từ đặc sắc.
Nội dung chính Nêu ý kiến cụ thể của em về các biện pháp tu từ đặc sắc đã xác định ở phần mở đầu. Ví dụ: Ở khổ thơ: “Nghe xao động nắng trưa – Nghe bàn chân đỡ mỏi / Nghe gọi về tuổi thơ”, nhà thơ đã dùng biện pháp “ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, lấy thính giác (nghe) thay cho thị giác (thấy) và việc lặp lại ba lần ở đầu dòng thơ động từ nghe có tác dụng đem lại ấn tượng như tiếng gà ngưng lại, làm xao động không gian và cũng làm xao động cả lòng người. Tiếng gà cũng làm kí ức ta quay lại với những kỉ niệm của tuổi thơ.” (Đinh Trọng Lạc).
Kết thúc Khẳng định lại ý kiến của bản thân. Ví dụ: Các biện pháp tu từ đã mang lại cho bài thơ một vẻ đẹp rất đặc sắc về nghệ thuật ngôn từ.

c) Nói và nghe

Bài nói tham khảo:

Kính thưa thầy/ cô giáo và các bạn! Trong những tiết học trước chúng ta đã được tìm hiểu các bài thơ “Mẹ” (Đỗ Trung Lai), “Ông đồ” (Vũ Đình Liên), “Tiếng gà trưa” (Xuân Quỳnh). Trong các bài thơ đó em thích nhất khổ thơ cuối bài “Tiếng gà trưa”:

“Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ Quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ”. 

Đoạn thơ trên là lời tâm sự chân thành của đứa cháu chiến sĩ trên đường ra tiền tuyến gửi về người bà kính yêu ở hậu phương. Từ tình cảm cụ thể là tình bà cháu đến tình cảm lớn lao như lòng yêu Tổ quốc, yêu xóm làng thân thuộc đều được biểu hiện bằng hình thức nghệ thuật giản dị, mộc mạc như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Mục đích chiến đấu của người cháu được thể hiện rõ nét thông qua biện pháp điệp từ “vì” và điệp cấu trúc “vì+ yêu Tổ Quốc”, “vì + xóm làng thân thuộc”, “vì+ bà”, “vì+ tiếng gà”. Mục đích chiến đấu trước hết là yêu nước sau là yêu quê hương rồi mới đến gia đình. Đó là mục đích chiến đấu cao cả, thiêng liêng. Những vần thơ giản dị như lời ăn tiếng nói hàng ngày đó lại gây xúc động sâu sắc bởi nhà thơ đã nói giúp chúng ta những điều thiêng liêng nhất của tâm hồn.

Trên đây là bài trình bày của tôi về một điều mà tôi ấn tượng nhất khi đọc bài thơ Tiếng gà trưa, cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Tham khảo hướng dẫn kiểm tra và chỉnh sửa đã nêu ở Bài 1, mục d (trang 38).

Người nói Người nghe
– Đối chiếu với dàn ý để xem xét nội dung ý kiến đã trình bày, cách dẫn dắt, các lí lẽ và bằng chứng.
– Rút kinh nghiệm về cách phát biểu: cách diễn đạt, ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ, …
– Xem xét lại nội dung, cách thức trả lời câu hỏi và ý kiến trao đổi với các bạn.
– Hiểu đúng và tóm tắt được các thông tin từ người nói bằng văn bản (ý kiến, lí lẽ, …).
– Tập trung chú ý theo dõi người nói; thể hiện sự mạnh dạn, cầu thị và thái độ hoà nhã, lịch sự khi trao đổi với người nói.

BÀI NÓI THAM KHẢO

Trong các bài thơ “Mẹ” (Đỗ Trung Lai), “Ông đồ” (Vũ Đình Liên), “Tiếng gà trưa” (Xuân Quỳnh), em thích nhất bài thơ nào? Vì sao?

Bài nói tham khảo 1:

Trong ba bài thơ trên, em thích nhất bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai. Bài thơ kể về cảm xúc của người con trước sự ngày càng già đi của mẹ mình. Qua việc so sánh, đối chiếu hình ảnh mẹ và hình ảnh cây cau càng làm nổi bật sự già đi, yếu đi của mẹ trong sự xót xa, tiếc nuối vì không làm được gì của người con. Người mẹ đã dành cả cuộc đời làm lụng, vất vả, đảm bảo cho con có cuộc sống vui vẻ, đầy đủ, ấm no và hạnh phúc. Vì vậy, trước sự già đi của mẹ, người con cảm thấy xót xa, buồn bã vì mình chưa làm được nhiều điều cho mẹ, chưa báo hiếu cho mẹ được trọn vẹn. Vậy mà mẹ ngày càng già yếu đi, mọi biểu hiện đều in hằn trên vóc dáng, ngoại hình của mẹ. Sự bất lực của người con như thốt ra thành lời, hỏi trời, hỏi mình nhưng đáp án là không thể thỏa mãn. Qua cách diễn đạt ấy, ta có thể cảm nhận được tình cảm của người con dành cho mẹ của mình đó là tình yêu thương, trân trọng, nâng niu và mong muốn mẹ có thể sống thật lâu, thật hạnh phúc. Bài thơ cho ta thấy tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp, thắm thiết thể hiện qua sự xót xa, tiếc nuối của người con.

Bài nói tham khảo 2:

Trong các bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai), Ông đồ (Vũ Đình Liên), Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh), em thích nhất bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh. Bài thơ là những kỷ niệm và tình cảm đẹp giữa bà và cháu. Em rất ấn tượng với hình ảnh người bà nâng niu, chăm chút cho người cháu từng li từng tí. Bà chăm đàn gà nhỏ để dành dụm tiền mua cho cháu quần áo mới, thắp lên những ước mơ và hi vọng tuổi nhỏ. Tiếng gà đã trở nên thân quen và in sâu trong tiềm thức người cháu để mỗi khi nghe thấy âm thanh thân thuộc ấy, cháu lại nhớ về bà và những tình cảm trìu mến năm xưa. Bài thơ cũng khiến em nghĩ về bà, biết ơn những tháng ngày được quấn quít nghe bà kể chuyện, gãi lưng cho nằm ngủ. Những tình cảm trong bài Tiếng gà trưa nhắc nhở em về tình cảm gia đình thiêng liêng tốt đẹp, trân quý quãng thời gian được ở cùng người nhà.


Bài trước:

👉 Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Tự đánh giá: Một mình trong mưa sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Trao đổi về một vấn đề sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 7 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com