Soạn bài Trao duyên sgk Ngữ văn 10 tập 2

Nội dung bài Soạn bài Trao duyên sgk Ngữ văn 10 tập 2 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, phân tích, cảm nhận, thuyết minh, nghị luận,… đầy đủ các bài văn lớp 10 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn và ôn thi THPT Quốc gia.


TRUYỆN KIỀU

NGUYỄN DU

Phần hai: CÁC ĐOẠN TRÍCH

TRAO DUYÊN

TIỂU DẪN

Bọn sai nha gây nên vụ án oan sai đối với gia đình Thúy Kiều, nàng buộc phải hi sinh mối tình với Kim Trọng, bán mình lấy tiền hối lộ cho chúng để cứu cha và em khỏi đòn tra khảo dã man. Việc bán mình đã thu xếp xong xuôi, Kiều ngồi trắng đêm nghĩ đến thân phận và tình yêu rồi nàng nhờ em gái là Thúy Vân thay mình kết duyên với Kim Trọng. Đoạn trích sau đây (từ câu 723 đến câu 756) là lời Thúy Kiều nói cùng Thúy Vân.


VĂN BẢN

“… Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan (1) chắp mối tơ thừa mặc em.

Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề (2).
Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiếu tình (3) khôn lẽ hai bề vẹn hai.

Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối (4) hãy còn thơm lây.

Chiếc vành với bức tờ mây (5),
Duyên này thì giữ vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc (6) ắt lòng chẳng quên.

Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa (7).
Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy so tơ phím này (8).

Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về (9).
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu (10) đền nghì trúc mai (11).

Dạ đài (12) cách mặt khuất lời,
Rưới xin giọt nước cho người thác oan.
Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

Trăm nghìn gửi lạy tình quân (13),
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

(Theo ĐÀO DUY ANH, Từ điển “Truyện Kiều”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974)

Dưới đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Trao duyên sgk Ngữ văn 10 tập 2 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Nội dung chi tiết câu trả lời từng câu hỏi các bạn xem dưới đây:


HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

Bố cục: 3 phần

– Phần 1: 12 câu đầu: Thúy Kiều tìm cách thuyết phục, trao duyên cho Thúy Vân.

– Phần 2: 14 câu tiếp: Thúy Kiều trao kỉ vật cho em và dặn dò em.

– Phần 3: 8 câu còn lại: Tâm trạng đau đớn, tuyệt vọng của Thúy Kiều.

Nội dung chính:

Việc bán mình thu xếp xong xuôi, Kiều ngồi thao thức trắng đêm nghĩ đến thân phận và tình yêu lỡ dở của mình. Nàng khẩn khoản nhờ Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho chàng Kim.


1. Câu 1 trang 106 Ngữ văn 10 tập 2

Việc Kiều nhắc đến các kỉ niệm của tình yêu có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Ý nghĩa của việc Kiều nhắc đến các kỉ niệm của tình yêu:

– Kiều hồi tưởng lại đêm thề nguyền và sống lại với những kỉ niệm sâu sắc và tuyệt đẹp của tình yêu: quạt ước (chiếc quạt ước hẹn trăm năm), chén thề (chén rượu thề nguyền chung thủy), kỉ niệm đốt hương, gảy đàn bên nhau, các kỉ vật chiếc vành, bức tờ mây,…

– Đối với Kiều, mối tình giữa nàng và Kim Trọng vô cùng chân thành, sâu sắc, thiêng liêng, không thể phai mờ.

– Kiều trao vật, trao duyên cho em nhưng không thể trao tình, nàng đau đớn xót xa tột độ khi phải phá vỡ lời hẹn ước.

– Những kỉ niệm đẹp đẽ về tình yêu với chàng Kim có một sức sống mãnh liệt.

⇒ Nhấn mạnh tình yêu sâu nặng, gắn bó bền chặt của Kim – Kiều.


2. Câu 2 trang 106 Ngữ văn 10 tập 2

Hãy tìm những từ ngữ cho thấy Kiều đã nghĩ đến cái chết. Việc tập trung dày đặc những từ ngữ đó có ý nghĩa gì?

Trả lời:

– Những từ ngữ cho thấy Kiều đã nghĩ đến cái chết: thịt nát xương mòn, ngậm cười chín suối, người mệnh bạc, mất người, thấy hiu hiu gió thì hay chị về, hồn, dạ đài, người thác oan 

– Việc tập trung dày đặc những những từ ngữ này cho thấy:

+ Bi kịch cuộc đời (phải bán mình, phải phụ lại mối tình đầu) khiến Kiều cảm thấy mình như đã chết, không còn tuổi xuân, không còn hạnh phúc, không còn hi vọng.

+ Ám ảnh về cái chết vừa bộc lộ nỗi đau đớn, cay đắng cho số phận vừa gợi ra những dự cảm đen tối về quãng đời phía trước.

+ Nhiều lần nhắc đến cái chết, Thúy Kiều cũng bộc lộ ý thức sâu sắc về bản thân, nàng tự coi mình là một người chết oan, vì hoàn cảnh mà phải phụ lại tình yêu với Kim Trọng. Mất tình yêu, cuộc sống của nàng cũng không còn ý nghĩa gì nữa.

⇒ Ngòi bút của Nguyễn Du đoạn này thấm đẫm giá trị nhân đạo sâu sắc.


3. Câu 3 trang 106 Ngữ văn 10 tập 2

Kiều đối thoại với những ai? Phân tích diễn biến tẩmtạng của Kiều qua các lời thoại trong đoạn trích.

Trả lời:

– Trong đoạn trích, Kiều đối thoại với Thúy Vân, với chính mình và với Kim Trọng (dù Kim Trọng vắng mặt).

– Đối thoại với Thúy Vân:

+ Kiều tha thiết, khẩn nài, trang trọng nhờ em thay mình kết duyên với Kim Trọng (hành động trang trọng, kì lạ, tôn kính với em: ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa; khẩn nài, van xin em có chịu lời, sẽ thưa; ủy thác hoàn toàn cho em, không cho em có sự lựa chọn khác: chắp mối tơ thừa mặc em).

+ Xót xa, cay đắng bày tỏ lí do phải để em nhận mối tơ thừa (hoàn cảnh khách quan éo le sự đâu sóng gió bất kì, nàng đành chọn lấy chữ hiếu; tình cảm với chàng Kim thiêng liêng, sâu nặng, đã thề nguyền đính ước; Chỉ có Vân mới giúp được Kiều với tuổi xuân phía trước, lại có tình chị em máu mủ với Kiều).

– Khi trao kỉ vật, Kiều vừa nói với Vân vừa nói với chính mình:

+ Sống lại những kỉ niệm tình yêu đẹp đẽ, vừa đau đớn khi phải trao kỉ vật tình yêu, vừa giằng xé dữ dội (duyên này thì giữ vật này của chung).

+ Ám ảnh về cái chết và tự thương xót cho số phận oan khuất của mình: tự coi mình là người đã chết, xót thương cho số phận ngang trái, éo le của chính mình.

+ Đau khổ tột độ vì mối tình đầu tan vỡ: Bây giờ trâm gãy gương tan…/…/Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi. Than thân trách phận: Phận sao phận bạc như vôi/Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

– Đối thoại với Kim Trọng: mặc cảm tội lỗi vì tự cho rằng mình đã phụ tình chàng Kim Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.


4. Câu 4 trang 106 Ngữ văn 10 tập 2

Nhận xét về mối quan hệ giữa tình cảm và lí trí, nhân cách và thân phận của Kiều qua đoạn trích.

Trả lời:

Nhận xét về mối quan hệ giữa tình cảm và lí trí, nhân cách và thân phận của Kiều qua đoạn trích:

– Tình cảm và lí trí của Kiều có sự giằng xé và mâu thuẫn dữ dội trong đoạn trích: lí trí buộc nàng phải trao duyên để giữ đúng lời thề ước với Kim Trọng nhưng nỗi đau đớn, thổn thức vì tình yêu tan vỡ cũng giày xéo trái tim của nàng. Dù vậy, Kiều vẫn kiên quyết chọn bổn phận, chọn trách nhiệm giữ lời thề của mình bằng cách cầu xin em gái giúp mình trả nghĩa cho Kim Trọng.

– Dù thân phận nhỏ bé, bất hạnh và chịu thiệt thòi nhưng Thúy Kiều có một nhân cách trong sáng, giàu tự trọng, có tình có nghĩa và luôn chủ động cố gắng làm những gì có thể để sống trọn vẹn, nghĩa tình với người thân yêu (bán mình chuộc cha, trao lại tình yêu cho em để trả nghĩa cho Kim Trọng). Nàng nguyện hi sinh thân mình, hi sinh tình yêu của mình vì người khác.


CÁC BÀI VĂN HAY


Bài trước:

Bài tiếp theo:


Xem thêm:

Trên đây là phần Hướng dẫn Soạn bài Trao duyên sgk Ngữ văn 10 tập 2 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các em làm bài Ngữ văn thật tốt!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com